Khi còn ở Việt Nam, cứ mỗi độ xuân về, tôi có cảm giác là mỗi năm, tôi già đi thêm 3 tuổi, chớ không phải như theo lệ thường mỗi năm con người chỉ tăng thêm một tuổi thôi. Tại sao vậy? Vì tôi lo cho công việc gấp 3 gấp 4 lần hơn thường ngày. Và bắt đầu lo từ 3 tháng trước Tết, tháng 11, tháng chạp và tháng giêng dương lịch, tôi lo cho tới ngày mùng 1 Tết, ngày khai trương tuồng mới của đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Sau đó tôi mới được yên ổn mà ăn một cái Tết như mọi người dân bình thường khác.
Xin nói ngay là vì tôi chịu trách nhiệm Giám đốc kỹ thuật của đoàn hát nên mỗi khi tập tuồng mới, nhất là tuồng để hát trong dịp đầu Xuân, dù là tuồng của bất kỳ của soạn giả nào, tôi cũng có trách nhiệm phải chăm sóc phần tranh cảnh, ánh sáng và phục trang cho vở tuồng đó. Tất nhiên là có sự góp ý của soạn giả, họa sĩ và có sự góp sức của các anh sếp ngành chuyên môn ánh sáng, trang trí và phục trang.
Cũng cần biết là từ năm 1950 đến đầu năm 1960, ngoại trừ anh Năm Châu với đoàn Việt Kịch Năm Châu, các soạn giả khác thì phải tùy theo ý thích của ông bà bầu gánh hát mà liệu định cho phần dàn cảnh và phục trang của các diễn viên trong tuồng của mình.
Hồi đầu thập niên 50, nhiều gánh hát cải lương chuyên hát các loại tuồng kiếm hiệp La Mã của các soạn giả Mộng Vân, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Quang Phục, Lâm Tồn, nên y phục tuồng hát được may đồng loạt cho các vai Hoàng Tử, Công Chúa, Vua, Hoàng Hậu, Hiệp Sĩ, kẻ cướp, chủ quán và quân lính phe bên nầy hay bên phe đối nghịch. Tuồng nào cũng xử dụng những y phục đó, đổi qua đổi lại, miễn là lạ và đẹp sân khấu, không cần biết có đúng theo mẫu phục trang của dân tộc được quy định trong tuồng hát hay là không.
Chưa kể có những trường hợp ngoại lệ, một vài kép chánh, đào võ mặc trang phục hoàng tử hay công chúa nhưng tự động mang thêm ghết tay, khăn choàng kiểu hiệp sĩ Zéro của phim ảnh Pháp, hoặc để đầu trần chảy tóc kiểu tango, thoa brillantine bóng lưỡng. Lúc đó người ta thấy chướng mắt nên phán cho một câu là ăn mặc lố lăng như cải lương.
Sau năm 1954, hòa bình lập lại, các gánh hát có thể hát thường trực ở một rạp như Kim Chung hát thường trực ở rạp hát Aristo đường Lê Lai và rạp Olympic đường Hồng Thập Tự, gánh hát Thanh Minh hát thường trực tại rạp Thành Xương, sau đó hát thường trực tại rạp Hưng Đạo. Các đoàn hát Bầu Thắng - Minh Tơ hát thường trực tại đình Cầu Quan, đoàn Tấn Thành Ban thường trực tại đình Cầu Muối, đoàn Tấn Thành Ban - Tư Châu hát thường trực tại đình Minh Phụng. Nhiều đoàn hát bội của bầu Minh Biện, bầu Ba Dực, bầu Huỳnh cũng hát thường trực trong nhiều đình ở trung tâm Sàigòn. Đó là chưa kể những đại ban cải lương như đoàn hát Kim Thanh, Kim Chưởng, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Phước Chung, Trăng Mùa Thu, Hoa Sen, Kim Thoa luân phiên hát ở các rạp Nguyễn Văn Hảo, Thành Xương, Quốc Thanh, Thủ Đô, Hào Huê.
Nhiều báo hàng ngày như tờ Saigon Mới, Tiếng Dội Miền Nam, Tiếng Chuông, Trắng Đen đều có trang kịch trường nên thường có bài phê bình các vở tuồng và nghệ thuật diễn xuất của các diễn viên, vì vậy mà các đoàn hát phải thận trọng nghiên cứu về trang trí, phục trang, âm nhạc và lối diễn xuất sao cho đúng với nội dung tuồng.
Trong những năm từ 1955 đến đầu năm 1960, các đoàn hát ít hát loại tuồng kiếm hiệp La Mã kiểu tuồng của soạn giả Mộng Vân mà chuyển qua diễn các vở tuồng thuộc loại Dã Sử Việt Nam và tuồng xã hội Việt Nam. Do đó, là Giám đốc kỹ thuật của đoàn hát, tôi phải đi sưu tầm tài liệu về y trang, nhà cửa và các đồ dùng trong nhà của dân chúng hay các vua chúa khi diễn các vở tuồng dã sử. Những tài liệu đó chỉ có thể tra cứu trong các thư viện của Trung Tâm Học Liệu, Thư Viện Saigon, Thư viện trường Mỹ Thuật Gia Định hoặc ở Viện Bảo Tàng Saigon (trong Sở thú, do ông Vương Hồng Sển làm Giám đốc).
Chỉ nói riêng về y trang, phục trang, diễn tuồng Tàu thì các nhân vật đời Hán, Đường, Tống, Minh thì có thể dùng theo các kiểu phục trang may theo kiểu của các đoàn hát Quảng: long bào, long chấn, áo bố tử, đội mão cửu long hoặc cữu phụng, mão võ tướng hay bịt khăn Anh hùng cân. Chỉ cần chế biến thay đổi đôi chút. Riềng về đời Mãn Thanh thì y phục, trang phục có kiểu mẫu riêng của đời Mãn Thanh.
Hát tuồng dã sử Việt Nam thì phải tốn công nghiên cứu nhiều hơn, kỹ hơn. Một ví dụ nhỏ: Trang trí hình cột rồng trong triều đình trên sân khấu, trên y trang, con rồng thời Lý khác với con rồng thời Trần và cũng khác với con rồng thời Hồ, thời Lê, thời Mạc. Phần lớn các gánh hát vẽ hình con rồng theo lối con rồng của Tàu...
Rắc rối nhất không phải là các phục trang của các triều đại bên Tàu hoặc các triều đại của vua chúa Việt Nam xa xôi, vì phần đông khán giả biết hát trên sân khấu là tượng trưng chớ không thể y như thật, phục trang, trang trí của các thời đại đó đều được «cách điệu hóa» rồi. Khán giả tin tưởng là soạn giả, họa sĩ và những nhà thiết kế về phục trang, y trang của đoàn hát có nghiên cứu và vẽ kiểu mẫu đúng nhất để cho thợ chuyên môn thực hiện. Rắc rối nhất mà chúng tôi gặp phải chính là y trang, phục trang của các nhân vật nam, nữ Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay.
Còn nhớ năm 1960, đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát vở tuồng «Thầy Cai Tổng Bồi» của tôi và Viễn Châu họp soạn nhưng để tên soạn giả Bảo Quốc (tức Năm Nghĩa) do theo yêu cầu của bà Bầu Thơ nhân dịp giỗ một năm sau ngày mất của nghệ sĩ Năm Nghĩa, chồng bà. Khách được mời dự ngày cúng giỗ nghệ sĩ Năm Nghĩa sẽ xem vở hát Thầy Cai Tổng Bồi, đó là những nhà trí thức, khoa bảng, thân hữu của gia đình bà Bầu Thơ, các vị chủ báo như Trần Tấn Quốc, Vương Hồng Sển, Đinh Văn Khai, luật sư Dương Tấn Trương và hầu hết các ký giả kịch trường nổi danh của thời đó như Nguyễn Ang Ca, Sơn Nam, Tô Yến Châu, Lê Hiền, Phùng Mậu, Tam Ích, Sĩ Trung, Ngọc Linh, Hoài Ngọc, Kiên Giang, Phi Sơn, Trọng Minh...
Tuồng Thầy Cai Tổng Bồi kể một chuyện thời khai hoang của miền đất Cà mau vào đầu thập niên 1920, có những nhân vật như thầy cai tổng, hương quản, làng xã, dân nghèo, có đám cưới, có cảnh dân giàu và nghèo ở Saigon cũng vào những năm từ 1920 đến 1930.
Ông Vương Hồng Sển, nhà văn Sơn Nam làm cố vấn cho tôi khi tôi đi sưu tầm các tài liệu cần thiết cho các họa sĩ và thợ may của đoàn hát. Sau đó tôi làm việc với các họa sĩ Thiếu Linh, Phan Phan, Nguyễn Quyền để lo vẽ cảnh trí và mẫu y trang, phục trang; ông Tám Trống và vợ tôi thực hiện các mẫu vẽ y trang.
Quần áo của người bình dân (các vai của Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Hoàng Giang, Kim Giác khi còn là nông dân trốn sâu thuế):
Đàn ông lúc làm lụng thường mặc quần đùi hay quần lỡ và chiếc áo lá không cổ, không tay hoặc ngắn tay, được nhuộm màu nâu bằng vỏ cóc hay nhuộm đen bằng vỏ trâm bầu với bùn non. Loại áo quần được may bằng vải ta nên còn gọi là áo bả.
Một loại áo chít» (áo chiếc) còn được gọi là áo «cổ giữa» hay áo «cổ trịt» (cổ trệt). Áo cổ giữa là áo ngắn, gài nút trước ngực, không bâu, nếu là áo nam thì có xẻ nách, còn áo nữ thì bít kín.
Bài thơ tả Ông Làng hát bội của Học Lạc có nhắc đến loại áo nầy:
Trong bụng trống trơn mang cổ giữa
Trên đầu trọc lóc bịt khăn ngang.
Đàn bà hay đàn ông đều mặc quần đáy lá nem. Chiếc quần có hai màu. Phần đáy và hai ống quần bằng vải màu nâu hay đen. Phía trên là lưng quần cao khoảng hai tấc, may bằng vải xanh hay vải trắng, dùng để vận. Vì vậy mới có câu Quần Vận Yếm Mang để chỉ về người phụ nữ. Nhiều người thích mặc quần rất dài, khi xổ lưng vận ra, kéo thẳng thì đến tận nách nên còn gọi là quần nách. Sợi dây lưng dùng làm điểm tựa để giữ chiếc quần và mớn lưng quần.
Trên đầu thì chít khăn ngang. Kích thước chiếc khăn ngang bằng chiếc khăn rằn sau nầy nhưng chỉ có một màu. Màu chàm hay màu xanh là của những người trẻ tuổi. Màu đỏ là màu của các ông già đạo mạo.
Khăn xéo màu trắng là khăn của giới trung niên. Ca dao có câu: «Để khăn xéo lại, lệ tuôn em chùi» để diễn tả cuộc chia ly buồn bã.
Nông dân bịt khăn ngang theo kiểu đầu rìu khi ra ruộng.
Áo dài:
Khi tiếp khách, đi chợ hay đi dự tiệc tùng giỗ chạp, người dân Saigon Gia Định đều mặc áo dài. Suốt mấy thế kỷ qua, người dân Saigon Gia Định đã lấy chiếc áo dài làm thường phục vì nó lịch sự và kín đáo.
Những năm 1920 đến cuối năm 1930, phụ nữ bình dân có nhiều người mặc áo dài vải đen, gánh hàng đi chợ bán hoặc mặc áo dài đi cấy. Khi đó họ quấn hai vạt, buộc ngang hông lại.
Áo dài chít (áo chiếc) là loại áo dài đơn, cổ ngắn, có bâu, tay dài nhưng hơi rộng, gài nút bên phải. Áo chít thường may bằng lụa hay the dùng mặc trong mùa hè.
Áo lót (áo cặp) là loại áo kiểu dáng như vừa kể nhưng may hai lớp. Lớp trong thường may bằng lụa trơn. Lớp ngoài bằng nhung, gấm hay bằng một loại tơ lụa quí, có hoa văn đẹp. Loại áo lót có cái áo trong dài hơn áo ngoài gọi là Áo Chớn.
Theo ông Vương Hồng Sển thì ở thế kỷ trước, nam giới thuộc từng lớp hào phú hay trí thức cũng mặc Áo Dài Song Khai. Áo Song Khai là loại áo gài nút trước ngực, tay dài, rộng, có bâu hoặc không có bâu, vạt sau được xẻ lên tới lưng, còn hai bên tà thì bít kín nên gọi là Song Khai (tức là mở phía trước và mở phía sau). Người mặc áo song khai thường đội nón chóp, đi giày mã vĩ hoặc giày tàu. Giày Mã Vĩ do người Tàu ở Hạ Châu mang qua bán, kết bằng long đuôi ngựa nên gọi là mã vĩ, còn gọi là giày Hạ.
Theo tục lệ xưa, một chiếc áo dài hoặc ngắn đều phải có 5 nút, tượng trưng cho 5 giềng mối trong xã hội (Ngũ Luân) là Vua tôi, Thầy trò, Cha con, Chồng vợ và Bạn bè.
May áo phải đâu vạtsau với vạt trước. Do đó áo cổ giữa phải có 4 khổ vải ráp, còn áo vạt hò phải có 5 khổ.
Nút áo ngắn thường kết bằng nút dẹp, làm bằng ốc xa cừ nên được gọi là nút ốc. Nút áo dài thì hình tròn, nhỏ, làm bằng vàng, ngà, mã não hay hổ phách. Nút làm bằng hổ phách còn gọi là nút huyết. Vì nút quí như vậy nên mới có tục lệ khi liệm người chết, người ta cắt lấy nút áo lại.
Khoảng những năm từ 1915 đến 1940, những ông cụ, bà cụ (tuổi từ 60 trở lên) trong những dịp lễ quan trọng, thường mặc chiếc áo thụng năm thân, áo rộng, không eo, dài đến gần mắt cá, vừa trang nghiêm vừa kín đáo. Áo thường được may bằng nhung, gấm với chữ phúc, chữ thọ cho những người giàu. Giới trí thức thường mặc áo dài xuyến đen, đầu đội khăn đóng Suối Đờn, chân đi giày hàm ếch, tay xách dù cán cong hoặc gậy baton.
Sau phong trào Duy Tân (1915-1920) thanh niên cắt tóc ngắn, mặc áo dài với quần tây trắng, đi giày tây đánh sira (cirage) đen bóng.
Khoảng năm 1925, phụ nữ trẻ mặc áo bà ba bằng vải batiste trắng, quần lãnh đen không rộng lắmvà đeo kiềng vàng. Phụ nữ lớn tuổi mặc áo bà ba rộng hơn, bên trong còn có áo túi.
Năm 1935, họa sĩ Lê Phổ giới thiệu một kiểu áo dài cho phụ nữ tân thời. Áo được may ôm sát eo, cổ thấp, chiều dài áo ngắn hơn một đoạn. Nút bóp thay cho nút hột. Kiểu áo dài của họa sĩ Lê Phổ cải tiến mẫu áo dài xưa, một sự cách tân dè dặt nhưng kiểu áo đó làm tăng thêm vẽ đẹp của thân hình phụ nữ (eo thon) nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp kín đáo nền nếp của phụ nữ Việt Nam. Người ta gọi là áo dài Lê Phổ.
Sau đó vài năm, ông Nguyễn Cát Tường lăng xê loại áo dài Le Mur, đó là một sự cách tân có vay mượn những kiểu dáng của thời trang Tây Âu thời đó như tay phồng, cổ giống áo sơ mi hoặc nhúng bèo, cổ tay cày khuy. Áo dài kiểu Le Mur của ông Nguyễn Cát Tường chỉ tồn tại được vài năm. Dân chúng thích kiểu dáng của Lê Phổ nhưng áo dài thêm cổ cao và vạt dài tới mắt cá. Màu sắc thay đổi vì có nhiều hàng soie Pháp có in hình bông hoa rất đẹp, màu sắc hài hòa, thêm nữa chiếc áo dài có nhấn «ben» khiến cho thân áo dài càng ôm sát eo người mặc nên càng làm tăng thêm vẻ đẹp của thân hình người phụ nữ Việt Nam.
Vào những năm 1940, ảnh hưởng của nền văn minh Tây Âu, các thanh niên nam nữ ăn mặc tự nhiên và dễ dãi hơn. Họ hớt tóc ngắn, các cô cắt tóc bôm bê hoặc uốn lượn, có dùng kẹp tóc, nơ, băng đô...
Từ năm 1954, chiếc áo dài đã được nữ sinh mặc đến trường với kiểu tà rộng, eo thắt, cổ cao và ống tay hẹp. Áo dài trắng, áo dài tím, áo dài màu xanh thiên thanh (còn gọi là xanh lơ, bleu) được dùng làm đồng phục của các trường nữ trung học được gọi là áo dài nữ sinh. Và thời điểm nầy đã có một số phụ nữ mặc áo đầm, váy dài quá đầu gối hoặc xếp li...
Năm 1960, mốt (mode) nhất là áo dài nylon mỏng mặc với quần satin trắng. Vải nylon mỏng có in hoa nhiều kiểu, nhiều dáng thật đẹp. Ngoài ra có những áo dài màu trơn được họa sĩ vẽ bằng tay trên lụa theo mẫu mã của họa sĩ. Loại áo dài vẽ nầy rất quí và độc đáo, mỗi một kiểu áo là một cái duy nhứt, vì vẽ áo dài dù cho mẫu vẽ có giống nhau thì hai cái áo vẽ trước hay sau đều có vài chỗ khác nhau chớ không thể giống in hệt nhau như loại áo được in đồng loạt theo một khuôn mẫu.
Thời gian nầy bà Trần Lệ Xuân (bà Ngô Đình Nhu) đã thay đổi cổ áo dài rộng vai, cổ tròn, cổ vuông rồi cổ trái tim, nhưng kiểu áo dài nầy cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn, sau năm 1963, áo dài phụ nữ lại trở về với mẫu áo như áo nữ sinh hay của phụ nữ quí phái trong những năm 1958, 1959.
Năm 1968-1970, xuất hiện loại áo dài tay raglan được áp dụng phổ biến cho tới ngày nay.
Sau 1975, người ta ào ạt lăng xê mode mặc quần vải đen, áo bà ba đen, quấn khăn sọc rằn đen trắng quanh cổ, đi dép râu, ngồi chồm hổm trên salon hay trên ghế của các rạp hát để phơi bày cái giai cấp tính nông dân của những kẻ chiến thắng, mong đẩy lùi cuộc sống văn minh, xa hoa của một thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông và kéo cả miền Nam giàu có về cái kiếp nghèo cùn mằn của Hà Nội Xã Nghĩa.
Năm 1986, ông Tổng bí thư Đảng CS Việt Nam tuyên bố cởi trói văn nghệ sĩ, vô tình cởi trói luôn cho cái «văn hóa áo dài».
Áo dài tuyệt đẹp của phụ nữ Việt Nam lại chiến thắng, đánh tan cái mode quần vải đen, áo bà ba đen và khăn sọc rằn đen trắng. Áo dài thời trang phụ nữ đã cho cái mode cùn mằn nầy đi vào quên lãng của thời gian, đi mất tiêu một lượt với cái «đỉnh cao trí tuệ của loài người».
Ngày Tết ở cái xứ Canada, tuyết bay trắng trời, lạnh buốt xương. Tôi và vợ tôi không xuất hành đi du xuân được, bèn ngồi nhà, uống trà, ăn mứt, cắn hột dưa, kể cho nhau nghe những chuyện «Xiêm áo ngày xưa», đó là một cách «Ôn cố tri tân» để làm quà Tết cho nhau, thay cho lời chúc tết xưa rít xưa rang «Tân Niên Hỉ Sự» hay «Ngũ Phúc Lâm Môn».
Vợ tôi nhắc lại khi hát tuồng «Thầy Cai Tổng Bồi» năm 1960, Thanh Nga đóng vai con gái của thầy Cai tổng, con gái nhà giàu, Thanh Nga phải bới đầu bánh lái tóc bỏ đuôi gà, đeo kiềng vàng trên cổ. Vì bới tóc kiểu nầy rất khó, tự Thanh Nga hay người giúp việc của cô không bới giúp cho cô được nên bà Bầu Thơ phải mời cô Bảy Phùng Há đến nhà bới tóc dùm và chỉ dạy cho người phụ hóa trang của Thanh Nga.
Đêm khai trương tuồng Thầy Cai Tổng Bồi, Thanh Nga bới đầu bánh lái tóc bỏ đuôi gà, cô mặc áo dài lở màu hường, quần satin trắng, mang guốc sơn. Từ xưa tới giờ, cô chưa từng đi guốc, sợ không quen, ra sân khấu đi guốc vấp váp lôi thôi nên cô mới tập mang guốc đi bộ trên đường ra rạp hát.
Đường Hưng Đạo vào buổi chiều, xe cộ chạy ào ào, bỗng dưng một số xe gắn máy dừng lại, xe hơi cũng tấp vô lề đường, nhiều người dắt xe đi bộ, quay lại tà tà đi theo hướng về rạp Nguyễn Văn Hảo. Trên lề đường người ta đi đông nghẹt như một cuộc biểu tình! Thì ra có người phát hiện là Thanh Nga, cô đào khả ái nhứt của sân khấu cải lương, ăn mặc như một cô gái nhà giàu xưa, đang đi bộ trên đường. Họ đi theo coi mặt Thanh Nga, hỏi chuyện Thanh Nga. Có người hát lớn tròng ghẹo: Chị kia bới tóc đuôi gà, Nắm đuôi chị lại, hỏi nhà chị đâu? Mọi người đi vây quanh Thanh Nga cười ồ lên. Bất ngờ Thanh Nga vui vẻ đáp: Nhà tôi ở dưới khóm dâu, Ở trên đám đậu, đầu cầu ngó qua...
Khoảng cách giữa người khán giả và diễn viên sân khấu bỗng nhiên không còn nữa. Họ đi theo Thanh Nga tới rạp hát, cười nói ồn ào, thân mật. Có nhiều người vô mua vé xem hát như muốn kéo dài ra cái giây phút thân mật giữa họ với ngôi sao thần tượng.
Hơn 40 năm trôi qua, nhắc chuyện xiêm áo ngày xưa là chúng tôi nhớ đến Thanh Nga, một diễn viên tuyệt đẹp, dễ thương, khi Thanh Nga mặc bất cứ y phục nào thì Thanh Nga cũng làm tăng thêm sắc đẹp của cô và tăng thêm giá trị của bộ y phục đó. Trên sân khấu, Thanh Nga trở thành người mẫu thời trang ngoài ý muốn của cô vì sau khi hát những vở tuồng xã hội, mẫu phục trang nào được Thanh Nga dùng đến thì hầu như các hiệu may áo dài và thời trang cũng bắt chước may cho các nữ thân chủ của họ.
Soạn giả NGUYỄN PHƯƠNG (1922-2020)
https://www.ohay.tv/list/viet-nam-xua-qua-200-buc-anh-co/588b3125a4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét