Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :09/03/2023 - Mỹ Loan


Nga oanh kích hàng loạt địa phương khắp Ukraina - Tên lửa Nga bắn từ vùng biên giới Belgorod vào thành phố Kharkiv, Ukraina, rạng sáng 09/03/2023. AP - Vadim Beliko Trọng Thành Trong đêm qua rạng sáng hôm nay, 09/03/2023, Nga đồng loạt oanh kích vào nhiều thành phố tại Ukraina. Đây là đợt oanh kích dữ dội nhất từ nhiều tuần nay. Từ Kharkiv, ở miền đông bắc, Odessa miền tây nam, cho đến thủ đô Kiev và cả thành phố Lviv miền tây, sát biên giới Ba Lan, tổng cộng 10 tỉnh trên cả nước bị tấn công. Nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng bị bắn phá, ít nhất 7 thường dân thiệt mạng. Quân đội Ukraina thông báo bắn hạ được 36 ‘‘tên lửa’’ trên tổng số 81 và 4 drone tự sát trong số 8 drone.
<!>
Tổng thống Ukraina lên án ‘‘chiến thuật hèn hạ’’
Trên Telegram, tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky lên án Nga một lần nữa sử dụng một ‘‘chiến thuật tấn công hèn hạ’’ để gieo rắc sợ hãi. Theo thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev, đây là đợt oanh kích dữ dội nhất từ gần một tháng nay, nhưng ‘‘đông đảo dân chúng rút cục đã quen với mối hiểm nguy từ trên không, nhiều người khẳng định tin tưởng ở hệ thống phòng không Ukraina’’.

Từ Dnipro, thành phố miền trung-đông bị oanh kích, thông tín viên Vincent Souriau cho biết thêm:
‘‘Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 6 giờ, giờ địa phương, tại một khu vực phía nam thành phố, cũng nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Theo thông tin ban đầu, không có người bị thương. Nhưng không có việc điện bị cắt nhiều tại Dnipro, khác hẳn với nhiều thành phố khác ở Ukraina.

Điện bị mất hoàn toàn tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraina, có khoảng một triệu rưỡi dân trước chiến tranh. Kharkiv đã bị tấn công dữ dội tối qua. Hàng chục hỏa tiễn đã vượt qua hệ thống phòng không, rơi xuống thành phố. Ít nhất hai người phải nhập viện.

Các đội cấp cứu cũng đã được huy động tại Nikolaiv, Odessa, Jytomir, Kiev. Tại thủ đô Ukraina, khoảng 15% dân cư bị mất điện. Thành phố Lviv miền tây, sát biên giới với Ba Lan, cũng bị tấn công. Hỏa tiễn bắn trúng một chung cư, giết chết bốn người, theo chính quyền địa phương. Tổn thất có thể sẽ nặng nề hơn’’.

Theo cơ quan năng lượng Ukraina Energatom, sau một cuộc oanh kích của Nga, nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia đã bị cô lập hoàn toàn khỏi mạng lưới điện quốc gia. Nhà máy điện hạt nhân thuộc tỉnh miền nam Zaporijjia hiện do Nga kiểm soát.

Bakhmut có thể thất thủ ‘‘trong ít ngày tới’’
Về tình hình tại Bakhmut, vùng Donbass, nơi chiến sự diễn ra dữ dội, theo dự báo của tổng thư ký NATO hôm qua, 08/03, thành phố có thể thất thủ ‘‘trong ít ngày tới’’. Cũng trong ngày hôm qua, trả lời phỏng vấn phát trên đài Mỹ CNN, tổng thống Ukraina cảnh báo: nếu Ukraina để mất Bakhmut, quân đội Nga sẽ ‘‘rảnh tay’’ để xâm chiếm nhiều thành phố miền đông Ukraina.

Gruzia rút lại dự luật ‘‘tác nhân nước ngoài’’ bị lên án là luật ‘‘kiểu Nga’’


Những người tham gia biểu tình chống dự luật về " tác nhân nước ngoài" tại thủ đô Tbilisi của Gruzia ngày 08/03/2023. © REUTERS - IRAKLI GEDENIDZE
Trọng Thành
Hôm nay, 09/03/2023, chính phủ Gruzia đã phải quyết định rút lại dự luật mang tên ‘‘đăng ký tác nhân nước ngoài’’, sau hai ngày biểu tình phản đối tại thủ đô Tbilisi.

Dự luật ‘‘đăng ký tác nhân nước ngoài’’ bị bị đối lập lên án ‘‘dự luật kiểu Nga’’, nhằm cắt đứt Gruzia khỏi phương Tây, ngả hẳn vào quỹ đạo của Matxcơva. Dự luật dựa theo mô hình luật ‘‘tác nhân nước ngoài’’ của Nga ban hành năm 2012, vốn đã được Matxcơva sử dụng để đàn áp báo chí độc lập, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các nhà đối lập.

Theo AFP, hàng chục nghìn người đã tham gia vào cuộc biểu tình tối qua để phản đối dự luật này.

Thông tín viên Régis Genté từ Tbilissi gửi về bài tường trình:

‘‘Chỉ sau 2 ngày tập hợp, người dân Gruzia đã buộc chính phủ phải lùi bước. Sáng hôm nay, 09/03, đảng cầm quyền “Giấc mơ Gruzia” của nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili, và “Lực lượng Nhân dân”, tức phong trào vệ tinh của đảng, có quan điểm chống phương Tây triệt để, đã tuyên bố rút lại dự luật. Hai tổ chức này ra thông cáo báo chí, thừa nhận dự luật ‘‘đã gây ra sự chia rẽ về quan điểm trong xã hội’’.

Quyết định nói trên được đưa ra sau một cuộc biểu tình vào tối qua, với số người tham gia đông gấp từ 2 đến 3 lần so với ngày hôm trước. Trong cuộc biểu tình đầu tiên, chính quyền nước Cộng hòa nhỏ bé vùng nam Kavkaz đã dùng vũ lực giải tán đám đông, dù biểu tình diễn ra ôn hòa và hợp pháp. Cuộc biểu tình tối qua cũng bị đàn áp tương tự, đã kết thúc với vòi rồng và hơi cay.

Điều có thể bảo đảm là bài học về dân chủ mà người dân Gruzia vừa đưa ra sẽ in dấu ấn trong đời sống chính trị của nước này, cho dù sáng nay, đảng cầm quyền vẫn muốn tiếp tục gây căng thẳng, qua việc gọi các đối thủ là ‘‘các lực lượng cực đoan’’. Nhà cầm quyền Gruzia cố gắng phủ nhận một điều hiển nhiên. Đó là tính chất thân Nga rõ rệt của dự luật, sẽ chỉ có thể khiến một bên thỏa mãn: Điện Kremlin’’.

Ngay sau khi đảng cầm quyền Gruzia rút lại dự luật, trên mạng Twitter, phái bộ Liên Âu tại nước này đã ‘‘hoan nghênh’’ và kêu gọi ‘‘tất cả các lãnh đạo chính trị tại Gruzia nối lại với các cải cách hướng đến châu Âu’’.

Đối lập kêu gọi tiếp tục biểu tình
Trên thực tế, đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia chưa hoàn toàn từ bỏ dự luật. Theo thông báo của đảng này, dự luật sẽ có thể một lần nữa được đưa ra để lấy ý kiến người dân, và không loại trừ khả năng được đưa ra Quốc Hội một lần nữa. Theo AFP, nhiều đảng đối lập hôm nay ra một tuyên bố chung, khẳng định phong trào ‘‘sẽ không dừng lại chừng nào chưa có bảo đảm là Gruzia kiên quyết lựa chọn con đường hướng về phương Tây’’. Các đảng đối lập kêu gọi tham gia một cuộc tuần hành mới vào tối nay, đồng thời yêu cầu chính quyền trả tự do cho hàng chục người biểu tình bị câu lưu.

Liên Hiệp Châu Âu sẽ cấp 1 tỉ euro trang bị đạn dược cho Ukraina


Các thành viên dự hội nghị không chính thức các bộ trưởng Quốc Phòng Liên Hiệp Châu Âu, tại Märsta, gần Stockholm, Thụy Điển, ngày 08/03/2023. AP - Christine Olsson
Thùy Dương
Tại Stockholm, Thụy Điển, bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm 08/03/2023 đã nhất trí đẩy nhanh việc giao vũ khí, đạn dược cho Ukraina, nhất là các loại đạn pháo mà Kiev đang cần gấp.

Theo Reuters, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell dự kiến Bruxelles sẽ chi 1 tỉ euro để trợ giúp và thúc đẩy các nước trong khối giao thêm cho Kiev đạn pháo mà các nước có sẵn trong kho. Liên Âu cũng dự kiến sẽ chi thêm 1 tỉ euro để các nước mua chung đạn dược viện trợ cho Ukraina.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gửi về bài tường trình :

« Một tỉ euro để mua đạn dược, cao gấp đôi khoản tiền đã được đề cập đến cách nay 1 tháng khi tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đến Bruxelles dự thượng đỉnh châu Âu. Các khoản viện trợ bổ sung cũng có thể sẽ được giải ngân. Ngoại trưởng các nước Liên Âu sẽ đưa ra quyết định chính thức hôm 20/03 tới đây nhằm tăng khoản viện trợ lên thành 2 tỉ euro.

Trong cuộc họp với các đồng nhiệm châu Âu, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina nhận định, với khoản viện trợ đầu tiên này, các nước châu Âu có thể cấp cho Ukraina chẳng hạn 250.000 đạn pháo, tương đương ¼ số lượng mà Kiev đang cần. Ukraina đặc biệt cần gấp loại đạn 155 ly, nhưng Liên Âu cũng muốn có thể cung cấp các loại đạn cỡ nhỏ cho Ukraina.

Liên Hiệp Châu Âu khẳng định có mọi thứ cần thiết trong các kho dự trữ của các nước, nhưng sau khoảng 30 năm cắt giảm chi tiêu quân sự, ngành công nghiệp vũ khí của các nước cần được bảo đảm chắc chắn là trong những thập niên tới, họ sẽ có thể đặt hàng khi cần thiết. Chính vì thế, ủy viên châu Âu đặc trách các vấn đề quốc phòng đã kêu gọi xây dựng « một nền kinh tế chiến tranh ».

Washington sẵn sàng để tổng thống Đài Loan đến Mỹ gặp chủ tịch Hạ Viện


Phát ngôn viên Ngoại Giao Mỹ Ned Price trong một cuộc họp báo tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 10/03/2022. AP - Manuel Balce Ceneta
Thùy Dương
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price, ngày 08/03/2023 nói với báo chí là « việc các quan chức cấp cao của Đài Loan quá cảnh ở Mỹ là phù hợp với chính sách lâu nay của Mỹ và với các quan hệ không chính thức nhưng chặt chẽ với Đài Loan ». Theo AFP, điều này cho thấy Washington không phản đối việc tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến Hoa Kỳ để gặp chủ tịch Hạ Viện.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ dùng từ « quá cảnh » chứ không phải « chuyến thăm ». Phát biểu của ông Ned Price được đưa ra sau khi hôm 07/03 chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy khẳng định ông sẽ gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại bang California và tạm thời tránh công du Đài Loan, để không làm gia tăng căng thẳng Trung - Mỹ. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng sau này sẽ đến thăm Đài Loan.

Còn theo thông tín viên Frédéric Lemaitre của báo Le Monde tại Bắc Kinh, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn dường như là người đã đề xuất là chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Kevin McCarthy không nên đến Đài Bắc như ông từng có ý định mà sẽ tiếp bà tại California.

Reuters trước đó trích dẫn hai nguồn tin ẩn danh cho biết tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn được mời phát biểu tại thư viện Ronald Reagan khi dừng chân ở California, trong chuyến công du đến Trung Mỹ và chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy sẽ có cuộc gặp với bà.

Bà Thái Anh Văn đã từng 6 lần quá cảnh tại Mỹ trong vòng 6 năm lãnh đạo Đài Loan, lần gần đây nhất là vào năm 2019 trong chuyến công du chính thức đến vùng Caribê. Bắc Kinh, luôn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, luôn phản đối mọi cuộc tiếp xúc chính thức giữa đại diện chính quyền Đài Loan với nước ngoài.

Liên Âu hướng sang kim loại hiếm châu Phi để tránh phụ thuộc Trung Quốc

Trên công trường khai thác mỏ Cobalt ở Shabara gần Kolwezi, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 12/10/2022. AFP - JUNIOR KANNAH
Thu Hằng
Liên Hiệp Châu Âu đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Liên Âu và Cộng Hòa Dân Chủ Congo đàm phán một thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuỗi khoáng sản quý hiếm, trong đó có đồng và coban.

Hai bên dự kiến sớm thông báo một biên bản ghi nhớ « đôi bên cùng có lợi » và một lộ trình về những dự án hợp tác và đầu tư vào lĩnh vực hiện giờ vẫn do Trung Quốc nắm giữ ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

Thông tín viên RFI Patient Ligodi tại Kinshasa cho biết thêm :

« Để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Liên Hiệp Châu Âu đã có một bước ngoặt được coi là « lịch sử » trong sản xuất công nghiệp và muốn củng cố chính sách cung ứng khoáng sản quý hiếm và chiến lược. Một thách thức khác là phải giảm phụ thuộc vào một số nước như Trung Quốc, nơi những quặng này đang được chế biến, theo nhiều nguồn tin của Liên Hiệp Châu Âu.

Thách thức cũng lớn đối với Cộng Hòa Dân Chủ Congo, quốc gia đang có tham vọng phát triển chuỗi giá trị tầm cỡ quốc gia và một thị trường cho ngành công nghiệp sản xuất pin, xe điện và các nguồn năng lượng tái tạo. Chiến lược này phù hợp với đề nghị của Liên Hiệp Châu Âu, theo bà Jutta Urpilainen, ủy viên châu Âu về Hợp tác Đối tác quốc tế.

Bà cho biết : « Chúng tôi muốn tạo giá trị tại CHDC Congo, giá trị gia tăng ở cấp quốc gia, chứ không chỉ xuất khẩu nhiên liệu của các vị sang Phần Lan, sang châu Âu, sau đó tinh chế chúng ở châu Âu ».

Theo bà, cách tiếp cận sẽ không giống với cách mà các đối tác khác đề xuất với CHDC Congo, như trường hợp Trung Quốc, dù bà không nêu đích danh. Bà nói tiếp : « Chúng tôi không muốn tạo ra lệ thuộc, chúng tôi cũng không muốn chủ nghĩa thực dân mới. Chúng tôi thực sự muốn tạo chuỗi giá trị quốc gia và chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi ».

Theo đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Kinshasa, CHDC Congo còn được hưởng lợi từ khả năng hỗ trợ sản xuất năng lượng xanh cho các ngành công nghiệp của nước này ».

Đức khám soát tàu bị nghi tham gia phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream


Ảnh do lực lượng tuần duyên Thụy Điển cung cấp cho thấy một lổ hổng trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ngày 28/09/2022. AP
Thùy Dương
Ngày 08/03/2023, Viện công tố Đức cho biết đã khám soát một con tàu bị nghi liên quan đến vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream I và II, hôm 26/09/2022, khiến các đường ống ở biển Baltic nối từ Nga đến Đức không thể vận hành được nữa. Thông báo của Viện công tố Đức được đưa ra một hôm sau khi báo Mỹ New York Times dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết một "nhóm thân Ukraina" được cho là đứng sau vụ phá hoại này.

Từ Berlin, thông tín viên Delphine Nerbollier cho biết thêm chi tiết :

Có phải tàu này đã chở theo chất nổ và thủy thủ đoàn để thực hiện hành vi phá hoại ? Đây là câu hỏi được các nhà điều tra Đức đặt ra sau khi khám xét chiếc tàu. Hiện tại, chưa có câu trả lời nào được đưa ra, nhưng việc Viện Công tố thông báo về cuộc điều tra là một diễn biến mới. Kể từ khi xảy ra vụ nổ các đường ống dẫn khí đốt, rất ít chi tiết về cuộc điều tra được đưa ra.

Viện Công tố Đức đã phải cung cấp một vài thông tin đó chính là do họ chịu áp lực từ các phương tiện truyền thông. Trong tuần này, nhật báo New York Times của Mỹ đã đăng bài điều tra về một nhóm "thân Ukraina" thực hiện vụ phá hoại. Ngay sau đó, ba phương tiện truyền thông Đức đã cung cấp thông tin chi tiết, đặc biệt là về chiếc tàu này : dường như tàu đã được một công ty thuê và công ty này dường như là của hai người Ukraina. Tàu này dường như đã ra khơi hồi đầu tháng 9/2022 từ miền bắc nước Đức, hướng đến Đan Mạch và chở theo 6 người. Vết tích của chất nổ đã được tìm thấy trên tàu.

Nếu thông tin này được kiểm chứng, thì cần phải biết ai thực sự đứng sau ê-kíp này. Hướng điều tra về một nhóm thân Ukraina đã bị Kiev phản đối kịch liệt ngày 08/03. Ukraina phủ nhận mọi sự can dự, dù là trực tiếp hay gián tiếp, vào hành động phá hoại này".

Liên Âu hướng sang kim loại hiếm châu Phi để tránh phụ thuộc Trung Quốc


Trên công trường khai thác mỏ Cobalt ở Shabara gần Kolwezi, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 12/10/2022. AFP - JUNIOR KANNAH
Thu Hằng
Liên Hiệp Châu Âu đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Liên Âu và Cộng Hòa Dân Chủ Congo đàm phán một thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuỗi khoáng sản quý hiếm, trong đó có đồng và coban.

Hai bên dự kiến sớm thông báo một biên bản ghi nhớ « đôi bên cùng có lợi » và một lộ trình về những dự án hợp tác và đầu tư vào lĩnh vực hiện giờ vẫn do Trung Quốc nắm giữ ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

Thông tín viên RFI Patient Ligodi tại Kinshasa cho biết thêm :

« Để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Liên Hiệp Châu Âu đã có một bước ngoặt được coi là « lịch sử » trong sản xuất công nghiệp và muốn củng cố chính sách cung ứng khoáng sản quý hiếm và chiến lược. Một thách thức khác là phải giảm phụ thuộc vào một số nước như Trung Quốc, nơi những quặng này đang được chế biến, theo nhiều nguồn tin của Liên Hiệp Châu Âu.

Thách thức cũng lớn đối với Cộng Hòa Dân Chủ Congo, quốc gia đang có tham vọng phát triển chuỗi giá trị tầm cỡ quốc gia và một thị trường cho ngành công nghiệp sản xuất pin, xe điện và các nguồn năng lượng tái tạo. Chiến lược này phù hợp với đề nghị của Liên Hiệp Châu Âu, theo bà Jutta Urpilainen, ủy viên châu Âu về Hợp tác Đối tác quốc tế.

Bà cho biết : « Chúng tôi muốn tạo giá trị tại CHDC Congo, giá trị gia tăng ở cấp quốc gia, chứ không chỉ xuất khẩu nhiên liệu của các vị sang Phần Lan, sang châu Âu, sau đó tinh chế chúng ở châu Âu ».

Theo bà, cách tiếp cận sẽ không giống với cách mà các đối tác khác đề xuất với CHDC Congo, như trường hợp Trung Quốc, dù bà không nêu đích danh. Bà nói tiếp : « Chúng tôi không muốn tạo ra lệ thuộc, chúng tôi cũng không muốn chủ nghĩa thực dân mới. Chúng tôi thực sự muốn tạo chuỗi giá trị quốc gia và chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi ».

Theo đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Kinshasa, CHDC Congo còn được hưởng lợi từ khả năng hỗ trợ sản xuất năng lượng xanh cho các ngành công nghiệp của nước này ».

Tình báo Mỹ: Trung Quốc lợi dụng vị thế kiểm soát ‘‘chuỗi cung ứng’’ ép buộc chuyển giao công nghệ


Ảnh minh họa: Một bộ vi xử lý máy chủ Yitian 710 do tập đoàn Alibaba của Trung Quốc chế tạo. AP
Trọng Thành
Trung Quốc là ‘‘mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất’’ mà Hoa Kỳ phải đối mặt. Đó là nội dung chính bản báo cáo thường niên của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ được công bố hôm qua, 08/03/2023. Chính quyền Bắc Kinh có khả năng ‘‘khai thác vị thế kiểm soát nhiều nguồn cung ứng thiết yếu’’, để gây áp lực với ‘‘các công ty nước ngoài, và buộc chính quyền nhiều nước phải chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ’’.

Thủ đoạn nói trên của Bắc Kinh được nêu bật ngay trong phần đầu tiên về các thách thức ‘‘công nghệ và kinh tế’’ của Trung Quốc, trong ‘‘Bản báo cáo đánh giá mối đe dọa toàn cầu của Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ’’ (The Intelligence Community’s Worldwide Threat Assessment).

Báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ dẫn lại một phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4/2020, khẳng định mục tiêu tăng cường kiểm soát các chuỗi cung ứng thiết yếu nhằm ‘‘sử dụng tình trạng phụ thuộc này để gây áp lực và cô lập một số quốc gia trong thời gian khủng hoảng’’.

AFP nhắc lại việc trong thời gian đại dịch Covid, chỉ cần một nhà máy tại Trung Quốc hay một nơi nào đó bị đình trệ là đủ để gây ra sự đứt đoạn trong các hoạt động sản xuất công nghiệp ở một nơi khác.

Báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ cho biết trong một số chuỗi cung ứng công nghệ, Trung Quốc đang ở vị thế thống trị, như bán dẫn, một số kim loại hiếm, pin mặt trời, hay một số dược phẩm. Báo cáo của tình báo Mỹ nhấn mạnh: ‘‘Sự thống trị của Trung Quốc đối với các thị trường này có thể đặt ra các nguy cơ quan trọng đối với nhiều lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ của Mỹ và phương Tây, nếu chính quyền Trung Quốc có khả năng sử dụng một cách khéo léo vị thế này để thu nhiều lợi ích về chính trị và kinh tế’’.

Cải cách hưu trí : Thượng Viện Pháp thông qua điều luật nâng tuổi về hưu lên 64


Ảnh tư liẹu: Một phiên thảo luận về dự luật cải cách hưu trí tại Hạ Viện Pháp, Paris, Pháp, ngày 06/02/2023. AP - Christophe Ena
Trọng Thành
Trong đêm qua, 08/03/2023, Thượng Viện Pháp, do đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR kiểm soát, đã thông qua điều 7, nâng tuổi về hưu lên 64, một nội dung căn bản trong dự luật cải cách hưu trí của chính phủ. Phong trào bãi công chống dự luật hưu trí hôm nay, 09/03, bước sang ngày thứ ba liên tiếp.

Theo AFP, điều 7 đã được thông qua với 201 phiếu thuận và 115 phiếu chống, trên tổng số 345 phiếu. Thủ tướng Elisabeth Borne ngay lập tức trên Twitter hoan nghênh quyết định của Thượng Viện. Hôm nay, Thượng Viện tiếp tục thảo luận về các điều khoản khác của dự luật.

Chính phủ hy vọng Thượng Viện sẽ hoàn tất việc xem xét toàn bộ dự luật trước ngày Chủ Nhật 12/03 tới. Việc Thượng Viện bật đèn xanh cho dự luật sẽ là một bước quan trọng giúp chính phủ Pháp trong việc thông qua tại Hạ Viện, nơi liên đảng cầm quyền cần đến phiếu của đối lập cánh hữu mới có đủ đa số cần thiết.

Trong khi đó, giao thông tại Pháp tiếp tục tắc nghẽn do bãi công. Các tuyến đường sắt cao tốc TGV hoạt động với tỉ lệ một phần ba. Đường sắt liên tỉnh hoạt động khoảng 40%. Tại thủ đô Paris, giao thông trở lại gần như bình thường, hoặc bình thường trên tổng số một nửa tuyến metro.

Trong lĩnh vực năng lượng, việc cung cấp xăng dầu tiếp tục gặp khó khăn do đình công ở các nhà máy lọc dầu của. Tuy nhiên, hiện tại, theo chủ tịch tổ chức Ufip Energies và Mobilités, quy tụ các công ty trong lĩnh vực năng lượng, hiện tại chưa có vấn đề lớn về cung ứng và tình hình đang cải thiện.

Tám nghiệp đoàn lớn của nước Pháp và 5 tổ chức của giới trẻ hôm nay đã viết thư đề nghị tổng thống tổ chức một cuộc gặp về vấn đề cải tổ hưu trí đang gây tranh cãi. Theo các nghiệp đoàn và tổ chức của giới trẻ, thái độ im lặng của cơ quan hành pháp với phong trào xã hội phản kháng rộng lớn này là một ‘‘vấn đề dân chủ nghiêm trọng’’. Trước đó, điện Elysée đã từ chối yêu cầu tiếp các nghiệp đoàn. Hôm qua, thủ tướng Borne tuy vậy nhắc lại trước Thượng Viện là cánh cửa của bộ trưởng Lao Động ‘‘luôn để ngỏ’’.

Pháp khởi động chương trình vinh danh Gustave Eiffel


Con tem vinh danh kỹ sư Gustave Eiffel nhân kỷ niệm 100 năm ngày cha đẻ ngọn tháp đã trở thành trở thành biểu tượng của nước Pháp qua đời. Ảnh ngày 09/03/2023 © Thanh Hà/RFI
Thanh Hà
Ngày 09/03/2023, công ty quản lý và khai thác tháp Eiffel SETE công bố chương trình lễ hội vinh danh di sản Gustave Eiffel nhân kỷ niệm 100 năm ngày ông qua đời. Bưu điện quốc gia phát hành một con tem với ảnh kỹ sư Eiffel và tháp nay đã trở thành biểu tượng của Paris, của nước Pháp. Riêng khách tham quan tháp Eiffel, nhờ ảnh nổi ba chiều và kỹ thuật số sẽ có dịp cùng với kỹ sư Gustave Eiffel thám hiểm tháp nổi tiếng thế giới này .

Trong cuộc họp báo ngay tại tầng 1 tháp Eiffel hôm 09/03/2023, ông Jean François Martins, chủ tịch SETE, công ty quản lý và khai thác tháp Eiffel, long trọng thông báo ba sự kiện lớn diễn ra ngay tại công trình đã vĩnh viễn gắn liền với sự nghiệp đồ sộ của kỹ sư Gustave Eiffel. :

« Trước hết là một lộ trình bằng hình nổi kỹ thuật số, qua điện thoại ta sẽ có tầm nhìn 360 độ ở mỗi một tầng của tháp và mọi người sẽ bất ngờ hội ngộ Gustave Eiffel, khi thì ở một góc cầu thang bộ, lúc thì ở trên đỉnh tháp … Chúng ta sẽ cùng ông thám hiểm tháp Eiffel vào thời kỳ mà công trình này đang được xây dựng (…). Cuộc hội ngộ này sẽ diễn ra ngay từ mùa xuân năm nay.

Kế tới, dưới sự điều hành của Michael Canitrot, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều buổi trình diễn kết hợp âm thanh, ánh sáng với âm nhạc để vinh danh tinh thần chinh phục cả về khoa học lẫn kỹ thuật của Gustave Eiffel. Sau cùng là cuộc triển lãm mang tựa đề 'Eiffel luôn luôn cao hơn', sẽ ra mắt công chúng ngay từ mùa hè năm nay. Qua triển lãm này, chúng ta cùng nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của Eiffel, bao gồm không chỉ tháp Eiffel mà cả những công trình khác của ông trên toàn thế giới ».
Trong hơn 70 năm sự nghiệp, Gustave Eiffel để lại 500 công trình tại 30 quốc gia. Riêng tháp Eiffel, biểu tượng của nước Pháp, đã được xây trong thời gian ngắn kỷ lục là 2 năm, 2 tháng và 5 ngày. Tháp Eiffel hiện đón từ 6 đến 7 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Không có nhận xét nào: