Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

TIN THẾ GIỚI :13/03/2023 - ĐHL

Chiến sự Bakhmout : Quân Ukraina đẩy bật mọi đợt tấn công của Nga vào trung tâm thành phố Quân nhân Ukraine nạp đạn vào súng cối trước khi bắn về phía quân đội Nga bên ngoài thị trấn tiền tuyến Bakhmout, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraina, ở vùng Donetsk (Ukraina) ngày 06/03/2023. via REUTERS - RFE/RL/SERHII NUZHNENKO - Trọng Thành Thành phố Bakhmout, miền Đông, tiếp tục là chiến trường dữ dội nhất tại Ukraina ngày hôm qua, 12/03/2023. Các lực lượng Ukraina đã đẩy lùi tất cả các đợt tấn công của lực lượng đánh thuê Nga Wagner nhắm vào khu vực trung tâm thành phố. Matxcơva và Kiev đều thông báo số lượng tổn thất lớn của đối phương.
<!>
Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo hôm nay của tư lệnh lục quân Ukraina, thượng tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết tình hình chiến trường tại thành phố Bakhmout vẫn ‘‘khó khăn’’ khi các đơn vị tấn công của công ty lính đánh thuê Wagner Nga cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ, cố tiến vào trung tâm thành phố. Theo chỉ huy lục quân Ukraina, ‘‘trong các trận chiến dữ dội, lực lượng phòng thủ của chúng ta đã gây tổn thất đáng kể cho kẻ thù. Mọi nỗ lực xâm chiếm thành phố của địch đều bị pháo binh, xe tăng và các hỏa lực khác đẩy lùi’’.

Ông Syrskyi khẳng định quân đội sẽ bảo vệ ‘‘pháo đài’’, cụm từ thường được chính quyền Ukraina sử dụng để gọi tên Bakhmut, thành phố bị quân Nga vây hãm và tấn công từ 7 tháng nay.

Đối với ông chủ công ty Wagner Yevgeny Prigozhin, tình hình là ‘‘khó khăn, rất khó khăn’’. Trong một phát biểu hôm qua, lãnh đạo công ty Wagner cũng thừa nhận ‘‘càng ở gần trung tâm thành phố, giao tranh càng ác liệt... Phía Ukraina tung vào trận các lực lượng dự trữ vô tận. Nhưng chúng ta đang tiến lên và chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên’’.

TT Ukraina: Loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 quân địch trong 1 tuần lễ
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, trong thông báo hàng ngày vào tối hôm qua, cho biết, chỉ trong vòng một tuần qua, các lực lượng Ukraina đã tiêu diệt hơn 1.100 quân địch ‘‘chỉ riêng tại Bakhmout’’. Cũng theo ông Zelensky, trong cùng thời gian, hơn 1.500 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến đấu do thương tích. Trước đó cùng ngày, bộ Quốc Phòng Nga thông báo loại khỏi vòng chiến đấu ‘‘hơn 220 binh sĩ Ukraina’’ trong vòng 24 giờ.

Ukraina tiếp tục kháng cự tại Bakhmut càng lâu càng tốt. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp JDD, đăng tải hôm qua, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Ukraina Olga Stefanichyna khẳng định, cho dù Nga chiếm được Bakhmout, việc này cũng ‘‘sẽ không có ảnh hưởng gì đến các hành lang chiến lược’’ mà Ukraina ‘‘đang kiểm soát tại khu vực’’. Theo thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina, chiến dịch phản công mùa xuân, ‘‘đã bắt đầu được lên kế hoạch’ ; sẽ chỉ được tiến hành một khi Quân đội Ukraina có ‘‘đủ vũ khí và đạn dược’’.

SIPRI: Năm 2022, châu Âu tăng gấp đôi vũ khí nhập khẩu để viện trợ cho Ukraina


Ảnh minh họa: Một quân nhân Ukraina dùng súng phóng lựu tự động để chống lại cuộc tấn công của Nga vào thành phố tiền tuyến Bakhmout, vùng Donetsk (Ukraina) ngày 03/03/2023; REUTERS - STRINGER
Thùy Dương
Trong năm 2022, mức nhập khẩu vũ khí tại châu Âu đã tăng gần gấp đôi, chủ yếu do các đợt viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraina chống quân Nga xâm lược và Ukraina trở thành nước tiếp nhận nhiều vũ khí thứ ba trên thế giới, theo báo cáo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế (Sipri), trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, công bố hôm nay 13/03/2023.

Theo số liệu của Viện Sipri, lượng vũ khí châu Âu nhập khẩu tăng 93% cũng là do nhiều nước như Ba Lan, Na Uy tăng chi tiêu quân sự. Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Pieter Wezeman, từ 30 năm qua là đồng tác giả của báo cáo thường niên của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế, cho AFP biết, cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraina là lý do chính khiến nhu cầu vũ khí tại châu Âu tăng vọt và nhập khẩu của châu Âu sẽ còn tiếp tục tăng.

Riêng về Ukraina, cộng cả vũ khí do phương Tây viện trợ, số vũ khí Kiev nhập về đã tăng 60 lần trong năm 2022. Ukraina trở thành nước nhập khẩu nhiều vũ khí thứ 3 thế giới (8%), sau Qatar (10%) và Ấn Độ (9%), và trước Ả Rập Xê Út (7%), Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (7%) và Pakistan (5%).

Ngoài việc viện trợ vũ khí cho Ukraina, châu Âu cũng đẩy mạnh nhập khẩu vũ khí khí tài, tăng 35%, trong năm 2022.

Về phía 5 nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong 5 năm qua, đứng đầu là Mỹ (40%), Nga (16%), tiếp theo là Pháp (11%), Trung Quốc (5%) và Đức (4%). Chỉ riêng 5 nước này chiếm ba phần tư tổng lượng vũ khí xuất khẩu trên thế giới. Dù vẫn đứng trong top 5, nhưng mức xuất khẩu của Nga đã giảm mạnh so với cách nay vài năm, thậm chí Matxcơva còn được cho là nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc, vốn dĩ là một khách hàng truyền thống của Nga.

Ngân hàng SVB phá sản : Ngân hàng Trung ương Mỹ chi 25 tỉ đô la dự phòng hỗn loạn


Logo Ngân Hàng SVB bị vẽ nguệch ngoạc bên trên một lá cờ Mỹ trên một bức hình minh họa chụp ngày 13/03/2023. REUTERS - DADO RUVIC
Trọng Thành
Sau khi Ngân hàng SVB (Silicon Valley Bank) chính thức phá sản hôm thứ Sáu, 10/03/2023, ngày hôm qua, 12/03, chính quyền Mỹ đã có nhiều biện pháp khẩn cấp để ngăn ngừa nguy cơ sụp đổ dây chuyền trong lĩnh vực ngân hàng, do không khí hoảng sợ gây ra sau khi ngân hàng SVB phá sản.

Vụ phá sản của Ngân hàng SVB được giới quan sát đánh là vụ sụp đổ ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định triển khai khoản tín dụng 25 tỉ đô la để tài trợ cho các ngân hàng có nguy cơ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tài chính. Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Mỹ, ‘‘Fed sẽ cung cấp nhiều quỹ để bổ sung để cho phép các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của tất cả người gửi tiền. Việc này sẽ cho phép tăng cường khả năng của hệ thống ngân hàng bảo vệ tiền gứi và bảo đảm việc tiếp tục cung ứng tiền và tín dụng cho nền kinh tế’’.

Theo AFP, chính phủ Mỹ cam kết bảo đảm toàn bộ số tiền gửi của tất cả các khách hàng của Ngân hàng SVB, bao gồm các cá nhân và doanh nghiệp, kể cả vượt quá mức tiền giới hạn là 250 nghìn đô la. Tiền gửi vào SVB ước lượng trị giá 170 tỉ đô la, theo một ước tính của ngân hàng này đưa ra hôm thứ Tư tuần trước, trước khi chính thức phá sản.

Ngoài SVB, chính quyền Mỹ cũng có biện pháp bảo đảm với một ngân hàng khác, Ngân hàng Signature Bank, cũng vừa bị cơ quan quản lý ra quyết định đóng cửa, một biến cố gây bất ngờ. Ngân hàng Signature Bank là ngân hàng lớn thứ 21 của Mỹ, với tài sản ước tính 110 tỉ đô la.

Trong tuần qua, ngoài hai ngân hàng nói trên còn có một ngân hàng thứ ba bị phá sản, là Silvergate Bank, có quy mô nhỏ hơn, nổi tiếng trong lĩnh vực tiền điện tử.

Theo AFP, cuộc chạy đua gấp rút của chính quyền Mỹ hiện nay để giải cứu lĩnh vực ngân hàng có thể ví với hai ngày đen tối 13 và 14/09 của cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Mỹ - Hàn tập trận lớn nhất từ 5 năm qua, Bình Nhưỡng bắn hai tên lửa răn đe


Quân đội Mỹ chuẩn bị đưa các thiết bị quân sự qua sông Hantan sang khu vực luyện tập ở Yeoncheon, gần biên giới với Bắc Triều Tiên, ngày 13/03/2023. AP - Ahn Young-joon
Thu Hằng | Trần Công
Ngày 13/03/2023, Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung « Lá chắn tự do » (Free Shield, FS), có quy mô lớn nhất từ 5 năm qua và huy động nhiều lực lượng khác nhau. Theo phát ngôn viên của lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, phối hợp giữa lực lượng vũ trang hai nước trong bối cảnh « môi trường an ninh đang thay đổi ».

Theo Yonhap, trong vòng 11 ngày, liên quân Mỹ-Hàn tiến hành khoảng 20 bài huấn luyện ở nhiều lĩnh vực, trong đó có tập trận đổ bộ Ssangyong và các cuộc tập trận mô phỏng tấn công « Teak Knife ». Ngoài ra, đội tầu sân bay lớp Nimitz (100.000 tấn) cũng được huy động triển khai ở vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc tập trận kéo dài đến ngày 23/03, quân đội Mỹ và Hàn Quốc dự kiến tập trận ba bên với Nhật Bản. Một số tầu khu trục Aegis có khả năng phát hiện và bắn chặn tên lửa đạn đạo, cũng như một tầu ngầm hạt nhân Mỹ có tên lửa Tomahawk dẫn đường, cũng có thể tham gia đợt tập trận này.

Trong ngày tập trận đầu tiên, liên quân Mỹ-Hàn đã triển khai thành công máy bay trinh sát, tác chiến điện tử đời mới (ARES) của Mỹ trên không phận bán đảo Triều Tiên, theo trang theo dõi hàng không dân sự Aircraft Spots. Hãng tin Yonhap cho biết đây là chiến dịch đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên của máy báy trinh sát BD-700 ARES do công ty L3Harris chế tạo « nhằm hỗ trợ chiến dịch của lục quân trực thuộc bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương ».

Bình Nhưỡng bắn 2 tên lửa hành trình từ tầu ngầm để răn đe Mỹ-Hàn
Cuộc tập trận Mỹ-Hàn bị Bắc Triều Tiên coi là « lằn ranh đỏ ». Bình Nhưỡng không ngừng đe dọa tăng cường biện pháp « đáp trả quân sự ». Một ngày trước khi Mỹ-Hàn bắt đầu cuộc tập trận « Lá chắn tự do », Bắc Triều Tiên đã bắn hai « tên lửa hành trình chiến lược » từ tầu ngầm ở ngoài khơi thành phố Sinpo, ở phía đông Bắc Triều Tiên vào sáng 12/03.

Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul :

« Bình Nhưỡng đã phóng thành công 2 tên lửa hành trình chiến lược từ tàu ngầm lớp cá voi (2.000 tấn). Hai tên lửa này đã bắn trúng mục tiêu sau khi hoàn thành 1.500km theo quỹ đạo hình số 8. Tên lửa này được cho là có thể tránh được các tên lửa đánh chặn trên mặt đất và trên biển do nó có thể thay đội quỹ đạo sau khi phóng. Đây cũng là lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm.

Các chuyên gia quân sự đánh giá, khả năng tấn công của tàu ngầm Triều Tiên đã được mở rộng và tăng cường. Nếu tên lửa hành trình chiến lược có tầm bắn khoảng 1.500 km, nó có thể tấn công toàn bộ Hàn Quốc và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Các chuyên gia cũng đang thảo luận về khả năng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ở góc bình thường vào Thái Bình Dương và thậm chí tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.

Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa hành trình từ tàu ngầm đồng nghĩa với việc nước này có một "vũ khí chiến lược dưới nước" khác, và người ta lo ngại rằng mạng lưới đánh chặn của Hàn Quốc-Mỹ cũng bị đe dọa. Liên minh Mỹ Hàn đã không thông báo ngay về vụ việc vì họ chưa xác định được thông số kỹ thuật của tên lửa và lo ngại về các hành động quân sự bổ sung cũng như chiến thuật đánh lừa của Bình Nhưỡng ».

Đài Loan: Chi tiêu quốc phòng tập trung chống "sự phong tỏa toàn diện" của TQ


Ảnh minh họa: Lễ khởi công đóng một đội tàu ngầm mới tại Cao Hùng (Đài Loan), ngày 24/11/2020. REUTERS - ANN WANG
Thùy Dương
Theo một báo cáo mới của quân đội Đài Loan, chi tiêu quốc phòng của Đài Bắc cho năm 2023 sẽ tập trung vào việc chuẩn bị vũ khí và trang thiết bị, trong đó có thiết bị cho chiến đấu cơ F-16 mua của Mỹ, « để tăng cường khả năng chiến đấu liên tục », đối phó với khả năng Trung Quốc « phong tỏa hoàn toàn » Đài Loan.

Đây là báo cáo quân đội Đài Loan dự kiến trình lên Quốc Hội vào thứ Tư 15/03/2023để được thông qua và hãng tin Anh Reuters tiếp cận được vào hôm nay 13/03. Theo báo cáo này, bộ Quốc Phòng Đài Loan từ năm 2022 đã bắt đầu xem xét lại chiến lược dự trữ nhiên liệu và khả năng sửa chữa vũ khí, trang thiết bị, nhưng không nêu chi tiết.

Cập nhật lại đánh giá về mối đe dọa từ Bắc Kinh, bộ Quốc Phòng Đài Loan còn nhận định quân đội Trung Quốc đã tiến hành các chiến dịch chung giữa các lực lượng bộ binh, hải quân, phòng không và các đơn vị tiên lửa để « kiểm soát các nút thắt chiến lược và ngăn cản các lực lượng nước ngoài tiếp cận » đảo Đài Loan. Bắc Kinh đã thông qua cách tiếp cận chiến tranh thực thụ và « chuyển từ bước huấn luyện sang bước chuẩn bị chiến đấu ».

Văn phòng phụ trách Đài Loan của Trung Quốc chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters. Hôm thứ Hai, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh Bắc Kinh phải nâng cấp quân đội để biến quân đội Trung Quốc thành « Vạn Lý Trường Thành Thép ».

Bắc Kinh, vốn luôn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và tìm cách thống nhất, không loại trừ khả năng dùng vũ lực, hồi tháng 08/2022 đã tập trận quanh đảo Đài Loan, bắn tên lửa vượt qua Đài Bắc và ban bố các vùng cấm bay và cấm tàu thuyền qua lại, mô phỏng cách phong tỏa Đài Loan trong cuộc chiến.

Anh Quốc tăng xuất khẩu thiết bị và công nghệ tàu ngầm cho Đài Loan

Vẫn theo Reuters, khi Đài Loan nâng cấp lực lượng hải quân, chính phủ Anh đã thông qua mức tăng mạnh xuất khẩu các thiết bị và công nghệ tàu ngầm cho Đài Loan lên thành 167 triệu bảng Anh (hơn 201 triệu đô la) trong 9 tháng đầu năm ngoái. Con số này như vậy cao hơn 6 năm trước đó cộng lại.

Lãnh đạo tối cao Trung Quốc khẳng định ‘‘an ninh’’ là lĩnh vực chủ chốt


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Bắc Kinh nhân lễ bế mạc khóa họp Quốc Hội Trung Quốc ngày 13/03/2023. AP - Andy Wong
Trọng Thành
Hôm nay, 13/03/2023, lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình có bài diễn văn trong phiên bế mạc Quốc Hội. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của ‘‘an ninh’’, trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ gia tăng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: ‘‘An ninh là nền tảng cho phát triển, và ổn định là điều kiện của thịnh vượng’’. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi Quốc Hội Trung Quốc bỏ phiếu để lãnh đạo họ Tập tiếp tục đảm nhiệm chức chủ tịch nước nhiệm kỳ ba. Hãng tin Anh Reuters chú ý đến hình ảnh về quân đội mà tổng bí thư kiêm chủ tịch Trung Quốc đưa ra. Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc phải hiện đại hóa để quân đội trở thành một ‘‘Vạn Lý Trường Thành bằng thép’’.

Vẫn theo Reuters, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ phải tăng cường việc kiểm soát an ninh trong nước, sau việc ông Tập Cận Bình bổ nhiệm nhiều nhân vật thân tín vào các vị trí lãnh đạo an ninh. Trả lời phỏng vấn RFI, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Béja lưu ý đến điều, mà theo ông ‘‘giới quan sát đã ít chú ý’’, đó là mức tăng ngân sách khác thường dành cho an ninh nội địa của Trung Quốc. Nếu như năm ngoái, ngân sách cho an ninh chỉ tăng 4,7%, thì năm nay là 6,7%. Theo chuyên gia Jean-Pierre Béja, điều này cho thấy Đảng ‘‘không hoàn toàn tự tin’’ sau nhiều hoạt động phản kháng bùng lên trong nước năm qua.

Cũng trong bài phát biểu hôm qua, theo AP, lãnh đạo tối cao Trung Quốc khẳng định Trung Quốc cần ‘‘đóng một vai trò lớn hơn trong việc quản lý các vấn đề toàn cầu’’. Tuyên bố được đưa ra sau khi Bắc Kinh ‘‘ghi một bàn thắng ngoại giao’’ khi là chủ nhà của các cuộc đàm phán dẫn đến một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran.

Tân thủ tướng Trung Quốc khẳng định khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5%


Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh (Trung Quốc), sau phiên bế mạc của khóa họp Quốc Hội Trung Quốc, ngày 13/03/2023. REUTERS - FLORENCE LO
Trọng Thành
Hôm nay, 13/03/2023, trong phiên bế mạc kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc, tân thủ tướng Lý Cường, lần đầu tiên xuất hiện trước báo giới, đã cố gắng trấn an giới kinh tế tư nhân, và kêu gọi siết chặt hợp tác với Mỹ. Ông Lý Cường cũng thừa nhận Trung Quốc sẽ khó đạt được tỉ lệ tăng trưởng 5% trong năm nay, như thủ tướng mãn nhiệm đề ra.

Tỉ lệ tăng trưởng 5% vốn đã là một trong những mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử Trung Quốc trong những thập niên gần đây. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

‘‘Khuôn mặt tươi cười, ngón tay trỏ nhiều lần hướng về phía rừng máy quay, trong bài phát biểu đầu tiên trước báo giới, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã trở lại với mục tiêu tăng trưởng Trung Quốc. Theo ông, mức dự báo 5% cho năm nay ‘‘sẽ khó đạt được’’, nhưng người đứng đầu chính phủ Trung Quốc tự tin vào các nền tảng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với thị trường cực lớn, sự năng động của các công ty, đặc biệt là về xuất khẩu.

Chỉ trích những người ở Mỹ chủ trương tách Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc, ông Lý Cường khẳng định: “Theo các số liệu của Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đạt 760 tỷ đô la vào năm ngoái, đây là một kỷ lục trong lịch sử . Trung Quốc và Hoa Kỳ phải hợp tác.Nếu chúng ta hợp tác, chúng ta có thể đạt được nhiều điều lớn lao.Bao vây và trấn áp không phải là một giải pháp’’.

Để trấn an thị trường một lần nữa, thủ tướng Trung Quốc nhắc lại hiểu biết của mình về giới kinh doanh, đã được đúc kết trong thời gian làm việc tại các tỉnh miền đông, nơi mà chính sách mở cửa đã được thiết lập và ông cho biết sẽ tiếp tục mở cửa. Thủ tướng Lý Cường nói : tất cả các nước đều trải qua những khó khăn, người dân Trung Quốc luôn vượt qua khó khăn của mình’’.

 

Không có nhận xét nào: