Tin Buồn Cho Thung Lũng Điện Tử!
Tin Cần Biết Nhất Trong Thời Điểm Này: Silicon Valley Bank Bất Ngờ Sụp Đổ! Trở Thành Ngân Hàng Phá Sản Lớn Thứ Hai Trong Lịch Sử Mỹ. Rung Chuyển Thị Trường Toàn Cầu. Hàng Tỉ Đô La Bị Mắc Kẹt! Mà Khách Hàng Chưa Thể Lấy Ra! - Silicon Valley Bank (SVB) đã bị cơ quan quản lý Mỹ buộc đóng cửa, sau khi khách hàng rút 42 tỷ USD, 25% tổng số tiền gửi của ngân hàng này, chỉ trong một ngày! Tương lai của SVB cũng bị đặt câu hỏi sau nỗ lực huy động vốn thất bại.(Hình: Với khoảng 209 tỷ USD tài sản, SVB đã trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.)
Theo Financial Times, vào ngày hôm qua, Thứ Sáu 10/3, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã thông báo sẽ đóng cửa SVB và người gửi tiền được cơ quan này đảm bảo, sẽ có thể tiếp cận tiền của mình chậm nhất vào sáng ngày 13/3.
Với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, SVB đã trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ sụp đổ của Washington Mutual năm 2008. Chưa đầy 18 tháng trước, SVB từng được định giá hơn 44 tỷ USD.
Quy mô rút tiền tại SVB đã được tiết lộ, trong một lệnh của cơ quan quản lý tài chính bang California, vào cùng ngày 10/3. Cơ quan này cho biết SVB đã mất khả năng thanh toán và thanh khoản của ngân hàng, là không đủ để duy trì hoạt động.
Tờ lệnh trên cũng tiết lộ rằng, SVB có “số dư tiền mặt âm” khoảng 958 triệu USD. Nhiều khách hàng của SVB là các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như các start-up công nghệ và chăm sóc sức khoẻ. Một số có số dư tài khoản tại SVB vượt quá số tiền tối đa được bảo đảm bởi FDIC.
Cơ quan quản lý cho biết các khách hàng thuộc nhóm trên, sẽ nhận được khoản thanh toán ban đầu vào tuần tới và phần còn lại sẽ phụ thuộc vào chuyện gì sẽ xảy ra với tài sản của SVB.
Trong quá khứ, cơ quản lý tại Mỹ, từng tìm cách hợp nhất những ngân hàng đã phá sản, với một tổ chức lớn và ổn định hơn. Ví dụ, Washington Mutual đã được bán cho JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Theo FDIC, họ sẽ sử dụng số tiền thu được từ việc bán SVB để tài trợ cho các khoản thanh toán đến những người gửi tiền lớn hơn. Vào cuối năm 2022, SVB ước tính rằng gần 96% trong tổng số 173,1 tỷ USD tiền gửi của họ đã vượt hoặc không thể được bảo đảm bởi FDIC.
Để dễ hình dung, Financial Times đã so sánh trường hợp của SVB với Bank of America, ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ. Bank of America ước tính khoảng 38% trong số 1.900 tỷ USD tiền gửi của mình không được bảo đảm bởi FDIC.
Trước khi bị buộc phải đóng cửa, SVB đã từ bỏ nỗ lực huy động 2,25 tỷ USD vốn mới để bù lỗ cho danh mục đầu tư trái phiếu. Theo nguồn tin của Financial Times, SVB đã bắt đầu tìm kiếm người mua để giải cứu chính mình.
Trên sàn Nasdaq, cổ phiếu SVB bị tạm dừng giao dịch vào đầu phiên 10/3. Vụ việc của SVB đã ảnh hưởng đến cổ phiếu của một số ngân hàng Mỹ khác được cho là có danh sách người gửi tiền và giao dịch tài chính tương tự.
Giao dịch của ba ngân hàng PacWest, Western Alliance và First Republic đã bị tạm dừng vì biến động mạnh. Vào đầu phiên, cổ phiếu của cả ba giảm mạnh từ 40% đến 50%.
Nhiều ngân hàng khác đã tìm cách trấn an thị trường bằng cách đưa ra tuyên bố, nhấn mạnh sự khác biệt giữa họ và SVB về tài sản và cơ sở người gửi tiền.
Khi thanh khoản chảy vào hệ thống ngân hàng trong giai đoạn đầu của đại dịch, cùng với việc định giá của các công ty tăng trưởng và công nghệ nhảy vọt, tiền gửi tại SVB đã tăng mạnh.
Bảng cân đối kế toán của ngân hàng phình to gần gấp đôi trong năm 2021 và ban lãnh đạo quyết định đầu tư lượng tiền gửi dư thừa vào trái phiếu Kho bạc và các chứng khoán nợ do chính phủ Mỹ phát hành để tăng khả năng sinh lời.
Song, sau khi Fed tăng mạnh lãi suất và bắt đầu hút thanh khoản ra khỏi nền kinh tế để khống chế lạm phát, định giá của các công ty công nghệ sụt giảm và hoạt động VC cũng chững lại, dẫn đến hiện tượng rút tiền ồ ạt khỏi SVB.
Để chi trả cho khách hàng, SVB đã bán toàn bộ danh mục trái phiếu sẵn sàng để bán (available-for-sale bond), dẫn đến khoản lỗ gần 1,8 tỷ USD và buộc phải tìm cách huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.
Trong một tuyên bố vào ngày 10/3, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bộ trưởng Janet Yellen đã gặp gỡ các quan chức của Fed, FDIC và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (cơ quan cũng chịu trách nhiệm giám sát ngành ngân hàng) để thảo luận về SVB.
“Bộ trưởng Yellen bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối rằng các cơ quan quản lý ngân hàng sẽ có những hành động phù hợp để đối phó với sự sụp đổ của SVB. Bà lưu ý rằng hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và các nhà quản lý có đủ công cụ hiệu quả để giải quyết vụ việc”, tuyên bố có đoạn.
Vụ phá sản của SVB diễn ra hai ngày sau khi Silvergate, một ngân hàng chuyên phục vụ cho lĩnh vực tiền ảo, cho biết họ sẽ tự nguyện ngừng hoạt động sau khi khách hàng rút ra hàng tỷ USD.
Thiệt hại từ vụ việc của SVB có thể lan rộng. SVB là đối tác ngân hàng của một nửa số doanh nghiệp công nghệ và khoa học đời sống mà các công ty VC hậu thuẫn tại Mỹ.
Khách hàng của SVB đã bắt đầu lo sợ hơn về tình hình tài chính của ngân hàng từ ngày 9/3, khi một số start-up bắt đầu rút tiền. Một số nhóm đầu tư mạo hiểm thừa nhận rằng họ đã bắt đầu tư vấn cho đối tác về việc xem xét rút một phần tiền khỏi SVB vào đầu tuần.
“Mối quan hệ kinh doanh 40 năm của SVB với Thung lũng Silicon đã bốc hơi trong 14 giờ đồng hồ”, giám đốc cấp cao tại một quỹ VC trị giá hàng tỷ USD nhận xét.
Tin Thêm: Silicon Valley Bank ‘Sập Tiệm! Phá Sản!’ Đẩy Khách Hàng Vào Cơn Khủng Hoảng! Lo Lắng!
– Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất vùng Silicon Valley và lớn thứ 16 ở Mỹ, “sập tiệm” hôm Thứ Sáu, 10 Tháng Ba, làm rung chuyển thị trường toàn cầu và làm mắc kẹt hàng tỷ đô la của nhiều công ty và nhà đầu tư, theo Reuters và AP.
SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tuần này do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng này. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ nhì lịch sử Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.
(Hình: Nhân viên thông báo với khách hàng trụ sở SVB ở Santa Clara, California, đóng cửa hôm Thứ Sáu, 10 Tháng Ba.)
Giới chức điều hành ngân hàng California lập tức đóng cửa SVB và chỉ định Cơ Quan Bảo Hiểm Tiền Gửi Liên Bang (FDIC) là nơi nhận tiền bán tài sản SVB sau này.
Văn phòng chính cũng như toàn bộ chi nhánh SVB sẽ mở cửa lại vào Thứ Hai, 13 Tháng Ba, và tất cả khách hàng có bảo hiểm sẽ được rút hết tiền gửi có bảo hiểm trễ nhất là sáng hôm đó, FDIC loan báo.
Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2022, 89% trong số $175 tỷ tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm, theo FDIC. Cơ quan này chưa biết tính sao với số tiền đó.
SVB chủ yếu phục vụ nhân viên công nghệ và công ty mới mở.
Nhiều công ty, như Roblox Corp – công ty sản xuất trò chơi điện tử, và Roku Inc – công ty sản xuất thiết bị xem video trực tuyến, cho hay họ gửi hàng trăm triệu đô la ở SVB. Roku cho biết phần lớn tiền gửi của họ ở SVB không có bảo hiểm, khiến cổ phần công ty rớt giá 10%.
Nhân viên công nghệ lãnh lương thông qua SVB đang lo lắng không biết sẽ lãnh lương như thế nào. Chi nhánh SVB ở San Francisco dán thông báo trên cửa yêu cầu khách hàng gọi cho một số điện thoại miễn phí.
FDIC tuyên bố họ sẽ tìm cách bán tài sản SVB và người gửi tiền không bảo hiểm có thể sẽ được trả tiền lời cổ phần trong tương lai.
Bằng Giây Phút Này, 48 Năm Trước, Của Tháng 3 Gẫy Súng Đau Thương – 1975.
Tổng lược tình hình tháng 3 của 7 tỉnh Cao nguyên của Quân khu 2, trước khi Quân đoàn 3 thành lập phòng tuyến Phan Rang
-Kể từ ngày 10/3/1975, ngày Cộng quân (CQ) mở trận tấn công dồn dập vào thị xã Ban Mê Thuột, tỉnh lỵ tỉnh Đắc Lắc, cho đến ngày 3 tháng 4/1975, trong vòng 23 ngày, CQ đã chiếm toàn vùng Cao Nguyên, sau khi lực lượng VNCH triệt thoái, theo trình tự sau đây.
-Ban Mê Thuột (tỉnh lỵ tỉnh Darlac) thất thủ ngày 11/3/1975; ngày 16-18/4/1975, lực lượng Quân đoàn 2 triệt thoái khỏi hai tỉnh Pleiku và Kontum, và CQ đã chiếm 2 tỉnh này mà không qua các cuộc giao chiến. Trên đường triệt thoái Cao Nguyên, đoàn người di tản, bị CS pháo kích trên Tỉnh lộ 7B, làm hàng chục ngàn người chết!
-Ngày 19/3/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 nhận được báo cáo Phú Bổn thất thủ.
-Ngày 22/3/1975, trên địa bàn tỉnh Quảng Đức, Cộng quân đã mở nhiều cuộc tấn công và pháo kích. Tỉnh Quảng Đức được ghi nhận là thất thủ vào ngày này.
-Ngày 29/3/1975, Bộ chỉ huy Tiểu khu Lâm Đồng và 1 đơn vị Địa phương quân, do vị Trung tá Tham mưu trưởng chỉ huy đã triệt thoái về đến Phan Rang vào 20 giờ tối ngày 29/3/1975.
-Ngày 28-3-1975, Cộng quân đã tấn công quận Bờ Sa, tỉnh Lâm Đồng. Đến 7 giờ 15 sáng cùng ngày, Cộng quân bắt đầu pháo kích vào thị xã tỉnh lỵ Lâm Đồng. Đến 10 giờ 45, tỉnh lỵ bị cộng quân tràn ngập.
Thầy Sao, Học Trò Như Thế! Việt Nam Áp Dụng Mô Hình Đàn Áp Tôn Giáo Theo Đúng Kiểu Trung Cộng!
(Hình: Các chuyên gia phát biểu tại hội luận trực tuyến về sự giao thoa giữa tự do tôn giáo quốc tế và chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng trong khu vực Đông Nam Á, ngày 8/3/2023.)
-Một chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo nói với VOA rằng Việt Nam thực hiện chính sách quản lý các nhóm tôn giáo theo mô hình của Trung Quốc, theo đó bất kỳ biểu hiện đa nguyên nào về quan điểm tự do tôn giáo đều phải đối mặt với sự đàn áp của chính quyền. Mặc dù vậy, vẫn theo chuyên gia này, vấn đề ở Việt Nam vẫn chưa ở mức cực đoan như ở Trung Quốc.
“Tôi nghĩ Việt Nam là một khuôn mẫu khá rõ ràng của Trung Quốc, nơi chủ nghĩa độc tài và đàn áp tôn giáo kết hợp cùng nhau. Điều đặc biệt là đó chẳng những không phải là một xã hội dân sự tôn giáo, mà còn là một nhà nước độc đảng tán thành chủ nghĩa Mác - Lênin và coi đó là hệ tư tưởng sáng lập”, ông Dan Slater, Giáo sư khoa John Orin Murfin về Khoa học Chính trị thuộc Đại học Michigan, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Weiser về các nền dân chủ mới nổi, nói với VOA hôm 8/3.
Giáo sư Slater đưa ra nhận định về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam tại phiên thảo luận trực tuyến về sự giao thoa giữa tự do tôn giáo quốc tế và chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng trong khu vực Đông Nam Á:
“Sẽ không có nhiều không gian cho chủ nghĩa đa nguyên chính trị rộng rãi, nhưng tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, không cực đoan như ở Trung Quốc, nơi mà tôi nghĩ rằng thập kỷ qua đã chứng kiến sự đóng cửa thực sự nghiêm trọng, thậm chí vượt ra ngoài những gì xảy ra cách đây một thập kỷ. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam ít nhất cũng đã và đang đi theo một hướng nào đó như vậy”.
Cuộc hội thảo này do Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) tổ chức, trong bối cảnh cơ quan này cho rằng thế giới đang chứng kiến điều mà nhiều người gọi là “sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài và các thế lực phản dân chủ”, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi đã trải qua tình trạng thu hẹp không gian dân sự trong thập kỷ qua.
Vị giáo sư trường đại học Michigan nói thêm rằng Campuchia cũng đang tái gia nhập một cách hiệu quả theo mô hình của Việt Nam và Trung Quốc với tư cách là một quốc gia độc đảng. “Và điều đó về cơ bản có nghĩa là bất kỳ xã hội dân sự và biểu hiện đa nguyên nào về quan điểm tự do tôn giáo sẽ phải đối mặt, và sẽ ở trong tầm ngắm của họ”, ông Slater nói tại phiên thảo luận.
“Đây không chỉ là một vấn đề mới ở Việt Nam, mà chúng tôi đánh giá đây là một vấn đề tồn tại từ lâu. Vì không có nhiều nguồn lực có khả năng huy động chống chế độ ở Việt Nam và tôn giáo là một trong số đó, vì vậy họ [chính quyền] sẽ rất dị ứng với các biểu hiện tôn giáo ở Việt Nam, và sự dị ứng này chắc chắn lớn hơn nhiều so nơi các khác ở Đông Nam Á”.
Uỷ viên USCIRF Stephen Schneck phát biểu rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài trong khu vực là hiện tượng đáng lo ngại và điều này có ảnh hưởng đối với tự do tôn giáo:
“Nói thẳng ra, đó là một khu vực thường bị bỏ qua ở Washington DC. Và khi đề cập đến khu vực này, các cuộc thảo luận thường chỉ giới hạn ở hai quốc gia mà chúng tôi đề xuất là những Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt (CPC), đó là Myanmar và Việt Nam, hoặc trong bối cảnh có lẽ là của các căng thẳng ở Biển Đông, rất hiếm khi khu vực này được xem xét qua lăng kính nhân quyền, chứ chưa nói đến quyền tự do tôn giáo cơ bản của con người”.
Các diễn giả bày tỏ sự lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài và các thế lực phản dân chủ trong khu vực, nơi không gian dân sự bị thu hẹp trong thập kỷ qua. Các chuyên gia đồng thời tập trung phân tích sự ảnh hưởng của xu hướng này đối với bối cảnh tự do tôn giáo của Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia.
Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia quốc tế đưa ra nhận định về việc Việt Nam áp dụng mô hình hạn chế tự do tôn giáo theo kiểu Trung Quốc.
Ngay sau khi chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 92 năm 2012 về việc thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, giới quan sát nhận định rằng nghị định này quy định “những hạn chế nghiêm trọng” đối với quyền tự do thờ phượng trong nước, và họ cho rằng dường như Việt Nam đang theo “mô hình Trung Quốc” để đưa ra các quyết định trong tương lai về các vấn đề tín ngưỡng.
“Mô hình “hà khắc” của Trung Quốc trở thành điểm quy chiếu cho chính quyền Cộng sản Việt Nam”, trang Asia News viết.
Truyền thông quốc tế khi ấy dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói với phái đoàn Trung Quốc rằng “Việt Nam sẽ ngày càng học tập theo Trung Quốc trong các vấn đề về chính sách tôn giáo”.
Nghị định 92/2012 của Việt Nam sau đó được thay thế bằng Nghị định 162/2017, theo đó quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, tuy nhiên về bản chất vẫn giữ nguyên các quy định cũ, và quản lý các nhóm tôn giáo theo chiều hướng ngày càng khắc khe hơn.
Báo cáo viên đặc biệt LHQ yêu cầu Việt Nam giải trình về ‘sách nhiễu’ tự do tôn giáo và nhân quyền
Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith phát biểu tại một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ vào tháng 7/2014 rằng các phương pháp đàn áp tự do tôn giáo của Trung Quốc là hình mẫu cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là việc đàn áp những người theo Pháp Luân Công ở Việt Nam.
Theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo Việt Nam năm 2016, tất cả các cơ sở thờ tự phải đăng ký với chính quyền.
Tuy nhiên, khi một số mục sư người Hmong và người Thượng cố gắng đăng ký xin thành lập các hội thánh tư gia, chính quyền Việt Nam lại từ chối đơn của họ, điều này dẫn đến việc an ninh thường xuyên đột kích hoặc giải tán các hội nhóm tại gia không đăng ký ở khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, nói rằng “Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
USCIRF ghi nhận hiện có 77 tù nhân lương tâm tôn giáo tại Việt Nam, những người mà chính quyền cho nói rằng đã “vi phạm pháp luật”.
Trong diễn biến liên quan, hôm 9/3, lần đầu tiên chính quyền Việt Nam công bố về sách trắng tôn giáo, khẳng định rằng các tôn giáo đều “bình đẳng trước pháp luật”, và rằng nhà nước “không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”, hay “không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”.
Ban Tôn giáo Chính phủ công bố sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dài hơn 130 trang, trong đó khẳng định “ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo”.
Truyền thông nhà nước dẫn sách trắng cho biết chính quyền nước này đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Nga Bắn Phi Đạn Siêu Thanh Tấn Công Các Đô Thị Ukraine
- Vào hôm 9/3/2023, lần đầu tiên kể từ giữa tháng Hai, Nga đã ồ ạt oanh kích các thành phố Ukraine, dùng đến hơn 80 phi đạn trong đó có loại phi đạn siêu thanh mà Ukraine không bắn chặn được.
Quy mô của đợt tấn công rất lớn. Trong 24 tiếng đồng hồ, quân đội Nga đã phóng 84 phi đạn. Chính quyền Ukraine đã báo cáo về các vụ nổ ở 10 khu vực, ở miền Đông, miền Nam, miền Tây cũng như ở Kyiv.
Mạc Tư Khoa gọi các cuộc tấn công mà họ thực hiện với sự trợ giúp của phi đạn siêu thanh Kinjal, một trong những vũ khí tinh vi nhất trong kho vũ khí của Nga, là hành động "trả đũa" cho một cuộc xâm nhập của "những kẻ phá hoại" Ukraine vào lãnh thổ Nga hôm 2/3. Kyiv phủ nhận các cáo buộc và cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa có thể sử dụng các cáo buộc này để biện minh cho các cuộc tấn công tiếp theo.
Theo quân đội Ukraine, lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 34 trong số 84 phi đạn do Nga bắn qua cũng như 4 drone do Iran sản xuất. Tuy nhiên không một chiếc nào trong số 6 phi đạn Kinjal, bị bắn hạ. Kyiv cho biết hệ thống phòng không hiện nay của họ không thể đánh chặn loại phi đạn này.
Số người Ukraine bị thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Nga càng lúc càng tăng. Theo báo cáo mới nhất của bộ Quốc Phòng Anh, đã có 11 thường dân Ukraine bị thiệt mạng.
Ngoài chiến dịch oanh kích ồ ạt vào toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết thêm, Nga không chỉ tập trung tấn công vào Bakhmout mà còn vào các điểm khác của mặt trận: Ở phía bắc thành phố bị bao vây, họ đang cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ tại Kupiansk và Lyman. Tại phía nam thành phố, các cuộc tấn công tập trung vào Avdiivka và Chakhtarsk. Nhưng Bộ Tổng Tham mưu Ukraine cũng cho biết, ở phía nam đất nước, các lực lượng Nga đang trong thế phòng thủ ở các khu vực Zaporijjia và Kherson.
Đây chỉ là một ước tính. Nhưng tình báo quân sự Lithuania cho rằng rằng Nga có thể tiếp tục tấn công Ukraine với tốc độ hiện tại trong hai năm nữa. "Nga đã tích lũy vũ khí và thiết bị trong suốt những năm dài của Chiến tranh Lạnh", Giám đốc tình báo quân sự Elegijus Paulavicius nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng: "Mặc dù đó là những vật liệu cũ, nhưng các phương tiện này vẫn dùng được và gây hại cho Ukraine".
Phải Chăng Hung Gia Lợi Đang Huấn Luyện Binh Sĩ Ukraine?
- Từ khi Nga tấn công Ukraine, Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban là lãnh đạo Âu Châu duy nhất có thái độ không theo lập trường của Liên Hiệp Âu Châu.
Khi thể hiện như là "phe ủng hộ hòa bình" trước "phe chủ chiến" (phương Tây), lãnh đạo Hung Gia Lợi tuyên bố sẽ không cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự nào cho Kyiv. Thủ tướng Hung Gia Lợi Orban còn công khai ủng hộ Mạc Tư Khoa khi phản đối các trừng phạt nhắm vào Nga, và thậm chí kêu gọi Ukraine buông vũ khí.
Tuy nhiên, theo tiết lộ từ Bộ trưởng Quốc Phòng Slovakia, thì dường như Thủ tướng Hung Gia Lợi đang chơi trò nước đôi. Từ thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi, thông tín viên Florence La Bruyère giải thích:
"Chính trong cuộc họp báo tại Slovakia hồi đầu tuần này mà Bộ trưởng Quốc Phòng Slovakia đã "nhả" thông tin này. Ông Jaroslav Nad nói: "Chúng tôi biết rằng binh sĩ Ukraine được đào tạo tại Hung Gia Lợi".
Bộ Quốc Phòng Hung Gia Lợi không phủ nhận, nhưng cho biết đây chỉ là một chương trình đào nhân viên y tế và y tá, trên cơ sở nhân đạo.
Từ đầu cuộc chiến tranh, Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban chủ trương trợ giúp nhân đạo. Ông nhắc lại rằng ông không muốn giao vũ khí cho Ukraine, cũng như không cho trung chuyển các thiết bị quân sự qua ngả Hung Gia Lợi. Ông Orban tránh xem Nga như là bên gây hấn, và chỉ nói đến cuộc chiến tranh giữa "hai nước xứ Slave".
Theo một số nhà quan sát, lãnh đạo chính phủ Hung Gia Lợi thể hiện sự trung lập để bảo toàn mối quan hệ hữu hảo với Vladimir Putin. Nhưng ẩn sau vẻ bề ngoài trung lập này, có nhiều vùng tối. Một kênh thông tin điều tra (Atlatszo.hu) đã tiết lộ rằng Hung Gia Lợi thường xuyên tham gia các cuộc họp của nhóm tiếp xúc để bảo vệ Ukraine. Và nhóm này có nhiệm vụ điều phối các viện trợ quân sự cho Kyiv".
Chiến Tranh Ukraine: Nguy Cơ Thỏa Thuận Xuất cảng Ngũ Cốc Bị Đình Chỉ
- Ngày 9/3/2023, Bộ Ngoại giao Nga thông báo tổ chức một cuộc họp với Liên Hiệp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) về Thỏa thuận Xuất cảng Ngũ cốc có liên quan đến ba nước Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ. Văn bản này sẽ hết hạn vào ngày 18/3.
Tuy nhiên, vài giờ trước thông báo này, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov nhắc đến những khó khăn trong việc áp dụng thỏa thuận cũng như những "vấn đề cần phải được nêu lên". Những phàn nàn này của lãnh đạo ngoại giao Nga làm dấy lên mối quan ngại nguy cơ đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc toàn cầu. Julian Colling, thông tín viên đài RFI tại Mạc Tư Khoa, cho biết cụ thể:
"Chính lãnh đạo ngoại giao Nga Serguei Lavrov hôm 9/3 đã có những tuyên bố thẳng thừng. Theo ông, nhìn từ quan điểm của Mạc Tư Khoa, những điểm của thỏa thuận phải có lợi cho Nga, xin trích, lại "không hề" được thực hiện. Nếu thỏa thuận chỉ được tuân thủ "có một nửa", thì việc gia hạn văn bản sẽ trở nên "khá phức tạp", theo như đánh giá của Ngoại trưởng Nga sau cuộc họp song phương với đồng nhiệm Ả Rập Saudi.
Cũng theo Mạc Tư Khoa, vẫn tồn tại nhiều rào cản cho việc xuất cảng ngũ cốc và phân bón của Nga. Và khi nói là "những rào cản", cần phải hiểu rằng đó là những biện pháp trừng phạt chủ yếu nhắm vào các tàu thuyền và cảng biển của Liên bang Nga. Điều đó đang cản trở các tàu chở hàng của Nga đi đến điểm giao hàng cũng như là tàu ngoại quốc cập cảng ở Nga.
Cuối ngày, đến lượt phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Maria Zakharova, chỉ trích các nước phương Tây. Theo bà, chính những nước này phải bảo đảm cho việc thực thi toàn bộ thỏa thuận. Ngày 2/3 vừa qua, Mạc Tư Khoa đã tố cáo phương Tây "phá hoại" việc thực thi các điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận. 260 ngàn tấn phân bón xuất cảng đến các nước nghèo nhất được cho là đã bị chặn tại các cảng biển vùng Baltic.
Liệu đó có phải là cách thức để chuẩn bị cho cộng đồng quốc tế khả năng Nga từ chối triển hạn thỏa thuận hay chăng? Theo Bộ Ngoại giao Nga, đây chưa phải là lúc để tỏ ra lạc quan. Dù vậy, một cuộc họp thương lượng mới đã được dự kiến vào ngày 13/3 tới đây tại Geneva, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc".
Gruzia: Đối Lập Duy Trì Áp Lực Chống Dự Luật "Đăng Ký Tác Nhân Ngoại quốc"
- Hôm 10/3/2023, với 35 phiếu thuận, 1 phiếu bác, Quốc hội Gruzia đã bác bỏ dự luật bị coi là "theo gương Nga", viện cớ "tác nhân ngoại quốc" để đàn áp báo chí và các tổ chức bảo vệ nhân quyền độc lập.
Sau chính phủ, đến lượt các Dân biểu Quốc hội Gruzia lùi bước trước áp lực của đường phố. Dù vậy, tối 9/3, các cuộc xuống đường tiếp diễn tại Gruzia đòi chính phủ trả tự do cho hơn 130 người đã bị bắt giữ trong 2 ngày biểu tình, 7 và 8/3. Việc chính phủ phải nhượng bộ được coi là một thắng lợi to lớn của xã hội dân sự Gruzia và phe đối lập. Từ thủ đô Tbilisi của Gruzia, thông tín viên Régis Gente của RFI tường trình:
Tối qua, những người biểu tình tỏ thái độ rất tự hào: Đó là đã buộc chính phủ phải nhượng bộ chỉ bẳng cách là họ thể hiện mong muốn hội nhập vào Âu Châu. Cho dù có một số rối loạn, nhưng những người biểu tình ít ra đã đồng thuận một điểm: Sau khi dự luật bị rút bỏ, họ đòi trả tự do cho 133 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình hôm thứ Ba và thứ Tư và để tỏ rõ hơn một chút cho đảng cầm quyền, đảng "Giấc mơ Gruzia", thấy ai là người bảo đảm chủ quyền của đất nước. Thực vậy, ngay từ tối qua, thứ Năm, họ đã đạt được nguyện vọng của mình.
Trong khi đó, hôm nay, thứ Sáu, Quốc hội Gruzia khởi động thủ tục rút bỏ chính thức dự luật về "tác nhân ngoại quốc". Phe đối lập rất phản đối văn bản này, bị đánh giá là một đạo luật của Nga. Vậy phong trào phản kháng này sẽ đi tới đâu? Phong trào này không có thủ lĩnh trong bối cảnh phe đối lập chính trị bị chia rẽ từ nhiều năm qua do những bất đồng nội bộ và những thủ đoạn của nhà tài phiệt Bidzna Ivanichvili, người đang áp đặt sức mạnh của mình đối với xã hội Gruziz từ một thập niên qua.
Xã hội dân sự Gruzia rất năng động nhưng vẫn còn thiếu những gương mặt lãnh đạo, đề ra chính sách và xác định hướng đi cho đất nước hiện đang rất mong muốn hội nhập vào Âu Châu hơn bao giờ hết.
Gruzia là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, năm 2008 từng xảy ra giao tranh với Nga. Gruzia không che giấu tham vọng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và liên minh quân sự NATO. Tuy nhiên, gương mặt đối lập, nổi tiếng thân Âu Châu, là cựu Tổng thống Michail Saakachvili đang bị cầm tù.
Anh-Pháp Họp Thượng Đỉnh, Hâm Nóng Quan Hệ Đồng Minh Sau 5 Năm Căng Thẳng
- Hôm 10/3/2023, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đến Paris và hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhằm "đổi mới" mối quan hệ đồng minh "thiết yếu". Đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước sau 5 năm căng thẳng quan hệ vì Brexit và chương trình hợp tác quân sự AUKUS giữa Anh, Mỹ và Úc.
Theo AFP, cuộc gặp Macron – Sunak diễn ra 15 ngày trước chuyến thăm nước Pháp cấp Nhà nước, chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của vua Charles III. Chống nhập cư bất hợp pháp, hợp tác về quốc phòng và hỗ trợ quân sự Ukraine sẽ là những chủ đề thảo luận chính giữa lãnh đạo hai nước. Từ Luân Đôn, thông tín viên Emelie Vin tường thuật:
"Rishi Sunak hy vọng sẽ khôi phục mối quan hệ Anh-Pháp, bởi vì hai người tiền nhiệm, Boris Johnson và Liz Truss, đã có những lời lẽ khá gay gắt đối với Tổng thống Pháp. Những điểm chung và "tình huynh đệ " giữa hai người đàn ông tuổi tứ tuần này đã khiến các nhiếp ảnh gia báo chí ở cả hai bên bờ biển Manche lấy làm thích thú.
Hơn nữa, chính phủ Anh cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc thể hiện sự thống nhất giữa các cường quốc phương Tây trước cuộc chiến tại Ukraine.
Nhưng Rishi Sunak còn đến Paris với hy vọng rằng Emmanuel Macron sẽ hậu thuẫn cho chính sách di dân của ông. Trong tuần này, Thủ tướng Anh đã thông báo ý định cấm xin tị nạn đối với những người vượt biển Manche nhập cư bất hợp pháp, một dự án rất có thể đi ngược với các công ước quốc tế. Ông biết rằng Paris sẽ không đồng ý nhận lại những di dân đó, bởi một phần lớn trong số này xuất phát từ vùng Calais (miền bắc nước Pháp).
Rishi Sunak có thể có ý định thiết lập một mối quan hệ đối tác mới với cảnh sát và hải quan Pháp để ngăn chặn những cuộc vượt biển này. Không loại trừ khả năng là Emmanuel Macron sẽ giúp Thủ tướng Anh đạt được một thỏa thuận tái định cư với Ủy Ban Âu Châu".
Úc và Ấn Độ Cam Kết Đẩy Mạnh Thêm Hợp Tác An Ninh và Quốc Phòng
- Trong khuôn khổ chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Úc Anthony Albanese, lãnh đạo hai nước hôm 10/3/2023 cho biết đã đồng ý tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh song phương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong lãnh vực kinh tế và văn hóa.
Phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Tân Ðề Ly sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Úc Antony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định: "Hợp tác an ninh là một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Úc".
Về phần mình, Thủ tướng Úc cũng xác định rằng những bước tiến "đáng kể" và "đầy cao vọng" đã được thực hiện trong quan hệ quốc phòng với Ấn Độ. Theo ông, trong cuộc hội đàm tại Tân Ðề Ly, hai bên đã "đã thảo luận về môi trường an ninh toàn cầu ngày càng bất ổn và cam kết tăng cường quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng Úc-Ấn". Mối quan hệ đó bao gồm hỗ trợ hậu cần, trao đổi thông tin, tập trận quân sự và hợp tác khoa học và kỹ thuật.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, cả Úc lẫn Ấn Độ đều nỗ lực củng cố nhóm Bộ Tứ Quad, một liên minh bao gồm hai nước này cùng với Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á. Vào tháng 5 tới đây, Úc sẽ là nước đăng cai hội nghị thượng đỉnh của bốn thành viên của Bộ Tứ.
Trong một tin nhắn Twitter gởi đi hôm 9/3, Thủ tướng Úc khẳng định Ấn Độ Dương có vai trò trung tâm đối với an ninh và sự thịnh vượng của cả hai quốc gia, đồng thời cho biết thêm "chúng tôi đang hợp tác để bảo đảm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, không loại trừ ai và thịnh vượng".
Vòng công du Ấn Độ 4 ngày của Thủ tướng Albanese cũng là dịp để thúc đẩy quan hệ giữa hai bên trong mọi lãnh vực. Vào hôm qua, Thủ tướng Úc đã gặp gỡ giới lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ tại Mumbai, thủ đô tài chính của Ấn Độ, đồng thời thăm tàu sân bay Ấn Độ INS Vikrant mà nước này tự chế tạo, được Hải Quân Ấn đưa vào hoạt động vào tháng 9 năm 2022.
Sau Ấn Độ, Thủ tướng Úc sẽ tới Hoa Kỳ và sẽ gặp đồng nhiệm Anh Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thành phố San Diego vào thứ Hai 13/3.
Theo hãng tin Anh Reuters, cuộc họp sẽ thảo luận chi tiết về chương trình cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử và các loại vũ khí kỹ thuật cao khác.
Các nguồn thạo tin cho rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên tại San Diego sẽ tiết lộ các chi tiết mới của hiệp ước AUKUS 2021 - một liên minh kết hợp ba nước Mỹ, Anh và Úc - được coi là một phần trong nỗ lực chống lại Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Đại sứ Úc tại Mỹ vào tuần trước cho biết chi tiết về thỏa thuận mua bán tàu ngầm sẽ được công bố vào giữa tháng 3 nhưng cả 3 chính phủ đều từ chối bình luận về thời gian và địa điểm cụ thể.
Quốc Hội Trung Quốc Đồng Thuận Trao Tập Cận Bình Nhiệm Kỳ Ba
- Không một phiếu chống, không ai vắng mặt. 2952 đại biểu Quốc hội Trung Quốc ngày 10/3/2023 nhất trí bỏ phiếu tín nhiệm ông Tập Cận Bình, ứng viên duy nhất, thêm nhiệm kỳ thứ ba ở chức vụ Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Tổng thống Nga Vladimir Putin lập tức "thành thật chúc mừng" ông Tập Cận Bình và Mạc Tư Khoa "cảm kích trước những đóng góp cá nhân của ông Tập củng cố quan hệ" song phương.
Việc bầu tại Quốc hội chỉ là thủ tục nhưng giới quan sát vẫn xem đây là một sự kiện lịch sử. Với nhiệm kỳ thứ ba này, ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông đến nay. Thông tín viên RFI từ Bắc Kinh, Stéphane Lagarde tường thuật:
"2952 lá phiếu được ghi nhận sau cuộc kiểm phiếu và được thông báo trước các đại biểu tập hợp ở Đại Sảnh Đường Nhân Dân sáng hôm nay (10/03). 2952 lá phiếu thu nhận được và 2952 lá phiếu đều đã được chấp nhận. Các đại biểu nhất trí bỏ phiếu bầu lại ông Tập Cận Bình. Không có bất kỳ một lá phiếu chống đối nào, không một ai vắng mặt. Kế tới là những tràng pháo tay dài.
Sau 10 năm điều hành đất nước, nhân vật số 1 tại Trung Quốc đã loại hết các đối thủ. Cuộc biểu quyết hôm nay là thủ tục thông qua quyết định từ Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 hồi tháng 10 năm 2022. Và sự kiện này mang ý nghĩa chính trị mạnh mẽ. Phiên họp sáng nay đã được đài truyền hình Nhà nước phát trực tiếp và cho thấy giới tinh hoa cộng sản đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước.
Tương tự như vậy, không có bất kỳ một tiếng nói chống đối nào bên Quân Ủy Trung Ương, với 2952 phiếu và những tràng pháo tay, Quân Ủy Trung Ương cũng đã tín nhiệm ông Tập Cận Bình tiếp tục là người đứng đầu quân đội.. Khoảng một chục sĩ quan, đầu đội mũ trắng, xanh và xanh lá cây đại diện cho lục quân, hải quân và không quân từ, trên bục cao đi xuống, mang theo cuốn sách đỏ. Đó là bản Hiến Pháp Trung Quốc. Đây là một biểu tưởng nhắc nhở tầm mức quan trọng của văn bản này, sau khi văn bản đã được sửa đổi cách nay 5 năm, xóa bỏ điều khoản giới hạn quyền lực của Chủ tịch nước.
Trong buổi lễ tuyên thệ, ông Tập Cận Bình đã "Thề trung thành với Hiến Pháp của Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa". Trong thời gian gần đây, ông thường tự cho mình là nhà cầm lái vĩ đại, sẵn sàng lèo lái con tàu của Trung Quốc, để vượt qua các vùng biển đầy bão táp trong quan hệ quốc tế".
Kế Hoạch Ngân Sách Hoa Kỳ Dành Hàng Tỉ Mỹ kim Chống Lại Trung Quốc
- Kế hoạch ngân sách mà chính quyền Biden đưa ra hôm 9/3/2023 bao gồm các yêu cầu tài trợ hàng tỉ Mỹ kim cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhắm mục tiêu chống lại Trung Quốc thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và các hỗ trợ khác cho các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.
Quyền Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Quản lý và Tài nguyên John Bass nói với các phóng viên rằng sự cạnh tranh của Hoa Thịnh Ðốn với Bắc Kinh là "rộng lớn và phức tạp khác thường" và hợp lý để được các hình thức tài trợ mới.
"Cách tiếp cận của chúng ta đối với thách thức thế hệ do CHND Trung Hoa đề ra tập trung vào việc đầu tư vào năng lực nội địa của chính chúng ta, điều chỉnh nỗ lực của chúng ta với nỗ lực của các đồng minh và đối tác và cạnh tranh với CHND Trung Hoa ở những chỗ có lợi ích và giá trị khác nhau", ông Bass nói.
Đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, cho dù các nhà lãnh đạo đảng nhìn chung ủng hộ các nỗ lực chống lại Trung Quốc.
Đề xuất ngân sách cho năm 2024 bao gồm 400 triệu Mỹ kim cho một quỹ "chống lại các hành vi cụ thể có vấn đề của CHND Trung Hoa trên toàn cầu", theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Chính quyền Biden yêu cầu các khoản chi tiêu bắt buộc, ngoài khoản tài trợ tùy hỷ xưa nay, bao gồm 2 tỉ Mỹ kim để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng và 2 tỉ Mỹ kim để củng cố các nền kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hỗ trợ các đối tác đẩy lùi Trung Quốc, ông Bass cho biết.
Ông nói ngân sách này cũng bao gồm tài trợ để mở rộng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Quần đảo Thái Bình Dương, khu vực mà Hoa Thịnh Ðốn đang cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Số tiền tài trợ có thể không đáng kể so với số tiền lớn của Trung Quốc rót ra ngoại quốc thông qua sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, nhưng các viên chức cho biết những nỗ lực của Hoa Kỳ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng "chất lượng cao" và sẽ thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.
"Chúng ta không tìm so kè với Trung Quốc từng đồng Mỹ kim, một phần vì bất kỳ khoản đầu tư nào của Trung Quốc… đều không mang nhiều ý nghĩa thương mại", ông Bass khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét