Một hôm tình cờ ghé thăm phòng bán đấu giá vật dụng, tôi đã thấy chân dung tôi treo lệch lạc trên bức tường vôi nham nhở. Ở đây họ bán nhiều thứ : bàn ghế, giường phản, xe đạp, sách vở, máy chữ, quạt điện… Bấy giờ tôi mới biết hễ ai bị tịch biên gia sản thì những đồ đạc đáng tiền đem ra trưng bầy phát mại. Năm tháng trước, ba tôi thâm lạm công quỹ trang trải nợ nần cho me tôi. Việc bại lộ, ba tôi vào tù nằm ôn dĩ vãng, cảnh sát đến niêm phong nhà tôi và mời me tôi rời khỏi nơi này ngay lập tức. Me tôi chỉ được phép mang theo vài bộ quần áo. Lúc ấy tôi đang nằm ôm con nhỏ, tủi hận vì buổi trưa chồng tôi lục soát rương hòm lấy hết tiền dành dụm của tôi đi đánh cá ngựa.
Me tôi tới tìm tôi kể lể nỗi niềm. Tôi nghe xong khóc rưng rức. Điều buồn nhất là bức tranh Vũ vẽ tặng tôi, chẳng biết người ta có để lại không ? Ít ngày sau, me tôi trở về nhà cũ, tôi cũng vội vàng theo về, hy vọng rằng bức tranh bài tập của Vũ không ai thèm chú ý. Nhưng tôi thất vọng, tôi đoan chắc ông thừa phát lại nhận ra chân giá trị của tác phẩm duy nhất của Vũ không phải vì cái khung đẹp hay nét vẽ mạnh bạo mà chỉ vì nơi tôi lựa chọn treo bức tranh. Tôi im lặng tưởng tiếc, mối sầu bén rễ thêm. Đêm đêm tôi quằn quại trong những giấc mơ ngắn ngủi, thấy Vũ dẫy dụa, đau đớn.
Anh trai tôi thuê căn nhà khác mãi tận ngoại ô, căn nhà lá tồi tàn hợp túi tiền tư chức hạng bét của anh. Như vậy me tôi khỏi trông rõ cảnh suy đồi, yên thân sống mà hối hận.
Gia đình tôi lôi thôi lắm. Ba me mỗi người mang riêng một quan niệm sống. Hồi trước ba tôi đã từng là đảng viên Quốc Dân Đảng, hoạt động lén lút mãi mà tương lai thì cứ mịt mù. Rồi chẳng hiểu sao ba tôi bỏ hàng ngũ, bằng lòng cuộc sống tầm thường như mọi người. Tuy nhiên mỗi lần gửi hồn về dĩ vãng, ba ăn nói khinh bạc hết điều. Rốt cục ba chỉ là một công chức ba cọc, ba đồng. Me tôi thực tế, thực tế đến nỗi tôi tưởng me tôi tham lam. Thuở thơ ấu tôi không biết tình cảm của ba me tôi thế nào chứ lớn lên, tôi hay phải chứng kiến cảnh tượng kém tốt đẹp. Me tôi chấp nhặt cả từng mẩu chuyện vu vơ để mỉa mai ba tôi. Thường thường ba tôi câm nín. Mãi mãi tôi mới khám phá được nguyên do sự chịu đựng của ba tôi.
Ba lấy me ngày ba còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Ông nội tôi chết sớm, bà nội tôi lo liệu không nổi nên ba tôi phải ăn bám ông bà ngoại, tiếp tục học hành. Ba tôi chỉ chăm chú chuyện chính trị, lơ đãng sách bài, vì thế khi tỉnh mộng, tay ba trắng bằng cấp. Ông bà ngoại khỉnh bỉ ba. Khi những trái núi già đổ vỡ hết che lấp mặt trời, trái núi trẻ nhô lên án ngữ cuộc đời ba. Ba thành người gàn, thành người an phận để kéo dài năm tháng nghe me tôi đay nghiến. Tôi thương ba nhưng cũng thương cả me. Me muốn ba trả ơn xứng đáng. Ba thụt két giữ danh giá cho me, cho gia đình bên me, cho kẻ ngoài cuộc lấy ba làm đối tượng, chửi bới om sòm. Thôi, nằm trong khám, ba sẽ sung sướng ba sẽ khỏi phải nghe me rỉa rói.
Anh tôi giống tính ba như đúc, sau 10 năm bỏ nhà theo kháng chiến, anh trở về bạc nhược tinh thần. Dấu vết binh lửa sần sùi khắp mình mẩy, nhiều khi anh có tâm trạng của người điên. Tôi quả quyết anh đã giết nhiều nhân mạng oan uổng. Ngày anh tìm về, me tôi mừng rỡ, trái lại ba tôi dửng dưng. Chả có dạo anh và ba đã cãi nhau gay go về khuynh hướng quốc gia, quốc tế. Ba từ anh. Anh tôi nhận hết lỗi lầm cũ. Ba lại thương mến anh như xưa. Tôi không thấy anh khoe khoang công trạng tuy anh tôi dự nhiều trận tàn khốc và cũng giữ chức vị khá quan trọng ở ngoài kia. Hiện thời anh làm công cho hãng nọ, cố đợi một sự thay đổi dù là nhỏ mọn và nguyện ước là được hồi hương để trồng mấy khóm thiên lý. Anh tôi không lấy vợ, chiến tranh tàn phá hạnh phúc của anh, điều ấy làm anh đau khổ, làm me tôi tuyệt vọng vì chẳng bao giờ có cháu nội bế bồng.
Gia đình tôi có hai người bại trận. Tôi ngờ đâu Vũ cũng lại lê bước vào cái lối mòn đó khiến tôi mất Vũ, mất cả bức tranh nếu chẳng tình cờ ghé thăm phòng bán đấu giá.
Bức tranh của Vũ lạc lõng giữa nơi tiền bạc đóng vai ông chủ tương lai. Tôi nghẹn ngào. Than ôi ! Tâm hồn Vũ gẫy gập. Tôi đứng ngây người như kẻ ăn mày vừa nhặt được tiền rơi bên hè phố vắng, nửa mừng, nửa sợ. Mắt tôi đóng khung tầm nhìn, tôi chẳng thấy gì ngoài kỷ niệm đang lố nhố đùn lên và cũng đóng khung trong bức tranh của Vũ. Bỗng nhiên tình tôi yêu Vũ thức giấc.
Chúng tôi thân nhau từ thuở nhỏ. Nhà Vũ cạnh nhà tôi. Ba me Vũ sinh được mình Vũ. Me Vũ chiều chuộng Vũ hết nước, ý me muốn đền bù những lời mắng mỏ, những ngọn roi nổi vết lươn trên lưng Vũ mỗi bận ba Vũ nỗi giận. Ba Vũ nghiêm nghị, nét mặt luôn luôn hằn học, khó chịu.
Điều này thật lạ lùng, tôi vẫn nghĩ con một thì thừa điều kiện hưởng cảnh “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Vũ thủ thỉ với tôi “Vũ ghét ba ghê, ba nghiện ngập, ba hay đánh oan Vũ, thế mà thầy giáo cứ bắt học bài luân lý công bằng và tai hại của sự nghiện”. Năm ấy Vũ 13 tuổi, tôi 10 tuổi. Ba me tôi có hai người con. Tôi kém anh Thụy tới 8 tuổi, hình như có dạo ba tôi bỏ nhà đi lâu lắm. Ba tôi quý Vũ, me tôi lại không ưa. Me bảo “trông nó cứ như ông cụ non, cái mặt khinh khỉnh rõ ghét”. Vũ ít sang nhà tôi chơi, Từ bé Vũ đã thích trầm lặng. Vũ nằm nhìn cánh quạt, quay tít trên trần nhà hay theo dõi cái diều cánh cốc lên cao dần. Tôi thì thuở bé tôi thú bẻ hoa bắt bướm. Ở trường bạn học ghét Vũ, họ về hùa bắt nạt Vũ. Thỉnh thoảng Vũ bị họ đánh đau phát ốm. Tôi chẳng thấy Vũ khóc, Vũ cũng chẳng sợ sệt. Vũ đứng giữa sân trường chỏ tay vào đám học trò cùng lứa tuổi giọng kẻ cả : “Chúng mày là lũ hèn nhát, giỏi từng đứa thử sức”. Vũ học giỏi nhưng thầy giáo Vũ thích sai vặt mà Vũ thì cứng cổ nên không bao giờ Vũ được xếp hạng nhất. Ba Vũ càng giận Vũ, cho rằng Vũ dốt nát, lười biếng. Vũ nín lặng chịu đựng đòn vọt. Chủ nhật, Vũ nằm nhà lấy bút chì nguệch ngoạc những hình thù vở vẩn lên giấy rồi lại xé vụn nát, Tôi xin, Vũ từ chối. Ba tôi yêu Vũ, tình cảm của ba thường biểu hiện khi ba nhìn Vũ đút tay vào túi quần, cúi mặt lầm lũi đi. Sau này ba tôi còn yêu thêm cái giọng điệu khinh bạc của Vũ nữa. Tôi theo phe ba, rất mến Vũ,
Tôi vừa nhắc vài mẫu quá khứ chứa chất trong lòng. Tôi ghi nhận được ít quá, ít là ít những nét khác biệt chứ tuổi trẻ ai chẳng có nhiều kỷ niệm huy hoàng. Tuy ít nhưng cũng đủ khiến tôi suy nghĩ nhiều ngày tôi gặp Vũ ở Sài-gòn.
Vũ già dặn hơn những người bằng tuổi Vũ. Sau bẩy năm qua, Vũ lên Hà-Nội, tôi lớn dần trong cảnh bình thản của người tĩnh nhỏ. Hồi gia đình tôi di cư vào Nam. Tôi cố tìm Vũ trong đám đông quen thuộc. Thường thì thất vọng. Mãi mới thấy Vũ tha thẩn trên hè phố một buổi chiều. Vũ nhận ra tôi ngay. Vũ khen tôi đẹp khiến tôi thẹn đỏ mặt. Tôi trách Vũ bao nhiêu thứ. Vũ cười xin lỗi, Vũ bảo thời đại này làm con người dễ quên mọi việc.
Bấy giờ tôi chưa yêu ai. Ở tuổi hai mươi thèm khát ái tình, tôi phải hạ mình xuống đóng vai kẻ đi tìm. Những gã con trai thời đại chạy theo tôi tán tỉnh, nịnh bợ nhiều lắm. Những thằng anh hùng rơm trên sân khấu đời thì sao sắm nổi vai chính trên sân khấu tình ái. Tôi khinh bọn họ.
Vũ khác, nghĩ thế tôi tưởng mình chủ quan. Nhưng rồi Vũ giới thiệu với tôi vài người bạn trai của Vũ. Đám người này, tôi chưa từng thấy họ nháo nhác ngoài phố. Họ giản dị, tế nhị trong nếp sinh hoạt, họ xuềnh xoàng tựa mọi người. Tôi cho rằng người tầm thường làm nên chuyện phi thường mới đáng kể. Vũ thực đáng người yêu của tôi. Tôi dám vì anh trọn đời giữ vai kẻ đi tìm. Trong thậm tâm, tôi vẫn nghĩ Vũ thường nhắc nhở tên tôi, ít ra cũng hơn đôi lần Vũ rung động. Giữa thuở đợi chờ, Vũ xuất hiện. Tôi yêu Vũ song tôi sẽ không nói, tôi bắt Vũ nói trước. Vũ vào Sài-gòn một mình, bỏ ba me ngoài ấy. Hỏi Vũ chuyện gia đình, Vũ im lặng. Dường như Vũ có tâm sự gì đau đớn. Lâu lâu Vũ nhớ tớ ba, Vũ chắp nối từng mẩu khôi hài nho nhỏ chê cười ba. Vũ bảo sống thời đại sóng gió như ba mà cam tâm nằm nhà hút thuốc phiện, thực là nhục nhã. Vũ ước mong thời đó còn, nhất định Vũ phải dự trận Yên-Bái… Tôi hỏi me Vũ, Vũ giả vờ đưa tôi sang ngõ ngách tăm tối khác. Nhìn mắt Vũ, tôi thoảng hiểu lúc ấy Vũ buồn ghê gớm.
Giọng Vũ chua chát, gàn gàn. Vũ không nịnh nọt tôi, không khoe khoang gì với tôi cả. Vũ thiếu lịch sự nữa là khác. Tôi mến Vũ có lẽ vì thế. Vũ cho tôi biết Vũ theo hội họa. Tôi sung sướng dục Vũ sáng tác nhiều đem triển lãm, Vũ mỉm cười :
– Anh chưa muốn vẽ cô ạ !
– Sao lạ vậy ?
– Anh còn đợi hứng.
– Anh đợi đến già ư ?
– Anh nghĩ rằng xã hội này phải dọn dẹp cho sạch mắt thì mới có hứng em ạ !
Vũ nói khiến tôi băn khoăn, thắc mắc. Tuổi trẻ vốn bướng bĩnh, không chịu bị chỉ huy. Anh chàng Vũ lôi thôi ghê. Tôi đem chuyện hỏi ba tôi, ba tôi dè dặt:
– Nó có khuynh hướng chính trị, coi chừng kẻo hỏng đời.
– Thật à ba ?
– Ừ, tuổi trẻ làm chính trị dễ bị lợi dụng, khi mình nhận ra thì thân mình đã là quả cam ép hết nước, mình bất mãn và mình có thể liều mạng.
Tôi lo giùm Vũ. Ba tôi nghĩ đúng chăng ? Tôi tìm đủ cách dò hỏi Vũ. Vũ khôn ngoan đưa tôi ra ngoài phạm vi chính trị. Đôi khi chúng tôi trao đổi ít nhiều kỷ niệm cũ. Vũ phàn nàn kỷ niệm của Vũ đáng kể nhất là những giọt nước mắt của me Vũ. Thú thật tôi không hiểu nổi Vũ. Con gái không ưa chuyện gì hơn chuyện yêu đương. Vũ cứ dắt dần tôi vào đường lối suy tư mỏi mệt. Vũ bất mãn cuộc sống hiện tại, khinh rẻ lớp đàn anh. Vũ kết tội ba Vũ và thầy giáo. Tôi đã dành đủ thì giờ nghĩ đến Vũ, khi còn bé lải nhải lý thuyết suông trước cảnh ngộ trái ngược, bước xuống đời quá sớm nên tầm mắt thu về toàn những hình ảnh ốm yếu, bệnh hoạn.
Tôi năng tới nhà Vũ. Vũ ở chung với anh Quang. Gặp Vũ thì Vũ đem ba ra làm đề tài chế riễu. Vũ vắng mặt thì anh Quang tiếp chuyện tôi. Anh Quang cũng là họa sĩ. Anh vẽ thật nhiều nhưng chỉ vẽ trên giấy học trò dán kín tường gỗ gác trọ. Quang sôi nổi hơn Vũ, anh muốn triển lãm tranh nên đã nhịn đói nhịn khát, xin hết bạn này, vay hết nọ chút tiền mọn mua sơn, mua vải mua khung. Hai mươi mấy bức tranh của Quang vẽ xong đem cho bạn hữu vì không ai giúp đỡ Quang phương tiện. Tôi thấy giọng điệu Quang chán chường tuyệt vọng và chua chát chẳng khác gì Vũ.
Quang phàn nàn với tôi mọi vấn đề, gay cấn nhất là vấn đề dính dáng chút ít nghệ thuật. Tôi tự hỏi tại sao các anh cứ lao đầu vào cái nghề bị thiên hạ coi thường mà hằn học. Quang ghét cay ghét đắng bọn đầu cơ văn nghệ.
Anh nói liên miên trút hết bực tức với tôi. Có cái gì khác lạ thật. Căn nhà Vũ ở bạn bè Vũ thường lui tới, người nào cũng kín đáo, khó hiểu trừ Quang luôn luôn kết án “nghệ sĩ giả”. Ba tôi một hôm khuyên tôi đừng chú ý đời tư của Vũ. Ba bảo thanh niên thời đại này ngơ ngơ ngác ngác. Họ sinh sau đẻ muộn nên không tham dự cuộc chiến tranh vừa qua. Lớn lên trong xã hội mệt mỏi. Tâm sự họ là tâm sự thanh niên hậu chiến, chán nản hiện tại, nghi ngờ tương lai,
Buổi sáng chủ nhật, Vũ đến thăm ba me tôi và anh Thụy. Vũ phàn nàn bây giờ người ta không chịu hiểu bọn trẻ tuổi ước nguyện gì, Vũ vì xã hội như con bệnh, người làm cách mạng như bác sĩ. Ba tôi đưa ra vài kinh nghiệm bản thân khuyên Vũ, Vũ cười chê ba tôi là kẻ trốn tránh. Anh Thụy chỉ những vết sẹo sần sùi của anh giảng nghĩa từng tiểu sử của mỗi vết. Vũ im lặng, Vũ cho ba tôi là thứ đồ cổ, anh Thụy là tâm hồn bệnh hoạn. Thời đạí rung chuyển khác nhịp xưa, hôm nay bỏ xa hôm qua nhiều quá, Vũ nghĩ vậy.
Ba tôi ngồi nghe, ba xét can ngăn cũng chẳng được. Vẻ tuyệt vọng hiện rõ trên mặt ba. Tôi thấy lòng tôi se sắt, tôi sẽ mất Vũ, nhà tù sẽ nhốt Vũ ? Tối bữa ấy, tôi mời Vũ xem chiếu bóng. Đêm, Vũ dắt tôi về trên đường khuya vắng. Tim tôi hồi hộp. Tôi chẳng nên tự ái nữa. Tôi nắm chặt lấy tay Vũ, giọng run run :
– Anh Vũ, anh nói gì với em đi ?
– Nói gì ?
– Nói gì cũng được.
– Anh chưa thể nói khi đời anh còn rỗng tuếch.
Tôi gục đầu trên vai Vũ vừa đi vừa khóc. Vũ đỡ tôi. Tôi muốn ghì chặt Vũ mãi mãi. Tôi muốn Vũ là Vũ ngày xưa, tham vọng chính trị đừng cướp mất tâm hồn trong trắng của Vũ. Tôi biết Vũ sẽ như ba tôi, sẽ như anh Thụy bây giờ. Và thế là tôi mất Vũ.
Vũ dìu tôi ra bờ sông, chúng tôi ngồi trên phiến ghế đá. Bên kia sông im vắng, thấp thoáng đôi ngọn đèn dầu le lói. Tôi nhớ bờ sông Trà-Lý ở Thái-Bình những đêm kịch xa xưa. Vũ đã nắm tay tôi chạy tung tăng trên vệ đê dưới ánh trăng bạc. Kỷ niệm nho nhỏ giúp tôi đôi phần tin tưởng. Tôi dục Vũ :
– Anh nói đi anh.
– Nói gì ?
– Nói “anh yêu em…”
Vũ không nói, anh nhìn cặp mắt tôi mọng đầy thương yêu. Anh ôm tôi hôn lên mắt. Tôi muốn Vũ tặng tôi một chiếc hôn nồng đượm trên đôi môi khao khát. Vũ đứng đắn, tôi chả dám sỗ sàng. Hay Vũ khinh tôi, ý nghĩ sau này khiến tôi tủi hổ, tôi khóc rưng rức. Vũ lấy khăn thấm mắt tôi nhưng lệ đã ướt mi tự bao giờ, khăn nhỏ của Vũ làm sao thấm khô được. Vũ buồn buồn hỏi tôi :
– Sao Minh khóc ?
– Tại anh coi rẻ Minh.
– Đâu, ai bảo thế ?
Vũ buông tôi, ngồi im suy nghĩ. Tôi liếc nhìn Vũ đang thả tầm mắt về phía những ngọn đèn dầu le lói bên kia sông. Tôi biết. Vũ say sưa lý tưởng của Vũ hơn tôi. Thật chán nản. Tuy nhiên tôi vẫn hy vọng có ngày Vũ nói Vũ yêu tôi. Tôi thở dài, hơi thở lùa vào khuôn mặt Vũ đăm chiêu. Vũ sực nhớ ra, anh nói :
– Em đã nghĩ vậy, thôi được, chẳng chơi với anh càng hay.
Tôi sợ sệt, vội phân trần :
– Thế anh không khinh em à ?
– Ai nỡ xử tệ bạc vậy.
– Thế…
– Gì ?
– Anh đừng khinh em nhé !
– Ừ.
– Thế …
Gì ?
Tôi ngả đầu vào lòng Vũ, đôi môi mấp máy van xin. Vũ vuốt ve tóc tôi. Tôi cố can đảm nói :
– Thế… anh… hôn em đi…
Tôi không cần đợi Vũ trả lời, ôm sát người Vũ. Lúc ấy bờ sông vắng vẻ…
Đêm về tôi mơ mộng nhiều. Vũ năng thăm tôi nên tôi bởt trống trải. Tôi ngỏ ý với ba sẽ lấy Vũ. Ba tôi lắc đầu hoài nghi còn me tôi biết chuyện mắng tôi thậm tệ. Tính me thực tế mà !
Có bận tự nhiên Vũ đến lôi tôi tới nhà Vũ. Vũ bắt tôi ngồi cả buối chiều làm mẫu vẽ cho Vũ. Xong, Vũ tặng tôi. Vũ bảo :
– Tác phẩm duy nhất của anh đây. Có thể là bài tập hội họa, em đem về đóng khung treo nhé !
Tranh Vũ vẽ chẳng giống tôi tí nào cả. Tôi không hiểu hội họa. Kệ, miễn tôi thích là được. Tôi treo bức tranh ở phòng riêng của tôi. Me tôi chê bai :
– Vẽ gì mồm méo xệch, mắt chĩu nặng xuống tóc rối bù, đường ngồi lệch lạc, trán nhăn nheo như bà già. Thế mà cũng đòi vẽ.
Anh Thụy và ba ngắm bức tranh lấy làm hài lòng lắm. Ba tôi chỉ ngón tay dẫn giải cho tôi hệt họa sĩ Gauguin xem tranh Van Gogh trong phim “Lust for life”.
– Vũ nó trút cả nỗi hằn học cuộc đời, nỗi dằn vặt tâm tư lên tác phẩm.
Tôi sung sướng lịm người. Phải chi Vũ chỉ vẽ và yêu tôi. Sau khi tặng tranh tôi, Vũ có lại nhà hai lần rồi mất bóng. Tôi hỏi anh Quang. Anh thản nhiên đưa tôi bức thư viết nguệch ngoạc đôi giòng của Vũ. Vũ nói đi xa, ngày về không hẹn. Lòng tôi tan nát. Tôi chưa nhận được ân huệ tình ái nào của Vũ mà Vũ đã trốn mất. Tôi khóc nức nở. Quang an ủi tôi. Ba tôi hay tin, nét buồn rõ hơn. Me tôi chắc hài lòng lắm.
Từ đấy tôi bắt đầu sống bằng kỷ niệm. Tâm tình tôi thay đổi đột ngột. Tôi biếng ăn, biếng ngủ, người gầy còm khốn nạn. Cả ngày tôi nằm nhìn bức tranh của Vũ. Me tôi tưởng tôi bị ma ám ảnh, lễ bái, dàn chay. Việc này khiến ba bực tức, ba nói nặng lời. Me lại làm công việc mỉa mai cố hữu rồi đi đánh bạc liên miên. Dần dần nỗi buồn dịu nhẹ. Tôi thường khóc ban đêm. Ngày tháng trôi đều, Vũ biệt tăm đã được hai năm. Tôi lớn rồi, muốn chờ Vũ, nhưng Vũ không hứa hẹn gì cả. Tôi mặc cuộc đời chèo lái. Mãi tới hôm Quang gặp tôi nói chuyện Vũ. Quang cho biết Vũ bị bắn chết gần biên giới Việt-Lào. Vũ đi buôn thuốc phiện lậu gây quỹ đảng. Bị bao vây, bọn Vũ xả súng kháng cự, kết quả xác Vũ vùi dập trong xó rừng heo hút, đêm tối hổ đói về quật mồ lên kiếm mồi. Tôi nghe xong chết lặng, Tôi hết nước mắt để khóc Vũ. Ước vọng buông xuôi rồi.
Ba tôi thương tôi, ba hiểu tôi yêu Vũ tha thiết.
Không biết ai manh mối với me tôi mà me nhận trầu cau ăn hỏi của gia đình Thuận. Ba tôi uất ức phát ốm phải nằm bệnh viện. Anh Thụy cãi me rồi cũng bỏ đi. Ba nói trước như thế này :
– Ba không bằng lòng nếu con lấy đứa ngu dốt như thằng Thuận.
Me tôi cướp lời ba :
– Dốt thì sao, giầu là sung sướng.
Ba bình tĩnh dạy bảo tôi, coi như không có me. Ba kết luận rất buồn thảm :
– Tùy ý con.
Me tôi quát tháo ầm ĩ. Ba đắp chăn phủ mặt ngủ. Tôi khóc thầm ngậm ngùi số phận, thương hại Vũ. Mấy tháng sau tôi đi lấy chồng. Tôi đếm từng nỗi buồn vào đời mới. Đem so sánh Thuận với Vũ tôi ứa nước mắt. Thuận dốt nát, vũ phu nữa, Thuận chỉ biết tiêu tiền và đàn đúm với lũ bạn ranh con du đãng. Tôi không thể chịu được Thuận. Mỗi lần chung đụng xác thịt với Thuận, tôi coi là một nhục hình. Tôi nhắm chặt mắt, đuổi linh hồn đi rất xa, có khi tôi khóc. Tôi ghê tởm Thuận. Thế mà tôi sống cạnh Thuận trọn đời tôi.
Thuận hay đánh đập tôi tàn nhẫn, anh ta kém tôi một tuổi. Nứt mắt mà đã ham mê cờ bạc. Tôi thấy ba tôi nhận xét đúng. Gia đình chồng tôi là bọn vô học mặc dù họ giầu có. Tôi tự an ủi giá Thuận biết cách yêu tôi thì nỗi buồn đỡ xâu xé, ám ảnh. Sống an phận cạnh Thuận tôi sẽ quên hình bóng cũ. Thuận không hiểu gì, anh ta còn đào thêm hố sầu thảm trong hồn tôi nên tôi càng nhớ Vũ.
Ngày tôi về nhà chồng tôi định mang theo bức tranh của Vũ. Nghĩ sao tôi lại thôi. Nếu tôi mang theo, tranh Vũ sẽ nhơ bẫn đến chừng nào. Tôi yêu Vũ, tôi thù hằn lây những nỗi dằn vặt ám ảnh Vũ khiến Vũ lao đầu vào cõi chết. Tại sao chúng tôi không là hoa bướm mãi mãi ? Tại sao bọn Vũ cứ phải lầm lũi tìm lấy lối đi, không ai sẵn lòng chĩ đường Vũ theo, con đường mà tôi mong ước sẽ về với tôi những thương và nhớ ? Không bao giờ tôi dám nghĩ Vũ chết hay Vũ còn sống nằm ôm mối trường hận trong khám lạnh. Không bao giờ… Nhưng Vũ đã chết, Vũ chết thật rồi. Tôi chạnh nhớ tới quả cam ép hết nước ba tôi nói dạo nào. Lúc này ba tôi bị tù, me tôi phá tan hạnh phúc gia đình, anh tôi gửi kiếp sống bệnh hoạn tháng năm nối tiếp. Tôi thấy vì Vũ mà tôi cũng mất khá nhiều mộng ước. Thì ra tuổi trẻ đang bị hắt hủi, xua đuổi tàn nhẫn. Bức tranh của Vũ dìu tôi vào ngõ ngách suy cảm mung lung. Đầu óc tôi bừng bừng nổi sóng. Mắt hoa lên, tôi không còn can đảm hứng đón kỷ niệm dầy vò.
Tôi bỏ về, nhất định tới mua bức tranh gửi anh Quang. Hôm sau tôi cố tình ghé thăm phòng bán đấu giá nhưng tôi ngạc nhiên đến kinh hoảng. Bức tranh đâu mất rồi. Tôi hỏi thăm thì được biết có người vừa mới mua buổi sáng. Tôi đau đớn vô cùng và rồi bình tĩnh tôi hình dung ra khách mua tranh. Chắc ông ta thấu rõ nỗi hằn học cuộc đời, nỗi dằn vặt tâm tuệ trong tranh hoặc thấy rẻ nên mua ? Ông ta sẽ dành chỗ xứng đáng treo tranh của Vũ hay treo cạnh những bức tranh thủy mạc xếp đống bên lề hè Lê Lợi.
Mối sầu bao la chụp kín linh hồn tôi. Tôi thẫn thờ trên đường dài cô độc, nhớ lời Quang mĩa mai :
– Thường thường người ta treo tranh con gái trong phòng ngủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét