Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Người bán hoa trên phố Hà Nội - NGUYÊN QUANG

 Hà Nội cuối hạ, hoa theo người bán hoa xuống phố.
Hà Nội 36 phố phường, dường như những con phố cổ vẫn nằm đó nhưng đời sống Hà Nội đã mang hơi thở thời đại mới, chẳng còn mấy cái không khí “ngàn năm văn vật” hay “không thơm cũng thể hoa nhài…” một thuở. Họa chăng còn đâu đó lẩn khuất giữa người bán hoa, người mua hoa trên phố Hà Nội mỗi sớm mai, một chút gì đó còn sót lại của một Hà Nội xa xưa với liễu rũ mặt hồ, phố người thanh lịch, nhẹ nhàng, và đương nhiên vẫn mang dáng dấp của một thứ Hà Nội khác của Cầu Gỗ, của bến xe, của xóm nước ngầm… của điều gì đó rất riêng Hà Nội. Thế rồi dịch đến, những người bán hàng hoa Hà Nội lại bước vào một nhịp sống mới, cho đến lúc này…
<!>
Hà Nội buổi sớm

Những năm tôi còn học tiểu học, dường như Hà Nội trong lời kể của cô giáo Minh, một giáo viên được luân chuyển từ ngoài tỉnh Thái Bình, miền Bắc vào dạy thì Hà Nội có hồ Gươm, có làng Bát Tràng, có làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân… Thế rồi bẵng đi hai mươi năm, dường như tôi chẳng quan tâm đến Hà Nội là mấy, bởi quanh đi quẩn lại cũng ngần ấy thứ. Cho đến hôm nay, nhìn những người bán hoa sau đại dịch…

Các chị, các mẹ thường không rao bán, họ chỉ đứng đó và chăm sóc hoa, đợi người mua gọi.

Còn nhớ ngày tháng sau đại học, thất nghiệp, lang thang theo bạn bè ra tít tận Lào Cai để làm việc vặt, lúc này, có đi ngang bến xe Giáp Bát, Hà Nội, ấn tượng của tôi về Hà Nội có lẽ là quá đáng sợ, những đầu gấu, mặt rô đội nón cối xanh, chúng chỉ cần đụng tay, quẹt tay qua vật dụng, hàng hóa của bạn thôi, sau đó chúng đòi tiền bốc vác, nếu bạn thắc mắc thì chúng sẽ gây sự, hành hung…

Một Hà Nội như thế trong tôi cho đến khi tôi đi Hà Nội năm 2012, tôi lại gặp một Hà Nội khác, một Hà Nội mà, rồi Hà Nội hôm nay, có lẽ hãy để cho người bán hoa, tên Mai, sống ở làng hoa cũ Ngọc Hà, chia sẻ, “Làng hoa Ngọc Hà bây giờ không còn nữa, mọi thứ đã vật đổi sao dời, và Hà Nội thì khác xưa lắm!”


Gánh hàng rong trên phố Hà Nội.

“Chị là người Hà Nội gốc đúng không ạ?”

“Vâng, đúng như vậy, mình không thuộc dạng trung hay thượng lưu Hà Nội, mình thuộc diện hạ lưu, nghèo khó, trước đây ông bà mình bám được làng hoa Ngọc Hà là mừng lắm rồi. Nhờ vậy có mảnh đất cắm dùi, rồi qua mấy cuộc chiến tranh, cho đến hôm nay.”

“Làng Ngọc Hà mất dấu từ khi nào vậy chị?”

“Từ khi đất lên giá, người ta phân lô, làm nhà, các ruộng hoa nhanh chóng trở thành nền nhà, vì giá của nó cao lắm. Ban đầu người ta mua theo diện đất ruộng, xây dựng trái phép rồi hợp thức hóa, sau này thì mọi thứ nó ổn định hơn.”

Những chiếc xe đạp chở rau, hoa thường dựng đầu các ngõ, các phố đợi người mua gọi. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Nghĩa là xây dựng sai mục đích, trên đất nông nghiệp?”

“Đúng rồi, hầu hết dân nghèo đều làm vậy!”

“Chị có thấy giữa Sài Gòn và Hà Nội có gì giống nhau và khác nhau không? Chị từng đi Sài Gòn rồi chứ?”

“Đi cũng được vài lần, thành phố này năng động hơn Hà Nội, giá cả rẻ hơn Hà Nội, đất đai cũng vậy. Nhưng cũng có nhiều cái khác lắm chứ.”

“Khác như thế nào vậy chị?”

“Hầu hết người Hà Nội có nhà cửa ổn định cũng nhờ vào sự cởi mở về chính sách, làng hoa Ngọc Hà và làng đào Nhật Tân là những ví dụ. Làng hoa Ngọc Hà làm nhà trên đất nông nghiệp, sau đó hợp thức hóa được, chứ làng rau Lộc Hưng trong Sài Gòn thì không được như vậy, bị đập bỏ nhà đi chỗ khác hết.”


Hà Nội với chè xanh, nước sấu...

“Theo chị là do đâu? Có phải do chính quyền của hai thành phố này có cách quản lý khác nhau?”

“Mình thì chịu, không trả lời được. Ban đầu mình cũng nghĩ do người trong đó là dân tứ xứ, họ tới làm nhà cẩu thả nên bị dẹp. Nhưng rồi ngẫm lại, dân làng Ngọc Hà có mấy người đâu, toàn đất mua, của dân khác tới mua ruộng của dân làng Ngọc Hà rồi làm nhà, sau đó hợp thức hóa. Vậy thôi. Như vậy nghĩa là người Hà Nội may mắn hơn người Sài Gòn một chút, có lẽ làm sớm hơn hoặc sao đó mà Ngọc Hà khác với Lộc Hưng, vậy thôi!”

“Chị cho hỏi thêm, hiện tại, nguồn hoa bán buổi sáng trên các phố Hà Nội chủ yếu từ đâu? Và chị làm công việc này bao lâu rồi?”

“À, mình là bán hoa nhưng không phải bán hoa nhé (cười!), cái nghề này, nhất là phụ nữ, nói ra nghe buồn cười lắm vì nó chạm đến một cái nghề khác cùng tên. Mình làm nghề bán hoa này được hai mươi năm rồi, kể từ khi làng hoa Ngọc Hà trở thành nhà cửa thì mình đâu còn trồng hoa được, thôi thì đi mua hoa về bán. Tính ra cũng đủ sống.”

Đêm Hà Nội thường sớm tĩnh lặng.

“Nguồn hoa bây giờ chủ yếu ở đâu? Và tôi nghe nói với người Hà Nội, hầu như mức chi tiêu mỗi tháng trung bình từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng (tương đương $1,400 USD đến $14,000), vậy có đúng không chị?”

“Nguồn hoa thì mình lấy từ các tỉnh, gồm cả hoa từ làng Hạ Lũng, Hải Phòng và nhiều nơi khác, cũng có một số người dân làng Ngọc Hà ra ngoại ô thuê đất nông nghiệp để trồng hoa, làng hoa sông Hồng cũng là một thay thế của Ngọc Hà. Còn mức chi tiêu anh vừa hỏi là của dân buôn bán và trung lưu ở Hà Nội, còn dân lao động thì cũng khó nói lắm, cũng giống như dân thượng lưu thì mức chi tiêu mỗi tháng trên nửa tỉ đồng cũng bình thường, có khi cả vài tỉ một tháng ấy chứ!”

Buổi sáng, chè và hoa

Với Hà Nội, dường như rất khác Sài Gòn điểm này. Tức Sài Gòn không có đêm, Hà Nội sinh hoạt chộn rộn về đêm nhưng chừng 11 giờ đêm trở đi thì vắng hoe, và có vẻ như bắt đầu giới nghiêm, dù không có lệnh chính thức nhưng hầu hết chẳng ai ra đường giờ này, mà có ra đường thì cũng bị xét hỏi nếu gặp cảnh sát tuần tra. Nếu như Sài Gòn dậy muộn, chừng 6 giờ sáng mới thấy sinh hoạt của ngày mới thì Hà Nội, sinh hoạt ngày mới bắt đầu từ 4 giờ sáng, các hàng quán bắt đầu một ngày mới.


Hà Nội thường được đánh thức khoảng 4 giờ sáng với những người tập thể dục,
những gánh hàng ăn sáng nơi góc phố, vệ đường...

Chừng 4 giờ sáng, lúc này Hà Nội còn rất tối (vì Hà Nội chậm hơn Sài Gòn nửa múi giờ nên đến 7 giờ sáng vẫn còn tinh sương so với Sài Gòn đã nhìn thấy mặt trời), các bà hàng trứng vịt lộn, hàng cháo, hàng xôi, phở, bánh cuốn nguội chả lụa Ước Lễ, bánh mì… bắt đầu ngày mới của họ. Lúc này, người ăn sáng chủ yếu là dân chơi thể thao, người đi tập thể dục buổi sáng, họ ghé vào các quán vỉa hè. Chừng 4g30, các hàng chè xanh vỉa hè bắt đầu hoạt động, họ đón các khách từ các hàng ăn sang đây uống chè, trà, hút thuốc lào… Đến 6g sáng thì các quán ăn bắt đầu vãn để trả lại mặt bằng cho các shop, lúc này các hàng hoa bắt đầu rao bán. Các chị, các mẹ chở từng giỏ hoa đứng ở đầu phố, họ không rao bán, cũng không mời mọc, chỉ đứng đó, chăm lại các cánh hoa, xịt nước, làm đẹp, kiểm tra tỉ mẫn từng cành hoa và… tuyệt đối không mời, bởi đây là nét văn hóa Hà Nội, và đương nhiên, những người giữ cái hồn Hà Nội đều đói kinh hồn.

Như lời bà Phụng, một người bán hoa lâu năm ở đầu phố Hàng Đồng, chia sẻ, “Người bán hoa ở Hà Nội không có mời mọc, mời cái là mất khách luôn đấy!”


Vẫn còn đâu đó Hà Nội một thưở trong lòng người Hà Nội gốc.

“Vì sao vậy cô?”

“Vì cái nếp văn hóa này chỉ có ở một số gia đình Hà Nội gốc, họ duy trì trong im lặng, những gia đình này từng là trung lưu, thượng lưu, và bây giờ họ có thể tản mát hoặc tứ tán, còn vài mống trong vài căn phòng ọp ẹp trong một cái nhà lớn của chính cha mẹ họ ngày xưa, thì họ vẫn giữ nét ấy, tức cái nét phong lưu, chịu chơi và trí thức, biết thưởng ngoạn…”

“Dạ, cảm ơn cô! Cách kể chuyện của cô khiến cháu có linh cảm trước đây, gia đình cô cũng từng có điệu sống phong lưu ở Hà Nội?”

“Đúng rồi, anh tinh tế đấy, gia đình tôi từng là một gia đình giàu có ở đây, thế rồi từ năm 1945 trở đi, mọi thứ dần dần được sung công, tôi được một phòng nhỏ trong biệt thự của gia đình tôi, mọi thứ phân chia đồng đều, căn biệt thự của gia đình ông bà nội tôi bị phân nhỏ, ngăn thành nhiều phòng và có vài chục gia đình vào ở. Gia đình tôi bị đẩy xuống một phòng ngoài sau nhà. Đến tôi cũng vậy. Nhưng từ thời ông bà đến cha mẹ tôi đều có thói quen chưng hoa, cho dù đói rã ruột thì cũng phải chưng hoa trong nhà, không riêng gì lễ, tết đâu nhé!”


Nhiều người Hà Nội vẫn giữ thói quen chưng hoa trong nhà,
nhờ vậy mà các cô, các chị, các mẹ còn đất sống.

“Đến thời của cô thì…?”

“Tôi vẫn giữ thói quen chưng hoa trong nhà. Nhưng mình khó khăn nên phải đi bán hoa, buôn hoa, có như vậy mới dư được đồng lãi, dư được bó hoa mà chưng, rồi có tiền mà mua gạo. Mà ở Hà Nội này, dân gốc từng có nhà cửa, rồi cuối cùng đi bán hoa như tôi không ít đâu. Bởi mình là dân nên mọi thứ phải theo số phận của dân anh ạ!”

“Cháu hỏi hơi tế nhị, mức sống của cô hiện nay, có bảo đảm dinh dưỡng không?”

“So với thời chiến tranh thì bây giờ sướng chán cháu ạ. Còn so với bây giờ, thì khó nói lắm, bởi mình tồn tại chứ có sống đâu, khó nói lắm!”

Mấy chữ “khó nói lắm” pha chút mệt mỏi và khàn đục của cô dường như đang lọt thỏm giữa tiếng xe cộ, tiếng ồn của một Hà Nội vừa ngắc ngoải tỉnh dậy sau dịch. Và những người hàng hoa Hà Nội như những bức tượng về một tầng lớp người còn sót lại giữa lúc này.

Bài NGUYÊN QUANG

Không có nhận xét nào: