(Hình TT Diệm trong xe M113)
Ban Biên Tập: Bài viết trình bày các dữ kiện liên quan đến ngày hôm sau của cuộc chính biến 1-11-1963. Xin dành quyền nhận xét các nhân vật lịch sử cho quý vị độc giả. - Phần I - Mã Tuyên: Người cho ông Diệm và ông Nhu tá túc trong đêm 1 rạng sáng 2 tháng 11 năm 1963 nói gì?
Lời người viết:
Dưới đây là chi tiết đêm cuối cùng của Tổng Thống Diệm và ông Nhu do lời tự thuật của chính ông Mã Tuyên. Phần này được đăng trên các báo Hoa Ngữ tại Đài Loan và được ký giả Đào Thị Khánh dịch ra Việt Ngữ trên báo “Tay Phải”, phát hành ngày 1-11-1984 tại Hồng Kông mà người viết đã sưu tập được.
Nguyên văn bài báo:
Ngày 1-11-1963 vào khoảng 5 giờ chiều, cả khu vực Saigon và Chợ Lớn đều có lệnh giới nghiêm. Trên các ngả đường trọng yếu, chiến xa tuần tiễu ngang dọc, trong khi tiếng súng nổ đì đùng ở hướng Saigon. Lúc đó, tôi đang ở trong nhà, đường Đốc Phủ Thoại. Cả nhà đang nghe “radio” thì điện thoại reo vang. Tôi nhắc điện thoại lên thì có tiếng người hỏi:
- Có phải ông bang trưởng đó không?
- Dạ phải.
Tiếng người đầu dây tiếp tục:
- Tôi là Nguyễn Phú Hải, Đô Trưởng Saigon. Thủ đô vẫn ở trong vòng kiểm soát của chính phủ. Ông hãy lái xe đến Trụ Sở Thanh Niên Cộng Hoà ở Quận 5. Tôi có chuyện cần nói với ông. Càng nhanh càng tốt.
Sở dĩ ông Hải gọi tôi giờ này vì lúc đó tôi là Đoàn Trưởng Thanh Niên Cộng Hòa Quận 5.
Không kịp sửa soạn, tôi liền kêu tài xế lái xe đưa tôi đến nơi hẹn. Noi đây ở khu Đại Thế Giới cũ, đường Đồng Khánh, Chợ Lớn. Đến nơi tôi mới biết không có mặt của ông Đô Trưởng Nguyễn Phú Hải, do đó tôi đành ngồi chờ trong lòng đầy sốt ruột lẫn hồi hộp. Hơn 6 giờ chiều, tôi mới thấy có mấy chiếc xe hơi chạy đến. Ông Hải bước xuống cùng với vài người khác trang bị nhiều súng ống. Ông Hải ra lệnh mọi người ra ngoài và tiến tới tôi nói nhỏ là có việc quan trọng cần đến sự giúp đỡ của tôi: - Tổng Thống muốn đến nhà ông qua đêm để lánh nạn. Ông thấy có trở ngại gì không?
Tôi không cần đắn đo, suy nghĩ, vì tôi thấy không còn chọn lựa nào khác hơn là đồng ý, mặc dù ngay từ phút dầu tiên khi nhận được điện thoại, tôi đã linh cảm đến việc này, cũng như những điều lo ngại về những liên luỵ có thể xảy đến cho cả gia đình tôi sau này. Tuy vậy, tôi vẫn tự nhủ, mình là người Hoa Kiều sinh sống trên đất nước VN, mình phải có bổn phận làm những gì có thể được khi Tổng Thống cần đến. Đó là vấn đề đạo đức làm người. Ngô Tổng Thống là người rất chống Cộng. Tính mạng của vị nguyên thủ quốc gia đang lâm nguy khiến tôi không thể nào đóng cửa, quay mặt lại với người. Tôi không thể nào làm được việc “cầm đá ném vào một người đã sa xuống giếng”. Điều đó thật là hèn khiến tôi không thể nào làm được. Huống chi người đó lại là Tổng Thống mà tôi đang là công dân. Nghĩ vậy nên sau khi nhận lời với ông Đô Trưởng Nguyễn Phú Hải, tôi liền lên xe quay về nhà để sửa soạn đón tiếp Tổng Thống.
7:30 tối, hai chiếc xe “Citroen” nhỏ ngừng trước nhà tôi. Từ trên xe bước xuống là một người thấp và mập mặc áo linh mục bước vào, cùng vài người cận vệ đi gần. Đó là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Nhu đi sau cùng, cao và gầy, mặc áo sơ mi thường. Tất cả có 8 người. Sáu người kia là ông Đô Trưởng Nguyễn Phú Hải, sĩ quan tuỳ viên Đỗ Thọ và 4 nhân viên an ninh bảo vệ Tổng Thống.
Tổng Thống Diệm và ông Nhu tỏ ra bình tĩnh bước vào nhà, sau đó lên phòng nghỉ ngơi. Ông Đô Trưởng ra về lúc 9 giờ tối. Khi tôi chưa biết lựa lời gì để an ủi Tổng thống và ông Nhu, thì Tổng Thống bước ra, trấn an tôi:
- Ông Mã Tuyên hãy yên tâm. Tình hình rất khẩn trương nhưng không đến nỗi nguy ngập. Không có gì phiền luỵ đến ông đâu.
- Thưa Tổng Thống, tôi chấp nhận hậu quả.
Tôi hỏi hai ông có cần dùng gì không thì được biết tất cả đã ăn tối.
Đến 1 giờ, hai ông quay lại phòng, thay quần áo, nghỉ ngơi chừng hơn một tiếng đồng hồ. Tôi lo âu, đứng ngồi không yên, thầm cầu nguyện cho Tổng Thống và ông Nhu tai qua nạn khỏi.
Lúc 12 giờ khuya, tức là sang ngày 2 tháng 11 năm 1963, Tổng Thống thức dậy, ôm ra một mớ giấy tờ đưa cho tôi, bảo đừng xé cứ để nguyên đem ra sau bếp đốt. Khi tôi trở lại sau khi đốt xong, Tổng Thống Diệm hỏi tôi trong nhà có bao nhiêu điện thoại.
- Thưa Tổng Thống, trên lầu một, dưới nhà một, bắt song song.
Tổng Thống dặn tôi đứng cạnh điện thoại dưới nhà đừng cho ai đền gần, rồi bước lên lầu sửa dụng điện thoại còn lại nói chuyện với ai đó mà tôi không rõ. Tôi rất cảm động đứng giữ điện thoại vì được Tổng Thống tin tưởng. Từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng, điện thoại nhà tôi reo vang liên tục. Sau 5 giờ, Tổng Thống bước xuống lầu. Nhìn sắc diện Tổng Thống, tôi đoán chừng tình hình tuyệt vọng lắm rồi, trong khi tôi nghe tiếng súng chỉ còn thưa thớt. Tổng Thống cho biết Lực Lượng Phòng Vệ Phủ Tổng Thống đã không còn kháng cự.
Sau khi hai ông ngồi cầu nguyện, tôi ngồi cùng bàn với 2 ông và Đại Úy Đỗ Thọ dùng bữa ăn sáng, bữa điểm tâm cuối cùng của một vị Tổng Thống và bào đệ của ông, cũng là cố vấn cho ông. Tuy tình thế có vẻ tuyệt vọng, nhưng 2 ông vẫn giữ được tỉnh táo. Tôi nghe ông Nhu bàn với ông Diệm rằng mỗi người sẽ đi một ngả. Tổng Thống Diệm sẽ xuống miền Tây với Tướng Huỳnh Văn Cao, còn ông Nhu sẽ lên Đà Lạt cùng với 3 con đang ở trên đó, rồi sẽ đi Pleiku với Tướng Nguyễn Khánh. Nếu một trong hai nguời bị bắt thì phe đảo chánh sẽ không dám giết.
Tổng Thống Diệm nói:
- Chú bị dân chúng ghét lắm, vì thế họ sẽ giết chú. Ở lại với tôi, tôi sẽ che chở cho chú. Chúng ta sống chung với nhau mấy năm, bây giờ là giây phút quyết liệt không nên xa nhau.
Sau khi dùng xong bữa sáng, Tổng Thống hỏi tôi:
- Nhà thờ lớn nhứt Chợ Lớn có ở gần đây không? Ông có biết chỗ không?
- Thưa Tổng Thống, ở ngay sau nhà tôi.
Tổng Thống cho biết cần đi ngay đến đó. Ông bảo tôi lấy một bộ Âu phuc cho ông để thay thế bộ áo nhà dòng. Sau đó, ông bảo gọi xe chở hai anh em ông đến nhà thờ Thánh Tâm ở đường Học Lạc. Tổng Thống Diệm nói:
- Ông Tuyên, nên ở nhà, đùng đi theo chúng tôi vì sẽ bất tiện cho ông. Tôi quyết định như vậy.
Để tránh sự tò mò của người chung quanh, tôi gọi điện thoại cho một người thân để mượn chiếc xe đưa ông tới nhà thờ.
Trước khi ra cửa, Tổng Thống quay lại ôm lấy tôi và nói:
- Ông đừng đưa tôi ra cửa. Ông rất tốt, tôi cảm động lắm. Cám ơn ông và gia đình của ông.
Sau đó, hai ông và ông Tuỳ Viên Đỗ Thọ lên xe đi đến nhà thờ. Suốt đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh ấy.
Sau đó chẳng bao lâu, môt người quen hớt hải chạy đến báo tin cho tôi hay rằng văn phòng công ty của tôi đang bị quân đội bao vây, cá nhân tôi đang bị truy lùng. Vì thế, tôi phải ra khỏi nhà ngay lập tức. Tôi vội vã lên taxi đi thẳng xuống Saigon đến nhà một người bà con để trốn tránh.
Lực lương hai bên dang giao tranh'
Khoảng 1 giờ sau, gia đình của tôi đã báo tin cho tôi biết rằng quân đội đã bao vây nhà, lục soát khắp nơi để tìm bắt tôi. Giờ đây, đải phát thanh đang phát những lời ca tụng Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng và loan báo Ngô triều đã sụp đổ. Vài giờ sau có tin ông Ngô Đình Diệm và ông Nhu đã tự sát. Tôi nghe mà trong lòng vẫn ngờ, vẫn hy vọng là chuyện không phải. Đến ngày 6 tháng 11 năm 1963, Tổng Nha Cảnh Sát đã cho người đến bắt tôi ngay tại nhà bà con mà tôi đang tạm trú. Tôi bị tống giam, lãnh đủ hậu quả vì việc tôi đã làm. Trải qua 3 năm bị giam cầm, tôi chịu biết bao cực hình, kể cả thỉnh thoảng cũng bị tra tấn, hành hạ. Ngày 3-1-1966, tôi mới được thả ra.
Năm 1975, sau khi CS cưỡng chiếm miến Nam, tôi lại bị bắt một lần nữa và ở tù 4 tháng rồi mới được tha. Ba tháng sau, tôi bị bắt trở lại, ở tù thêm 4 năm nữa. Hơn 7 năm tù tội, chỉ để hai chế độ hỏi tôi có mỗi một câu:
- Tại sao hai ông Diệm-Nhu lại tới nhà ông lánh nạn? Liên hệ bí mật như thế nào?
Cũng với câu hỏi này, năm 1971 một ký giả của báo “Times” cũng hỏi tôi và yêu cầu tôi kể lại những gì ông Diệm và ông Nhu bàn luận trong đêm hai ông ở nhà tôi. Tôi đã từ chối vì hoàn cảnh lúc đó không thuận lợi cho tôi nói lên nững gì tôi kể ngày hôm nay.
Nay sau khi trải qua bao nhiêu giông tố của cuộc đời, sau khi đoàn tụ với gia đình ở Đài Loan, tôi mới dám kể lại một sự thật về một đêm không bao giờ phai nhòa trong ký ức của tôi.
Phần II
Một nhân chứng rất quan trọng, hiện đang ở Melbourne, Australia, cho biết ông là người lính kỵ binh đi trên chiếc M113 chở ông Diệm và ông Nhu, từ nhà thờ Thánh Tâm (của cha Tam) ở đường Học Lạc, Chợ Lớn về Bộ TTM. Vì thế ông dã chứng kiến những sự kiện xảy ra cho ông Diệm và ông Nhu.
Nay sau khi trải qua bao nhiêu giông tố của cuộc đời, sau khi đoàn tụ với gia đình ở Đài Loan, tôi mới dám kể lại một sự thật về một đêm không bao giờ phai nhòa trong ký ức của tôi.
Phần II
Một nhân chứng rất quan trọng, hiện đang ở Melbourne, Australia, cho biết ông là người lính kỵ binh đi trên chiếc M113 chở ông Diệm và ông Nhu, từ nhà thờ Thánh Tâm (của cha Tam) ở đường Học Lạc, Chợ Lớn về Bộ TTM. Vì thế ông dã chứng kiến những sự kiện xảy ra cho ông Diệm và ông Nhu.
Câu chuyện do ông kể lại có vẻ hợp lý và khả tín hơn cả. Theo nhân chứng này thì ngày 1-11-63, chi đoàn Thiết Giáp của ông được lệnh vào Saigon để tăng cường bảo vệ Thủ Đô. Ở đây, chi đoàn đã được chia làm 2 toán. Một hợp lực với đơn vị bạn bao vây dinh Độc Lập, trong khi toán còn lại làm vòng đai an ninh cho Bộ Tổng Tham Mưu. Nhân chứng nằm trong toán 2.
Sáng ngày 2-11-63, khoảng 6:15, toán của ông được lệnh di chuyển ra khỏi BTTM. Khi vừa ra khỏi cổng chính (cổng số 1) thì thấy có 3 chiếc xe Jeep đang chờ. Chiếc thứ nhứt có tướng Mai Hữu Xuân và 3 cận vệ. Chiếc thứ hai chở Đại Tá Dương Ngọc Lám, Thiếu Tá Dương Hiếu Nghiã, Đại Úy Nguyễn Văn Nhung. Chiếc thứ ba chở Đại Tá Nguyễn Văn Quan, Đại Uý Phan Hoà Hiệp, và 2 nguời lính. Sau đó, 2 chiếc M113 (nhân chứng ngồi xe thứ hai) cùng 2 GMG đầy lính, với trang bị đầy đủ, được lệnh theo 3 xe Jeep trên. Khi đến Chợ Lớn, gần nhà thờ cha Tam ở số 25 đường Học Lạc, các xe chạy chậm lại. Binh sĩ trên xe được lệnh nhảy xuống. Một số bố trí chung quanh, một số còn lại bố trí vòng ngoài.
Xe Tướng Xuân chạy một vòng, rồi đậu lại bên kia đường. Sau cái phất tay của Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Th/T Nghiã, Đ/U Nhung, D/U Phan Hoà Hiệp nhảy xuống xe. Đại Tá Lắm ngoắc xe M113, có chở theo nhân chứng, đi theo. Khi cách Đ/T Lắm khoảng 2, 3 m, nhân chứng thấy có 4 người từ trong nhà thò đi ra. Người đi đầu là Tổng Thống Diệm, kếu sau là ông Nhu, tuỳ viên Thọ,... Đại Tá Lắm đến chào ông Diệm:
- Thừa lệnh Trung Tướng Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, chúng tôi đến đón cụ và ông cố vấn.
Ông Diệm hỏi:
- Ông Đôn và ông Minh đâu hỉ?
- Thưa cụ, hai ông còn đang bận việc ỏ BTTM. Đ/T Lắm trả lời.
- Thôi được, tôi cùng ông cố vấn đi cùng xe với ông.
Đ/T Lắm quay người lại chỉ vào xe M113 và nói:
- Thưa cụ, xin cụ lên xe này cho.
Ông Nhu khẽ cau mày lên tiếng:
- Không thể đón Tổng Thống bằng một chiếc xe như vậy. Để tôi liên lạc với ông Đôn và ông Đính xem.
- Tôi không biết. Đây là lệnh của Trung Tưóng chủ tịch. Đại Tá Lắm khẽ nhún vai.
Đại Úy Nhung liền oang oang:
- Xin mời 2 ông lên xe ngay đi cho.
Mặt đỏ bừng mặt đỏ bừng, ông Nhu quyết liệt:
- Không được, để tôi hỏi ông Minh, ông Đôn. Tôi đi xe nào cũng đưọc, nhưng còn Tổng Thống...
Đại Uý Nhung:
- Ở đây không còn Tổng Thống nào cả.
Sau khi nói, ông Nhung bảo 2 quân nhân chạy đến gần đẩy 2 ông lên xe và đóng cửa lại.
Đoàn xe lăn bánh, nhưng khi đi hết đường NguyễnTrãi vào đường Võ Tánh, trước cửa Nha Cảnh Sát, thì đoàn xe ngừng lại. (Tổng Nha này đã bị chiếm từ ngày hôm trước nên không còn một Cảnh Sát nào lui tới. Chung quanh trại là binh sĩ của Sư Đoàn 5 BB của Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu đang canh gác rất cản mật.)
Đ/T Nguyễn Văn Quan từ trên xe Jeep nhảy xuống, bào các binh sĩ trên xe M113 (chở ông Diệm và ông Nhu) xuống. Bảy binh sĩ đã xuống xe trừ tài xế và một xạ thủ còn lại. Xe được lệnh chạy vào Tổng Nha Cảnh Sát.
Khoảng gần nửa giờ sau, chiếc M113 lại từ trong Tổng Nha CS chạy ra. Các binh sĩ lại được lệnh lên xe. Xe chạy ngược đường Võ Tánh trở lại đường Công Hoà. Nhân dịp này, nhân chứng hỏi người xa thủ:
- Ông Diệm và ông Nhu đâu?
- Ở dưới hầm xe.
- Sao rồi?
- Dường như ông Nhu đã chết.
- Còn ông Diệm?
- Ông Diệm cũng bị đè cổ ra, bị trói thúc ké, rồi bị ném vào hầm xe.
- Chết hay sống?
- Không biết.
Xe qua khỏi đường Pétrus Ký rồi quẹo phải vào đường Hồng Thập Tự thì gặp lại 2 xe Jeep và 2 xe chở binh lính lúc xuất hành. Xe Đ/T Lắm đi đầu, xe thứ 2 có Đ/U Nhung. Khi đến bên hông bệnh viện Từ Dũ thì xe ngừng lại vì thấy xe của Tướng Xuân chạy ngược chiều. Trong lúc này, rất đông dân chúng túa ra 2 bên đường xem.
Tướng Xuân nhìn Đ/U Nhung rồi đưa ngón 2 ngón tay của bàn tay trái lên 2 lần. Sau đó, ông ta đưa ngón tay trỏ của bàn tay phải lên khỏi đầu và co duỗi ra ba bốn lần, giống như động tác bóp cò. Đ/U Nhung gật đầu và đưa tay lên chào.
Khi đến gần đường xe lửa thì xe ngừng lại vì đang có đoàn xe lửa đi ngang. Ông Nhung từ xe Jeep nhảy qua chiếc M113 có chở ông Diệm và ông Nhu, la lớn:
- Xuống, xuống.
Các binh sĩ trên M113 cũng nhảy xuống hết. Nhân chứng khi vừa nhảy xuống đất thì nghe có nhiều tiếng súng nổ.
Những tiết lộ của nhân chứng này cho chúng ta thêm dữ kiện mới, nhứt là giai đoạn hai ông bị đưa vào Tổng Nha Cảnh Sát để tra khảo. Sự tiết lộ này cũng làm sáng tỏ thêm câu hỏi là 2 ông bị trói từ lúc nào, vì trước đó lúc vào xe tại nhà thờ cha Tam, 2 ông không hề bị trói. Trên mặt ông Diệm có nhiều vết bầm, trên người ông Nhu có nhiều vết dao dâm. Ông Nhung ngồi riêng trên xe Jeep, chỉ nhảy lên M113 một thời gian rất ngắn để bắn ông Diệm và ông Nhu, không thể gây ra những dấu vết đó.
Cũng dựa vào tường thuật của nhân chứng, người viết có thể suy diễn rằng biết đâu chừng có một bàn tay ai đó đã “vấy máu”, rồi dùng thủ đoạn “ném đá dấu tay” để ông Nhung ra tay bắn 2 thi thể đã chết giữa thanh thiên bạch nhật, có nhiều người chứng kiến. Ba tháng sau, ông Nhung đã lãnh hậu quả thê thảm của sự trả thù “mạng đền mạng” của kẻ “gieo oán” do người khác gây ra.
Nghe nói trong những năm tháng cuối đời, Tướng Xuân bị bịnh tâm thần. Ông ta thường quỳ gối, quay mặt vào tường, chấp tay van lạy:
- Xin cụ tha tôi cho con!
Thời gian sau, ông chết âm thầm trong một chung cư. Đến mấy ngày sau, khi thi thể bốc mùi thì người ta mới phát giác là ông ta đã chết từ lâu!
(Hội Quán Phi Dũng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét