Năm 1954 gia đình tôi cũng như hàng chục gia đình nghèo khổ khác di cư vào Nam dưới sự dẫn dắt của chủ nhân. Sau này khi họ dắt nhau ra toà chúng tôi mới biết họ chỉ những tên lợi dụng tình thế để ăn chặn tiền viện trợ từ chương trình giúp đỡ phong trào di cư mà thôi. Vào miền nam, chúng tôi tạm cư ở Sài Gòn vài ba tháng để làm thủ tục, sau đó theo chủ nhân lên Đà lạt tiếp tục kiếp trâu ngựa khai phá rừng làm rẫy. Nhưng được khoảng hơn một năm, việc nhem nhuốc của họ bị bại lộ, gia đình tôi trở lại Sài Gòn. Khi đó tôi đã 10 tuổi nhưng chưa bao giờ biết đến trường học. Tôi biết đọc, biết viết là nhờ ông nội dậy trong suốt thời gian gia đình tôi lay lắt kiếm sống tại Hà nội và thời gian đầu di cư vào Nam.
<!>
Từ Đà lạt trở lại Saigon, sau vài ba lần di chuyển chỗ ở. Lúc thì chen chúc với một gia đình khác, người cùng làng trong một nhà để xe chật hẹp. Khi thì chia nhau tiền thuê, với vài ba gia đình nghèo khổ khác cùng cảnh ngộ trong một căn nhà ọp ẹp nằm sâu trong một xóm nghèo trên đường Lê văn Duyệt (nay là đường CM tháng 8). Trước nhà là sình lầy, sau nhà là nghĩa trang với vài chục ngôi mộ u ám quanh năm. Sau thời gian ngắn ngủi “ du mục “ lây lất đó gia đình tôi đã thực sự định cư trong ngõ hẻm 116 Tô Hiến Thành, người ta thường gọi là Xóm Tre. Một con hẻm ngoằn ngoèo ngay cạnh trại lính “Đơn vị Quản trị “ . Cư dân phần rất lớn là lính tráng, giới lao động, du đãng và đĩ điếm.
Vì tuổi đã lớn, nhờ biết đọc biết viết, đã làm được 4 phép tính khá thông thạo nên tôi được vào thẳng lớp Tư (lớp 2 ngày nay) trường tiểu học Chí Hoà. Đó là ngôi trường đầu tiên của tôi, cũng là nơi tôi đã thu nhận được biết bao nhiêu điều tốt đẹp, căn bản vững chắc cho suốt cuộc sống của tôi sau này. Dù đã hơn 60 năm, với bao nhiêu đổi thay của thời cuộc, tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình dạng, cá tính của 4 vị thầy cô đã dạy tôi trong 4 năm tiểu học (lớp tư, lớp ba, lớp nhì và lớp nhất).
Cô Mỹ Linh người Bắc, luôn luôn sang trọng với tà áo dài nhiều mầu sặc sỡ tha thướt. Cô luôn luôn tô lại cặp môi son, thoa thêm tí phấn trên đôi má đỏ hồng trước giờ ra chơi hay tan học. Thầy Hà Mai Anh, vị thầy khả kính, ăn nói nhỏ nhẹ hiền từ, luôn dành thời gian rảnh rỗi cho những bài đọc nói về đạo đức làm người, tình yêu nước. Thầy giảng giải, dẫn dắt chúng tôi vào những cái đẹp của con người lý tưởng với xã hội, quốc gia. Thầy Mẫn, dong dỏng cao, khá khắc khổ, người Bắc rất nghiêm khắc, kiểm soát rất kỹ, nhất là những bài tập về nhà làm của học sinh. Thầy Linh người Huế, trắng trẻo, ăn nói rất nhỏ nhẹ nhu mì như con gái. Thầy rất ghét và bắt phạt những học trò ngáp mà không lấy tay che miệng.
Không biết những học sinh khác ra sao, nhưng với tôi được những vị thầy cô khai mở thời gian đến trường của tôi là một trong những nhân duyên rất quan trọng. Chính những dấu tích giáo dục đạo đức của họ đã làm thay đổi một cách lạ lùng, khó tin cuộc sống của tôi. Một thằng bé nhem nhuốc, ngụp lặn với bùn lầy nước đọng trong một môi trường nhiều cặn bã của xã hội. Từ những cơ duyên may mắn đó tôi đã thoát khỏi bóng đen và đứng dậy kéo theo cả một gia đình đến một cuộc sống khá tốt đẹp. Sự tốt đẹp đó có lẽ không có gì đáng để gọi là to lớn, cao sang so với nhiều người khác. Những người mà ông cha họ đã có một nền tảng vững vàng về gia thế và học thức trong xã hội. Nhưng với hoàn cảnh bất hạnh như gia đình tôi thì đúng là một hiện tượng lạ kỳ vậy.
***
Hôm nay trên báo chí, truyền hình và cả trên các mạng xã hội… trong nước cũng như hải ngoại, tràn ngập không khí mừng xuân mới. Trong không gian vắng lặng, lạnh lẽo của Thuỵ Sĩ , nơi tôi định cư. Tôi mang cảm giác buồn nhè nhẹ khi ký ức được kéo về với một sự kiện xưa cũ đã xảy ra trong cái không khí mừng xuân của hơn 60 năm về trước. Lúc đó tôi vừa chập chững sang tuổi 13, học sinh lớp nhất, ban tiểu học (lớp 5 ngày nay). Thằng bé lem nhem, hàng ngày chân đất đến trường trong bộ quần áo xộc xệch đầy những miếng vá thô thiển bằng tay của mẹ tôi.
Ngày hôm đó, dù tết đã qua khoảng 2 tuần lễ nhưng chung quanh khu vực nhà tôi vẫn ồn ào, nhất là vào buổi chiều tối. Đâu đâu cũng tụ năm, tụ bẩy ăn nhậu, hát hò vọng cổ, hay vây quanh chiếu bạc, lắc bầu cua cá cọp… Như mọi ngày, vào buổi trưa, bố tôi tạt về nhà ăn vội bữa cơm trưa với gia đình, chợp mắt tí chút rồi bố lại đạp xe đi làm. Sau bữa cơm, anh em chúng tôi tự động phân nhau ra thu dọn nhà, rửa bát. Rồi lũ em và mẹ tôi lại ra phía sau nhà, sát miệng giếng nước công cộng chúi đầu vào mấy thùng quần áo giặt thuê cho vài gia đình trong khu xóm. Một mình tôi trong căn phòng phía sau phòng khách. Chú tâm vào với mấy chục viên bi thủy tinh và một xấp “ giấy tạt hình “ chuẩn bị ra khỏi nhà nhập cuộc chơi với lũ bạn trong xóm.
Vô tình trong lúc đưa mắt nhìn căn phòng, từ chiếc túi áo nâu bạc mầu của mẹ, treo dọc theo cây cột đầu giường, vài ba tờ giấy bạc thò ra ngoài đập vào mắt tôi. Với chút ngỡ ngàng, tôi đưa mắt nhìn những đồng tiền đó với vẻ chú ý hơn. Ngay lúc đó hình ảnh một đĩa cơm tấm bì trộn thính thơm nức mũi. Một tô bánh canh bốc khói với miếng giò heo to bằng cán dao trắng giòn lửng lơ giữa bát. Rồi cây cà rem nhiều mầu sặc sỡ mát lạnh, chỉ cần đưa lên miệng mút chùn chụt cũng đủ làm cho mê mẩn trọn 10 phút giờ ra chơi… Tất cả hiện ra rất rõ ràng trong trí tưởng tượng của tôi. Nhắc nhở, kéo tôi về với những ước ao làm sao có tiền để mua những món ăn đó cung phụng cái bao tử trống rỗng mỗi buổi sáng khi đến trường. Tôi cũng sẽ không phải cúi đầu hay vội vã bước mau khi đi qua những hàng quán, những chiếc xe bán thức ăn dọc con đường,mà hàng ngày tôi phải đi qua. Tôi sẽ mua, thưởng thức với tất cả khoái cảm giống y như những đứa trẻ nhà giầu. Chúng cùng lớp, cùng trường với tôi, chúng vẫn ăn hay uống trên con đường đến trường nhưng tôi thì chỉ biết cúi đầu đi qua !
Với tưởng tượng đó, nước bọt tiết ra nhiều hơn, làm cho tôi muốn có những tờ giấy bạc đang hiện ra trước mắt tôi, trong túi áo của mẹ. Tay tôi hơi run run khi thò vào túi áo nắm trọn lấy tất cả 3 tờ giấy bạc, một tờ 10 đồng và hai tờ 20 đồng. Ngay lúc đó sự khôn ngoan ( hay láu cá ) đã báo cho biết nếu lấy tất cả, món tiền quá lớn, chắc chắn mẹ sẽ nhận ra ngay. Tốt nhất, an toàn nhất là chỉ lấy một tờ sẽ làm cho mẹ nghĩ đến sự lầm lẫn hay đánh rơi. Nhưng cũng đúng lúc khôn ngoan, tính toán đó. Trong góc sâu tâm hồn có chút thánh thiện của đứa bé mới bước sang tuổi 13, hiện ra cái cảm giác xấu hổ vì biết đó là hành động của một tên ăn cắp. Nhất là ăn cắp của chính người mẹ đã sinh ra, thương yêu và nuôi dưỡng mình. Trong suy nghĩ đó, tay tôi run run nhè nhẹ, tôi định bỏ cả ba tờ giấy bạc trở lại túi áo của mẹ. Nhưng cũng ngay lúc đó những món ăn thơm tho, hấp dẫn lại hiện về trong trí nhớ, ước mơ... lại cho tôi cái khoái cảm tột cùng của các món ăn, dù chỉ là tưởng tượng! Tôi rút tay trở lại cùng với cả ba tờ giấy bạc!
Sau những băn khoăn, giằng xé giữa tội phạm và ngay ngắn như vậy. Cuối cùng với một tí cứng mạnh, tôi quyết định cuộn tròn một tờ giấy 20 bỏ vào túi áo của mình, 2 tờ khác được bỏ trở lại chiếc túi áo của mẹ. Chiếc túi vẫn còn mở rộng như chờ đón phần lương tri còn sót lại trong trí não của tôi, một thằng bé rất thương mẹ ( vì tôi không lấy cả 3 tờ giấy bạc) . Xong đâu đấy, tôi xoay tà áo vào bên trong, che lấp đi vẻ hớ hênh ban đầu của nó. ( nhưng có lẽ một phần tôi muốn che khuất đi cái túi áo của mẹ để không phải nhìn thấy sự hấp dẫn dù ít hay nhiều nhưng vẫn còn hiện hữu trong lòng tôi, một đứa bé đang ở tuổi ham ăn!)
Suốt buổi chiều và tối hôm đó, tôi im lặng hơn, không ra ngoài chơi đùa với lũ trẻ hàng xóm như mọi ngày. Thỉnh thoảng đưa mắt kín đáo nhìn mẹ để dò la phản ứng của mẹ khi khám phá ra sự thất thoát món tiền trong túi. Nhưng tất cả bình thường, mẹ tôi hoàn toàn không biết gì dù bà đã thay chiếc áo đang mặc bằng chiếc áo “ có tiền “ vào người. Tôi đã có cảm giác an toàn khi nghĩ rằng sự khôn ngoan, tính toán của mình, không lấy hết món tiền là chính xác !
Sáng hôm sau, vẫn bình thường! Bố tôi đi làm, tôi và 2 đứa em ( một gái, một trai) thức dậy và chuẩn bị đi học. Chỉ có chút khác thường, đó là tôi làm ra vẻ chậm chạp để cho 2 đứa em đi trước một lúc sau tôi mới chậm rãi rời nhà. Tôi làm vậy để chắc chắn các em tôi không nhìn thấy khi tôi dùng món tiền để ăn uống dọc đường. Rồi trên đường đến trường, trước khi vào sân trường, tôi ghé vào xe bán bánh cuốn ở ngay cạnh cổng trường ăn một đĩa khá to. Giờ ra chơi, tôi cũng kín đáo mua một cây kem đến góc sân chậm rãi thưởng thức. Món tiền vẫn còn khá nhiều.
Buổi trưa về nhà, mẹ tôi vẫn bận rộn chúi đầu với những công việc không tên hàng ngày. Sau bữa cơm gia đình, anh em chúng tôi vẫn quây quần làm bài tập, chuẩn bị cho việc đến trường ngày hôm sau hay giúp đỡ mẹ khi có yêu cầu rồi chia nhau chơi đùa với lũ trẻ trong xóm. Tôi hoàn không còn gì để lo lắng, biết chắc chắn mẹ tôi đã vì lý do nào đó mà không cảm nhận được sự mất tiền trong túi áo của mình.
Sau bữa cơm chiều, không biết lý do tại sao tôi lại rủ thằng em trai đi chơi ( có thể vì tình thương em mà muốn chia sẻ niềm vui với em ?!). Có tí chút ngạc nhiên vì lời rủ rê hơi ngoại lệ của tôi, nhưng thằng em vẫn tỏ ra vui mừng theo tôi, nhưng nó có vẻ nó không sốt sắng lắm. Tôi dẫn thằng em sang con đường trải nhựa dọc bên trại lính “ Đơn Vị Quản Trị ”. Nơi đây quanh năm sầm uất như lễ hội, nhất là vào ban tối. Từ bài bạc, ăn nhậu, hát hò, bida, đá banh bàn..v..v.. . Sau một lúc đi vòng vòng ngắm nhìn thiên hạ vui chơi. Im lặng tôi dẫn thằng em ngồi xuống chiếc ghế thấp chân bên cạnh chiếc bàn bằng gỗ thô sơ có tí nhem nhuốc của một bà bán cơm tấm bên lề đường. Rất bình thản, tôi gọi 2 đĩa cơm tấm sườn. Thằng em trố mắt nhìn tôi với vẻ ngỡ ngàng tột cùng hiện trên khuôn mặt. Một lúc sau khi đã lấy lại bình tĩnh, với vẻ khó tin, nó hỏi nhẹ :
-Anh có tiền không mà dám kêu “ ăn” ngon lành như vậy ?
Tôi chưa biết trả lời thế nào cho thằng em an tâm. Nhưng có lẽ thằng em cũng nhận thấy câu hỏi của mình có chút vô lý, vì không có tiền tại sao tôi dám gọi thức ăn? Nó chau mắt nhìn tôi hỏi sang hướng khác :
-Tiền ở đâu anh có vậy ?
Đưa tay phất nhẹ vào khoảng không một cái, rồi vỗ nhẹ vài vai thằng em, tôi trả lời
-Mày cứ ăn đi cho sướng, tí nữa nếu có dịp tao sẽ kể cho nghe.
Ngần ngừ, đưa mắt nhìn thằng em một chút, tôi nói thêm :
-Nhưng mày phải kín đáo, không được nói với bất cứ ai những gì tao sẽ nói với mày nhe !
Thằng em im lặng nhìn tôi, hình như đã có chút yên tâm. Đưa tay lấy 2 cái muỗng nhôm trong ống tre ở giữa bàn rồi sắp ngay ngắn trên mặt bàn, chờ con bé bán hàng mang hai đĩa cơm sườn nướng cho tôi và nó. Ăn xong, móc tiền ra trả, tôi vẫn còn lại 6 đồng, chìa ra trước mặt thằng em, tôi nói :
-Tao vẫn còn 6 đồng nữa, nếu mày còn đói thì chúng mình tìm cái gì đó ăn thêm!
Thằng em nhìn tôi có chút cảm động, nói nhỏ nhỏ :
-Thì anh cũng biết rồi đó, nghèo đói như gia đình mình thì cái gì mà không ngon, ăn bao nhiêu cho đủ ?!
Lời than thở của thằng em làm tôi đẫn đờ suy nghĩ! Đúng như vậy chúng tôi chưa bao giờ, dù chỉ một lần, được ăn no một món ăn mà mình thích. Cả năm trời, hoạ hoằn mới có dịp ăn được một bát phở, một đĩa cơm sườn nướng hay một tô bánh canh… loại nhỏ, rẻ tiền thì làm sao mà không thèm thuồng, không ước mơ cho được ? Vòng tay lên vai thằng em, kéo nó di theo, tôi nói :
-Thôi, giờ đi ăn kem, còn lại đồng nào ngày mai đi học tao và mày ăn “ đá nhận” ( đá lạnh bào nhỏ ép vào ly thêm vài muỗng si-rô ).
Trong lúc ngồi ăn kem tôi kể rất chi tiết nguồn gốc của 20 đồng bạc, tôi đã “ăn cắp “ từ túi áo của mẹ cho nó nghe. Thằng em im lặng ngồi nghe, hoàn toàn không có thái độ nào biểu lộ phản kháng hay đồng tình với tôi, ngoài vài lời lo lắng nếu bố mẹ biết được! Tôi cũng không quên nhắc lại nhiều lần với nó phải giữ kín sự việc cho tôi.
Sau khi ăn kem, còn lại 3 đồng hai đứa coi như một ngày vui đã xong, vui vẻ khoác tay nhau chen lấn vào đám đông dự tính đi về nhà. Thỉnh thoảng trên đường về, dừng chân tò mò ghé vào xem những trò vui dọc đường. Lúc đến đầu ngõ, một đám đông ồn ào vây quanh chơi bầu cua cá cọp, những tiếng cười vui hồ khởi của vài người thắng cuộc đã làm cho hai chúng tôi dừng chân, len lỏi vào xem. Những tờ giấy bạc đủ mệnh giá được khách chơi thả xuống chiếu bạc. Những câu nói vui mừng kèm theo cánh tay vươn ra thu gom tiền thắng cuộc của khách chơi bạc … Đã làm cho anh em chúng tôi ngẩn ngơ, ham muốn.
Đưa mắt nhìn thằng em, đúng lúc nó cũng đang nhìn tôi. Món tiền 3 đồng còn sót lại trong túi hiện ra, chỉ đủ để mua 2 cây cà rem hay 2 ly đá nhận quá nhỏ bé vào ngày mai. Món tiền sẽ không còn nữa, niềm vui vào ngày mai cũng sẽ chấm dứt … Suy nghĩ, tính suy đó hiện ra trong suy nghĩ của tôi ( và có lẽ cả thằng em nữa ?!) . Tôi nói nhỏ bên tai thằng em :
-Tao thử chơi một đồng xem sao nhe !
Thằng em hơi nhíu mày nhưng cũng gật đầu nhè nhẹ ra vẻ đồng ý! Chẳng còn lý do gì để ngần ngại tôi thẩy ngay 1 đồng xuống bàn chơi! Đúng như ước mơ, tôi đã thắng kèm theo nụ cười quá vui mừng của tôi và thằng em kém tôi 5 tuổi! Rồi lại một lần nữa, tôi vẫn thắng trong vui mừng. Giấc mơ với những món ăn ngon hơn, to hơn ly đá nhận, cây cà rem vào ngày mai của tôi và thằng em càng hiện ra trong trí tưởng tượng.
Cứ thế, cuộc chơi tiếp tục. Thua và thắng xen kẽ nhau. Niềm vui và buồn bã tiếp nhau hiện ra trên khuôn mặt 2 thằng bé, lần đầu tiên biết đến trò đỏ đen! Đến một lúc chúng tôi còn 4 đồng , 3 rồi 2 đồng. Niềm vui và giấc mơ của chúng tôi cũng dần dần nhỏ lại, rồi biến mất hoàn toàn khi đồng bạc cuối cùng được tên “ chủ sòng “ thu mất! Hai anh em chúng tôi uể oải đứng dậy, quên đi tất cả những ước ao của ly đá nhận hay cây cà rem ngày mai khi đến trường.
Trở về nhà, mọi sự vẫn bình thường như hôm qua, chúng tôi vẫn ngồi vào bàn học ôn bài, đánh răng, rửa mặt và lên giường đi ngủ. Sáng sớm hôm sau tôi và thằng em im lặng cùng nhau đến trường. Hai anh em đưa mắt nhìn chiếc xe bán đá nhận, cà rem. Cả hai đều mang cảm giác tiếc rẻ và hình như có chút tự trách là ngu ngốc đâm đầu vào cờ bạc!
Rồi buổi trưa về nhà, tiếp theo bữa cơm tối cũng chẳng có gì khác lạ, mọi việc hình như đã trôi vào quên lãng. Bình thản tôi mang xấp “ giấy tạt hình” với vài viên bi thuỷ tinh ra khỏi nhà nhập cuộc chơi với lũ trẻ hàng xóm.
Đang lúc vui chơi đó, con em gái ( thua tôi 2 tuổi ) chạy ra nói tôi phải về ngay, bố mẹ đang chờ. Chẳng có gì lạ lùng vì chuyện bố mẹ gọi tôi hay những đứa em khác về nhà vì một việc nào đó. Tôi phải bỏ ngang cuộc chơi, nó xảy ra rất thường. Tôi thu gom đồ chơi rồi bình thản về nhà. Nhưng khi vừa bước qua ngưỡng cửa. Bố tôi giận dữ, chạy ra nắm lấy vành tai của tôi kéo lết tôi vào trong nhà, bắt tôi nằm sấp xuống chiếc phản gỗ. Bố cầm chiếc chổi lông gà vụt túi bụi lên mông, lên bắp chân và cả lưng của tôi, ông la hét như hòa nhịp với chiếc roi. Bố kể tội “ ăn cắp tiền của mẹ “, dẫn em đi đánh bạc…Không những vậy, bố còn lôi ra những tội khác trong quá khứ của tôi như hỗn láo dám cãi lại hay dùng những câu nói không lễ độ chống đối với các cô, các bác, các chú, các anh các chị… trong họ hàng. Trong khi đó mẹ tôi im lặng đứng nhìn. Dù bị đánh đau nhưng tôi vẫn thấy rất rõ mẹ không có vẻ gì tỏ ra tức giận mà ngược lại mẹ cau mày, có chút hốt hoảng mỗi khi bố giơ thẳng tay quất chiếc roi xuống thân thể tôi.
Đến một lúc, hình như không chịu nổi sự trừng phạt quá mức của bố, mẹ chạy đến giật lấy cái phất trần trên tay bố và hét lên:
-Thôi! Đánh nó như vậy là quá đủ rồi!
Với tí chút ngạc nhiên vì thái độ can thiệp bất thường, mạnh mẽ của mẹ. Bố quay sang nhìn mẹ rồi hét to :
-Bà còn binh vực nó hay sao ? Cũng may là nhờ thằng em nói cho bà biết chứ không thì chỉ vài ba lần, quen tay, nó lâm vào trò cờ bạc, đỏ đen…Đến lúc đó, nó dám bán cả nhà đi đánh bạc đó!
Mẹ cũng không kém, liệng chiếc phất trần vào góc nhà rồi dùng lời lẽ chê trách lối dậy con bằng roi vọt quá mức, thiếu sự mềm mỏng của bố . Trách ông không biết phân tích để cho con nhìn thấy phải trái, khôn dại, đúng sai mà chỉ biết dùng roi vọt ! Dù có chút ngỡ ngàng với sự phản đối của mẹ nhưng hình như có chút tự ái, bố chạy lại góc nhà cầm lại chiếc phất trần. Mẹ chẳng nể nang đưa tay dành lại chiếc roi rồi đứng che lấy tôi và nói với bố rất rõ ràng
-Ông muốn đánh nó đến chết sao? Chuyện của ông đã xong, quá đủ rồi! Để cho nó tắm rửa rồi đi ngủ, ngày mai là chuyện của tôi đối với lỗi lầm của nó!
Cuối cùng, bố đành nhẫn nhịn đưa cặp mắt đầy tức giận nhìn tôi, nói vài câu bực bội vì sự che chở của mẹ. Trước khi bước rời căn phòng, với vẻ bực bội bố buông lại một câu:
-Đúng là con hư tại mẹ !
Hôm đó, đúng là một buổi tối nặng nề trong gia đình. Tôi nhìn thằng em “ lắm chuyện “ với ánh mắt tức giận. Còn nó thì cố tìm cách tránh gặp mặt hay cúi đầu sợ xệt mỗi khi phải đối nặt với tôi! Bố mẹ tôi cũng ít lời hơn, thỉnh thoảng mẹ kín đáo nhìn vào những vết bầm tím hiện rõ trên đùi và bắp chân của tôi với ánh mắt thương cảm. Có lẽ vì mệt và quá đau với trận đòn khá nặng nhưng cũng có thể ngại ngùng, sợ hãi khi phải nhìn thấy ánh mắt còn bực bội của bố. Tối hôm đó, tôi đã đi ngủ sớm hơn bình thường.
Không biết vào lúc nào trong đêm, tôi giật mình thức dậy, nhưng cũng chỉ hé mắt nhìn. Mẹ đang xoa bóp dầu vào những vết roi bầm tím trên khắp phần sau cơ thể của tôi. Thỉnh thoảng mẹ thở dài nói nhỏ nhưng quá gần nên tôi vẫn nghe thấy : “ Tội nghiệp thằng bé! Đánh con đến mức này thì đúng là quá đáng thật!” hay “ Với những lằn roi bầm tím lồ lộ thế này, thằng bé còn mặt mũi nào mà đến trường vào lớp gặp bạn bè thầy cô được ?!”. Đúng lúc đó, tiếng dép lẹp xẹp của bố từ phòng trong đi ra, không biết để làm gì. Mẹ dừng tay thoa bóp cho tôi, quay ra mẹ nói với bố :
-Ông ngồi xuống, tôi có vài chuyện muốn nói với ông đây!
Nói xong mẹ vén màn, ra ngồi bên cạnh chiếc “phản” , bố im lặng kéo chiếc ghế ngồi học của tôi đến gần rồi ngồi xuống chờ đợi. Mẹ dằn từng câu nói với bố :
- Ông tưởng những trận roi vọt bầm tím, tàn ác của ông là dậy dỗ, làm cho nó hiểu được lỗi lầm của nó hay sao…. ?
Chẳng để cho mẹ nói tiếp, bố cắt ngang với vẻ bực bội :
-Bà cứ binh nó! Vậy theo bà nó ăn cắp tiền, rồi dẫn em đi đánh bạc là đúng hay sao ?
-Tôi không nói tội ăn cắp, dẫn em đi đánh bạc là đúng. Nhưng tôi muốn nói lối dạy con quá cứng mạnh, không kèm theo sự khuyên nhủ, phân tích phải trái, dại khôn của ông là vô ích. Ông làm vậy chỉ làm nó sợ ông trước mặt hay lúc nó còn bé nhỏ mà thôi!
Lời nói của mẹ làm bố im lặng tí chút trước khi xuống giọng:
-Vậy bà muốn tôi làm sao cho nó sợ, cho nó biết mà không tái phạm đây?
Mẹ im lặng một tí, rồi chậm rãi nói:
-Lần này, ông không chỉ đánh nó tội ăn cắp tiền. Ông còn lôi ra những tội khác của nó trong quá khứ rồi đổ sự tức giận vào những đòn roi vọt một cách rất vô lý. Theo tôi ngoài tội ăn cắp tiền dẫn em đi chơi bầu cua, cá cọp là nó sai. Còn những tội khác, ông nên suy nghĩ lại thì tốt hơn!
Bố vẫn im lặng, mẹ ngần ngừ tí chút rồi nói từng câu, từng chữ :
-Với những cái tội trước kia mà ông kể lể khi đánh nó. Ông hãy suy nghĩ lại thái độ, hành động và cả con người của những ông bác, bà cô, ông cậu…trong họ hàng của mình xem. Họ có đúng, có công bằng, và rõ ràng không? Để rồi vì sao nó phải có những lời nói, hành động hỗn láo với họ?
Dừng lại một chút, cũng với giọng nhỏ nhẹ nhưng rất rõ ràng mẹ nói tiếp:
-Còn tội nó ăn cắp tiền dẫn em đi cờ bạc là sai. Nhưng với trận đòn của ông vừa rồi, theo tôi thấy chỉ toàn là bạo lực, là giải tỏa sự giận dữ của ông mà thôi, chẳng có tí giáo dục nào cả. Ông làm vậy, làm cho nó thù ghét thằng em vì đã nói với ông về tội ăn cắp tiền và đánh bạc của nó. Tôi chắc chắn với ông, lần sau khi phạm tội nó kín đáo, khôn ngoan hơn để ông và tôi không biết. Kết quả ra sao thì ông cũng đoán ra rồi.
Đưa mắt nhìn bố, mẹ nói tiếp:
-Còn những lỗi lầm trước kia với tội hỗn láo với họ hàng, ông đã đánh nó rồi, nhưng lần này lại mang ra đánh nó nữa! Không phải là quá đáng sao ? Đã thế, có bao giờ ông cảm thông nỗi đau đớn của con mình khi phải dâng món đồ chơi của chính nó cho những đứa con của ông bác, bà cô… khi những đứa con của họ khóc và muốn lấy của nó. Ông không thương, không hiểu cái đau, cái tức của con mình. Ông lại còn bắt nó phải dâng nạp chỉ vì lời yêu cầu rất vô lý, thiếu công bằng của cha mẹ lũ trẻ đó. Khi con mình không chịu, nó phản kháng với lời lẽ không đẹp thì lại bị ông đánh chửi vì tội hỗn láo với chú bác! Còn biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ và vô lý khác, tôi nghĩ là ông biết rất rõ nhưng ông vì quá nể họ mà xử ép con mình mà thôi! Với tôi đó là những sai lầm, là ức hiếp , là bất công… Tôi mong ông hiểu, đã đến lúc chúng ta nên suy nghĩ lại về mình thì hơn !
Mẹ dừng lại như để lấy lại sự bình thản rồi nói tiếp:
-Tôi không muốn nói tốt đẹp về mấy đứa con của mình, nhưng ông cũng nhìn thấy quá rõ. Chúng nó biết giúp tôi nấu nướng, giặt dũ, xách nước cho gia đình, cho hàng xóm để kiếm tiền phụ vào đồng lương của ông …Còn những đứa trẻ khác con của ông chú, bà bác trong họ hàng có đứa nào đụng tay vào công việc đó hay không ? Đã thế việc học hành của con mình cũng chẳng có gì để than van, phiền phức! Không biết tương lai ra sao, nhưng với tôi chúng nó là những đứa con ngoan rồi đó !
Thấy bố tôi im lặng và có vẻ thông hiểu vấn đề, mẹ nhỏ nhẹ nói tiếp:
-Tôi định bàn với ông một việc là từ nay ông không nên dùng roi vọt quá đáng như vậy với các con nữa. Nếu quá bực tức, ông cố tránh đi chỗ khác, để cho tôi dùng lời lẽ chỉ dậy chúng nó. Còn chuyện ăn cắp tiền và dẫn em đi đánh bạc vừa rồi, ông đánh nó như vậy là xong. Việc còn lại để cho tôi. Chiều ngày mai khi ông đi làm, chưa về. tôi sẽ tìm lời nhỏ nhẹ khuyên bảo, chỉ dậy nó. Tôi chắc chắn nó sẽ hiểu ra lỗi lầm và không ngu dại vướng vào một lần nữa đâu! Tôi tin chắc nó không phải là đứa ngu chúi đầu vào cờ bạc, bỏ bê việc học hành.
Nằm trong giường, giả vờ say ngủ, tôi đã nghe tất cả những lời nói của mẹ. Người mẹ ra đi từ làng quê nghèo khó, gần như thất học nhưng đã có cái nhìn rất phóng khoáng, khôn ngoan. Bà hiểu rõ bản chất, cá tính và tin tưởng những đứa con mà bà đã sinh ra, nuôi dưỡng chúng. Cảm giác ân hận vì lỗi lầm vừa qua và lòng thương mẹ trỗi dậy trong lòng tôi. Nước mắt tôi chảy ra. Tôi đã khóc vì thương mẹ, vì hối hận đã làm mẹ buồn đau, lo lắng! Tôi tự hứa sẽ mãi mãi là đứa con ngoan để báo đáp lại tình yêu thương của mẹ. Có lẽ những lời nói của mẹ lần đó đã luôn luôn ẩn hiện trong tâm thức của tôi. Để rồi trong suốt cuộc đời tôi, đã bao lần đói khổ vì nghèo nhưng tôi không và mãi mãi không bao giờ bước vào cờ bạc, ăn cắp, lừa đảo mà chui đầu vào tù tội.
Hôm sau, cũng như mọi ngày, buổi trưa bố về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi tí chút rồi đi làm. Mấy đứa chúng tôi lo hoàn tất xong bài vở của trường rồi chia nhau ra giúp mẹ vài công việc lặt vặt trong nhà. Khi nắng chiều đã giảm bớt, mấy đứa em ra khỏi nhà chơi đùa với lũ trẻ hàng xóm. Tôi đang chuẩn bị vài món đồ chơi. Mẹ đến gần cho biết có vài điều quan trọng muốn nói với tôi. Dĩ nhiên với cuộc giả vờ ngủ nghe lén tối qua cũng đã giúp tôi hiểu những gì mà mẹ sẽ nói, nhưng tôi vẫn làm ra vẻ ngạc nhiên nhìn mẹ rồi ngồi xuống chiếc phản lắng tai nghe.
Sau vài câu hỏi han về những lằn roi bầm tím của tôi của trận đòn hôm qua. Mẹ cho biết là đã bàn với bố là từ nay sẽ không bao giờ đánh chúng tôi nữa. Chỉ giúp bằng lời nói , khuyên răn khi chúng tôi phạm lỗi, rồi tuỳ chúng tôi suy nghĩ biết phải trái, khôn dại mà thôi. Khi nói đến chuyện ăn cắp tiền của tôi vừa qua, mẹ cho biết chính bố mẹ cũng có phần nào lỗi. Chỉ vì quá nghèo, không dư dả tiền bạc cung ứng cho tôi, nên vì thiếu thốn, thèm muốn mà tôi phải trộm cắp để có tiền ăn quà. Mẹ tự hứa sẽ cố gắng dành dụm ít hay nhiều sẽ cho chúng tôi tí chút để ăn quà như chúng bạn. Tuy nhiên mẹ cũng mong anh em chúng tôi hiểu và nhìn rõ hoàn cảnh gia đình mà cảm thông cho cha mẹ nếu không được như mong muốn.
Khi nói đến việc dẫn em vào chơi bài bạc. Mẹ coi đó là là sai lầm và hoàn toàn ngu ngốc không thể tha thứ, cảm thông được. Mẹ khuyên tôi hãy nhìn những tấm gương bi thảm xẩy ra hàng ngày trong xóm với vài gia đình mà chúng tôi biết rất rõ. Vợ chồng đánh nhau vì bê tha cờ bạc , rượu chè. Con cháu thì bỏ học, bỏ việc làm đâm đầu vào đỏ đen theo chúng bạn đi ăn cắp, ăn trộm, phá làng phá xóm bị bắt lên bắt xuống! Mẹ khuyên tôi hãy khôn ngoan và quyết liệt tránh xa cờ bạc với bất cứ dạng thức nào. Hãy hiểu một điều rất thật đó là chưa có ai giầu có, vinh hiển vì cờ bạc. Những người bước vào vòng xoáy của cờ bạc không sớm thì muộn cuộc đời họ đều rơi vào nghèo khổ và bi kịch.
Đối với việc, tôi đã nhiều lần có những hành động hay lời nói đáp trả không mấy xuôi tai với các chú, các bác, các cô… trong họ hàng, chỉ vì những những đứa con của họ khóc la, đòi lấy đồ chơi của tôi. Cha mẹ chúng đã không ngăn cản những đòi hỏi vô lý đó mà còn yêu cầu bố bắt tôi phải nhường nhịn đem cho lũ con của họ. Mẹ cảm thông với những bực tức của tôi, coi đó là một dạng thức chấn lột. Nhưng mẹ khuyên tôi hãy khôn ngoan hơn, bình thản hơn, chẳng hạn như tìm cách lánh xa hay thu dọn, cất dấu. Nếu cần trốn chạy để không bị mất đồ chơi. Nhưng tuyệt đối không nên dùng những lời nói cục cằn, hỗn láo, nhất là với người lớn, cha mẹ chúng nó để họ có lý do trách cứ bố mẹ. Làm cho bố mẹ rơi vào hoàn cảnh khó xử.
Mặc dầu những lời lẽ chỉ dạy của mẹ, tôi đã nghe rất rõ tối khuya hôm qua khi giả vờ say ngủ. Nhưng được trực diện nghe mẹ nói, với giọng nhỏ nhẹ như lời tâm sự, phân trần của một người bạn. Không mang tính áp đặt trong vai vế của kẻ trên với kẻ dưới mà chỉ muốn giúp tôi minh mẫn nhìn chính xác vào sự kiện của vấn đề. Còn việc suy nghĩ đúng sai, khôn dại để thu nhận hay chối từ, đó là do chính tôi quyết định. Nó hoàn toàn tuỳ thuộc vào bản chất kèm theo ý chí vươn lên của chính tôi.
Hình như cảm nhận được sự phục thiện của tôi. Với nụ cười hiền hoà mẹ đưa bàn tay vỗ nhẹ lên vai tôi vài cái, hỏi bâng quơ về những vết bầm tím do trận roi vừa qua trên thân thể tôi rồi đứng dậy định đi vào phía nhà sau. Nhưng chợt nhớ ra điều gì mẹ quay lại nói :
-Còn một việc quan trọng nữa, có lẽ mẹ cũng phải nói với con đây. Con cũng biết gia đình mình, bố mẹ thì quê mùa, kém học, đã thế lại nghèo khó, không quen biết, thế thần! Với hoàn cảnh và khả năng như vậy thì không có chuyện tạo được một cơ ngơi giàu có để giúp đỡ cho con được. Đó là sự thật ! Bố mẹ chỉ mong mãi khỏe mạnh, đem lao lực ra kiếm sống, nuôi dạy các con ăn học với tất cả sức lực. Hy vọng các con học thành tài rồi dựa vào chữ nghĩa, bằng cấp mà tiến lên bằng người mà thôi. Người ta giàu có, gia thế to lớn thì con cháu có thể không cần học cao, không cần học giỏi… nhưng vẫn có dịp may để vươn lên ở một lãnh vực nào đó. Nhưng với hoàn cảnh của các con, mẹ nói rất thật. Chỉ có một con đường duy nhất độc đạo để đi lên, để vượt những khó khăn, thiếu may mắn… đó là con đường của học hành, bằng cấp. Với con đường này, ít nhất con sẽ có một tấm vé vào cửa để nhập cuộc chơi tìm chức phận mà thoát khỏi nghịch cảnh. Không có tấm vé đó, không giàu có, không quen biết thì con sẽ mãi mãi là kẻ đứng ngoài, đừng bao giờ nghĩ đến chữ thành công. Nhưng khi đã có rồi ( nhờ học hành ) nó sẽ làm cho các con vinh hiển và là bệ đỡ cho các con cháu, thế hệ sau này của các con thoát khỏi thân phận nghèo hèn. Đơn giản chỉ thế mà thôi.
Ngừng lại một tí, mẹ nói tiếp:
-Điều này đã bao lần mẹ muốn nói với con, nhưng hôm nay mới nhớ ra và thực hiện được. Mẹ hy vọng con suy nghĩ và đừng bao giờ quên con đường độc đạo đó.
Nói xong, mẹ lại đưa tay vỗ nhẹ mấy cái lên vai tôi:
-Thôi con ra chơi với bạn bè trong xóm đi, nhớ gọi các em về đúng bữa kẻo bố con lại làm um nhà lên đó!
***
Đúng như vậy, từ ngày đó bố không bao giờ đánh anh em chúng tôi nữa. Bầu không khí căng thẳng, lo sợ trong gia đình mỗi khi bố tức giận vì lỗi lầm nào đó của chúng tôi đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó một không khí đùa giỡn vui tươi dù gia đình vẫn trong hoàn cảnh chật vật vì thiếu thốn. Thời gian vẫn lạnh lùng trôi qua. Tôi vượt qua kỳ thi tuyển vào Chu Văn An, đến năm đệ lục (lớp 6) thì bố tôi phải đổi lên Sư Đoàn 22 Bộ binh tại Kontum, mẹ tôi bệnh hoạn lê thê… Tôi thực sự bước vào đời để giúp gia đình. Tôi bán báo dạo và làm bất cứ công việc nào miễn có tiền cung ứng cho sinh nhai ( Tôi không có can đảm viết ra đây về vài lần tôi đã bước ra khỏi vòng tròn an toàn của một người sống ngay ngắn trong xã hội. Chỉ vì vô tình hay ngây ngô, thiếu hiểu biết mà tôi đã vướng phải ! Nhưng nhờ sự may mắn và tỉnh thức đúng lúc, nhất là nhớ đến những lời mẹ dậy xa xưa đã giúp tôi thoát khỏi tại đúng điểm mốc của bình an.)
Việc học của tôi suốt 2 năm khi bố tôi xa gia đình lên Sư Đoàn 22 tại Kontum, xuống dốc thê thảm! Có thể nói 2 năm đệ lục và đệ ngũ tôi gần như đứa học trò rất sát với độn sổ ! Nhưng khi bố tôi được trở lại Saigon, cuộc sống dần dần có chút thăng hoa. Mẹ tôi nhảy vào buôn bán, việc học của tôi và các em tôi đã có sinh khí trở lại. Bài học về “con đường độc đạo” mà mẹ đã dậy tôi sau trận đòn cuối cùng “ gần chết, thiếu sống “ của bố, đã luôn luôn theo tôi như cuốn cẩm nang trong trí nhớ và tôi mãi tin tưởng noi theo.
Cứ như vậy, bước chân tôi vững trãi dần dần trên con đường học hành (đúng như mẹ tôi căn dặn). Tôi vượt qua tất cả những cuộc thi trung học, đại học. Tôi đã là cái bệ nâng rất chắc chắn cho các em và gia đình tôi đứng dậy. Bố mẹ tôi tin tưởng và luôn luôn làm theo những tính toán xếp đặt của tôi. Với bất cứ những khó khăn gì của gia đình, tôi luôn luôn là người hứng đỡ và trách nhiệm giải quyết tất cả.
Rồi thời gian, người bạn rất chân thành nhưng lạnh lùng và đôi khi tàn nhẫn đã tiễn chân tôi ra khỏi bầu không khí chiến tranh, khói mù bom đạn vào đầu năm 1974. Tôi rời xa VN đi tu nghiệp ngoại quốc. Trong ngày rời xa VN đó các bạn bè cùng đi với tôi, ai ai cũng có hàng chục người tiễn, kẻ đưa, với những chiếc xe sang trọng…. Còn tôi thi trầm buồn chỉ với bố mẹ và 2 đứa em, im lặng đưa tiễn tôi trong buổi ra đi. ( Thật ra cả đời tôi cũng chỉ có toàn những cuộc chia tay rất trầm lặng mà thôi !). Nhưng tôi hoàn toàn không thể ngờ được, cuộc chia tay đó lại là một lần gặp mặt cuối cùng của tôi và mẹ. Một cuộc chia lìa ngày đó, trong sung sướng của tôi kèm theo biết bao nhiêu hy vọng với những câu nhắn nhủ của mẹ lúc chia tay tôi. Nhưng buồn ơi, đó lại là một lần vĩnh biệt! Mẹ và tôi nhìn thấy nhau một lần cuối rồi mãi mải xa nhau!
Thời gian vẫn trôi, người bạn tàn nhẫn đó vẫn lạnh lùng vô cảm. Sau nhiều chục năm viễn xứ, tôi trở về VN với bao lần nước mắt tràn mi trong tư thế một kẻ du lịch lãng du. Tôi về VN mong tìm lại dấu tích của những kỷ niệm xa xưa. Đôi lần, một mình tôi lủi thủi la cà vào vài con xóm xa xưa. Nơi đó có biết bao nhiêu di dấu của gia đình tôi để mong được sống lại với buồn vui quá khứ. Đây là xóm 521 Lê văn Duyệt, kia là xóm Tre 116 Tô Hiến Thành với quá nhiều ký ức của một thời khốn khổ, đói nghèo! Rồi với chiếc xe gắn máy tôi chạy vòng vòng Sài Gòn, Chợ Lớn Bình Tây. Tạt vào chợ Cầu ông Lãnh hướng sang Khánh Hội… Tất cả những nơi chốn mà tôi và mẹ đã bao lần lê lết kiếm ăn. Bất cứ chuyến đi nào về Việt nam, tôi đều làm như vậy mong tìm lại hơi hám của những hoài nhớ xa xưa. Hình như rất nhiều lần, tôi có cảm giác như vẫn ngửi thấy mùi khó chịu từ những giọt mồ hôi của mẹ và của tôi vào những lúc nhọc nhằn xa xưa. Trong những chuyến chở rau, chở chuối cho mẹ tôi bán bên lề đường kiếm sống. Tôi cũng không quên, nhiều lần với những cực nhọc đó, tôi đã có cảm tưởng đôi vai của mình gù xuống. Cánh tay tôi rã rời vì sức nặng của những buồng chuối đè lên tôi và mẹ, mỗi khi chuyến xe chở hàng đến từ Long Khánh hay miền Tây đổ bến.
Tất cả đã qua rồi, người bạn thời gian ơi ! Những cực nhọc, đói nghèo cũng đã qua ! Mẹ tôi đã mất từ lâu lắm rồi ! Tôi thì vẫn còn hiện diện trong cõi ta bà đầy nhem nhuốc này ở cái tuổi của một ông già ngấp nghé 80 . Vẫn miệt mài, cần mẫn tính toán kiếm ăn, dành dụm như một đàn kiến tha mồi . Cả cuộc đời tôi có lẽ chỉ có những ước mơ là mãi mãi được sống trong yên bình và không phải khốn khổ với vật chất. Nếu có thêm tí nữa thì sức khỏe tốt đẹp để cung ứng cho cái thú vui lãng mạng của một kẻ rất thích dìm mình vào văn chương, thơ phú ? Tôi không và chưa bao giờ ôm tham vọng của một con người thích quyền hành trong chính trị! Bởi vì rất rõ ràng, tôi hoàn toàn không có cá tính của một người làm chính trị, một kẻ đứng trên diễn đàn hô hào, chỉ đạo đám đông! Tôi cũng không thích thú khi leo lên đầu lên cổ người khác để an nhàn hưởng thụ! Giấc mơ của tôi là có đủ điều kiện, không lo lắng buồn phiền để lang thang đây đó. Nếu được có một tí gì ( dù chỉ một tí mà thôi ) mà người ta gọi là “ ướt át” trong văn chương thơ phú và cả trong cuộc sống riêng tư !
Hết
Vài hàng cuối bài:
Nếu bạn nào thích thú âm nhạc chắc cũng biết bài ANAK của Freddie Aguilar một nhạc sĩ thổ dân của Phi luật tân, bài nhạc này đã rúng động thế giới , viết về tình mẹ. Ngay khi bản nhạc này được ra mắt năm 1978. Nếu tôi không lầm nó đã được xếp vào hạng bài hát hạng nhất của thế giới vào năm nào đó ! Cá nhân tôi , năm 1985 khi sang Phi luật Tân tôi đã được nghe bản này do chính tác giả trình bày trong một hộp đêm ở một thành phố miền Nam Phi luật Tân.
Sau đó sang Hawaii , Kenya , Madagasca… tôi cũng đã được nghe bài nhạc này rất nhiều lần do các ban nhạc Phi luật tân trình bày . Ở VN cũng vậy ở một phòng trà gần ngã tư Phú Nhuận tôi cũng đã được một ban nhạc Phi luật tân trình bày bài này ( tôi quên tên phòng trà ). Hiện nay bài này đã được dịch rất nhiều ngôn ngữ và trình bày bởi ca sĩ của ngôn ngữ đó , kể cả VN nhưng theo tôi, nghe không thích lắm !! Nhưng phải nói là nghe chính tác giả trình bày thì siêu rồi, khỏi bàn ! tiếp theo là nghe nhóm nhạc Phi luật Tân trình bày cũng “lắc lư con tầu”!
Các bạn nghe và trầm mình rồi nghĩ về mẹ xem sao ?!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét