Tin Nóng Việt Nam Hôm Nay!
Quan Thầy Hài Lòng! Tân Chủ Tịch Nước Việt Nam, Nhận Được Lời Chúc Mừng Nồng Nhiệt Nhất, Sớm Nhất! Từ Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình!
(Hình: Tập Cận Bình (trái) và Võ Văn Thưởng tại Lăng Hồ Chí Minh.) Vào ngày 2/3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời chúc mừng đến tân Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng. Tân Hoa Xã loan tin vừa nêu về chúc mừng mau mắn nhất, mà người đứng đầu Hoa Lục gửi đến cho vị tân Chủ tịch 53 tuổi do đảng Cộng sản và Quốc hội Việt Nam chọn ra.
<!>
Theo Tân Hoa Xã trong chúc mừng gửi đến ông Võ Văn Thưởng trong cương vị tân Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tập Cận Bình nhắc lại câu nói lâu nay “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng Xã hội chủ nghĩa núi liền núi, sông liền sông”. Không gì có thể táxh rời!
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết từ năm 2022, bản thân ông và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đạt được nhận thức chung quang trọng về củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa hai phía, tăng cường trao đổi chiến lược và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Ngoài Trung Quốc, tiếp theo lãnh đạo các nước Lào, Cam Bốt và Cu Ba được truyền thông Việt Nam loan cũng gửi lời chúc mừng đến tân Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Tại phiên họp bất thường lần thứ tư vào sáng ngày 2/3, Quốc hội Việt Nam bầu ông Võ Văn Thưởng cào vị trí Chủ tịch nước theo giới thiệu mà Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra ngày hôm trước.
Ông Võ Văn Thưởng thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, người bị miễn nhiệm vào chiều ngày 18/1 cũng tại phiên họp bất thường.
CS Việt Nam Có Nữ Thường Trực Ban Bí Thư Đảng Đầu Tiên!
Bà Trương Thị Mai (trái) nhận quyết định từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) làm thường trực Ban Bí thư Đảng để thay thế ông Võ Văn Thưởng (phải), người mới được Quốc hội Việt Nam bầu làm chủ tịch nước.
-Bà Trương Thị Mai vừa được chọn làm thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, chức vụ mà trước đó do ông Võ Văn Thưởng, người mới trở thành chủ tịch nước, đảm nhiệm và trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này ở Việt Nam.
Truyền thông nhà nước cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 6/3 trao quyết định của Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam, “phân công” bà Mai giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa 13, chỉ vài ngày sau khi ông Thưởng rời chức vụ này để trở thành tân chủ tịch nước.
Ông Thưởng được Quốc hội Việt Nam bầu làm chủ tịch nước hôm 2/3 để thay thế cho ông Nguyễn Xuân Phúc, người bất ngờ từ chức hồi giữa tháng 1 trong lúc chiến dịch chống tham nhũng ngày càng sâu rộng và lan đến nhiều bộ, ngành của chính phủ, do ông Trọng dẫn dắt.
Bà Mai, từng là phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vai trò đứng đầu Ban Bí thư trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, theo truyền thông trong nước.
Việc bổ nhiệm bà Mai diễn ra trong bối cảnh những biến động chính trường chưa có tiền lệ ở Việt Nam, trong đó ông Phúc là quan chức cấp cao nhất được cho là bị buộc thôi chức vì trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của cấp dưới trong vụ thổi giá kit xét nghiệm của công ty Việt Á, một đại án trong chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng.
Trước đó, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, từng dưới quyền ông Phúc khi ông là thủ tướng, đã bị buộc thôi chức cũng vì trách nhiệm liên đới tới những sai phạm tham nhũng. Hàng trăm quan chức từ nhiều bộ, ngành, trong đó có ngoại giao, công an, y tế, giao thông đã bị bắt hoặc truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng mà ông Trọng nói “không có vùng cấm.”
Ông Võ Văn Thưởng tại lễ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam sau khi được hơn 98% số phiếu bầu của Quốc hội trong một phiên họp bất thường ở Hà Nội hôm 2/3.
Tân Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, trong bài phát biểu khi nhận nhiệm vụ hôm 6/3, khẳng định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là đảng cầm quyền” và cam kết “phải giữ gìn Đảng thật trong sạch,” theo Tuổi Trẻ. Bà Mai, 65 tuổi, còn hứa sẽ “phải xứng đáng là người lãnh đạo” và là “người đầy tớ trung thành của nhân dân.”
Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), có trụ sở ở Singapore, chức vụ thường trực Ban Bí thư là “rất quan trọng” vì nó “là cầu nói và bộ lọc giữa Bộ Chính trị của Đảng và nhà nước.”
Ban Bí thư lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng, trong đó có giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cũng như chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị của Việt Nam, theo VnExpress.
“Mọi hoạt động của nhà nước phải được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phê duyệt thì mới được làm (và) thường trực Ban Bí thư là người thẩm định mọi đề xuất của nhà nước,” TS Hợp, hiện đang sinh sống tại Hà Nội và là đồng tác giả cuốn sách về chống tham nhũng “Tội phạm tài chính trong hội nhập”, cho biết.
Khi tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước hôm 2/3, ông Thưởng, người giữ chức thường trực Ban Bí thư từ 2016 đến khi thôi vào tuần trước, cũng cam kết hoàn thành những nhiệm vụ được Đảng giao phó và “kiên quyết” tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, nhiều lãnh đạo từ các quốc gia, trong đó có Nga, Triều Tiên, Cuba, Ấn Độ, Lào, Campuchia và Mông Cổ, đã gửi điện chúc mừng tân chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc được biết là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Thưởng, chỉ vài giờ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức hôm 2/3.
Trung Quốc và Việt Nam, Giờ Như Một! Công An Sài Gòn: Điện Thoại Trung Cộng Tự Động Gửi Thông Tin Người Dùng Về Trung Cộng!
(Minh Long)
Công an TP.HCM phát hiện điện thoại thông minh từ thương hiệu của nhà sản xuất Trung Quốc tự động gửi thông tin cá nhân người dùng cho các nhà mạng tại Trung Quốc.
Thông tin trên được Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết tại buổi họp kinh tế – xã hội TP ngày 3/3.
Nói thêm về lĩnh vực an toàn thông tin, theo ông Nam, ứng dụng ChatGPT được dư luận nhắc tới nhiều thời gian qua, trong quá trình sử dụng tiềm ẩn nguy cơ có thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. “Đây là vấn đề rất mới”, theo ông Nam.
Về lĩnh vực an toàn xã hội, ông Nam cho biết trong tháng 2, TP ghi nhận 281 vụ vi phạm trật tự xã hội, làm chết 6 người, bị thương 29 người, tài sản thiệt hại ước tính 3 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, thành phố tăng thêm 72 vụ.
Công an thành phố phát hiện 182/281 vụ, bắt 358 người trong các băng, ổ nhóm tội phạm nguy hiểm; 299 vụ với 175 người liên quan đến tội phạm kinh tế.
Cũng trong tháng 2, các lực lượng phát hiện 140 vụ với 318 người, thu trên 35kg ma túy các loại.
Một công bố nghiên cứu được đứng tên bởi 3 tác giả từ 2 trường đại học ở Anh quốc và Ireland: Haoyu Liu (University of Edinburgh), Douglas Leith (Trinity College Dublin), và Paul Patras (University of Edinburgh) hồi tháng 2/2023 cho thấy “điện thoại Trung Quốc đã cài sẵn các chương trình lén thu thập thông tin mà không hề báo trước cho người sử dụng”.
Nhóm đã tiến hành kiểm tra với các nhà mạng khác nhau, với các địa phương khác nhau gồm cả ở ngoài Trung Quốc, hoặc thậm chí cả khi không có SIM, thì phát hiện rằng các chương trình đó cố gắng gửi đi những thông tin nhạy cảm của người sử dụng điện thoại trong tình huống không báo trước cho người dùng được biết.
Điện thoại “gửi một lượng Thông tin nhận dạng cá nhân (PII) đáng lo ngại không chỉ cho nhà cung cấp thiết bị mà còn cho các nhà cung cấp dịch vụ như Baidu và các nhà khai thác mạng di động Trung Quốc”.
Báo cáo viết “số liệu mà chúng tôi quan sát được đang được truyền đi bao gồm số nhận dạng thiết bị cố định (IMEI, địa chỉ MAC, v.v.), số nhận dạng vị trí (tọa độ GPS, ID mạng di động…), hồ sơ người dùng (số điện thoại, kiểu sử dụng ứng dụng, phép đo từ xa của ứng dụng), và các kết nối xã hội (lịch sử cuộc gọi/SMS/thời gian, số điện thoại liên lạc…)”.
“Kết hợp lại, thông tin này đặt ra những rủi ro nghiêm trọng về việc người dùng bị lộ danh tính và bị theo dõi rộng rãi, đặc biệt là vì ở Trung Quốc, mọi số điện thoại đều được đăng ký theo ID công dân.”
“Nhìn chung, những phát hiện của chúng tôi vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về tình trạng bảo mật số liệu người dùng trên thị trường Android lớn nhất thế giới này, và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về kiểm soát quyền riêng tư chặt chẽ hơn để tăng lòng tin của người dân đối với các công ty công nghệ, nhiều công ty trong số đó thuộc sở hữu một phần của nhà nước”, các nhà nghiên cứu kết luận.
Biển Đông: Trung Quốc và ASEAN Thảo Luận Về Bộ Quy Tắc Về Ứng Xử Vào Tuần Tới
(Hình: Ngoại trưởng Nam Dương Retno Marsudi và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại họp báo ở Jakarta, thủ đô của Nam Dương, hôm 22/2/2023.
- Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc sẽ nối lại các vòng thảo luận về Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) vào tuần tới, theo thông báo hôm 4/3/2023 của Bộ Ngoại giao Nam Dương (DFA).
DFA thông báo tin này sau khi Ngoại trưởng nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN là Retno Marsudi có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc là Tần Cương hồi tuần trước.
Theo thông báo của DFA, cuộc thảo luận giữa hai bên sẽ diễn ra vào từ ngày 8 đến 9 tháng 3 tại Ban thư ký ASEAN và nhân cuộc họp lần thứ 38 của Nhóm làm việc chung.
Cuộc gặp cuối cùng giữa ASEAN và Trung Quốc về COC diễn ra tại Cam Bốt hồi tháng 10 năm 2022.
“Cuộc gặp sẽ tiếp tục đàm phán và xem xét các câu chữ đang được đàm phán trong COC” - Teresita Daza, phát ngôn viên của DFA cho báo chí biết.
ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán COC từ khoảng 10 năm qua kể từ sau khi hai bên đạt được Tuyên bố chung về ứng xử tại Biển Đông ở Nam Vang, Cam Bốt hồi năm 2002.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông. Các nước khác cũng có những đòi hỏi chủ quyền tại vùng biển này gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei, và Đài Loan.
Tình hình Biển Đông trong những tháng gần đây đã trở nên căng thẳng khi Phi Luật Tân lên tiếng tố cáo Trung Quốc liên tục đe dọa chủ quyền của nước này ở vùng biển tranh chấp. Báo chí Việt Nam đưa tin, các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thời gian qua thường xuyên bị tàu Trung Quốc đe dọa, cướp phá, thậm chí bắt nộp tiền chuộc.
Đàn Áp Tôn Giáo: Chính Quyền Giải Tán Nhóm Sinh Hoạt Hội Thánh Đức Chúa Trời ở Hội An
-Báo Thanh Niên loan tin việc chính quyền Hội An giải tán nhóm Hội Thánh Đức Chúa Trời, ngày 7/3/2023.
Chính quyền ở tỉnh Quảng Nam vừa cho biết đã xóa sổ một hội nhóm gồm 10 tín đồ Hội Thánh Đức Chúa Trời, cho rằng nhóm này sinh hoạt tôn giáo “trái phép”. Trong khi đó giới quan sát nhận định rằng hành vi của chính quyền đã "vi phạm quyền tự do tín ngưỡng" của người dân.
Một nhóm 10 người gồm 6 nữ, 4 nam ở thành phố Hội An “đang tụ tập sinh hoạt tôn giáo trái phép” liên quan đến Hội thánh Đức Chúa Trời thì bị lực lượng công an bắt quả tang, truyền thông Việt Nam loan tin hôm 7/3.
Trang Thanh Niên cho biết “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” là tôn giáo có nguồn gốc từ Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam, cho biết thêm rằng tổ chức tôn giáo này “chưa được nhà nước công nhận hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, giáo lý hoạt động mang tính chất tà đạo, có biểu hiện mê tín dị đoan, lợi dụng giáo lý để trục lợi”.
Hơn thế nữa, Công an TP. Hội An đã mời “làm việc” với những người có liên quan, và “yêu cầu chấm dứt hành vi tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trái phép”.
Giới quan sát nhận định rằng hành vi của chính quyền TP. Hội An đã vi phạm tự do tín ngưỡng của người dân, đáng lưu lý là khi Việt Nam đang bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt (SWL) vì tự do tôn giáo.
Từ Tp. Hồ Chí Minh, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Quản nhiệm Hội Thánh Tin lành Mennonite Việt Nam, một tổ chức không được chính quyền Việt Nam công nhận, nêu nhận định với VOA hôm 7/3.
“Không biết có cái áp lực gì không? Chứ một nhóm Tin lành mới – tôi không nói vấn đề thần học đúng, sai, dị giáo, chính giáo gì cả, mà chỉ nói quyền lợi nhóm họp theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo - thì họ nhóm họp như vậy không có sai pháp luật.
“Nếu nhà nước muốn làm việc với họ thì nhà nước nên hướng dẫn cho họ đăng ký để tiện cho việc quản lý nhà nước về mặt tập trung đông người.
“Vì lý do tín ngưỡng, họ tin An Xang Hồng là người sáng lập, hay việc phục hồi lẽ thật của Tân Ước, là Cha, là Mẹ để khôi phục hội thánh… đó là một giáo lý.
“Có nhiều tôn giáo, có nhiều tín ngưỡng, và đó là cái quyền của người ta. Nhà nước phải độc lập và phải tôn trọng người ta. Còn việc can thiệp vì lý do thần học, lý do giáo lý… thì nhà nước không có quyền”, mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết thêm.
An Xang Hồng (1918-1985) hay Ahn Sahng-hong là một mục sư người Hàn Quốc, là người sáng lập ra Hội Thánh Đức Chúa Trời vào năm 1964.
Theo trang Nghiên Cứu Hội Thánh của Đức Chúa Trời, chính quyền Việt Nam bắt đầu cấm đoán tôn giáo này từ năm 2018 thông qua việc bắt bớ một số thành viên, tuy nhiên các tín hữu của nhóm này vẫn tổ chức thờ phượng tại nhà.
Vào năm 2018, chính quyền một số nơi tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Bình, dọa sẽ xét xử lý hình sự các “đối tượng” tổ chức sinh hoạt Hội Thánh của Đức Chúa Trời.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, nói rằng “các tín đồ và tổ chức Tin Lành được tạo điều kiện tích cực tham gia vào đời sống chính trị - xã hội”.
Trong một văn bản phản hồi yêu cầu bình luận của VOA vào tháng 11/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói:
“Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người
(Hình: Các nghị viên Liên minh châu Âu tổ chức hội thảo xem xét mức độ vi phạm nhân quyền và quyền lợi của người lao động Việt Nam sau hơn hai năm chính quyền nước này thực thi Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) ngày 28/02/2023.)
-Hôm 28/2, các nghị viên Liên minh châu Âu tổ chức hội thảo xem xét mức độ vi phạm nhân quyền và quyền lợi của người lao động Việt Nam sau hơn hai năm chính quyền nước này thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA). Các diễn giả lên tiếng báo động rằng việc vi phạm nhân quyền, quyền tự do nhóm họp và quyền của người lao động Việt Nam tiếp tục bị chính quyền vi phạm ở mức ngày càng tồi tệ, đồng thời hối thúc các nghị viên EU gây sức ép mạnh hơn đối với chính quyền Hà Nội.
Hội thảo tập trung vào thực trạng thực thi Hiệp định EVFTA và tìm cách trả lời câu hỏi quan trọng: Điều gì đang thực sự xảy ra sau hai năm kể từ khi hiệp định thương mại có hiệu lực?
Nghị viên EU Marianne Vind, Phó Chủ tịch Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện EU, chủ tọa hội thảo. Nghị viên Saskia Bricmont tham dự và có bài phát biểu với các kiến nghị.
Các thành viên của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền quốc tế và Việt Nam như Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM), tổ chức Việt Tân và tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam có bài thuyết trình đánh giá mức độ vi phạm nhân quyền trong thời gian chính quyền Việt Nam thực thi EVFTA từ ngày 01/08/2020 đến nay.
Ông Trần Đức Tuấn Sơn, đại diện cho tổ chức Việt Tân tại châu Âu, cho VOA biết tóm tắt bài phát biểu của ông tại hội thảo.
“Chúng tôi thấy sau khi hiệp định với EU có hiệu lực từ 2,5 năm nay thì tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng thậm tệ hơn. Trước đây họ chỉ bắt bớ những người bất đồng chính kiến, Facebooker, blogger… vì họ lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam, nhưng gần đây chúng tôi thấy sự đàn áp đã vượt ra khỏi lằn ranh bất đồng chính kiến khi mà những người hoạt động vì môi sinh, nhân quyền một cách chung chung cũng đã bị bắt như bà Ngụy Thị Khanh, ông Đặng Đình Bách…hay một số người khác trong xã hội dân sự trong nước hoạt động công khai đã bị bắt, bị kết án về tội “trốn thuế” …Tình hình nhân quyền ngày càng xấu hơn”.
EVFTA, được ký vào ngày 30/06/2019, là hiệp định thế hệ mới, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người.
(Hình: Nghị viên EU Marianne Vind và Saskia Bricmont phát biểu tại hội thảo ngày 28/2/2023.)
Bà Julie Majerczak, đại diện của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), ông Sébastien Desfayes, Chủ tịch của Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM), cũng đánh giá sự thụt lùi về thành tích nhân quyền Việt Nam sau khi thực thi hiệp định EVFTA đến nay.
EVFTA quy định rằng các nước thành viên sẽ phải bảo vệ các quyền lao động cơ bản, đặc biệt là quyền được có công đoàn độc lập và quyền thương lượng tập thể của người lao động. Nếu các nước không tuân theo tiêu chuẩn quy định này sẽ bị chế tài về thương mại.
Ông Huy Nguyễn, đại diện cho tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ, nêu nhận định của ông với VOA:
“Đã hơn 2 năm rồi từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, chúng tôi vẫn chưa thấy một nhóm công nhân nào đứng ra lập nghiệp đoàn độc lập, lý do về phía công nhân là thiếu sự hiểu biết về quyền người lao động và lợi ích tại nơi làm việc…một phần là vì đời sống của họ quá chật vật nên chỉ lo việc kiếm sống; lý do thứ hai là nhà nước Việt Nam tìm đủ mọi cách ngăn cản, gây khó khăn cho người lao động trong việc thành lập nghiệp đoàn độc lập”.
Ngoài ra, đại diện cho tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam còn cho biết rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA.
Ông Huy cho biết:
“Việt Nam vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA, quy định mỗi bên thành lập nhóm tư vấn và hai nhóm tư vấn này hoạt động cùng nhau đưa ra đề nghị, khuyến cáo cho các vị thực thi EVFTA. Hai năm vừa rồi, khi nhà báo Mai Văn Lợi và luật sư Đặng Đình Bách thuộc tổ chức xã hội dân sự độc lập nộp đơn tham dự nhóm tư vấn này (gọi là DAG) của Việt Nam thì hai vị này bị bắt giam. Chỉ vài tuần sau đó thì nhà nước Việt Nam đưa ra nhóm tư vấn của Việt Nam gồm 3 thành phần, trong đó có 2 thành phần rõ ràng là nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Đến đầu năm 2022, nhà nước Việt Nam lại đưa ra thêm 3 thành viên nữa cho nhóm DAG của Việt Nam, trong đó có một nhóm rõ ràng là không có sự độc lập cần thiết như quy định tại chương 13”.
(Hình: Ông Huy Nguyễn, Giám đốc tổ chức Vietnam Worker Defenders, phát biểu tại hội thảo, nêu việc chính quyền Việt Nam vi phạm chương 13 của Hiệp định EVFTA.)
“Chúng tôi yêu cầu các vị dân biểu châu Âu can thiệp vào vụ đó: trả tự do cho các nhà hoạt động này vì các bản án của họ mang tính chất chính trị và bị quy vào các điều luật rất vu vơ, mù mờ”, ông Huy cho biết thêm.
“Chúng tôi kêu gọi quốc hội châu Âu phải có hành động mạnh mẽ hơn để tạo một áp lực nào đó lên phía Việt Nam để họ tôn trọng nhân quyền một cách đúng đắn hơn, đặc là khi Việt Nam đã vào Hội đồng Nhân quyền LHQ thì phải có cách hành xử nhân quyền tuyệt đối hơn”, ông Sơn nói với VOA.
Trong một đánh giá vào tháng 12/2022, Bộ Công thương Việt Nam nói rằng Hiệp định EVFTA đang “tác động tích cực đến thu nhập của người lao động”, cụ thể như tác động tích cực đến vấn đề việc làm, thu nhập, tiền lương.
Chính quyền Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng chỉ bắt giam và xét xử những ai "vi phạm pháp luật".
Cứu Gấu Khỏi Trang Trại Lấy Mật Trái Phép ở Việt Nam
(Hình: Gấu nuôi lấy mật tại một trại gấu ở Việt Nam.)
- Ngày 2/3/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay 5 con gấu ngựa đã được giải cứu khỏi một trang trại khai thác mật bất hợp pháp ở Việt Nam, trong nỗ lực mới nhất của chính quyền nhằm xóa bỏ một hoạt động bị lên án mạnh vì sự tàn ác.
Theo nhóm cấp cứu động vật Animals Asia, những con gấu được giải cứu khỏi một trang trại ở ngoại ô Hà Nội và kể từ khi được giải cứu vào tuần trước, chúng đã được đưa đến một khu bảo tồn và được đặt các biệt danh trong đó có “Chạng vạng” và “Nửa đêm”.
Chính quyền ước tính 5 con gấu có thể đã bị nhốt ở trang trại khoảng 20 năm.
Hoạt động nuôi gấu lấy mật đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 1992, nhưng hoạt động này vẫn tiếp diễn do nhu cầu đối với các sản phẩm làm từ mật gấu tăng cao.
Mật tiêu hóa bị lấy từ túi mật của gấu và bán trên thị trường chợ đen để sử dụng trong y học cổ truyền. Những con gấu phải chịu những tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, đồng thời thường bị nhốt trong điều kiện chật chội và không chống chọi được với bệnh tật và suy dinh dưỡng.
Ông Tuấn Bendixen, Giám đốc Tổ chức Animals Asia tại Việt Nam, cho biết nhốt gấu trong lồng nhỏ sẽ gây ra các vấn đề về tinh thần và thể chất cho động vật và những người nuôi gấu không biết cách chăm sóc chúng đúng cách.
Công An Mở Rộng Điều Tra Tại Các Trung Tâm Đăng Kiểm Xe Đường Bộ, Rồi Đến Đường Thủy
(Hình: Một trung tâm đăng kiểm đường thủy dính sai phạm.)
- Vào ngày 3/3/2023, Phát ngôn nhân Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin kết quả điều tra đến nay về vi phạm tại Cục Đăng kiểm và những trung tâm ở các địa phương. Ngoài vi phạm trong đăng kiểm các phương tiện cơ giới đường bộ, lực lượng chức năng còn phát giác vi phạm khi đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa.
Cụ thể theo ông Tô Ân Xô, tính đến nay, Công an tại 28 địa phương trên cả nước đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 Chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can. Tội danh khởi tố gồm “môi giới hối lộ”, “nhận hối lộ”, “giả mạo trong công tác”, “xâm nhập trái phép vào mạng máy tình, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, “che giấu tội phạm”…
Ông Tô Ân Xô ví vụ án liên quan đăng kiểm có thể như một loại virus “Việt Á” vì số bị can sẽ còn thêm nữa.
Trong diễn biến liên quan, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Tp. HCM vào ngày 2/3 thông báo tính đến ngày 1/3 trên địa bàn thành phố đông dân nhất nước này chỉ còn 10/19 Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới đang hoạt động. Cụ thể có chín đơn vị và một chi nhánh. Số đăng kiểm viên còn làm việc là 93 trên tổng số 197 người.
Còn thống kê của Cục Đăng kiểm tính đến ngày 2/3 cho thấy trên cả nước có 60 trong tổng số 281 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới phải đóng cửa do đang bị điều tra. Có 486 đăng kiểm viên bị điều tra, tự nghỉ việc.
Công An Phú Thọ và Khánh Hòa Bắt Viên Chức Vi Phạm Tại Trung Tâm Đăng Kiểm Xe Cơ Giới
(Hình: Ông Nguyễn Đôn Ý bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.)
- Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới 19-02D, ông Nguyễn Đôn Ý, tại Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, bị bắt ngày 3/3/2023.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Thị xã Phú Thọ cho biết biện pháp khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đôn Ý được tiến hành sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ về các sai phạm tại Trung tâm 19-02D.
Vào ngày 14/2, ông Nguyễn Đôn Ý đã bị triệu tập để phục vụ công tác điều tra.
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều Tra thuộc Công an Thị xã Phú Thọ thì ông Nguyễn Đôn Ý đã liên kết với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ Thiết kế Kỹ thuật Xe hơi Đức Thịnh và Công ty trách nhiệm hữu hạn Xe hơi Alpha, cả hai đều ở Hà Nội, nhận 44 triệu đồng của 6 chủ phương tiện để làm thủ tục hồ sơ hoán cải và thực hiện nghiệm thu xe cải tạo sai quy trình, trái pháp luật.
Tại Khánh Hòa, Ông Nguyễn Hữu Trường- đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới tỉnh Khánh Hòa 7901S vào chiều ngày 2/3 bị khởi tố và bị bắt giam. Ông này cũng từng giữ chức Phó Giám đốc Phụ trách Chi nhánh Đăng kiểm Xe cơ giới Cam Ranh 79-02S
Ngoài ông Nguyễn Hữu Trường, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành biện pháp tương tự đối với Nguyễn Văn Phiêu- Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Hòa Bình ở Phường Phương Sơn, Thành phố Nha Trang.
Cả hai ông Nguyễn Hữu Trường và Nguyễn Văn Phiêu đều bị khởi tố về tội Nhận Hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Trung tâm 79-01S trước đây là Trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, sau đổi thành Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới. Trung tâm có một cơ sở chính ở Thành phố Nha Trang và một chi nhánh tại Cam Ranh.
HTX Vận tải Hòa Bình tham gia thực hiện các thủ tục cải tạo xe cơ giới trước khi được đưa đi đăng kiểm.
Các biện pháp tố tụng như vừa nêu được đưa ra sau khi vào trung tuần tháng hai/2023, Tổ Công tác của Phòng Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm Xe Cơ giới 7901S cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Trung tâm 7901S thực hiện trong 3 năm từ 2020 đến 2022.
Đăng Kiểm: Bắt Giữ 14 Người Tại Hai Trung Tâm ở Tp. HCM
(Hình: Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an Tp. HCM tống đạt các Quyết định và Lệnh đối với các đối tượng tại chi nhánh Trung tâm đăng kiểm 50-05V.)
- Bộ Công an hôm 4/3/2023 thông báo việc bắt giữ 14 người tại hai trung tâm đăng kiểm ở Tp. HCM với cáo buộc tội “Nhận hối lộ” và ““Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Trang thông tin điện tử của Bộ Công an cho biết việc bắt giữ những người này tại hai trung tâm là Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-05V (quận Tân Bình) và Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-09D (huyện Củ Chi)....
Theo thông báo, những người bị bắt nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác”, “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, nhu liệu điện toán để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, “Xâm nhập trái phép mạng máy điện toán, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Tp. HCM và các tỉnh.
Trong số những người vừa bị bắt giữ có ông Lê Minh Huy là chủ đầu tư Trung tâm đăng kiểm 50-09D; ba người là nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc thuộc hai trung tâm đăng kiểm 50-09D và 50-05V.
13 người bị bắt với cáo buộc tội “Nhận hối lộ”, một người bị bắt về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Trả lời báo chí mới đây, phát ngôn viên Bộ Công an - Trung tướng Tô Ân Xô - cho biết đến nay, “Công an 28 địa phương đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, bốn chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can về bảy tội danh: 1- Môi giới hối lộ; 2- Đưa hối lộ; 3- Nhận hối lộ; 4- Giả mạo trong công tác; 5- Sản xuất, mua, bán, trao đổi hoặc tặng các công cụ thiết bị, nhu liệu điện toán để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; 6- Xâm nhập trái phép vào mạng máy điện toán mạng viễn thông hoặc mạng điện tử của người khác; 7- Che giấu tội phạm”.
Ông Xô cho biết, số bị can chắc chắn sẽ không dừng ở gần 400 bị can vì các địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra.
Vụ an ở Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm hiện được xếp vào diện do Ban phòng, chống tham nhũng trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam theo dõi.
Nguyên Giám Đốc Công An Hải Phòng Đỗ Hữu Ca Khai Có Nhận 35 Tỉ Tiền Chạy Án
(Hình: Nguyên Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng, ông Đỗ Hữu Ca.)
- Nguyên Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng, ông Đỗ Hữu Ca, khai với cơ quan điều tra có nhận tiền của một doanh nhân để “chạy án”. Tuy nhiên, ông Ca chưa tác động cá nhân, cơ quan chức năng nào cho việc này.
Trung tướng Tô Ân Xô- phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam, cho biết như vừa nêu vào ngày 3/3/2023 tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.
Cũng theo lời phát ngôn nhân Bộ Công an thì trong quá trình xét hỏi, ông Đỗ Hữu Ca hợp tác với cơ quan điều tra và đã nộp số tiền 35 tỉ đồng. Hiện Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an đang tiếp tục điều tra để làm rõ các hành vi vi phạm của những người có dính líu trong vụ này.
Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh hôm 22/2 ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca. Ông Ca bị bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hôm 18/2, cựu thiếu tướng công an Đỗ Hữu Ca đã bị Cơ quan An ninh điều tra tạm giữ để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án hình sự “Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”, theo thông tin chính thức từ cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Tuy nhiên, sau đó một ngày, báo Nhà nước trích các nguồn tin giấu tên cho biết ông Ca bị tạm giữ chín ngày để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Truyền thông nhà nước trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, ông Ca đã nhận 35 tỉ đồng của doanh nghiệp để chạy án nhưng không thành. Mặc dù vậy, ông Ca vẫn giữ lại số tiền chạy án này.
Vụ án này liên quan đến một vụ án bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố hồi tháng 4/2022 liên quan đến những sai phạm trong đấu thầu mua bán vật tư, thiết bị xảy ra tại Công ty Nhiệt điện Đông Triều. Công an đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong quá trình điều tra vụ án, công an phát giác đường dây mua bán trái phép hóa đơn nhằm mục đích trốn thuế do ông Trương Xuân Đước (52 tuổi, quê ở Hải Phòng) là Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương cầm đầu.
Ông Đước đã tận dụng mối quan hệ với thiếu tướng Đỗ Hữu Ca để chạy án cho mình. Theo báo Thanh Niên, ông Đước đã chuyển cho vợ chồng ông Ca hàng chục tỉ đồng để chạy án nhưng không thành. Ông Đước bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ hồi đầu tháng 2/2023.
Ông Đỗ Hữu Ca, sinh năm 1958, đã từng nắm giữ chức Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng từ tháng 7/2010 đến tháng 6/2013. Ông Ca nổi tiếng là người đã trực tiếp chỉ đạo vụ cưỡng chế đất của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng vào năm 2012 dẫn đến nổ súng khiến bốn công an và hai dân thường bị thương. Sáu người dân đã bị bắt và khởi tố sau vụ cưỡng chế.
Vụ cưỡng chế sau đó được Chính phủ xác định là có sai phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo Công an Hải Phòng vào lúc đó chỉ bị kiểm điểm trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, nắm tình hình và giải quyết tình huống không tốt để gây ra hậu quả nghiêm trọng trong sự việc cưỡng chế, thu hồi đất.
Số Tiền “Thụt Két” Trong Vụ Tham Ô Tại Trường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng Là 136 Tỉ Đồng
(Hình: Bà Phạm Thị Quỳnh Như.)
- Tổng số tiền bị rút ruột trong vụ tham ô xảy ra tại Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng là 136 tỉ đồng.
Đại diện Cơ quan điều tra thuộc Công an Thành phố Đà Nẵng, Thiếu tá Nguyễn Kim Trung, vào ngày 3/3/2023 thông báo con số vừa nêu cho truyền thông nhà nước.
Cơ quan điều tra hiện đã phong tỏa giao dịch, kê biên và tạm giữ số tài sản trị giá hơn 100 tỉ đồng trong vụ án này. Đây được cho là giá trị kê biên tài sản lớn nhất tại địa bàn thành phố biển miền Trung này của Việt Nam.
Vào ngày 23/2 vừa qua, ông Đoàn Quang Vinh- cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng bị bắt với tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Lúc đó số tiền bị “thụt két” tham ô được cho biết là 86 tỉ đồng.
Trong vụ án này, vào ngày 9/2, Công an Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Quang Huy- 34 tuổi, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chánh Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng; bà Lâm thị Hồng Tâm- 50 tuổi, thủ quỹ của trường về tội “tham ô”.
Đến ngày 3/3, Công an thành phố Đà Nẵng bắt bà Phạm thị Huỳnh Như - 36 tuổi, trú tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận của Công an, bà Như chiếm đoạt từ bà Tâm số tiền hơn 65 tỉ đồng. Bản thân ông Đoàn Quang Vinh đã ký chi phiếu khống theo trình ký của bà Tâm với ký duyệt của ông Huy.
Bà Tâm sử dụng những chi phiếu ký khống rút tiền đề chuyển đến người cuối là bà Như cho các phi vụ làm ăn với hứa hẹn khoản chia lãi cao.
Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Phú Yên Nguyễn Tấn Chân Bị Cảnh Cáo
(Hình: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Tấn Chân.)
- Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Tấn Chân, bị kỷ luật cảnh cáo.
Quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Tấn Chân do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ, ký và truyền thông nhà nước loan đi ngày 3/3/2023.
Lý do kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Tấn Chân được nêu rằng “trong thời gian giữ chức phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Hòa, ông Nguyễn Tấn Chân đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để các phòng, ban chuyên môn trực thuộc Ủy ban Nhân dân huyện vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Bản thân ông Nguyễn Tấn Chân đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt phương án tái định cư, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia đình, cá nhân tại Khu Tái định cư Thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa mà không theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Với những sai phạm vừa nêu, vào tháng 12 năm 2022, ông Nguyễn Tấn Chân bị Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Phú Yên kỷ luật cảnh cáo.
Hai Vụ Động Đất Nhẹ Xảy Ra Tại Lai Châu, Vĩnh Phúc
(Hình: Huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.)
- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay 2 vụ động đất xảy ra tại Lai Châu và Vĩnh Phúc vào sáng ngày 3/3/2023 đều nhỏ và cấp độ rủi ro thiên tai bằng không (0).
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh của Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam cho truyền thông trong nước biết như vừa nêu.
Theo vị chuyên gia này thì trận động đất tại tỉnh Lai Châu xảy ra vào lúc gần 5 giờ sáng với độ lớn 4.4, độ sâu chấn tiêu khoảng 16 cây số, ở tọa độ 22.534 độ vĩ Bắc-102.672 độ kinh Đông, khu vực huyện Mướng Tè. Dân địa phương cho biết cảm nhận được rung lắc nhẹ, một số đồ vật bị rơi.
Trận động đất tại tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng đo được 3.2 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 16 cây số ở tọa độ 21.215 độ vĩ Bắc-105.554 độ Kinh Đông, khu vực huyện Yên Lạc.
Cấp độ động đất đo được dưới 5 độ Richter được cho là nhỏ, ít gây rủi ro; từ 5-6 độ Richter là động đất trung bình; và từ 6-7 độ Richter là động đất mạnh nguy cơ xảy ra rũi ro thiên tai rất cao.
Cảnh Báo Về Nguy Cơ Tiềm Ần Cho Tàu Thuyền Trên Vùng Biển Việt Nam Do Mảnh Vỡ Phi Đạn Không Gian của Trung Quốc
(Hình: Phi đạn Trường Chinh 5B Y2 được phóng từ Trung tâm Không gian Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 29/4/2022.)
- Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam ra văn bản yêu cầu Cục Hàng hải thuộc quyền làm việc với Cục Hải sự Trung Quốc về việc thông báo hoạt động hàng không không gian.
Mạng báo Zing ngày 3/3/2023 loan tin dẫn yêu cầu cụ thể của Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam là phía chức trách hàng hải Trung Quốc cần cung cấp thông tin liên quan hoạt động hàng không không gian nếu có ảnh hưởng đến khu vực thuộc vùng biển Việt Nam.
Yêu cầu của Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam được đưa ra sau khi Cục Hàng hải báo cáo về hoạt động hàng không không gian của Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hàng hải. Hoạt động của phía Trung Quốc được nói dự kiến diễn ra từ ngày 10/3-13/3 sắp tới.
Báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam nêu rõ “khu vực dự kiến ảnh hưởng thuộc vùng biển Việt Nam. Các mảnh vỡ của phi đạn rơi xuống từ hoạt động hàng không không gian của Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động trong khu vực”.
Lực lượng Hải quân Phi Luật Tân vừa qua cho biết đã bắt gặp những mảnh vỡ trôi nổi trên biển nghi là từ phi đạn không gian của Trung Quốc. Manila còn nói Lực lượng Tuần duyên phía Bắc Kinh sau đó sử dụng vũ lực để lấy lại các mảnh vỡ.
Sau tranh cãi ngoại giao, Phi Luật Tân và Trung Quốc đồng ý thành lập hệ thống thông báo về các vụ phóng phi đạn và thủ tục thu hồi, trả lại mảnh vỡ.
Công Ty Việt Nam Bị Mỹ Đưa Vào Danh Sách Đen Vì Vận Chuyển Dầu Cho Iran
-Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken. Ông Blinken cho biết trong thông cáo ngày 3/3/2023 rằng Hoa Kỳ không ngần ngại hành động chống lại những người cố gắng phá vỡ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Hoa Kỳ hôm 3/3 đưa một loạt các công ty vào danh sách đen bị trừng phạt vì tham gia vận chuyển hoặc bán các sản phẩm dầu mỏ hay sản phẩm hóa dầu của Iran, trong đó có một công ty Việt Nam và 8 tàu vận chuyển của công ty này.
Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, có 20 tàu của 6 công ty bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt mới nhất. Tám tàu trong số này thuộc Công ty Cổ phần Dầu khí và Bất động sản Bông Sen Vàng có trụ sở tại Hà Nội. Sáu trong số các tàu thuộc về một công ty Trung Quốc và 6 tàu còn lại thuộc Công ty Quản lý Thụy Điển mặc dù có vẻ như chúng có rất ít mối quan hệ với Thụy Điển.
“Những chỉ định này nhấn mạnh những nỗ lực liên tục của chúng tôi nhằm thực thi các biện pháp trừng phạt của chúng tôi đối với Iran. Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động chống lại những người cố gắng phá vỡ các biện pháp trừng phạt của chúng tôi”, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói trong thông cáo.
Theo đó, tất cả các tài sản và lợi ích trên tài sản của các thực thể trên tại Hoa Kỳ hoặc thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của người Mỹ đều bị phong tỏa và báo cáo cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ.
Ngoài ra, bất kỳ ai thực hiện các giao dịch liên quan đến các công ty và tàu bị chỉ định trong danh sách đen đều có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Iran đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Hôm Chủ nhật, đồng tiền của Iran là đồng rial đã chạm mức thấp mới trong lịch sử, với 601.500 rial đổi 1 đô la. Đồng tiền này chỉ phục hồi một chút vào thứ Năm.
Ngay cả trong đợt phục hồi gần đây nhất, đồng rial đã giảm 100% so với chỉ 6 tháng trước và lạm phát ở khu vực thành thị là hơn 50%, The Wall Street Journal đưa tin hôm 2/3.
Kể từ mùa thu năm ngoái, Hoa Kỳ đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn việc Iran khai thác hệ thống ngân hàng của Iraq để tránh các lệnh trừng phạt. Động thái này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với tiền tệ của Iraq. Tuy nhiên, kể từ chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Iraq tới Washington vào tháng trước, giá trị đồng dinar của Iraq đã ổn định, trong khi đồng rial của Iran vẫn giảm sút.
Wall Street Journal mô tả tình trạng kinh tế của Iran là “Người Iran đang đổ xô mua đô la, do lo ngại rằng các lệnh trừng phạt gây tê liệt của Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp diễn trong khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sụp đổ”.
“Một cuộc truy quét rửa tiền của Hoa Kỳ ở nước láng giềng Iraq cũng đã hạn chế đáng kể nguồn cung đô la được buôn lậu vào Iran”, tờ báo cho biết thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét