Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2023

Kính Chuyển: Mùa Chay Thánh Của Người Công Giáo và Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng thời Sự - Lê Văn Hải


Thông Điệp Mùa Chay Thánh 2023!
Từ trời cao, Chúa Con (Giêu Su) đau sót, nhìn thấy con người đắm chìm trong hố sâu tội lỗi, với bao nhiêu hình phạt khủng khiếp chờ đợi, mà không có con đường cứu thoát. Chúa đã quyết định xuống thế, mặc lấy thân xác con người, gánh chịu mọi khổ đau tội lỗi, và cuối cùng chết trên Thập Giá!Sau ba ngày, Ngài đã sống lại, chứng minh cho loài người biết, Ngài là người duy nhất, chiến thắng sự sống, lẫn sự chết! Cái chết, sự hy sinh của Ngài, thành cầu nối giữa Thiên Chúa và con người. Từ nay con người muốn gặp Thiên Chúa, chỉ cần đi qua “chiếc cầu” quý báu, độc nhất cứu rỗi này.
<!>

Muốn đi qua chiếc cầu này, con người ngoài tin kính Thiên Chúa, chỉ cần thực hiện một điều dễ dàng duy nhất: ăn năn sám hối tội lỗi và “yêu thương!” tha nhân.

Yêu thương người khác như chính thân mình, yêu luôn cả…kẻ thù! Và cao cả nhất, “đem mạng sống mình, chết thay cho người mình yêu mến!” Yêu như thế, với niềm tin như thế, “sẽ chuyển được núi này qua núi kia!”

Đây là cây đũa thần! phép mầu quý giá, mà Thiên Chúa trao ban. Thế giới này, ai cũng thực hiện, sẽ biến trái đất này thành Thiên Đàng! (Không còn độc tài, vì thiếu tình yêu trong tim, như Putin, Tập Cận Bình, Ủn Ỉn, Trọng Lú…)

Chúng ta sinh ra có một khiếm khuyết nhỏ, hình ảnh chúng ta đẹp như thiên thần, nhưng chỉ có một cái cánh! Bí quyết: Ôm lấy nhau! chúng ta để có một đôi cánh hoàn hảo, bay lượn và vút lên trời cao!

Theo Chúa, chỉ cần giữ 2 điều răn: Kính Chúa, Yêu Người! Thật ra chỉ là một. Hình ảnh con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, yêu thương tha nhân là yêu thương Ngài!

Đây là Thông điệp chính trong Mùa Chay, Mùa Tử Nạn của Chúa! Hy sinh, chết thay cho con người! để cứu rỗi con người!

Ngài Là Vua của Tình Yêu!



Cộng Đồng Công Giáo Người Việt San Jose, Vui Mừng, Sốt Sáng Thêm, Trong Mùa Chay Thánh Năm Nay, Khi Có Sự Có Mặt Của Đức Giám Mục Tôma Nguyễn Thái Thành.

-Những ngày 6, 7, 8 tháng 3/2023. ĐGM Tôma Thành, từ Nam Cali lên, sẽ cử hành các thánh lễ, và kèm theo những bài giảng tĩnh tâm trong Mùa Chay, tại Thánh đường Maria Goretti, đường Senter.

Sự có mặt của ĐGM Tôma, gây không khí phấn khởi vui mừng, với các con chiên Công Giáo tại Thung Lũng Hoa Vàng này.

Nhân đây xin giới thiệu chút tiểu sử của Ngài, mà nhiều người muốn biết.


Vài Nét Về Đức Giám Mục Tôma Nguyễn Thái Thành

Giám mục Phụ Tá Giáo phận Orange, California, Hoa Kỳ.

-Tôma Nguyễn Thái Thành (sinh 1953), là một Giám mục người Mỹ gốc Việt hiếm hoi. Ông được Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Orange, Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 10 năm 2017. Khẩu hiệu Giám mục của ông là: Ngài dẫn dắt tôi! (He leads me, lấy ý từ Thánh vịnh 23, câu 2).

Giám mục Tôma Thành sinh năm 1953 tại Nha Trang, sau đó đi theo con đường tu trì, từng học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse và Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt. Năm 1979, ông cùng gia đình rời khỏi Việt Nam, tị nạn qua con đường Philippines và đến Hoa Kỳ năm 1980. Ông nhanh chóng trở thành giáo viên Toán học và Khoa học năm 1981 và ba năm sau đó gia nhập Dòng Thừa Sai Đức Mẹ "La Salette". Ông chính thức vào dòng năm 1990.

Tháng 5 năm 1991, Tôma Nguyễn Thái Thành được truyền chức Linh mục. Sau vài nhiệm sở ngắn, năm 1999, ông trở thành Linh mục của giáo phận Saint Augustine. Ông đảm nhận vị trí Linh mục phó rồi Chánh xứ Giáo xứ Thánh Giuse ở Jacksonville, giáo xứ lớn nhất của giáo phận.

Ngày 6 tháng 10 năm 2017, Linh mục Nguyễn Thái Thành được Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange, Hoa Kỳ. Lễ tấn phong cử hành sau đó vào ngày 19 tháng 12 năm 2017.

*Thân thế và tu tập

Giám mục Tôma Nguyễn Thái Thành sinh ngày 7 tháng 4 năm 1953 tại Nha Trang, Việt Nam trong một gia đình có 11 người con, ông là người con thứ hai trong gia đình. Bắt đầu con đường tu học của mình năm mười ba tuổi, ông gia nhập dòng Thánh Giuse, thực hiện việc tìm hiểu và học tập về triết học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse và Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt.

Cựu chủng sinh Nguyễn Thái Thành cùng gia đình rời khỏi Việt Nam năm 1979 trên một chiếc thuyền nhỏ có chiều rộng khoảng 1,8 mét và dài 8,5 mét, đủ chỗ cho 26 người. Họ mất 18 ngày vượt biển để đến Philippines. Sau đó, gia đình ông sống ở trại tị nạn 10 tháng, trước khi được chuyển đến Mỹ năm 1980, định cư tại Hartford, Connecticut, Bắc Mỹ.

Sau khi học tại Hartford State Technical College, Nguyễn Thái Thành là trở thành giáo viên Toán học và Khoa học tại Hartford Public Schools (1981 – 1984). Năm 1984 ông vào Dòng Thừa Sai Đức Mẹ "La Salette" và hoàn thành nghiên cứu của giáo hội của mình tại "Merrimack College" (1984 – 1986) và "Trường Thần học Weston" (1987 – 1990) ở Massachusetts. Ông sau đó thực hiện nghi thức tuyên thệ khấn dòng vào ngày 19 tháng 9 năm 1990.

*Thời kỳ Linh mục

Phó tế Tôma Nguyễn Thái Thành sau khi hội đủ các điều kiện theo Giáo luật, đã được thụ phong Linh mục ngày 11 tháng 5 năm 1991 cho Dòng Thừa sai của Đức Mẹ La Salette. Sau khi chịu chức, ông là Linh mục phó xứ Giáo xứ Thánh Tôma Tông Đồ tại Smyrna, Georgia (1991 – 1994), Giáo xứ Thánh Ann ở Marietta, Georgia (1994 – 1996) và "Giáo xứ Chúa Kitô Vua" Jacksonville, Florida (1996-1999).

Năm 1999, ông trở thành Linh mục của giáo phận Saint Augustine (Người Việt gọi là Thánh Augustinô). Là một linh mục giáo phận, ông vẫn tiếp tục là Linh mục phó của Giáo xứ Chúa Kitô Vua ở Jacksonville (1999 – 2001). Sau đó, ông trở thành Linh mục chính xứ giáo xứ này (2001 – 2014) và của Giáo xứ Thánh Giuse ở Jacksonville (từ năm 2014), giáo xứ lớn nhất của giáo phận. Ông cũng là thành viên của Trường Cao đẳng Tư vấn và của Hội đồng Giám mục.


*Thời kỳ Giám Mục

Ngày 27 tháng 9 năm 2017, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, Tổng giám mục Christophe Pierre gọi điện đến Linh mục Nguyễn Thái Thành, để loan tin Tòa Thánh đã chọn ông làm Giám mục phụ tá Giáo phận Orange. Sau khi xin 30 phút suy nghĩ, sau khi nhận tin và chấp nhận việc bổ nhiệm. Giám mục Thành cho biết ông bàng hoàng và chao đảo trước thông tin bổ nhiệm khi được Sứ thần báo tin. Vài ngày sau khi chấp nhận tin bổ nhiệm, Giám mục chính tòa Giáo phận Orange Kevin Vann gọi đến cho vị tân chức và hỗ trợ ông làm các giấy tờ cần thiết.

Ngày 6 tháng 10 năm 2017, Tôma Nguyễn Thái Thành được Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange, Hoa Kỳ. Những cảm xúc đầu tiên, ông cho biết: "Tôi cảm ơn Thiên Chúa vì món quà cao trọng về chức vị tư tế. Tôi yêu cuộc sống và nhiệm vụ của Giáo hội. Tôi đã tìm thấy cả hai thách thức và lợi ích, "thêm rằng đó là" một trách nhiệm tuyệt vời để trở thành Chúa Kitô! giống như với những người được ủy thác cho tôi như là người lãnh đạo tinh thần của họ." Trong cùng ngày, Walter Erbi, Tham mưu của Tòa Khâm sứ ở Hoa Kỳ tại Washington, D.C, công bố; và ngày 6 tháng 10 tại Tòa Giám mục giáo phận Orange, cũng cuộc họp báo để công bố tin này. Giám mục Giáo phận St Augustine Felipe Estévez cho biết, ông đã biết được việc bổ nhiệm linh mục Thành làm Giám mục vào ngày 27 tháng 9.

Lễ tấn phong cho vị Tân Giám mục được cử hành sau đó vào ngày 19 tháng 12 cùng năm, với phần nghi thức truyền chức chính yếu được cử hành bởi Chủ phong là Giám mục Kevin Vann, Giám mục chính tòa Giáo phận Orange và hai Giám mục khác phụ phong, gồm Giám mục Felipe De Jesus Estevez, Giám mục chính tòa Giáo phận St Augustine, bang Florida và Giám mục Robert J. Baker, Giám mục chính tòa Giáo phận Birmingham. Ngoài ba vị truyền chức chính yếu, thánh lễ tấn phong tân giám mục còn có sự hiện diện của Hồng y Roger M. Mahony và Hồng y William Joseph Levada, cùng với hơn 40 Giám mục, Viện phụ, Giám tỉnh, Bề Trên một số dòng tu, hơn 160 linh mục Mỹ, Mexico và Việt Nam cùng 3 Phó Tế, thành phần tham dự còn có nhiều giáo dân Việt Nam từ khắp nơi tại Hoa Kỳ.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, Giám mục Kevin Vann bổ nhiệm Giám mục Tôma, để làm quản xứ Đức Mẹ Fatima ở San Clemente, CA. Do tình hình của linh mục cựu chánh xứ, Jim Ries, phải nghỉ hưu vì bệnh. Giám mục Thành sau đã giữ trách nhiệm này cho đến năm 2022 cùng tháng; sau khi giáo xứ này được bổ nhiệm các tân linh mục chánh và phó xứ.

Hiện nay, Giám mục Tôma Thành đang ở Giáo xứ Thánh Nicôla (Laguna Woods, CA) cũng là xứ của Cộng Đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; một Cộng đoàn Công Giáo thuần túy Việt Nam được thành lập sau năm 1975.


Nương Theo Sự Lớn Mạnh, Nhất Là Cộng Đồng Công Giáo, CS Việt Nam Thúc Đẩy Khai Triển Dự Án Phố Việt Nam Đầu Tiên ở Thái Lan!


(Hình: Cộng đồng người Thái theo Công giáo và người Việt ở Thái Lan tại một nhà thờ ở tỉnh Suphan Buri.)

- Ngày 6/3/2023, Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy việc thành lập một khu phố của người Việt đầu tiên trên đất Thái Lan tại tỉnh Udon Thani ở vùng Đông-Bắc Thái Lan, nơi có khoảng 60.000 người Việt đang sinh sống, lại có cộng đồng Công Giáo rất mạnh tại đây.

Báo chí Nhà nước hồi cuối tháng trước cho biết Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan là Phan Chí Thành, đã tới thị sát việc khai triển dự án Phố Việt Nam và gặp gỡ với giới chức địa phương để thúc đẩy việc phát triển dự án.

Nơi đây được cho là có ý nghĩa với Chính phủ Việt Nam vì là nơi “Bác Hồ” đã từng sống (làm nghề thầy cúng) vào những năm 1920.

Chính phủ Việt Nam mong muốn đưa thị trấn này trở thành trung tâm văn hóa cho người Việt ở vùng Đông Bắc Thái Lan, gìn giữ truyền thống và văn hóa của cộng đồng Việt và trở thành một địa điểm du lịch.

Báo chí Nhà nước Việt Nam cho biết, dự án này đã nhận được sự đóng góp, ủng hộ của các cá nhân và doanh nghiệp, chính quyền thành phố Udon Thani với vốn đầu tư được đóng góp từ nguồn này là 86.000 Mỹ kim để xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng cho khu phố Việt Nam.

Thái Lan cũng là nơi có đông đảo người tị nạn Việt Nam cư trú, nhất là trong khi chờ đợi xét duyệt để được sang định cư ở nước thứ ba. Trong số những người tị nạn tại đất Thái Lan có những người là các nhà hoạt động chính trị, tôn giáo, bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam.

Năm 2019, một blogger của RFA, là nhà báo Trương Duy Nhất, đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc khi đang ở Vọng Các xin quy chế tị nạn. Ông Nhất sau đó đã bị đưa về Việt Nam và kết án tù 10 năm với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.


CSVN Khoe, Cố Gắng Bao Nhiêu Năm Mới Đạt Kỷ Lục Như Thế: Lao Động Xuất Cảng Trong 2 Tháng Đầu Năm, Tăng Gấp… 20 Lần! Gần 30 Ngàn Người!


(Hình: Công nhân Việt Nam ở phi trường Nội Bài chuẩn bị sang Nam Hàn lao động.)
- Số lao động Việt Nam ra ngoại quốc lao động trong hai tháng đầu năm 2023 tăng hơn 20 lần so với cùng kỳ năm 2022.

-Mạng báo Tiền Phong loan tin ngày 6/3/2023 dẫn thống kê của các đơn vị chức năng trong nước như vừa nêu. Cụ thể, tổng số lao động Việt Nam ra ngoại quốc làm việc trong hai tháng đầu năm nay là gần 28.500 người; gấp hơn 20 lần so với hai tháng đầu năm 2022. Trong đó, thị trường Đài Loan tiếp nhận hơn 14.600 lao động, Nhật Bản gần 12.500 và Tân Gia Ba 250….
Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội Việt Nam, vào năm 2022 có gần 143.000 lao động Việt Nam ra ngoại quốc làm việc. Số này bằng gần 317% so với năm 2021. Mức này được cho biết tương đương mức trước dịch COVID-19.

Mục tiêu năm nay của Việt Nam là đưa 110.000 lao động đi làm việc ở ngoại quốc.

Riêng Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM vào trung tuần tháng 12 năm 2022 đề ra chỉ tiêu sẽ đưa nửa triệu thanh niên trong nước ra ngoại quốc lao động. Mục đích được nói nhằm mang lại ngoại tệ cho Việt Nam.


Kính Tế Thê Thảm! Công Nhân Chật Vật Vì Mất Việc, Cán Bộ Sợ Trách Nhiệm Không Dám Giải Ngân?



(Hình: Công nhân một nhà máy sản xuất giày thể thao vào tháng 9/2020.)
-Trong khi hơn 60.000 công nhân mất việc làm ngày trước và sau Tết nguyên đán 2023 phải đối mặt với nhiều khó khăn, các gói hỗ trợ bị đánh giá là giải ngân rất chậm do cán bộ sợ chịu trách nhiệm.

Người Lao Động Khó Tìm Việc Mới

Ông T., một công nhân từng làm việc cho Pouyen 16 năm, vừa nhận quyết định thôi việc hồi cuối tháng Hai vừa qua. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng không có việc làm khiến hoàn cảnh gia đình ông trở nên khó khăn hơn nhiều. Tình hình kinh tế hiện nay làm ông T. loay hoay mãi cũng chưa tìm được công việc mới. Trong khi số tiền trợ cấp nghỉ việc chỉ đủ để ông trả số nợ mà ông phải vay mượn từ những năm khó khăn do dịch COVID:
“Hiện tại tôi đang ở quê, chưa tìm được công việc mới. Hoàn cảnh cũng khó khăn vì đâu có dễ để tìm được công việc trong thời điểm này. Chắc tôi tìm một công ty khác làm chứ tiền trợ cấp và bảo hiểm không đủ để tự kinh doanh gì cả”.

Chị N., có thâm niên 13 năm làm việc trong công ty PouYuen bị cho nghỉ việc từ hôm 25/2. Tuy nhiên, chị N. cho biết số tiền trợ cấp nghỉ việc mà công ty chi trả, cộng với bảo hiểm thất nghiệp cũng đủ để chị về quê kinh doanh nhỏ:

“Công ty nói lý do là ít đơn hàng quá cho nên phải giảm bớt số lượng công nhân. Năm nay nhận được 80% lương cơ bản nhân với số năm làm việc. Nói chung là tiền trợ cấp thất nghiệp cũng đủ để trang trải, mở một quán nước nhỏ”.

Luật gia Trịnh Khánh Ly, chuyên nghiên cứu về tình hình lao động Việt Nam cho biết 83% trong số lao động bị nghỉ việc tại Pouyen là nữ. Độ tuổi nghỉ việc chiếm đa số là trên 40 tuổi. Đây là những đối tượng lao động sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm khác phù hợp.

Thông tin giảm cắt giảm lao động do Pouyen đưa ra ngay sau Tết nguyên đán Quý Mão với lý “rất ít đơn hàng sản xuất trong năm 2023”.

Cán Bộ Sợ Sai

Con số rất lớn người lao động bị mất việc diễn ra trước và sau tết không chỉ ở Công ty PouYuen mà còn tại nhiều doanh nghiệp FDI thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử... tập trung tại các tỉnh phía Nam do thiếu đơn hàng sản xuất

Trong năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ghi nhận có hơn 630.000 lao động trong nước bị mất việc làm hay bị giảm giờ làm.

Theo bà Khánh Ly, việc ban hành kịp thời các chính sách, chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, nhất là những lao động bị mất việc làm, bị nợ BHXH, bị “treo” bảo hiểm thất nghiệp là rất cần thiết.

Tuy nhiên, làm sao để các chính sách, chương trình này được thực hiện một cách hiệu quả, tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được” còn quan trọng hơn.

Bà Khánh Ly dẫn một bài viết được đăng trên Bloomberg nói rằng các cán bộ, công chức có thẩm quyền hiện đang khá dè dặt trong việc phê duyệt các dự án đầu tư.
“Tâm lý của các cán bộ, công chức cấp địa phương trở nên tồi tệ hơn khi phải phê duyệt các văn bản pháp luật và dự án do lo sợ bị dính líu đến các cuộc điều tra tham nhũng.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần phải đưa ra các biện pháp hợp lý trong việc thực hiện các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ cho người dân, người lao động và tránh tình trạng các cán bộ, công chức có thẩm quyền sợ sai, sợ vi phạm mà ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội”.

Tiến Độ Giải Ngân Thấp

Tình trạng chậm giải ngân các gói chính sách an sinh xã hội của Chính phủ Việt Nam diễn ra phổ biến ở nhiều Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Bà Khánh Ly nói:
“Thực trạng “có tiền mà không tiêu được” không chỉ diễn ra trong các dự án, chương trình đầu tư công mà còn phổ biến trong các dự án, chương trình liên quan đến an sinh xã hội nhằm hỗ trợ hỗ trợ cho người dân, người lao động, đặc biệt là từ khi dịch COVID bùng phát đến nay”.

Bà Khánh Ly nêu ra rất nhiều chương trình đầu tư công và các chính sách an sinh xã hội đã được khai triển nhằm hỗ trợ người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhưng hiệu quả thực hiện của chúng không đạt được như mong đợi.

Điển hình như gói an sinh xã hội trị giá 61.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn và giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID. Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, kết quả thực hiện của gói an sinh xã hội này chỉ đạt hơn 53%.

Tháng 3/2022, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gói hỗ trợ trị giá 6.600 tỉ đồng. Kết quả là cho đến nay mới giải ngân được khoảng 3.740 tỉ đồng, chiếm 56,7%.

Gói phục hồi kinh tế với tổng số ngân sách lên tới 347.000 tỉ đồng trong hai năm 2022-2023 được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022 nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID. Tuy nhiên, sau hơn một năm, tính đến hết tháng 1/ 2023 mới giải ngân được 80,8 ngàn tỉ đồng tới người dân, lao động, đạt mức khoảng 23%.

Tình trạng chậm giải ngân cũng diễn ra tại các chương trình cho vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội được ban hành vào tháng 4/2022. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, việc giải ngân chương trình này cho đến hết năm 2022 mới đạt khoảng 66.2%.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng thừa nhận rằng các cán bộ, công chức có thẩm quyền cũng lo ngại sợ sai và sợ trách nhiệm trong việc khai triển chính sách, và nhiều doanh nghiệp sợ bị thanh tra, kiểm tra và liên đới trách nhiệm nên không hợp tác trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người lao động nhận các gói hỗ trợ.

Điều này gây nên hậu quả là đời sống của người lao động, điển hình như ông T. và chị N. gặp vô vàn khó khăn, kéo dài suốt từ lúc dịch bùng phát cho đến nay. Cả gia đình chị N. chỉ có được bốn triệu đồng cho sáu tháng phong toả do dịch:

“Các gói hỗ trợ đó chưa có thiết thực với người dân. Ví dụ như nhà tôi, chồng tôi không được hưởng, con của tôi là sinh viên cũng không được nhận tiền. Nhà tôi phải thuê trọ mà chỉ nhận được bốn triệu đồng cho sáu tháng”.

Ông T. cho biết mình chỉ nhận được ba triệu gói hỗ trợ tiền trọ còn tiền hỗ trợ COVID thì không được đồng nào. Do đó, ông cũng không còn tin các gói hỗ trợ từ Nhà nước:

“Thôi, tôi không trông chờ vào Nhà nước đâu, toàn nói không à! Nói chung tôi muốn tìm một công việc mới ổn định để tự trang trải cho cuộc sống thôi”.


Nguy Ngập! Nhà Cầm Quyền CS Việt Nam, Vội Nới Lỏng Thị Trường Trái Phiếu Để Giải Cứu Bất Động Sản!


(Hình: Trụ sở của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tập đoàn dính bê bối trái phiếu bất động sản, ở Sài Gòn.)

-Chính phủ Việt Nam vừa quyết định nới lỏng một số quy định kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giúp khai thông nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản vốn đang gặp bế tắc sau hàng loạt vụ bê bối về phát hành trái phiếu.

Theo Nghị định 08 được ban hành ngày 5/3/2023, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể kéo dài thời hạn trái phiếu thêm tối đa hai năm nếu họ gặp khó khăn về thanh toán trái phiếu đến hạn, điều mà trước đây họ không được phép làm. Tuy nhiên, việc kéo dài thời hạn này phải được các trái chủ đồng ý.

Khi đến hạn thanh toán trái phiếu mà chủ phát hành không thể thanh toán đầy đủ bằng tiền thì có thể dùng tài sản khác để thanh toán. Việc này cũng phải được các trái chủ đồng ý và nhà phát hành chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản dùng để thanh toán.
Một điểm mới nữa của Nghị định 08 là tạm ngưng xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân như là điều kiện để được mua trái phiếu trái doanh nghiệp. Trước đây, muốn được phép mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải nắm giữ danh mục chứng khoán tối thiểu 2 tỉ đồng trong 180 ngày.

Quy định này giúp sàng lọc những nhà đầu tư đủ điều kiện để tránh việc những người dân không có hiểu biết, không có kinh nghiệm bị dụ dỗ mua trái phiếu của các doanh nghiệp có vấn đề, như điều đã từng xảy ra với trái phiếu An Đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được ngân hàng SCB bán ra cho khách hàng đến gửi tiết kiệm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không còn bị giới hạn thời gian là 30 ngày để bán trái phiếu kể từ khi loan báo đợt chào bán. Nhờ đó, họ có thêm thời gian tìm kiếm người mua.
Ngay lập tức, thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 6/3 đã phản ứng tích cực với hàng loạt mã cổ phiếu bất động sản tăng trần, Thông tấn xã Việt Nam cho biết. Cú hích còn lan sang các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng với cổ phiếu của họ cũng xanh trở lại.

Trang mạng VnExpress dẫn số liệu của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết trong năm nay số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 273.000 tỉ đồng, tức gần 13 tỉ Mỹ kim.

Trong nửa tháng qua, ít nhất 10 doanh nghiệp bất động sản hoạt động trên sàn giao dịch Hà Nội đã chậm trả tiền lãi và tiền gốc cho các trái chủ với lý do ‘chưa thu xếp kịp số tiền thanh toán’, cũng theo VnExpress.

Ngành bất động sản Việt Nam đang gặp khủng hoảng trầm trọng nhất trong những năm gần đây do thiếu vốn và thanh khoản thấp trong bối cảnh các ngân hàng siết chặt dòng tín dụng cho bất động sản còn kênh dẫn vốn từ trái phiếu đang bị người dân mất lòng tin sau các vụ bê bối trái phiếu của các tập đoàn như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.

Riêng trong vụ trái phiếu An Đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà Chủ tịch tập đoàn là bà Trương Mỹ Lan đã bị bắt giữ hồi tháng 10 năm 2022 về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, hàng chục ngàn người dân đã bị SCB dẫn dụ mua trái phiếu rác giờ có nguy cơ mất trắng tài sản.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều người nắm giữ trái phiếu bất động sản đã bán đổ bán tháo số trái phiếu mà họ có để lấy lại tiền, bất chấp bị lỗ, cũng theo VnExpress.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Trung Quốc Tiếp Tục Gia Tăng Chi Tiêu Quốc Phòng, Kêu Gọi Quân Đội Sẵn Sàng Chiến Đấu!


(Hình: Diễn binh của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Quảng trường đỏ ở Mạc Tư Khoa nhân kỷ niệm 75 năm chiến thắng Phát xít Đức hôm 24/6/2020.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 5/3/2023, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng cho năm 2023 là 1,55 ngàn tỉ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 224 tỉ Mỹ kim), tăng 7,5% so với năm trước và là năm thứ tám Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu quốc phòng ở mức một con số.

Ngân sách quốc phòng trong năm mới được công bố tại Quốc hội Trung Quốc vào khi cơ quan này chuẩn bị phê chuẩn nhiệm kỳ thứ ba Chủ tịch nước đối với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Quốc hội Trung Quốc nhân việc công bố ngân sách quốc phòng mới rằng “có những nỗ lực đang gia tăng từ bên ngoài nhằm kiềm chế Trung Quốc”.

“Các lực lượng vũ trang cần gia tăng huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu trên mọi mặt, phát triển hướng dẫn chiến lược quân sự mới, đặt nhiều nỗ lực hơn vào huấn luyện quân sự trong điều kiện chiến trường và có những nỗ lực phối hợp tốt để tăng cường công tác quân đội ở mọi hướng và mọi mặt” - ông Lý Khắc Cường nói tiếp.

Trung Quốc hiện đang có những thách thức liên quan đến vấn đề Đài Loan và khu vực Biển Đông.

Hồi tháng 8 năm 2022, Trung Quốc đã có cuộc diễn tập quân sự lớn gần Đài Loan để bày tỏ sự tức giận trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, đảo quốc mà Bắc Kinh khẳng định thuộc chủ quyền của Hoa Lục.

Trung Quốc hiện là nước có số lượng quân nhân đông nhất thế giới và đang tích cực phát triển các vũ khí quân sự mới bao gồm hàng không mẫu hạm và chiến đấu cơ tàng hình.

Bắc Kinh nói rằng, chi tiêu quốc phòng của nước này hiện vẫn thấp so với GDP và cho rằng quốc tế đã làm xấu hình ảnh Trung Quốc khi cho rằng nước này là mối đe dọa cho hòa bình thế giới.

Hiện ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ mới tương đương khoảng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ, mặc dù một số chuyên gia cho rằng con số chi tiêu quốc phòng thực sự của Trung Quốc trên thực tế có thể cao hơn.
Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ là 858 tỉ Mỹ kim được dùng cho việc mua các vũ khí, chiến hạm và máy bay, hỗ trợ Đài Loan và Ukraine.


Lãnh Đạo Tối Cao Iran: Các Vụ Đầu Độc Là ‘Tội Ác Không Thể Tha Thứ’


(Hình: Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei.)
 Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay hôm thứ Hai (6/3/2023), nhà lãnh đạo tối cao của Iran mô tả một loạt vụ nghi đầu độc tại các trường nữ sinh là một “tội ác không thể tha thứ”, theo VOA News.

Theo hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cho biết nếu nhà chức trách xác định có vụ đầu độc có chủ ý, thì “những kẻ đứng sau tội ác này nên bị kết án tử hình và sẽ không có ân xá cho họ”.

Hồi tuần trước, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ra lệnh điều tra về căn bệnh của các nữ sinh tại hơn 30 trường học kể từ tháng 11/2022.

Các ca bệnh này đã lây lan ở ít nhất 21 trong số 30 tỉnh của Iran.


Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ: Bakhmut của Ukraine Mang Tính Biểu Tượng Hơn Là Giá Trị Chiến Lược


(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin.)
- Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết hôm 6/3/2023 rằng nếu quân đội Nga giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut miền Đông Ukraine, điều đó sẽ không thể hiện một sự thay đổi quyết định trong cuộc xung đột, theo Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).

Ông Austin nói với các phóng viên trong chuyến thăm Jordan: “Tôi nghĩ rằng nó mang nhiều giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược và giá trị hành quân”.

Bakhmut là nơi diễn ra nhiều tháng giao tranh dữ dội với việc Nga đang nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực ở tỉnh Donetsk của Ukraine.

Ông Austin cho biết hôm 6/3 rằng ông sẽ không xem quyết định của Ukraine về việc tái bố trí quân đội của họ sang phía Tây thành phố là một trở ngại chiến lược đối với Ukraine.
Cũng hôm 6/3, quân đội Ukraine ghi nhận một đợt tấn công mới của Nga bằng cách sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất.

Bộ Quốc phòng Ukraine loan tin trên Twitter rằng lực lượng của họ đã bắn hạ 13 trong số 15 máy bay không người lái.
Nga sử dụng máy bay không người lái Shahed để tấn công các mục tiêu ở các khu vực trên khắp Ukraine, bao gồm cả các cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, Nga cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đến thăm các binh sĩ Nga và một trung tâm y tế ở miền Nam Ukraine hôm 6/3.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết chuyến thăm của ông Shoigu tới thành phố Mariupol bao gồm một chuyến tham quan thành phố mà Nga đã san bằng vào năm 2022, để giám sát các nỗ lực tái thiết. Bộ này không nói rõ chuyến thăm diễn ra khi nào.


Chiến Tranh Ukraine: Chính Quyền Tỉnh Biên Giới Nga Thông Báo Bắn Hạ 3 Phi Đạn

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 3 phi đạn, theo thông báo ngày 6/3/2023, của Thống đốc tỉnh Belgorod, miền Tây-Nam Nga, giáp giới với Ukraine, nhưng viên chức này không cho biết các phi đạn bị bắn hạ có phải của Ukraine hay không.

Thông tấn xã Reuters dẫn lại thông báo của Thống đốc Nga Vyacheslav Gladkov, đăng tải trên mạng Telegram, cho biết: “Một người đàn ông bị thương ở tay do mảnh đạn”. Theo viên Thống đốc tỉnh, các mảnh vỡ rơi làm đứt đường dây điện gần thị trấn Novy Oskol, nhưng hiện tại mức độ thiệt hại chưa được xác định.
Hãng tin Anh ghi nhận, Thống đốc Nga lần này đã không nói rõ lực lượng nào đứng sau các vụ tấn công, ngược với việc trước đây lãnh đạo địa phương này đã từng nhiều lần cáo buộc lực lượng Ukraine ở phía bên kia biên giới thực hiện các cuộc tấn công tương tự. Hồi tuần trước, theo thị trưởng thành phố Belgorod, thành phố này đã bị 3 drone tấn công, nhưng không có ai thương tích trong sự việc này. Thành phố Belgorod, cách biên giới khoảng 40 cây số, đối diện với tỉnh miền Đông-Bắc Kharkiv của Ukraine, và cách thành phố Kharkiv của Ukraine khoảng 70 cây số.

Nhiều kho đạn, kho xăng dầu, sử dụng trong chiến tranh tại Ukraine, được đặt tại tỉnh biên giới Belgorod. Belgorod đã nhiều lần bị tấn công kể từ khi Mạc Tư Khoa mở cuộc xâm lăng Ukraine. Đây là vùng lãnh thổ Nga bị tấn công đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng tại Ukraine. Hồi giữa tháng 10/2022, một kho xăng, đạn dược của Nga tại Belgorod bị oanh kích.

Thông báo về cuộc oanh kích bằng phi đạn nhắm vào Belgorod đặt ra nhiều câu hỏi. Trong lúc nhiều chuyên gia dự báo là Nga sẽ tiếp tục can thiệp quân sự lâu dài tại Ukraine, có một số quan điểm trái ngược. Trên báo Odessa của Ukraine ngày 28/02, chuyên gia quân sự, đại tá Quân đội Ukraine Roman Svitan cho rằng nhà cầm quyền Nga đang “chuẩn bị tâm lý cho người dân Nga” với kịch bản rút quân đội khỏi nhiều vùng chiếm đóng tại Ukraine. Theo viên đại tá Ukraine, việc từ nhiều tháng nay hàng loạt hệ thống phòng thủ được xây dựng tại ba tỉnh biên giới Belgorod, Kursk và Bryansk có thể coi là một dấu hiệu để Mạc Tư Khoa khẳng định với dân chúng là chính quyền chuyển sang phòng thủ, sẵn sàng bảo vệ biên cương chống lại các đe dọa “khủng khiếp” từ phương Tây.


Thủ Tướng Đức Cảnh Báo ‘Hậu Quả Lớn!’ Nếu Trung Quốc Gửi Vũ Khí Cho Nga!!


(Hình: Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tiếp Chủ tịch EU Ursula von der Leyen tại Bá Linh, ngày 5/3/2023.)

- Ngày 6/3/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của hãng thông tấn AP cho hay Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng sẽ có “hậu quả” nếu Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine, nhưng ông lạc quan rằng Bắc Kinh sẽ kiềm chế và không làm như vậy.

Phát biểu của ông Scholz được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN được phát sóng vào Chủ Nhật (5/3), hai ngày sau khi ông gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn.

Các viên chức Hoa Kỳ gần đây cảnh báo rằng Trung Quốc có thể không còn đứng ngoài cuộc và bắt đầu cung cấp vũ khí và đạn dược cho Mạc Tư Khoa. Trước chuyến đi của mình, ông Scholz kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế gửi vũ khí và thay vào đó, hãy sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc ép Nga rút quân khỏi Ukraine.

Khi được CNN hỏi liệu ông có thể trù tính khả năng trừng phạt Trung Quốc nếu nước này hỗ trợ Nga hay không, ông Scholz trả lời: “Tôi nghĩ điều đó sẽ dẫn đến hậu quả, nhưng chúng tôi hiện đang ở giai đoạn mà chúng tôi đang nói rõ rằng điều này không nên xảy ra và tôi tương đối lạc quan rằng chúng tôi sẽ thành công với yêu cầu của chúng tôi trong trường hợp này, nhưng chúng tôi sẽ phải xem xét (nó) và chúng tôi phải rất, rất thận trọng”.

Ông không giải thích về bản chất của hậu quả. Đức có nền kinh tế lớn nhất Âu Châu và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong những năm gần đây.

Trở lại Đức, khi được hỏi hôm 5/3, sau khi Nội các của ông gặp Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen rằng liệu ông có nhận được bằng chứng cụ thể từ Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang cân nhắc chuyển giao vũ khí hay không và liệu ông có ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Kinh nếu nước này giúp cung cấp vũ khí cho Nga hay không, ông Scholz nói:

“Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng không được giao vũ khí, và chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ không giao bất kỳ thứ gì”. Ông cho biết thêm: “Đó là những gì chúng tôi đang yêu cầu và chúng tôi đang theo dõi”.
Bà Von der Leyen nói rằng “cho đến nay chúng tôi không có bằng chứng cho điều này, nhưng chúng tôi phải quan sát nó hàng ngày”.

Bà nói rằng liệu Liên Hiệp Âu Châu có trừng phạt Trung Quốc vì viện trợ quân sự cho Nga hay không “là một câu hỏi giả định chỉ có thể trả lời nếu nó trở thành hiện thực và sự thật”.


Chiến Tranh Ukraine: Các Nước “Nam Bán Cầu” Quay Lưng Với Phương Tây

- Về thời sự quốc tế, đề tài vẫn được các báo ra ngày 6/3/2023 theo dõi là cuộc chiến tranh Ukraine. Một cuộc chiến tranh ngày càng làm phân hóa lập trường của các nước vẫn được gọi là những nước “Nam bán cầu” với phương Tây.
Trên mục bình luận thời sự, báo Le Monde có bài viết đáng chú ý đề cập đến “Cuộc xâm lược của Nga nhìn từ Phi Châu” của nhà báo Philippe Bernard.

Theo bài viết, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine được nhìn nhận khác nhau trên thế giới do các lợi ích kinh tế, ngoại giao mỗi nơi mỗi khác, bởi vấn đề địa chính trị hay sự lệ thuộc vào bên ngoài, bởi trải nghiệm lịch sử khác nhau ở mỗi nước. Xu thế này được khẳng định hôm 23/2 vừa rồi khi gần một nửa các nước Phi Châu tại Liên Hiệp Quốc từ chối bỏ phiếu kêu gọi Mạc Tư Khoa chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine.

Tác giả đặt câu hỏi: làm sao mà những nước đã từng có thời gian dài sống dưới ách thực dân, trong đó có nhiều quốc gia phải trả giá bằng máu để được giải phóng, lại thể hiện sự đồng cảm vời một cường quốc có lịch sử đế quốc như nước Nga. Từ thời Sa Hoàng qua thời Liên Xô đến Vladimir Putin, đất nước này đã không ngừng đô hộ các nước láng giềng, từ Trung Á đến các quốc gia vùng Baltic, Kavkaz cho đến những “nền Dân chủ nhân dân” Âu Châu.

Tác giả nhận thấy những luận điệu “chống đế quốc” của Mạc Tư Khoa được nuôi dưỡng trước tiên bởi thái độ oán hận đã tích tụ trong thời thuộc địa. Không có gì ngạc nhiên khi các nước Phi Châu không coi các nước phương Tây là hình mẫu về luật pháp quốc tế, nhất là trong khu vực Sahel và Tây Phi, các nước vẫn đang sống trong hậu quả nặng nề của cuộc can thiệp quân sự 2011 tại Lybia. Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 là một minh chứng cho thấy những phát biểu về bảo vệ chủ quyền quốc gia chỉ là đạo đức giả.

Trong hoàn cảnh như vậy, Nga đã dấn thêm bước nữa về quân sự cũng như kinh tế, chiếm dần các vùng ảnh hưởng của phương Tây.
Cùng chung chủ đề trên, nhật báo Les Echos có bài: “Ukraine: Những cảm xúc có chọn lọc của thế giới”.

Theo bài báo, trong lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc mới đây hôm 23/02, và cũng là lần thứ 3 liên tiếp, các nước vẫn được gọi là thuộc “Nam bán cầu” đã không muốn đứng về bên nào trong cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, vì vậy họ đã tự tách rời khỏi phương Tây. Thái độ đó có động cơ từ những oán thù liên quan đến quá khứ thuộc địa và vì thái độ thờ ơ của các nước phương Tây trước những nối đau khổ của các nước Nam bán cầu. Theo tác giả, đó là sự chuyển hướng thực sự đáng lo ngại cho các nước phương Tây.


Bầu Cử Quốc Hội Estonia, Đảng của Thủ Tướng Kallas Thắng Lớn

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, cử tri Estonia hôm 5/3/2023 dồn phiếu cho Đảng Cải Tổ - thuộc cánh trung hữu của Thủ tướng mãn nhiệm Kaja Kallas. Đảng này về đầu với 31,6% cử tri ủng hộ, nhưng sẽ phải thành lập chính phủ liên minh, theo kết quả kiểm phiếu gần như toàn bộ.

Chiến tranh Ukraine ngay sát cạnh, Thủ tướng mãn nhiệm và Đảng Cải Tổ chủ trương dành tối thiểu 3% GDP cho ngân sách quốc phòng. Là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Estonia là một trong những quốc gia viện trợ quân sự đắc lực cho chính quyền Kyiv. Bất chấp những khó khăn kinh tế, năm 2022, quốc gia vùng Baltic với 1,3 triệu dân này đã dành đến hơn 1% GDP để hỗ trợ Ukraine đương đầu với chiến tranh do Nga tiến hành.

Thông tín viên của đài RFI trong khu vực vùng Baltic, Marielle Vitureau phân tích thêm về kết quả bầu cử Quốc hội Estonia lần này:
“Đảng Cải Tổ đã thắng lớn, hơn đảng dân tộc chủ nghĩa EKRE đến 21 ghế. Như vậy, EKRE mất 2 Dân biểu tại Quốc hội. Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đối đầu có khuynh hướng căng thẳng hơn. Nữ Thủ tướng Kaja Kallas đã củng cố vị thế vì tỏ ra quyết tâm và cứng rắn trước việc Nga xâm chiếm Ukraine. Estonia có đường biên giới sát cạnh Liên Bang Nga, chiến tranh Ukraine khiến công luận lo lắng. An ninh, quốc phòng là hai chủ đề nổi bật trong cuộc vận động tranh cử lần này. Khẩu hiệu của đảng Cải Tổ là Estonia phải tìm được đúng người, đúng việc để điều hành đất nước. Cử tri Estonia một lần nữa tin tưởng vào nữ Thủ tướng Kallas. Đảng của bà về đầu với hơn 30.000 lá phiếu. Đây là một kỷ lục tuyệt đối.

Eesti 200 – tức là đảng Estonia 200, một phong trào chính trị mới vừa được thành lập cách nay 5 năm, có khuynh hương tự do, lần này đã chen chân được vào Quốc hội, và có thể sẽ là đồng minh mới của đảng Cải Tổ. Đảng cầm quyền vừa mãn nhiệm giờ đây có nhiều sự lựa chọn khác nhau để thành lập một liên minh mới. Ít ngày trước cuộc bầu cử, Quốc hội Estonia đã đồng ý nâng ngân sách quốc phòng lên đến 3% GDP. Giờ đây, các bên sẽ phải tập trung vào vế kinh tế và xã hội. Năm 2022, kinh tế Estonia đã bị giảm sút”.


Nguyên Tử – Quốc Phòng: Cặp Pháp-Đức Lục Đục

- Liên quan đến thời sự Âu Châu, nhật báo Le Monde ra ngày 6/3/2023 chú ý nhiều đến những bất hòa xuất hiện giữa Đức và Pháp, vẫn được cho là cặp đầu tàu của Liên Hiệp Âu Châu.

Le Monde đề cập đến bất đồng về vấn đề năng lượng nguyên tử. Tờ báo cho hay, từ khi quyết định từ bỏ năng lượng nguyên tử, sau thảm họa Nhật Bản Fukushima năm 2011, nước Đức ngày càng tỏ rõ đối lập với Pháp trên vấn đề năng lượng nguyên tử. Những tháng gần đây, sự đối đầu đã chuyển biến theo hướng trực diện hơn. Bá Linh đã chặn nhiều Dự luật lớn về vấn đề năng lượng nguyên tử ở Brussels. Trong khi Liên Hiệp Âu Châu (EU) chủ trương đoạn tuyệt với nhiên liệu hóa thạch, Paris nhắm tới phát triển trở lại nguyên tử, trong khi Bá Linh phản đối cho rằng chủ trương đó sẽ cản trở phát triển năng lượng tái tạo. Hai nước đang tìm cách tập hợp các đồng minh chuẩn bị cho cuộc thương lượng trong phiên họp hôm nay 6/3 tại Brussels.

Một bất đồng khác giữa hai nước liên quan đến quốc phòng của Âu Châu cũng được Le Monde đề cập đến trong bài: “Các dự án lá chắn chống phi đạn gây chia rẽ Âu Châu”. Theo Le Monde, đây là một trong những chủ đề bất đồng lớn giữa Paris và Bá Linh kể từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine. Bốn tháng sáu khi Đức thông báo (10/2022) phát động dự án lá chắn chống phi đạn chung cho Âu Châu có tên gọi European Sky Shiel (ESSI).

Đến giờ đã có 17 quốc gia, trong đó 15 thành viên Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tham gia sáng kiến của Bá Linh. Sáng kiến này không cùng quan điểm của Pháp về độc lập chiến lược của Âu Châu, chủ trương tự chủ xây dựng hệ thống phòng thủ bằng tiềm lực của Âu Châu. Vì thế, dự án của Bá Linh, chủ yếu mua trang bị hệ thống của Mỹ và bên ngoài, sẽ gây bất lợi cho một số hãng công nghiệp quân sự của Âu Châu.

Dự án của Đức vẫn ở giai đoạn “ngỏ ý định” chưa cụ thể, nhưng các nước ở sườn đông của Âu Châu, như Estonia, Lithuania, Na Uy, Lỗ Ma Ni hay Phần Lan, do lo ngại trước cuộc chiến tranh Ukraine, đã ủng hộ nhiệt tình. Trong khi đó, Ba Lan, Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý Ðại Lợi, Pháp không đồng ý tham gia dự án.


Chống Cải Cách Hưu Trí Tại Pháp: Các Nghiệp Đoàn Đe Dọa Làm “Tê Liệt” Toàn Quốc

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 6/3/2023, một ngày trước cuộc biểu tình và đình công phản đối cải cách hưu trí, các nghiệp đoàn tuyên bố sẽ làm cho toàn nước Pháp “tê liệt” trong ngày 7/3. Một số nghiệp đoàn thậm chí còn muốn tiếp tục đình công trong những ngày tiếp theo, để gây áp lực mạnh hơn buộc chính phủ rút lại kế hoạch này.

Phát biểu hôm 6/3, lãnh đạo công đoàn CFDT, ông Laurent Berger, “kêu gọi tất cả những người làm công ăn lương trên toàn quốc, các công dân, những người hưu trí, tham gia biểu tình đông đảo”. Lãnh đạo công đoàn lớn nhất nước Pháp cũng kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron “ngừng bịt tai nhắm mắt”, và lên tiếng trước phong trào phản kháng rộng lớn tại Pháp.

Theo thông tấn xã AFP, ngày hành động thứ sáu chống Dự luật cải cách hưu trí, nâng tuổi về hưu từ 62 thành 64, hứa hẹn sẽ có đông đảo người tham gia. Theo các thăm dò dư luận, nhiều người Pháp phản đối Dự luật do chính phủ đề xuất. Các nghiệp đoàn muốn huy động đông người tham gia ngày hành động ngày 7/3 hơn cả ngày 31/1. Vào ngày đó, đã có 1,27 triệu người xuống đường, theo số liệu cảnh sát, và hơn 2,5 triệu theo thông thống kê của các nghiệp đoàn và có đến 265 cuộc tuần hành trên toàn quốc, theo số liệu của nghiệp đoàn CGT.

Dự kiến giao thông ngày mai sẽ rất bị trở ngại. Toàn thể các công đoàn đã kêu gọi đình công kéo dài tại hệ thống đường sắt đô thị thủ đô Paris và vùng Ile-de France (RATP) và công ty đường sắt quốc gia (SNCF), kể từ ngày mai. Đình công của SNCF trên thực tế có thể bắt đầu ngay từ 19 giờ tối nay. Các công đoàn cũng quyết định đình công để giảm bớt lượng điện của các nhà máy điện nguyên tử.

Chính phủ khuyến cáo làm việc tại nhà đối với tất cả những ai có thể, từ nhân viên cho đến công nhân. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne có kế hoạch phát biểu trên kênh truyền hình France 5 tối nay về chủ đề cải tổ hưu trí.

Lao Động Cưỡng Bách “Thời Nhật”: Nam Hàn Ra Kế Hoạch Bồi Thường

- Ngày 6/3/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay bồi thường các nạn nhân lao động cưỡng bách thời Nhật Bản đô hộ Triều Tiên (1910-1945) là một hồ sơ gai góc trong quan hệ giữa Hán Thành và Tokyo. Gần 800.000 người Triều Tiên đã bị cưỡng bách lao động tại Nhật mà không hề được trả lương.

Cho đến nay, nhiều nạn nhân Nam Hàn vẫn tiếp tục yêu cầu chính quyền và doanh nghiệp Nhật xin lỗi và đền bù, cho dù hai nước đã có nhiều thỏa thuận về hồ sơ này. Hôm 6/3/2023, Hán Thành chính thức thông báo kế hoạch bồi thường mới, với sự đóng góp tự nguyện của các công ty tư nhân Nhật. Chính quyền Nam Hàn hy vọng quan hệ Hàn-Nhật sang trang.

Sau khi Hán Thành thông báo kế hoạch, Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi khẳng định kế hoạch này sẽ giúp cho hai nước “tái lập những quan hệ lành mạnh”. Theo Tokyo, hồ sơ đã khép lại với hai thỏa thuận 1965 và 2015, và các doanh nghiệp Nhật bị coi là thủ phạm không có trách nhiệm bồi hoàn thêm. Thông tín viên Nicolas Rocca của Đài RFI tường trình từ Hán Thành:

“Sau nhiều tháng đối thoại và nhiều đồn đoán, rút cuộc vào ngày thứ Hai này, chính phủ Nam Hàn đã trình bày kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bách lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Triều Tiên. Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin cho biết: “Quỹ Hỗ trợ các Nạn nhân Lao động Cưỡng bách Nhật Bản sẽ trả tiền bồi thường và lãi suất trả chậm cho các nguyên đơn, căn cứ theo ba phán quyết đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao vào năm 2018, với mục tiêu hỗ trợ và xoa dịu nỗi đau của những người sống sót, cũng như gia đình của các nạn nhân bị cưỡng bách lao động”.

Quyết định trả tiền bồi thường nhờ quyên góp của các công ty tư nhân, thông qua một quỹ công của chính quyền Nam Hàn, đã bị các tổ chức bảo vệ 15 nạn nhân chỉ trích.Họ yêu cầu hai công ty Nhật Bản xin lỗi công khai và đóng góp trực tiếp. Tuy nhiên, chính quyền Hán Thành dự kiến phương thức bồi thường kiểu này cũng sẽ được áp dụng cho các quyết định của Tư pháp trong tương lai.

Đây là một nỗ lực để chôn vùi vĩnh viễn một hồ sơ thường trở đi trở lại ở Nam Hàn. Ưu tiên của chính phủ hiện tại là cải thiện quan hệ với Tokyo. Ngoại trưởng Park Jin Bob bày tỏ: “Tôi hy vọng chúng ta có thể cùng nhau vượt qua những bất hạnh trong lịch sử và phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai dựa trên hòa giải, thiện chí và hợp tác”.

Việc hai đồng minh chính của Hoa Kỳ xích lại gần nhau đã được Hoa Thịnh Ðốn ca ngợi như một tín hiệu “lịch sử”.Đối với Nam Hàn, mục tiêu cũng là để có được sự hỗ trợ bổ sung từ phía đồng minh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Bắc Hàn”.


Mỹ Điều B-52 Tập Trận Chung Với Nam Hàn



(Ảnh: Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Nam Hàn.)
- Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết Mỹ vừa khai triển máy bay ném bom B-52 tham gia cuộc tập trận chung với đồng minh Nam Hàn hôm thứ Hai (6/3/2023) nhằm phô trương lực lượng chống lại các mối đe dọa nguyên tử và phi đạn của Bắc Hàn, theo thông tấn xã Reuters.

Máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí nguyên tử.

Cuộc tập trận trên không này diễn ra trước các cuộc tập trận kết hợp quy mô lớn bao gồm cả cuộc đổ bộ bắt đầu vào cuối tháng này.
Từ trước đến nay, Bắc Hàn kêu gọi hủy bỏ các cuộc tập trận chung này, coi chúng là khúc dạo đầu cho một cuộc xâm lược.

Các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn thường vấp phải những phản ứng gay gắt từ Bình Nhưỡng bao gồm các vụ thử phi đạn và đe dọa nguyên tử, và Bộ Ngoại giao Bắc Hàn hôm Chủ Nhật (5/3) yêu cầu dừng ngay lập tức các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Nam Hàn, nói rằng chúng đang làm gia tăng căng thẳng.

Với việc các cuộc đàm phán phi nguyên tử hóa bị đình trệ, Bắc Hàn tiến hành một số vụ phóng phi đạn kỷ lục vào năm 2022. Sau khi Nam Hàn dỡ bỏ các biện pháp chống COVID-19, đồng minh Mỹ-Hàn quay trở lại các cuộc tập trận quy mô lớn.

Nam Hàn và Hoa Kỳ sẽ đạt được “hòa bình thông qua sức mạnh” bằng cách đẩy mạnh các cuộc tập trận chung, Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố

Không có nhận xét nào: