Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

ĐIỂM TIN 21/03/2023 - ĐHL


Pháp: Biểu tình khắp nơi sau khi luật cải tổ hưu trí được thông qua Khung cảnh gần Nhà hát Opera Garnier, Paris, sau một cuộc biểu tình ngày Quốc Hội bỏ phiếu về hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ Pháp, 20/03/2023. REUTERS - YVES HERMAN - Thanh Phương -  Tại Pháp hôm qua, 20/02/2023, dự luật cải tổ hưu trí đã được chính thức thông qua ở Quốc Hội sau khi các dân biểu Hạ Viện bác hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Nhưng ngay sau đó, các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra ở nhiều thành phố, cho thấy áp lực đối với tổng thống Emmanuel Macron vẫn không giảm.
<!>
Hôm qua, các dân biểu Hạ Viện Pháp đã biểu quyết hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Kết quả là kiến nghị của nhóm dân biểu độc lập, được sự ủng hộ của nhóm nghị sĩ liên minh cánh tả, đã bị bác vì chỉ thu được 278 phiếu thuận, tức còn thiếu 9 phiếu mới hội đủ đa số cần thiết là 287. Kiến nghị thứ hai của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc cũng bị bác.

Phe đối lập đã đệ trình hai kiến nghị nói trên sau khi chính phủ của thủ tướng Elisabeth Borne dùng đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần đưa ra bỏ phiếu ở Quốc Hội. Với việc hai kiến nghị bị bác, như vậy là dự luật nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64 tuổi đã chính thức được thông qua.

Ngay sau đó, tại nhiều thành phố đã nổ ra các cuộc biểu tình tự phát, đặc biệt là tại Paris, một số người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, dựng các chướng ngại vật trên đường, đốt nhiều thùng rác, xe đạp và nhiều vật dụng khác ở khu vực trung tâm thủ đô Pháp. Tổng cộng đã có 234 người bị câu lưu ở Paris, trên tổng số 287 bị bắt trên toàn quốc tối qua. Tình hình sẽ còn căng thẳng trong những ngày tới, vì các công đoàn đã kêu gọi một ngày đình công biểu tình mới vào thứ năm 23/03.

Để xoa dịu dư luận Pháp, trưa mai tổng thống Emmanuel Macron sẽ ngỏ lời với người dân trên truyền hình. Cụ thể, theo thông báo của điện Elysée, vào lúc 13 giờ ngày mai, ông Macron sẽ trả lời phỏng vấn trực tiếp trên hai kênh truyền hình TF1 và France 2.

Trong ngày hôm nay, tổng thống Pháp tìm cách củng cố hàng ngũ liên minh cầm quyền, tham vấn các lãnh đạo chính trị. Sau khi tiếp thủ tướng Elisabeth Borne trong buổi sáng, ông Macron sẽ ăn trưa với chủ tịch Hạ Viện Yaël Braun-Pivet và chủ tịch Thượng Viện Gérard Larcher, rồi vào buổi tối sẽ họp với các nghị sĩ của phe đa số.

Nhưng phe đối lập ở Quốc Hội Pháp vẫn chưa chịu thua, sẽ yêu cầu Hội Đồng Bảo Hiến cho ý kiến về tính hợp hiến của dự luật cải cách hưu trí và đồng thời đề nghị Hội Đồng xem xét yêu cầu đưa dự luật ra trưng cầu dân ý.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bất ngờ thăm Ukraina, gặp tổng thống Zelensky


Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói chuyện với tổng thống Ukraina
Thùy Dương
Trong khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Nga và gặp tổng thống Vladimir Putin, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay 21/03/2023 đã bất ngờ đến Kiev và hội đàm với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Theo bộ Ngoại Giao Nhật, chuyến đi này nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Kiev và khẳng định sự ủng hộ của nhóm G7, mà Nhật là nước tổ chức thượng đỉnh vào tháng 05 tới đây.

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles giải thích :

« Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Ukraina vào lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hiện diện ở Matxcơva để tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Vladimir Putin.

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina đã khiến Nhật Bản ý thức được rằng chuyện tương tự cũng có thể xảy ra ở châu Á. Nhật Bản cảm thấy bị Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đe dọa. Và nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, Nhật Bản sẽ ở ngay tuyến đầu, bởi hòn đảo xa nhất ở phía nam của Okinawa chỉ nằm cách Đài Loan chưa đến 100km.

Chiến tranh Ukraina đã buộc Nhật phải tăng chi tiêu quân sự thêm 60% cho 5 năm tới và Tokyo cũng phải suy nghĩ lại một cách toàn diện hơn về chính sách an ninh của Nhật, bất chấp những ràng buộc của Hiến Pháp chủ hòa.

Nhật Bản cảm thấy choáng váng về cuộc chiến tranh Ukraina và đã chấp thuận tiếp nhận người dân Ukraiana cho dù Nhật vốn là một nước ít cởi mở với di dân và người tị nạn.

Ông Fumio Kishida là thủ tướng Nhật đầu tiên đến thăm nơi đang có chiến tranh tính từ sau Đệ Nhị Thế Chiến ».

Hồi tháng Giêng, khi công du Washington, thủ tướng Nhật đã phát biểu là thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Hiroshima vào tháng 05/2023 sẽ phải nêu bật ý muốn của các đồng minh về việc duy trì trật tự quốc tế và Nhà nước pháp quyền để đối phó với cuộc chiến tranh của Nga xâm lược Ukraina.

Thủ tướng Nhật thăm Bucha, biểu tượng cho sự tàn ác của quân Nga
Kiev hôm nay nhận định chuyến thăm của thủ tướng Nhật là một chuyến đi « lịch sử ». Trước khi gặp tổng thống Ukraina Zelensky, vào đầu giờ chiều nay, thủ tướng Nhật đã đi tàu đến thăm thành phố Bucha, gần Kiev, biểu tượng cho sự tàn ác của quân Nga, với cuộc thảm sát thường dân, các hố chôn tập thể bị phát hiện sau khi quân Nga tháo chạy khỏi thành phố.

Theo AFP, đài truyền hình nhà nước Nhật NHK đã công bố video cho thấy thủ tướng Kishida đã lên chuyến tàu xuất phát từ Przemyls, Ba Lan để sang Kiev. Trước khi trở về nước vào thứ Năm 23/03, thủ tướng Nhật sẽ trở lại Ba Lan với chuyến công du chính thức.

Hàn Quốc tái lập quan hệ kinh tế bình thường với Nhật Bản


Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yue (T) đến Tokyo hội đàm với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ngày 16/3/2023. REUTERS - POOL
Minh Anh
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm nay, 21/03/2023 thông báo rằng ông sẽ đề nghị chính phủ khởi động một thủ tục nhằm đưa Nhật Bản trở lại vào « danh sách trắng » tạo thuận lợi cho việc trao đổi thương mại song phương.

Quyết định này được đưa ra tiếp theo cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Yoon và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida diễn ra trong tuần rồi, trong một thiện chí chung tái phát triển mối quan hệ giữa hai nước.

Phát biểu trong cuộc họp hội đồng bộ trưởng được phát trên truyền hình, tổng thống Yoon bày tỏ tin tưởng rằng Tokyo sẽ có đáp ứng nếu « Hàn Quốc là bên trước tiên hủy bỏ các rào cản » ngăn chặn phát triển bang giao song phương.

Reuters nhắc lại, năm 2019, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lần lượt rút các quan hệ thương mại song phương ra khỏi « danh sách trắng » - danh sách các nước được hưởng quy chế trao đổi thương mại thuận lợi sau nhiều thập niên căng thẳng liên quan đến việc bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong suốt thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910 đến năm 1945.

Lên cầm quyền vào tháng 5/2022, Yoon Suk Yeol đã cam kết nối lại bang giao giữa hai nước, và đã có chuyến công du Tokyo đầu tiên của một nguyên thủ Hàn Quốc trong vòng 12 năm qua trong tuần rồi. Tuy nhiên, chuyến thăm chính thức này của ông Yoon cũng đã bị phe đối lập trong nước chỉ trích gay gắt.

Theo Yonhap, trước những phản ứng mạnh mẽ này, hôm nay, trong buổi họp với nội các, tổng thống Yoon một lần nữa kêu gọi nên để cho « mối quan hệ Nhật – Hàn vượt lên trên quá khứ lịch sử ». Theo ông, « bang giao giữa hai nước có thể và phải là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi (…) ».

Liên Hiệp Châu Âu sẽ cấp hai tỷ euro đạn dược cho Ukraina


Ảnh minh họa : Các kiện đạn pháo 155 mm chuyển đến Ukraina, căn cứ Không quân Dover, Mỹ, ngày 29/04/2022. © AP / Alex Brandon
Minh Anh
Ngày 20/03/2023, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua khoản trợ cấp hai tỷ euro để cùng mua và cấp đạn dược cho Ukraina, theo nhiều nguồn ngoại giao nói với AFP. Ngoại trưởng của 27 nước thành viên Liên Âu chấp thuận bản kế hoạch hành động gồm ba giai đoạn để viện trợ quân sự cho quân đội Ukraina khoảng một triệu đạn pháo 155 ly và tái lập kho dự trữ chiến lược của các nước thành viên, hiện sắp cạn kiệt.

Từ Bruxelles, thông tín viên đài RFI, Pierre Benazet cho biết cụ thể :

« Đây là bước khởi đầu cụ thể cho "nền kinh tế chiến tranh" giờ được Ủy Ban Châu Âu ủng hộ. Bước đầu tiên là đáp ứng nhu cầu quân sự khẩn cấp của Ukraina chính là cung cấp đạn dược, đặc biệt là pháo 155 ly cũng như là đạn dược cho hệ thống phòng không.

Một tỷ euro đã được đề xuất để chi trả các nước thành viên của Liên Âu về số đạn dược loại này mà họ cung cấp cho Ukraina từ đây đến 31/5, với mức bồi hoàn khoảng 50%. Do vậy, số đạn dược cung cấp cho Ukraina trước ngày 31/05 là hai tỷ euro. Ngoài ra, trong 12 tháng, Liên Âu ấn định mục tiêu chuyển một triệu quả đạn pháo cho Ukraina.

Phần thứ hai là mua chung. Tổng trị giá các hợp đồng được nhóm các nước mua chung để trợ giúp Ukraina vào khoảng 1 tỷ euro. Những hợp đồng này sẽ phải được ký trước cuối tháng Chín thông qua cơ quan quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu với ngành công nghiệp châu Âu.

Vế cuối cùng là trong dài hạn khởi động nền sản xuất : Các ngành công nghiệp châu Âu sẽ phải nhận được bảo đảm rằng sẽ có nhiều hợp đồng hơn. »

Hoa Kỳ và Na Uy tiếp tục viện trợ cho Ukraina

Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ AnthonyBlinken, hôm qua, 20/03/2023, thông báo Washington sẽ cấp thêm một khoản hỗ trợ quân sự trị giá 350 triệu đô la cho Ukraina, bao gồm cả số đạn dược cho dàn phóng tên lửa Himars. Trong thông cáo, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố : « Nga có thể đơn độc chấm dứt cuộc chiến hôm nay. Chừng nào Nga vẫn tiếp tục cuộc chiến, Hoa Kỳ chừng ấy sẽ ở bên cạnh Ukraina cho đến khi nào vẫn còn cần thiết ».

Về phía Na Uy, phát ngôn viên quân đội nước này, Stine Barclay Gaasland, hôm qua, cũng cho biết tám chiếc xe tăng Leopard 2A4 đời cũ đã được giao cho Kiev. Ngoài ra, chính quyền Oslo còn cung cấp thêm cho Kiev bốn phương tiện vận chuyển hỗ trợ, đạn dược và phụ tùng thay thế. AFP nhắc lại, Na Uy cũng đã có ý định đổi mới số xe tăng cũ khi đặt mua 54 chiếc Leopard 2A7 thế hệ mới hiện đại hơn.

Báo cáo của nhóm chuyên gia khí hậu LHQ:''Cẩm nang sống sót cho nhân loại''


Nhiệt độ Trái đất mỗi năm một tăng. Ảnh minh họa REUTERS/Stephane Mahe
Thanh Phương
Hôm qua, 20/03/2023, báo cáo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC) đã được công bố, cảnh báo nhân loại phải khẩn cấp hành động để ngăn chận những thảm họa đang đe dọa sự tồn tại của hành tinh chúng ta.

Đây là bản tổng hợp kết quả 9 năm làm việc của các chuyên gia khí hậu Liên Hiệp Quốc, tiếp nối báo cáo năm 2014. Đối với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, báo cáo này giống như là một cuốn “cẩm nang sống sót cho nhân loại”.

Theo báo cáo của GIEC, mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ lên đến 1,5°C ngay từ những năm 2030-2035. Dự báo này có giá trị trong toàn bộ các kịch bản về phát thải khí gây hiệu ứng lồng kính trong ngắn hạn. Các chuyên gia khí hậu của Liên Hiệp Quốc lưu ý, cho dù mức độ hâm nóng bầu khí quyển là như thế nào, nhiều nguy cơ liên quan đến khí hậu đều sẽ trầm trọng hơn là những gì được dự báo trong báo cáo năm 2014. Kết luận này dựa trên thực tế là các hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian gần đây xảy ra ngày càng nhiều, cũng như dựa trên những hiểu biết khoa học mới.

Nhà khoa học Friederike Otto, đồng tác giả của bản báo cáo, tóm tắt với AFP: “Những năm nóng nhất mà chúng ta trải qua cho đến nay sẽ là những năm mát nhất trong thời gian từ đây đến thế hệ kế tiếp”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh nếu các nước cắt giảm lượng khí phát thải một cách mạnh mẽ, nhanh chóng và lâu dài thì sẽ làm chậm lại tốc độ của hâm nóng khí hậu trong khoảng hai thập niên tới.

Trả lời hãng tin AFP, chủ tịch nhóm GIEC Hoesung Lee, đánh giá báo cáo này là một “thông điệp hy vọng” cho nhân loại, nhưng cho thấy là thế giới phải “cấp tốc thi hành những biện pháp đầy tham vọng hơn”.

Báo cáo của nhóm GIEC sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán gay go trong những năm tới, mà trước hết là thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28 vào tháng 12 tại Dubai. Tại hội nghị COP28, bản tổng kết đầu tiên về nỗ lực của mỗi nước trong khuôn khổ thỏa thuận Paris về khí hậu sẽ được công bố. Hội nghị Dubai cũng sẽ bàn về tương lai của các năng lượng hóa thạch.

Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức thượng đỉnh với Trung Á, ''sân sau'' của Nga


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 20/03/2023. via REUTERS - SPUTNIK
Thùy Dương
Lãnh đạo các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời dự hội nghị thượng đỉnh « Trung Quốc - Trung Á ». Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tổ chức thượng đỉnh « Trung Quốc - Trung Á ». Trung Quốc muốn tăng cường dấu ấn tại khu vực vốn được xem là sân sau của Nga.

Theo AFP, trong các bức điện mừng được gửi riêng cho từng nước vào thứ Hai và thứ Ba nhân dịp Nowruz - một ngày lễ truyền thống báo hiệu mùa xuân về và đánh dấu năm mới của người Ba Tư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan đến dự « thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á đầu tiên », dự kiến vào tháng 05/2023. Các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á này đều tham gia « Con đường tơ lụa mới », một dự án khổng lồ về cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và cảng biển do Trung Quốc khởi xướng.

Cả bốn nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan đều đã công bố bức điện của Bắc Kinh, trong đó Tập Cận Bình nhấn mạnh việc thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Á. Theo bức điện do hãng thông tấn Nhà nước Tajik Khovar của Tajikistan công bố, ông Tập Cận Bình thậm chí còn nói « nóng lòng thảo luận về một kế hoạch quy mô lớn để phát triển các quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Á ». Chỉ có Turkmenistan, một quốc gia kín tiếng và cũng là nước cung cấp khí đốt chính cho Trung Quốc, vẫn chưa cho biết thông tin.

Vai trò của Nga, nước vốn coi Trung Á là sân sau của họ từ giữa thế kỷ 19, nay đang bị tranh giành. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây đều thèm muốn các đồng minh khu vực truyền thống của Nga ở Trung Á và xu hướng này ngày càng gia tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraina. Trong những tháng gần đây, ngoài chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đến thăm Trung Á.

Không có nhận xét nào: