Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

“Happy St Patrick’s Day!” Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Chúc Mừng “Happy St Patrick’s Day!”
Đời Sống Quanh Ta: “Niềm vui đời sống, như sáng tạo một bình hoa. Bỏ công nhặt nhiều cành hoa tươi thắm, cắm vào bình. Chúng ta sẽ có một bình hoa đẹp, để có những giây phút vui thú tận hưởng! Đời là thế, nỗi buồn không mời cũng đến, còn niềm vui thì phải tìm!
<!>

Lễ Mừng Thánh Patrick là một cành hoa rạng rỡ, đậm nét vui vẻ yêu đời, hầu hết mọi người đã đều công nhận. Mà đến nay, rất nhiều quốc gia, nhiều nơi mừng ngày lễ này, nhằm mang lại những niềm tin tốt đẹp, vui vẻ, may mắn nhất cho đời sống con người.
 Lễ Mừng Thánh Patrick!
Lễ này đặc biệt của Người Ái Nhĩ Lan, nhưng nay, lễ này đã lan truyền ra cả thế giới. Riêng người Mỹ, rất thích thú với ngày lễ này! (Mừng như Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của Việt Nam, để nhớ về nguồn cội tổ tiên. Nhưng khác, tuy nhớ về nguồn cội, nhưng lễ này lại pha đậm tính chất tôn giáo.)

Cùng nhau tìm hiểu chút ý nghĩa về ngày lễ vui vẻ này nhé. (Mà nhãn hiệu may mắn của nó, như hình cầu vồng ngũ sắc, nồi chứa tràn đồng tiền vàng, treo đầy trên các sòng bạc, quán Bar, chỗ nào mà có mục đích vui chơi!”


* Ngày Thánh Patrick là gì?

Ngày Thánh Patrick, hay còn có gọi tên Việt Nam là “Thánh Patriciô” Là một lễ kỷ niệm truyền thống văn hóa và tôn giáo, nay đã được tổ chức phổ biến tất tho7ng thường tại nhiều nơi trên toàn thế giới.

Ngày 17/3 hàng năm, đây cũng là ngày mất của Thánh Patrick, vị thánh quan thầy bảo trợ của người Ireland.

Ngày Thánh Patrick trong tiếng Anh, gọi là: Patrick Day, hay Irish Day! Ngày này thường được gắn liền với các thánh lễ ở các nhà thờ, kết hợp Mùa Chay của người Công Giáo. Câu chúc thường được người dân sử dụng trong ngày này là “Happy St Patrick’s Day!”


* Ý nghĩa của ngày lễ Thánh Patrick

Lễ kính thánh Patriciô là ngày lễ lớn, quan trọng nhất, mang tầm quốc gia ở Cộng hòa Ireland. Với ý nghĩa kỷ niệm sự truyền bá đạo Chúa Kitô tại Ireland. Mọi người thường tổ chức nhiều hoạt động như diễn hành, những bữa tiệc linh đình, uống bia thả cửa! người say nằm đầy đường! chỗ nào cũng thấy! trang trí nhà cửa với màu xanh lá, là màu sắc biểu tượng chính.

* Tại sao màu xanh và cỏ ba lá tượng trưng cho ngày này?

Người xưa kể rằng, Thánh Patrick đã sử dụng cỏ 3 lá, có tên “shamrock,” mọc lan tràn trên đất Ireland, để giải thích về học thuyết “Ba ngôi Thiên Chúa” của đạo Công Giáo, vào thế kỷ thứ 5 cho dân chúng dễ hiểu.

Mãi cho đến ngày nay, vào ngày 17/3 hằng năm, người Ireland vẫn thường mặc trang phục có hình cây cỏ 3 lá, để kỷ niệm truyền thuyết này. Chúng là biểu tượng cho niềm tin, hy vọng, may mắn, đâm chồi nảy lộc, sinh hoa tươi, trái ngọt cho cả đất nước Ireland.

* Ngày lễ Thánh Patrick được tổ chức ở các quốc gia nào?

Ngày Thánh Patrick được tổ chức rộng rãi ở rất nhiều đất nước khác nhau. Trong đó có Cộng hòa Ireland, Bắc Ireland, Canada, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Argentina, Úc và New Zealand.

*Những hoạt động nào, là đặc điểm trong ngày lễ thánh Patrick?

- Diễn hành

Người ta xem việc tham gia vào lễ diễn hành, là cách mừng thông thường trong ngày Thánh Patrick. Cùng lúc đó, các cuộc diễn hành Ngày Thánh Patrick lớn nhất, thì lại được tổ chức bên ngoài Ireland, do cộng đồng người Ireland trên thế giới, tổ chức rất tưng bừng, nên lễ hội này, càng ngày, càng nhiều người biết, càng lan xa.

Khi đi diễn hành, thì mặc các trang phục màu xanh lá cây

Người Ireland luôn xem màu xanh là biểu tượng của tình yêu dân tộc, hòa với niềm tin tôn giáo bất diệt. Vì thế, người dân thường cài huy hiệu xanh, đeo bờm lông xanh và mặc những bộ y phục dễ thương, cũng toàn một màu xanh ngắt. Ngoài ra, người Ireland cũng tin rằng, mặc trang phục màu xanh, còn giúp họ trở nên tàng hình với những chú quỷ lùn “leprechaun,” mà ai bị “leprechaun” bắt, sẽ bị nhéo đau điếng gần chết!

* Lạ Lùng Tất Cả Mọi Thứ Biến Thành Mầu Xanh!

Vào ngày này, bạn có thể bắt gặp tất cả mọi thứ trang trí nhà cửa, đường phố đều là màu xanh. Từ thực phẩm như các loại bánh, bia hay tóc tai, sông ngòi, đài tưởng niệm và thậm chí là khu trượt tuyết, cũng biến thành màu xanh lục!

Trong bữa tiệc kỷ niệm, thường có thịt bò xay và bắp cải là những món ăn truyền thống. Thức uống bia là chính và cụng ly đến say ngất ngưởng, để…hồn bay bổng lên trời, với Thánh Patrick! Quan Thầy, Bảo Trợ Kính Yêu Của Họ!


*Kết

Tôi có 2 người bạn, tên Mỹ là Patrick, quen biết mấy chục năm nay, đặc điểm cuộc đời họ rất là may mắn, làm gì cũng thành công, đầu tư gì cũng trúng, mua vé số, không trúng nhiều, thì cũng trúng ít. Đi Las Vegas, hay Reno, ít nhất cũng kiếm được tiền đổ xăng. Hèn gì cả dân tộc Ái Nhĩ Lan, tin vào vị Thánh này.

Tại sao Bạn hôm nay, không ra tiệm mua một tấm vé số?

Kính chúc Quý Vị và Gia Đình: Mừng một ngày Lễ, An Vui, Hạnh Phúc, gặp nhiều May Mắn, muốn gì cũng được!

LVH


Tin Quốc Tế Đó Đây

Không Thấy Có Một Dấu Hiệu Nào Ukraine Rút Quân Khỏi Bakhmut!


(Hình: Binh sĩ Ukraine chuẩn bị một quả đạn 105 để bắn vào các vị trí của Nga gần Bakhmut vào ngày 14/3/2023.)

-Các lực lượng Nga đang trong tình cảnh "khó khăn" khi họ cố chiếm thành phố Bakhmut của Ukraine vì không có dấu hiệu nào cho thấy Kyiv sẵn sàng ra lệnh rút quân, lãnh đạo vùng Donetsk do Nga dựng lên cho biết vào thứ Năm (16/3/2023).

Các lực lượng Nga - đi đầu là lực lượng đánh thuê Wagner - đã cố gắng vây hãm và chiếm thành phố ở miền đông Ukraine trong nhiều tháng, biến nó thành một trong những trận chiến đẫm máu nhất của cuộc chiến kéo dài một năm.

Nga, vốn gọi thành phố này bằng cái tên thời Liên Xô là Artyomovsk, nói rằng việc chiếm được thành phố sẽ cho phép họ tiến hành nhiều cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine và họ nói là họ đang chiến đấu để "giải phóng" đất nước đó.

"Tình hình ở Artyomovsk vẫn phức tạp và khó khăn", Denis Pushilin, người đứng đầu vùng Donetsk của Ukraine do Nga bổ nhiệm, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước hôm 16/3.

"Tức là chúng tôi không thấy có bất kỳ tiền đề nào cho thấy quân địch sẽ đơn thuần rút các đơn vị đi", ông nói thêm.

Người đứng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin, cho biết lực lượng của ông ta trên thực tế đang kiểm soát một nửa thành phố và chỉ còn duy nhất một con đường thoát ra cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhiều lần nói rằng ông sẽ không rút quân khỏi Bakhmut, ngay cả khi các viên chức Kyiv và phương Tây đã hạ thấp tầm quan trọng chiến lược của thành phố, nơi đã bị tàn phá sau nhiều tháng pháo kích và giao tranh.


Liên Hiệp Quốc: Di Dời Trẻ Em Ukraine Vào Những Vùng Do Nga Kiểm Soát Là Phạm Tội Ác Chiến Tranh

-Một nhóm điều tra viên của Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng việc Nga di dời trẻ em Ukraine tới các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của họ ở Ukraine cũng như tới lãnh thổ Nga là một "tội ác chiến tranh".

Theo AFP, báo cáo của nhóm điều tra được Tiểu ban điều tra về tội ác chiến tranh của Liên Hiệp Quốc công bố vào hôm 16/3/2023, nhận định, "hành động của Mạc Tư Khoa trong việc di chuyển trẻ em ở trong lãnh thổ Ukraine hay đưa chúng sang Liên Bang Nga đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế và là tội ác chiến tranh".

Theo Kyiv, tính đến cuối tháng 2/2023, đã có 16.221 trẻ em bị di dời sang Nga, số liệu mà Tiểu ban điều tra không thể xác minh được. Nhưng Tiểu ban này chỉ trích các biện pháp pháp lý và chính sách mà các viên chức Nga đã thực hiện liên quan đến việc di dời trẻ em, cũng như Sắc lệnh của Tổng thống Putin vào tháng 5/2022 tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp quốc tịch Nga cho những đứa trẻ này.

Erik Mose, một trong ba thành viên phụ trách cuộc điều tra cho biết "không thể khẳng định" Nga phạm "tội ác diệt chủng". Và nhóm điều tra sẽ tiếp tục công việc nếu được Hội đồng Nhân quyền chấp thuận gia hạn.

Phản ứng về báo cáo này, Ðại sứ Đức tại Genève Katharina Stasch đánh giá tội ác của Nga là "ghê rợn" và muốn đưa việc điều tra các vụ bắt cóc trẻ em vào danh sách các nhiệm vụ của Tiểu ban điều tra về tội ác chiến tranh của Liên Hiệp Quốc.


Ba Lan Giao Máy Bay Chiến Đấu Mig-29 Cho Ukraine!

-Hôm 16/3/2023, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Warsaw sẽ giao một lô hàng đầu tiên gồm 4 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thuộc khối Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Theo Tổng thống Duda, Ba Lan hiện có khoảng hơn chục máy bay MiG do Cộng hòa Dân chủ Đức chuyển giao trước đây. Nguyên thủ Ba Lan, được AFP trích dẫn cho biết: "Những chiếc máy bay MiG này vẫn đang phục vụ trong lực lượng không quân Ba Lan. Chúng đã được sử dụng từ rất nhiều năm, nhưng vẫn hoạt động bình thường". Và tiêm cơ MiG là "máy bay chiến đấu mà các phi công Ukraine có thể sử dụng ngay mà không cần trải qua bất kỳ khóa đào tạo bổ sung nào".

Ba Lan đang nỗ lực gửi thêm thiết bị quân sự tới Ukraine và thuyết phục các quốc gia phương Tây khác làm tương tự.

Ukraine đã nhiều lần yêu cầu các đồng minh phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu, đặc biệt là tiêm kích F-16 hiện đại do Mỹ sản xuất. Nhưng cho đến nay, chưa có quốc gia phương Tây nào cam kết cung cấp máy bay cho Kyiv.

Về phía Hoa Kỳ, Tòa Bạch Ốc hôm 16/3 cho biết vẫn không thay đổi quyết định, tức sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.


Cải Cách Hưu Trí Tại Pháp: Đối Lập Trình Kiến Nghị Bất Tín Nhiệm Chính Phủ

-Sau khi chính phủ Pháp sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua Dự luật cải cách hưu trí mà không cần đưa ra biểu quyết ở Hạ viện, hôm 17/3/2023, các đảng đối lập đệ trình các kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Trong khi đó, từ chiều hôm qua, các cuộc biểu tình tự phát đã nổ ra ở nhiều thành phố để phản đối chính phủ.

Hôm qua, sau nhiều phiên họp khẩn với các lãnh đạo phe đa số cầm quyền, trước nguy cơ Dự luật cải cách hưu trí bị bác nếu được đưa ra biểu quyết ở Hạ viện, Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp của Pháp để thông qua Dự luật. Quyết định này đã được Thủ tướng Elizabeth Borne thông báo trước các Dân biểu trong một bầu không khí náo loạn, đặc biệt là các Dân biểu phe cực tả đã hát đi hát lại quốc ca Pháp khiến mấy phút sau Thủ tướng mới có thể phát biểu.

Cũng trong khuôn khổ điều 49.3, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tức là trước 3 giờ 20 phút chiều 17/3, các đảng đối lập phải đệ trình các kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Ngay từ chiều 16/3, Dân biểu Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, đã thông báo đảng này sẽ đệ trình một kiến nghị, đồng thời cho biết nhóm Dân biểu cực hữu cũng sẽ bỏ phiếu cho các kiến nghị đến từ các nhóm Dân biểu khác. Về phần Mathilde Panot, Chủ tịch nhóm Dân biểu đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, bà nêu lên khả năng trình một kiến nghị "liên đảng" bất tín nhiệm chính phủ.

Nếu một trong các kiến nghị này được thông qua, Dự luật bị bãi bỏ và chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne sẽ đổ. Và như vậy, Tổng thống Macron sẽ phải, hoặc bổ nhiệm một chính phủ mới, hoặc giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Tuy nhiên, kịch bản này có rất ít khả năng xảy ra, vì Chủ tịch nhóm Dân biểu đảng cánh hữu Những Người Cộng hòa (LR), ông Eric Ciotti, đã báo trước là nhóm này không đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm hoặc bỏ phiếu cho bất cứ kiến nghị nào.

Để phản đối việc chính phủ dùng đến điều 49.3 để thông qua Dự luật cải cách hưu trí, liên hiệp các công đoàn hôm 16/3 đã kêu gọi tham gia các cuộc tập hợp ở các địa phương vào cuối tuần này, đồng thời thông báo một ngày hành động vào thứ năm 23/3. Nhưng ngay từ chiều qua, nhiều cuộc biểu tình tự phát đã nổ ra ở nhiều thành phố của Pháp. Riêng tại Paris, hàng ngàn người biểu tình đã tập hợp tại quảng trường Concorde, không xa tòa nhà Hạ viện. Cảnh sát đã phải can thiệp để giải tán biểu tình tại quảng trường này và đã câu lưu khoảng hơn 200 người.

Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, hôm 16/3, Chủ tịch nhóm Dân biểu đảng cầm quyền Phục Sinh tại Hạ viện, bà Aurore Bergé, đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin huy động lực lượng an ninh để bảo vệ an ninh cho các Nghị sĩ của phe đa số.


Thủ tướng Đức Đến Nhật Bản Để Tăng Cường Quan Hệ Kinh Tế


(Hình: Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang muốn giảm sự phụ thuộc của Đức vào thị trường Trung Quốc.)

-Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng với 6 Bộ trưởng sẽ đến thăm Nhật Bản vào ngày 18/3/2023, với mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, trong lúc ông tìm cách giảm sự phụ thuộc của Đức vào nguyên liệu thô của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang lên kế hoạch 'tham vấn chính phủ' với sự tham gia của nhiều thành viên Nội các của chính phủ hai nước để thảo luận về các phương cách bảo đảm an ninh kinh tế.

"Là các nền Dân chủ và là nền kinh tế công nghiệp hóa cao, định hướng xuất cảng, Nhật và Đức đối mặt với những thách thức giống nhau trong việc định hình chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái, đồng thời củng cố khả năng chống chịu của nền kinh tế trong thời kỳ địa chính trị khó khăn", Franziska Brantner, quốc vụ khanh thuộc Bộ Kinh tế Đức, nói với Reuters.

Với việc Nhật Bản thông qua Dự luật về an ninh kinh tế, Bá Linh hy vọng sẽ học được chiến lược nguyên liệu thô của Nhật và chấp nhận gợi ý của Tokyo về cách giảm phụ thuộc vào nhập cảng, một viên chức chính phủ Đức nói về chuyến công du của ông Scholz.

Trong một động thái chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Dự luật an ninh kinh tế hồi năm 2022 nhằm bảo vệ kỹ thuật và củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng.

Thương mại giữa Đức và Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2022, khiến quốc gia Á Châu này trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong năm thứ bảy liên tiếp bất chấp những cảnh báo chính trị ở Bá Linh về sự phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh.

Khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 298 tỉ Euro đã được giao thương giữa hai nước vào năm 2022, tăng khoảng 21% so với một năm trước đó, theo dữ liệu từ cục thống kê Đức.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức ở Á Châu sau Trung Quốc, với kim ngạch đạt khoảng 46 tỉ Euro vào năm 2022.

Lo lắng về sự phụ thuộc của Đức, chính phủ trung tả hiện đang có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh so với chính phủ trung hữu tiền nhiệm và đang tìm hiểu các cách để từ từ bãi bỏ sự lệ thuộc vào Trung Quốc.


Không Còn Cách Nào Khác! Tổng Thống Putin: Nga Đang Chiến Đấu Vì Chính Sự Tồn Vong của Mình


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Ðiện Cẩm Linh hôm 8/3/2023.)
- Hôm thứ Ba (14/3/2023), Tổng thống Vladimir Putin nói rằng chính sự tồn vong của Nga với tư cách là một quốc gia đang bị đem ra định đoạt ở Ukraine.

Phát biểu dài trước các công nhân tại một nhà máy hàng không ở Buryatia, cách Mạc Tư Khoa khoảng 4.400 cây số về phía Đông, ông Putin đã nói rộng ra từ lập luận quen thuộc của ông rằng phương Tây đang muốn làm cho nước Nga tan rã.

"Vì vậy, đối với chúng ta, đây không phải là nhiệm vụ địa chính trị, mà là nhiệm vụ vì sự tồn vong của quốc gia Nga, tạo ra điều kiện cho sự phát triển trong tương lai của đất nước và con em chúng ta", ông Putin nói.

Ông Putin lâu nay cáo buộc phương Tây sử dụng Ukraine như một công cụ để tiến hành chiến tranh chống lại Nga và gây ra cho nước này một "thất bại chiến lược". Hoa Kỳ và các đồng minh nói rằng họ đang giúp Ukraine tự vệ trước một cuộc xâm lược kiểu đế quốc đã phá hủy các thành phố của Ukraine, giết chết hàng ngàn thường dân và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Khi trả lời một câu hỏi, ông Putin nói rằng ông đã lo lắng về nền kinh tế khi phương Tây áp đặt các làn sóng trừng phạt chưa từng có vào năm 2022 nhưng kinh tế Nga đã chứng tỏ rằng nó mạnh hơn dự kiến.

Ông nói: "Chúng ta đã tăng chủ quyền kinh tế của mình lên nhiều lần. Kẻ thù của chúng ta đã tính toán điều gì ư? Chúng cho rằng chúng ta sẽ sụp đổ sau 2-3 tuần hoặc trong một tháng".

Ông nói rằng kẻ thù đã trông đợi là các nhà máy Nga sẽ ngừng hoạt động, hệ thống tài chánh sẽ sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng, những người biểu tình sẽ xuống đường và nước Nga sẽ "rung lắc từ bên trong và sụp đổ".

"Điều đó đã không xảy ra", ông Putin nói. "Hóa ra, đối với nhiều người trong chúng ta, và thậm chí càng ngạc nhiên hơn đối với các nước phương Tây, nền móng cơ bản cho sự ổn định của Nga lại vững chắc hơn nhiều so với suy nghĩ của bất kỳ ai".


Chiến Tranh Ukraine: Chiến Sự Dữ Dội ở Trung Tâm Bakhmut

- Quân đội Ukraine tiếp tục kháng cự tại thành phố Bakhmut, miền Đông Ukraine. Trong lúc đó, có một số dấu hiệu rút quân của lực lượng Nga tại tỉnh miền Nam Kherson, hữu ngạn sông Diepro, theo quân đội Ukraine.

Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kyiv cho biết chiến sự vẫn diễn ra hết sức dữ dội tại Bakhmut. Hôm 13/3/2023, tư lệnh Lục quân Ukraine, thượng tướng Oleksandre Syrky cho biết nhiều đơn vị tấn công của công ty lính đánh thuê Wagner của Nga đang tìm cách chọc thủng tuyến phòng thủ của các lực lượng Ukraine để hướng về các khu phố trung tâm thành phố Bakhmut. Về phần mình, thủ lĩnh Wagner, Evgueni Prigojine, nhấn mạnh là "càng tiến gần đến trung tâm thành phố, chiến sự càng dữ dội hơn, nhiều hỏa lực hơn".

Trong phát biểu thường nhật vào tối 13/3, Tổng thống Ukraine, Volodymir Zelensky, nói đến "những ngày rất khó khăn, rất đau đớn với Ukraine", và "tương lai của đất nước đang được quyết định tại miền Đông, đặc biệt ở Bakhmut", nơi diễn ra cuộc chiến kéo dài nhất từ khi Nga mở màn cuộc xâm lăng từ tháng 2/2022, với một tổn thất nhân mạng ghê gớm của cả hai bên.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, có trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn, trong bản tin thường nhật hôm qua, tổng hợp thông tin từ giới blogger Nga, ghi nhận đa số đều cho rằng quân đội Ukraine có thể sẽ mở cuộc phản công tại miền Nam, ở tỉnh Zaporizhia, hoặc ở gần khu vực Mariupol-Volnovakha ở tỉnh miền Đông Donetsk. Một blogger có liên hệ với công ty lính đánh thuê Wagner thừa nhận đánh giá trước đó của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, theo đó quân đội Ukraine, với chiến thuật phòng thủ đến cùng tại "pháo đài" Bakhmut, đang nghiền nát "các lực lượng Bộ binh tốt nhất" của Nga xung quanh thành phố này, nhằm làm giảm khả năng của Nga trong việc ngăn chặn các đợt phản công sắp tới của quân đội Ukraine.


Thụy Sĩ Hủy Bỏ Phi Đạn Phòng Không Đời Cũ Thay Vì Giao Cho Ukraine

- Vào lúc Âu Châu đang gặp khó khăn trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, thì Thụy Sĩ, hôm Chủ Nhật, 12/3/2023, kiên định với lập trường trung lập, đã cho vào "sọt rác" hệ thống phi đạn phòng không Rapier.

Chính quyền Berne viện dẫn số vũ khí này, được mua từ Anh trong những năm 1980 là quá cũ kỹ. Một quyết định làm cho các thành viên Liên Hiệp Âu Châu bất bình, vốn dĩ đã khó chịu về việc Thụy sĩ luôn luôn từ chối cho phép tái xuất cảng vũ khí "Made in Swizerland" cho Ukraine.

Từ Geneva (Thụy Sĩ), thông tín viên Jérémie Lanche của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích thêm:

"Rapier là hệ thống phi đạn phòng không có thời gian phản ứng rất ngắn và một độ chính xác cao. Có lẽ chính vì điều đó mà Lực lượng Không quân Hoàng gia vẫn còn sử dụng hệ thống này vào năm 2012 vào lúc diễn ra Thế Vận hội Mùa Hè Luân Đôn để bảo đảm an ninh không phận.

Thụy Sĩ có đến 60 dàn phi đạn loại này đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, Berne đã quyết định hủy toàn bộ số vũ khí này, thay vì trả lại nhà sản xuất Anh, để rồi sau đó, tùy Luân Đôn quyết định có giao chúng cho Ukraine hay không, vì như vậy số vũ khí có thể rất hiệu quả chống lại các loại drone của Iran đang được quân đội Nga sử dụng.

Điều này sẽ còn làm cho Liên Hiệp Âu Châu thêm tức giận Thụy Sĩ và thái độ trung lập cố hữu của nước này. Chính quyền Berne đã nhiều lần ngăn cản tái xuất cảng các loại vũ khí sản xuất tại Thụy Sĩ và gởi sang Ukraine.

Về phần các Dân biểu, họ cũng bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Nghị Viện nước này vừa bật đèn xanh cho phép tái xuất cảng vũ khí Thụy Sĩ, nhưng với điều kiện là Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, mà Nga là thành viên thường trực, lên án cuộc xâm lược của Nga. Điều đó đủ để nói rằng chưa thể nhìn thấy quân đội Ukraine sử dụng vũ khí có in quốc kỳ Thụy Sĩ, hình thập tự mầu trắng trên nền đỏ".


Tranh Cãi Nga-Ukraine Về Thời Gian Gia Hạn Thỏa Thuận Ngũ Cốc Biển Đen

- Thỏa thuận sắp hết hạn mang tên Sáng Kiến Ngũ Cốc Biển Đen, cho phép Ukraine xuất cảng ngũ cốc qua các cảng trên Biển Đen, được ký kết giữa Nga và Ukraine qua trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, sẽ được gia hạn.

Vào hôm 14/3/2023, Nga cho biết là thỏa thuận sẽ có hiệu lực thêm 60 ngày nữa, sau khi hết hạn vào hôm 18/3 tới đây.

Theo hãng tin Anh Reuters, một viên chức Ukraine cấp cao xin giấu tên đã xác định rằng Kyiv sẽ tuân thủ "một cách nghiêm ngặt" các điều khoản trong của thỏa thuận đã ký năm 2022 về việc gia hạn 120 ngày sáng kiến xuất cảng ngũ cốc ở Biển Đen.

Tuyên bố từ phía Ukraine được đưa ra ít lâu sau khi hãng thông tấn Tass của Nga, dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko, cho biết thỏa thuận này đã được gia hạn "theo các điều kiện trước đó", với thời gian là 60 ngày.

Tuy nhiên, đối với Ukraine, thỏa thuận ký kết tháng 7/2022 đã nêu rõ rằng văn kiện này có khả năng được gia hạn tối thiểu là 120 ngày. Theo Kyiv, nếu các bên muốn rút ngắn thời gian gia hạn này, thì cần phải sửa đổi thỏa thuận ban đầu.

Sáng Kiến Ngũ Cốc Biển Đen đã được Nga và Ukraine ký kết vào tháng 7/2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua trung gian của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này từng được gia hạn vào tháng 11/2022.

Trong bối cảnh tranh cãi lại nổ ra giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa về thời gian gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục vai trò trung gian hòa giải. Cả Ankara lẫn Liên Hiệp Quốc vào hôm nay cho biết là các cuộc thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc qua các cảng Biển Đen mở ra từ hôm qua tại Ankara vẫn đang tiếp tục.

Kể từ khi Thỏa thuận được Nga và Ukraine ký kết, đã có hàng triệu tấn tấn ngũ cốc và các loại lương thực khác được xuất cảng ra thế giới từ các cảng của Ukraine.


Thái Bình Dương: Mỹ, Anh và Úc Ðại Lợi Công Bố Kế Hoạch Tàu Ngầm Nguyên Tử, Trung Quốc Lên Án

- Tại California (Hoa Kỳ) hôm qua 13/3/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng với hai Thủ tướng Úc Ðại Lợi và Anh, đã công bố kế hoạch hợp tác "chưa từng có" về tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, nhằm đối phó với các thách thức của Trung Quốc tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Bắc Kinh ngay lập tức cực lực lên án, gọi đây là một "hướng đi sai lầm và nguy hiểm".

Dự án Mỹ bán tàu ngầm cho Úc Ðại Lợi, và phối hợp với Anh sản xuất tàu ngầm nguyên tử "thế hệ mới" tại Úc Ðại Lợi, kéo dài ít nhất 2 thập niên. Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese cho biết đây là "đầu tư lớn nhất" trong lịch sử quốc gia này. Ngay trong 10 năm đầu tiên của dự án, chi phí của Úc Ðại Lợi ước tính gần 40 tỉ Mỹ kim.

Hiện tại, nước Úc chưa hề làm chủ được kỹ thuật liên quan đến nguyên tử quân sự, cũng như dân sự. Dự án tàu ngầm nguyên tử Mỹ-Anh-Úc gồm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, Mỹ và Anh sẽ giúp đào tạo nhân sự Úc Ðại Lợi trong việc sử dụng tàu ngầm nguyên tử, tiếp cận với các cơ sở đóng tàu, các trường chuyên môn về lĩnh vực này. Mục tiêu là từ năm 2027 sẽ khai triển 4 tàu ngầm nguyên tử Mỹ và một của Anh tại một căn cứ Úc Ðại Lợi. Giai đoạn thứ hai bắt đầu với việc Mỹ bán cho Úc Ðại Lợi 3 tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia, nếu được Quốc hội bật đèn xanh.

Giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn tham vọng nhất của kế hoạch này: Mỹ, Anh và Úc Ðại Lợi phối hợp chế tạo tàu ngầm nguyên tử tấn công thế hệ mới mang tên SSN AUKUS. Các tàu ngầm SSN AUKUS, theo thiết kế của Anh, tích hợp nhiều kỹ thuật tiên tiến của Mỹ, sẽ được Anh và Úc Ðại Lợi chế tạo và khai triển. Các tàu ngầm nguyên tử SSN AUKUS, kết quả hợp tác Mỹ-Anh-Úc, dự kiến sẽ được khai triển từ cuối thập niên 2030, hoặc đầu thập niên 2040.

Trong buổi ra mắt kế hoạch tàu ngầm nguyên tử hôm qua tại San Diego, Hoa Kỳ, không có ai trong số 3 lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng là đối tượng nhắm đến của liên minh AUKUS (Mỹ-Anh-Úc). Tổng thống Joe Biden khẳng định mục tiêu của liên minh là để bảo đảm "khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở". Đây là một diễn đạt quen thuộc trong ngoại giao của nước Mỹ nhằm lên án tham vọng của Trung Quốc.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, khó bị phát giác, có thể di chuyển qua các quãng đường lớn trong thời gian dài, và có thể mang theo các phi đạn liên lục địa tối tân, là một thách thức lớn đối với tham vọng của Trung Quốc tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Hôm nay, 14/3, trong một cuộc trả lời họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vương Văn Bân (Wang Wenbin), đã lên án dữ dội kế hoạch của AUKUS: "Ba quốc gia này đang dấn sâu vào một con đường sai lầm và nguy hiểm, vì lợi ích địa chính trị của riêng họ, bất chấp hoàn toàn các quan ngại của cộng đồng quốc tế".

Về tác động của dự án tàu ngầm Mỹ, Anh, Úc, chuyên gia Mathieu Droin Pháp, khách mời của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CISR), ở Hoa Thịnh Ðốn, cho biết thêm:

"Thách thức từ phía Trung Quốc là thách thức mang tầm cỡ thế kỷ. Theo quan điểm này, quan hệ đối tác chiến lược và an ninh mà Hoa Kỳ đã đúc kết với Anh và Úc Ðại Lợi là quan hệ hợp tác đặt ra những mục tiêu cao nhất, xét về phương diện năng lực quân sự. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ biết rõ hơn về nội dung của quan hệ đối tác này, và chắc chắc là điều này sẽ được theo dõi sát sao từ phía các tác nhân khác, các tác nhân tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Chắc chắn là trong đó có Trung Quốc, nhưng cũng có cả các nước khác. Trong số các nước này, có những nước chia sẻ các lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực, nhưng không muốn tham gia trực tiếp vào đối tác AUKUS, tôi nghĩ đến Nhật Bản, Đài Loan. Và cũng có cả các tác nhân khác, họ có thể có những dè dặt, lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng mà đối tác Mỹ-Anh-Úc như trên có thể gây ra. Tôi nghĩ đến các nước như Nam Dương, Mã Lai Á, thậm chí là cả Ấn Độ".


Bắc Hàn Tiếp Tục Thử Phi Đạn Để Huấn Luyện 'Tiêu Diệt Kẻ Thù'


- Các vụ phóng phi đạn mới nhất của Bắc Hàn là một cuộc tập trận quân sự được thiết kế để huấn luyện các phi hành đoàn thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào và 'tiêu diệt kẻ thù' nếu cần, truyền thông nhà nước KCNA loan tin hôm 14/3/2023.

Bắc Hàn bắn hai phi đạn-đạn đạo tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía Đông, quân đội Nam Hàn cho biết vào thời điểm đó. Đây là vụ thử mới nhất trong số các vụ thử vũ khí của Bắc Hàn trong lúc Nam Hàn và Hoa Kỳ tiến hành cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trong nhiều năm.

Vụ phóng này là 'tập trận trình diễn' và 2 phi đạn-đạn đạo chiến thuật đất đối đất được bắn từ gần bờ biển phía Tây ở tỉnh Nam Hwanghae, bay khoảng 611 cây số trước khi đánh trúng mục tiêu trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía Đông, KCNA xác nhận.

Vẫn theo truyền thông Bắc Hàn, chỉ huy đơn vị quyết tâm hoàn toàn có khả năng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tấn công hỏa lực bất cứ lúc nào bằng cách tăng cường hơn nữa việc huấn luyện của mọi đại đội tấn công hỏa lực.

Sự việc diễn ra trong lúc cuộc tập trận chung 'Lá chắn Tự do 23' kéo dài 11 ngày của Mỹ-Hàn đang được tiến hành. Đây là cuộc tập trận chung lớn nhất của hai nước sau nhiều năm.

Bình Nhưỡng lên án cuộc tập trận Mỹ-Hàn là diễn tập xâm lược và là bằng chứng cho chính sách thù địch của Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn.

Mỹ, Hàn nói rằng các cuộc tập trận chung của họ là cần thiết để ngăn chặn Bắc Hàn, quốc gia đã phóng số phi đạn kỷ lục trong năm qua và, theo quan sát, đang sửa chữa tại địa điểm thử vũ khí nguyên tử.

Quân đội Nam Hàn 'kịch liệt lên án' Bắc Hàn và gọi các vụ phóng phi đạn lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.

Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích các vụ phóng của Bắc Hàn là vi phạm các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.


Hứa Hẹn Biến Chuyển Thời Cuộc! Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Thăm Nga Trong Tuần Tới!

- Hãng tin Anh Reuters ngày 14/3/2023, dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự trù đến Nga gặp đồng nhiệm Vladimir Putin ngay trong tuần tới.

Kế hoạch đi Nga của lãnh đạo Trung Quốc dường như diễn ra sớm hơn dự kiến ban đầu. Hãng thông tấn Nga Tass hôm 30/1 loan báo, Tổng thống Vladimir Putin đã mời Tập Cận Bình đến thăm Nga vào mùa Xuân. Trong tháng 2/2023, báo Mỹ Wall Street Journal còn nêu chi tiết chuyến công du có thể diễn ra trong tháng Tư hay đầu tháng Năm.

Chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây đưa ra một kế hoạch đàm phán hòa bình cho Ukraine. Do Trung Quốc hậu thuẫn Nga, phương Tây đón nhận sáng kiến này với nhiều hoài nghi, trong khi Kyiv quan tâm, muốn biết rõ hơn ý định của Bắc Kinh.

Hiện tại, Ðiện Cẩm Linh chưa có bình luận gì về chuyến đi Nga của ông Tập Cận Bình. Các nội dung chính cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung cũng không được tiết lộ.

Nga và Trung Quốc, vào tháng 2/2022, vài tuần trước khi diễn ra cuộc xâm lược Ukraine, đã đúc kết một mối quan hệ đối tác "vô biên". Cả hai nước không ngừng khẳng định sự bền vững của mối quan hệ.

Theo nhiều nguồn thạo tin được Wall Street Journal trích dẫn hôm qua, 13/3, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Tập Cận Bình rất có thể sẽ có cuộc điện đàm đầu tiên với đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Cũng theo Reuters, hôm 13/3 trong cuộc họp báo liên quan đến Thỏa thuận An ninh "AUKUS", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết dự trù sớm gặp đồng nhiệm Trung Quốc nhưng không cho biết thêm chi tiết.


Mỹ Ngân Hàng Mỹ SVB Phá Sản: Làm Giới Kỹ Thuật Trung Quốc Lo Sợ!

- Vụ Silicon Valley Bank (SVP) sụp đổ đang làm dấy lên nỗi lo sợ tại Trung Quốc vì ngân hàng có trụ sở tại California Hoa Kỳ này được giới kỹ thuật sinh học biết đến rất nhiều. Đối tác Trung Quốc của SVB rất có thể sẽ rút lại cổ phần trong chi nhánh ngân hàng Mỹ ở Trung Quốc.

Thông tín viên Stephane Lagarde của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ở Bắc Kinh tường trình:

"Hôm qua, 13/3/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc liên tục ra thông cáo trấn an về rủi ro vướng phải với ngân hàng Mỹ. Beigene, một trong những hãnh dược lớn nhất Trung Quốc, chuyên về các bệnh ung thư khẳng định có hơn 175 triệu Mỹ kim tiền gởi không bảo đảm tại SVB. Số tiền này chiếm khoảng 3,9% nguồn vốn nhưng tập đoàn nghĩ không có những tác động đáng kể cho hoạt động của hãng.

Tình hình cũng tương tự tại hãng Zai Lab, một hãng dược khác chuyên bào chế các thuốc điều trị ung thư, có các cơ sở tại Thượng Hải và San Francisco. Hãng này có 23 triệu Mỹ kim tiền "ảo" gởi ở SVB. Những lời trấn an này được đưa ra vào lúc sáng sớm thứ Sáu (10/3), khi thức giấc là một sự hoảng loạn. Bởi vì, trước đó, hôm thứ Năm, suốt đêm ở Trung Quốc, 42 tỉ Mỹ kim đã bốc hơi khỏi két sắt của SVB.

Giống như ngân hàng HSBC với chi nhánh của SVB tại Anh, chi nhánh ngân hàng Mỹ ở Trung Quốc có thể sẽ bị đối tác Trung Quốc Shanghai Pudong Development Bank mua lại. Xin lưu ý là việc SVB sụp đổ đã khiến nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc rơi vào ngõ cụt tài chánh. Định chế bị phá sản này trên thực tế là chiếc cầu nối cho các hãng hoạt động giữa Trung Quốc và Mỹ".


Mỹ, Phi Luật Tân Tổ Chức Cuộc Tập Trận Thường Niên Lớn Nhất Từ Trước Đến Nay


(Hình: Các xe đổ bộ chở lính Mỹ và Phi Luật Tân tham gia tập trận chung "Balikatan 2019" hồi tháng 4/2019 ở tỉnh Zambales, Phi Luật Tân.)

- Mỹ và Phi Luật Tân sẽ tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay vào tháng tới, một phát ngôn viên của cuộc tập trận thường niên cho biết hôm thứ Ba (14/3/2023). Sự kiện này làm nổi bật thực tế là mối quan hệ giữa Manila với cường quốc phương Tây được cải thiện dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos (con).

Năm nay, cuộc tập trận "Balikatan" (kề vai sát cánh) diễn ra trong bối cảnh Phi Luật Tân gọi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là "hung hăng".

Theo Đại tá Michael Logico, chỉ huy trung tâm huấn luyện của quân đội Phi Luật Tân và là phát ngôn viên cho cuộc tập trận, sự kiện này sẽ được tổ chức từ ngày 11-28/4, có 17.600 người tham gia từ cả hai bên, trong đó có khoảng 12.000 người từ phía Hoa Kỳ, và lần đầu tiên sẽ có "các cuộc diễn tập bắn đạn thật xuống nước".

"Đây chính thức là cuộc tập trận Balikatan lớn nhất", ông Logico nói.

Trước đó, cuộc tập trận chung lớn nhất diễn ra vào năm 2015 với hơn 11.000 binh sĩ tham gia.

Cuộc tập trận có quy mô lớn hơn được lên lịch sau khi có quyết định của Tổng thống Marcos hồi tháng trước cho Hoa Kỳ được tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của đất nước ông, trong khi đó, Trung Quốc cho rằng điều đó sẽ làm giảm mực độ ổn định trong khu vực.

Về khả năng cuộc tập trận chung sẽ khiến cho Trung Quốc tức tối hơn, ông Logico nói: "Chúng tôi có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình, đó là quyền tối cao, không thể tước bỏ. Chúng tôi hiện diện để chứng tỏ rằng chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu".

Cuộc tập trận Balikatan sẽ được thực hiện ở một số tỉnh, bao gồm cả Palawan, gần Biển Đông. Ông Logico cho biết thêm cũng sẽ có khoảng 111 người thuộc lực lượng quốc phòng Úc Ðại Lợi tham gia cuộc tập trận, mặc dù họ sẽ chỉ tham gia giới hạn vào "các cuộc tập trận trên bộ có quy mô nhỏ hơn".


Sợ Ảnh Hưởng Chung Đến nền Kinh Tế! Vụ Ngân Hàng Mỹ SVB Phá Sản: Tổng Thống Biden Đích Thân Trấn An Dân Chúng

- Tiếp theo các biện pháp được Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đưa ra, Tổng thống Joe Biden hôm 13/3/2023 đã trực tiếp trấn an dân chúng sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Sillicon Valley (SVB), nhằm tránh hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền, có nguy cơ kéo nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng tài chánh lớn tương tự như năm 2008.

Thông tín viên David Thomson của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Miami:

"Tổng thống Joe Biden có một bài phát biểu trên truyền hình vào sáng sớm hôm nay để xua tan những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lan rộng. Đây là một dấu hiệu cho thấy Tòa Bạch Ốc đang xem xét rất nghiêm túc vụ phá sản của ngân hàng California chuyên về lĩnh vực kỹ thuật. Tổng thống Biden bảo đảm: "Người dân Mỹ có thể tin tưởng vào sự vững chắc của hệ thống ngân hàng".

Ngay sau khi có thông báo Ngân hàng Sillicon Valley phá sản vào thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho chính quyền kiểm soát toàn bộ tài sản của ngân hàng này. Sáng hôm nay, nguyên thủ Mỹ trấn an khách hàng của SVB: "Tiền gửi của quý vị có sẵn khi quý vị cần". Tổng thống Mỹ nói rõ: các doanh nghiệp nhỏ có thể yên tâm, họ có đủ tiền để trả lương cho nhân viên và các hóa đơn. Ông Biden cũng nhấn mạnh là các lãnh đạo của Ngân hàng SVB sẽ bị sa thải, và phải trả giá về việc này.

Nhiều biện pháp tương tự cũng đã được chính quyền Mỹ đưa ra sau vụ phá sản trong tuần qua của hai ngân hàng khác chuyên về tiền điện tử. Hiện tại, không có gì đáng lo ngại trên thị trường Mỹ. Bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Joe Biden thậm chí còn cho phép thị trường tài chánh Wall Street hồi phục nhẹ. Ông Biden kêu gọi Quốc hội điều tiết nhiều hơn nữa lĩnh vực ngành ngân hàng. Sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, và sự phá sản của ngân hàng Lehman Brothers, các quy định pháp lý với ngành ngân hàng đã được siết chặt, nhưng dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, các quy định đã bị nới lỏng trở lại".

Về phía Âu Châu, theo AFP hôm nay (14/3), các lãnh đạo kinh tế tài chánh Âu Châu cũng lên tiếng trấn an. Phát biểu trước một cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chánh khu vực đồng Euro, ủy viên Liên Hiệp Âu Châu phụ trách kinh tế, ông Paolo Gentiloni, khẳng định các vụ phá sản của ngân hàng Mỹ không tác động trực tiếp đến Âu Châu.

Không có nhận xét nào: