Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Có một phụ nữ Việt ở Dharamsala - Phúc An


Kim Ngọc – cô gái Việt hiếm hoi trên đất Phật Dharamsala.
Dharamsala là một thị trấn nhỏ thuộc quận Kangra của bang Himachal Pradesh, nằm ở miền Bắc Ấn Độ. Dharamsala cách New Delhi 485km vốn là một thị trấn lặng lẽ, bình yên và ít ai biết đến trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Nhưng từ năm 1959, nơi này trở thành một địa điểm mà thế giới quan tâm: Đức Dalai Lama thứ XIV, người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng đã lưu vong ở đây sau khi chính quyền Trung Quốc xua quân chiếm Tây Tạng.
<!>


Một buổi giảng pháp của Đức Dalai Lama với các Phật tử Việt Nam

Ngày nay Dharamsala được mệnh danh là Lhasa thu nhỏ (Lhasa là thủ phủ của Tây Tạng) với khoảng 120,000 người Tây Tạng sinh sống và cũng là trụ sở của chính quyền lưu vong Tây Tạng và Hội đồng Dân cử Tây Tạng (tương đương với Quốc hội). Dharamsala trở thành nơi mà nhiều người tìm đến định cư sau khi họ bỏ trốn khỏi vùng đất Tây Tạng vì chính sách đàn áp của chính quyền Trung Quốc.
Ngày nay nhiều tín đồ Phật giáo tại Việt Nam đã quen thuộc với Dharamsala bởi những buổi giảng pháp của Đức Dalai Lama XIV. Không ít Phật tử Việt đã đến đây trực tiếp dự những pháp hội hàng năm. Tuy nhiên Dharamsala đối với phần đông người Việt ở khắp năm châu vẫn là nơi ẩn chứa nhiều huyền thoại kỳ bí. Nhưng Dharamsala, với một phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn, dễ mến, thì không phải là vùng đất bí ẩn. Với Nguyễn Kim Ngọc, đây là quê hương thứ hai, là ngôi nhà thân yêu, nơi gia đình cô sinh sống.

Câu chuyện bắt đầu từ mười năm trước, khi Nguyễn Kim Ngọc làm luận án tiến sĩ với đề tài Phật giáo. Cô sinh năm 1987, sống ở Hà Nội trong một gia đình trí thức, và lẽ ra cô sẽ bảo vệ luận án, sau đó tiếp tục nghiên cứu hoặc đi dạy. Nhưng có hai sự kiện khiến cuộc đời cô rẽ sang một bước ngoặt hoàn toàn khác.


Kim Ngọc cùng con trai và con dê cưng

Sự kiện thứ nhất là chuyến du lịch một mình đến Ấn Độ. Chuyến đi kéo dài gần hai tháng, lãng du qua nhiều vùng đất, đắm mình trong bầu không khí của một đất nước duy linh, khiến cô gái trẻ Kim Ngọc hiểu được rằng nghiên cứu Phật giáo không đơn thuần là trở thành một tín đồ thành kính; nghiên cứu Phật giáo cũng không chỉ là tìm hiểu kinh điển hay khảo sát, chiêm bái chùa chiền. Nghiên cứu Phật giáo còn là sống, hít thở, trải nghiệm với những hoạt động tôn giáo, là tự mình thực hành nghi lễ và sống với niềm tin. Sau chuyến đi đó, khi trở về Việt Nam, một cơ duyên đã khiến cho Kim Ngọc giành được một học bổng học tiếng Tạng ở Dharamsala năm 2015.

Tạm gác chuyện học hành và làm luận án tiến sĩ, Kim Ngọc sang Dharamsala với mong muốn không chỉ học tiếng Tạng mà còn học đạo. Chuyến du học ban đầu dự tính hai năm nhưng cuối cùng kéo dài vô thời hạn. Tại Dharamsala, Kim Ngọc đã gặp tình yêu của đời mình là một chàng trai Tây Tạng, sinh ra trong một gia đình lưu vong trên đất Ấn. Kim Ngọc ở lại Dharamsala, lập gia đình, sinh cậu bé trai đặt tên là Nordup.

Cộng đồng người Việt ở Dharamsala rất ít ỏi, thường chỉ vài chục người, chủ yếu là các nhà sư đi tu học. Không ai định cư ở Dharamsala lâu dài và lập gia đình với người bản địa như Kim Ngọc. Nếu gặp Kim Ngọc ngoài đời, không nghe cô nói tiếng Việt, mà chỉ nghe nói tiếng Tạng, cùng với trang phục, cử chỉ, có lẽ mọi người đều lầm tưởng cô là một phụ nữ Tạng chính cống. Tuy nhiên, khi đặt chân đến ngôi nhà ấm cúng có tuổi đời đã một trăm năm, ở ngay trung tâm thị trấn Dharamsala, với lối bài trí đặc thù kiểu Tây Tạng, khách khứa sẽ thấy bầu không khí quê hương Việt Nam vẫn phảng phất.

Kim Ngọc chuẩn bị một chuyến đi phát quà từ thiện

Kim Ngọc là một phụ nữ khéo tay. Ngoài việc nấu những món ăn kiểu Tây Tạng và Ấn, Kim Ngọc còn có thể chiêu đãi khách những món như phở Bắc hoặc gỏi cuốn kiểu miền Nam. Dịp Tết Âm lịch truyền thống của người Việt, Kim Ngọc gói bánh chưng, làm dưa món. Rằm Tháng Tám thì cô làm bánh trung thu. Cô còn làm tré Huế, bún bò; làm tương, chao… Dharamsala nằm ngay trên dãy Himalaya hùng vĩ, nơi mà mở cửa sổ ra là thấy núi, mây và tuyết trước mặt. Tây Tạng nổi tiếng với món trà bơ nhưng Kim Ngọc có thú vui là nhâm nhi trà sen Việt bên khung cửa, ngắm núi non.

Khi quyết định chọn Dharamsala làm quê hương thứ hai, Kim Ngọc cũng từ bỏ việc làm luận án tiến sĩ về Phật giáo ở Việt Nam. Tôi hỏi cô, có hối tiếc không. Kim Ngọc trả lời: Không hối tiếc bởi vì cô xem sự thay đổi này là một duyên lành và đây mới là cuộc sống mà cô thật sự mong muốn. Tôi nghĩ đến một quan niệm mà đại văn hào Đức Johann Wolfgang von Goethe từng nói: “Mọi lý thuyết đều xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Có lẽ với Kim Ngọc, cuộc sống ở Dharamsala là cây đời xanh tươi và hạnh phúc hơn là những trang luận án khô khan, lý thuyết.


Ngôi nhà đơn sơ của Kim Ngọc

Từ bỏ học vị tiến sĩ và từ bỏ luôn một tương lai có lẽ êm ấm, thành đạt, Kim Ngọc chọn một cuộc sống khác hẳn. Cô học tiếng Tây Tạng, học cách sống, văn hóa Tây Tạng; đồng thời cũng nghiên cứu sâu về Phật giáo Tây Tạng. Thời gian rảnh, bên cạnh việc chăm sóc gia đình nhỏ cùng với thú cưng là con dê Lạc Dương, Kim Ngọc thường đi du lịch khắp Ấn Độ với chồng con, tìm đến những miền đất mới với những khát khao khám phá.

Chồng Kim Ngọc là một anh chàng yêu và cưng vợ vô điều kiện. Nhờ công việc nghiên cứu và chồng lại làm việc cho chính phủ lưu vong Tây Tạng, Kim Ngọc thường xuyên tiếp xúc với Đức Dalai Lama và nghe Ngài giảng pháp. Kim Ngọc còn được biết đến không chỉ là một phụ nữ Việt lấy chồng Tây Tạng mà còn là nhà hoạt động xã hội đóng góp cho cộng đồng, từ làm từ thiện đến giúp phiên dịch cho người Việt sang du học, giới thiệu văn hóa Việt trên đất Ấn…
Trong đại dịch Covid vừa rồi, khi Ấn Độ ở giai đoạn khủng hoảng nhất và Drahamsala cũng bị ảnh hưởng nặng nề, Kim Ngọc đã đứng ra làm đại diện cho đầu cầu Ấn Độ thực hiện chương trình Napkins for Dharamsala, tặng băng vệ sinh cho phụ nữ ở Dharamsala. Theo thống kê, dân số nơi đây khoảng 140,000 người, trong đó 67,000 phụ nữ, 70% dân sống ở nông thôn.


Món phở và gỏi cuốn do Kim Ngọc làm

Một băng vệ sinh là 5 rupees, giá lương thực được trợ giá của chính phủ thì 3 rupees/1kg gạo; 2 rupees/1kg bột mì. Đặt lên bàn cân, người phụ nữ nghèo sẽ chấp nhận mua lương thực cho gia đình, còn bản thân thì chịu đựng sự mất vệ sinh. Thậm chí nhiều em thiếu nữ phải nghỉ học vì “quá bẩn”. Khi phát động chương trình này, Kim Ngọc cùng chồng đi nhiều nơi, đến những khu nhà ổ chuột, các tu viện nữ, phát tận tay không chỉ băng vệ sinh mà còn lương thực cho phụ nữ nghèo và ni cô.

Nếu như có dịp đến Dharamsala, dù du lịch hay nghe Đức Dalai Lama giảng pháp, hãy dành chút thời gian ghé thăm ngôi nhà mang màu sắc hòa hợp văn hóa Tạng-Việt của gia đình Kim Ngọc. Nếu Dharamsala là một tiểu Tây Tạng trên đất Ấn, bạn sẽ thấy có một góc nhỏ Việt Nam ở vùng đất tiểu Tây Tạng này. Hàng trăm năm qua, người Việt Nam đã định cư ở khắp năm châu bốn bể, từ những thành phố lớn phồn hoa bậc nhất thế giới cho đến những chốn hẻo lánh, hoang vu, song có lẽ ít ai, như Kim Ngọc, lại gắn bó đời mình với một miền đất đặc biệt như miền đất Phật Dharamsala.

Bài và ảnh: Phúc An

Không có nhận xét nào: