Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Chúc Mừng Sinh Nhật! Tin Liên Quan Đến Phụ Nữ Quyền Và Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tất Cả Quý Anh Chị Em Trong Văn Thơ Lạc Việt Đặc Biệt Chúc Mừng:
ĐẠI LÃO THI SĨ TRẦN CÔNG – LÃO MÃ SƠN
(nguyên Trung Tá Lực Lượng Cảnh Sát VNCH)
Ông là một Nhà Thơ VN cao tuổi nhất tại Hải ngoại!
Hôm nay đúng là Ngày Sinh Nhật! Happy Birthday!
<!>


Kính Chúc Niên Trưởng Trần Công:
Thêm tuổi mới, thêm sức khỏe, thêm hạnh phúc, thêm niềm vui mới, sáng tác thi văn mới. Trẻ mãi không già! Sống lâu…2 trăm 


Và các văn thi hữu, cùng có thơ chúc mừng:

CHÚC MỪNG ĐẠI LÃO THI SĨ
TRẦN CÔNG – LÃO MÃ SƠN
Sinh Nhật, Đại Thọ 101 Tuổi
Ngày 10 Tháng 3 Năm 2023

Sinh nhật Huynh, trăm lẻ một niên!
Chúc mừng đại phúc, tự Cao Thiên.
Bút nghiên tô điểm nền văn hóa,
Cung kiếm oai phong nghiệp võ biền!
Cuộc thế thăng trầm, luôn tự tại,
Sự đời thành bại vẫn an nhiên.
Thân như cổ thụ, Tâm như Phật!
Thơ vẫn tuyệt vời hạ bút tiên.

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia



Bài Họa thơ của Nữ Sĩ Cao Mỵ Nhân

Kính Chúc Đại Th
TRẦN CÔNG LÃO TRƯỢNG
101 Mùa XUÂN Rực Rỡ

Tháng ba, hoa nở đẹp toàn niên
Lão Trượng Trần Công hưởng phước Thiên
Thắng cảnh, từng qua bao phố thị
Sa trường, đã trải khắp bưng biền
Đông tây hoan hỉ tình xa xứ
Nam bắc phiêu bồng lẽ tự nhiên
Kính chúc xuân vàng trăm lẻ một
Đại Huynh rực rỡ tuổi đào tiên ...

Cao Mỵ Nhân
Los Angeles, California 7-3-2023


Bài Họa:

CHÚC MỪNG SINH NHẬT
(Đại Thọ Cụ TRẦN CÔNG Lão MÃ SƠN 101 tuổi)

Ngày này sinh nhật rạng toàn niên
Trăm lẻ tuổi đời phước tại Thiên
Thi Sĩ tô bồi đẹp đạo nghĩa
Chinh nhân gìn giữ vẹn bưng biền
Công danh thay đổi luôn thanh thản
Sự nghiệp xoay vần vẫn tự nhiên
LÃO MÃ SƠN sừng sững đại thọ
TRẦN Quân nho nhã sánh hàng tiên

Cam thành March 9th, 2023
Tha Nhân 
Kính họa chúc Mừng Đại thọ cụ Trần Công LÃO MÃ SƠN 101 tuổi)
của TS Trần Quốc Bảo



Tin Liên Quan Đến Ngày 8 Tháng 3!


Phụ Nữ Khắp Nơi Trên Thế Giới Tuần Hành Vì Nữ Quyền
- Đài Phát ThAnh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 8/3/2023, Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, trên khắp thế giới diễn ra các cuộc tuần hành để bảo vệ nữ quyền, cho đến giờ vẫn bị xâm phạm ở nhiều nước.
Trong ngày, có nhiều cuộc tập hợp biểu tình ở các thành phố lớn trên giới, trong đó có Madrid (Tây Ban Nha), nơi vẫn thường xuyên diễn ra các cuộc tuần hành khổng lồ trong dịp này.
Ngoài việc biểu thị quyết tâm đấu tranh vì quyền bình đẳng giới, Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là dịp để khắp nơi biểu lộ tình đoàn kết với thân phận của phụ nữ A Phú Hãn dưới chế độ Taliban hà khắc không có được một chút quyền cơ bản là tự do học hành và làm việc, với phong trào phản kháng của phụ nữ Iran sau cái chết của nữ sinh Mahsa Amini, nạn nhân của đạo luật hà khắc với phụ nữ. Đây cũng là dịp để phụ nữ khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự cảm thông với phụ nữ Ukraine đang phải chịu đựng những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh.

Theo các nhà tổ chức, các cuộc biểu tình của phụ nữ đòi “bình đẳng trong công việc và trong đời sống” sẽ được tổ chức ở 150 thành phố. Trong khi ở nhiều nơi khác, các cuộc biểu tình nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ quốc tế đã bị chính quyền cấm.

Một trong những mục tiêu đấu tranh của phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới hiện nay đòi được tự do nạo phá thai, một quyền đến nay vẫn bị cấm đoán, hoặc gây tranh cãi ở nhiều nước, kể cả những quốc gia phát triển và tự do như ở Mỹ, Hung Gia Lợi, Ba lan, hay Nhật Bản. Thông tín viên RFI, Bruno Duval từ thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận:

Tại Nhật Bản, nạo thai không được bảo hiểm xã hội thanh toán và phải được sự đồng ý trước của người chồng. Việc nạo phá thai chỉ được phép làm qua phẫu thuật, việc dùng thuốc xổ thai vẫn chưa được chấp nhận.

Còn đối với tránh thai khẩn cấp, tức dùng “viên tránh thai ngay”. Thuốc này không được bảo hiểm thanh toán cũng như không được bán tự do ở các cửa hiệu dược phẩm, nhất thiết phải có đơn của Bác sĩ. Mà đa số các phòng khám đều đóng cửa ngày cuối tuần, đây thực sự là vấn đề với các phụ nữ khi gặp phải hoàn cảnh khẩn cấp như vậy.

Tất cả những điều kiện như vậy khiến những phụ nữ ở Tokyo này cảm thấy sốc. Một phụ nữ cho biết: “Nạo thai phải được sự đồng ý của chồng là điều không thể chịu được. Thân thể là của chúng tôi, nên chúng tôi, những phụ nữ, phải được quyết định chứ”.

Một người khác nói thêm: “Sẽ tốt hơn nếu như Nhật là nước bớt lạc hậu hơn”. “Viên thuốc tránh thai ngay miễn phí không cần kê đơn Bác sĩ giống như ở nhiều nước khác sẽ giúp giảm nhiều việc nạo phá thai”.

Còn một phụ nữ khác thì không ủng hộ đòi hỏi này: “Có lẽ cho tự do tiếp cận loại thuốc này sẽ làm cho phụ nữ không thấy hết trách nhiệm của mình, khiến chúng ta coi nhẹ và không lo lắng về việc tránh thai”.
Đó cũng là suy nghĩ của 9 trên 10 Bác sĩ phụ khoa Nhật, theo các thăm dò dư luận. Và cũng là ý kiến chiếm đại đa số ở Nghị Viện Nhật, với thành phần 80% là nam giới. Sự mất cân bằng giới cũng tồn tại trong chính phủ, gồm 20 Bộ trưởng, trong đó tất cả chỉ có 2 là phụ nữ.


Giáo Hoàng: Cơ Hội Bình Đẳng Cho Phụ Nữ Là Chìa Khóa Cho Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn!


(Hình: Giáo hoàng Francis phát biểu hôm 5/3/2023.)

Thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Tư (8/3/2023), Giáo hoàng Francis lên án bạo lực và thành kiến đối với phụ nữ, nói rằng việc trả lương và mang lại cơ hội bình đẳng cho nữ giới có thể giúp tạo ra một thế giới hòa bình và bền vững hơn.
Trong lời tựa cuốn sách do trang Vatican News phát hành vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa phái nam và phái nữ song ngài cũng kêu gọi “bình đẳng trong đa dạng” trên “một sân chơi rộng mở cho mọi người”.

“Tôi nghĩ rằng nếu phụ nữ có thể được hưởng sự bình đẳng hoàn toàn về cơ hội, họ có thể đóng góp đáng kể vào sự thay đổi cần thiết hướng tới một thế giới hòa bình, hòa nhập, đoàn kết và bền vững toàn diện”, Giáo hoàng nói.


Ngài cũng đề cập ngắn gọn đến Ngày Phụ nữ vào cuối buổi giảng đạo hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô (St. Peter) hôm 8/3, đề nghị đám đông dành “một tràng pháo tay cho tất cả phụ nữ, vì họ xứng đáng được như vậy”.
Từ trước đến nay, ngài lên án sự phân biệt đối xử với phụ nữ, nhưng giống như những người tiền nhiệm của mình, ngài loại trừ khả năng có một nữ giáo sĩ. Giáo hội Công giáo dạy rằng chỉ đàn ông mới có thể trở thành linh mục vì Chúa Giêsu đã chọn đàn ông làm tông đồ của mình.

“Suy nghĩ của phụ nữ khác với đàn ông”, ngài viết trong lời tựa cho cuốn sách mang tên More Women’s Leadership for a Better World (tạm dịch: “Nữ giới lãnh đạo nhiều hơn vì một thế giới tốt đẹp hơn).
“Họ chú ý hơn đến việc bảo vệ môi trường, cái nhìn của họ không hướng về quá khứ mà hướng đến tương lai”, ngài nói.

“Phụ nữ biết rằng họ sinh con trong đau đớn để đạt được một niềm vui lớn lao: mang lại sự sống và mở ra những chân trời mới rộng lớn. Đó là lý do tại sao phụ nữ luôn muốn bình yên”, vẫn lời ngài.

Ngài cho rằng phụ nữ cần được trả thù lao bình đẳng với nam giới cho các công việc ngang nhau và mô tả khoảng cách lương bổng đang diễn ra là “một sự bất công nghiêm trọng”.
Giáo hoàng lên án nạn bạo lực đối với phụ nữ, mà ngài gọi là một thứ “dịch bệnh”, và ngài nhắc lại lời phát biểu của mình vào năm 2021 khi ngại gọi đó là “vết thương chẳng lành là hậu quả của thứ văn hóa áp bức có tính chất gia trưởng và trọng nam”.

Giáo hoàng Francis bổ nhiệm một số phụ nữ vào các vai trò quản lý kể từ khi ông nhậm chức Giáo hoàng, và phát biểu hồi năm 2022 rằng “mỗi khi một phụ nữ được giao một vị trí (có trọng trách) ở Vatican, mọi thứ sẽ được cải thiện”.


RSF: Phạm Đoan Trang Là Một Trong 73 Nhà Báo Nữ, Bị CSVN Chà Đạp Quyền Tự Do, Phải Đón 8/3 Sau Song Sắt Nhà Tù!


(Hình: Nhà báo Phạm Đoan Trang.)
- Nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang thuộc số 73 nữ phóng viên phải đón ngày 8/3 trong nhà tù. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố như vừa nêu vào ngày 8/3/2023.

Thông cáo báo chí của RSF nêu rõ, tại Việt Nam tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, người từng được tổ chức này trao giải Tác Động năm 2019, bị chuyển đến nhà tù cách gia đình bà chừng 1.000 cây số về phía Nam. Đây là biện pháp của Chính phủ Hà Nội nhằm ém nhẹm tất cả mọi thông tin về tình hình sức khỏe của bà trong tù mà được nói nghiêm trọng.

Bà Phạm Đoan Trang được RSF đưa vào nhóm tù nhân nữ đang phải đối mặt với tình trạng ngược đãi, bị tước đoạt quyền được chăm sóc y tế, và đối mặt cái chết từ từ trong nơi giam cầm.

Hiện bà Phạm Đoan Trang đang phải thụ án chín năm tù tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương theo cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”.

Vào tháng 10 năm 2022, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Tường Thụy, sau chuyến thăm chồng đến Trại An Phước về, cũng chia sẻ một số thông tin có được về Phạm Đoan Trang. Đó là sức khỏe của bà Trang không được ổn, chân sưng phù khi ra gặp gia đình phải có xe của trại chở ra.


Tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, 45 tuổi, từng là phóng viên cộng tác cho một số tờ báo Nhà nước Việt Nam. Sau nghỉ làm việc tại các cơ quan này, bà trở thành nhà báo tự do, tham gia hoạt động cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận. Bà là tác giả của một số cuốn sách như “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”. Bà cũng tham gia thực hiệm một số báo cáo song ngữ Việt-Anh về các sự việc, trong đó có báo cáo về vụ mấy ngàn cảnh sát cơ động và lực lượng chức năng tấn công vào làng Đồng Tâm hồi tháng 1/2020.

Bà Phạm Đoan Trang đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Gia Nã Ðại, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hòa Séc), Giải thưởng Tác Động năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Giám sát Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), và Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) đã kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang.


Anh và Việt Nam Hứa Hợp Tác Chống Nạn Buôn Người! Phần Đông Là Phụ Nữ Qua Nhiều Hình Thức Buôn Bán Trá Hình!


(Hình: Đặc phái viên về Di cư, Nô lệ hiện đại và Mua bán người của chính phủ Anh, ông Andrew Patrick, đến thăm Việt Nam hôm 7/3/2023.)

- Đặc phái viên về Di cư, Nô lệ lao động, tính dục, hiện đại và Mua bán người của chính phủ Anh, ông Andrew Patrick, vừa có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên trong hai ngày 6 và 7/3/2023 vừa qua nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc chống nạn buôn người.

Báo Nhà nước cho biết, nhân chuyến thăm này, ông Patrick đã có cuộc gặp với Bộ Công an CSVN để thảo luận về việc đánh giá lại Bản ghi nhớ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về hợp tác phòng, chống mua bán người được ký kết năm 2018.

Ông Patrick cũng gặp đại diện Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong việc nâng cao năng lực, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân của nạn mua bán người.

Anh Quốc là nơi có nhiều người Việt tìm cách nhập cư lậu để làm việc bất hợp pháp trong các năm qua. Nhưng câu chuyện của họ chỉ khiến thế giới chú ý nhiều hơn sau khi giới chức Anh vào tháng 10/2019 phát giác một xe container đông lạnh chở 39 người Việt nhập cư lậu vào Anh. Cả 39 người này đã chết ngạt trên xe khi bị phát giác. Trong số những người chết có hai trẻ em ở độ tuổi 15.


Những người này đã phải phải trả chi phí hàng ngàn Mỹ kim mỗi người cho một chuyến đi lậu từ Âu Châu vào Anh như vậy.


Tin Thêm: Đặc Phái Viên Anh Thăm Việt Nam, Thúc Đẩy Hợp Tác Phòng, Chống Mua Bán Người, Nhất Là Phụ Nữ Việt!


(Hình: Một biểu ngữ kêu gọi ngăn chặn tệ nạn buôn người ở Việt Nam.)
Ông Andrew Patrick, Đặc phái viên về Di cư, Nô lệ hiện đại và Mua bán người của Vương quốc Anh, đã có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trong tuần này, từ ngày 6 tới 7/3/2023.

Tòa Ðại sứ Anh cho biết rằng chuyến thăm diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, cũng như kỷ niệm 5 năm thực hiện Bản ghi nhớ về Hợp tác phòng, chống mua bán người giữa hai nước.

Tin cho hay, tại Hà Nội, Đặc phái viên Patrick đã có buổi làm việc với các cán bộ cấp cao của Bộ Công an CSVN để thảo luận về việc đánh giá lại Bản ghi nhớ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về hợp tác phòng, chống mua bán người được ký kết năm 2018.

Việc đánh giá này được coi là “một bước thiết yếu hướng tới quan hệ đối tác lâu dài của hai nước trong việc giải quyết tội phạm nghiêm trọng có tổ chức, đặc biệt là nạn mua bán người”, theo Tòa Ðại sứ Anh.
“Phòng, chống di cư bất hợp pháp và nô lệ hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Vương quốc Anh. Tôi rất vinh dự được có mặt tại Hà Nội để thúc đẩy ưu tiên này thông qua các cuộc thảo luận hiệu quả với các đối tác Việt Nam. Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam trong việc ngăn chặn và đấu tranh với nạn di cư bất hợp pháp và tình trạng nô lệ hiện đại, đặc biệt trong việc tăng cường chia sẻ thông tin, truy tố những kẻ phạm tội và bảo vệ những người dễ bị tổn thương”, ông Andrew Patrick nói, theo Tòa Ðại sứ Anh.

Chị Bùi Ngọc Thúy, thành viên của Hội Người Việt ở Vương quốc Anh, nói với Ban tiếng Việt của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng chuyến thăm lần đầu tiên của ông Patrick tới Việt Nam là một diễn biến tích cực trong việc hợp tác phòng chống buôn bán người giữa hai nước.

Chị nói thêm: “Khi mà đã có sự kết hợp ở tầm chính phủ, ở tầm quốc gia, giữa hai nước, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có các biện pháp mạnh được thực thi. Còn việc các biện pháp của chính phủ, giữa chính phủ có mạnh hay không, có quyết liệt hay không và nó hiệu quả đến mức độ nào, tôi cũng nghĩ là có sự hợp tác thì tất nhiên nó sẽ hiệu quả hơn”.

Theo Tòa Ðại sứ Anh, Đặc phái viên Vương quốc Anh Andrew Patrick cũng đã có cuộc gặp với Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong việc nâng cao năng lực, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân của nạn mua bán người.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Patrick diễn ra ở thời điểm đã được 4 năm sau sự kiện 39 người Việt thiệt mạng trong thùng xe vận tải đông lạnh trong khi tìm cách đi vào Anh bất hợp pháp.

Chị Bùi Ngọc Thúy nói với VOA tiếng Việt rằng sự việc này cộng với việc tuyên truyền “chắc chắn có tác động” lên tâm lý của những người Việt muốn tìm đường sang Anh trái phép.
Chị nói tiếp: “Người ta sẽ phải suy nghĩ lại rất nhiều do công tác tuyên truyền đấy, vừa là công tác tuyên truyền từ chính phủ ở Việt Nam đối với người dân, vừa là công tác tuyên truyền của cộng đồng người Việt Nam ở bên Anh [đối với] họ hàng ở Việt Nam. Bây giờ ở bên Anh làm ăn khó khăn, sang đây luật thì thay đổi, sang bên này cũng rất khó để mưu sinh, thì vậy người nhà cân nhắc có nên đi hay không, có nên bỏ một số tiền để mạo hiểm cuộc sống của mình với công việc như thế không, rất là khó khăn”.

Tin cho hay, trong buổi làm việc với Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Đặc phái viên Patrick “nhấn mạnh những tác động tích cực” của Chương trình Phòng, chống Nô lệ hiện đại tại Việt Nam đã được khai triển từ năm 2019 với sự hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Anh.

Tòa Ðại sứ Anh cho biết rằng chương trình đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng cho người dân Việt Nam về các nguy cơ di cư bất hợp pháp và góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia của Việt Nam về Phòng, chống Mua bán người trong giai đoạn 2021-2025.


Người Việt Đi Lao Động Ngoại Quốc, Tăng Kỷ Lục Trong 2 Tháng Đầu Năm, Cô Dâu Đài Loan Là Điểm Đến Đứng Đầu.


(Hình: Một nhóm công nhân xuất cảng lao động từ Việt Nam sang Nam Hàn. Xuất cảng lao động được xem là một lĩnh vực góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngoại tệ cho Đảng CS Việt Nam.)
- Gần 15.000 lao động Việt Nam đã đến Đài Loan trong 2 tháng đầu năm 2023, có rất nhiều phụ nữ Việt, chiếm một nửa trong tổng số 28.429 công nhân Việt Nam đi làm việc ở ngoại quốc, một số lượng cao gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê của chính phủ Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2023, Đài Loan là thị trường lớn nhất của lao động Việt Nam nhập cư, với 14.609 lao động đến Đài Loan, tiếp theo là Nhật Bản với hơn 12.000 người.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam dự kiến lượng công nhân xuất cảng sẽ từ 110.000 đến 120.000 người trong năm nay. Nhưng chỉ trong hai tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở ngoại quốc đã là hơn 28.000 người, đạt gần 26% so với kế hoạch năm 2023.

Bộ này nói rằng lao động Việt Nam ở ngoại quốc là nguồn lực quan trọng cho đất nước khi họ hồi hương, với sự cải thiện về “tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động” và trở thành “cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế”.

Thị trường việc làm Đài Loan được đánh giá là nơi mang lại thu nhập và điều kiện làm việc tốt cho người Việt Nam.
Xuất cảng lao động được xem là một lĩnh vực góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam.

Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2022, lao động Việt Nam đã có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề. Mỗi năm, Việt Nam đưa hơn 100.000 người đi làm việc ở ngoại quốc. Lượng kiều hối do lực lượng này về nước hàng năm vào khoảng hơn 3 tỉ Mỹ kim.


Nhân Ngày 8 Tháng 3, Quyền Năng Trong Chính Trị và Kinh Tế của Phụ Nữ Việt Nam Thế Kỷ 21
(Thanh Hà)


-Phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ 21 “vẫn phải ‘bán thân’, tức là bán khả năng chịu cực để đổi lấy miếng ăn”. Về chính trị hiểu theo nghĩa hẹp, tỷ lệ tham gia của nữ giới tại Việt Nam “không tệ” nhưng ở đỉnh cao quyền lực phụ nữ đóng góp những gì cho bình đẳng giới và “khi không thấy có thể hiện cho bình đẳng giới thì tỷ lệ đó có còn ý nghĩa gì nữa hay không”?

Trên đây là một số phân tích nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Trân Phượng nêu lên trong bài trả lời phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ của Đài Phát ThAnh Quốc Tế Pháp (RFI) nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 tháng 3. Giáo sư Phượng được mời thỉnh giảng tại học viện Collège de France-Paris từ ngày 9/3-8/6/2023 với chủ đề: Phụ Nữ Việt Nam: Quyền năng, văn hóa và đa căn tính-Femmes vietnamiennes: Pouvoirs, cultures et identités plurielles.
*****


RFI: Xin kính chào Giáo sư Bùi Trân Phượng, cảm ơn bà tham gia chương trình hôm nay để nói về những thách thức đối với phụ nữ Việt Nam ở đầu thế kỷ 21. Câu hỏi đầu tiên thưa bà, trong hai lĩnh vực kinh tế và chính trị, hiện tại nữ giới Việt Nam đang có một vị trí như thế nào?

Bùi Trân Phượng: “Tôi là người nghiên cứu lịch sử mà lịch sử thì nói chuyện quá khứ chứ không nói chuyện về hiện tại và tương lai. Quá khứ có những dữ liệu để khảo sát và lý giải. Nói về hiện tại thì phải hỏi các nhà xã hội học. Nhưng trong khuôn khổ chương trình giảng dậy ở Collège de France, tôi có một chủ định nói về quyền lực của phụ nữ Việt Nam. Đúng hơn, tôi dùng từ quyền năng của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Trong hiện tại, đúng là theo cái nhìn của một người nghiên cứu như tôi, tôi thấy là phụ nữ đứng trước nhiều cơ hội lớn và họ phải đối mặt với những thách thức cũng chưa từng có trong lịch sử. Cơ hội thì dễ thấy: tiếp cận học vấn, tham gia vào thị trường lao động trong nước hay ở ngoại quốc đối với phụ nữ chừng như là không còn có rào cản nữa. Có vẻ là như thế. Đứng về mặt pháp lý, Hiến pháp Việt Nam và các quy định pháp luật đều tôn trọng bình đẳng nam nữ, ít ra là trên lý thuyết”.

RFI: Giáo sư vừa nói đến những thách thức chưa từng có trong lịch sử Việt Nam mà phụ nữ phải đối mặt?

Bùi Trân Phượng: “Tôi nói đến những thách thức chưa từng có do về kinh tế thì rõ ràng là phụ nữ Việt Nam từng làm kinh tế từ ngàn xưa đến giờ. Kinh tế lớn nhất ngày xưa là nông nghiệp, nhất là nông nghiệp lúa nước với nét đặc thù là không thể nào bỏ qua lao động của phụ nữ và trẻ em (…) Bên cạnh nông nghiệp còn có mọi hoạt động thủ công trong thời kỳ nông nhàn (…) phụ nữ cũng tham gia tích cực. Chuyện phụ nữ tham gia kinh tế không có gì mới. Nhưng thách thức của bây giờ là những hoạt động không đòi hỏi trình độ học vấn cao chuyên nghiệp. Trong hoàn cảnh này, phụ nữ thường rất vất vả và mang về thu nhập thấp. Cho nên, phụ nữ có tham gia đó, nhưng để hưởng lợi lại, thì họ phả trả giá rất đắt. Thí dụ như trường hợp những người buôn gánh bán bưng; công nhân nữ ít qua đào tạo - hay chưa được đào tạo, để làm việc trong các nhà máy rất đông; lao động nhập cư nữ cũng thường là lao động ở trình độ thấp”.

RFI: Nữ giới ở Việt Nam có gặp rào cản nào về học vấn hay không?

Bùi Trân Phượng: “Nếu đo tỷ lệ nữ trong các trường phổ thông cho đến cấp III, thì nữ chiếm gần 50% và thường là hơn 50%. Ở cấp Đại học, họ cũng không thua kém (…). Nhưng mà ngay các trường Đại học Việt Nam không phải là trường nào cũng có thể trang bị phù hợp với thị trường lao động, và năng lực cho người làm việc. Ở trình độ cao hơn nữa, có chuyên môn sâu hơn nữa, phụ nữ không phải là không có khó khăn. Những khó khăn đó không liên quan đến trình độ học vấn hay trí thông minh của họ mà đó thường liên quan đến điều kiện lao động của nữ giới (làm việc toàn thời gian, đi xa, di chuyển qua những địa bàn khác nhau…) và phụ nữ có những giới hạn so với nam giới. Khi nói rằng phụ nữ chủ yếu ‘bán thân’ tức là bán sức lao động, bán khả năng chịu cực để đổi lấy miếng ăn, cái đó khá rõ ràng”.

RFI: Trong đời sống chính trị ở Việt Nam, nữ giới đã chinh phục chỗ đứng của mình như thế nào?

Bùi Trân Phượng: “Ở cấp chính trị, hiểu theo nghĩa hẹp, tức là vị trí ở các cương vị quyền lực (đại diện Quốc hội, hay trong chính phủ cấp Thứ trưởng trở lên…) phụ nữ chưa phải là đông lắm, nhưng xét về tỷ lệ so với thế giới hay khu vực, tỷ lệ của Việt Nam không tệ. Nhưng thực chất của vấn đề rất đáng băn khoăn. Người ta tự hỏi trong số những phụ nữ đó, có bao nhiêu người có được vị trí của mình bằng năng lực thật, mà không do cơ cấu hay do này nọ? Đó là một câu hỏi người ta được quyền nêu lên. Những người quan tâm đến bình đẳng giới thì có một câu hỏi nữa: Liệu những phụ nữ có quyền lực đó, họ đã làm được những gì cho bình đẳng giới, làm được gì để giải quyết những vấn nạn của phụ nữ? Cái đó là câu hỏi mà đến nay chưa có câu trả lời thuyết phục lắm đâu. Nhưng ta có cảm giác là ở những vị trí quyền lực cao đó, đa phần nữ giới hành xử như phái nam. Hành xử như nam giới có nghĩa là họ đấu tranh quyền lực, thực thi quyền lực trong khuôn khổ nào đó…. Vậy thì, khi có một tỷ lệ đáng kể phụ nữ ở các vị trí quyền lực mà không thấy sự cải thiện cho bình đẳng giới thì tỷ lệ đó có còn ý nghĩa gì nữa hay không?”

RFI: Giáo sư nhấn mạnh đến quyền năng của phụ nữ hơn là quyền lực: đâu là khác biệt giữa hai khái niệm này?

Bùi Trân Phượng: “Nếu xét về từ nguyên thì quyền lực, với chữ lực ở đây là sức mạnh-thường hiểu là sức mạnh về thể chất và vật chất. Còn quyền năng, năng là năng lực, là khả năng làm được cái điều mình có thể thực hiện được. Chưa bao giờ thấy quyền năng được dùng cho nam giới mà chỉ dùng cho phụ nữ thôi. Cứ như thể có một từ cho giống đực và giống cái ở chỗ đó. Tôi có cảm giác quyền năng phù hợp với sức mạnh mà phụ nữ có được trong mọi lĩnh vực, không chỉ chính trị, mà cả kinh tế, giáo dục… Thẩm quyền của nữ giới, khả năng tác động đến xã hội, khả năng thay đổi xã hội của phụ nữ thường đến từ năng lực, tức là từ sự chủ động và sáng tạo chuyên môn, hay khả năng vượt khó chịu khổ của nữ giới. Quyền năng nói lên được sức mạnh và đóng góp của phụ nữ và nó sát với thực tế hơn”.

RFI: Trong mọi trường hợp, để chia sẻ quyền lực với nam giới trên bất kỳ một phương diện nào dù là chính trị, xã hội hay kinh tế, văn hóa… phụ nữ đã phải vượt qua những khó khăn nào?

Bùi Trân Phượng: “Cái đó thì cũng khó nói. Có nhiều điều tiếng về chuyện một số phụ nữ lên được địa vị chính trị quyền lực không bằng năng lực thật của mình mà do cơ cấu hay thậm chí do sử dụng những thế mạnh riêng. Đó là điều tiếng. Tôi chắc chắn cái đó là có thật trong một xã hội mà mọi thứ đều có thể mua bằng tiền: ‘Trong tay đã sẵn đồng tiền/Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì’. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có những phụ nữ giỏi kể cả trong chính trị và kinh tế. Những phụ nữ giỏi làm được việc cho nên tôi mới nói rằng quyền năng quan trọng hơn quyền lực là như vậy (…)”.

RFI: Xin một câu hỏi chót: Phụ nữ - đặc biệt là các thế hệ trẻ sẽ phải làm gì để tồn tại trong một môi trường với nhiều thách thức như chúng ta đã đề cập đến ở trên?

Bùi Trân Phượng: “Với tư cách người làm giáo dục, tôi vẫn tin vào sức mạnh của tri thức học hành. Học không nhất thiết là phải đến trường (…) là bằng cấp. Nhưng nếu có khao khát và thói quen tự trang bị tri thức cho mình, thì bây giờ có nhiều phương tiện. Cho nên để tự trang bị tri thức-mà trước hết là để hiểu biết về xã hội và thời đại mình đang sống, hiểu những cơ hội và thách thức, thì học là một lẽ. Đồng thời tạo điều kiện cho người khác học. Đó là nghĩa vụ của người làm giáo dục và về điều này tôi khá lạc quan khi nhìn thấy nỗ lực chịu học nơi các thế hệ trẻ nói chung, nơi các bạn trẻ nữ nói riêng”.

RFI: Xin thành thật cảm ơn Giáo sư Bùi Trân Phượng dành thời gian cho đài RFI Việt ngữ trước buổi đứng lớp đầu tiên của bà tại học Viện Collège de France, quận 5 Paris vào ngày 9/3/2023.

Chương trình thỉnh giảng của Giáo sư Phượng mở ra từ ngày 9/3/2023 cho đến ngày 8/6/2023. Trong khuôn khổ chương trình mang tên Mondes francophones - Thế giới thuộc khối Pháp ngữ, Giáo sư Bùi Trân Phượng trình bày về đề tài: Phụ Nữ Việt Nam: Quyền năng, văn hóa và đa căn tính-Femmes vietnamiennes: Pouvoirs, cultures et identités plurielles.



Tin Thế Giới Đó Đây

Chiến Tranh Ukraine: Lực Lượng Đánh Thuê Nga Wagner Thông Báo Chiếm Được Toàn Bộ Phía Đông Bakhmout

- Đài Phát ThAnh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 8/3/2023, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Nga Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố rằng lực lượng lính đánh thuê của ông đã chiếm “toàn bộ khu vực phía Đông” của thành phố Bakhmout, tâm điểm của cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine.
Trong những ngày gần đây, áp lực đã gia tăng đáng kể đối với quân đội Ukraine trấn giữ ở Bakhmout, khi họ phải chống chọi với đà tiến của quân đội Nga và đối mặt với mối đe dọa bị bao vây.

Theo báo cáo mới nhất được công bố vào hôm 7/3 của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Hoa Kỳ, quân đội của Ðiện Cẩm Linh “dường như” đã chiếm được khu vực phía Đông của thành phố sau khi quân đội Ukraine “rút quân an toàn” khỏi khu vực này.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ CNN, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định rằng quân đội Ukraine quyết tâm giữ vững Bakhmout.

Ông Zelensky phát biểu: “Sau Bakhmout, quân đội Nga có thể sẽ tiến xa hơn. Họ có thể tới Kramatorsk, hay Sloviansk và con đường sẽ rộng mở để họ tiến tới các thành phố khác của Ukraine”.

Mặc dù giá trị về mặt chiến lược của Bakhmout bị tranh cãi, thế nhưng thành phố này đã trở thành biểu tượng, vì cả hai bên đều gánh chịu tổn thất nặng nề ở khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho biết Bakhmout “là nút thắt quan trọng của các tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine ở vùng Donbass”.

Thông tấn xã AFP cũng nhắc lại rằng trận chiến ở Bakhmout là trận chiến dài nhất và chết chóc nhất kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.


Liên Hiệp Âu Châu Sẽ Tích Cực Hỗ Trợ Đạn Pháo Cho Ukraine

- Đài Phát ThAnh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 8/3/2023, các Bộ trưởng Quốc phòng của Liên Hiệp Âu Châu (EU) nhóm họp không chính thức tại Stockholm (thủ đô của Thụy Điển) để bàn về kế hoạch cung cấp đạn dược cho Ukraine, với đợt chuyển giao đạn dược khẩn cấp đầu tiên trị giá 1 tỉ Euro.

Tham dự cuộc họp còn có Tổng Thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiï Reznikov. Mục tiêu là đạt được đồng thuận về kế hoạch cung cấp đạn dược cho Ukraine để trình lên cuộc họp các Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 20/3.

Theo thông tấn xã AFP, kế hoạch này bao gồm 3 nội dung chính: Trước tiên là rút 1 tỉ Euro từ qũy của Cơ chế Hòa bình Âu Châu (EPF) để mua đạn dược trong các kho dự trữ hiện có và khẩn cấp chuyển giao cho Ukraine.
Tiếp đến là phối hợp, tiến hành các đơn đặt hàng chung để có giá rẻ và bảo đảm cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng có đơn đặt hàng trong một thời gian dài. Cuối cùng, thảo luận các biện pháp nâng cao khả năng phòng thủ của Âu Châu về lâu dài.

Madis Roll, một viên chức của Bộ Quốc phòng Estonia cho biết là Ukraine cần ít nhất 350.000 quả đạn 155mm mỗi tháng.
Thông tấn xã AFP nhắc lại rằng quân đội Ukraine bắn hàng ngàn viên đạn mỗi ngày để đẩy lùi quân xâm lược Nga, và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn 155mm trầm trọng.


Thụy Sĩ Trung Lập Hay Đồng Lõa Với Nga?

- Báo Le Monde ra ngày 8/3/2023 giới thiệu bài phân tích “Chiến tranh Ukraine: Thụy Sĩ rời xa vận mệnh chung của Âu Châu” của thông tín viên Serge Enderlin từ Genève.
Biện minh rằng Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập, Bern không muốn đứng về phe phương Tây để đối phó với đế quốc Nga. Yêu cầu cấm Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha gửi vũ khí của Thụy Sĩ cho quân đội Ukraine đã khiến nhiều người choáng váng. Nhưng nhà chức trách viện dẫn đặc thù trong hệ thống dân chủ Thụy Sĩ, tầm quan trọng của công luận thông qua trưng cầu dân ý. Bern cũng cho rằng số ít vũ khí của Thụy Sĩ sẽ không thể làm thay đổi cuộc xung đột.

Chủ tịch Liên bang Bỉ, nhiệm kỳ 2023 (vị trí luân phiên giữa 7 thành viên của Hội đồng Liên bang) Alain Berset, giải thích ông “rất lo ngại về bầu không khí hiếu chiến hiện đang ngự trị ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, kể cả ở Thụy Sĩ (...) thậm chí cả những người có tư tưởng ôn hòa trước đây, cũng bị cuốn theo cơn say chiến tranh (…) Không phải vì những ảo tưởng về sự ổn định, rồi những ảo tưởng về sự thay đổi đột ngột, mà đất nước chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách vận hành”.

Tác giả bài viết đặt câu hỏi Thụy Sĩ đang ngạo nghễ hay ngây thơ? Thụy Sĩ đang bị tố cáo vô cảm, thậm chí trục lợi từ chiến tranh khi chỉ nhẹ tay trừng phạt các nhà tài phiệt Nga. Không có đối tác Âu Châu nào của Thụy Sĩ phản đối tính trung lập của Bern, mà chỉ mong đợi Bern nhanh chóng thể hiện tính linh hoạt để thích ứng tính trung lập với thời đại mới. Ngoại trưởng Đức từng ám chỉ láng giềng Thụy Sĩ: “Không viện trợ Ukraine tức là chúng ta đang hùa theo trò chơi của Nga, nước muốn phá hủy trật tự thế giới. Khi đó, trung lập không còn là một lựa chọn mà là đứng về phía kẻ xâm lược”.

Thông tín viên Le Monde kết luận Bern ngày càng tự loại mình ra khỏi vận mệnh chung của Âu Châu. Một ngày nào đó, sự thụ động của Bern có thể khiến Thụy Sĩ bị xem là đồng lõa với Nga.


Cải Cách Sách Giáo Khoa Lịch Sử Ukraine: Trận Đánh Xa Chiến Trường

- Báo Le Monde số ra hôm 8/3/2023 phát hành từ trưa thứ Ba (7/3), quan tâm dàn trải đến vô cùng nhiều chủ đề, cả về quốc tế và thời sự trong nước Pháp:
Tổng thống Macron trước thách thức đổi mới dân chủ; lợi thế của giới nghiệp đoàn Pháp trong cuộc đấu tranh chống cải tổ hưu trí, thông điệp báo động của chính phủ Pháp về hạn hán, nạn bất bình đẳng với nữ giới trong lĩnh vực nông nghiệp tại Pháp, xu hướng cực đoan của cánh hữu tôn giáo Do Thái, sự đoàn kết của liên đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với ứng viên Erdogan trong kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới, Ngân hàng thế giới trước thách thức như biến đ
Nhìn sang Ukraine, Le Monde tạm gạt sang một bên tình hình chiến sự để hướng tới một mặt trận khác trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược, đó là những bài giảng lịch sử trên lớp cho học sinh. Vốn ít được nhắc tới nhưng nay Kyiv đó xem như một thử thách có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh quốc gia của Ukraine, chống Nga và cũng là để dựng xây một đất nước Ukraine trong tương lai, thoát khỏi di sản Liên Xô để lại và hướng hoàn toàn sang Liên Hiệp Âu Châu.

Le Monde cho biết Kyiv đã lập một nhóm công tác để khẩn trương đổi mới chương trình giảng dạy và đấu tranh chống hoạt động tuyên truyền của Nga. Chương trình phải sẵn sàng ngay cho niên khóa 2023-2024. Các cụm từ như “cuộc xâm lược diện rộng”, “chiến tranh”, “tư tưởng Putin”, “đế chế Xô Viết”… sẽ được đưa vào sách giáo khoa ở Ukraine. Le Monde trích dẫn Hannah Baikenich, Viện tưởng niệm quốc gia Ukraine, theo đó “các học sinh xứng đáng được biết sự thật”. Dạy lịch sử thế nào để học sinh hiểu được về lịch sử “đích thực của Ukraine chứ không phải là lịch sử đã bị bộ máy tuyên truyền của Nga bóp méo”? Le Monde gọi đó là “trận đánh xa chiến trường”, tại các lớp học.

Le Monde nhắc lại từ nhiều năm nay, Vladimir Putin đã thao túng lịch sử. Hồi năm 2022, chủ nhân Ðiện Cẩm Linh cũng đã tìm cách viết lại lịch sử bằng cách biện minh cho cuộc xâm lăng là để “phi phát-xít hóa” Ukraine. Ngay từ những ngày đầu xâm lược Ukraine, ở vùng quân Nga chiếm đóng, họ đã đẩy mạnh công cuộc Nga hóa: đốt sách sử Ukraine và thay bằng sách giáo khoa mới của Nga. Các tư liệu lưu trữ về hành vi trấn áp thời Liên Xô cũng bị tiêu hủy. Chính vì thế, một giáo viên, thành viên tổ công tác cải cách sách sử, cho Le Monde biết mặc dù một nửa số học sinh Ukraine đã phải di tản ra ngoại quốc hay tới miền Tây đất nước, nhưng nhà chức trách Ukraine vẫn thấy cần khẩn trương thay đổi giáo trình, gọi đúng tên sự thật.


Đình Công Chống Cải Tổ Hưu Bổng: Giới Nghiệp Đoàn Gia Tăng Sức Ép Với Chính Phủ

- Đài Phát ThAnh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 7/3/2023, là ngày đình công và biểu tình thứ sáu chống kế hoạch cải tổ hưu bổng. Một cuộc trắc nghiệm thành công cho giới nghiệp đoàn khi huy động được hơn 3,5 triệu người (theo cảnh sát là gần 1,3 triệu) xuống đường tuần hành. Giới nghiệp đoàn thông báo tiếp tục các ngày đình công trong tuần, đồng thời kêu gọi Tổng thống Macron “khẩn cấp” tiếp các nghiệp đoàn.

Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, hiện điện Elysée vẫn chưa trả lời trực tiếp trước đề nghị này của giới nghiệp đoàn, chỉ tuyên bố rằng “cánh cửa chính phủ vẫn để ngỏ” để thảo luận về chương trình cải tổ chủ đạo của Tổng thống Pháp.

Đề nghị này của các nghiệp đoàn được đưa ra vào lúc cuộc đình công và biểu tình thứ 6 của các nghiệp đoàn được cho là “thành công”, có số người tham gia đông đảo vượt con số kỷ lục ngày 31/1/2023. Cảnh sát nói có hơn 1,28 triệu người tham gia, thấp hơn hai lần số liệu do nghiệp đoàn CGT đưa ra là 3,5 triệu.

Xô xát cũng đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại Paris, Nantes hay Rennes. Cuộc biểu tình tại Paris kết thúc vào khoảng 7 giờ chiều, cũng là lúc Thượng viện Pháp bắt đầu xem xét điều khoản nâng tuổi về hưu từ 62 thành 64. Chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne hy vọng Thượng viện Pháp sẽ hoàn tất xem xét điều khoản này từ đây đến Chủ Nhật (12/3), và có thể bỏ phiếu ở hai viện vào ngày 16/3.

Trước nhịp độ thúc tiến nhanh việc bỏ phiếu thông qua cải tổ, liên minh các nghiệp đoàn Pháp kêu gọi tiếp tục đình công trong các ngày trong tuần này và tuần sau. Các hoạt động cung cấp xăng dầu, khí đốt vẫn sẽ bị đình trệ theo như thông báo của CGT phân nhánh Hóa chất.


Anh Siết Chặt Luật Chống Nhập Cư Bất Hợp Pháp

- Đài Phát ThAnh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay 1 ngày sau vụ gần 200 di dân đến Anh Quốc qua eo biển Manche trên những chiếc xuồng tạm bợ, hôm 7/3/2023, bà Suella Braverman Bộ trưởng Nội vụ Anh đã đệ trình một Dự luật di dân mới nhằm chấm dứt tình trạng vượt biển nhập cư trái phép với nội dung chính là người nhập cư trái phép thì không được quyền xin tị nạn.

Từ thủ đô Luân Đôn của nước Anh, thông tín viên đài RFI, Emeline Vin tường thuật:
Trong vòng năm năm, số di dân vượt biển Manche đã tăng gấp 60 lần, lên đến 45 ngàn người trong năm 2022. Bà Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman hứa sẽ chấm dứt những đợt di dân này.

Bà nói: “Họ sẽ không ngừng đến cho đến khi nào cả thế giới biết rằng bất kỳ ai đến Anh bất hợp pháp, đều sẽ bị trục xuất – trục xuất về nước xuất xứ, hoặc sang một nước thứ ba an toàn. Luật mới cho phép giam giữ, mà không được tại ngoại có bảo lãnh hoặc giám sát Tư pháp trong vòng 28 ngày cho đến khi bị trục xuất. Văn bản này buộc Bộ Nội vụ phải trục xuất những người mới đến không hợp lệ và hạn chế nghiêm ngặt khả năng kháng cáo cho phép đình chỉ trục xuất”.

Bà Bộ trưởng không thể bảo đảm rằng văn bản này sẽ phù hợp với luật quốc tế về quyền tị nạn. Nếu phe đối lập nhìn nhận là cần phải chấm dứt tình trạng này, thì họ tố cáo đây là một Dự luật vô ích.
Diane Abbott, một nữ Dân biểu thuộc Công Đảng giải thích: “Quý vị nói đến giam giữ, cho hồi hương. Nhưng quý vị sẽ giam giữ tất cả những người đó ở đâu? Chúng ta đâu có đủ khả năng. Giọng điệu của quý vị, các hành động của quý vị thật là đáng tiếc và không thể nào áp dụng được”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak phải tận dụng cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào thứ Sáu 10/3 nhằm đề nghị Pháp hỗ trợ nhiều hơn trong hồ sơ này.

Phương Tây và Khả Năng Trấn Áp Kinh Tế Trung Quốc

- Về quan hệ kinh tế giữa Tây phương và Trung Quốc, trong bài viết “Phương Tây nắm giữ đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc”, báo Les Echos ra ngày 8/3/2023 ghi nhận 53% nhập cảng của Trung Quốc là từ phương Tây theo nghĩa rộng, tức là Mỹ, Âu Châu, Gia Nã Ðại, Nhật, Nam Hàn, Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan.
Tỉ lệ này trong lĩnh vực bán dẫn lên tới 68%, nếu tính cả hàng Trung Quốc nhập của Đài Loan. Chính vì thế, theo một nghiên cứu của viện Kinh tế Đức, Phương Tây là “mối đe dọa tiềm tàng và đáng kể” đối với Trung Quốc.

La Croix nhắc lại là mọi người từ trước tới nay vẫn nghĩ hiển nhiên là Tây phương rất lệ thuộc vào Trung Quốc, “công xưởng thế giới”, nhưng nay cần phải nói đến chiều ngược lại. Trung Quốc cũng thực sự lệ thuộc vào hàng hóa nhập cảng từ Tây phương và đó có thể là một phương tiện trấn áp của phương Tây.

Những mặt hàng Trung Quốc nhập nhiều nhất từ phương Tây là dược phẩm, nước hoa, mỹ phẩm, xe hơi, hóa chất, các loại hạt, thiết bị đo lường, y khoa và phẫu thuật…. Theo Les Echos, Bắc Kinh đã ý thức được về điểm yếu của Trung Quốc và muốn phấn đấu vượt qua Tây phương. Hồi năm 2017, Tập Cận Bình đã công bố danh sách các lĩnh vực mà đến năm 2030 Trung Quốc cần đạt được khả năng độc lập, trong đó có kỹ thuật robot, kỹ thuật sinh học, bán dẫn, không gian vũ trụ và xe hơi chạy điện.

Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, Viện Chính sách Xã hội Á Châu, đến nay Trung Quốc đã mở rộng vòng tay với mọi tập đoàn ngoại quốc trong các lĩnh vực kể trên nếu thấy các tập đoàn này có thể giúp cho Trung Quốc đạt các bước tiến trong lĩnh vực có liên quan.
Về phía Âu Châu, La Croix nhận định dù đã kiểm soát tốt hơn các đầu tư của Trung Quốc, nhưng các nước Âu Châu vẫn phản ứng khá chậm chạp.


Trung Quốc Cải Cách Chính Phủ Tập Trung Cho Kỹ Thuật Cao

- Đài Phát ThAnh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay ngày 8/3/2023, Trung Quốc chủ trương củng cố bộ Khoa Học và thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm phát triển kinh tế kỹ thuật số, theo một cuộc cải cách định chế nhằm tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh của Trung Quốc với Hoa Kỳ trong lĩnh vực kỹ thuật.
Nội dung của cải cách đã được trình bày ngày hôm qua 7/3/2023, trước các đại biểu Quốc hội, trong phiên họp toàn thể hàng năm ở Bắc Kinh.

Theo thông tấn xã AFP, những thay đổi được thông báo về cơ cấu của chính phủ dự kiến sẽ tăng cường trách nhiệm cho Bộ Khoa Học và Kỹ thuật, bộ này sẽ phải tập trung nỗ lực vào việc điều phối “các thành tựu khoa học và kỹ thuật”.

Trung Quốc cũng sẽ thành lập Cục Dữ liệu Quốc gia, chịu trách nhiệm quản lý và thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự phát triển lĩnh vực kinh tế này.
Cải cách cũng dự trù giảm 5% biên chế trong các cơ quan Nhà nước, tập trung nhân lực cho các “lĩnh vực chủ chốt và nhiệm vụ lớn”, theo dự án cải cách. Bộ Khoa học và Kỹ thuật sẽ giảm bớt các nhiệm vụ để tập trung vào trách nhiệm “quản lý toàn bộ dây chuyển cải tiến khoa học kỹ thuật”.

Giới quan sát nhận thấy, dự án tái cơ cấu chính phủ này được đưa ra vào lúc Trung Quốc đang cố gắng tăng cường khả năng nghiên cứu phát triển để đối phó với việc Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây ngày càng siết chặt việc tiếp cận các kỹ thuật cao cấp đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Chương trình cải cách trên, ngoài ra, còn dự trù thay thế cơ quan điều hành các ngân hàng và bảo hiểm hiện nay bằng một cơ quan mới, chịu trách nhiệm giám sát tổng thể lĩnh vực tài chánh.
Cơ quan Lập pháp của Trung Quốc vẫn là nơi “ghi nhận” các chủ trương của đảng Cộng sản nên việc thông qua cải cách, vào thứ Sáu tới, không có điều gì phải bàn cãi.


Mỹ Chuẩn Bị Dỡ Bỏ Yêu Cầu Xét Nghiệm COVID-19 Đối Với Du Khách Đến Từ Trung Quốc


(Hình: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với khách du lịch từ Trung Quốc vào 10/3/2023.)

- Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với khách du lịch từ Trung Quốc vào thứ Sáu (10/3/2023). Như vậy, Mỹ sẽ làm tương tự các quốc gia khác trong việc bỏ các yêu cầu này, một nguồn thạo tin vừa cho thông tấn xã Reuters biết.
Tuần trước, Nhật Bản đã bỏ yêu cầu mọi du khách phải thực hiện xét nghiệm COVID khi đến từ Trung Quốc. Nguồn tin nói với thông tấn xã Reuters rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi các ca nhiễm ở Trung Quốc và trên thế giới. Quyết định của Hoa Kỳ đã được báo Washington Post đưa tin trước đó.

CDC không trả lời ngay lập tức các đề nghị đưa ra bình luận của thông tấn xã Reuters.

Hoa Kỳ vào đầu tháng 1/2023 cùng với Ấn Độ, Gia Nã Ðại, Ý Ðại Lợi, Nhật Bản và các quốc gia khác thực hiện các biện pháp mới sau khi Bắc Kinh quyết định dỡ bỏ các chính sách nghiêm ngặt về Zero COVID. Theo đó, Mỹ yêu cầu hành khách đi máy bay từ 2 tuổi trở lên phải có kết quả xét nghiệm âm tính không quá hai ngày trước khi khởi hành từ Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Macao.

Trung Quốc phải chật vật với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 sau khi nước này đột ngột từ bỏ chính sách Zereo COVID vào đầu tháng 12/2022, khiến virus lây lan cho 1,4 tỉ dân của nước này.
Hoa Kỳ vào tháng 12 đã mở rộng chương trình giải trình tự bộ gien tự nguyện tại các phi trường, đưa thêm phi trường Seattle và Los Angeles vào chương trình này.

Nguồn tin nói với thông tấn xã Reuters hôm thứ Ba 7/3 rằng CDC sẽ giữ chương trình đó, được gọi là Chương trình giám sát bộ gien dựa trên khách du lịch (TGS), đề nghị khách du lịch tình nguyện giúp phát giác sớm các biến thể mới.

Chương trình TGS sẽ tiếp tục theo dõi các chuyến bay từ Trung Quốc và các trung tâm giao thông khu vực, cũng như các chuyến bay từ hơn 30 quốc gia khác, nguồn tin cho biết.

Không có nhận xét nào: