Tâm trí hướng về lòng biết ơn là cách bảo vệ tốt nhất trước những lo lắng và trầm cảm liên quan đến tuổi tác Thông thường, những người gặp phải cảnh ngộ giống như ông Fletcher Hall trong câu chuyện dưới đây sẽ không thể hạnh phúc. Ở tuổi 76, người quản lý hiệp hội thương mại đã nghỉ hưu này phải trải qua 3 cơn nhồi máu cơ tim và 8 lần phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Ông có bốn stent và một quả bóng được chèn vào tim. Ông còn bị tiểu đường, tăng nhãn áp, viêm xương khớp ở cả hai đầu gối, và bệnh thần kinh tiểu đường ở cả hai chân. Ông không thể lái xe hay đi du lịch nhiều. Thị lực của ông không tốt và căn bệnh tim đã hạn chế khả năng tập thể dục của ông rất nhiều.
Vào những ngày đẹp trời, ông có thể đi bộ khoảng 10 mét trước khi cần nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, vị cư dân vùng Brooklandville, tiểu bang Maryland khẳng định rằng ông là người thực sự hạnh phúc – một phần là vì ông đánh giá cao những gì bản thân có thể làm. “Đương nhiên khi tuổi tác ảnh hưởng đến cuộc sống, bạn sẽ trải qua những ngày chán nản,” ông Hall nói. “Tôi chiến đấu với tuổi tác mỗi ngày. Nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Bạn phải làm gì đó để duy trì hạnh phúc.”
Ông Hall tập trung vào những điều đem đến niềm vui cho bản thân như: viết lách, nghe nhạc và sách nói. Bằng cách tận dụng những thú vui đó trong suốt cả ngày – mỗi ngày đều như vậy – cuối cùng ông cũng cảm thấy hạnh phúc. “Những việc này đều yêu cầu vận dụng trí óc – đó là điều tốt.”
Các chuyên gia lão khoa đồng ý rằng ông Hall đã tìm ra khá nhiều công thức đúng đắn. “Bạn nên sẵn sàng chấp nhận thực tế mới của mình – và tiến về phía trước,” Tiến sĩ Susan Lehmann, giám đốc chương trình tâm lý lão khoa của Đại học Y khoa John Hopkins. “Hãy đặt mục tiêu có được cuộc sống tốt nhất có thể ngay bây giờ.”
Theo một báo cáo năm 2013-2014 từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, sống với căn bệnh kinh niên thường khiến cuộc sống trở nên phức tạp hơn. Phần lớn những người trưởng thành từ 65 tuổi trở lên bị nhiều căn bệnh kinh niên góp phần gây nên tình trạng suy nhược và tàn tật. Tỷ lệ phần trăm người từ 65 tuổi trở lên bị nhiều loại bệnh kinh niên khác nhau cũng tăng lên theo thời gian. Theo CDC, tỷ lệ người bị cao huyết áp, hen suyễn, ung thư, và tiểu đường trong giai đoạn 2013-2014 cao hơn so với giai đoạn 1997-1998.
Theo báo cáo của CDC, bệnh kinh niên có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cả nam giới và phụ nữ. Khoảng 57% phụ nữ và 55% nam giới từ 65 tuổi trở lên bị cao huyết áp; 54% phụ nữ và 43% khác bị viêm xương khớp; và 35% nam giới và 25% phụ nữ phải đối phó với bệnh tim. Đồng thời, phụ nữ lớn tuổi dễ bị các triệu chứng trầm cảm liên quan đến lâm sàng hơn nam giới lớn tuổi. Năm 2014, 15% phụ nữ từ 65 tuổi trở lên bị các triệu chứng trầm cảm so với 15% đàn ông.
Tiến sĩ Kathleen Franco, phó khoa tại Đại học Y khoa Cleveland Clinic Lerner cho biết trên thực tế, cơn đau kinh niên thường dẫn đến trầm cảm hơn là lo lắng, từ đó càng gây đau đớn và khổ sở thêm. Vì vậy bạn nên kết hợp rèn luyện cả cảm xúc và thể chất.
Đó là tại sao ông Hall kiên trì với niềm đam mê lớn nhất của mình: viết lách. Khi nghỉ hưu ở tuổi 65, kế hoạch ban đầu của ông là du lịch cùng với vợ mình, bà Tracey. Nhưng những hạn chế về thể chất đã kìm hãm mục tiêu đó, vì vậy ông quay lại với những điều đem lại niềm hạnh phúc nhất cho bản thân. Ông vẫn tham gia các kênh tin tức hàng ngày bằng cách viết hai blog – bao gồm một chuyên mục lớn mà ông tán thành và tự gọi là giá trị “bảo tồn lòng nhân ái.”
Ông Hall cũng thích đọc sách, ngay cả khi chứng tăng nhãn áp khiến việc đọc sách trở nên không thể. Ông không bỏ cuộc và dùng loa thông minh Amazon Echo để đặt mua sách nói. Ông yêu thích việc ngồi trên ban công dưới ánh nắng và lắng nghe những cuốn sách như The Guns of August. Tương tự, ông thích nghe trực tuyến những bản nhạc cổ điển và đồng quê, đặc biệt là bản Oak Ridge Boys và nhóm nhạc rock đồng quê Alabama.
Ông Hall cũng học cách dùng Alexa, trợ lý kỹ thuật số tích hợp của Echo, để giúp đỡ những việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó khăn đối với người có thị lực kém. [Ví dụ], để biết được thời gian, ông chỉ cần hỏi Alexa.
Ngoài ra, ông tránh bị mắc kẹt trong bất kỳ vòng lặp thất vọng nào, như cố gắng khắc phục sự cố máy tính. Trong một sự cố công nghệ gần đây, ông chỉ đơn giản tắt máy và bật chương trình PBS và Charlie Rose. “Xem những chương trình này giúp đầu óc tôi luôn hoạt động,” ông nói. Sau khi dành thời gian để giảm căng thẳng, ông có thể giải quyết các vấn đề công nghệ.
Ông Hall luôn tìm lý do nào đó để ra ngoài mỗi ngày. Đôi khi, ông chạy việc vặt, hoặc hẹn bạn bè ăn trưa. Là một người yêu thích chim chóc, ông có thể ngồi ở công viên lắng nghe tiếng chim hót. “Nếu tôi có thể ngồi ở một địa điểm dễ chịu lắng nghe giai điệu của loài chim, thì tôi quả là người cắm trại hạnh phúc,” ông nói.
Điều mà ông Hall đang làm là cái mà một số chuyên gia gọi là “chánh niệm.” Tiến sĩ Franco cho biết chánh niệm thường liên quan đến việc thở chậm và sâu, với mục đích làm giảm nhịp tim và giúp bạn bình tĩnh lại, có thể đem lại lợi ích rất lớn cho người già, ốm yếu. “Việc này rất đơn giản, không tốn kém gì, và có thể thực hiện mà thậm chí không ai biết là bạn đang làm.”
Một điều khác nữa thường có tác dụng kỳ diệu: giúp đỡ người khác. “Một khi bạn bắt đầu giúp đỡ người khác, bạn sẽ không dễ bị mắc kẹt trong nỗi đau của bản thân,” bà Franco nói.
Bà Anne McKinley biết rõ điều này. Ngay cả khi đã 85 tuổi, bà vẫn tình nguyện tham gia một nhóm giúp đỡ người già và có chức vụ trong ban giám đốc.
Bà McKinley đối phó với cơn suy nhược do ảnh hưởng của chứng vẹo cột sống không có thuốc trị. Bà cũng phải chiến đấu với chứng bệnh tăng nhãn áp và những khó khăn trong nhận thức thị giác ảnh hưởng đến khả năng thăng bằng. Bà đã được thay khớp gối ở cả hai bên và mới đây còn phẫu thuật khẩn cấp vì nhiễm trùng mắc phải ở bệnh viện sau khi phẫu thuật tuyến giáp, vốn cũng ảnh hưởng đến dây thanh quản của bà.
Vị cư dân Evergreen, Colorado này cho biết việc duy trì một thái độ tích cực – và giữ liên lạc với gia đình và bạn bè – khiến bà luôn vui vẻ.
Bà nói, “Cái cảm giác có thể kiểm soát cuộc sống của mình là rất quan trọng. Chìa khóa là không cần phải vội vàng. Tôi có thể hoàn thành một việc trong một ngày và cảm thấy hài lòng về điều đó.”
Chặng đường khó khăn đã qua kể từ khi chồng bà, ông Cameron, đã mất cách đây bốn năm sau 59 năm chung sống.
Nhưng với bằng thạc sĩ về công tác xã hội và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này, bà biết cách áp dụng các dịch vụ xã hội dành cho người cao tuổi trong cộng đồng của mình, bao gồm dịch vụ vệ sinh nhà ở và các công việc khác với một khoản phí khiêm tốn.
Bà McKinley vẫn đến thăm gia đình ở Florida – mặc dù bà phải chống gậy hoặc dùng khung tập đi để di chuyển. Các cháu của bà thường đến thăm, bà nói “và chúng tôi ăn tiệc ở bất cứ khi nào bọn trẻ đến,” thường là với bánh quy và bánh nướng mà bà yêu thích. Trên hết, bà nói mình luôn ra khỏi nhà và bà cũng đi cắt tóc mỗi tuần. “Đó là những gì tốt nhất còn lại của tôi,” bà nói.
Còn có con mèo Xiêm, Frankie, luôn cùng bà McKinley xem tin tức buổi tối vào lúc 6 giờ chiều trong khi bà tự làm bữa ăn nhẹ và một ly martini. “Phần yêu thích của tôi là ô liu,” bà nói.
Bà bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt với những gì mình đang có – bao gồm ngôi nhà cao 20 foot (6m) trên một khu đất rộng 18 mẫu Anh (72843 m²), nơi bà có thể nhìn ra ngoài cửa sổ và ngắm nhìn khung cảnh xinh đẹp xung quanh.
Ông Lehmann, bác sĩ của John Hopkins cho biết, chìa khóa thực sự của hạnh phúc ở mọi lứa tuổi và giai đoạn – đặc biệt là tuổi già – không phải là của cải vật chất, mà là lòng biết ơn đối với những món quà đơn giản của cuộc sống, như cười đùa với bạn bè hoặc ngắm nhìn hoàng hôn với người thân yêu. “Cuối cùng những điều nhỏ bé trong cuộc sống lại là thứ quan trọng nhất.”
Bruce Horovitz _ Vân Hi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét