Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhờ gió mạnh và vùng nước nông gần các khu vực đông dân cư ven biển.
Việt Nam có thể sẽ không có một khung pháp lý để điều chỉnh cho việc phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi cho đến năm sau, Reuters dẫn lời một đại diện doanh nghiệp của Liên minh châu Âu nói hôm thứ Năm (16/2), một sự chậm trễ có thể làm đình trệ hàng tỷ đô la đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
<!>
Theo Nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhờ gió mạnh và vùng nước nông gần các khu vực đông dân cư ven biển. Ước tính lĩnh vực này có thể bổ sung ít nhất 50 tỷ đô la cho nền kinh tế Việt Nam.
Dự thảo kế hoạch phát triển năng lượng gần đây nhất của Việt Nam hồi tháng 12 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ sản xuất 7 gigawatt từ điện gió ngoài khơi từ con số 0 hiện nay.
“Việc chuẩn thuận đã nhiều lần bị trì hoãn”, Reuters dẫn lời ông Minh Nguyễn, Phó chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam, nói tại một hội nghị hôm thứ Năm rằng việc này có thể bị trì hoãn thêm nữa.
Việc đưa ra một khung pháp lý sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các khoản đầu tư lớn vào các trang trại điện gió tại Việt Nam, bao gồm một phần lớn trong số15,5 tỷ đô la được các nước G7 cam kết hồi tháng 12 dành cho các dự án chuyển đổi năng lượng xanh.
“Hiện tại, do chưa có khung pháp lý cần thiết cho ngành công nghiệp mới này và thiếu sự linh hoạt trong chuyển đổi ngành năng lượng nên về cơ bản là chưa thể thực hiện dự án điện gió ngoài khơi thương mại ở Việt Nam để các siêu dự án ngoài khơi này có thể đem lại lợi ích to lớn cho đất nước”, trang tin của Bộ Công thương Việt Nam dẫn lời ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), trong đó có dự án điện gió ngoài khơi La Gàn ở tỉnh Bình Thuận, nói với các phóng viên bên lề Lễ ra mắt Sách trắng 2022/2023, của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại Hà Nội vào ngày 16/2.
Theo ông Livesey, việc trì hoãn trong việc đưa ra các quyết định quan trọng để kích hoạt việc phát triển lĩnh vực này có thể dẫn đến sự chậm trễ đối với các mục tiêu về năng lượng xanh, trì hoãn nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho Việt Nam và dẫn đến rủi ro là các nhà đầu tư trên thế giới sẽ dừng theo đuổi các dự án ở Việt Nam để chuyển sang đầu tư vào các thị trường mới nổi khác.
Viện dẫn thông tin từ các cuộc đàm phán giữa các quan chức Việt Nam và các doanh nhân châu Âu vào đầu tuần này, ông Minh Nguyễn cho Reuters biết rằng tiến độ của việc đưa ra khung pháp lý của Việt Nam phụ thuộc vào luật mới về việc sử dụng không gian biển cho mục đích quân sự, hàng hải hoặc các mục đích khác, vốn khó có khả năng được đưa ra trước tháng 10, bất chấp áp lực của các công ty EU thúc đẩy cho một tiến độ nhanh chóng hơn, theo các khuyến nghị công khai và một tài liệu nội bộ của các cuộc họp trong tuần này mà Reuters đọc được.
Ngoài ra, hãng thông tấn Anh dẫn lời một số nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết Việt Nam cũng muốn xem xét kỹ lưỡng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này vì lý do an ninh quốc gia, vì những lo ngại rằng các trang trại điện gió có thể được sử dụng để do thám.
“Chậm trễ là chuyện không hề gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư ở Việt Nam, nơi mà tình trạng chậm trễ pháp lý và quan liêu là phổ biến”, Reuters nhận định.
Tuy nhiên, một số người lạc quan tin rằng các dự án thí điểm có thể sẽ được phê duyệt nhanh chóng, ngay cả trước khi luật được thông qua, trong khi những người khác cho rằng các nhà sản xuất tuabin gió khó có thể xem xét các kế hoạch đầu tư vì lý do Việt Nam có vị trí và ảnh hưởng quan trọng trong việc sản xuất điện gió trong khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét