Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Xin Gởi Lời Cảm Tạ Đến Vị Ân Nhân Lớn Nhất Của Người Việt Tị Nạn: Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter! Trước Khi Trở Thành Quá Trễ! và Kính Chuyển Tin Nóng Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Xin Gởi Lời Cảm Tạ, Trước Khi Trở Thành Quá Trễ! Đến Với Tổng Thống Jimmy Carter, Ân Nhân Lớn Của Thuyền Nhân Việt Tị Nạn. Mà Bác Sĩ Vừa Quyết Định Chuyển Sang “Chăm Sóc Ở Giai Đoạn Cuối Đời!”
*Chưa có Một Tổng Thống Hoa Kỳ, có những lời tuyên bố nhắm vào Thuyền Nhân Người Việt Tị nạn, đầy tình người, nhiều tình yêu thương như thế!
<!>

“Thuyền nhân Việt Tị Nạn, họ đang chạy trốn khỏi một đất nước, cai trị bởi nhà cần quyền Cộng Sản độc tài, đã và đang tước đi các quyền được sống căn bản của họ. Họ tin vào giá trị nhân bản, khả năng tìm hạnh phúc của mỗi con người, cùng sự tự do cá nhân. Về mặt tâm thức, lý tưởng, họ gần với chúng ta hơn, là phải sống dưới chế độ độc tài Cộng Sản! Chúng ta có bổn phận phải cứu giúp họ!”...


Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, 98 tuổi, hiện đang được “chăm sóc giai đoạn cuối” cuộc đời tại nhà riêng. Cựu Tổng thống Carter được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002, vì “nhiều thập niên nỗ lực không mệt mỏi nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế”. Riêng đặc biệt với Thuyền Nhân Việt Tị nạn, Ông là một Ân Nhân lớn, với nhiều chính sách giúp đỡ thuyền Nhân và đưa họ vào đất hứa Hoa Kỳ!


Theo quỹ Carter hôm 18/2/2023, cựu Tổng thống 98 tuổi, quyết định rời bệnh viện, từ chối mọi can thiệp y tế khác, để dành thời gian quý báu những ngày cuối đời cho gia đình. Jimmy Carter là cựu Tổng thống cao tuổi nhất của nước Mỹ hiện còn sống.


Tổng Thống Của Người Việt Tị Nạn: Carter Kêu Gọi Hỗ Trợ và Khẩn Cấp Cứu Giúp ‘Thuyền Nhân!’

(Theo Graham Hovey)
Theo tờ The New York Times đăng tin Ngày 6 tháng 7, năm 1978:

Ngày 5 tháng 7 năm 1978 - Tổng thống Carter ra lệnh các tàu Mỹ, đang có mặt tại Thái Bình Dương, dân sự cũng như quân sự, phải cứu vớt Thuyền Nhân tị nạn trên những con thuyền vượt biển, vừa chạy thoát từ khỏi Việt Nam, trong khu vực Đông Dương và Mỹ sẽ rộng mở, cho phép những nhóm người tị nạn này tái định cư trên đất Mỹ!


“Họ sẽ được đối đãi tử tế theo từng trường hợp và thủ tục tị nạn dễ dàng để quyết định nơi họ muốn đến!” ông cho biết thêm “Sở Di Trú và Nhập Tịch, sẽ hỗ trợ tối đa các chuyến đi của họ, đến các trại tị nạn, giúp họ khi chọn tái định cư tại Mỹ!”

Một tuyên bố chính thức đi đầu về quyết định từ Tổng Thống Hoa Kỳ, hoàn toàn mở cánh cửa tự do, đón tiếp người tị nạn, được khắp mọi quốc gia tự do trên thế giới, đồng lòng hỗ trợ!
Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ hàng không mẫu hạm, thương thuyền nào của Mỹ, hoặc tàu ghi danh với Mỹ, nhiều trong số tầu này trước đây đã từ chối, làm lơ, đón người tị nạn, để tránh việc cản trở rắc rối theo luật hàng hải, luật di trú.

Bộ Ngoại giao nói rằng, quyết định nhân đạo này được đưa ra, khi thảm cảnh thuyền nhân đã làm rúng động lương tâm thế giới! Nhìn thuyền nhân đổi sinh mạng mình trên những con thuyền mong manh, như chiếc lá, trên đại dương mênh mông. bất chấp bão tố, hải tặc, đói khát trên đường đi tìm tự do.
Sau lịnh của Tổng Thống Hoa Kỳ Carter, số lượng người tị nạn, hay còn gọi là “thuyền nhân,” gia tăng đột ngột vào tháng 5 và 6, khi họ cập bến các cảng Á Châu, phần lớn tại Thái Lan, Malaysia, Hồng Không, Nam Dương và Úc. Hầu hết trên 90%, người tị nạn, đều đến từ Việt Nam.

Chính giai đoạn này, Ủy Ban Báo Nguy Cứu Người Vượt Biển ra đời, yểm trợ tinh thần và chút vật chất, cho những con tầu Tình Thương của nhiều quốc gia, hầu hết từ Âu Châu: Pháp, Đức, Đan Mạch…ra khơi cứu vớt Thuyền Nhân.
Riêng Miền Bắc Cali, qua 6 Chiến Dịch Tình Thương Dưới Ánh Mặt Trời, quyên góp trên cả triệu đô la cho mục đích này, trở thành mỹ danh “Thung Lũng Tình Thương!” Thuyền Nhân.

Tổng kết, những con Tầu Tình Thương ra khơi, đã cứu vớt trên 3 ngàn Thuyền Nhân Việt đến bến bờ tự do!
Nếu không có những lệnh nhân đạo, cứu vớt và nhận định cư, từ TT Carter, thì chắc chắn không có chuyện này!


Sau Lời Kêu Gọi Quan Trọng Của TT Hoa Kỳ Carter, Những Con Số Thuyền Nhân Được Cứu Vớt, Tăng Lên Con Số Kỷ Lục, Hơn Gấp Ba Lần Trước Đó!


-Đầu năm 1978, khoảng 2,000 người xin tị nạn đến các cảng, đến các trại tị nạn mỗi tháng, nhưng trong tháng 5 con số này tăng lên kỷ lục là 5,800! Gần gấp ba lần và tiếp tục tăng khi bước vào tháng 6. Các tổ chức khắp thế giới ra tay cùng hỗ trợ người tị nạn, ước tính ít nhất một nửa số người đi tị nạn bằng thuyền đến từ Việt Nam đã thiệt mạng trên biển! Theo con số Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, khoảng dưới nửa triệu người lấy đại dương mênh mông làm mồ chôn! Thảm kịch Thuyền nhân, trở thành 1 trong mười thảm kịch bi thảm, đầy đau thương, nước mắt nhất, của thế kỷ 20!

Trước lịnh này, thuyền trưởng của các tàu đón người tị nạn trên biển, thường bị chính phủ các nước đến, cấm dỡ hàng trên tàu, hoặc đưa thủy thủ đoàn vào bờ tạm giam, chờ lệnh Cao Ủy, vì các chính phủ này, sợ chịu trách nhiệm, nuôi ăn, chăm sóc với người tị nạn.

Dưới lệnh của Tổng thống Carter, thuyền trưởng tất cả các tàu Mỹ, có thể cam kết với quan chức chính quyền tại cảng rằng, trường hợp và thủ tục cho những người tị nạn, đi định cư tại các nước thứ ba, sẽ nhanh chóng được sắp xếp bởi Sở Di Trú và Nhập Tịch Mỹ và những người tị nạn Việt sẽ được sớm nhất lên đường đến nơi họ chọn tái định cư.


Mỹ khuyến khích, hỗ trợ các nước khác, phương tiện vật chất, để có những chính sách nhân đạo tương tự.

Chính sách này giảm bớt gánh nặng rất lớn cho Úc, Thái Lan, Hồng Kông, Phi luật Tân, và Malaysia, vì các nước này dựng nhiều trại cho người tị nạn Việt Nam tạm dung, nhưng vẫn miễn cưỡng trong cam kết tiếp tục việc này, khi các con số gia tăng đáng kể, càng ngày càng đông, khuyến khích người Việt tiếp tục vượt biển!

*Tranh cãi chính sách về người tị nạn

Chính sách của Mỹ đối với thuyền nhân là chủ đề được tranh luận trong nội bộ Chính quyền Carter đầu năm, với một số viên chức Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao, thúc giục nỗ lực một quy mô lớn, hiệu lực ngay lập tức, để giúp đỡ người tị nạn. Trong khi Bộ Tư pháp và các cơ quan chính phủ đề xuất cách tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng.

Tại thời điểm này, khoảng gần 200,000 người tị nạn Đông Dương, được cấp phép vào nước Mỹ, sau biến cố Sài Gòn tháng 4, 1975 (tháng Tư Đen) theo “thẩm quyền” của Đạo luật Nhập cư năm 1952.

Luật này cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, “tạm thời cho phép vào Mỹ” người tị nạn vì lý do khẩn cấp, hoặc lý do “được cho là vì lợi ích công chúng.” Vì thẩm quyền này, thêm nhiều người tị nạn sẽ được đón nhận tại Mỹ, theo sắc lệnh mới của Tổng thống Carter.

*Cơ Quan Lưu Trữ Quốc Gia Về Đạo Luật Người Tị Nạn 1980

Về Đạo Luật Người Tị Nạn năm 1980:

“Dự luật sửa đổi Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch, thay đổi các thủ tục tiếp nhận người tị nạn, Đạo luật Hỗ trợ người tị nạn và di dân năm 1962, để tái thiết lập cơ sở thống nhất hơn cho thủ tục hỗ trợ người tị nạn, và cho các mục đích khác, (Luật Công 96-212 - Đạo luật Người tị nạn 1980) được thông qua ngày 17 tháng 3, 1980.”

Cơ quan Lưu trữ quốc gia, Hồ sơ chung của Chính phủ Mỹ.

Vào cuối thời gian Chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ngàn người Việt Nam và Campuchia phải tìm cách thoát khỏi hỗn loạn chính trị nguy hiểm ngay tại quê nhà của mình. Giữa năm 1975 và 1979, khoảng 300,000 trong số người tị nạn này được nhận vào Mỹ theo lệnh Tổng thống. Luật tại thời điểm đó (chú thích: trước 1980) hạn chế việc nhận người tị nạn, và nhiều thành viên Quốc hội, muốn có một hệ thống nhập cư và tái định cư mới.

Đạo luật Người tị nạn năm 1980, đã nâng mức trần số người tị nạn được nhận lên 50,000 người, tạo ra thủ tục xem xét đễ dàng hơn và điều chỉnh số lượng người tị nạn, nhằm đáp ứng kịp thời các trường hợp khẩn cấp, và luật yêu cầu tham vấn hằng năm giữa Quốc hội và Tổng thống. Luật thay đổi định nghĩa “người tị nạn” thành người có “nỗi sợ hãi chính đáng rằng họ sẽ bị ngược đãi, nguy hiểm đến tính mạng, dưới chế độ độc tài CS!” một tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi bởi Liên Hiệp Quốc. Luật cũng bảo trợ Văn phòng Điều phối Các Vấn đề Người Tị Nạn (Office of U.S. Coordinator for Refugee Affairs) và Văn phòng Tái định cư cho Người Tị Nạn (Office of Refugee Resettlement) để giúp những người tị nạn định cư và thích nghi với cuộc sống ở đất nước mới của họ


Lật Lại Trang Sử, Bốn Mươi Tám Năm Trước, Nước Mỹ Đã Đánh Canh Bạc Lớn Với Người Tị Nạn Việt Nam!


(Thu-Huong Ha)

-Khi miền Nam và Mỹ thất thế trong cuộc chiến, những người khá giả ở miền Nam tìm cách thoát khỏi nguy cơ bị ngược đãi. Những người kết hôn với công dân Mỹ, đã từng tham chiến cùng quân đội Mỹ, hoặc có người thân ở Mỹ nằm trong nguy cơ là nạn nhân của chính quyền độc tài mới, Cộng Sản VN. Khi Mỹ chuẩn bị rút lực lượng quân sự, giới lãnh đạo Mỹ cảm thấy lương tâm không ổn, cần phải giúp đỡ những người đồng minh vừa bị bỏ rơi!

Nhưng những người dân Mỹ thì không có chung cảm giác này.

Năm 1975, khi làn sóng tị nạn đầu tiên diễn ra sau khi miền Nam thất thủ, các cuộc thăm dò cho thấy phần trăm người ủng hộ dân tị nạn vào Mỹ là 37% và 49% còn lại chống, với 14% không có câu trả lời chắc chắn. Vào cuối thập niên 1980, nhóm người di cư thứ hai, lớn hơn, những “thuyền nhân,” đã vượt qua biển khơi nguy hiểm để rời Việt Nam. Họ đã phải trả những chi phí cắt cổ, đối mặt nguy cơ bị bắt cóc, cưỡng bức, và thiệt mạng trên biển, để thoát khỏi các trại cải tạo mọc lên sau biến cố.


Vào năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tuyên bố ông sẽ gia tăng số lượng người tị nạn từ Việt Nam, Campuchia, và Lào vào nước Mỹ. Từ 7,000 người mỗi tháng, lên gấp đôi 14,000! Một cuộc khảo sát từ đài CBS và tờ The New York Times vào thời điểm đó cho thấy 62% người Mỹ không đồng tình. Ông vẫn quyết định làm điều đó.


*Tiểu sử Carter và tuyên bố của ông về người tị nạn:

Những bài trên được tổng hợp và chuyển ngữ nhân dịp sinh nhật thứ 96 của cựu Tổng thống Jimmy Carter. Phu nhân là bà Rosalynn Carter. Ông Carter từng phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ, là Trung úy Hạm đội Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, về sau ông trở thành chủ trang trại đậu phộng năm 1953. Ông là người đạo Cơ Đốc, thường đi dạy học vào Chủ Nhật tại Nhà Thờ. Ông là người thuộc Đảng Dân chủ (the Democratic Party), từng giữ chức vụ Thống đốc bang Georgia 1971-1975, và nhận đề cử từ Đảng Dân chủ để ra tranh cử ghế Tổng thống 1976. Sau khi đắc cử, Carter và Quốc hội tách Bộ Y Tế, Giáo dục và Phúc lợi (HEW) thành Bộ Giáo dục và Bộ Y Tế và Dịch vụ Nhân sinh, khiến Bộ Giáo dục có hệ thống độc lập lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Vào tháng 8, 1979, để trấn an người dân Mỹ trước làn sóng người tị nạn, Tổng thống Carter nói:

“Hãy để tôi nhắc quý vị rằng, nước Mỹ là một quốc gia của người di dân. Chúng ta là quốc gia của người tị nạn!” Tổng thống nói với hơn 2,000 người tại một cuộc gặp gỡ.

“Người tị nạn bây giờ đang phải rời từ Đông Nam Á, từng là đồng minh của chúng ta trong Chiến Tranh Việt Nam. Họ đang rời khỏi một quốc gia đã tước đi những quyền cơ bản của họ. Họ tin vào giá trị cá nhân, sự sáng tạo cá nhân, và quyền tự do con người. Họ hợp với triết lý của chúng ta hơn là với chế độ cộng sản. Nước Mỹ hãy mở cửa cho họ vào!”


Tổng Thống Jimmy Carter, Ân Nhân Của Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Tại Hoa Kỳ Nói Riêng và Thế giới Nói Chung!

(Theo Đinh Yên Thảo)


(Hình: Cựu Tổng thống Carter nói chuyện với nhân viên bầu cử tại một phòng phiếu ở Nam Sudan, 2010.)
-Theo thông báo từ gia đình hồi cuối tuần qua, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã được đưa về nhà để chờ ngày ra đi thanh thản. Ở tuổi 98, ông đã sống quá đủ cho một cuộc đời với những di sản mà nước Mỹ sẽ còn nhớ đến ông, không chỉ trong cương vị Tổng thống đời thứ 39 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mà còn là một tinh thần phục vụ và bác ái qua các hoạt động thiện nguyện miệt mài của ông trong bốn thập niên vừa qua, kể từ sau khi mãn nhiệm Tổng thống.


Cách riêng với người Việt tị nạn, ông là một ân nhân lớn, số một! không thể không nhắc đến.
Năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter đứng trước một quyết định khó khăn trước vấn đề thuyền nhân Việt Nam, đang ồ ạt đổ ra biển khơi, hay tạm dung đầy nghẹt trong các trại tị nạn Đông Nam Á, với hy vọng được Hoa Kỳ cùng các nước phương Tây chấp nhận cho định cư. Thăm dò trên CBS và The New York Times cho thấy, gần hai phần ba công chúng Mỹ, khoảng trên 62% người dân cùng một số nhà Lập pháp Hoa Kỳ, lại không muốn nhận người tị nạn Việt Nam vào Mỹ.

Bất kể điều bất lợi này, Tổng thống Carter đã đi một bước xa hơn những gì người khác dự liệu, khi tăng số người tị nạn Đông Dương từ 7.000 người được nhận vào Mỹ mỗi tháng, lên gấp đôi! là 14.000 người, rồi tiếp tục càng ngày càng gia tăng về sau.

Tại sao ông đưa ra quyết định đầy tình người này?


(Hình: Tổng thống Carter tuyên thệ nhậm chức Thống đốc Georgia năm 1971.)

Trong bài báo “Tổng thống vận động cho thuyền nhân tị nạn Việt Nam” (President Makes Appeal for Vietnamese Boat People) của ký giả Bill Peterson đăng trên tờ Washington Post vào ngày 23 tháng 8 năm 1979, Peterson tường thuật rằng, đứng trên một bờ dốc thoai thoải phía trên sông Mississippi, từng là con đường chính cho những người nhập cư di chuyển về phía Bắc và phía Tây, Tổng thống Carter đã đưa ra một lời kêu gọi đầy cảm xúc cho thuyền nhân Việt tị nạn

Ông phát biểu trước hơn 2.000 cư dân tại đây rằng, “Cho tôi nhắc với quý vị rằng, Hoa Kỳ là một quốc gia của những người di dân. Cha ông chúng ta là di dân! Chúng ta là một quốc gia của những người tị nạn. Những người tị nạn Việt Nam từng là đồng minh của chúng ta, trong cuộc chiến tranh Việt Nam chống CS bành trướng. Họ đang chạy trốn khỏi một đất nước đã tước đi tất cả các quyền căn bản của họ. Họ tin vào giá trị, khả năng của mỗi người, cùng sự tự do cá nhân. Về mặt tâm thức, họ gần với chúng ta hơn là phải sống dưới chế độ Cộng sản”. Ông đã trả lời như trên, sau khi một sinh viên đặt câu hỏi rằng, liệu người tị nạn có lấy mất đi công việc của người dân Mỹ!

Ông tiếp rằng, “Tôi tin rằng, cứ 1.000 người Mỹ, có thể giúp cho một người tị nạn đang tìm kiếm tự do chỉ trong một vài tuần, đặc biệt là khi những người này đã chứng tỏ rằng họ mong muốn học ngôn ngữ của chúng ta. Họ quyết tâm xây dựng đời mới, đứng bằng đôi chân mình. Vì vậy, tôi hy vọng rằng tất cả người dân Mỹ sẽ nhận ra rằng, gia đình của quý vị đã đến quốc gia này từ nhiều năm trước, để tìm kiếm chính xác những điều mà những người tị nạn Việt Nam đang tìm kiếm hiện nay! họ với chúng ta là một!”.

Với suy nghĩ gởi đến người dân Mỹ như trên, Tổng thống Carter đã ra lệnh cho các tàu Mỹ đón những thuyền nhân Việt tị nạn chạy trốn khỏi Việt nam và cho phép những người tị nạn tái định cư tại Hoa Kỳ như họ mong muốn. Theo như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo vào thời gian này. Ông vận động các nhà Lập pháp để gia tăng số người tị nạn Đông Nam Á, đa phần, trên 90%, là người tị nạn Việt Nam được định cư tại Mỹ. Đạo luật Refugee Act of 1980 do Thượng Nghị sĩ Edward Kennedy đề ra, đã cho phép gia tăng số người tị nạn Việt Nam được nhận và giúp đỡ họ tái thiết cuộc sống mới tại Mỹ, theo sau chính sách của Tổng thống Carter.


(Hình: Trưng bày về đạo luật tưởng niệm các cựu chiến binh Mỹ của Tổng thống Carter)

Không dừng tại đây, Tổng thống Carter đã gởi Phó Tổng thống Walter Mondale sang Geneva, Thụy Sĩ để họp bàn cùng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), cùng các quốc gia phương Tây, trong việc giúp đỡ thiết thực người tị nạn Việt Nam. Chính từ các hội nghị này, Cao Ủy Tị Nạn đã thay mặt Hoa Kỳ, thương lượng với Hà Nội, để bắt đầu chương trình tái định cư ODP, cùng các chương trình HO, con lai về sau này. Tháng 1 năm 1980, văn phòng ODP được thiết lập tại Vọng Các, Thái Lan để bắt đầu tiếp nhận hồ sơ ODP. Tất cả đều từ công của TT Carter! Các nhân viên văn phòng cùng nhân viên Tòa Lãnh Sự, Sở Di Trú Hoa Kỳ, đã bay sang Sài Gòn mỗi tháng, để phỏng vấn những người nộp hồ sơ, cho đến khi văn phòng ODP chính thức được mở ra tại Sài Gòn về sau này.

Như lời Tổng thống Carter phát biểu, chính sách di dân và người tị nạn với người tị nạn Việt Nam, đến từ việc, ông xem người Việt là đồng minh của Hoa Kỳ. Và cũng như một phần không ít các chính khách hay Tổng thống Mỹ khác, ông cũng thuộc hậu duệ của một giòng họ di dân, đến từ Anh hàng đôi trăm năm trước, nên thông cảm với tình trạng cần cứu vớt của người tị nạn. “Bởi vì chúng ta tự do, chúng ta không bao giờ có thể thờ ơ với số phận thiếu tự do ở nơi khác” là một mục tiêu và cam kết của ông, không chỉ với người tị nạn Việt Nam và với cả thế giới.
Sinh năm 1924 tại tiểu bang Georgia, có thân phụ từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ vào thời Đệ nhất Thế chiến, rồi trở thành một chính khách, Tổng thống Jimmy Carter, thuộc đảng Dân chủ, cũng đi theo con đường binh ngũ và sự nghiệp như cha mình. Ông được huấn luyện tại Học Viện Hải quân Hoa Kỳ và phục vụ tại các hạm đội Đại Tây Dương, Thái Bình Dương sau khi tốt nghiệp. Năm 1963, ông ra tranh cử và đắc cử vào Thượng viện Georgia, mở màn cho cuộc đời chính trị của ông.

Đến năm 1971, ông đắc cử Thống đốc Georgia và năm 1976, ông chiến thắng khít khao trước Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford thuộc đảng Cộng hòa lúc bấy giờ, để trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đời thứ 39, từ năm 1977 đến 1981. Ông thất cử trước Tổng thống Ronald Reagan của đảng Cộng hòa khi tái tranh cử.

Nhiệm kỳ Tổng thống của ông không được giới sử học và khoa học chính trị đánh giá cao, nhưng hầu hết đều ghi nhận và đánh giá rất cao những đóng góp, các hoạt động cổ súy hòa bình, nhân quyền và thiện nguyện của ông kể từ sau nhiệm kỳ Tổng thống trong vòng 40 năm qua, từ năm 1982.

Các hoạt động cổ súy và thúc đẩy dân quyền và nhân quyền thế giới của ông, qua trung tâm Carter Center tại Atlanta, Georgia, đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa Bình vào năm 2002. Ông từng phát biểu rằng, “Nước Mỹ không phát minh nhân quyền, mà một cách rất thực tế là, nhân quyền đã tạo ra nước Mỹ!”.

Cùng với phu nhân Eleanor Rosalynn Carter, hiện nay 98 tuổi và đã bên cạnh ông trong suốt gần 77 năm qua, cả hai là những nhân vật chủ chốt trong tổ chức thiện nguyện uy tín Habitat for Humanity, một tổ chức từ thiện có hành dinh tại Georgia và hoạt động tại 70 quốc gia, chuyên giúp xây nhà, cung cấp nước sạch cho người nghèo khắp nơi trên thế giới.

Tin tức về những ngày tháng cuối cùng của cựu Tổng thống Jimmy Carter đã làm xúc động các chính khách, giới nổi tiếng và người dân Mỹ. Rất nhiều người đã bày tỏ lòng quý mến và tri ân về các đóng góp cùng hoạt động của ông. Bộ Hải quân Hoa Kỳ cũng ra thông báo đổi tên cho một tòa trung tâm của học viện, trở thành Carter Hall! nhằm vinh danh ông và các thông báo vinh danh ông đã được nhiều tổ chức gởi ra.

Với cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ nói riêng, chính sách cưu mang và bác ái của cựu Tổng thống Jimmy Carter, đã trực tiếp hay gián tiếp, giúp cho hàng trăm ngàn người gốc Việt có mặt trên nước Mỹ này. Có lẽ đây là điều cần ghi nhận về một vị Ân Nhân lớn nhất, trong hành trình của cộng đồng người Việt, lớn mạnh trên vài triệu người tại Hoa Kỳ hiện nay.


Bài Đọc thêm, Ôn Lại Lịch Sử: Cựu Tổng Thống Jimmy Carter và Việt Nam

(Nguyễn Quốc Khải)


(Hình: Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter và vợ, Rosalynn Carter, tại New York, 1976.)
Trong 2 năm cuối của Tổng thống Gerald Ford, Hoa Kỳ đã thâu nhận khoảng 150.000 người tị nạn kể từ sau khi Saigon thất thủ vào 30/4/1975. Chính quyền Carter tận tình tiếp tục công tác này trong suốt bốn năm tiếp theo.

-Khi tác giả đang viết bài báo này, cựu Tổng thống Jimmy Carter, năm nay đã 98 tuổi, đang nằm trên giường bệnh chờ đợi cái chết sắp đến. Ông là một người bình dị, chân thật và đạo đức. Ông tận tình giúp người tị nạn Đông Nam Á nói chung và người Việt tị nạn nói riêng. Tôi còn nhớ một buổi chiều vào ngày 19/7/1979, chúng tôi biểu tình trước Tòa Bạch Ốc để vận động chính phủ Hoa Kỳ giúp thuyền nhân tị nạn, do ca sĩ Joan Baez và Refugees International tổ chức. Tổng thống Carter đã mở cửa sổ vẫy tay chào đón chúng tôi và nói với đám đông rằng, ông đã ra lệnh cho Hạm Đội 7 ra khơi, cứu vớt những thuyền nhân!

Hôm đó có rất nhiều Mỹ cũng tham gia, nhân dịp họ vào thủ đô để nghe ca sĩ Joan Baez hát trước Lincoln Memorial, cho người tị nạn Đông Nam Á dưới tiêu đề “A Plea, Not a Protest” với khoảng 10.000 người tham dự. Hàng trăm ngàn người chết trên biển! đã đánh động lương tâm người Mỹ, ngay cả những người từng chống chiến tranh, bênh vực Cộng sản, như Joan Baez. Nghe tin buồn, cũng cầu mong cựu Tổng thống Carter ra đi bình an.

***
Cựu Tổng thống Jimmy Carter (Dân chủ) nhậm chức vào ngày 20/1/1977, hai năm sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Người tiền nhiệm của ông là cố Tổng thống Gerald Ford đã chứng kiến Saigon thất thủ trong cơn hỗn loạn. Carter là người trách nhiệm lèo lái nước Mỹ thời hậu chiến trong khi chiến tranh lạnh sôi động khắp nơi trên thế giới. Sau Việt Nam, năm nước khác lần lượt trở thành Cộng sản, gia nhập vào trục Mạc Tư Khoa-Bắc Kinh, như Lào (1975), Cam Bốt (1975), Angola (1975), Nicaragua (1979), Grenada (1979). Tuy nhiên, đợt bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản sau chiến tranh Việt Nam ít hơn đợt một, với 12 nước đi theo Xã hội chủ nghĩa xảy ra sau khi Ðệ nhị Thế chiến chấm dứt.

*QUAN ĐIỂM CỦA CARTER VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Theo cựu Tổng thống Jimmy Carter, dấn thân vào Việt Nam về cơ bản là một quyết định của Tổng thống John Kennedy. Ông nghĩ rằng Tổng thống Kennedy dự định một sự tham gia hạn chế. Sau khi người Pháp rút lui, Hoa Kỳ dự tính sẽ hoàn thành vai trò bảo vệ Á Châu chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Sau khi kế thừa Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Johnson ngày càng tham gia sâu hơn và biến Việt Nam thành vấn đề của niềm tự hào dân tộc. Cái tôi cá nhân và cam kết của ông ta đã chiếm ưu thế.

Theo cựu Tổng thống Carter, Hoa Kỳ đã đánh giá thấp sự ngoan cường, mưu mô của Bắc Việt và các lực lượng nổi dậy chống lại Hoa Kỳ. Trái lại, Hoa Kỳ đã đánh giá không đúng khả năng, cần sự dài lâu của mình và những cam kết giúp đỡ của những người Việt Nam cùng phe với Hoa Kỳ.

Nói tóm lại chiến tranh Việt Nam do Tổng thống Kennedy khởi xướng, đã leo thang và mở rộng rất nhiều dưới thời Lyndon Johnson. Thuyết Domino là một mối đe dọa thực tế, nhưng khi nhìn lại, có lẽ đã bị “phóng đại” như một nguyên nhân nào đó để tham gia vào Việt Nam.

Cựu Tổng thống Carter nghĩ rằng, đây lần đầu tiên trong lịch sử, Hoa Kỳ đã cam kết toàn bộ quốc gia, để tiến hành một nhiệm vụ kết hợp chính trị và quân sự, nhưng Hoa Kỳ đã thất bại! Đây là một một đòn giáng mạnh vào lòng tự trọng của Hoa Kỳ, bỏ rơi đồng minh! và có thể là một đòn khá nặng nề đánh vào lòng tự trọng toàn thế giới về Hoa Kỳ, theo sự đánh giá của người ngoài cuộc.

Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách gây chiến tranh, xâm lược một quốc gia, ném bom một quốc gia, tấn công một quốc gia, chỉ khi an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa trực tiếp. Tiền đề về Việt Nam là Hoa Kỳ bị đe dọa vì những lời tuyên bố, những lời giải thích bởi Tổng thống Johnson và thậm chí cả Dwight Eisenhower và Kennedy. Có một mối đe dọa rằng chủ nghĩa Cộng sản sẽ thắng thế trong toàn bộ lĩnh vực Á Châu vì cả Liên Xô và Trung Quốc đều giúp đỡ người Việt Nam. Vào thời điểm đó chính sách của Hoa Kỳ, là chỉ dùng đến chiến tranh nếu an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa trực tiếp.

Theo cựu Tổng thống Carter, chiến tranh Việt Nam trở nên tồi tệ đối với Hoa Kỳ, với thất bại phơi bày và rõ ràng. Hoa Kỳ không giữ đúng lời hứa! Quân đội rút bằng máy bay trực thăng trên nóc nhà vào phút cuối. Đối thủ của Hoa Kỳ ở Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn về chính trị và quân sự.

Chiến tranh Việt Nam đã gửi một tín hiệu cảnh báo đến toàn xã hội Mỹ, bao gồm các thành viên của Quốc hội, các Tổng thống, và công chúng, rằng Hoa Kỳ nên thận trọng hơn trong các phiêu lưu quân sự khác, đặc biệt là khi Hoa Kỳ tự gây nguy hiểm cho tầm vóc của chính mình. Một trong những bài học là nếu cần phải tham chiến, Hoa Kỳ cần có một cam kết tối đa của cộng đồng quốc tế, với tư cách là những đồng minh thực sự thân thiết và những người bạn cam kết và những người ủng hộ càng tốt. Không bỏ đồng minh ở nửa chừng cuộc chiến.

*CARTER ÂN XÁ CHO NHỮNG THANH NIÊN TRỐN QUÂN DỊCH

Cựu Tổng thống Carter tham dự lễ nhậm chức vào ngày thứ Năm, 20/1/1977. Ngay sau khi buổi lễ chấm dứt, ông đã đi vào bên trong Tòa nhà Quốc hội để ký một chỉ thị tha thứ cho tất cả những người đã trốn tránh nghĩa vụ quân dịch trong chiến tranh Việt Nam và những người đã trốn qua Gia Nã Ðại, nhưng không tha thứ cho những người lính đào ngũ khỏi quân đội. Chỉ thị có hiệu lực vào ngay hôm sau.

Đây là một vấn đề chính trị rất khó khăn đối với Cựu Tổng thống Carter. Ông tâm sự rằng hành động ân xá không phải là điều phổ biến nhất vào lúc bấy giờ, nhưng đó là điều đúng đắn nên làm, một cơ hội để hàn gắn đất nước bị chia rẽ, vượt ra khỏi Chiến tranh Việt Nam và nỗi ám ảnh Việt Nam, lật qua trang sử, để tiến vào một kỷ nguyên khác của cuộc sống.

Quyết định ân xá của Cựu Tổng thống Carter đã tạo ra rất nhiều tranh cãi. Ông bị chỉ trích nặng nề bởi các nhóm cựu chiến binh và những người khác vì đã cho phép những kẻ vi phạm pháp luật, không yêu nước, được ra đi mà không bị phạt. Trái lại, những tổ chức ân xá chỉ trích Carter vì không ân xá những người đào ngũ, những binh lính bị trục xuất ra khỏi quân ngũ một cách nhục nhã, hoặc những người dân thường biểu tình phản chiến bị truy tố vì sự chống đối của họ.

Tổng cộng, khoảng 100.000 thanh niên Mỹ đã ra ngoại quốc vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, để tránh phục vụ trong chiến tranh. Khoảng 90% đã đến Gia Nã Ðại và được coi như là những di dân hợp pháp, mà Gia Nã Ðại đang cần cho lực lượng lao động. Vẫn còn những người khác trốn bên trong Hoa Kỳ. Ngoài những người tránh quân dịch, khoảng 1.000 quân nhân đào ngũ cũng đến Gia Nã Ðại.

Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục truy tố những người trốn quân dịch. Tổng cộng có 209,517 nam giới chính thức bị buộc tội vi phạm luật quân dịch và khoảng 360.000 người khác chưa bao giờ bị buộc tội chính thức. Nếu họ trở về Hoa Kỳ, những người từng trốn tránh ở Gia Nã Ðại hoặc các nơi khác phải chịu án tù hoặc buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1976, Jimmy Carter đã hứa sẽ ân xá cho những kẻ trốn quân dịch. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Carter đã thực hiện lời hứa của mình. Nhiều người Mỹ đã trở về nhà, nhưng ước tính có khoảng 50.000 người định cư lâu dài ở Gia Nã Ðại vì trẻ và có học thức, dễ đáp ứng với xứ sở mới.

Cựu Tổng thống Carter có một con trai lớn từng phục vụ tại Việt Nam. Khi còn là sinh viên tại Georgia Tech, anh ta bỏ học để thi hành quân dịch và là một trong những người đã sống sót trở về. Anh đã về thăm nhà ở Plains hai lần trong khi còn ở trong quân đội. Anh ấy không thích mặc đồng phục trong khi về nhà nghỉ phép, bởi vì những “phong trào phản chiến” có rất nhiều sự khinh miệt và xúc phạm và lên án anh ta vì đã ngây thơ, vì đã rời khỏi trường Đại học Georgia Tech và qua Việt Nam. Anh đã bị chính nhóm đồng bạn lên án.


*CARTER GIÚP TỊ NẠN VIỆT NAM

Trong hai năm cuối của Tổng thống Gerald Ford, Hoa Kỳ đã thâu nhận khoảng 150.000 người tị nạn kể từ sau khi Saigon thất thủ vào 30/4/1975. Chính quyền Carter tận tình tiếp tục công tác này trong suốt bốn năm tiếp theo.

Tổng thống Carter đã ra lệnh cho các tàu Mỹ đón những người tị nạn chạy trốn khỏi Đông Nam Á bằng thuyền và sẽ cho phép những người tị nạn tái định cư ở Hoa Kỳ nếu họ muốn. Quyết định này ảnh hưởng đến tất cả các tàu vận tải của Mỹ hoặc tàu đăng ký tại Hoa Kỳ. Trước đó, nhiều tàu đã từ chối đón người tị nạn để tránh những khó khăn tại các hải cảng sắp đến. Quyết định đáp ứng sự gia tăng đột ngột vào tháng 5 và tháng 6, 1978 về số lượng những người được gọi là “thuyền nhân” hầu hết từ Việt Nam đến các cảng Á Châu, hầu hết ở Thái Lan và Mã Lai Á, và ở Úc.

Vào đầu 1978, số lượng người tị nạn đến các cảng này khá ổn định ở mức khoảng 2.000 người mỗi tháng, nhưng vào tháng 5, con số này đã tăng lên 5,800 người và tiếp tục ở mức đó vào tháng 6. Một số tổ chức tị nạn đã ước tính rằng ít nhất một nửa số người trốn thoát bằng thuyền từ Việt Nam đã chết trên biển. Theo lệnh của ông Carter, thuyền trưởng của các tàu Mỹ giờ đây có thể bảo đảm với chính quyền ở bất kỳ cảng nào rằng các trường hợp của người tị nạn sẽ được Cơ quan Di trú và Nhập tịch giải quyết nhanh chóng và những người tị nạn sẽ sớm trên đường đến nơi họ chọn để tái định cư.

Một trong những thành quả lớn nhất của Tổng thống Carter trong công tác cứu giúp thuyền nhân là ông đã thành công trong việc thiết lập Đạo Luật Tị Nạn 1980 (Refugee Act of 1980), được Thượng viện đồng nhất thông qua vào cuối năm 1979 và được Tổng thống Jimmy Carter ký thành luật vào đầu năm 1980.

Đạo luật về Người tị nạn năm 1980 đã sửa đổi Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch trước đó và Đạo luật Hỗ trợ Người tị nạn và Di cư. Đạo luật mới đã nâng mức trần hàng năm cho người tị nạn từ 17.400 lên 50.000, đồng thời tạo ra một quy trình điều chỉnh mức trần người tị nạn để đáp ứng các trường hợp khẩn cấp.

Đạo luật “Refugee Act of 1980” và tất cả các chương trình tị nạn tiếp theo. Các chương trình tị nạn Orderly Departure Program (ODP bao gồm HO, U11, V110), Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees (ROVR), Humanitarian Resettlement (HR) và American Homecoming (AH) được thiết lập để định cư người Việt tị nạn đều dựa theo Đạo Luật Người Tị Nạn 1980.

*CARTER GIÚP TÁI LẬP BANG GIAO VỚI VIỆT NAM

Ngay sau chiến tranh, chính quyền Gerald Ford đã áp dụng những biện pháp trừng phạt cứng rắn chống Hà Nội bao gồm cấm vận kinh tế, không công nhận Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và ngăn cấm CHXHCNVN vào Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Ford còn đòi Hà Nội giải quyết vấn đề quân nhân mất tích trước khi nói chuyện về việc tái lập bang giao.

Sau khi tiếp nhận Tòa Bạch Ốc từ Tổng thống Gerald Ford vào 1977, chính quyền Carter đã bắt đầu có những tiếp xúc với phái đoàn Liên Hiệp Quốc của Hà Nội tại New York để thăm dò việc tái lập ngoại giao giữa hai nước. Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam đề nghị hai bên gặp nhau tại Paris để thảo luận việc bình thường ngoại giao giữa hai quốc gia. Lúc đầu Việt Nam đòi bồi thường chiến tranh, nhưng sau cùng vào 1978, Hà Nội đã bỏ đòi hỏi này. Việt Nam cũng không buộc điều kiện Hoa Kỳ viện trợ vào vấn đề tìm kiếm quân nhân mất tích.

Về phía Hoa Kỳ, chính quyền Carter sẵn sàng trợ giúp kinh tế cho Việt Nam nhưng nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng bất kỳ viện trợ nào cho Việt Nam phải là viện trợ “bình thường” và không được coi là bồi thường thiệt hại. Hoa Kỳ không có “món nợ” nào đối với Việt Nam về thiệt hại chiến tranh và không nên thừa nhận “có lỗi” trong cuộc xung đột Đông Dương. Hoa Kỳ chỉ cần Việt Nam hứa giải quyết vấn đề quân nhân mất tích, không cần phải tìm kiếm tất cả quân nhân mất tích.

Đối với Tổng thống Carter, tái lập bang giao với Việt Nam không phải là việc ưu tiên vì vào thời điểm đó Hoa Kỳ đang quan tâm nhiều hơn đến việc bình thường hóa ngoại giao với Trung Quốc và tìm cách giúp hòa giải giữa hai nước Trung Đông là Do Thái và Ai Cập. Ngoài ra trong thời gian 1978-1991, việc thương thuyết tái lập bang giao giữa Việt Nam bị tê liệt vì Việt Nam đang chiếm đóng Cam Bốt (21/12/1978-26/9/1989), vấn đề binh sĩ Hoa Kỳ mất tích chưa được giải quyết, và thảm họa thuyền nhân vẫn tiếp diễn.

Phải đợi đến khi Tổng thống Bill Clinton (Dân chủ) bước vào Tòa Bạch Ốc, việc bang giao với Việt Nam mới đạt được tiến bộ cụ thể. Sau khi đã thảo luận nội bộ với những tổ chức cựu quân nhân Hoa Kỳ, cựu Đại Tướng William Westmoreland, cựu tư lệnh quân lực Mỹ tại Việt Nam, vào ngày 4/2/1994 Tổng thống Clinton tuyên bố bãi bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam. Hoa Kỳ công nhận Việt Nam đã hợp tác trong việc tìm kiếm 2,238 quân nhân Hoa Kỳ còn mất tích. Chính quyền Clinton nhận định rằng thỏa thuận cho phép thiết lập văn phòng liên lạc ngoại giao tại hai nước sẽ giúp việc tìm kiếm quân nhân mất tích dễ dàng hơn. Một năm sau, vào ngày 11/7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức tái lập bang giao.


Nhiều Lời Ca Ngợi Cựu Tổng Thống Carter Sau Khi Ông Về Nhà Để Được Chăm Sóc Cuối Đời!


(Hình: Ông Jimmy Carter trong hình chụp tại New York tháng Ba năm 2018 khi ông đã 93 tuổi.)

- Cuối tuần qua, cựu Tổng Thống Jimmy Carter, 98 tuổi, đã được đưa vào chương trình chăm sóc tại nhà (hospice) để chuẩn bị cho giai đoạn cuối đời của ông. Trong thời gian gần đây ông đã phải vào bệnh viện ngắn hạn nhiều lần.

Các chính trị gia, người nổi tiếng, nhiều tổ chức đã liên tục gửi những lời phát biểu về vị cựu Tổng Thống. Tất cả đã dành nhiều lời khen ngợi cho nhà lãnh đạo đảng Dân Chủ này, người đã tiếp tục phục vụ cộng đồng trong một thời gian dài sau khi rời Tòa Bạch Ốc.

Cựu nghị sĩ gốc diễn viên hài Al Franken chỉ đơn giản nói rằng ông Carter là “cựu tổng thống vĩ đại nhất. Cho đến nay.”

Diễn viên hài kiêm nhà văn Jon Stewart nói, “Ông Jimmy Carter là một trong những người tốt bụng và chu đáo nhất mà tôi từng có vinh dự được gặp. Ông là người tốt nhất trong chúng ta.”

Một số chính trị gia hiện tại - cả Đảng Dân Chủ lẫn Đảng Cộng Hòa - cũng ca ngợi những thành tựu của ông Carter.

Bà Dân Biểu Sheila Jackson Lee từ Texas gọi ông Carter là “báu vật và biểu tượng của nước Mỹ” và nói rằng ông là một trong những tổng thống có tấm lòng nhất của đất nước.

Bà Jackson Lee nói, “Ngay từ khi bắt đầu phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ và trong suốt thời gian làm tổng thống, ông ấy đã thể hiện ý thức quan tâm đến người khác.”

Ông Jimmy Carter trở thành tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ sau khi ông đánh bại ứng cử viên Đảng Cộng Hòa đương nhiệm Gerald Ford trong cuộc bầu cử năm 1976.

Cuối tuần qua, nhà sử học tổng thống Michael Beschloss đã chia sẻ một loạt ảnh của ông Carter trong thời gian ông làm tổng thống trên mạng xã hội, trong đó có một bức ảnh chụp với ông Joe Biden tại Phòng Bầu Dục.

Giáo sư lịch sử Đại Học Harvard bà Annette Gordon-Reed, người đã viết The Hemingses of Monticello: An American Family, cho biết cô còn quá trẻ để bỏ phiếu cho ông Carter nhưng đã ủng hộ cuộc tranh cử của ông bằng cách giúp điều hành nhóm Youth for Carter.

Ông Gordon-Reed nói thêm, “Tôi đi phát tờ rơi từng nhà, gọi điện thoại. Vui mừng khi biết ông ấy thắng. Biết tất cả nội các của ông ấy, xem tất cả các cuộc họp báo của ông ấy. Bị thất vọng nhiều khi ông ấy thua cuộc.”

Ông Carter đã không thể giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, nhưng thất bại của ông trước Ronald Reagan của Đảng Cộng Hòa vào năm 1980 đã không làm ông rời khỏi đời sống phục vụ công chúng.

Năm 1982, ông và vợ là bà Rosalynn thành lập tổ chức phi lợi nhuận Trung Tâm Carter, và vị cựu Tổng Thống cũng đã giúp xây nhà cho người nghèo của Habitat for Humanity - ngay cả khi ông đã ngoài 90 tuổi.

“Tất cả chúng tôi tại Habitat for Humanity đang cầu nguyện cho Tổng Thống và bà Rosalynn Carter khi ông vào chăm sóc hospice. Chúng tôi cầu nguyện cho sự thoải mái của ông và sự bình an của hai ông bà,” tổ chức này cho biết.

Ngoài công việc, ông bà Carter còn là những người yêu thích quan sát chim, một sở thích mà gia đình nảy theo sau chuyến đi đến Tanzania vào năm 1988.

Tạp chí BirdWatching cho biết họ “gửi cầu nguyện bình an và tình thương tới Tổng Thống Carter và vợ ông, bà Rosalynn, những người đam mê quan sát chim từ cuối những năm 1980.”


Lá thư của cựu Tổng Thống Jimmy Carter


(Mai Vũ Phạm)

-Hội từ thiện The Carter Center hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Hai loan tin Tổng Thống thứ 39 của Hoa Kỳ (từ năm 1977 đến 1981) – Jimmy Carter được đưa về nhà để an dưỡng cuối đời (hospice care).

“Sau những lần vào viện chữa trị, cựu Tổng Thống Jimmy Carter quyết định dành hết những tháng ngày còn lại để an dưỡng bên gia đình, trong ngôi nhà của ông thay vì tiếp tục điều trị. Gia đình và nhân viên y tế ủng hộ ông về quyết định này,” The Carter Center thông báo.

Cháu trai của ông, Jason Cater, cựu Thượng Nghị Sĩ Georgia, viết trên Twitter hôm Thứ Sáu: “Tôi đã gặp ông và bà của tôi. Họ rất an nhiên và, lúc nào cũng thế, ngôi nhà của ông bà tràn ngập tình yêu.”

Cựu Tổng Thống Carter không xa lạ với cộng động người Việt hải ngoại, bởi chính ông là người đã ký Đạo luật Di dân, cho phép thêm 15.000 người tị nạn Việt Nam vào Mỹ, gấp đôi con số đã đề ra trước đó.

Năm 2022, nhân ngày tưởng niệm một năm Toà Quốc Hội bị tấn công, Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ (từ năm 1977 – 1981) – Jimmy Carter, đã viết bài xã luận trên New York Times, như một lời mời gọi thiết tha gửi đến cử tri Mỹ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến nền dân chủ Mỹ trước khi quá muộn.


...Tại mỗi cuộc bầu cử, vợ tôi, Rosalynn, và tôi đã cảm động trước sự can đảm và cam kết của hàng nghìn công dân đi bộ hàng dặm và xếp hàng chờ từ bình minh đến hoàng hôn để bỏ những lá phiếu đầu tiên trong các cuộc bầu cử tự do, nuôi dưỡng hy vọng cho bản thân và quốc gia của họ, và tiếp những bước đầu tiên cho quyền tự trị.

Để nền dân chủ Mỹ tồn tại lâu dài, chúng ta phải yêu cầu các nhà lãnh đạo và ứng cử viên của chúng ta phải giữ vững lý tưởng tự do và tuân thủ các tiêu chuẩn ứng xử đạo đức.


Thứ nhất, trong khi công dân có thể bất đồng về các chính sách, mọi công dân thuộc mọi thành phần chính đảng, phải đồng ý về các nguyên tắc và chuẩn mực hiến pháp cơ bản về công bằng, văn minh, và tôn trọng pháp quyền.

Thứ hai, chúng ta phải thúc đẩy cải cách nhằm đảm bảo an ninh và khả năng tiếp cận các cuộc bầu cử, cũng như đảm bảo lòng tin của công chúng vào tính chính xác của kết quả bầu cử.

Thứ ba, chúng ta phải chống lại sự chia rẽ chính trị đang biến đổi bản sắc của chúng ta. Chúng ta phải tập trung vào một vài sự thật thiết yếu: Chúng ta đều là con người, đều là người Mỹ, và chúng ta cùng hy vọng cho cộng đồng và quốc gia phát triển.

Thứ tư, Chúng ta phải bảo vệ các quan chức bầu cử của mình – những người bạn và hàng xóm đáng tin cậy của nhiều người trong chúng ta – khỏi các mối đe dọa đối với sự an toàn của họ.

Cuối cùng, Các doanh nghiệp và các cộng đồng tôn giáo nên khuyến khích tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, tham gia vào các cuộc bầu cử và nỗ lực chống lại thông tin sai lệch.

Quốc gia vĩ đại của chúng ta hiện đang đứng trên bờ vực thẳm ngày càng lan rộng. Nếu không có hành động ngay lập tức, chúng ta thực sự có nguy cơ xung đột dân sự và đánh mất nền dân chủ quý giá của mình. Người Mỹ phải gạt sự khác biệt sang một bên và liên đới cùng nhau trước khi quá muộn.

Kết hôn 73 năm, cựu Tổng thống Mỹ Carter vẫn nắm tay vợ xuống phố


- Kết hôn được hơn 73 năm nhưng mỗi khi xuống phố, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn Carter vẫn nắm chặt tay nhau như những cặp vợ chồng son.

Ông Carter chỉ phục vụ một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Ông giữ một số kỷ lục như tổng thống sống lâu nhất, người có thời gian "hậu tổng thống" dài nhất trong số các tổng tư lệnh và là 1 trong 4 tổng thống Mỹ giành được giải thưởng Nobel Hòa bình.


Tuần này, ông Carter đạt được một cột mốc khác: sở hữu cuộc hôn nhân dài nhất trong số các tổng thống Mỹ. Ông Carter và phu nhân Rosalynn đã kết hôn được hơn 73 năm - chính xác là 26.766 ngày. Khoảng thời gian này nhiều hơn những người giữ kỷ lục trước đó là cựu Tổng thống George H.W. Bush và phu nhân Barbara Bush (kết hôn được 73 năm và 102 ngày cho đến khi bà Barbara qua đời năm 2018).

Kết hôn được hơn 73 năm nhưng cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn Carter vẫn nắm chặt tay nhau như những cặp vợ chồng son. Ảnh: The Washington Post

Hai ông bà Carter kết hôn năm 1946. Lúc đó, ông Carter 21 tuổi và bà Rosalynn 18 tuổi. Họ quen biết nhau từ lâu và bà Rosalynn chơi với em gái của ông Carter là bà Ruth.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Carter chia sẻ bà Rosalynn "phải lòng ông", trong khi hai người Rosalynn và Ruth "đã lên kế hoạch để khiến ông chú ý trong nhiều năm".

Năm 1945, nhân dịp nghỉ phép kéo dài 1 tháng tại Học viện Hải quân Mỹ, ông Carter về thăm nhà. Khi đang lái xe quanh thị trấn cùng em gái và bạn trai cô thì ông Carter gặp bà Rosalynn ra khỏi nhà thờ. Người phụ nữ sau đó đồng ý đi xem phim cùng ông.

Sáng hôm sau, mẹ của ông Carter hỏi con trai mình có cảm nhận gì về bà Rosalynn và được ông trả lời: "Cô ấy là người mà con sẽ cưới".


Hai người từng kề vai nhau chiến đấu với căn bệnh ung thư não của ông Carter. Trong một bài báo của The Washington Post hồi năm ngoái, hai tác giả Kevin Sullivan và Mary Jordan cho biết cặp đôi vẫn nắm tay nhau khi xuống phố và ông Carter trìu mến gọi vợ là "em yêu".


Sống Đơn Giản Như Cựu Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter

– Sau khi rời khỏi văn phòng, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, 94 tuổi, sống trong một ngôi nhà hai phòng ngủ trị giá 167.000 USD và rửa chén sau mỗi bữa ăn tại nhà.
Cuộc sống của ông Carter tại một thị trấn nhỏ ở bang Georgia kể từ lúc về hưu ở tuổi 54 đơn giản đến kinh ngạc. Thay vì chọn cách kiếm tiền bằng danh tiếng chính trị, vị tổng thống thứ 39 của Mỹ lại trở về thị trấn Plains, làm chủ một trang trại trồng đậu phộng.

Trả lời báo The Washington Post về quyết định của mình hồi đầu tháng này, ông Carter cho biết: "Tôi thấy điều đó chẳng có gì sai trái cả. Tôi chưa bao giờ nuôi tham vọng phải trở nên giàu có".
Khi quay lại thị trấn Plains ở tuổi 56, ông Carter tiếp quản trang trại trồng đậu phộng của gia đình, khi ấy đang lâm vào tình cảnh khó khăn.

Ông quyết định viết lách để kiếm thêm thu nhập và đã viết 33 cuốn sách về nhiều chủ đề khác nhau - dù không thành công như các đời tổng thống Mỹ hiện đại.


(Ảnh: Ông Carter và vợ Rosalynn Carter ăn tối tại nhà bạn hôm 4-8.)

Ông Carter cũng nhận được khoản trợ cấp hằng năm là 210.700 USD dành cho cựu tổng thống. Dù vậy, ông vẫn quyết định sống một cuộc sống khiêm nhường.

Trên thực tế, chi phí mà Chính phủ Mỹ dành cho ông Carter ít hơn nhiều so với các cựu tổng thống Barack Obama, Bill Clinton và George W. Bush.

Tổng chi phí dành cho ông Carter trong năm tài chính hiện tại là 456.000 USD, bao gồm lương hưu, dịch vụ văn phòng, nhân viên an ninh và các chi phí khác. Còn chi phí dành cho các ông Obama, Clinton và Bush đều lên tới hơn 1 triệu USD vào năm ngoái.


(Ông Carter tại nhà riêng.)

Ông Carter cũng là tổng thống duy nhất trong thời hiện đại trở về sống ở ngôi nhà mà ông từng cư trú trước khi bước vào chính trường - một ngôi nhà 2 phòng ngủ có giá khoảng 167.000 USD.
Năm 2015, ông Carter bị chẩn đoán mắc khối u ác tính ở gan và não, phải trải qua xạ trị và hóa trị, sau đó bình phục.

Vị cựu tổng thống chia sẻ mình cảm thấy rất tự hào về "các hoạt động tích cực" – gồm việc đi dạy tại một ngôi trường và rửa chén sau mỗi bữa ăn nấu tại nhà.



Tin Quốc Tế Đó Đây
Ukraine Thể Hiện Quyết Tâm Chiến Thắng Nhân Kỷ Niệm Một Năm Chiến Sự


(Hình: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cầm cờ của một đơn vị quân đội khi một binh sĩ hôn cờ trong buổi lễ tưởng niệm tròn một năm cuộc chiến của Nga ở Ukraine.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 24/2/2023, người dân Ukraine tưởng nhớ những người thân đã ngã xuống và thề sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi chiến thắng, trong lúc Nga cho biết quân của họ đang đạt được những bước tiến trên chiến trường phía đông khi cuộc xâm lược bước sang năm thứ hai mà chưa biết chừng nào mới kết thúc.
Tại một buổi lễ trên Quảng trường St Sophia ở thủ đô Kyiv, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đầy xúc động đã trao huân chương cho binh sĩ, một người chống nạng và mẹ của một liệt sĩ. Ông đã gắng kiềm nước mắt khi quốc thiều được cử lên.

“Chúng ta đã trở thành một gia đình. Không có ai là người xa lạ giữa chúng ta... Người Ukraine đã che chở cho người Ukraine, mở cửa ngôi nhà và trái tim của họ để chào đón những người buộc phải bỏ chạy khỏi chiến sự”, ông nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
“Chúng ta đã chống chịu được tất cả các mối đe dọa, pháo kích, bom chùm, phi đạn liên lục địa, máy bay không người lái, mất điện và cái lạnh. Chúng ta mạnh hơn tất cả những đe dọa đó”, ông nói. “Chúng ta đã không bị đánh bại. Và chúng ta sẽ làm mọi thứ để chiến thắng trong năm nay”.

Ông Zelenskiy sau đó dự kiến sẽ dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác của nhóm G7. Dự kiến hội nghị này sẽ cam kết hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine và thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Các đồng minh trên khắp thế giới đã thể hiện sự ủng hộ của họ cho Ukraine. Màu cờ xanh và vàng của Ukraine đã thắp sáng tháp Eiffel ở Pháp, Cổng Brandenburg ở Đức và Tòa nhà Empire State ở Mỹ, và được vẽ trên con đường bên ngoài Tòa Ðại sứ Nga ở Luân Đôn.
“Sau cuộc chiến này, sự sống sẽ hồi sinh, bởi vì Ukraine sẽ chiến thắng”, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong một thông điệp qua video, đã ca ngợi ‘quyết tâm và lòng dũng cảm của người dân Ukraine, cách họ bảo vệ tự do của mình. Đức ủng hộ họ - ủng hộ mạnh mẽ và cho đến chừng nào còn cần thiết’.

Ở Nga không có sự kiện lớn nào cho công chúng để đánh dấu ngày kỷ niệm. Nước này đã bắn pháo hoa hôm 23/2 nhân ngày lễ ‘Chiến sĩ Vệ quốc’ hàng năm và tổ chức một buổi trình diễn nhạc pop một ngày trước đó với sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin.


Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Yêu Cầu Nga Rút Quân Khỏi Ukraine Ngay Lập Tức! Việt Nam Bỏ Phiếu Trắng!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay một ngày trước mốc tròn một năm Nga đưa quân tấn công Ukraine, trong phiên họp ngày 23/2/2023, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua với đa số áp đảo nghị quyết yêu cầu Mạc Tư Khoa “rút ngay lập tức” mọi lực lượng Nga khỏi Ukraine. Nghị quyết nhận được 141 phiếu ủng hộ trên tổng số 191 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, 7 phiếu chống và 32 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam.

Theo thông tấn xã AFP, nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tái khẳng định “sự gắn bó” với toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, “yêu cầu” Nga rút hết quân khỏi cả những vùng đất Ukraine bị Nga sáp nhập. Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi “ngừng mọi hành vi thù nghịch” và “cần sớm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở Ukraine phù hợp với những nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Thông tín viên RFI Carrie Nooten tường trình từ trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York:

“Các nước thành viên Liên Hiệp Quốc chào đón kết quả bỏ phiếu trong tiếng vỗ tay. Đa số áp đảo đã xác nhận ủng hộ Ukraine. Đó cũng là kết quả được nhiều Bộ trưởng các nước Âu Châu hoan nghênh. Họ đã cất công đến tận New York.
Dù nghị quyết không mang tính ràng buộc, nhưng cũng đáng để lập lại bản đồ những nước ủng hộ mà Ukraine và Nga vẫn cạnh tranh từ một năm nay. Những nước lớn bỏ phiếu trắng vẫn là Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, không thay đổi lập trường một ly nào. Hai nước cam kết trung thành với Mạc Tư Khoa là Nicaragua và Mali. Một số nước khác lại chuyển sang bên yêu cầu dừng mọi hành động thù nghịch, như Irak, Madagascar, Maroc và Nam Sudan.

Thế nhưng, phát biểu của các nước thành viên lại tương phản hơn những lá phiếu cho văn bản được đánh giá là thận trọng này khi nhấn mạnh đến việc bảo vệ những giá trị của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ngày càng có thêm nhiều nước yêu cầu có những sáng kiến cụ thể hơn cho hòa bình và mở đối thoại, chứ không chỉ bằng lòng bảo vệ những nguyên tắc một năm qua kể từ đầu cuộc xung đột”.

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrii Yermak vui mừng vì “đã giành được một chiến thắng. Thế giới hiểu bên nào là sự thật”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Âu Châu Josep Borrell hoan nghênh “đa số áp đảo từ cộng đồng quốc tế xác nhận sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine, nạn nhân của xâm lược Nga”. Theo ông, dù nghị quyết không có tính ràng buộc, nhưng “đó không phải chỉ là một mẩu giấy”. Còn Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đánh giá kết quả là “lời kêu gọi mạnh mẽ” cho hòa bình. “Con đường dẫn tới hòa bình” lại “rất rõ ràng”, theo Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, đó là “Nga phải ngừng oanh kích. Sẽ không có hòa bình chừng nào kẻ tấn công lại đòi nạn nhân từ bỏ”.


Nhóm G7 Bày Tỏ Sự Ủng Hộ Vững Chắc Với Ukraine Trong Cuộc Chiến Chống Lại Nga

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay các Bộ trưởng Tài chánh của nhóm G7 đã gặp nhau vào hôm 23/2/2023 tại Bangalore (Ấn Độ), trước thềm cuộc họp các Bộ trưởng Tài chánh của nhóm G20 diễn ra vào hôm 24/2.
Trong một tuyên bố chung, các quốc gia G7 tiếp tục lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh do Nga phát động ở Ukraine. Tuy nhiên, nước chủ nhà Ấn Độ vẫn duy trì quan điểm trung lập trong cuộc xung đột. Từ Tân Ðề Ly (thủ đô của Ấn Độ), thông tín viên Sébastien Farcis của Đài RFI tường trình:

Tuyên bố chỉ đề cập đến một điều: Chiến tranh Ukraine. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine trong cuộc chiến tranh xâm lược mà Nga tiến hành. 7 quốc gia đã lên kế hoạch hỗ trợ kinh tế gần 37 tỉ Euro cho Ukraine trong năm nay, cộng với các viện trợ quân sự và hỗ trợ phát triển Kyiv. Các nhà lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng có mặt tại Bangalore để thảo luận về khoản vay được cấp cho Ukraine, có thể lên tới 15 tỉ Euro trong vòng 4 năm, theo một nguồn tin của Pháp.

G7 khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga đang phát huy tác dụng và khuyến khích các nước đang phát triển tận dụng việc Mạc Tư Khoa giảm giá dầu - một sự thay đổi quan điểm rõ rệt, bởi G7 cho đến nay luôn làm mọi cách để ngăn không cho Ấn Độ mua dầu của Nga.

Tân Ðề Ly hiện là khách hàng lớn nhất của Mạc Tư Khoa trong lĩnh vực này và nước chủ nhà dự kiến sẽ ngăn chặn mọi hành động lên án chiến tranh của nhóm G20 vào hôm nay. Ấn Độ vừa bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc, trong một cuộc bỏ phiếu mới của Đại Hội Đồng yêu cầu Nga rút quân vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine.


Hoa Kỳ Tài Trợ Thêm 2 Tỉ Mỹ Kim Cho Ukraine, Ban Hành Loạt Trừng Phạt Mới Với Nga

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay tròn một năm Nga tấn công Ukraine, sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các đồng minh đối với Kyiv vẫn không lay chuyển. Ngày 23/2/2023, Hoa Kỳ thông báo viện trợ quân sự thêm 2 tỉ Mỹ kim cho Ukraine, đồng thời tăng cường trừng phạt Nga.

Thông báo viện trợ quân sự cho Ukraine được Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nêu trên đài truyền hình CNN. Ông không cho biết chi tiết về đợt viện trợ mới nhưng nhấn mạnh là Hoa Thịnh Ðốn luôn tự hỏi làm thế nào để “cung cấp cho Ukraine những công cụ cần thiết để giành chiến thắng”.

Theo thông tấn xã AFP, trong chuyến công du Kyiv, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa với đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Hoa Thịnh Ðốn sẽ cung cấp “nhiều pháo hơn, nhiều đạn hơn, nhiều pháo Himars hơn”, bổ sung cho những lời hứa giao thêm xe thiết giáp và xe tăng trước đó.

Đối với nước Nga xâm lược Ukraine từ một năm nay, “Hoa Kỳ sẽ khai triển nhiều biện pháp trừng phạt quan trọng nhắm vào những lĩnh vực trọng điểm mang lại thu nhập cho (Tổng thống) Putin”. Tại buổi họp báo ngày 23/2, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong số các ngành nghề bị nhắm đến có lĩnh vực ngân hàng, ngành công nghiệp quốc phòng Nga và “nhiều thực thể ở các nước thứ ba” đã giúp Mạc Tư Khoa lách các biện pháp trừng phạt được ban hành từ một năm qua.

Theo bà Karine Jean-Pierre, các nhà lãnh đạo nhóm G7 “sẽ đề cập đến việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine như thế nào”. Tuy nhiên, bà không cho biết liệu các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có được các nước thành viên G7 áp dụng tương tự hay không.

Ngày 24/2, những xe tăng Leopard đầu tiên được Ba Lan hứa viện trợ đã được giao cho Ukraine. Theo Reutes, đích thân Thủ tướng Mateusz Morawiecki đến Kyiv, dự sự kiện mang tính biểu tượng, đánh dấu một năm Nga xâm lược Ukraine.


Ngoại Trưởng Mỹ: ‘Ấn Độ, Nam Phi Đang Từ Từ Xa Lánh Nga’


(Hình: Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken.)

- Hôm 23/2/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định các nước như Ấn Độ và Nam Phi, vốn chưa đứng về phía phương Tây để lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, có khả năng đang đi theo hướng xa rời Mạc Tư Khoa nhưng quá trình đó sẽ không xảy ra ‘cái một’.

“Có những nước có mối quan hệ lâu dài, kéo dài hàng thập kỷ với Nga, với Liên Xô trước đây, đang thách thức để cắt đứt với Nga cái một. Việc đó không nhẹ như tắt mở công tắc điện, mà nặng như việc vận chuyển một hàng không mẫu hạm”, ông Blinken nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Atlantic, đánh dấu tròn một năm chiến sự.

Ấn Độ đã đối mặt với áp lực từ phương Tây là phải xa lánh Mạc Tư Khoa sau khi Nga xâm lược Ukraine. Tân Ðề Ly cho đến nay đã kháng cự lại áp lực đó, với lý do họ có quan hệ lâu dài với Nga và do nhu cầu kinh tế và dầu mỏ của họ.

Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ kể từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Ðốn trong những năm gần đây đã tìm cách lôi kéo Tân Ðề Ly ra xa nhà cung cấp vũ khí truyền thống của họ. Ấn Độ đang rất muốn hiện đại hóa phi đội chiến đấu cơ chủ yếu có từ thời Liên Xô để tăng cường sức mạnh không quân sau những quan ngại về sự chậm trễ nguồn cung từ Nga do cuộc chiến Ukraine
“Ấn Độ trong hàng chục năm đã xem Nga là trọng tâm cung cấp thiết bị quân sự và hệ thống phòng thủ cho họ, nhưng những gì chúng tôi đã thấy trong vài năm qua là khuynh hướng bớt lệ thuộc vào Nga và chuyển sang quan hệ đối tác với chúng tôi và các nước khác”, ông Blinken nói.

Ông Blinken cũng nói thêm rằng ông hiểu lý do khiến Nam Phi có mối quan hệ gần gũi với Nga trong khi thừa nhận hối tiếc về thái độ ‘thông cảm’ của Hoa Thịnh Ðốn đối với chế độ ở Nam Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc apartheid.

Đảng Nghị hội Dân tộc Phi, vốn đã cầm quyền ở Nam Phi kể từ khi chính quyền của thiểu số da trắng cáo chung vào năm 1994, có mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô cũ, quốc gia đào tạo và hỗ trợ các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc trong Chiến tranh Lạnh. Ông Nelson Mandela, anh hùng chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi, người qua đời hồi năm 2013 và là một biểu tượng toàn cầu, bị Hoa Thịnh Ðốn nhìn với ánh mắt nghi ngờ trong Chiến tranh Lạnh và thậm chí còn bị đưa vào danh sách theo dõi khủng bố của Mỹ trong thời gian đó.
“Liên Xô ủng hộ các lực lượng tự do ở Nam Phi, và tất nhiên thật không may, còn hơn cả không may, Mỹ đã quá thông cảm với chế độ apartheid, do đó lịch sử cũng không bị xóa bỏ, bạn biết đấy, sau một đêm, mà đó là cả một quá trình”, ông Blinken nói.


Nga Tuyên Truyền Phương Tây Bị ‘Gậy Ông Đập Lưng Ông’ Khi Ban Hành Trừng Phạt

- Nền kinh tế Nga kháng cự tốt hơn phương Tây phỏng đoán nhờ xuất cảng dầu lửa và khả năng thích ứng. Sau khi phát động chiến tranh ở Ukraine, lạm phát ở Nga tăng ở mức đỉnh điểm, 17,8%, vào tháng 4/2022, sau đó xuống dưới ngưỡng 10%. GDP năm 2022 giảm 2,1%, theo cơ quan thống kê Nga Rosstat. Tuy nhiên, năm 2023 được cho là sẽ phức tạp hơn.

Theo đài truyền hình Pháp BFM ngày 24/2, đúng là kinh tế Nga bị tác động do các biện pháp trừng phạt, nhưng không đến mức suy tàn như nhận định của nhiều nhà phân tích phương Tây. Do vậy, Mạc Tư Khoa tuyên truyền là phương Tây đang bị gậy ông đập lưng ông khi trừng phạt Nga. Thông tín viên Anissa El Jabri tại Mạc Tư Khoa tường trình:

Đó là đường lối truyền thông chưa bao giờ thay đổi ở đây. Các biện pháp trừng phạt khiến các nước phương Tây bị thiệt hại nhiều hơn là Nga. Ðiện Cẩm Linh không ngừng nhắc đi nhắc lại như vậy.

Tuy nhiên, một trong những điểm tuyên truyền này đã bị thất bại ngay từ mùa hè năm 2022. Người ta thấy trên các đài truyền hình Nhà nước, trên Internet, vô số những cuộc tranh luận, các đoạn video tuyên truyền về chủ đề không có khí đốt của Nga, Âu Châu lạnh tê tái trong mùa đông này. Ván bài mà Nga đặt cược vào cuộc đọ sức giành phần thắng về năng lượng đã thất bại do các biện pháp được Liên Hiệp Âu Châu dự trù từ trước và do mùa đông lại khá ấm.

Hiện giờ, Mạc Tư Khoa lại dựa vào những con số. Số liệu của Nga cho thấy là nền kinh tế trụ được, đó cũng là điều được nêu trong báo cáo gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đó là báo cáo duy nhất nhắc đến kết quả như vậy, theo một nguồn tin ngoại giao Âu Châu ở Mạc Tư Khoa. Cũng nguồn tin này đánh giá là trên thực tế, Nga xoay trục sang nền kinh tế chiến tranh giúp thúc đẩy tăng trưởng. Sản xuất đạn pháo, xe tăng, các nhà máy vũ khí hoạt động hết công suất. Điều này không thể kiểm chứng được vì đó là lĩnh vực thuộc bí mật Nhà nước.

Ngày càng có nhiều lĩnh vực được xếp vào bí mật quốc gia như một số nội dung trong ngân sách Nhà nước, kiểm soát hối đoái, những khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng và trong lĩnh vực giao thông. Trừ cuộc sống hàng ngày ở Nga, hiện giờ khá ít bị thay đổi. Như chính quyền nói, mọi chuyện vẫn bình thường. Giờ chờ xem tình hình đó kéo dài được bao lâu.


Trung Quốc Kêu Gọi Nga-Ukraine Đàm Phán Hòa Bình

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Đúng 1 năm kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine, hôm 24/2/2023, Trung Quốc công bố tài liệu gồm 12 điểm kêu gọi Mạc Tư Khoa và Kyiv tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình và lên án việc sử dụng vũ khí nguyên tử.

Từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI cho biết cụ thể:

Tài liệu được công bố trên trang web của bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng nay nhắc lại một số đề xuất được đề cập trong sáng kiến an ninh toàn cầu do Bắc Kinh đưa ra cách đây vài ngày: sự cấp thiết trong việc đối thoại và đàm phán, tất cả các bên nên ủng hộ Nga và Ukraine đi theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt để đạt được một giải pháp hòa bình. Tiếp theo là tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí nguyên tử, mà Vladimir Putin nhắc đến nhiều lần kể từ khi xung đột bắt đầu và các cuộc tấn công vũ trang vào các nhà máy điện nguyên tử.

Trong số các phần bổ sung, một số điểm có đề cập đến thường dân và việc duy trì trao đổi kinh tế. Ngoài các lập luận hướng tới một giải pháp mà các nhà ngoại giao phương Tây chủ trương, kế hoạch của chính phủ Trung Quốc bao gồm cả việc từ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và tâm lý Chiến Tranh Lạnh.

Đối với Kyiv, vốn đang chờ nhận được văn bản đề xuất của Trung Quốc trước khi có phản ứng, điều kiện tiên quyết là quân đội Nga phải rút lui khỏi Ukraine.

Còn tại Đức, tuần báo Der Spiegel hôm nay đưa tin rằng Trung Quốc đang có kế hoạch sản xuất những “drone tự sát” cho quân đội Nga sử dụng ở Ukraine.


Bắc Hàn Diễn Tập Phóng Phi Đạn Liên Lục Địa Chiến Lược

- Ngày 23/2/2023, Cộng sản Bắc Hàn tiến hành một cuộc tập trận phóng phi đạn liên lục địa chiến lược, truyền thông nhà nước loan tin.

Một tiểu đơn vị phi đạn liên lục địa chiến lược của Quân đội Nhân dân Bắc Hàn ở khu vực phía đông đã bắn bốn phi đạn liên lục địa chiến lược Hwasal-2 trong khu vực thành phố Kim Chaek, tỉnh Hamgyong Bắc, ra phía biển ngoài khơi duyên hải phía đông của Bán đảo Triều Tiên trong khi các đơn vị phụ khác tiến hành huấn luyện hỏa lực tại các địa điểm kiên cố mà không bắn đạn thật, KCNA cho biết.

Vẫn theo nguồn tin này, bốn phi đạn liên lục địa chiến lược đã tấn công mục tiêu định sẵn.


KCNA nói cuộc tập trận này thể hiện “tư thế chiến tranh của lực lượng tác chiến nguyên tử Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên củng cố bằng mọi cách khả năng phản công nguyên tử sát thương của nước này chống lại các thế lực thù địch”.


Mỹ Tăng Cường Binh Sĩ Huấn Luyện Quân Đội Đài Loan

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 23/2/2023, hai viên chức Hoa Kỳ nói rằng chuẩn bị tăng cường binh sĩ để huấn luyện quân đội Đài Loan, vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.


Hãng tin Anh Reuters từng đưa tin vào năm 2021 rằng một số ít binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ đã được điều đến Đài Loan để huấn luyện quân đội hòn đảo. Theo các viên chức nói trên, Ngũ Giác Đài dự kiến sẽ gia tăng con số đó trong những tháng tới.

Các viên chức không nói chính xác con số các binh sĩ được điều động, nhưng cho biết, động thái này không liên quan đến những căng thẳng gần đây giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh xung quanh vụ Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay ngang lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trả lời các phóng viên tại Đài Bắc vào hôm 24/2, Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết ông “không hề biết” về nguồn tin thông báo việc Hoa Kỳ cử thêm binh sĩ tới hòn đảo.

Đồng thời, ông Khâu cũng nhấn mạnh rằng quân đội Trung Quốc đang rút ra bài học từ cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, khi Bắc Kinh chứng kiến Mạc Tư Khoa thất bại trong việc “đánh-chiếm nhanh” Kyiv. Theo viên chức này, mọi cuộc tấn công nhắm vào Đài Loan sẽ phải diễn ra một cách chóng vánh mới có thể thành công, nhưng hòn đảo sẽ không dễ bị khuất phục.

Không có nhận xét nào: