Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

KỶ NIỆM ẤU THƠ - CHUYỆN NGHỈ HÈ - Trương Ngọc Bảo Xuân


Chuột đồng muối xả ớt nướng - Từ đằng xa, tui thấy cô Út xăng xái đi lại. Một tay cổ xách cái giỏ đựng gì đó, trên nách cặp cái gì, tròn tròn dài dài… Cổ vừa đi vừa réo: - Xưng ơi xưnnn…g… Ăn cơm Xưng ơi. Ăn rồi đi tắm sông xưng ơi…i.... Tui mắc tức cười. Cô nầy chuyên môn kêu tui là Xưng. Tui móc ngoéo với cậu Cu rồi. Y ta hổng kêu tui là Xưng, thì tui kêu cậu ta là Cư. Còn cô Út, khó quá hà. Cổ là người lớn đâu dám hỗn hào sửa lưng cổ, sợ cổ giận. Tui ngồi dậy lẹ làng: - Dạ. Con đói bụng quá trời. Cổ giũ chiếc chiếu cuốn tròn kẹp nách hồi nãy, trải xuống đất rồi bày đồ ăn ra. Tui thấy có mấy nắm gì đó bằng lá sen, xanh dờn xanh mướt, mở ra là cơm, cơm vắt thành cục cục, 
<!>
rồi tui thấy…
- Ý, con gì vậy cô?
Cô Út nói:
- Con nhỏ này, xỏ cái áo “dô”. Tối ngày gặp cái giống gì cũng ý ý ó ó. Chuột xả ớt nướng ngon lắm cưng, ở “Xì Gòn” đâu được ăn thứ nầy. Xoay qua, cô réo:
- Cu ơi Cu…u… Thạch Sanh chém chằng ơi…i… “dìa” ăn cơm…
3 ông nhỏ chạy lại. Thằng Thạch cự nự:
- Chị nầy kỳ cục ghê, hễ gặp tụi tui là “dũa” chém chằng chém yêu thấy ghét!
Cô Út cười nheo mắt. Thiệt tình, tui thấy cổ đẹp là đẹp ở cái chỗ nheo mắt đó đó.
Hổng biết ông bà cổ có lai Miên hông mà sao da cổ ngăm ngăm đen, cặp mắt bự hai mí, hàng lông mi dài cong mướt, đường viền chưn tóc hơi quăn quăn, đẹp dàng trời.
Cô nói:
- Thì chú thím Tư muốn mầy anh hùng như Thạch Sanh chém chằng mới đặt tên cho 2 anh em tụi bây “dị” đó chớ còn cãi lẫy gì nữa hè. Nè. Ăn đi ăn đi, Xưng ăn đi...

Bây giờ, phải nói thiệt, tui chưa từng ăn con gà, con vịt, con gì mà ngon như bữa ăn thịt chuột đồng đó.
Cả buổi sáng chạy chơi giờ đói bụng quá, ăn gì mà chê được.
Cầm nguyên con chuột lên. Con chuột xẻ bụng banh ra, màu sả còn xanh xanh nâu nâu màu ớt còn đỏ đỏ rồi tỏi vàng vàng thơm lộng lẫy. Tui chảy nước miếng…
Tui vừa xé miếng thịt ra, nhéo miếng cơm bỏ vô miệng nhai, mặn cay thơm ngon ngọt, tui hỏi:
- Phải con chuột trong bụng con rắn hông cô?
Út hứ:
- Ối đâu mà còn. Con trong bụng rắn thì sang qua bụng mấy ông nhậu hết trơn rồi, thịt nầy mới mua hồi sáng cô làm cho Xưng ăn thử cho biết mờ. Ngon hông?
Tui vừa nhai vừa khen nức nở:
- Ngon, ngon quá cô. Cô ăn đi.
Tui ngồi chồm hổm rồi xếp đùi lại ẹo mông qua một bên, cô dạy:
- Nè. Xưng ngồi quỳ như dầy nè cho đừng có quẹo ruột đồ ăn hổng xuống được.
Tui sửa tướng cho khỏi bị quẹo ruột.
Ăn xong mấy cô cháu ngồi nói dóc một hơi. Tui hỏi:
- Cô ơi mả chòm chôn ai dị cô?
-Thì chôn mấy người bị “cáp duồn” bị Miên bên biên giới qua chặt đầu đó. Thôi đừng hỏi mấy chiện đời xưa đó cưng.
Cô Út tay vừa dọn dẹp miệng vừa rủ:
- Đi tắm sông Xưng.
Cậu Cư chạy theo xin:
- Cho tụi tui theo dí.
Cô Út nạt:
- Chết dang. Chỗ con gái người ta. Mầy đó nghe. Tối ngày chạy theo 2 thằng quỉ chém chằng, phá làng phá xóm. Tụi bây đi thì đi, mà phải tắm tuốt đằng xa nghen.
Thằng Thạch cười hô hố dễ ghét:
- Xí. Chị làm như quí dữ thần. Sao chị hổng để tụi tui dẫn nó đi chèo xuồng hái sen ăn rồi tắm luôn.
Cô Út la:
- Trời trời. Đặng tụi bây nhận nước nó hả. Ai mà hổng biết tánh lí lắc của tụi bây, 3 con khỉ.
Nói rồi cô nắm tay tui lôi đi. Thấy tui cầm cái gì trong tay, cô hỏi:
- Cầm cái gì đó Xưng?
- Con chuồn chuồn màu xanh.
Cổ cười:
- Aaaaạ... nó bắt chuồn chuồn đặng cắn lỗ rún cho biết lội chớ gì?
- Hổng phải đâu cô. Con cất chuồn chuồn đem về Sài Gòn.
- Ối, hơi đâu mà giữ lâu dữ dị cưng.
Cầm cái hộp lên coi kỹ, cổ nói:
- Con nầy là con mái, chuồn chuồn mà đẻ xong là chết liền. Thả nó ra cho nó đẻ đi. Trước khi dìa một ngày cô sai thằng Cu nó bắt cho cả chục.
Cậu Cư nói:
- Nó giả chết đặng nuôi con khỏi bị chuồn chuồn đực phá đó. Chế hổng biết gì hết cũng nói nói.
Tui hít hà:
- Trời. Vậy hả? Tội nghiệp nó quá hén. Thôi để con cho nó cắn rún rồi con thả.
Vừa đi tui vừa hỏi:
- Cô ơi cào cào ăn được hông dị cô?
Cô Út cười hả hả:
- Mèn ơi cưng đừng có nghe lời 3 thằng cô hồn hột vịt lộn! Nó gạt cưng đó. Tụi nó bắt cào cào về ngắt đầu ngắt càng ngắt cánh ra chơi chớ ăn dọng gì cưng. Mơi cô dẫn cưng qua bên sông chơi. Bên nhà anh Sáu có ao thả sen, cô hái cho ăn. Trên ao đỡ chết hơn sông. Cô với anh Sáu tập cho cưng chèo xuồng. Cưng đừng có đi theo tụi nó nữa.
Nghe cổ hứa đã quá. Nhưng, tui nói:
- Hổng có đâu cô. Tụi nó nói nó tập cho con lội.

Tui phải giấu cái vụ 3 thằng khỉ nhát ma nhát quỉ chọc bà khùng rồi chạy bỏ tui lại, sợ khai ra cô hổng cho tui chơi với tụi nó nữa.
Tui bắt đầu thích mấy cái vụ ra mả chòm ra đồng chơi này lắm rồi.
Đi theo cô Út, lúc nào cổ cũng nhắc anh Sáu anh Sáu... hai người đá lông nheo với nhau, có gì vui.
Tui thấy mấy người đang o mèo đều ba trợn như cô. Tụi nó còn hứa sẽ tập cho tui lội sông, sẽ cho tui con diều, ờ nhớ vụ con diều, tui hỏi:
- Chừng nào đi thả diều?
Sanh nói:
- Tối nay về tao làm cho con diều, mai đi thả
Vậy đó. Mê rồi.
Đâu còn muốn đòi về Sài Gòn nữa.
Đi dọc theo bờ sông xa lắm. Chỗ sông tẽ ra cái rạch nhỏ.
Bây giờ nhớ lại, chỗ tắm của cô Út là một thẻo đất đưa ra bọc nửa vòng làm thành như cái hồ nhỏ, có cây cầu bắt ngang qua. Dòm thấy ngộ quá tui la lên:
- Á…á... sao cây cầu nhỏ xíu vậy cô?
- Cầu khỉ.
- Sao kêu là cầu khỉ cô?
- Ai biết. Chắc tại vì cây cầu ngừ ta bắc qua bằng thân cây dừa cây tre cây trúc... đi lên nó cà nhún cà nhảy cặp giò của mình cũng run run như con khỉ thành ra kêu cầu khỉ chớ gì.
- Hổng phải, kêu cầu khỉ tại vì hồi xưa người ta làm cầu cho khỉ đi...
- Ối nói gì đâu không hà, thằng quỉ.


Từ đàng xa lại có một bà gánh gánh gì đó sắp sửa bước lên cầu. Thằng Sanh ca:
“Ai đang đi trên cầu Bông.
Té xuống sông ướt cái quần nylông.
Vô đây thay...
Rồi ngày mai anh sẽ đưa em dìa.
Anh sẽ đưa em dìa...”
(Bản Gạo Trắng Trăng Thanh của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ)
Cô Út la:
- Thôi. Dám chọc thím Tám hả mậy. Bả vặn họng mầy giờ.
- Bả rượt đâu lại tui chị hai.
Cô Út giao hẹn:
- Nè, tụi bây qua phía bên kia đi.
3 ông nhảy cái ùm xuống sông.
Chỗ nầy cô Út nói kín lắm là phải vì xung quanh bao bọc một vòng cành cây lá rậm rạp. Mà điều, sao chỗ kín mà có cầu khỉ cho người đi qua? Chắc tại đường tắt đi cho gần chớ gì.
Cô chỉ, nói:
- Kìa cây bình bát. Kìa cây bần, có “c…” đó đó thấy hông, nhú nhú lên đó. Kìa dừa nước. Kìa bụi lau. Kìa bụi gì gì đó .... nhiều lắm nhớ gì hết.
Trời trời, tui mắc cỡ mấy chữ C này lắm mờ, sao cô nói “c…” tỉnh bơ vậy trời?
Nước sông hồi mới bước xuống còn hơi rùng mình, cô Út biểu xuống nguyên cái mình thì ấm lên chớ gì.
Cổ lội chậm rãi rẽ nước.
Để cái hộp chuồn chuồn xuống gốc cây, phạch ngực, lột cái áo, đậy cái hộp lại, tui lủm chủm gần bờ.
3 ông nhỏ đã lội từ bên bờ bên nầy lội qua bên kia.
Lội đua. Cô Út biểu tui cứ nín thở gục mặt xuống nước tay quơ quơ chưn đạp đạp là biết lội chớ gì.
Tui nói:
- Thôi cô ơi, con sợ lắm cô ơi, để con ở gần gần bờ thôi cũng tắm được vậy cần gì phải lội.
Thằng Sanh bơi rề rề lại nói:
- Cho chuồn chuồn cắn vô lỗ rún 3 lần thì biết lội liền hà. Sẵn có con chuồn chuồn màu xanh của mầy đó đó cho nó cắn đi.


- Ừa, cắn thì cắn. Sợ gì. Tao cũng muốn biết lội dị.
Cả đám 4 đứa leo lên bờ.
Sanh bắt con chuồn chuồn ra. Con chuồn chuồn đập cánh lia lịa. Tui banh bụng ra. Nó cầm đầu chuồn chuồn đưa hai cái càng hai bên miệng bấu vô ngay cái rún. Điếng thần hồn. Té đái (nói thiệt). Trời Phật ơi. Đau hết biết. Đau điếng. Đau thấy ông bà cố nội luôn.
Thằng Sanh biểu tui nhảy xuống nước lội đại đi. Tui nhảy xuống nước. Lội đại. Chìm liền.
Cô tui nắm tóc kéo lên. 3 thằng quỉ cười hả hả hả.
Thạch nói:
- Lên. Cho nó cắn nữa.
Tui nói:
- Khỏi. Còn lâu. Ngu gì mà cho cắn nữa. Thà tắm gần bờ, chưn đạp xuống bùn đáy sông cũng vui vậy.
Đang vẫy vùng dưới nước bỗng đâu nghe ai đó cất tiếng ngâm, vang vang:
“Của bạc trăm ai đem ngâm dưới nước
Của bạc ngàn em để hở ở trên”....
Cô Út vuốt mặt, la làng:
- Ai đó? Quỷ gì đâu. Cứ rình ngừ ta tắm hoài hà. Giỏi ra mặt đi.
Chỉ nghe mấy tiếng cười hô hố rồi xa lần...
Cô Út nói:
- Mấy ông trai làng thiệt tục tĩu kỳ khôi!
Tui thấy cô mắng vậy nhưng cặp mắt của cô vui lên, sáng long lanh! Tui dòm cổ rồi dòm tui. Người ta lén rình cũng phải. Trời ơi chừng nào tui mới có hai trái bưởi như cô Út ta.
Cả đám tắm cho tới da ngón tay nhíu lại mới chịu lên. Đã gì đâu.
Cô lấy 2 cái xà rông với bộ đồ rồi dạy tui cách thay. Cô quấn xà rông xung quanh mình, luồn tay từ dưới vô trong, lột mẹ cái quần ướt xuống, kéo ra, xỏ cái quần khô vô kéo lên, xỏ cái áo bên ngoài xà rông rồi rút xà rông ra.


Quấn xà rông xung quanh mình

Trời ơi, bả làm rẹt rẹt mau tàng tài! Vừa thay đồ, hổng biết thấm ý chuyện gì mà miệng cổ cứ cười lỏn lẻn.
Bận bộ đồ khô vô rồi mấy cô cháu lại leo lên ngồi tòn teng trên mấy thân cây oằn, chân thòng xuống nước đánh đòng đưa. Gió lẩy phẩy mát quá trời.
Cô lấy trong giỏ ra đưa cho mỗi đứa một khúc gì nâu nâu tròn tròn. Tui hỏi:
- Cô ơi cô cái gì dị cô?
Cô nói:
- Ô môi, ăn đi ngọt lắm.


Cô chỉ tui cách ăn. Khúc ô môi màu nâu đậm gần đen, đã được róc dọc hai bên sống, cầm bóp cho nó ẹo ẹo, hơi hơi đè xuống là nó dẹp dẹp, lộ cho mình thấy những miếng tròn tròn ướt chất keo như đường kéo chỉ màu vàng nâu.
Lấy hai ngón tay móc từ miếng ra bỏ vô miệng ngậm.


Ôi chất mật tươm ra, ngọt vô cùng. Trong hậu vị hơi chát chát.
Ăn rồi dòm miệng đứa nào đứa nấy cái lưỡi đen thui, như lúc ăn trái lựu vậy. Rồi cô moi trong túi ra mấy trái gì màu đen đen.
A! Củ ấu. Củ ấu bên ngoài đen xấu, cắn bể lớp vỏ, bề trong trắng tươi, hơi hơi ngọt.


Cô Út nói cưng mới tắm sông xong sợ bị đau bụng, thôi để bữa khác hả ăn trái bần trái bình bát.
Vừa ngồi chơi vừa ăn vặt cô Út vừa chỉ vừa nói:
- Coi kìa Xưng. Cưng thấy mặt trời lặn đẹp ghê hông?


Tui dòm theo tay cô, đẹp thiệt, lạ thiệt. Ở Sài Gòn nhà cửa không, làm sao mà thấy trời hoàng hôn như ở đây.
Cả một chân trời trừ những miếng ruộng cò bay thẳng cánh, là khoảng không vô tận, tận chân trời, có bị nhà lầu che kín đâu.
Đường chân trời thẳng băng một hàng giáp mí với mây ửng đỏ. Màu vàng của ruộng lúa bị màu đỏ của mặt trời nhuộm thành màu vàng cam, Tui thấy mặt trời lặn xuống từ từ, cả một vùng đỏ ửng lên.
Màu đỏ cam đỏ huyết đỏ hồng thắm, đẹp quá đẹp.
Màu đỏ lại có pha thêm mấy vừng mây làm cho hồng đậm thêm lên.
Cô Út nói ráng trời mà đỏ như vậy thì ngày mai chắc chắn khô ráo.
Lại có đàn chim bay ngang qua. Con đầu đàn đi trước, hai hàng đệ tử theo sau dàn thành hình chử vê (V). Thiệt là cảnh tượng như trong bức tranh.
Về sau tui còn thấy cảnh hoàng hôn cũng đẹp như vậy ngoài vịnh Hạ Long.
Buổi chiều ở nhà quê đẹp hực hở.
Ở đây mình gởi mặt trời nóng ấm qua hướng Tây thì bên Tây gởi trả lại mình một mặt trăng lạnh lẽo!
Buổi tối thì tui lại sợ. Tối gì mà tối mịt tối mùng. Tối thùi tối thủi tối thui. Tối hù!
Nhà đốt ngọn đèn dầu leo lét. Bóng mình bóng nguời chập chờn trên vách lá thấy rợn rợn.
Cô Út năm đó in là mới mười mấy tuổi thôi hà, vậy mà mấy ngày đầu tui cứ tưởng cổ lớn lắm. Chắc tại vì cổ vai lớn, mình kêu bằng cô nên thấy cổ... già chăng?
Tui còn nhớ cổ nói nếu năm tới hổng ai cưới thì cổ có đường lỡ thời! Nghe cô nói mặt cô buồn buồn sao thấy tội nghiệp cô quá, mặc dầu tui chưa hiểu rõ tại sao cô buồn.
Qua bữa sau có đi thả diều được đâu. Cô Út “tiên đoán thời tiết cho tàu chạy ven biển” trật lất.
Mưa. Mưa dầm dã. Mưa suốt ngày. Cả ngày tui ngồi rút chân trên bộ ngựa, có dám bỏ chân xuống đất đâu. Ngồi vậy mà còn khóc nữa chớ.
Nhà nền đất, mưa ướt lẹp nhẹp nước vô luôn trong nhà, trùn đất bò lỉnh nghỉnh. Nó dám bò ngang qua đôi dép Nhựt của tui nữa. Trời Phật ơi, trên đời tui hổng sợ con gì bằng con trùn đất. Loại trùn nầy là trùn hổ, nó tròn vo, mập ú, màu đỏ đen, bóng láng,
trườn lên nhúc nhích, chỗ nào cũng có.


Tui sợ mà có cái tật dòm cho kỹ thì thấy chỗ nào cũng có trùn.
Cậu Cư còn chơi ác. Nó bắt con trùn dài thòn, cầm quơ quơ ngay trước mặt tui. Tui la cái hoét rồi ngả ra. Nhớ in là tui có... chết giấc vài giây!
Cô Út la nó biết là chừng nào. Cổ hăm cổ mà thấy nó nhát tui lần nữa cổ kí lủng sọ!
Có lẽ hối hận hay sao đó mà cậu Cư nói để tao làm cho mầy con diều.


Nói là làm. Cậu rinh đồ nghề ra. Cây kéo mượn của cô Út. Cây kéo nầy để cô cắt vải may quần may áo bà ba, quần áo tự may tay ở nhà. Hay chưa! Thêm cây dao, mấy cọng tre, vài sợi dây luột, giấy nhựt trình, một nắm cơm nguội. Đó. Đủ rồi.
Tui nhớ cậu chuốt 3 cọng tre, cột lại bằng sợi dây luột, làm thành hình tam giác không đều, một cạnh bẻ cho cong cong làm đầu diều.
Cậu nói làm như vầy nó mới có trớn bay cao. Giấy cắt ra trùm lên trên trét hột cơm nguội dán mấy cạnh lại. Thành con diều.
Cậu biểu tui thôi mầy tiếp tao cắt giấy nhỏ ra nối lại thành sợi dây dài làm 2 cái đuôi.
Cậu nói con diều nầy là con diều cái cho mầy 2 cái đuôi điệu như con gái. Diều của tao có 1 cái đuôi thôi.
Con diều được cột sợi dây dài quấn vô ống tre tròn láng để cầm.
Sau một ngày mưa dầm, trời sáng hửng lên từ sớm, tui sửa soạn chạy theo cậu Cư và anh em Thạch Sanh ra mả chòm chơi thả diều.
“Tháng năm chưa nằm đã sáng!” Thiệt đúng quá trời! Ngày dài chạy chơi thả cửa. Chạy đã đời. Chạy mỏi giò. Chạy theo gió.
3 đứa bạn thơ dạy tui là gió nổi lên như vậy chơi diều mới đã. Nó dạy tui cách đón hướng gió. Vụ này tui biết, liếm đầu ngón tay rồi đưa lên, bên nào mát là hướng gió đi. Nó dạy tui đầu tiên cầm phía dưới cái sống con diều bằng tay mặt, tay trái cầm khúc tre quấn dây. Đưa lên cao khỏi đầu rồi chạy.
Khi có trớn rồi thì buông cái đầu diều ra cho nó ăn gió, cái đầu nó cất lên rồi thì thả sợi dây cho lẹ lẹ liền. Vừa thả dây vừa chạy vừa dựt dựt sợi dây, con diều bắt gió cất lên cao là nó bay lên luôn.
Con diều lên cao rồi, nó dạy tui cách dựt dây cho diều xắn xuống bỏ bom như máy bay dội bom rồi lạng một cái vù bay trốn súng phòng không...
Nó dạy tui cách làm cho diều bay quần quần như rồng hút nước... Nó dạy tui cách ẻo lả như con rồng lộn... Nhiều kiểu lắm...
Có khi gió ù lên giựt mạnh xém mất con diều. Nó dặn tui phải quấn sợi dây cho thiệt chắc, hông thôi có khi gió mạnh quá nuốt luôn thì mất công làm lại cái khác. Tui hỏi có khi nào nó bị mất hông nó nói có chớ, với lại có một lần tụi nó dán thêm một lá thơ rồi cho con diều bay luôn coi coi có ai “lụm” được hông. Tui nói:
- Cha…a… tụi bây sao mà bày đặt ngu! Nếu có ai lụm được làm sao mình hay?
Khi mệt, 4 con diều no gió bay lả lướt trên cao rồi tụi tui cột dây lên nhánh cây rồi nằm dài trên mặt ruộng. Chừng nào về Sài Gòn tui đem nó theo.
Tui thả hồn theo diều, nghe tiếng gió vi vu.
"Từ xa sáo êm ru say hồn quê
Gió vi vu lay tình quê
Lòng tha thiết mong ngày về
Chiều ơi! Tình quê!"
(Bản Tiếng sáo chiều quê của nhạc sĩ Thu Hồ)
"Tôi yêu màu tím lục bình,
Đơn sơ như những mối tình chân quê.
Trăng thanh gió mát tứ bề,
Vườn cau ao cá đi về có nhau".
( Hồng Vũ Lan Nhi)
Ôi... Tuổi thơ... 8, 9, 10, 11, 12... Nhớ tới mà lòng quặn lên, chín nhừ nỗi nhớ. Người ta nói “nhớ nung nấu”. Đúng lắm. Nung nấu của tui là vừa nung vừa nấu nhão chín nhừ nhừ nhừ!
Hôm sau, dì Út tui từ chợ qua để đi chung, xuống Châu Đốc thăm Ba Má Tư.
Tới nhà Má Tư tui khoái lắm vì ngay đầu xóm có bà bán cháo đậu đỏ chan nước cốt dừa ăn với dưa mắm, cá kho tiêu, thêm hẩu xực món khô cá đuối nướng xong đập cho mềm chấm dấm ớt, trời ơi ngon hết biết.
Đây lại là một chuyện khác, để quởn quởn tui sẽ kể bạn nghe.
Kỳ đó về nhà, tui như lớn lên 2,3 tuổi, có nhiều chuyện kể cho mấy đứa em nghe, thêm thắt vài điều cho rùng rợn hơn, vụ con tinh cây mít, vụ 2 anh em chết chìm thành ma da đặng nhát tụi nó.
Sau đó ít lâu, cậu Cư cô Sáu lên Sài Gòn ghé nhà tui thăm.
Lên Sài Gòn tự nhiên cậu Cư đăm ra khờ câm. Sài Gòn là “giang san”của tui mờ. Tui có dẫn cậu đi coi hát bóng. Rạp Diên Hồng, in là rạp nằm ngay góc đường Phạm Ngủ Lão.
Rạp hát nầy nhỏ xíu, thứ bảy chiếu thường trực, 5 đồng coi được 2 phim. Thường thường chiếu phim cao bồi bắn súng đấu với mọi da đỏ bắn cung tên với chọi búa, trúng chân là què giò, trúng lưng cái nào thì có Trời mà cứu.
Tội nghiệp. Cậu Cư mê tàng tịch phim cao bồi với phim câm, phim hề Sạt Lô (Charlie Chaplin). Cậu ngồi luôn, có khi coi từ sáng tới chiều luôn.
Nhớ bữa đó, cả đám, có hia Đức, Thanh Xuân, con Má Năm tui cũng mới từ Châu Đốc lên, coi hát về trời nóng nực quá, đi ngang qua cái xe nước đá xưng xáo đậu đỏ bánh lọt của ông chệt ở đầu đường, thèm thấy mồ, tui nói tàng:
- Tụi bây muốn ăn gì cứ việc kêu, tao bao.
Đã quá, mỗi đứa xực 2 ly. Ăn xong, tui nói nhỏ:
- Ê bây. Hễ tao chạy thì tụi bây chạy nghe hông!
Nói xong buông cái ly xuống là tui chạy. Cả đám chạy theo. Cái gian của con nít. Chạy đi đâu? Chạy thẳng về nhà. Ông chệt đâu thèm rượt theo. Ổng đợi giờ tan sở thấy mặt ba tui, ổng đi thẳng tới nhà tui đòi tiền.
Ổng vừa cười vừa nói giả lả:
- Hà cái lầy thầy pa phải dạy con Xưng nghe, ái daaa… nó pày lầu lám nhỏ ăn lồi chẩu... hổng chả tèn ha. Ái daaa…
Các bạn ơi những tội lỗi con nít tui phải khai hết ra cho nhẹ lòng!
Thêm một lần khác, chỉ một mình ên, hồi tui cỡ 5,6 tuổi gì đó, gần nhà có con nhỏ cũng cỡ tuổi tui, ngày nào cũng bưng cái rổ nhỏ xíu bán hột sầu riêng luộc. Tui ngồi xề xuống biểu nó gọt cho tui ăn.
Nó vừa gọt tui vừa xực gần hết rổ xong rồi tui chạy.
Cũng chạy về nhà. Con nhỏ khóc sướt mướt, má nó dắt lại đòi tiền má tui.
Nghĩ tội nghiệp hết sức, đòi mà cũng sợ vì lúc đó má nó là người Tàu dân buôn gánh bán bưng đồ lụn vụn lặt vặt còn ba tui đã là “thầy chú” (công chức) ai cũng có ý trọng nể.
Không biết rồi, số phận của con nhỏ mới có bằng tui, 5,6 tuổi gì đó, mà đã biết bưng rổ bán hột sầu riêng giúp mẹ rồi, bây giờ, nó ra sao?
Kỳ rồi về thăm quê hương, gặp lại Thanh Xuân, nó còn nhắc, rồi cười ha hả:
- Bà Xưng này nè, hồi đó tui mới lên, bao tui ăn đậu đỏ bánh lọt rồi chạy. Có biết gì đâu, còn nhà quê thấy bà, nó chạy thì tui cũng chạy theo nó.
"Cách biệt quê nhà đã bao năm
Nhắc kỷ niệm xưa vẫn chạnh lòng
Ngó màu hoa chuối tuôn niềm nhớ
Rót giọt u hoài chuyện xa xăm".
(Ngọc Anh)
Nhớ tới đây tui thấy buồn quá, muốn khóc.
Thôi, xin tạm ngưng.
Hễ nhớ tới chuyện buồn là tui muốn ngưng, hông muốn buồn kéo dài. Chừng nào vui thì kể tiếp.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Không có nhận xét nào: