Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

ĐIỂM TIN 22/02/2023 - ĐHL


Tổng thống Mỹ gặp các lãnh đạo Đông Âu tại Ba Lan Tổng thống Mỹ Joe Biden lên diễn đàn cuộc mít tinh tại Vacxava, Ba Lan tối ngày 21/02/ 2023. AP - Evan Vucci Thanh Phương Hôm nay, 22/02/2023, tại thủ đô Vacxava của Ba Lan, tổng thống Mỹ Joe Biden gặp lãnh đạo 9 quốc gia thành viên NATO của khu vực Trung và Đông Âu, để khẳng định sự ủng hộ “không gì lay chuyển” của Washington đối với các nước này trước mối đe dọa từ nước Nga. Theo thông báo của Nhà Trắng được AFP trích dẫn, cuộc gặp giữa tổng thống Biden với lãnh đạo các quốc gia Trung và Đông Âu sẽ có sự hiện diện của tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg.
<!>
Từ Vacxava, thông tín viên Martin Chabal tường trình:
“ Cuộc gặp hôm nay của ông Biden chủ yếu sẽ tập trung vào chiến lược mà các nước thành viên NATO ở Đông Âu cần thông qua để đối phó với Nga và các đồng minh của Matxcơva. Tổng thống Mỹ sẽ gặp các lãnh đạo của nhóm Bucarest, quy tụ 9 quốc gia khối NATO ở sườn phía đông, mà trong đó nhiều nước có biên giới chung với Nga hoặc với Ukraina.

Việc tổ chức cuộc gặp ở Ba Lan mang ý nghĩa biểu tượng : Là láng giềng sát bên một quốc gia đang có xung đột, nhiều người dân Ba Lan cảm thấy bị đe dọa nếu quân đội Nga đánh thắng được Ukraina. Nhưng trong bài diễn văn tối qua, trước một đám đông phấn khích, tổng thống Biden đã nhắc lại ông rất coi trọng điều khoản thứ 5 của khối NATO, tức điều khoản quy định rằng một nước thành viên bị tấn công có nghĩa là toàn bộ Liên minh bị tấn công.

Người ta chờ đợi là trong các cuộc thảo luận hôm nay, Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định về việc đóng quân thường trực trên lãnh thổ Ba Lan và qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai quốc mà hôm qua đã bày tỏ tình thân hữu trước toàn thế giới. Trong buổi chiều, theo dự kiến, tổng thống Biden sẽ bay về Washington.”

Trong bài phát biểu tối qua tại Vacxava, tổng thống Mỹ đã tuyên bố : " Ukraina sẽ không bao giờ là một chiến thắng đối với Nga". Ông Biden còn khẳng định “phương Tây không hề có âm mưu tấn công nước Nga như cáo buộc của Putin”.

Những tuyên bố nói trên nhằm đáp lại bài diễn văn với giọng điệu hiếu chiến của tổng thống Vladimir Putin hôm qua, cam kết là quân Nga sẽ tiếp tục cuộc tấn công bắt đầu từ cách đây gần đúng một năm. Trong bài diễn văn này, ông Putin cũng thông báo quyết định rút nước Nga ra khỏi hiệp ước New Start ký với Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ukraina và các đồng minh tìm kiếm hậu thuẫn tại Liên Hiệp Quốc


Một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 06/02/2023. REUTERS - EDUARDO MUNOZ
Minh Anh
Hôm nay, 22/02/2023, Liên Hiệp Quốc mở phiên họp Đại Hội Đồng nhân dịp đúng một năm cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga. Kiev và các đồng minh hy vọng có được một sự ủng hộ rộng lớn cho một nghị quyết kêu gọi một nền hòa bình « công bằng và bền vững ».

AFP cho biết dự thảo nghị quyết được 60 quốc gia ủng hộ nhấn mạnh đến việc « cần thiết có được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraina trong những thời hạn sớm nhất, tuân thủ theo các nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ». Văn bản này sẽ được bỏ phiếu sau một cuộc tranh luận bắt đầu từ hôm nay, lúc 15 giờ, giờ quốc tế và sẽ kéo dài ít nhất cho đến thứ Năm 23/02.

Cũng giống như các nghị quyết trước đây, văn bản lần này tái khẳng định « sự gắn bó » với « toàn vẹn lãnh thổ Ukraina », « yêu cầu » Nga triệt thoái các lực lượng tức thì và kêu gọi « chấm dứt các hành động thù nghịch ».

Tuy nhiên, dự thảo không nhắc đến kế hoạch hòa bình 10 điểm do tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trình bày. Ukraina đã từ bỏ ý định này nhằm có được nhiều lá phiếu nhất có thể, theo nhiều nguồn tin ngoại giao. AFP nhắc lại, hồi tháng 10/2022, khoảng 143 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án Nga sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ của Ukraina.

Chiến tranh Ukraina : Thường dân trả giá đắt

Một năm đã qua, đây cũng là lúc điểm lại những tổn thất về nhân mạng. Liên Hiệp Quốc hồi trung tuần tháng 2/2023, tố cáo chiến tranh đã làm hơn 8000 người chết và 13 000 người bị thương. Có số trên thực tế có thể còn cao hơn. Và thường dân đã phải trả một cái giá « không thể chịu nổi ».

Từ Geneve, thông tín viên đài RFI, Jeremy Lanche giải thích :

« Số liệu do Liên Hiệp Quốc cung cấp chỉ là bề nổi của một tảng băng. Thống kê chưa tính đến những thiệt hại quân sự. Và họ để sang một bên tất cả những nạn nhân nào chưa thể xác định danh tính. Những gì chúng ta biết được, chính là phần lớn những người bị giết chết là đàn ông, chiếm đến 61%. Và trong 90% trường hợp, họ bị chết trong các vụ nổ.

Và điều đó nói rõ về bản chất của cuộc xung đột, theo như giải thích của bà Matilda Bogner, trưởng đoàn phái bộ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Ukraina.

"Điều đó có nghĩa là có sự vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và các luật về chiến tranh. Bởi vì, thường dân bị biến thành mục tiêu một cách vô tội vạ. Các bên tham chiến không có những biện pháp cẩn trọng cần thiết để tránh những thiệt hại liên đới. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng con số thiệt hại thường dân sẽ còn cao hơn nữa."

Bảng tổng kết đặc biệt chưa đầy đủ do không được tiếp cận những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát như tại các vùng Donetsk, Luhansk hay như Mariupol. Số liệu thống kê chưa tính đến những người dân thường bị giết chết trên lãnh thổ Nga.

Liên Hiệp Quốc nói đến khoảng 30 người chết nhưng không thể xác nhận con số này. Nhưng để có thể hình dung mức độ bạo lực của cuộc xung đột và tác động đối với thường dân, có thể cần phải xem một con số khác, do UNICEF – Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc cung cấp. Theo đó, 80% trẻ em Ukraina hiện sống dưới ngưỡng nghèo, tăng gấp hai lần so với trước khi nổ ra cuộc xâm lược của Nga. »

Liên Âu đoàn kết sau một năm đối mặt với chiến tranh Ukraina


Toàn cảnh cuộc họp các ngoại trưởng Liên Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 20/02/2023. REUTERS - JOHANNA GERON
Thanh Hà
Lãnh đạo Ngoại Giao của Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell hôm qua 21/02/2023 kêu gọi 27 nước thành viên tăng tốc trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraina. Tại Bruxelles các nhà ngoại giao kỳ vọng trong ngày đạt được đồng thuận về đợt trừng phạt thứ 10 nhắm vào Matxcơva nhân dịp đúng một năm Nga xâm lược Ukraina.

Đợt trừng phạt mới bao gồm những biện pháp như sau : Cấm giao dịch với 7 công ty của Iran bị cho là cung cấp thiết bị cho Nga sử dụng trên chiến trường Ukraina. Cấm xuất khẩu cho Nga các linh kiện điện tử có thể được dùng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự, đặc biệt là để chế tạo drone, tên lửa hay trực thăng.

Theo Reuters, ít có khả năng 27 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu cấm nhập khẩu kim cương của Nga, hay ban hành một số các biện pháp ảnh hưởng đến ngành năng lượng hạt nhân. Nhiều thành viên Liên Âu, trong đó có Pháp lệ thuộc vào Uranium của Nga.

Vào lúc chiến tranh Ukraina sắp bước vào năm thứ nhì, Liên Hiệp Châu Âu chủ trương tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev. Cấp thêm đạn được, pháo đại bác, xe tăng… là điều « cấp bách » theo lời lãnh đạo ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, trước khi Nga « khởi động chiến dịch tấn công ». Vẫn theo ông Borrell, Vladimir Putin đang « tăng tốc cỗ máy chiến tranh, huy động thêm lực lượng và nhất là Matxcơva đang hướng về Bắc Triều Tiên cũng như Iran để trang bị thêm vũ khí ».

Thông tín viên RFI từ Bruxelles, Pierre Bénazet ghi nhận từ một năm qua, Liên Âu đã vượt lên trên những bất đồng trước thách thức chiến tranh Ukraina đang đặt ra :

« Ngay từ hôm 23/02/2022 một ngày trước khi Ukraina bị xâm chiếm, Liên Âu đã khởi động đợt trừng phạt đầu tiên nhắm vào Matxcơva. Từ đó đến nay, Bruxelles ban hành thêm nhiều đợt trừng phạt liên tiếp và đang chuẩn bị đợt thứ 10.

Liên Âu duy trì được đoàn kết mặc dù là sự đoàn kết đó tưởng chừng đã bị đe dọa vào mùa xuân năm ngoái do thái độ của Hungary về việc trừng phạt Nga. Một số những rạn nứt chia rẽ khác được trông thấy trước nhưng rồi cũng không xẩy ra. Thí dụ như Ba Lan và các nước trong vùng Baltic cương quyết yểm trợ Ukraina, trái lại Pháp thì vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với điện Kremlin.

Trong xung đột Nam Tư cách nay 30 năm, Liên Âu đã có những phản ứng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Nhưng chiến tranh Ukraina cho thấy Liên Hiệp Châu Âu là một tác nhân địa chính trị và quân sự.

Dù vậy xung đột Ukraina cũng để lộ rõ những nhược điểm về mặt quân sự của nhiều nước trong Liên Âu vì những nước đó không ngờ rằng giai đoạn hòa bình trong thập niên 1990 chỉ là ảo tưởng. Chiến tranh lần này cho thấy toàn khối châu Âu cần khởi động lại cỗ máy công nghiệp quốc phòng.

Trong nội bộ, Liên Âu đã giảm mức lệ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng vẫn chưa cải tổ được thị trường năng lượng của khối này ».

NATO quan ngại khả năng Trung Quốc hỗ trợ quân sự Nga


Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo tại trụ sở Liên Minh, Bruxelles, Bỉ, ngày 21/02/2023. REUTERS - JOHANNA GERON
Minh Anh
Tổng thư ký Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương – NATO, Jens Stoltenberg, ngày 21/02/2023, tỏ ra « ngày càng lo lắng » về khả năng Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga.

Theo AFP, phát biểu trong cuộc họp báo ở Bruxelles, ông Jens Stoltenberg lấy làm lo lắng rằng « Trung Quốc có thể tính đến việc cung cấp vũ khí sát thương cho cuộc chiến tranh của Nga ». Tuy nhiên, lãnh đạo liên minh quân sự này đã mạnh mẽ bác bỏ những lời tố cáo mà tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong bài phát biểu hôm qua khi cho rằng mối đe dọa của phương Tây giải thích cho cuộc xâm lược Ukraina.

Tổng thư ký NATO quả quyết « không ai tấn công Nga. Chính nước Nga là kẻ gây hấn. Ukraina là nạn nhân (…) Chính tổng thống Putin là người đã bắt đầu cuộc chiến đế quốc chinh phục. Chính Putin đã tiếp tục leo thang chiến tranh », đồng thời ông chỉ trích tổng thống Nga không đưa ra một dấu hiệu nào để chuẩn bị cho nền hòa bình.

Cũng theo hãng tin Pháp AFP hôm qua, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, trên kênh truyền hình France 5, cũng tỏ thái độ lo lắng việc Trung Quốc và Nga ngày càng xích lại gần hơn. Lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp cho biết Paris sẽ giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều khả năng hỗ trợ cho Nga.

Ngoại trưởng Pháp cho rằng lập trường của Trung Quốc sẽ được thể hiện rõ tại New York nhân kỳ họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 24/02/2023.

Pháp, NATO và phương Tây nói chung đã có thái độ lo lắng sau khi ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho kênh truyền hình Mỹ CBS News, khẳng định rằng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cung cấp « vũ khí sát thương » cho Nga.

Vương Nghị: Quan hệ Nga-Trung “vững như bê tông”


Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov (P) đón tiếp ông Vương Nghị (T) lãnh đạo ngành Ngoại giao của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 21/02/2023, Matxcơva. AP - Alexander Nemenov
Thanh Phương
Ngày 21/02/203, trong chuyến viếng thăm tại Matxcơva, lãnh đạo ngành ngoại giao của Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố với một trong những cố vấn của tổng thống Nga Putin rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Matxcơva “vững chắc như bê tông”, có thể cưỡng lại mọi thách thức « trong một môi trường quốc tế đầy biến động ».

Theo hãng tin Reuters, ông Vương Nghị đã nói với thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga, Nikolai Patrouchev là Trung Quốc và Nga nên đề ra những biện pháp chung để bảo đảm an ninh của hai nước. Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc không nêu chi tiết về các biện pháp này.

Ông Vương Nghị đã đưa ra những tuyên bố nói trên vào lúc Hoa Kỳ và NATO lo ngại về khả năng Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Nga để tiếp tục tấn công Ukraina.

Về phần Patrouchev, một nhân vật thân cận với tổng thống Vladimir Putin, ông khẳng định là Nga ủng hộ hoàn toàn Trung Quốc trong cuộc đối đầu với khối phương Tây, đồng thời tuyên bố là Matxcơva có chung lập trường với Bắc Kinh về các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương, tức là những hồ sơ vẫn gây căng thẳng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.

Chuyến đi Matxcơva của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc diễn ra vài tháng trước khi chủ tịch Tập Cận Bình theo dự kiến sẽ đến thủ đô Nga để họp thượng đỉnh với tổng thống Putin, theo tin của nhật báo Mỹ The Wall Street Journal.

Từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không lên án nước Nga và vẫn không xem đây là một cuộc xâm lược. Ngược lại, Trung Quốc cảnh cáo một số quốc gia, chủ yếu ám chỉ Hoa Kỳ, đừng nên đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột ở Ukraina.

Vài ngày trước khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, tổng thống Putin đã ký với chủ tịch Tập Cận Bình một hiệp định thiết lập một đối tác “không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc.

Tiếp ông Vương Nghị hôm nay, tổng thống Putin đã cho rằng quan hệ Nga-Trung « đang giúp làm ổn định tình hình quốc tế ». Hiếm khi nào tổng thống Nga tiếp một lãnh đạo nước ngoài không phải là nguyên thủ quốc gia. Cuộc gặp này phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa Bắc Kinh và Matxcơva .

Trung Quốc công bố tài liệu về chiến lược chống Mỹ
 

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương phát biểu tại hội thảo Sáng kiến An ninh Toàn cầu tổ chức tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 21/02/2023. AP - Andy Wong
Thanh Phương
Hôm thứ Hai, 20/02/2023, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công bố hai tài liệu nêu chi tiết chiến lược của Bắc Kinh chống lại “thế bá quyền” của Mỹ.

Theo tờ Le Monde, tài liệu đầu tiên có tựa đề “ Thế bá quyền của Mỹ và những mối nguy hiểm”, lên án chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ từ khi độc lập cho đến ngày nay. Tài liệu viết :” Từ khi giành được độc lập vào năm 1776, Hoa Kỳ vẫn liên tục mở rộng ảnh hưởng bằng vũ lực. Ngày nay, tại Ukraina, Irak, Afghanistan, Libya, Syria, Pakistan và Yemen, Hoa Kỳ vẫn áp dụng chiến thuật cũ: tiến hành các cuộc chiến tranh thông qua các trung gian.” Theo cái nhìn của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraina chính là hậu quả từ những thủ đoạn của phương Tây.

Trong tài liệu nói trên, Trung Quốc lên án việc Hoa Kỳ đặt “ 800 căn cứ quân sự” tại “159 quốc gia”, cũng như việc chính quyền Donald Trump đã ban hành đến “hơn 3.900” trừng phạt kinh tế. Tài liệu còn tố cáo việc các phương tiện truyền thông của Nga ở Mỹ và châu Âu bị “kiểm duyệt gắt gao chưa từng có”.

Trong tài liệu thứ hai, bộ Ngoại Giao Trung Quốc trình bày “Sáng kiến cho an ninh thế giới”, nêu lên những nguyên tắc chính, với khoảng 20 điểm rất cụ thể và một phương pháp để đạt đến mục tiêu đó.

Chiến lược này dựa trên 6 cam kết, trong đó có tầm nhìn của Tập Cận Bình về “một nền an ninh chung và bền vững” được đưa ra vào năm 2014, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Về điểm này, tài liệu cho rằng “ tâm lý chiến tranh lạnh, chủ nghĩa đơn phương, sự đối đầu giữa các khối, và thế bá quyền là đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Đây là những cụm từ mà Bắc Kinh vẫn dùng để mô tả chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Theo nhận định của tờ Le Monde, Trung Quốc đưa ra sáng kiến nói trên nhằm cổ vũ cho một trật tự thế giới mới và gia tăng ảnh hưởng như họ đang làm từ 10 năm qua, thông qua các dự án “những con đường tơ lụa mới”.

Không có nhận xét nào: