Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

ĐIỂM TIN 23/02/2023 - ĐHL


Bộ trưởng Tài Chính G7 họp bàn về loạt trừng phạt mới đối với Nga
Ảnh minh họa : Một hội nghị của khối G7. © AP Thu Hằng Một ngày trước thời điểm đánh dấu một năm Nga gây chiến ở Ukraina, bộ trưởng Tài Chính của nhóm G7, quy tụ bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới, bàn về loạt trừng phạt mới đối với Matxcơva. Cuộc họp diễn ra ngày 23/02/2023 tại Bangalore, miền nam Ấn Độ, bên lề hội nghị các bộ trưởng Tài Chính G20 và lãnh đạo các ngân hàng trung ương.
<!>
Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga đã « mang lại hiệu quả » và « làm giảm gần một nửa thu nhập từ dầu lửa của Nga ». Theo ông, « các biện pháp trừng phạt là một vũ khí lâu dài, nên cần được duy trì và tăng cường ».

Phía Mỹ có chung quan điểm với Pháp. Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề chính trị Victoria Nuland khẳng định là Washington và « các đối tác G7 » dự kiến thông báo « một loạt trừng phạt mới » vào khoảng ngày 24/02. Tuy nhiên, một nguồn tin từ bộ Tài Chính Đức, được AFP trích dẫn, cho biết ít có khả năng một quyết định như vậy được đưa ra trong cuộc họp này.

G20 bàn áp thuế tối thiểu 15% với các đại tập đoàn
Cuộc họp các bộ trưởng Tài Chính G7 diễn ra trước cuộc họp G20 ngày 24 và 25/02, mà Nga chưa xác nhận tham dự. Mọi cuộc thảo luận về Ukraina được cho là khá tế nhị đối với Ấn Độ, nước chưa bao giờ lên án Nga xâm lược. Cuộc họp G20 tập trung vào vấn đề áp mức thuế tối thiểu 15% đối với các đại tập đoàn đa quốc gia và các công ty công nghệ số.

Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi tường trình :

« Cách đây hơn một năm, 140 nước thành viên và đối tác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE đã ký một thỏa thuận bảo đảm sẽ đánh thuế tối thiểu 15% đối với các công ty nhằm chống gian lận thuế. Thỏa thuận này sẽ được thảo luận trong nhóm G20 và sẽ có hiệu lực tại Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2024.

Tuy nhiên, việc tìm ra được một đồng thuận về việc đánh thuế các đại tập đoàn công nghệ số, như Google hay Apple, lại khó hơn. Đây là điều mà bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Lemaire lấy làm tiếc :

« Hiện giờ, mọi thứ đều bị chững lại, nhất là do Mỹ, Ả Rập Xê Út và Ấn Độ. Pháp sẽ yêu cầu tháo dỡ bế tắc đó dựa trên điểm số 1, đó là thuế kỹ thuật số. Cơ hội thành công rất mong manh. Tôi nghĩ rằng điều này một lần nữa xác nhận chiến lược của Pháp, đó là áp thuế kỹ thuật số ở cấp quốc gia. Loại thuế này mang lại cho chúng tôi gần 700 triệu euro mỗi năm. Điều đó cũng thúc đẩy việc đánh thuế kỹ thuật số được mở rộng ở cấp độ châu Âu càng sớm càng tốt ».

Hiện nay, các đại tập đoàn kỹ thuật số này đặt trụ sở ở quốc gia châu Âu có mức thuế thấp nhất, nhờ vậy họ nộp thuế ít hơn hai lần so với những doanh nghiệp thông thường ».

Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết “hòa bình lâu dài” cho Ukraina


Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp ra nghị quyết lên án Nga ''sáp nhập bất hợp pháp'' các vùng lãnh thổ của Ukraina, New York, Hoa Kỳ, ngày 12/10/2022. © Bebeto Matthews/AP
Chi Phương
Trước ngày đánh dấu một năm cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina, hôm nay, 23/02/2023, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về một nghị quyết hoà bình cho Ukraina.

Theo AFP, trong ngày đầu tiên thảo luận về hoà bình cho Ukraina tại Liên Hiệp Quốc, hôm qua, 22/02, tổng thư ký Antonio Guterres khẳng định rằng cuộc xâm lược mà Nga tiến hành từ một năm qua là “một cột mốc đen tối đối với Ukraina và đối với cộng đồng quốc tế”. Ông Guterres lên án những hậu quả về mặt nhân đạo và những vi phạm nhân quyền của Nga trong cuộc chiến này, đồng thời đề cập đến mối đe dọa ngầm của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các hoạt động quân sự “ vô trách nhiệm ” xung quanh các nhà máy điện hạt nhân.

Trong cuộc thảo luận, lãnh đạo ngoại giao Ukraina Dmytro Kuleba khẳng định trong khi “một nước thì chỉ muốn tồn tại, thì nước kia lại muốn giết chóc, phá hủy”. Ông Kuleba nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một nền hoà bình toàn diện “công bằng và lâu dài” tại Ukraina, theo các nguyên tắc của Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc, đó là bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Nga rút quân và chấm dứt chiến tranh.

Về phần đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassili Nebenzia, ông cáo buộc phương Tây “muốn Nga thất bại bằng mọi giá, và không chỉ Ukraina phải hy sinh, mà phương Tây còn muốn nhấn chìm cả thế giới vào vực thẳm chiến tranh”. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã đáp trả lại cáo buộc này, nhấn mạnh cuộc xung đột này không phải là phương Tây chống lại Nga, mà đây là “một cuộc chiến tranh bất hợp pháp, liên quan đến toàn thế giới, không phân biệt Đông, Tây, Nam hay Bắc''.

Trong bỏ phiếu vào tối nay, Ukraina và đồng minh hy vọng có thể nhận được ủng hộ ít nhất là từ 143 quốc gia, như là đối với nghị quyết tháng 10 năm ngoái lên án Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraina.

Từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua 4 nghị quyết, 3 trong số đó thu được từ 140 đến 143 phiếu thuận. Có 5 quốc gia bỏ phiếu chống là Nga, Belarus, Syria, Bắc Triều Tiên và Eritrea và khoảng 40 nước bỏ phiếu trắng.

Trung Quốc trình bày với Nga ''kế hoạch hòa bình'' cho Ukraina


Lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin, điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 22/02/2023. AP - Anton Novoderezhkin
Anh Vũ
Hôm qua, 22/02/2023, lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, đã được tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tại điện Kremlin, sau khi hội đàm với ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov. Trong cuộc gặp này, ông Vương Nghị đã trình bày « phương pháp tiếp cận của Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng chính trị », theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga.

Trước đó, Bắc Kinh đã hứa trong tuần này sẽ công bố các đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraina. Giới quan sát gọi đó là « kế hoạch hòa bình » cho Ukraina.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm thông tin:

Theo tiếng Trung thì đó không phải là « kế hoạch hòa bình », mà là tài liệu trình bày« lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết khủng hoảng Ukraina ». Sự khác biệt về ngôn từ này rất quan trọng, bởi vì Bắc Kinh chỉ muốn đưa ra các gợi ý để làm dịu cường độ không suy giảm của cuộc chiến tranh sau một năm Nga xâm lược Ukraina, nhưng chủ yếu cũng muốn cho thấy quan điểm của Trung Quốc về thế giới, về trật tự quốc tế và cách giải quyết các xung đột.

Nhà nghiên cứu Triệu Thông của Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa tại Bắc Kinh phân tích : « Mục đích của tài liệu này là trình bày đóng góp của Trung Quốc vào giải quyết khủng hoảng Ukraina một cách hòa bình. Tài liệu chủ yếu được gửi tới Châu Âu và các nước khác ngoài Hoa Kỳ, nhằm chứng minh chính sách đối ngoại của Trung Quốc là mang tính hòa bình và thể hiện hình ảnh một nước lớn có trách nhiệm và hùng mạnh. Tài liệu chỉ nêu các vấn đề mang tính nguyên tắc và có lẽ không có nhiều đề nghị cụ thể ».

Những nguyên tắc lớn vì một nền hòa bình bền vững đã được các lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến nhiều lần, đặc biệt là vấn đề « tôn trọng toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của các nước ». Đó cũng là lập luận ủng hộ Ukraina. Thêm vào đó, theo như khẳng định của chế độ Cộng sản, « tất cả các nước phải tính đến các quan ngại hợp lý của nước khác về vấn đề an ninh ». Đây cũng là lập luận mà Nga bảo vệ.

Từ đầu cuộc xung đột, Trung Quốc tỏ ra « trung lập », nhưng nghiêng về Nga. Giai đoạn tiếp theo sẽ là chuyến thăm Matxcơva của ông Tập Cận Bình vào mùa xuân tới, nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai đồng minh.

Kiev khẳng định không được Bắc Kinh tham khảo trước
Cũng trong chuyến đi Matxcơva, ông Vương Nghị đã bày tỏ mong muốn của Trung Quốc « tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác trên mọi phương diện » với Nga.

Về phần Kiev, một quan chức cao cấp của Ukraina, xin được giấu tên, khẳng định với AFP rằng Kiev đã không được phía Trung Quốc tham khảo ý kiến, đồng thời cho biết không một kế hoạch hòa bình nào được phép vượt qua « lằn ranh đỏ » mà Kiev đề ra, đó là không bao giờ chấp nhận những nhân nhượng về lãnh thổ với Nga, hiện đang chiếm đóng một số vùng ở miền đông và nam, cũng như bán đảo Crimée.

Tổng thống Putin : Nga sẽ tăng cường kho vũ khí nguyên tử

Phi cơ MiG-31K của Không quân Nga mang tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp ngày 19/02/2022, trong lúc tổng thống Nga chuẩn bị giám sát một cuộc tập trận phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa hành trình. AP
Thu Hằng
Ngày 23/02/2023, chỉ một ngày sau khi thông báo « ngừng tham gia » hiệp ước New Sart về giải trừ vũ khí nguyên tử với Hoa Kỳ, tổng thống Vladimir Putin cho biết quân đội Nga sẽ tăng cường lực lượng hạt nhân.

Theo phát biểu của tổng thống Putin được điện Kremlin công bố sáng sớm hôm nay và được AP trích dẫn, Nga « sẽ gia tăng chú ý tăng cường bộ ba nguyên tử », ý muốn nói đến những tên lửa hạt nhân được triển khai trên đất liền, trên biển và trên không. Lần đầu tiên, các tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat - có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân - sẽ được triển khai ngay trong năm nay. Nguyên thủ quốc gia Nga cũng khẳng định : « Chúng ta sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal và sẽ cung cấp hàng loạt tên lửa siêu thanh trên biển Zircon ».

Quyết định của Nga « ngừng tham gia » hiệp ước New Start đã bị tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích là « một sai lầm nghiêm trọng ». Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC News tại Ba Lan trước khi lên đường về Mỹ, ông Joe Biden cũng cho biết là « chưa có » những yếu tố cho thấy tổng thống Nga « đang suy tính về việc sử dụng vũ khí nguyên tử hoặc việc gì đó tương tự ».

Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho đến khi Nga rút khỏi Ukraina
Tổng thống Mỹ đã kết thúc chuyến công du Ukraina và Ba Lan kéo dài bốn ngày. Trong cuộc họp ngày 22/02 tại Vacxava với lãnh đạo 9 nước thuộc nhóm « Bucharest Nine » (gồm Bulgari, Cộng Hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani và Slovakia), ông Joe Biden nhấn mạnh đến vai trò « phòng thủ tập thể trên tuyến đầu » của những nước nằm dọc sườn đông NATO. Tổng thống Biden nhắc lại sự ủng hộ « không lay chuyển » của Mỹ để đẩy lùi quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraina, vì theo ông, « thách thức của cuộc xung đột này không chỉ là đối với riêng Ukraina mà còn đối với cả tự do của các nền dân chủ khắp châu Âu và trên thế giới ».

Trong cuộc họp, tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg đã nhắc lại những hành động của Nga ở Gruzia và Ukraina, và tuyên bố : « Chúng ta không thể cho phép Nga tiếp tục làm suy yếu an ninh châu Âu. Chúng ta phải phá vỡ vòng xâm lược của Nga ».

2023: Thị trường ngũ cốc vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng


Ảnh tư liệu: Một tàu chở ngũ cốc xuất khẩu từ cảng Odessa của Ukraina chờ bốc hàng hôm 29/07/2022. AP - David Goldman
Chi Phương
Một năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, giá ngũ cốc thế giới đã ổn định trở lại và quay về mức trước chiến tranh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường ngũ cốc năm 2023 vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn.

Chiến tranh nổ ra tại Ukraina, một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, đã khiến cho việc sản xuất, thu hoạch, cũng như xuất khẩu bị gián đoạn. Trong năm qua, giá ngũ cốc đã tăng mạnh, đe dọa đến an ninh lương thực của thế giới, nhất là tại các nước châu Phi. Theo AFP, các tuyến đường vận chuyển ngũ cốc của Ukraina được mở ra, cho phép xuất khẩu 20 triệu tấn lương thực, đã làm yên lòng các nước phụ thuộc vào ngũ cốc Ukraina. Tuy nhiên, do chiến sự tiếp diễn ở Ukraina, vẫn còn những lo ngại cho thị trường này.

Nếu như thỏa thuận về hành lang vận chuyển ngũ cốc trên biển Đen (được ký giữa Nga, Ukraina, dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc) không được gia hạn vào ngày 18/03, nguy cơ thị trường bất ổn trở lại có thể xảy ra.

Theo ông Sébastien Abis, giám đốc tổ chức tư vấn nông nghiệp Demeter, trong 3 tháng tới, vai trò thiết yếu của Thổ Nhì Kỳ trong thỏa thuận về hành lang vận chuyển ngũ cốc Ukraina có thể bị lung lay, vì Ankara đang có nhiều việc nội bộ cần giải quyết: hậu quả của động đất và bầu cử. Thêm vào đó là thái độ Trung Quốc, đã chấm dứt chính sách Zero Covid và mở cửa trở lại cho giao thương. Điều này có thể tác động đến mức cầu của thế giới. Cuối cùng là rủi ro về khí hậu. Ông Sébastien Abis nhấn mạnh "nếu một nước xuất khẩu ngũ cốc lớn gặp thảm họa khí hậu, thế giới sẽ càng phụ thuộc hơn vào Nga, hiện đang sở hữu 30 % kho lúa mì của thế giới".

AFP trích dẫn nhận định của ông Dax Wedemeyer, thuộc US Commodities, một công ty quản lý và đầu tư trong nông nghiệp, rằng thị trường ngô và lúa mì không có gì chắc chắn vào năm 2023. Thêm vào đó, tình hình thời tiết khô hạn tại nhiều nơi như ở Hoa Kỳ và Achentinakhiến cho nguồn cung lương thực năm nay sẽ bị suy giảm, chưa kể những rủi ro về khả năng sản xuất của Ukraina. Trước chiến tranh, Ukraina là nước xuất khẩu thứ tư thế giới về các loại lương thực này.

Không có nhận xét nào: