Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Khách sạn cổ nhất, đầ u tiên nhất và đẹp nhất Việt Nam của Sài Gòn xưa Posted by: lpk 116


Sài Gòn sau ba trăm năm chuyển mình cùng nhịp sống của đô thị, “hòn ngọc viễn đông” ngày nào nay đã khoác lên mình những tòa nhà tráng lệ, cao ốc lộng lẫy hay những tuyến đường rộng mở luôn đông đúc xe cộ. Nhưng đâu đó trong Sài Gòn vẫn còn lưu giữ lại những kiến trúc xưa nhất và cổ nhất như Trường Lê Quý Đôn, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam,… và không thể không kể đến kiến trúc của khách sạn cổ nhất – khách sạn Continental Saigon (Hotel Continental Saigon).
<!>
Hotel Continental Saigon được xem là một trong những khách sạn cổ nhất không chỉ của Sài Gòn mà của cả Việt Nam. Đây còn là địa điểm cung cấp chỗ nghỉ tốt nhất dành cho du khách khi có dịp tới tham quan thành phố Saigon

Vị trí khách sạn Continental

Khách sạn Continental có một vị trí vô cùng thuận lợi khi nằm tại số nhà 132 – 134 đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Một trong những con đường lâu đời và nổi tiếng nhất tại Sài Gòn. Nằm giữa các bến cảng và thánh đường, thông qua con đường Catinat vốn là trục đường trung tâm huyết mạch bấy giờ, bắt đầu từ ngọn đồi cao nhất kéo xuống bờ sông. Nhà thờ Đức Bà lúc đó đang bắt đầu được xây dựng, Đức Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên năm trước thì năm sau khách sạn này cũng được khởi công xây dựng. Mất hai năm xây dựng và hoàn thành, vào giữa năm 1880 khách sạn được hoàn thiện gần như cùng lúc với nhà thời Đức Bà. Ngoài ra, khách sạn còn có tên tiếng Việt là khách sạn Hoàn Cầu – một trong 5 địa điểm ở Saigon được công nhận Di tích “Kiến Trúc Nghệ Thuật”.


Lịch sử khách sạn Continental

Với mục đích cung cấp chỗ ở sang trọng đúng kiểu Tây cho những người Pháp sau khi vượt nghìn trùng hải hành tới Việt Nam. Năm 1878 , khách sạn được bắt đầu xây dựng bởi ông Pierre Cazeau phụ trách. Khách sạn Continental được khởi công xây dựng với đến năm 1880, khách sạn Continental được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động. Khách sạn, giống tất cả kiến trúc Âu châu trong thành phố, được mở ngõ hướng ra bên ngoài. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí bên trong đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách ở một đất nước xa lạ.

Trong cùng thời điểm đó, ngoài khách sạn Continental còn có các công trình nổi tiếng khác được xây dựng như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn và Tòa Đô Chánh Sài Gòn. Tất cả những tòa nhà này đều được thiết kế theo lối kiến trúc giống như Tòa Thị Chính Paris.


Vào năm 1911, Hotel Continental Sài Gòn được sang nhượng lại cho Công Tước Montpensier. Nhưng chỉ sau 19 năm, khách lại có một chủ nhân mới là Mathier Francini, người đã tiếp tục điều hành khách sạn này tới năm 1975. Và trong thập kỷ 60-70, chính quyền Sài Gòn đã ra lệnh cho tất cả các bảng hiệu khách sạn đều phải viết bằng tiếng Việt. Do đó mà Hotel Continental được mang tên “Đại Lục Lữ Quán”.

Tiếng tăm của khách sạn Continental không phải nằm ở các chủ nhân của nó mà nằm ở chính bề dày năm tháng trong dòng chảy lịch sử Sài Gòn. Trước thế chiến Thứ II, Continental Sài Gòn đã đón tiếp rất nhiều khách hàng nổi tiếng như Rabindranath Tagore(nhà thơ Ấn Độ đoạt giải thưởng Nobel Văn học vào năm 1913), Andre Malraux(tác giả tiểu thuyết “Số phận con người”),diễn viên điện ảnh Catherine Deneuve, người mẫu Kate Moss, cựu Tổng thống Pháp Chirac…


Tại khách sạn này có hai căn phòng gắn liền với những nhân vật lịch sử như: Phòng 214, nơi nhà văn người Anh Graham Greene trong thời gian lưu trú dài hạn tại đây đã thai nghén ý tưởng và viết hầu hết tác phẩm nổi tiếng Người Mỹ trầm lặng, câu chuyện về buổi giao thời của người Pháp và Mỹ tại Sài Gòn. Và phòng 307, nơi thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn cũng từng lưu trú khá dài.

Nhà báo Phạm Xuân Ẩn đã thường xuyên lui tới khách sạn này trong thời gian dài cung với việc ngồi hàng giờ ở tiệm cà phê Givral gần khách sạn. Khách sạn Continental trở thành nơi thường xuyên lui tới của giới quan chức, sĩ quan nhất là của cánh báo chí Phương tây để họp bàn, trao đổi công viện, do đó ông đã đặt biệt danh “Tướng Givral” cho khách sạn này.

Còn trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, khách sạn còn là địa điểm để các ký giả, nhà báo, chánh khách và thương gia ngoại quốc tới hoạt động tại Sài Gòn. Ngoài ra khách sạn còn góp mặt trong nhiều cảnh quay trong bộ phim “Đông Dương”. Một bộ phim đã đoạt hai giải thưởng lớn là Oscar và Quả Cầu Vàng. Cho đến nay, Hotel Continental vẫn giữ được cho mình nét uy nghi cổ kính từ thuở ban đầu.

Hotel Continental Saigon – Địa điểm cung cấp chỗ nghỉ lý tưởng tại Sài Gòn

Khách sạn Continental một điểm nghỉ ngơi lý tưởng dành cho các du khách tới tham quan du lịch hay các doanh nhân đến thành phố công tác. Khách sạn có 3 tầng với 87 phòng nghỉ tiện nghi và một sân vườn rộng rãi ngay trong khuôn viên.

Các phòng nghỉ tại Continental được bày trí một cách sang trọng với phần trần nhà được thiết kế theo phong cách Tây. Còn các trang thiết bị trong phòng thì được làm chủ yếu bằng gỗ và đặt theo cung cách cổ điển, truyền thống. Tất cả các phòng thì có đều được trang bị đầy đủ từ máy lạnh, TV LCD, truyền hình vệ tinh, Internet, két sắt, phòng tắm nước nóng đến điện thoại quốc tế,…

Khách sạn Continental nhanh chóng trở thành một khách sạn sang trọng và chất lượng như chính quốc. Ngoài những tiện nghi từ phòng ngủ, khách sạn còn thiết kế theo lối kiến trúc vuông vức có khoảng sân ở giữa. Tất cả những dãy phòng đều hướng về phía sân. Tại đây, họ cho trồng những rất nhiều hoa sứ, tại nên một sân vườn vừa mang nét sang trọng của phương tây, lại giữ những nét gần gũi và thơ mộng mà vườn hoa sứ mang lại.


Khoảng sân được trồng hoa sứ ở giữa khách sạn

Tại tầng một của khách sạn, người ta xây dựng một sòng bài có tên gọi là “Cercle europeen” (câu lạc bộ Châu Âu) hay theo cách gọi của ông Franchini – ông chủ của khách sạn này từ năm 1930-1975 – khách sạn được gọi theo tên “Cercle privé” “câu lạc bộ riêng”, nơi mà các nhà chính trị, lữ khách, chủ đồn điền và chủ ngân hàng sẽ họp mặt tại đây để vừa chơi bài và vừa nhớ lại những kỷ niệm ở nước Pháp.


Nhà hàng trong khách sạn năm 1912

Không chỉ cung cấp chỗ nghỉ, Continental còn là nơi tổ chức hội nghị, hội thảo tại tại nhà hàng Continental Palace ở tầng trệt chuyên phục vụ các món Việt truyền thống. Và ngay bên cạnh nhà hàng Continental Palace là quán cafe La Dolce Vita. Một địa điểm quen thuộc của người thành phố và du khách tới thưởng thức những đồ uống ngon, ăn bánh ngọt các loại và kem bất kì lúc nào.


Với lối kiến trúc Pháp cổ kính mà không kém phần sang trọng, nhà hàng Restaurant Le Bourgeois chính là địa điểm lý tưởng để tổ chức các bữa tiệc với khách hàng hay những bữa ăn thân mật với gia đình.Nhà hàng còn là nơi giới thiệu những đầu bếp xuất sắc với phong cách ẩm thực phương Tây. Các bữa tiệc với sự thừa thãi của các đĩa thức ăn và sự hào phóng của phân lượng là bản tuyên ngôn đích thực của chủ nghĩa dân tộc trong sự nấu nướng. “Ngon như ở Pháp” là khẩu hiệu của nhà hàng suốt gần trăm năm.

Trong những buổi chiều tà, nơi đây rực sáng ánh đèn với những quý bà quý ông thanh lịch ăn uống, trò chuyện, lướt đi khiêu vũ trong tiếng nhạc. Con đường Catinat hoa lệ (sau này là đường Tự Do) đã mọc lên khá nhiều quán cà phê và tiệm rượu, trở thành tâm điểm giải trí khi màn đêm xuống. Nhưng chỉ ở quầy rượu nhà hàng Continental mới là nơi mà Kim Lefevre, một nhà văn từng sống thời gian dài ở Sài Gòn, khẳng định: “Người ta thường giao thiệp với những phụ nữ thanh lịch nhất của Sài Gòn ở đây”.

Nhiều lần được thay tên

Khách sạn này không ít lần bị thay đổi tên. Năm 1960, dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tất cả các khách sạn phải lấy tên tiếng Việt, nên khi ấy nơi đây được đổi thành “Đại Lục lữ quán”.


Năm 1911, Khách sạn Continental được gia đình ông Cazeau sang tên lại cho công tước De Montpensier. Đến năm 1930, một người đến từ đảo Corse là Mathieu Franchini trở thành chủ mới của khách sạn này. Mathieu Franchini là một người Pháp bị chính đồng bào của mình khinh rẻ, thứ nhất vì anh là dân đảo Corse, thứ hai vì anh ta không có tiền hay nói thẳng ra là nghèo. Anh ta rời Pháp để đến một nước thuộc địa Pháp với hy vọng kiếm tiền dễ dàng ở nơi màu da của anh ta được đánh giá cao hơn. Cách đi để khỏi tốn tiền mua vé rất đơn giản, anh ta xin làm bồi bàn cho một con tàu sang Việt Nam và xin nghỉ việc khi tàu cập cảng Sài Gòn. Sau đó tìm một việc gì đó và kết bạn, giao du để tìm cách cưới một phụ nữ bản địa con nhà giàu muốn có chồng Pháp.

Người phụ nữ đó là cô Lê Thị Trọng, con gái của Đốc phủ sứ giàu có Lê Văn Mầu, người đứng đầu quận Chợ Gạo của Mỹ Tho, đồng thời cũng là chủ của cù lao Năm Thôn (sau này gọi là cù lao Ngũ Hiệp). Đốc phủ Mầu đã bỏ số tiền rất lớn để mua lại khách sạn Continental từ năm 1920 để làm của hồi môn cho con gái. Mathieu Franchini sau khi cưới cô Trọng đã đứng ra điều hành toàn bộ như một ông chủ.


Mathieu Franchini bị gọi là gangster bởi vì ngoài kinh doanh khách sạn, ông ta còn làm ăn nhiều chuyện không đứng đắn. Sau năm 1954, Mathieu Franchini móc nối với lực lượng Bình Xuyên. Thậm chí Siemon Netto, phóng viên thường trực của tạp chí Thế Giới (CHLB Đức) tại Nam Việt Nam, còn quả quyết rằng ông ta có dính dáng vào hơn một nửa nhà chứa ở Sài Gòn. Khi chế độ Ngô Đình Diệm bị đổ, cũng là lúc Franchini ngã bệnh và qua đời vào năm 1965. Con trai ông ta, Philippe Franchini, người mang hai dòng máu Việt-Pháp đã đứng ra tiếp tục điều hành khách sạn cho đến năm 1975.

Sau năm 1975, khách sạn Continental bị quốc hữu hóa, Philippe Franchini trở về Pháp và thành sử gia và viết hơn 10 cuốn sách về Việt Nam, nơi ông đã sinh ra và hiểu về từng ngọn cỏ gốc cây của xứ sở này. Trong đó cuốn sách Continental Saigon được in năm 1976 bởi NXB Ed Métaili tại Paris.

Sau năm 1975, khách sạn lại tiếp tục được đổi thành Khách sạn Hải Âu. Cho đến sau này khách sạn mới dùng lại tên cũ.

Khách sạn cổ trong thời hiện đại

Dù đã trải qua gần hơn một trăm năm, nhưng kiến trúc của khách sạn không thay đổi đáng kể. Vẫn giữ nguyên chiều cao khiêm tốn chỉ một trệt, ba lầu. Dù có chút thay đổi về cửa sổ nhưng phong cách vẫn như cũ với màu trắng sang trọng ngày xưa. Nhà hàng chính La Fayette được đầu tư theo chuẩn quốc tế, với không gian sang trọng cổ điển. Nhà hàng sân vườn Continental Patio – nơi những cây sứ ngày xưa nay đã hơn 130 tuổi – có sức chứa đến 500 khách, nay là nơi lý tưởng để đãi tiệc hay tổ chức sự kiện, ra mắt sản phẩm.

Continental Sài Gòn còn trở thành lựa chọn lý tưởng dành cho các cặp đôi muốn tổ chức lễ hôn tại Sài Gòn. Hiện nay tại khách sạn có 3 sảnh chính được dùng để tổ chức tiệc cưới là: Bamboo Hall, Continental Palace và Continental Patio.


Khách sạn ngày nay


Khách sạn vẫn giữ khoảng sân và các góc hoa sứ đến ngày nay

Ngoài những dịch vụ ở trên, khách sạn còn tổ chức các Tour du lịch hấp dẫn dành cho các nhóm, đoàn. Vào năm 2010, với nhiều thành tích nổi bật nên khách sạn Continental Saigon đã được trao tặng Huân chương lao động hạng nhì và nhiều bằng khen khác.

Bầu không khí “đặc sắc thời thuộc địa” nay đã được tái tạo nhằm lôi cuốn giới du khách tìm kiếm sự hoài niệm thời thuộc địa trong thế kỷ 21.

Posted by: lpk 116

  

Không có nhận xét nào: