Ukraina: Tổng thống Mỹ Biden bất ngờ viếng thăm Kiev Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraina, ngày 20/02/2023. AP Thanh Phương Theo hãng tin AFP, hôm nay, 20/02/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chuyến viếng thăm bất ngờ đến thủ đô Kiev của Ukraina. Tại đây, ông Biden đã gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ đến thăm Ukraina. Chuyến đi diễn ra chỉ vài ngày trước khi đánh dấu một năm Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.
<!>
Theo thông cáo của Nhà Trắng, tại Kiev, tổng thống Biden đã tuyên bố là Hoa Kỳ “sẽ sát cánh với Ukraina cho tới khi nào vẫn còn cần thiết” để chống trả quân Nga. Tổng thống Mỹ cho biết sẽ thông báo cung cấp thêm cho Ukraina những thiết bị quân sự thiết yếu, như đạn đại bác, hệ thống chống xe thiết giáp và các radar giám sát không phận để bảo vệ người dân trước các cuộc oanh tạc của Nga. Ông còn thông báo là Washington sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Matxcơva.
Về phần tổng thống Zelensky, trên mạng Twitter, ông khẳng định chuyến thăm Kiev của tổng thống Biden là một “dấu hiệu yểm trợ cực kỳ quan trọng”.
Theo hãng tin AFP, giữa lúc tổng thống Biden đang thăm Kiev, những tiếng còi báo động phòng không đã vang lên ở thủ đô Ukraina, nhưng trước mắt không có vụ tấn công nào bằng tên lửa hay bằng drone.
Tổng thống Mỹ đến Kiev trước khi thực hiện chuyến thăm chính thức Ba Lan để gặp tổng thống Andrzej Duda và lãnh đạo các nước đồng minh ở Đông Âu.
Tổng thống Pháp ủng hộ kế hoạch hòa bình của tổng thống Ukraina
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 17/02/2023. REUTERS - WOLFGANG RATTAY
Thanh Phương
Trong một cuộc điện đàm hôm qua, 19/02/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố ủng hộ kế hoạch hòa bình của đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky.
Cụ thể, theo điện Elysée, tổng thống Macron đã tái khẳng định sự ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm do tổng thống Zelensky đề nghị và « sẽ hỗ trợ sáng kiến này trên trường quốc tế trong các sự kiện ngoại giao sắp tới.” Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhắc lại sự cần thiết tăng cường và đẩy nhanh sự yểm trợ về quân sự cho Ukraina.
Cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp và Ukraina đã diễn ra sau khi trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí Pháp, được đăng tải tối thứ Bảy, ông Macron tuyên bố muốn thấy nước Nga bị thua Ukraina, nhưng cảnh báo những ai muốn “ bằng mọi giá nghiền nát nước Nga”.
Phản ứng của Nga về tuyên bố của tổng thống Pháp như thế nào, sau đây là tường trình của thông tín viên Julian Colling từ Matxcơva:
“ Những tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron đã gây sự chú ý của ngành ngoại giao Nga hôm Chủ nhật. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Maria Zakharova, đã ngay lập tức có phản ứng trên kênh Telegram của bà, nhấn mạnh rằng lời nói của ông Macron « chẳng có giá trị gì », do tổng thống Pháp bị xem là không có lập trường nhất quán.
Bà Zakharova cho rằng lập trường của ông Macron là « không đứng vững và tự mâu thuẫn với nhau »: với tư cách là một thành viên khối NATO, Pháp phải theo đi theo quyết tâm chung của khối này, đó là muốn Nga thua trận, cho dù ông Macron khẳng định không muốn “nghiền nát” nước Nga và mong mỏi một giải pháp thương lượng. Nhưng bà lưu ý, trong khi đó, Paris lại tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraina,
Các chuyên gia về địa chính trị, như chuyên gia nổi tiếng Fyodor Lukyanov thì cho rằng lập trường của tổng thống Pháp là “lập trường duy nhất mà ta có thể xem là thật sự phản ánh xu hướng của châu Âu”
Nhưng tuyên bố của tổng thống Pháp cũng đã gây phản ứng từ những giới thân điện Kremlin. Tại hội nghị an ninh Munich, ông Macron đã tuyên bố không ủng hộ chính sách nhằm làm “thay đổi chế độ”, sau một loạt thất bại trên thế giới.
Đối với các nhà bình luận Nga, rõ ràng là tổng thống Pháp gián tiếp nhìn nhận là từ nhiều năm qua, phương Tây vẫn cố tìm cách lật đổ chính quyền Nga. Điều này càng làm gia tăng thái độ nghi ngờ của Matxcơva về ý định thật sự của phương Tây và khối NATO.”
Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân ( Wang Wenbin ) hôm nay bác bỏ cáo buộc của ngoại trưởng Mỹ theo đó Bắc Kinh đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí cho Matxcơva để yểm trợ quân Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraina.
Về phần lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Joseph Borrel, tại Bruxelles hôm nay, ông cho biết đã nói thẳng với lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị rằng việc Bắc Kinh cấp vũ khí cho Nga để yểm trợ chiến tranh xâm lược Ukraina sẽ là một "lằn ranh đỏ" đối với Liên Âu.
TT Ukraina : Quân Nga đã chịu nhiều tổn thất « vô cùng nặng nề » gần thành phố Vuhledar
Iouri Doubovik, binh sĩ thuộc lữ đoàn 92 trong vùng Koupiansk, Ukraina © Boris Vichith / RFI
Thùy Dương
Tối Chủ Nhật 19/02/2023, tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky thông báo quân Nga đã chịu nhiều tổn thất « vô cùng nặng nề » gần thành phố Vuhledar trong vùng Donbass, miền đông Ukraina, nơi Matxcơva tuyên bố sáp nhập hồi tháng 09/2022. Tuy nhiên, Reuters cho biết trong video thường nhật đăng tải tối 19/02, tổng thống Zelensky cũng thừa nhận tình hình rất phức tạp.
Nhìn đến vùng Kharkiv, miền đông bắc Ukraina, hôm nay 20/02, bộ tham mưu Ukraina cho biết các lực lượng Ukraina đã đẩy lui các đợt tấn công của quân Nga vào làng Hrianykivka, nhưng quân Nga vẫn oanh kích ồ ạt vào khu vực này. Mặc dù quân đội Nga hôm thứ Bảy 18/02 thông báo đã chiếm một địa phương gần Koupiansk, nhưng các lực lượng Ukraina nói rằng khu vực phía bắc Koupianskvẫn đang có giao tranh.
Từ vùng Koupiansk, đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith hôm nay 20/02/2023 gửi về bài phóng sự :
Có những tiếng cười và những câu chuyện nhẹ nhàng ở rìa khu rừng có tuyết phủ : đây là lúc nghỉ ngơi của các binh lính thuộc lữ đoàn 92. Bầu không khí ở đây tương phản với không khí ở trận tuyến cách đây khoảng 10km, theo lời kể của Yuri Doubovik trong bộ đồ ngụy trang màu trắng. Yuri Doubovik nói : « Chẳng có gì vui cả. Quân Nga đông đến mức chúng tôi phải trú ở chiến hào. Nhiều khi chúng tôi còn chẳng có thời gian hút một điếu thuốc. Chúng tôi thậm chí còn không thể ló ra ngoài. Hiện giờ, chúng tôi đang ở thế phòng thủ ».
Ivan, một cựu binh ở Donbass, 35 tuổi, đã giấu xe tăng T62 của anh trong một bụi rậm. Anh cũng nhận thấy đối phương đang triển khai nhiều hoạt động. Anh nói : « Họ bắt đầu bắn nhiều đạn pháo hơn và thậm chí ném bom chùm. Họ tấn công liên tục, không ngừng nghỉ ».
Sau một năm chiến tranh cường độ cao, ai trông cũng mệt mỏi, đội ngũ thưa dần : đơn vị 116 quân của người lính động viên có biệt hiệu Scotch này chỉ còn có 40 binh sĩ. Scotch kể : « Đa phần họ đang nằm viện viện vì bị thương. Đơn vị chúng tôi có ít người chết, 10 người tất cả. Nhưng người ta không muốn điều thêm tân binh cho chúng tôi, họ vẫn tính những người đang nằm viện vào quân số đơn vị tôi
Dẫu sao đi chăng nữa, Scotch khẳng định vẫn giữ vững tinh thần và nói rằng sẵn sàng tiếp tục chiến đấu nếu cần.
Tại Moldova : Cộng đồng thân Nga biểu tình đòi giải tán chính phủ
Cộng đồng thân Nga biểu tình phản đối chính phủ, tại thủ đô Chisinau, Moldova, ngày 19/02/2023. © AP - Aurel Obreja
Thùy Dương
Moldova, nước cộng hòa Liên Xô cũ, với 2,6 triệu dân, đang lâm khủng hoảng kinh tế - xã hội. Chính phủ thân châu Âu lo ngại bất ổn xã hội do sự kích động từ chính quyền Matxcơva. Hôm qua 19/02/2023, hàng ngàn người biểu tình thân Nga đã tập trung tại thủ đô Chisinau phản đối các chi phí đời sống đắt đỏ, đòi giải tán chính phủ của tổng thống Maia Sandu, chủ trương thân châu Âu.
Từ Moldova, đặc phái viên Anieshka Koumor gửi về phóng sự :
Một người phụ nữ hét lên : « Chúng tôi chính là nhân dân, chúng tôi sẽ chiến thắng ! » Cũng giống như bà, hàng ngàn người đã xuống đường tuần hành, yêu cầu nhà chức trách Moldova chi trả hóa đơn khí đốt và sưởi ấm cho họ.
Với khoản lương hưu ít ỏi, chỉ tương đương 620 euro/tháng, mọi thứ đã trở nên quá đắt đỏ đối với ông Nicolai, 66 tuổi. Ông cho biết : « Cả đời, tôi làm công nhân xây dựng không khai báo. Tôi chỉ có giấy tờ khai báo làm việc trong 3 năm qua. Đó là tất cả những gì tôi có ».
Một người phụ nữ khác, nói tiếng Nga, từ chối cho biết tên, tỏ ra kiên quyết hơn : « Chúng tôi, nhân dân Moldova, muốn có bầu cử trước thời hạn. Chính quyền hiện tại không phù hợp với chúng tôi ! ».
Nhiều lời chỉ trích vang lên : « Đả đảo chế độ độc tài ! » Người biểu tình đòi chính phủ, vốn đã suy yếu do khủng hoảng kinh tế, phải giải tán. Đứng đầu trong số họ là Marina Tauber, phó chủ tịch đảng Shor, chính đảng tổ chức cuộc biểu tình. Bà nói : « Chị có thấy những người khiêu khích đâu không ? Ở đây chỉ có người Moldova thôi, cả thanh niên, trung niên và người cao tuổi ».
Sống tị nạn tại Israel, nhà tài phiệt gây tranh cãi, Ilan Shor, thường bị vị tổng thống thân châu Âu, bà Maia Sandu, tố cáo xúi giục các hành vi bạo lực dưới lớp vỏ ngụy trạng là các cuộc biểu tình phản đối ».
Hôm 13/02, tổng thống Maia Sandu tố cáo Nga kích động một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Moldova. Tổng thống Maia Sandu thậm chí đã công bố chi tiết kế hoạch của Matxcơva dựa vào các thành phần trong xã hội Moldova, như đảng thân Nga của nhà tài phiệt Ilan Sor, hiện đang sống lưu vong tại Israel, và các phần tử phá hoại đến từ Nga, Belarus, Serbia và Montenegro. Trước đó ít ngày, tổng thống Ukraina Zelensky đã tố cáo âm mưu của Nga lật đổ chính quyền thân châu Âu của Moldova.
Bắc Triều Tiên bắn hai tên lửa và cảnh cáo Hoa Kỳ, Hàn Quốc
Tên lửa đạn đạo được phóng từ một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên, ngày 20/02/2023. Hình ảnh từ video, đài truyền hình Bắc Triều Tiên đăng tải. AP
Trần Công
Hôm nay, 20/02/2023, Bắc Triều Tiên đã bắn hai tên lửa mà họ mô tả là có khả năng “tấn công hạt nhân chiến thuật” có thể phá hủy hoàn toàn các căn cứ không quân của kẻ thù. Theo hãng tin chính thức KCNA, vụ bắn tên lửa hôm nay nhằm đáp lại các cuộc tập trận chung trên không của liên quân Mỹ-Hàn hôm Chủ Nhật.
Hàn Quốc xem vụ bắn tên lửa này là “một hành động khiêu khích nghiêm trọng, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên.” Trong khi đó, Kim Yo Yong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, sáng nay dọa sẽ biến vùng Thái Bình Dương thành một “ trường bắn” nếu Hoa Kỳ tiếp tục triển khai các phương tiện chiến lược trong khu vực.
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình:
Theo thông tin từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ- Hàn, Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ có một cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày vào tháng 3 tới. Cuộc tập trận này sẽ có quy mô lẫn phạm vi lớn hơn, với kịch bản bao gồm cả những kinh nghiệm được đúc kết từ chiến tranh Nga- Ukraina và các hành động đe dọa của Bắc Triều Tiên trong tương lai.
Sau khi thông tin nói trên được đưa ra, Bình Nhưỡng đã có hàng loạt hành động gây hấn bao gồm vụ bắn tên lửa xuyên lục địa Hwasong-15 vào ngày 18/02, nhằm chứng minh tuyên bố của chủ tịch Kim Jong-Un về việc "hoàn thiện lực lượng hạt nhân". Tiếp theo đó, Bình Nhưỡng bắn thêm hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về hướng biển Nhật Bản vào sáng hôm nay 20/02/2023. Bình Nhưỡng tuyên bố đã sử dụng các dàn phóng tên lửa đa nòng rất lớn và đó là những phương tiện “tấn công hạt nhân chiến thuật” đủ mạnh để “biến thành tro bụi” các căn cứ không quân của kẻ thù.
Tuy nhiên thông tin này được cho là không xác thực. Quân đội Mỹ và Hàn Quốc nhận định rằng Bình Nhưỡng cần thêm thời gian để tối ưu hóa các thiết bị cũng như bảo đảm khả năng quay lại khí quyển của tên lửa liên lục địa.
Đáp trả hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, liên quân Mỹ-Hàn đã điều các máy bay chiến đấu F-35A và F-15K của không quân Hàn Quốc và các máy bay chiến đấu F-16 của không quân Mỹ hộ tống máy bay ném bom chiến lược B-1B tiến vào vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc.
Sau khi vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm nay, phía Nhật Bản đã lên tiếng phản đối vì tên lửa này đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Về phần mình, Bắc Kinh cho biết "không có sự thay đổi nào trong quan điểm của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên", sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Triều Tiên.
Theo lời của phát ngôn viên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hôm qua, ông đã lên án Bắc Triều Tiên về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ bảy qua, kêu gọi Bình Nhưỡng ngưng “những hành động khiêu khích” này. Hôm nay, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn ở New York về tình hình bán đảo Triều Tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét