Thông điệp kép từ Hội nghị Munich: Giúp Ukraina đánh giặc, để ngỏ cơ hội hòa bình với Nga Biểu tình phản đối chiến tranh bên lề Hội nghị An ninh Munich, ở Munich, Đức, ngày 18/2/2023. REUTERS - KAI PFAFFENBACH Trọng Thành Gần tròn một năm cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, chiến tranh tại Ukraina tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay 20/02/2023. Le Monde và La Croix dành tranh nhất giới thiệu về tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, thủ lĩnh của cuộc kháng chiến. Liberation dành một số đặc biệt nói về những người kháng chiến Ukraina. Hạ Viện Pháp đã không thể bỏ phiếu về dự luật cải cách hưu trí, sau hai tuần tranh luận dữ dội tại nghị trường là một chủ đề chính khác.
Châu Âu siết chặt đoàn kết sẵn sàng cho ‘‘một cuộc chiến tranh kéo dài’’ tại Ukraina, nếu Nga không từ bỏ quyết tâm xâm lược. Hồ sơ chính trang quốc tế của Le Monde có bài : ‘‘Tại Munich, phương Tây đoàn kết đối mặt với Nga’’. Le Monde mở đầu bài viết với thông điệp: ‘‘Gió đang thổi ngược, đây không phải là lúc để chùn bước. Trong lúc các lực lượng Ukraina đối mặt với một đợt tấn công mới của Nga tại vùng Donbass, các lãnh đạo phương Tây họp tại Hội nghị An ninh thường niên Munich, hôm 17/02, đã gửi đến Nga thông điệp đoàn kết và kiên quyết, kèm theo đó là nhận định: cuộc chiến sẽ kéo dài, cần phải chuẩn bị’’.
Thông điệp đoàn kết của phương Tây
Sự hiện diện của lãnh đạo chủ chốt của các quốc gia đồng minh trong hội nghị đặc biệt này là một dấu hiệu rõ ràng, từ phó tổng thống Mỹ, thủ tướng Đức, thủ tướng Anh đến, thủ tướng Ba Lan, lãnh đạo các nước Baltic, cũng như những người đứng đầu các định chế châu Âu. Le Monde chú ý đến một dấu hiệu đoàn kết quan trọng khác là bữa ăn tối giữa tổng thống Pháp Macron, thủ tướng Đức Scholz và thủ tướng Ba Lan Duda, một thượng đỉnh không chính thức theo công thức gọi là ‘‘tam giác Weimar’’, được tổ chức thường xuyên kể từ khi khối Liên Xô sụp đổ.
Thượng đỉnh ‘‘Tam giác Weimar’’ cuối cùng đã diễn ra hai tuần trước cuộc xâm lăng Nga. Bữa ăn tối giữa ba lãnh đạo Pháp – Đức – Ba Lan diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai đồng minh của Ukraina, là Đức và Ba Lan, đang có nhiều sóng gió. Ba Lan là quốc gia tuyến đầu, của châu Âu và của khối NATO, trong các hậu thuẫn Ukraina.
Putin muốn kéo dài chiến tranh, phương Tây ‘‘sẵn sàng’’
Chiến lược của tổng thống Vladimir Putin là một cuộc chiến tranh kéo dài, Đức và Pháp, hai quốc gia trụ cột của châu Âu, cũng sẵn sàng cho một kịch bản như vậy. Tổng thống Pháp gửi hai thông điệp chủ yếu đến điện Kremlin vào dịp này. Một lần nữa ông Macron nhắc nhớ với tổng thống Nga NATO là ‘‘một liên minh hạt nhân’’, Mỹ, Anh, Pháp có đủ vũ khí để răn đe. Thông điệp đưa ra nhằm cảnh cáo mọi toan tính của Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Một thông điệp khác của tổng thống Pháp là kêu gọi châu Âu ‘‘đầu tư mạnh cho nền quốc phòng’’ của khối. Ông Macron đề xuất tổ chức một hội nghị tại Paris để bàn về việc phát triển ‘‘hệ thống tự vệ trên không của châu lục’’.
Đề xuất ‘‘lá chắn’’ phòng không của Đức: Thay đổi của TT Pháp
Về vấn đề này, Le Monde ghi nhận một ‘‘thay đổi quan điểm đáng kể’’ của nguyên thủ Pháp. Tại Munich, Macron đã hoan nghênh sáng kiến của thủ tướng Đức đưa ra hồi tháng 10/2022, đề xuất 14 quốc gia NATO mua chung một hệ thống lá chắn tên lửa. Cách nay chỉ vài tuần tổng thống Pháp vốn còn ‘‘rất dè dặt về dự án này’’. Đây là thông điệp gián tiếp gửi đến tổng thống Nga. Đó là ‘‘đừng mong chiến tranh… sẽ làm châu Âu chia rẽ, nhất là chia rẽ Paris với Berlin’’.
Một chủ đề căn bản khác của Hội nghị An ninh Munich mà Le Monde nêu bật là thái độ của ‘‘các nước phía Nam’’ (Global South/Sud Global), tức các quốc gia ngoài phương Tây. Hội nghị An ninh Munich, vốn chủ yếu là sân chơi dành cho các nước phương Tây, năm nay có sự hiện diện nhiều hơn bình thường của các nước phía Nam. Tổng thống Pháp thừa nhận có sự ‘‘mất lòng tin’’ của các nước phía Nam, chỉ trích phương Tây đối xử thiên vị, khi dành những ‘‘hậu thuẫn khổng lồ cho Ukraina’’, trái ngược với mức trợ giúp cho nhiều nước khác.
Nghị quyết mới ở LHQ: Trắc nghiệm về mức ủng hộ của ‘‘các nước phía Nam’’
Sắp tới, hôm 23/02/2023, nhân dịp tròn một năm ngày Nga tấn công Ukraina, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ thảo luận về một nghị quyết mới lên án Nga. Trong nghị quyết lần trước, hồi tháng 10/2022, về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, đã có 143 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Việc có thêm quốc gia bỏ phiếu chống hay bỏ phiếu trắng sẽ có thể được Nga xem như ‘‘một thắng lợi’’ quan trọng. Le Monde kết luận: Đôi khi định hướng tương lai của châu Âu lại được quyết định ‘‘tại những nơi rất xa’’.
Chinh phục được các nước phía Nam là một thách thức khổng lồ với phương Tây nói chung và châu Âu nói riêng. Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về cuộc chiến tranh Ukraina với chính trị toàn cầu, Le Monde có hồ sơ nêu bật ‘‘hố sâu ngăn cách giữa phương Tây và các nước phía Nam’’ : các lần bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về chiến tranh ở Ukraina cho thấy điều này.
Mặc dù tất cả ba nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraina tại Liên Hiệp Quốc đều đã được thông qua với đại đa số phiếu, nhưng điều đáng chú ý là đại đa số các nước phía Nam – dù ủng hộ nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm của Liên Hiệp Quốc - không muốn hậu thuẫn trực tiếp Ukraina tự vệ chống Nga, không muốn chọn bên, giữa một bên là Nga và Trung Quốc, và bên kia là phương Tây.
‘‘Cuộc chiến tranh Lạnh kỳ lạ Mỹ - Trung’’
Le Monde ghi nhận, ẩn đằng sau thế đối đầu giữa phương Tây và Nga là thế đối địch Trung – Mỹ. ‘‘Cuộc Chiến tranh Lạnh kỳ lạ Mỹ - Trung’’ là chủ đề bài phân tích được giới thiệu trên trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos. Nhà phân tích Dominique Moisi, chuyên gia về địa chính trị quốc tế, so sánh sự kình địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay với cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, có một đặc điểm cơ bản rất khác: sự phụ thuộc mật thiết giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ - Trung với tổng mậu dịch song phương 690 tỉ đô la, và tình trạng Mỹ ngày càng nhập siêu hơn từ Trung Quốc. Nói một cách khác Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về kinh tế.
Tình hình khác hẳn hơn nửa thế kỷ về trước. Theo nhà phân tích của Les Echos, xét về mặt chiến lược với Trung Quốc hiện nay, phương Tây yếu hơn hẳn so với thời Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Nước Mỹ đã từng có một George Kennan, với tiểu luận ‘‘The Source of Soviet Conduct’’ (Những nguồn gốc ứng xử của Liên Xô), đã được dùng làm cơ sở cho chiến lược ngăn chặn chế độ cộng sản toàn trị Xô Viết (‘‘Containment’’). Giờ đây, ‘‘tại nước Mỹ và những nơi khác, chưa có ai có được một tầm nhìn tương tự về Trung Quốc’’.
Với Trung Quốc, không thể tái lập chiến lược ‘‘ngăn chặn’’ thời Liên Xô
Không chỉ dừng ở các ghi nhận, nhà phân tích Dominique Moisi của Les Echos còn chỉ ra một số nguyên nhân chính. Hai nguyên nhân khiến Trung Quốc khó hiểu hơn Liên Xô, thứ nhất là chế độ cộng sản Trung Quốc cũng là những người thừa kế đế chế Trung Hoa xưa kia. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay ‘‘tinh vi hơn nhiều’’ so với những người kế thừa đế chế Sa hoàng Nga. Điểm thứ hai là người Trung Quốc giờ đây hiểu rõ về phương Tây hơn là ngược lại, đặc biệt do việc sinh viên Trung Quốc theo học tại khắp các trường đại học hàng đầu của phương Tây. Chuyên gia địa chính trị quốc tế Dominique Moisi cảnh báo Hoa Kỳ cần ‘‘thực tế’’, và ‘‘khiêm tốn’’ trong đối thoại với Trung Quốc, không thể vận dụng trở lại với Trung Quốc hiện nay ‘‘chiến lược ngăn chặn’’ Liên Xô, vốn đã từng thành công trước đây.
Tỉ lệ dân ủng hộ Ukraina sụt giảm ở nhiều nước châu Âu
Ngược lại với Le Monde, Le Figaro chú ý nhiều hơn đến các phân hóa trong nội bộ các nước châu Âu liên quan đến hậu thuẫn Ukraina. Trang nhất nhật báo thiên hữu chạy tựa chính : ‘‘Ukraina : Những chia rẽ trong công luận châu Âu về viện trợ vũ khí’’.Theo thăm dò dư luận của Ifop cho Quỹ Jean Jaurès và Le Figaro, quan điểm của đông đảo dân chúng châu Âu vẫn là cần hậu thuẫn Ukraina, nhưng có sự khác biệt lớn giữa miền đông với miền tây của khối. Trong lúc Ba Lan có đến 80% dân ủng hộ cấp vũ khí, thì ở Pháp tỉ lệ này là 54% và Đức là 52%. Ngược lại, tỉ lệ người ủng hộ trừng phạt kinh tế Nga vẫn luôn ở mức cao và tương đối ổn định, cho dù có đôi chút sụt giảm.
Điều tra của Ifop vạch ra một thực tế đáng lo ngại, đó là tỉ lệ ủng hộ Ukraina tại nhiều quốc gia châu Âu sụt giảm sau một năm chiến tranh. Ở Ba Lan, tỉ lệ này sụt giảm không nhiều, từ 91% xuống 79%, hay 80% xuống 74% như ở Tây Ban Nha. Ở Pháp mức lùi là lớn : từ 82% xuống 64%, tương tự như ở Đức, từ 86% xuống 61%, hay Ý, 80% xuống 62%.
Thất bại quân sự khiến nhà nước Nga sụp đổ: Viễn cảnh đáng sợ với châu Âu
Le Figaro cũng nêu bật trên trang nhất phát biểu của tổng thống Pháp, dành cho phóng viên Le Figaro, JDD và France Inter, trên chuyến bay đến Hội nghị Munich. Tổng thống Macron tuyên bố Nga phải ‘‘thất bại’’ trong tham vọng xâm lược Ukraina, nhưng không thể có chuyện ‘‘nghiền nát’’ Nga. Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh: không thể có chuyện tấn công vào lãnh thổ Nga, giải thể nhà nước Nga như đề nghị của một số người. Và chiến tranh tại Ukraina không thể khép lại chỉ nhờ chiến thắng ‘‘về mặt quân sự’’.
Sẵn sàng hậu thuẫn Ukraina trong một cuộc chiến kéo dài chống xâm lược Nga, nhưng phương Tây cũng đang hướng đến các giải pháp cho việc chấm dứt chiến tranh. Trong một bài viết khác, Le Figaro cho biết, tại Munich, phương Tây đang tìm kiếm các lối thoát cho chiến tranh. Tăng cường hậu thuẫn quân sự để Kiev có thể giành được các thắng lợi quyết định, siết chặt trừng phạt kinh tế Nga, hay trừng phạt về pháp lý đối với các tội ác chiến tranh là những hướng đang được tiến hành.
Tuy nhiên, chiến thắng quân sự hoàn toàn, tức đẩy bật Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraina, như bản đồ năm 1991, tức khi Ukraina chính thức độc lập, chỉ là một trong các kịch bản. Tổng thống tân cử CH Séc, Petr Pavel, một người thân Kiev, cảnh báo chính quyền Kiev cần phải tỉnh táo với viễn cảnh tồi tệ. Quan điểm của tổng thống CH Séc không khác lắm với quan điểm của tổng thống Pháp. Theo ông, Petr Pavel, ‘‘nếu chiến thắng của Ukraina dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Nga, thì sẽ không có gì để thương lượng và chúng ta sẽ không bao giờ có được một kiến trúc an ninh’’.
Hubert Vedrine: Không có lối thoát, nếu xung đột là một mất một còn
Để hiểu về chiến tranh Ukraina và viễn cảnh hòa bình, không nên bỏ qua bài phỏng vấn của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine, trên Le Figaro. Nhà ngoại giao kỳ cựu Pháp cảnh báo là sẽ không có lối thoát cho cuộc chiến tại Ukraina, nếu coi đây là cuộc đối đầu một mất một còn ‘‘giữa các nền văn minh’’, giữa thế giới dân chủ và thế giới độc tài. Để thoát khỏi cuộc xung đột này, phương Tây cần phải ‘‘hết sức tỉnh táo’’. Cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine cũng nhắc lại các bài học về cơ hội bị bỏ lỡ trong thập niên 1990, cho việc xác lập một kiến trúc an ninh cho toàn châu Âu, sau khi Liên Xô sụp đổ, bao gồm Nga. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ sau đó một phần đáng kể là do thất bại này.
Pháp: Hạ Viện không thể bỏ phiếu về dự luật cải tổ hưu trí
Hai tuần lễ tranh luận về dự luật cải cách hưu trí tại Hạ Viện Pháp khép lại hôm thứ Sáu tuần trước, nhưng đã không có bỏ phiếu. Đây cũng là chủ đề chính trang nhất của Le Monde.Đã không có bỏ phiếu về điều khoản đẩy lùi tuổi về hưu từ 62 lên thành 64, vốn đang bị phản đối mạnh trong công luận. Các phe đổ lỗi cho nhau về thất bại này. Đối lập lên án liên đảng cầm quyền chọn một ‘‘thể thức rút ngắn’’, trong lúc chính sách cản phá thảo luận từ phía đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, với 13.000 đề xuất sửa đổi, cũng khiến liên minh cánh tả NUPES bị chia rẽ sâu sắc.
Cũng về dự án cải cách hưu trí gây tranh cãi dữ dội ở Pháp, Les Echos có bài nêu bật, đằng sau tình trạng hỗn loạn ở Hạ Viện, là các thương lượng ly kỳ và gây cấn trong hậu trường. Dự luật hiện tại được chuyển qua Thượng Viện. Theo tiết lộ của chủ tịch Thượng Viện, Gérard Larcher (đảng cánh hữu LR), trong bữa ăn tối với tổng thống hôm thứ Hai tuần trước, tổng thống Macron để ngỏ khả năng ‘‘dùng điều 49.3 hay sắc lệnh của chính phủ để thông qua dự luật cải cách’’, nếu cần. Chính phủ Pháp quyết định không lùi bước trước áp lực của các nghiệp đoàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét