Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Hôm Nay: Mừng Lễ Tổng Thống Của Nước Mỹ! (Happy President’s Day!) Và Bài Vở Bình Luận Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hải


Hôm Nay: Mừng Lễ Tổng Thống Của Nước Mỹ! (Happy President’s Day!)
Hôm nay là ngày lễ các vị Tổng thống Hoa Kỳ, rơi vào mỗi ngày thứ hai của tuần lễ thứ ba, tháng 2. Nhằm vinh danh những vị tổng thống từng phục vụ cho nước Mỹ. Thực ra, ngày lễ này trong những ngày đầu thành lập, nhằm vinh danh tổng thống Washington, người có công lãnh đạo lực lượng phòng vệ giành chiến thắng chống lại quân Anh, trong cuộc cách mạng quan trọng của nước Mỹ. Washington là người tổng thống đầu tiên của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, và từ khi giành độc lập, nước Mỹ thường tổ chức lễ sinh nhật cho ông, vào ngày 22 tháng 2, từ năm 1879 đến năm 1971.
<!>
Khởi đầu, mỗi tiểu bang mừng sinh nhật cho TT Washington riêng biệt, và mỗi tiểu bang đặt tên riêng để gọi ngày lễ tổng thống này. Có tiểu bang lại gom chung ngày lễ để vinh danh tổng thống Washington và TT Thomas Jefferson, sau này lại gom chung với sinh nhật của tổng thống Abraham Lincoln, cho đến khi quốc hội phải thông qua luật để gom chung toàn bộ các vị tổng thống để nước Mỹ ăn mừng một ngày, vào năm 1879, đến lúc đó ngày lễ được chính thức ghi nhận.


Riêng việc chọn ngày lễ cho tổng thống Washington vào thế kỷ thứ 18 cũng lắm phức tạp. George Washington sinh ngày 11 tháng 2 năm 1731 tại tiểu bang Virginia, vào thời điểm đế quốc Anh đang giữ nước Mỹ làm thuộc địa và họ có riêng cuốn lịch, khác với ngày dương lịch hiện nay, mà cả thế giới đang sử dụng. Vì thế lịch của vương quốc Anh chậm đến 11 ngày, so với dương lịch, tức sử dụng ngày sinh của chúa Jesu làm chuẩn.

Mãi đến năm 1752, đế quốc Anh mới chuyển sang sử dụng dương lịch làm chuẩn, vì thế ngày sinh của TT Washington theo lịch anh là ngày 11 tháng 2, khi đổi sang dương lịch, thì lại là ngày 22 tháng 2, đó cũng là lý do sinh nhật của ông được chọn vào ngày 22 tháng 2.

Vào năm 1879, quốc hội đã nhóm họp và muốn chọn một ngày thống nhất để vinh danh TT Washington, nước Mỹ vào thời điểm này đã sử dụng dương lịch, vì thế thay vì chọn ngày 11 tháng 2, là ngày Washington sinh ra, họ chọn ngày 22 tháng 2 để ăn mừng.

Đến ngày 1 tháng 1 năm 1971, quốc hội lại dời đổi ngày lễ này, dựa trên đạo luật mang tên Ngày Thứ Hai Thống Nhất, tức gom chung các ngày lễ chính phủ vào ngày Thứ Hai. Vì là ngày Thứ Hai, nước Mỹ hầu như không vinh danh sinh nhật TT Washington vào đúng ngày sinh của ông, khác với các tiêu chuẩn dưới thời vương quốc Anh, là sinh nhật phải tổ chức đúng ngày sinh, chứ không phải chọn ngày nào đó cho thích hợp.

Vào năm 1951, tại thành phố Compton, California, một ủy ban đặc nhiệm để tổ chức ngày lễ tổng thống, đã quyết định, lễ tổng thống của nước Mỹ sẽ dành để vinh danh mọi vị tổng thống chứ không riêng gì TT Washington.

Mới đầu họ chọn ngày 4 tháng 3 là ngày tổng thống, tuy nhiên khi nộp lên thượng viện Hoa Kỳ, các vị thượng nghị sĩ không đồng ý.

Ngay cả ủy ban thay đổi để chọn ngày sinh giữa TT Washington và TT Lincoln cũng bị quốc hội bác bỏ, thậm chí quốc hội vẫn bỏ phiếu để chọn tên gọi ngày lễ là ngày sinh TT Washington.

Cho đến năm 1971, quốc hội mới chính thức đồng ý để chọn ngày thứ Hai tuần lễ thứ ba của tháng hai để tổ chức ngày Tổng Thống.

Đến thập niên 1980, nhờ các đại công ty bán lẻ Hoa Kỳ vận động và quảng bá, nên ngày lễ tổng thống trở thành ngày được nhiều công ty đại hạ giá và khuyến khích người dân gia tăng mua sắm.



Happy President’s Day! Tổng Thống Mỹ Joe Biden, Bất Ngờ Thăm Thủ Đô Kyiv Của Ukraine!

-Tổng thống Mỹ Joe Biden hôpm nay, đã bất ngờ tới Kyiv trong chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine, ngay trước thềm kỷ niệm một năm xung đột Nga – Ukraine, theo hãng tin Reuters.


Joe Biden (Ảnh chụp màn hình video)

Cụ thể, Tổng thống Joe Biden ngày 20/2 có mặt ở Kyiv và gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại phủ tổng thống.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Biden tới Kyiv kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Trước khi ông Biden tới thăm, còi báo động phòng không đã được báo động tại thủ đô Ukraine, song không có thông tin nào về các cuộc tập kích từ phía Nga.


Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Melnyk, trước đó nói rằng, Kyiv chuẩn bị đón bất ngờ lớn liên quan tới chuyến thăm của vị khách nước ngoài cấp cao. Theo lịch trình được công bố trước đây, Tổng thống Mỹ sẽ tới thăm Ba Lan, trước thềm dịp kỷ niệm một năm xung đột bùng phát ở Ukraine.

“Khi thế giới chuẩn bị kỷ niệm một năm xung đột Nga – Ukraine, tôi có mặt ở Kyiv hôm nay để gặp Tổng thống Zelensky và tái khẳng định cam kết vững chắc của chúng tôi với nền dân chủ, chủ quyền cùng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, ông Joe Biden phát biểu khi gặp Tổng thống Zelensky.


Tổng thống Mỹ công bố khoản hỗ trợ bổ sung trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, trong đó có nhiều, dụng cụ về quân sự như đạn pháo, hỏa tiễn Javelin và đạn pháo.

Ông chủ Tòa Bạnh Ốc còn đề cập tới khả năng kháng cự của Ukraine, khi cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ hai. “Đã một năm trôi qua, Kyiv vẫn đứng vững! Nền dân chủ vẫn đứng vững!”, Tổng thống Mỹ nói. “Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoàn toàn sai lầm, khi nghĩ rằng Ukraine yếu đuối và phương Tây sẽ bị chia rẽ!”.

Ông Biden cho biết, Mỹ cuối tuần này sẽ công bố thêm lệnh trừng phạt với giới tài phiệt và một số công ty Nga bị cáo buộc né lệnh cấm vận, hoặc hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga.

Tổng thống Zelensky cho hay, ông và ông Biden đã thảo luận về “các vũ khí tầm xa, cũng như những khí tài chưa từng được cung cấp trước đây”. Ông ca ngợi chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, coi đây là dấu hiệu quan trọng thể hiện sự ủng hộ từ Washington với Kyiv.


Ông Zelensky đã mời ông Biden tới thăm Kyiv cách đây một tháng, nói rằng ông muốn Tổng thống Mỹ trực tiếp quan sát những gì đang diễn ra ở Ukraine. Hồi tuần trước, Tổng thống Ukraine cho hay lời mời vẫn được để ngỏ.

Lãnh đạo Ukraine hồi tháng 12/2022 tới thăm Washington, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông từ khi nổ ra xung đột. Trong chuyến thăm đó, ông Zelensky nhận được nhiều cam kết mạnh mẽ từ Tổng thống Biden, lẫn sự ủng hộ nồng nhiệt từ giới lập pháp Mỹ.

Cựu Tổng Thống Carter Được Đưa Về Nhà Để An Dưỡng Cuối Đời!

– Cựu Tổng Thống Jimmy Carter được đưa về nhà để an dưỡng cuối đời (hospice care), hội từ thiện do ông thành lập loan báo hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Hai, theo AP.
Sau một loạt lần vô bệnh viện vài ngày, ông Carter, 98 tuổi, “muốn dành thời gian cuối đời ở nhà bên gia đình và an dưỡng thay vì tiếp tục điều trị,” hội từ thiện Carter Center cho hay trên Twitter.


(Ảnh: Cựu Tổng Thống Jimmy Carter.)

Ông được đội ngũ bác sĩ và gia đình ủng hộ hoàn toàn và họ “vừa yêu cầu được riêng tư vào lúc này, vừa cám ơn rất nhiều người hâm mộ quan tâm,” theo Carter Center.

Ông Carter, thuộc đảng Dân Chủ, lên làm tổng thống Mỹ thứ 39 sau khi thắng cựu Tổng Thống Gerald R. Ford trong cuộc bầu cử năm 1976. Ông chỉ tại chức một nhiệm kỳ rồi thất cử trước ông Ronald Reagan của Cộng Hòa năm 1980.

Tháng Tám, 2015, ông Carter phải mổ cắt khối u ung thư nhỏ trong gan. Năm sau, ông loan báo không cần điều trị nữa, vì thuốc thử nghiệm loại bỏ được bất kỳ dấu hiệu ung thư nào.

Cựu Tổng Thống Carter mừng sinh nhật gần đây nhất hồi Tháng Mười năm ngoái cùng gia đình, bạn bè ở Plains, thị trấn nhỏ ở Georgia nơi ông và phu nhân, bà Rosalynn, sinh ra trong những năm giữa Đệ Nhất Thế Chiến và Đại Suy Thoái.

Carter Center được vị cựu tổng thống và phu nhân thành lập sau khi ông hết nhiệm kỳ tại Tòa Bạch Ốc. Năm ngoái, hội này kỷ niệm 40 năm họ quảng bá dân chủ và giải quyết xung đột, giám sát bầu cử, và thúc đẩy y tế công cộng ở quốc gia đang phát triển.


Bài Vở Bình Luận Theo Dòng Thời Cuộc
Sau Một Năm, Zelensky Vẫn Bất Khuất Trước Putin


(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy.)
-Ông ấy có thể tiếp tục chân trụ trong bao lâu?

Đêm này qua đêm khác, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy đưa ra các bài phát biểu qua video sôi nổi, tập hợp quân đội của mình trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Nga và cố gắng thu hút sự chú ý của thế giới vào hoàn cảnh khó khăn của nước ông.
Ông đã thành công trong việc vận động phương Tây cung cấp vũ khí, dỡ bỏ hết điều cấm kỵ này đến điều cấm kỵ khác trong tiến trình này -- ban đầu là việc phương Tây gửi viện trợ sát thương dưới mọi hình thức và gần đây là việc phương Tây chuyển giao xe tăng chiến đấu có thể giúp Ukraine tiến hành một cuộc phản công.

Ông Zelenskyy, 45 tuổi, nắm quyền từ năm 2019, không có dấu hiệu bỏ cuộc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vậy, người đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào ngày 24/2/2022 và dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài.

Khi quân đội Nga tràn qua biên giới, ít ai dự đoán được sự thay đổi ở ông Zelenskyy, một cựu diễn viên hài truyền hình có tỷ lệ tín nhiệm đang giảm dần khi sự tức giận của công chúng gia tăng đối với tình trạng tham nhũng tràn lan, tình trạng kinh tế bất ổn và quản lý tồi.

Khi Nga tập trung lực lượng ở biên giới, ông đã chỉ trích các tòa Ðại sứ và công ty ngoại quốc rời khỏi Ukraine, nói rằng họ đang gây tổn hại cho nền kinh tế và dường như hạ thấp mối đe dọa của một cuộc xâm lược lớn.
Bây giờ ông là một cái tên quen thuộc trên khắp thế giới, một biểu tượng của sự kháng cự của người Ukraine. Ở Ukraine, mức độ ủng hộ dành cho ông đã tăng gần gấp ba lần và ổn định một cách phi thường.

Dễ dãi và thoải mái khi gặp gỡ những người mới đến trụ sở được siết chặt an ninh nghiêm ngặt của mình, mặc bộ quân phục kaki dù gặp hoàng gia hay thăm những người lính gần tiền tuyến, ông Zelenskyy thể hiện hình ảnh của sự vững vàng và kiên định.

Ông có những cột mốc quan trọng vẫn còn phải được làm rõ. Ông vẫn chưa được bảo đảm nguồn cung cấp các máy bay chiến đấu tinh vi của phương Tây mà ông nói là cần thiết để đẩy lùi quân đội Nga, cũng chưa được bảo đảm về việc cho phép Ukraine nhanh chóng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) dường như vẫn nằm ngoài tầm với.
Dù đôi khi khuôn mặt sưng húp, với những nếp nhăn dưới mắt, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy ông kiệt sức, và tháng trước, ông đã tiến hành cải tổ chính phủ để dập tắt sự phản đối kịch liệt của công chúng về một vụ bê bối tham nhũng.
“Ông Zelenskyy khiến nhiều người ngạc nhiên.... Họ đánh giá thấp phẩm chất lãnh đạo của ông ấy”, ông Volodymyr Fesenko, một nhà phân tích ở Kyiv, người nói rằng ông Putin đã đánh giá sai về ông Zelenskyy.

“(Ông Putin) đã chuẩn bị một chiến dịch đặc biệt chứ không phải một cuộc chiến toàn diện... bởi vì ông ấy nghĩ rằng ông Zelenskyy và quân đội Ukraine yếu và họ sẽ không thể kháng cự lâu dài. Điều này đã được chứng minh là một sai lầm”.

‘Tôi ở Đây’

Lúc số phận của Ukraine như chỉ mành treo chuông khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược, ông Zelenskyy đã tự quay phim trên điện thoại di động để tuyên bố rằng ông và đất nước của mình sẽ tiếp tục chiến đấu.

“Ya tut”, ông nói, nghĩa là: “Tôi ở đây”.

Đó là khởi đầu của một chiến dịch trên mạng xã hội mà ông đã duy trì trong suốt cuộc chiến, đưa ra một thông điệp đơn giản: “Chúng ta sẽ chiến thắng”.
Các phóng viên của thông tấn xã Reuters đã nhìn thấy những người lính Ukraine khóc trong một căn hầm gần chiến tuyến khi ông đọc bài diễn văn mừng năm mới.
“Đây là một năm Ukraine thay đổi thế giới. Và thế giới phát giác Ukraine. Người ta bảo chúng ta đầu hàng, chúng ta phản công!” ông Zelenskyy nói.

Ngược lại, ông Putin thường tỏ ra ủ rũ và cô lập, đưa ra những lời đe dọa đối với phương Tây hoặc Ukraine từ Ðiện Cẩm Linh và hiếm khi xuất hiện trước công chúng ngoại trừ tại các sự kiện được dàn dựng sẵn.

Một lượng đều đặn các nhà lãnh đạo ngoại quốc, các chức sắc và người nổi tiếng đã đi chuyến tàu dài đến Kyiv để gặp ông Zelenskyy tại dinh Tổng thống nhìn ra Kyiv. Hàng tỉ Mỹ kim viện trợ ngoại quốc đã đổ vào Ukraine.
Các Phụ tá mô tả một lịch trình dày đặc kể từ ngày xảy ra cuộc xâm lược bao gồm 377 cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo và những người đứng đầu tổ chức quốc tế khác, 41 bài phát biểu trước Quốc hội và công chúng ngoại quốc, cùng 152 cuộc họp và hàng loạt bài phát biểu khác.

‘Bây Giờ Chưa Phải Lúc’

Là một người Ukraine nói tiếng Nga xuất thân từ một gia đình Do Thái ở thành phố luyện thép Kryvy Rih, ông Zelenskyy bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một diễn viên.

Ông trở nên nổi tiếng với vai chính trong bộ phim truyền hình “Đầy tớ của Nhân dân”, bộ phim đã gây được thiện cảm với những người Ukraine chán ngấy nạn tham nhũng.
Trong đó, ông đóng vai một giáo viên trung thực, người nổi tiếng sau khi một lớp học nói về tham nhũng lan truyền trên mạng và trở thành Tổng thống, tiếp tục đánh bại các nhà Lập pháp và doanh nhân không lương thiện.

Sau đó, vào năm 2019, phim giả trở thành đời thật. Ông Zelenskyy được bầu làm Tổng thống sau khi cam kết chống tham nhũng trong một chiến dịch tranh cử dựa trên các bài đăng khác thường trên mạng xã hội để báo trước khả năng tiếp cận trực tuyến mạnh mẽ của ông trong chiến tranh.

Trong một đoạn video được ghi lại ngay sau cuộc xâm lược của Nga, ông trích dẫn thông tin tình báo nói rằng Mạc Tư Khoa đã tuyên bố ông là mục tiêu số một và gia đình ông - vợ ông Olena Zelenska và hai đứa con của ông - là mục tiêu số hai.

Ông Anton Grushetsky, Phó Giám đốc Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv, nêu lên sự tin cậy của công chúng vào ông Zelenskyy ở mức 70% đến 80%.
“Sự ổn định của mức độ tin cậy này là chưa từng có trong lịch sử Ukraine”, ông nói.

Các đối thủ chính của ông phần lớn đã bị tê liệt hóa trong việc ra quyết định, và một số nhà ngoại giao ngoại quốc nói rằng họ không thoải mái về sự tập trung quyền lực vào tay đội ngũ của ông.
‘Thỏa thuận đình chiến chính trị’ đã được duy trì và ông Zelenskyy đã có thể khởi động một chiến dịch loại bỏ các viên chức bị nghi ngờ tham nhũng, bao gồm cả một số người thân cận với cơ sở quyền lực của chính ông.

Cựu Tổng thống Petro Poroshenko, người mà ông Zelenskyy đã đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2019, cho biết việc đưa ra đánh giá về hiệu suất thời chiến của ông Zelenskiy sẽ không phù hợp trong cuộc xung đột.
“Kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, tôi không phải là lãnh đạo của phe đối lập, bởi vì cả Zelenskyy và Poroshenko đều là quân nhân. Và tất cả người dân Ukraine nên đoàn kết không phải vì cá nhân mà là vì Ukraine”, ông Poroshenko nói với thông tấn xã Reuters.
“Mọi người sẽ đưa ra bất kỳ đánh giá nào về công việc của Zelenskyy và Poroshenko sau chiến thắng của chúng ta”.

Hiện tại, ông Zelenskyy dường như có được sự ủng hộ của mọi người.
“Ông ở lại, không hề nao núng”, ông Anton Fedorenko, chỉ huy đơn vị có mật danh Mazda phục vụ ở miền Đông Ukraine, nói.

“Ông ấy ngay lập tức đưa ra một loạt hành động và việc làm. Ông ấy đã thu hút sự chú ý của công chúng tới Ukraine, điều này cũng rất quan trọng. Ông ấy đã đưa vấn đề này ra toàn thế giới”.

Liên Hiệp Quốc Kêu Gọi ‘Hòa Bình’ Khi Cuộc Xâm Lược Ukraine của Nga Tròn 1 Năm


(Hình: Liên Hiệp Quốc kêu gọi ‘hòa bình’ khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga tròn 1 năm.)
-Đánh dấu một năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu vào tuần tới về dự thảo nghị quyết nhấn mạnh “sự cần thiết phải đạt được, càng sớm càng tốt, một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài” phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, theo thông tấn xã Reuters.

Đại hội đồng một lần nữa yêu cầu Mạc Tư Khoa rút quân và kêu gọi ngừng chiến. Đại hội đồng gồm 193 thành viên có thể sẽ bỏ phiếu vào thứ Năm tới (23/2/2023) sau hai ngày diễn thuyết của hàng chục quốc gia để đánh dấu một năm ngày bắt đầu nổ ra cuộc chiến Ukraine vào ngày 24/2.

Ukraine và những người ủng hộ hy vọng sẽ làm sâu sắc thêm sự cô lập ngoại giao của Nga bằng cách tìm kiếm phiếu đồng ý từ gần 3/4 Đại hội đồng.
Đại sứ Liên Hiệp Âu Châu Olof Skoog, người đứng đầu nhóm soạn thảo nghị quyết, cho biết: “Chúng tôi trông đợi vào sự ủng hộ rộng rãi từ các thành viên. Điều đang bị đe dọa không chỉ là số phận của Ukraine, mà còn là sự tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia”.

Phó Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy từ chối bình luận về dự thảo nghị quyết mà các quốc gia thành viên đã nhận được hôm 15/2.

Đại hội đồng đã trở thành tâm điểm cho hành động của Liên Hiệp Quốc đối với Ukraine vì Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã bị Nga làm tê liệt, vì Nga nắm quyền phủ quyết cùng với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp và Anh.

Các nghị quyết của Đại hội đồng không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng mang trọng lượng chính trị.
Ukraine muốn dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng tôn trọng kế hoạch hòa bình 10 điểm do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đề xuất, nhưng các nhà ngoại giao cho biết dự thảo đã được đơn giản hóa nhằm thu hút càng nhiều sự ủng hộ càng tốt.

Khi Nga và phương Tây tranh giành ảnh hưởng ngoại giao, một số quốc gia - đặc biệt là ở Nam bán cầu - lo lắng rằng họ bị ép vào giữa một cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt.

Nga đã bị cô lập về mặt ngoại giao vào năm 2022, khi 141 quốc gia bỏ phiếu vào ngày 2/3 để tố cáo cuộc xâm lược của nước này và yêu cầu Mạc Tư Khoa rút quân. Chỉ vài tuần sau, 140 quốc gia đã bỏ phiếu yêu cầu tiếp cận viện trợ và bảo vệ dân thường, đồng thời chỉ trích Nga vì đã tạo ra một tình huống nhân đạo “thảm khốc” ở nước láng giềng Ukraine.
Sau đó, 143 quốc gia đã bỏ phiếu vào ngày 12/10 để lên án “âm mưu sáp nhập bất hợp pháp” của Nga đối với 4 khu vực bị chiếm đóng một phần ở Ukraine và kêu gọi tất cả các nước không công nhận động thái này.

Mạc Tư Khoa cố gắng giảm bớt sự cô lập của mình. Trước cuộc bỏ phiếu vào tháng 4 dẫn đến việc Nga bị đình chỉ tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Nga đã cảnh báo các nước rằng một cuộc bỏ phiếu cho biện pháp này sẽ được coi là một “cử chỉ không thân thiện” và được tính đến trong quá trình phát triển quan hệ song phương.


Nga Cáo Buộc Mỹ Kích Động Ukraine Leo Thang Chiến Tranh


(Hình: Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.)
-Hôm 17/2/2023, Nga đã cáo buộc Mỹ kích động Ukraine leo thang chiến tranh bằng cách dung túng cho các cuộc tấn công vào Crimea, cảnh báo rằng Hoa Thịnh Ðốn hiện đang can dự trực tiếp vào xung đột vì ‘những kẻ điên rồ’ đang mơ đánh bại nước Nga.

Mạc Tư Khoa đưa ra bình luận này để phản hồi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, người nói rằng Mỹ xem Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập từ Ukraine hồi năm 2014, nên được phi quân sự hóa ở mức tối thiểu và rằng Hoa Thịnh Ðốn ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào các mục tiêu quân sự trên bán đảo.
“Giờ đây, những kẻ hiếu chiến ở Mỹ còn đi xa hơn nữa: Họ kích động chế độ Kyiv leo thang cuộc chiến hơn nữa”, bà Maria Zakharova, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, nói với các phóng viên khi được hỏi về phát biểu của bà Nuland.
“Họ cung cấp số lượng lớn vũ khí, cung cấp thông tin tình báo và tham gia trực tiếp vào hoạch định các chiến dịch”, bà Zakharova nói và cho biết một số viên chức Mỹ mơ ước như ‘điên’ là đánh bại được nước Nga.

Crimea, vốn có cảng Sevastopol nơi Hạm đội Biển Đen của Nga trú đóng, được các nhà ngoại giao phương Tây và Nga coi là điểm nóng tiềm năng lớn nhất trong cuộc chiến Ukraine.

Ðiện Cẩm Linh cho biết tất cả các vùng lãnh thổ được Mạc Tư Khoa coi là của Nga – bao gồm các khu vực của Ukraine bị Nga kiểm soát – đều được đặt trong chiếc ô giải quyết của Nga.
“Cho dù người Ukraine quyết định gì về Crimea, về địa điểm họ chọn để chiến đấu vân vân, Ukraine sẽ không an toàn trừ khi Crimea được phi quân sự hóa ở mức tối thiểu, ở mức tối thiểu”, bà Nuland nói với Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Hoa Thịnh Ðốn.

Khi được hỏi về sự nguy hiểm khi chiến sự Ukraine leo thang, bà Nuland cho biết Nga có một loạt các cơ sở quân sự đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột. “Đó là những mục tiêu hợp pháp, Ukraine đang tấn công vào đó và chúng tôi ủng hộ”, bà Nuland nói.
Tổng thống Vladimir Putin coi ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ của Nga ở Ukraine là trận chiến mang tính sống còn với phương Tây hung hăng và kiêu ngạo, và nói rằng Nga sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn để bảo vệ đất nước và người dân.
Mỹ phủ nhận họ muốn hủy diệt Nga, trong khi Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) có thể dẫn đến Đệ tam Thế chiến, mặc dù ông cũng nói rằng ông Putin không nên tiếp tục nắm quyền.

Bán đảo Crimea, nhô ra trên Biển Đen, đã bị sáp nhập vào đế quốc Nga sau khi Nữ hoàng Catherine Đại đế thôn tính nó hồi thế kỷ 18.

Năm 1921, bán đảo trở thành một phần của Liên Xô và nằm trong phần lãnh thổ Nga cho đến năm 1954, khi nó được Tổng Bí thư Nikita Khrushchev, người kế nhiệm Josef Stalin, chuyển giao cho Ukraine, cũng là một nước Cộng hòa thuộc Xô viết.
Trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Nga đã công nhận chủ quyền của Ukraine với các đường biên giới hiện có – bao gồm cả Crimea – và đồng ý kiềm chế sử dụng vũ lực trước Kyiv.
Các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân và hải quân Nga ở Crimea, cũng như vào cầu đường bộ và đường sắt do Nga xây dựng nối Crimea với Nga qua eo biển Kerch – đã được các viên chức Ukraine ăn mừng.


Putin, Nắm Chắc Quyền Lực, Chuẩn Bị Cho Cuộc Chiến Tổn Hao, Kéo Dài


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)
-Ông Vladimir Putin coi cuộc chiến ở Ukraine như một bước ngoặt khi Nga cuối cùng cũng đứng lên chống lại phương Tây – nhưng một số người trong giới tinh hoa lo sợ rằng ông đã khiến đất nước bị cạn kiệt sinh mạng và tài nguyên trong một thời gian dài và vô ích.

Khi Tổng thống Nga điều quân vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, ông kỳ vọng sẽ giành chiến thắng nhanh chóng, có một chỗ đứng trong lịch sử bên cạnh các Sa Hoàng, và dạy cho Hoa Kỳ một bài học về sự hồi sinh của Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Ông đã sai. Chiến tranh đã giết chết hoặc làm bị thương hàng trăm ngàn người; Nga và người Nga bị phương Tây phỉ báng như những kẻ xâm lược; và quân đội của ông hiện phải đối mặt với một Ukraine kiên cường được hỗ trợ bởi một liên minh quân sự NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo đang mở rộng.

Một nguồn tin cấp cao của Nga có hiểu biết về việc ra quyết định cho biết hy vọng đánh bóng danh tiếng của ông Putin đã bị tiêu tan.
Nguồn tin giấu tên nói: “Phía trước sẽ còn khó khăn và tốn kém hơn cho cả Ukraine và Nga”. “Thiệt hại kinh tế ở quy mô này không đáng với một vài vùng đất bị chinh phục”.

Nguồn tin này cho biết ông tin rằng nhiều người trong giới thượng lưu chia sẻ quan điểm của mình, mặc dù nói công khai như vậy sẽ nhanh chóng bị trừng phạt.
Ông Putin nói rằng Mạc Tư Khoa đang bị mắc kẹt trong một trận chiến sống còn với một phương Tây kiêu ngạo muốn chia cắt Nga và các nguồn tài nguyên khổng lồ của nước này – luận điệu mà Ukraine và phương Tây bác bỏ.

Theo 5 nguồn tin cấp cao của Nga thân cận với việc ra quyết định, đối với tất cả những làn sóng chấn động địa chính trị mà ông Putin đã gây ra, ông vẫn không có đối thủ đáng gờm về quyền lực. Và với tất cả những bất đồng chính kiến bị đàn áp, người đàn ông 70 tuổi này không cần phải lo sợ về cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra vào tháng 3 năm 2024.
Tuy nhiên, toàn bộ hậu quả chiến lược và kinh tế của cuộc chiến có thể vang dội trong một thời gian.
“Tôi không tin vào một cuộc tấn công lớn, hoặc khả năng chiến thắng của Nga trước toàn bộ thế giới văn minh”, một nguồn tin cấp cao thứ hai thân cận với Ðiện Cẩm Linh, người cũng từ chối nêu tên, nói.

Nguồn tin này cho biết Nga đang gặp bất lợi cả về kỹ thuật quân sự và động cơ, nhưng cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn “trong một thời gian rất dài”.

‘Không Có Thay Thế’

Thậm chí một người hoài nghi như một cựu chỉ huy ủng hộ chiến tranh của quân đội thân Nga ở miền Đông Ukraine, cũng không thấy kết quả rõ ràng.
Ông Igor Girkin, người đã bị tòa án quốc tế kết tội giúp bắn hạ một máy bay Mã Lai Á ở miền Đông Ukraine, nói: “Chúng ta đang ở trong một tình huống hoàn toàn nghịch lý”.
“Chúng ta có một ban lãnh đạo hoàn toàn không có khả năng được hình thành trực tiếp bởi một Tổng thống không thể thay đổi và đối với ông ta không có giải pháp nào khác. Nhưng một sự thay đổi Tổng thống sẽ dẫn đến một thảm họa nhanh chóng”.

Đối với ông Girkin, điều đó có nghĩa là thất bại quân sự, nội chiến và sự khuất phục của Nga.

Nỗi thất vọng của ông tập trung vào tính bí mật, thông tin kém và cơ cấu chỉ huy không hiệu quả đã dẫn đến một loạt thất bại quân sự nhục nhã dưới tay nước láng giềng nhỏ bé hơn nhiều của Nga.
Nhưng bên ngoài chiến trường, Nga phải trả giá cho một cuộc chiến tranh kéo dài và rộng lớn bất ngờ trong khi hứng chịu những chế tài nặng nề nhất của phương Tây.
Buộc phải thực hiện một bước không được lòng dân là động viên vào mùa Thu năm 2022 300.000 thanh niên năng động kinh tế, ông Putin trong quá trình này đã khiến hàng trăm ngàn người khác phải chạy trốn khỏi nước Nga.

Mạc Tư Khoa đã mất một phần lớn thị trường khí đốt Âu Châu mà Liên Xô và ông Putin đã bỏ ra hàng chục năm để giành được. Sản lượng dầu của Nga tăng vào năm 2022 nhưng Mạc Tư Khoa đã tuyên bố cắt giảm sản lượng trong tháng 3, rất có thể là để đáp trả việc phương Tây áp giá trần các sản phẩm tinh chế của nước này
Các công ty và nhà đầu tư phương Tây đã tìm cách rút lui, khiến Nga phải ve vãn đối thủ một thời Trung Quốc với tư cách là nhà đầu tư và người mua dầu của Nga.

Nền kinh tế trị giá 2,1 ngàn tỉ Mỹ kim của Nga - khoảng 1/12 quy mô của Hoa Kỳ - được Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ.

Thặng dư tài khoản vãng lai đã giảm và thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, bất chấp những khoản rút tiền khổng lồ từ quỹ dự phòng.

Ông Samuel Charap, một chuyên gia về Nga tại RAND Corporation, người từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao, nói: “Cuộc chiến này là hoạt động có hậu quả lớn nhất mà ông Putin từng thực hiện và chắc chắn đối với Nga, đó là canh bạc có hậu quả lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ”.

Nhưng nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Nga - bao gồm nhiều đồng nghiệp KGB trước đây của ông Putin - phản đối diễn biến của các sự kiện, thì họ đang làm điều đó một cách riêng tư.

Trò Chơi Kéo Dài
Phần lớn sẽ phụ thuộc vào chiến trường, nơi tiền tuyến kéo dài 850 cây số. Không bên nào có ưu thế trên không. Cả hai đều chịu tổn thất lớn.
Phương Tây đang cung cấp cho Ukraine vũ khí tiên tiến hơn - và tầm xa hơn sau khi cung cấp súng, đạn pháo, phi đạn và thông tin tình báo trị giá hàng chục tỉ Mỹ kim. Nhưng khả năng chịu đựng của phương Tây đối với chi phí đó có thể không phải là vô tận.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) William Burns, cựu Ðại sứ tại Mạc Tư Khoa, người đã nhận thông điệp từ Tổng thống Joe Biden gửi cho Nga, nói.
“Đối với tôi, có vẻ như sáu tháng tới, và đó là đánh giá của chúng tôi tại CIA, sẽ rất quan trọng”, ông Burns nói với Trường Ngoại vụ Georgetown vào ngày 2/2 vừa qua.
Ông nói rằng thực tế của chiến trường sẽ chọc thủng “sự kiêu ngạo của ông Putin”, bằng cách cho ông ta thấy rằng quân đội của ông ta không thể tiến lên mà chỉ bị mất lãnh thổ đã chiếm được.
Một số người trong giới thượng lưu Nga hy vọng sự khác biệt - và nói rằng phương Tây, chứ không phải Nga, sẽ thua.
“Tổng thống tin rằng ông ấy có thể giành chiến thắng ở Ukraine”, một nguồn tin cấp cao của Nga cho biết. “Ông ấy, tất nhiên, không thể thua cuộc chiến. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng tôi”.

Cả Ðiện Cẩm Linh và phương Tây đều không chỉ rõ chiến thắng hay thất bại ở Ukraine sẽ dẫn đến điều gì, mặc dù Mạc Tư Khoa vẫn còn lâu mới kiểm soát được bốn tỉnh của Ukraine mà họ đã đơn phương tuyên bố là một phần của Nga. Ukraine tuyên bố sẽ đòi lại từng tấc đất lãnh thổ của mình.
Và điều đó đưa ra ít lý do để tin rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc.

Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây nói: “Ông Putin sẽ nắm quyền cho đến khi kết thúc, trừ khi ông ấy qua đời hoặc có một cuộc đảo chính - và điều đó dường như không có khả năng xảy ra ngay bây giờ”.

“Ông Putin không thể thắng cuộc chiến, nhưng ông ấy biết mình không thể thua”.


Nga Dùng Đội Quân “Xác Minh Dữ Kiện” Để Bóp Méo Sự Thật Về Chiến Tranh Ukraine

(Thu Hằng)

Sau gần một năm phát động chiến tranh tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin dường như vẫn được đông đảo người dân Nga ủng hộ. Chưa bao giờ chủ nhân Ðiện Cẩm Linh lại vận dụng triệt để tinh thần yêu nước và bôi nhọ phương Tây thành ác quỷ đến như vậy để bảo vệ mục tiêu của “chiến địch đặc biệt” “giải trừ phát xít” nước láng giềng, đưa Ukraine “về với đất mẹ”.

Trước tiên phải nói đến vai trò quan trọng của những chiến dịch tuyên truyền tại Nga. Ở đất nước mà “chỉ 1/3 người dân có sổ thông hành cho phép ra ngoại quốc”, thì “càng dễ tưởng tượng ra một phương Tây hiếu chiến vì họ chưa bao giờ nhìn thấy điều đó ngoài các phóng sự trên truyền hình”, theo giải thích của giảng viên Anna Colin Lebedev, Đại học Paris-Nanterre của Pháp, trong chương trình Tout un monde của đài truyền hình Thụy Sĩ RST ngày 8/2/2023. Ngoài ra, còn phải kể đến chế độ kiểm duyệt thông tin và kiểm soát truyền thông được Nga tăng cường kể từ khi phát động chiến tranh.

Yếu tố thứ hai là lực lượng tự nhận là “xác minh dữ kiện” (fact-checking) nhưng thực chất, theo thông tấn xã AFP, là những nhà tuyên truyền thân Nga tìm mọi cách rũ bỏ trách nhiệm của Mạc Tư Khoa. “Bộ máy tuyên truyền Nga đã có truyền thống lâu đời về fact-checking”, theo ông Martin Innes, Giám đốc Viện đổi mới an ninh, tội phạm và tình báo thuộc Đại học Cardiff (Anh), nhưng hiện giờ “fact-checking” trở thành công cụ bóp méo thông tin, trong chiến dịch truyền thông được Nga tiến hành song song với cuộc chiến từ một năm nay.

Rũ Tội Cho Nga, Đổ Lỗi Cho Phương Tây
Nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng này là vu khống đối thủ, đánh lạc hướng công luận về các tội ác chiến tranh mà quân nhân Nga bị cáo buộc. Ví dụ gần đây nhất là hình ảnh một tòa chung cư tan hoang sau khi bị trúng phi đạn khiến 46 người chết vào tháng 1/2023 và trở thành biểu tượng của một trong những vụ tấn công tang tóc nhất trong cuộc chiến do Nga phát động. Giới chức Ukraine và chuyên gia phương Tây xác định là đó là do “phi đạn liên lục địa KH-22 của Nga”. Tuy nhiên, trang web “War on Fakes” (Cuộc chiến chống tin giả) bị chuyên gia phương Tây coi là trang “tuyên truyền của Nga”, khẳng định tòa nhà bị trúng phi đạn của lực lượng phòng không Ukraine.

Trang “War on Fakes” trở thành cỗ máy tuyên truyền, một công cụ bóp méo thông tin hiệu quả của Nhà nước Nga. Theo ông Roman Osadchuk, thuộc Atlantic Council, trang này vẫn thu hút công luận vì một mặt luôn tự nhận là “khách quan”, “công minh” và có nhiệm vụ chống lại “cuộc chiến thông tin đánh phá Nga” và mặt khác, là do người sử dụng internet luôn dùng “fact-checking” làm nguồn tìm kiếm “thông tin khách quan”. Chương trình “AntiFake” của truyền hình Nhà nước và tài khoản “Fake Cemetery” (Nghĩa địa tin thất thiệt) thân Nga cũng “kiểm chứng chéo thông tin”, nhưng là để làm mất uy tín thông tin của truyền thông phương Tây về những thảm kịch chiến tranh, như ở Butcha hay Mariupol.

Tung Hỏa Mù Thông Tin Cho Độc Giả
Song song với việc đổ lỗi cho kẻ thù là chiến lược tung hỏa mù, khiến người sử dụng internet ngập trong thông tin. Các nhà phân tích nhấn mạnh đến chiến lược của những thành phần ủng hộ Nga làm bão hòa không gian truyền thông. Cùng một câu chuyện, sự kiện, nhưng có nhiều cách diễn giải khác nhau để sự thật không bao giờ được tiết lộ. Trang “War on Fakes” có “nhiều tuyên bố sai lệch đến nỗi những thông tin kiểm chứng cuối cùng lại hoàn toàn trái ngược nhau”, theo giải thích của chuyên gia Jakub Kalensky. Mục đích là “khiến công luận bối rối, ngập trong thông tin”.

Bà Madeline Roache, thuộc tổ chức theo dõi thông tin NewsGuard, cho rằng cuộc chiến thông tin này “có nguy cơ làm mất niềm tin vào những cơ quan truyền thông và các đội kiểm chứng sự kiện chân chính”. Nguy hiểm hơn, việc đó cũng “có thể làm sai lệch nhận thức về Ukraine và phương Tây và tạo cảm giác là không thể có được sự thật”.

Sự thật có lẽ sẽ chỉ đến từ những người lính từ mặt trận trở về, kể với người thân về điều kiện sống trên chiến trường “không vũ khí, không trang bị, hy sinh trong giao tranh”. Nhưng hiện giờ, họ “bị cấm nói”. Tuy nhiên, bà Anna Colin Lebedev cho rằng những thông tin đó khi đến được tai người dân có thể sẽ làm thay đổi thái độ của công luận, như từng xảy ra với cuộc chiến ở A Phú Hãn và chiến tranh Chechnya lần thứ nhất.


Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ: Ukraine Có Cơ Hội Thuận Lợi Trên Chiến Trường Với Nga


(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin.)
-Gần một năm sau khi Nga xâm lược Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin ngày 15/2/2023 miêu tả cơ hội giành thế chủ động nghiêng về phía chính phủ Kyiv trên chiến trường chống lại các lực lượng Nga.

Ông Austin nói với báo giới sau cuộc gặp với các Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ): “Tôi nghĩ rằng họ sẽ có cơ hội thực sự tốt để tạo ra sự khác biệt khá lớn trên chiến trường và lập sáng kiến. Và có khả năng khai thác những sáng kiến đó để chiến thắng”
Ông nói rằng khi các nước NATO vận chuyển vũ khí đến Ukraine, liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo đang có ý định huấn luyện quân đội sử dụng chúng. Ông cho biết: “Chúng tôi tập trung vào việc bảo đảm rằng chúng tôi cung cấp khả năng chứ không chỉ nền tảng”.

Ông Austin, chê bai Tổng thống Nga Vladimir Putin và màn trình diễn trên chiến trường của Mạc Tư Khoa, viết trên Twitter: “Gần một năm kể từ khi ông Putin lựa chọn chiến tranh một cách liều lĩnh…mọi thứ đã không diễn ra theo cách mà Ðiện Cẩm Linh đã lên kế hoạch. NATO thống nhất và kiên quyết hơn bao giờ hết”.
Khi cuộc chiến sắp đến ngày kỷ niệm đầu tiên vào ngày 24/2, Liên Hiệp Âu Châu đã đề nghị một đợt chế tài mới đối với Nga vào ngày 15/2, trong khi các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tụ họp tại Brussels thảo luận về việc tăng cường chi tiêu quốc phòng và sản xuất vũ khí khi họ cam kết hỗ trợ liên tục cho các lực lượng Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết gói chế tài mới bao gồm lệnh cấm xuất cảng hàng hóa công nghiệp và sản phẩm kỹ thuật sang Nga, đồng thời nói rằng các biện pháp này sẽ khiến lực lượng Nga không được cung cấp các thành phần cần thiết cho hệ thống vũ khí của họ.

Đề nghị này cũng bao gồm các chế tài đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran để đáp trả việc nước này cung cấp máy bay không người lái Shahed mà các lực lượng Nga đã sử dụng để tấn công các cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Một phần khác nhắm vào các nhà tuyên truyền và chỉ huy quân sự của Nga.

Bà Von der Leyen nói Tổng thống Nga Putin đang “tiến hành cuộc chiến trong không gian công cộng với một đội quân tuyên truyền viên và mạng lưới thông tin sai lệch”, và rằng họ đang “lan truyền những lời dối trá độc hại để phân cực xã hội của chúng ta”.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết vào đầu ngày 14/2 trong hai ngày đàm phán cấp Bộ trưởng Quốc phòng rằng các đồng minh sẽ xem xét cách để tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng.

Ông Stoltenberg đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp cho Ukraine nhiều đạn dược hơn để theo kịp cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga và để các đồng minh hoàn thành việc giao xe tăng và các thiết bị hạng nặng khác đã cam kết.
Cũng trong ngày 14/2, văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc và cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi chung về 5,6 tỉ Mỹ kim để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Các cơ quan này cho biết số tiền này là cần thiết để cung cấp thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và các viện trợ khác cho những người ở Ukraine, cũng như để giúp đỡ những người tị nạn Ukraine và 10 quốc gia tiếp nhận.
“Gần một năm trôi qua, chiến tranh vẫn tiếp tục gây ra chết chóc, tàn phá và di tản hàng ngày, với quy mô đáng kinh ngạc”, người phụ trách nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths cho biết trong một tuyên bố.


Phi Châu: Đối Tác Chiến Lược Để Nga Bẻ Gãy Vòng Vây Phương Tây

-Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov vừa kết thúc một vòng công du mới tại Phi Châu, chuyến đi thứ ba kể từ đầu cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga. Sự kiện cho thấy ảnh hưởng của Nga đã được củng cố tại châu lục. Đây cũng là kết quả một chiến lược dài hạn mà Nga đã gầy dựng trong nhiều thập niên: Ngoại giao vũ khí và Chiến tranh truyền thông, để tạo dựng uy tín, tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên, và phá vỡ lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây.

Phi Châu: Nước Nga Đã Trở Lại
Nhưng đó còn là một mối quan hệ cũ xưa có từ thời Chiến tranh Lạnh. Quá trình phi thực dân hóa đầy bạo lực tại Phi Châu từng là một cơ hội để Liên Xô lúc bấy giờ xuất cảng mô hình chế độ Xô Viết, thiết lập quan hệ với nhiều nước phát triển theo chủ nghĩa xã hội như Ai Cập, Guinea, Ghana, Togo, Mali, Ethiopia, Angola, Mozambique và Benin. Và quan hệ đối tác giữa Liên Xô và các nước Phi Châu thời đó được thực hiện theo khái niệm “chuyển nhượng đổi lấy bảo hộ”, nghĩa là “đổi khai thác quặng mỏ lấy hỗ trợ quân sự và kỹ thuật, hậu thuẫn kinh tế trực tiếp và trợ giúp kinh tế gián tiếp”.

Sự sụp đổ của khối Xô Viết năm 1991 và những thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại, kinh tế, chính trị và thương mại là cú hãm phanh cho tầm ảnh hưởng Nga trong một thời gian dài tại Phi Châu. Vào thời kỳ này, giới chức lãnh đạo Nga, điển hình là Tổng thống Boris Eltsin (1991-1999), cho rằng Phi Châu là nguồn cội của những cuộc phiêu lưu địa chính trị tốn kém và vì vậy, chỉ ưu tiên tập trung các nỗ lực vào những thay đổi trong nước.

Nga chỉ thật sự quan tâm trở lại Phi Châu khi Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 2000. Sự kiện Tổng thống Algeri Bouteflika năm 2001 có chuyến thăm chính thức ở Nga và ký kết một tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược – Hiệp ước đầu tiên giữa Nga với một nước Phi Châu, là nền tảng cơ bản cho việc nối lại mối quan hệ giữa Nga và Phi Châu thời kỳ hậu Xô Viết.

Thế nên, Jean de Gliniasty, cựu Ðại sứ Pháp tại Nga và Senegal, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trên Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), cho rằng những chuyến thăm dồn dập nhiều nước Phi Châu của ông Lavrov chỉ nhằm mục đích củng cố đà tiến mà Nga đã gầy dựng từ bao lâu nay:
“Bởi vì, sau một giai đoạn đầu tiên hoàn toàn bất định và buông xuôi Phi Châu trong suốt giai đoạn Boris Eltsin (1991-1999), Vladimir Putin ngay từ những ngày đầu cầm quyền đã bắt đầu củng cố mối quan hệ với Phi Châu. Điều thú vị lần này với ông Lavrov, chính là sự ưu ái mà ông ấy dành cho các quốc gia Phi Châu nói tiếng Pháp, trong một tinh thần cạnh tranh, thậm chí là thù địch”.

Ngoại Giao Vũ Khí

Theo các nghiên cứu, sự gia tăng ảnh hưởng của Nga tại Phi Châu có thể được phân thành hai giai đoạn mà năm 2014 là một cột mốc quan trọng. Từ năm 2006 đến trước năm 2014 là thời kỳ Nga đang củng cố vị thế và niềm tin với các nước Phi Châu qua việc có những cử chỉ hào phóng: “Xóa nợ” để đổi lấy các hợp đồng bán vũ khí như với Algeri (2006) hay các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác dầu khí chẳng hạn ở Libya (2008).
Năm 2014, các biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea càng thúc đẩy nước Nga của ông Putin tìm kiếm thêm đối tác kinh tế. Phi Châu một lần nữa lại được coi như là một đối tác quan trọng tiềm tàng. Trong bối cảnh này, Mạc Tư Khoa phải điều chỉnh lại chính sách đối ngoại: Tìm cách chống ảnh hưởng của Pháp bằng cách xích lại gần hơn các nước Phi Châu, kể cả những nước nói tiếng Pháp, nhằm giảm bớt áp lực từ phương Tây.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014-2019, gần 20 thỏa thuận đã được ký kết giữa Nga và các nước Phi Châu về xuất cảng vũ khí, và quan hệ đối tác quân sự-kỹ thuật. Thượng đỉnh Nga-Phi Châu tại Sochi năm 2019 đã chính thức đánh dấu sự trở lại của Nga tại châu lục. Các điều khoản cho mối quan hệ đối tác được phân định: Đổi khai thác tài nguyên của Phi Châu lấy hỗ trợ quân sự - kỹ thuật của Nga. Trả lời phỏng vấn với đài RFI hồi năm 2021, nhà nghiên cứu Maxime Audinet, tại IRSEM, trường Quân sự Pháp tóm lược chính sách Phi Châu của Nga như sau:

“Có một sự thống trị rất rõ nét trong những gì mà Nga gọi là hợp tác quân sự - kỹ thuật, nghĩa là bán vũ khí, đào tạo binh sĩ…. Và rộng ra hơn nữa còn có điều mà người ta gọi là dịch vụ an ninh. Nghĩa là Nga cung cấp các lực lượng, vũ khí, v.v… để bảo vệ chính phủ hay một số cơ sở hạ tầng, cho vài doanh nghiệp tại nhiều nước Phi Châu. Chính sách này đôi khi được thực hiện với các tác nhân nhà nước, cho đến các tác nhân phi nhà nước, chẳng hạn như tập đoàn bán quân sự tư nhân Wagne

Chiến Tranh Kiểu Mới

Vì sao Nga có thể gia tăng tầm ảnh hưởng tại châu lục trong một thời gian ngắn ngủi như thế? Một phần nguyên nhân có thể được giải thích bởi những đòi hỏi nghiêm ngặt về chính trị, cũng như sự do dự ngày càng lớn của phương Tây trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự, vốn dĩ là một nhu cầu thiết yếu cho nhiều nước Phi Châu để chặn đứng sự trỗi dậy của quân khủng bố.
Nhưng mặt khác, đây còn là kết quả của một chiến lược đương đại mới của Nga, được giới sĩ quan cao cấp, mà điển hình là tướng Gerasimov – Tham mưu trưởng quân đội Nga – định hình từ năm 2007, khi đưa ra một khái niệm “Chiến tranh thế hệ mới”.

Trái với lối suy nghĩ của phương Tây, biện chứng theo chu kỳ chiến tranh-hòa bình, trong nhãn quan các nhà chiến lược Nga, “chiến tranh là sự tiếp nối của chính sách hòa bình và hòa bình là sự tiếp tục của chính sách chiến tranh”. Vì vậy, không có sự thay đổi rõ nét các chính sách của chính phủ trong thời chiến hay thời bình.
Theo Charlotte Rousseaux, tác giả bài viết “Quan hệ Nga-Phi Châu nhằm phá vỡ vòng vây kinh tế” đăng trên trang mạng Ecole de Guerre Economique (ngày 5/1/2022), “khái niệm mới này cho phép Nga xóa nhòa ranh giới giữa các phương tiện quân sự, kinh tế, ngoại giao, tội phạm, tình báo, điều quan trọng là đạt được các mục tiêu chính trị được vạch ra”.

Trong khái niệm “chiến tranh thế hệ mới” này, mà ở đó, các hình thức đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh thông tin được xác định như là những thành phần không thể thiếu cho cuộc chiến. Tác giả nhìn nhận, khái niệm này không hẳn là hoàn toàn mới, nhưng chiến lược mới của Nga nhấn mạnh đến vai trò của những phương tiện phi quân sự, cho phép đạt được những mục tiêu chiến lược và chính trị vượt xa hiệu quả sức mạnh vũ khí.

Trong chiến lược này, tập đoàn bán quân sự Wagner do ông Evgueni Prigojine lãnh đạo là lá chủ bài quan trọng của Nga là một trong số các ví dụ điển hình nhất cho khái niệm “chiến tranh kiểu mới”, được tướng Gerasimov khuyến nghị trong các cuộc xung đột mới.

Ngoại Giao Ký Ức

Ngoài ra, mục tiêu khác của quân đội Nga là làm thế nào đạt được thế ưu thế thông tin, khi sử dụng đến thuật ngữ “cuộc chiến truyền thông”. Trước việc còn thiếu năng lực quân sự, bị phương Tây từ chối nhìn nhận tính chính đáng chính trị và một nền kinh tế yếu kém, những yếu tố có khả năng cản trở Nga đạt được những mục tiêu quân sự quan trọng, Mạc Tư Khoa ý thức được rằng thông tin có thể là một lãnh vực tạo nên một sức mạnh cho quốc gia.
Về điểm này, chuyên gia Maxime Audinet tại IRSEM nhận định:

“Còn có một lĩnh vực sau cùng mà quý vị thấy rõ có sự gia tăng mạnh mẽ và đã được nâng cấp từ vài năm gần đây, đó chính là lĩnh vực gây ảnh hưởng truyền thông và thông tin. Chúng mang nét đặc trưng của những điều mà người ta gọi là ngoại giao công chúng, hay tuyên truyền truyền thông quốc tế, thông qua các hoạt động gây ảnh hưởng hay thông tin sai lệch và rồi – đây còn là một yếu tố thú vị - thông qua sự xâm nhập từ các tác nhân Nga, từ một số mạng lưới truyền thông Phi Châu, đặc biệt là với những mạng lưới nào vẫn còn khá mong manh hoặc khá bấp bênh. Điều này đặc biệt cho trường hợp của Cộng hòa Trung Phi”.
Trong cuộc chiến này, “ngoại giao ký ức” là một biệt tài của Nga mà Pháp là một nạn nhân điển hình. Jade McGlynn, tác giả tập sách “Cuộc chiến của Nga” (Russia’s War) và là nhà nghiên cứu tại King’s College ở Luân Đôn, trên mạng Foreign Policy ngày 2/8/2023 đánh giá, chuyến công du của Ngoại trưởng Serguei Lavrov chẳng khác gì một hình thức đi “tiếp thị, quảng cáo Nga như là một cường quốc chống thực dân đối với Phi Châu”.

Tại những nơi Ngoại trưởng Nga đi qua, ông và các đồng nghiệp đều thúc đẩy quan điểm rằng Nga là một lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc, nhắc lại những ký ức tích cực về sự hỗ trợ của Liên Xô đối với cuộc chiến tranh giành độc lập ở Phi Châu chống lại thực dân phương Tây vốn chỉ tìm cách chiếm đoạt tài nguyên châu lục.

Hệ quả là làn sóng phản đối sự hiện diện của binh sĩ Pháp trỗi dậy tại nhiều nước. Vài ngày trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga, chính quyền Burkina Faso đã chính thức yêu cầu Paris trong vòng một tháng phải rút hết toàn bộ binh sĩ đóng quân trên lãnh thổ. Đây là nước Phi Châu thứ ba, sau Mali và Cộng hòa Trung Phi, trong chưa đầy một năm, đã buộc Pháp phải triệt thoái quân về nước!

Cuối cùng, trang mạng Mondafrique trong một bài viết đề tựa “Ảnh hưởng của Nga qua ngả hậu thuẫn quân sự” (13/1/2023) nhận định, trong cuộc đọ sức giữa Nga và phương Tây, Phi Châu đang là chiến tuyến thứ hai, sau Đông Âu, để Nga bao vây Tây Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, bằng cách gây ra bất ổn, gây nhiễu các cuộc bầu cử dân chủ ở Phi Châu, xuất cảng vũ khí và duy trì chính sách di dân tiềm tàng, “đại chiến lược” của ông Putin là sử dụng Phi Châu để gây bất ổn Âu Châu!


Mỹ Tìm Cách Lôi Kéo Ấn Độ Rời Xa Nga Bằng Cách Giới Thiệu Các Vũ Khí Tối Tân


(Hình: Chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ.)

-Mỹ đã mang máy bay chiến đấu tối tân nhất, F-35, đến Ấn Độ lần đầu tiên trong tuần này bên cạnh các máy bay ném bom F-16, Super Hornet và B-1B trong lúc Hoa Thịnh Ðốn tìm cách lôi kéo Tân Ðề Ly rời xa nhà cung cấp quân sự truyền thống của họ là Nga.
Ấn Độ, hiện rất mong muốn hiện đại hóa phi đội chiến đấu cơ vốn chủ yếu được trang bị từ thời Liên Xô để tăng cường sức mạnh không quân, đang lo ngại về việc Nga cung ứng chậm trễ do chiến tranh Ukraine và đối mặt với áp lực từ phương Tây là phải lánh xa Mạc Tư Khoa.

Phái đoàn Mỹ tham dự triển lãm Aero India kéo dài một tuần ở Bengaluru, kết thúc hôm 17/2/2023, là phái đoàn đông đảo nhất trong lịch sử 27 năm của triển lãm và nhấn mạnh mối quan hệ chiến lược ngày càng phát triển giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Ngược lại, Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ kể từ thời Liên Xô, chỉ có mặt cho có tại triển lãm. Hãng xuất cảng vũ khí nhà nước Rosoboronexport đã có một gian hàng chung với United Aircraft và Almaz-Antey. Họ trưng bày các mô hình thu nhỏ của máy bay, xe vận tải, radar và xe tăng.

Tại các lần trước lãm trước, gian hàng của Rosoboronexport có vị trí trung tâm hơn, mặc dù Nga đã không đưa chiến đấu cơ đến Bengaluru trong một thập kỷ sau khi Ấn Độ bắt đầu xem xét thêm lựa chọn từ Âu Châu và Mỹ.

Các mẫu F/A-18 Super Hornet của Boeing đã bước vào cuộc đua cung cấp máy bay chiến đấu cho hàng không mẫu hạm thứ hai của Hải quân Ấn Độ và mẫu F-21 của Lockheed Martin, tức là F-16 được nâng cấp cho Ấn Độ được ra mắt tại triển lãm Aero India hồi năm 2019, cũng đang được cung cấp cho không quân Ấn Độ.
Đề xuất mua 114 chiến đấu cơ đa năng trị giá 20 tỉ Mỹ kim của Không quân Ấn Độ đã bị treo lại trong 5 năm và đang được hết sức lưu ý bởi căng thẳng giữa họ với Trung Quốc và Pakistan.

F-35 không được Ấn Độ xem xét ‘vào lúc này’, theo một nguồn tin của Không quân Ấn Độ (IAF), nhưng việc trưng bày hai chiếc F-35 tại Aero India lần đầu tiên là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Tân Ðề Ly đối với Hoa Thịnh Ðốn.

Đó ‘không phải là đi sang chào hàng’ mà là tín hiệu cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ quốc phòng song phương ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Angad Singh, nhà phân tích quốc phòng độc lập, cho biết.
“Ngay cả khi bán vũ khí không phải là nền tảng của quan hệ, vẫn có sự hợp tác và cộng tác ở cấp độ quân sự giữa Ấn Độ và Mỹ”, ông nói thêm.

Mỹ rất kén chọn những nước mà họ cho phép mua F-35. Khi được hỏi liệu Mỹ có bán nó cho Ấn Độ hay không, Chuẩn Đô đốc Michael L. Baker, tùy viên quốc phòng tại Tòa Ðại sứ Mỹ ở Ấn Độ, cho biết Tân Ðề Ly đang trong ‘giai đoạn đầu’ để xem xét liệu họ có muốn có loại máy bay này hay không.


Nghiên Cứu: Việc Xả Nước Thải của Nhà Máy Fukushima Sẽ Ảnh Hưởng Rất Ít Đến Nước Biển của Nam Hàn


(Hình: Nhà máy Fukushima ở Nhật.)
-Thông tấn xã Reuters cho hay theo một nghiên cứu của chính phủ công bố hôm thứ Năm (16/2/2023), việc xả nước thải từ nhà máy điện giải quyết Fukushima của Nhật Bản sẽ có tác động không đáng kể đến nước trong vùng biển của Nam Hàn.

“Sự thay đổi đó quá nhỏ để phát giác”, một viên chức tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Đại dương Nam Hàn cho biết.
Nghiên cứu mô phỏng của viện này và Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Nam Hàn cho thấy mức độ triti, một đồng vị phóng xạ của hydro, sẽ tăng 0,001 becquerel/m³ trong 10 năm, so với mức trung bình 172 becquerel/m³ được tìm thấy trong vùng biển Nam Hàn. “Becquerel” là đơn vị đo độ phóng xạ.

Phân tích này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol đang tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản sau nhiều năm căng thẳng.
Tháng trước, Nhật Bản cho biết nước từ nhà máy điện giải quyết Fukushima bị hư hại có thể được thải ra biển “vào khoảng mùa Xuân hoặc mùa Hè này”.

Dự định xả nước này đã làm dấy lên lo ngại từ các nước láng giềng, bao gồm cả Trung Quốc và Nam Hàn
Năm 2021, Tổng thống Nam Hàn khi đó là Moon Jae-in đã ra lệnh cho các viên chức xem xét việc đệ đơn lên tòa án quốc tế về quyết định của Nhật Bản xả nước bị ô nhiễm ra biển, trong bối cảnh các nhóm môi trường và nghề cá phản đối.

Nhật Bản cho biết các cơ quan quản lý đã coi việc xả nước thải là an toàn, nước này sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các đồng vị mặc dù nó vẫn chứa dấu vết của tritium, một đồng vị hydro khó tách khỏi nước.

Ông Oh Haeng-nok, một viên chức thuộc Bộ Đại dương và Nghề cá của Nam Hàn, cho biết nghiên cứu mô phỏng này “không có mối liên hệ” nào với việc bình thường hóa quan hệ giữa Nam Hàn và Nhật Bản.
Đầu tháng này, quốc đảo Micronesia ở Thái Bình Dương, một trong những quốc gia chỉ trích gay gắt nhất quyết định của Nhật Bản, cho biết họ không còn lo ngại về kế hoạch này nữa.

Nhà máy giải quyết Fukushima Daiichi, cách Tokyo khoảng 220 cây số về phía Đông-Bắc, đã bị hư hại nặng nề bởi trận động đất và sóng thần 9 độ Richter vào tháng 3/2011, gây ra 3 vụ tan chảy lò phản ứng.

Hơn 1 triệu tấn nước được sử dụng để làm mát các lò phản ứng sau thảm họa đang được lưu trữ trong các bể chứa khổng lồ tại nhà máy này.


Một Cô Bé và Các Phi Đạn, Cách Duy Trì Chế Độ của Bắc Hàn


(Hình: Ju Ae, khoảng 10 tuổi, con gái của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un được nhìn thấy trong hai đêm liên tiếp trong lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Bắc Hàn (KPA) 7/2/2023.)
-Nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn Kim Jong Un có một cử chỉ mang tính biểu tượng để nói với thế giới rằng chế độ của ông sẽ tiếp tục sang thế hệ kế tiếp bằng cách giới thiệu con gái mình tại một loạt sự kiện quân sự lớn với sự góp mặt của các tướng lĩnh hàng đầu và khí tài quân sự mới nhất, theo các chuyên gia.

Ju Ae, được cho là khoảng 10 tuổi, được nhìn thấy trong hai đêm liên tiếp trong lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Bắc Hàn (KPA).

Truyền thông nhà nước Bắc Hàn chiếu hình ảnh Ju Ae cùng với ông Kim và mẹ cô, Ri Sol Ju, trên một khán đài được thắp sáng rực rỡ ở Quảng trường Kim Il Sung vào đêm 8/2 khi tham dự một cuộc duyệt binh có sự góp mặt của 11 phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17.
Đêm hôm trước, Ju Ae ngồi giữa cha mẹ cô trong một bữa tiệc xa hoa có sự tham dự của các tướng lĩnh cao cấp.

Các nhà phân tích tin rằng ông Kim đưa con gái đến các sự kiện để cho thế giới biết những thành tựu quân sự của ông sẽ được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp nhằm bảo đảm sự tồn tại của chế độ trong nhiều năm tới.

Dòng Máu Paektu
Ông Du Hyeogn Cha, thành viên chính tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Hán Thành, nói: “Ông Kim đang cho thấy sự trường tồn của dòng máu Núi Paektu”
“Ông ấy đang nhấn mạnh đến ba thế hệ lãnh đạo được truyền lại từ Kim Il Sung đến Kim Jong Il và sau đó cho chính ông ấy giờ sẽ tiếp tục đến thế hệ thứ tư và tồn tại mãi mãi”.

Triều đại nhà Kim gắn liền với núi Paektu, nơi khởi nguồn huyền bí của tất cả người dân Bắc Hàn vì đây là nơi nhà sáng lập tinh thần Dangun, con trai của một vị thần và một con gấu, được cho là đã sinh ra vào năm 2333 trước Công nguyên. Ngọn núi được tôn kính nằm giữa biên giới giữa Bắc Hàn và Trung Quốc.

Chế độ Bắc Hàn tuyên bố rằng ông nội của ông Kim và người sáng lập đất nước, Kim Il Sung, và cha của ông, Kim Jong Il, được sinh ra trên núi như một phần của câu chuyện tuyên truyền được tạo ra để thần thoại hóa gia đình Kim mặc dù Kim Il Sung được sinh ra ở Bình Nhưỡng, và con trai ông là Kim Jong Il sinh ra ở Khabarovsk, Nga.

Ông Michael Madden, một chuyên gia về lãnh đạo Bắc Hàn tại Trung tâm Stimson, cho biết: “Đó là một thông điệp rằng ban lãnh đạo gia đình Kim sẽ giữ nguyên vị trí và nó sẽ chuyển sang thế hệ thứ tư”. Ông nói sự xuất hiện của Ju Ae báo hiệu rằng cô ấy “sẽ trở thành một phần của thế hệ lãnh đạo thứ tư”.
Ông Madden nói ông Kim đang nỗ lực gắn kết vũ khí mà ông đã phát triển cho thế hệ lãnh đạo thứ tư, truyền lại di sản cải tiến ICBM mà ông đã phóng vào năm 2022.

Ông Jong-Dae Shin, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Hán Thành, cho biết nếu không phải là dấu hiệu cho thấy ông Kim đã có người kế vị, thì Bắc Hàn đang cố gắng thu hút sự chú ý của thế giới bằng cách đưa ra những hình ảnh về cô con gái của ông Kim và phi đạn.

Ông Shin nói: “Hiệu quả lớn nhất” mà Bắc Hàn tạo ra khi cho Ju Ae xuất hiện tại các sự kiện quân sự là “thu hút sự chú ý của ngoại quốc và trong nước”.
Trên bình diện quốc tế, Bắc Hàn “đang bị lãng quên” giữa cuộc chiến ở Ukraine và cạnh tranh Mỹ-Trung, ông Shin nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA). Ở trong nước, chế độ này muốn cải thiện hình ảnh của mình bằng “khoa học kỹ thuật cao” được sử dụng để phát triển ICBM nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của mình hầu mang lại hy vọng cho các thế hệ trẻ vì “Bắc Hàn không có gì để thể hiện” về mặt kinh tế, ông Shin nói thêm.

Cha Truyền Con Nối
Ông Kim đã giới thiệu Ju Ae với công chúng vào ngày 18/11/2022, một cô bé đứng trước ICBM Hwasong-17 khổng lồ tại một bãi phóng. Bắc Hàn cho biết các lực lượng chiến lược của họ đã bắn thử thành công một loại ICBM mới dưới sự giám sát của ông Kim.

Cô ấy lại xuất hiện vào Ngày Đầu Năm Mới khi đi tham quan một nhà máy phi đạn-đạn đạo nắm tay cha cô ấy.
Ju Ae hiện đã xuất hiện 5 lần trước công chúng, làm dấy lên đồn đoán rằng ông Kim đang đặt cô là người thừa kế rõ ràng của ông.

Ông Seong-Chang Cheong, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Chiến lược Thống nhất của Viện Sejong, cho biết việc giới truyền thông nhà nước gọi Ju Ae là con gái “yêu quý” và “được kính trọng” của ông Kim cho thấy ông Kim đã quyết định chọn cô gái trẻ làm người kế vị.

Ông Cheong nói: “Những cách diễn đạt này được dùng để mô tả nhà lãnh đạo tối cao hiện tại Kim Jong Un”. “Dùng những từ như vậy để chỉ Ju Ae có nghĩa là cô ấy đã được quyết định là người lãnh đạo tiếp theo”.
Ông Cheong cho biết cha của ông Kim đã giới thiệu ông là người kế vị với các Phụ tá thân cận của mình khi tham dự bữa tiệc sinh nhật lần thứ tám của ông Kim trong khi mọi người hát bài Footsteps, một bài hát về ông Kim đi theo con đường của cha mình trong khi họ “diễn hành” theo ông Kim đến “một tương lai rực rỡ”. Ông Cheong nói ông đã nghe về sự kiện này từ dượng của Kim Jong Un ở Hoa Thịnh Ðốn vào tháng 3 năm 2021.

Dượng của ông Kim là Ri Kang, người đã kết hôn với bà Goh Yong Suk, em gái của mẹ ông Kim, đã cùng vợ đào thoát khỏi Bắc Hàn và trốn sang Mỹ vào năm 1998.
Ông Ken Gause, một chuyên gia về lãnh đạo Bắc Hàn và là Giám đốc của Ban Chiến lược, Chính sách, Kế hoạch và Dự án Đặc biệt tại CNA, cho biết vẫn còn quá sớm để nói liệu Ju Ae có phải là người kế thừa chế độ của ông Kim hay không.

Ông Gause nói, việc Ju Ae thường xuyên xuất hiện trước công chúng tại các sự kiện quân sự “có thể theo một cách nào đó gắn liền với quá trình kế vị, nhưng hiện tại chúng tôi không có đủ thông tin để đưa ra xác quyết đó”.
Tuy nhiên, ông nói tiếp, nếu trên thực tế, ông Kim đã chọn Ju Ae làm người kế vị thứ tư, thì ông đã bắt đầu chuẩn bị sớm để bảo đảm cô gái có căn bản để giám sát quân đội nếu trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Bắc Hàn.

Ông Gause nói: “Quân đội là một thực thể thực sự phải được đưa vào cuộc nhiều hơn bất kỳ yếu tố nào khác của chế độ”. “Vì việc ông Kim đang ở trong một tình huống mà tính hợp pháp duy nhất của ông ấy tồn tại xung quanh chương trình giải quyết – bởi vì ông ấy không thể điều hành nền kinh tế – thì có nghĩa là ông ấy sẽ ràng buộc cô ấy với quân đội theo cách này”.

Bắc Hàn bị thiếu lương thực sau khi biên giới của nước này, vốn bị đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 kể từ tháng 1 năm 2020, vẫn chưa được mở lại hoàn toàn. Bộ Thống nhất Nam Hàn hôm 15/2 cho biết tình hình lương thực của Bắc Hàn đang xấu đi.

Cô Gái Nhỏ, Phi Đạn Lớn

Ông Won Gon Park, Giáo sư Nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Phụ nữ Ewha ở Hán Thành (thủ đô của Nam Hàn), không nghĩ Ju Ae được chọn làm lãnh đạo.
Ông Park nói: “Chế độ đã không thực hiện các bước như thần bí hóa và thần tượng hóa người kế nhiệm thường đi trước khi giới thiệu một nhà lãnh đạo”. “Bắc Hàn đang cho thấy Kim Ju Ae là một hình ảnh tượng trưng tươi sáng của các thế hệ tiếp theo”.

Cho dù Ju Ae có được nuôi dưỡng để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo hay không, ông Madden nói rằng có khả năng ông Kim đang huấn luyện cô ghét Hoa Kỳ và Nam Hàn mà chế độ coi là kẻ thù của mình.
“Thật thú vị khi có một đứa trẻ bên cạnh tất cả những thứ mà nó không biết ý nghĩa của ICBM là gì và chúng thực sự có thể làm gì”, ông nói. “Con bé không biết rằng phi đạn đó có thể giết chết hàng triệu người”.


Na Uy Thu Giữ 5,8 Triệu Mỹ Kim Tiền Điện Tử Bị Bắc Hàn Đánh Cắp


(Hình: Tiền điện tử.)
-Na Uy thu giữ một lượng tiền điện tử trị giá kỷ lục 5,8 triệu Mỹ kim mà tin tặc Bắc Hàn đánh cắp vào năm 2022, cảnh sát Na Uy cho biết trong một tuyên bố ngày 16/2/2023.

Các tin tặc Bắc Hàn đã đánh cắp 625 triệu Mỹ kim vào tháng 3 năm 2022 từ một dự án blockchain được liên kết với trò chơi Axie Infinity dựa trên tiền điện tử. Vụ trộm là một trong những vụ lớn nhất thuộc loại này được ghi nhận và bị Hoa Kỳ liên kết với một nhóm tin tặc Bắc Hàn có tên là “Lazarus”.

Công tố viên cấp cao của Na Uy, Marianne Bender, nói trong một tuyên bố: “Đây là số tiền có thể được sử dụng để tài trợ cho chế độ Bắc Hàn và chương trình vũ khí giải quyết của họ”.
Bắc Hàn đã bác bỏ cáo buộc tin tặc hoặc các cuộc tấn công mạng khác.

Đơn vị tội phạm kinh tế quốc gia của Na Uy, được gọi là Okokrim, cho biết họ đã thu giữ 5,84 triệu Mỹ kim trong “một trong những vụ tịch thu tiền lớn nhất từng được thực hiện ở Na Uy” và là số tiền kỷ lục cho một vụ tịch thu tiền điện tử.

Okokrim nói họ đã làm việc với các chuyên gia theo dõi tiền điện tử của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ.
Theo công ty phân tích chuyển khoản Chainalysis có trụ sở tại Hoa Kỳ, năm 2022 là năm tồi tệ nhất được ghi nhận đối với các vụ trộm tiền điện tử, với việc tin tặc đánh cắp tới 3,8 tỉ Mỹ kim, dẫn đầu là những kẻ tấn công có liên quan đến Bắc Hàn.

Sky Mavis, công ty đứng sau Axie Infinity, có trụ sở tại Việt Nam, nhưng người sáng lập, Aleksander Larsen, là người Na Uy. Ông Larsen từ chối bình luận, nhưng trong một tweet ngỏ lời cảm ơn sàn giao dịch tiền điện tử Binance đã hỗ trợ cảnh sát Na Uy trong vụ bắt giữ.

Phát ngôn viên của Binance cho biết: “Khi chúng tôi biết về những kẻ xấu trên nền tảng của mình, chúng tôi can thiệp và có hành động thích hợp, bao gồm đóng băng tiền và làm việc với cơ quan thực thi pháp luật để trả lại tiền cho chủ sở hữu hợp pháp của họ”.

Bắc Hàn đã đánh cắp nhiều tài sản tiền điện tử vào năm 2022 hơn bất kỳ năm nào khác và nhắm mục tiêu vào mạng lưới của các công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ ngoại quốc, theo một báo cáo hiện đang được bảo mật của Liên Hiệp Quốc mà thông tấn xã Reuters được xem.


Vì Sao Trung Quốc Khai Triển Chương Trình Khinh Khí Cầu Do Thám?

(Anh Vũ)
Hoa Thịnh Ðốn đã quả quyết kinh khí cầu do thám Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ là một phần của chương trình quy mô lớn của Bắc Kinh, được khai triển trên khắp địa cầu. Nhưng trong thời đại kỹ thuật vệ tinh phát triển như ngày nay, vì sao Trung Quốc vẫn sử dụng thiết bị do thám đơn giản như khinh khí cầu?

Một tuần sau khi quả bóng bí ẩn Trung Quốc xuất hiện trên các radar quân sự và phương tiện truyền thông, chính quyền Mỹ hôm 9/2/2023 khẳng định đó không đơn thuần là một công cụ gián điệp, mà còn là một chương trình khí cầu do thám quy mô rộng khắp của Trung Quốc.

Vật thể bay bị bắn hạ hôm 5/2 đã bắt đầu cho biết những bí mật. Các viên chức Mỹ đã giải thích tại cuộc họp báo, trong số các mảnh được thu lại và được phân tích tại trụ sở của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) ở Quantico, có các ăng-ten, bộ cảm biến và cả những tấm pin mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của các thiết bị điện tử mang theo.

Những chi tiết như thế cũng đủ làm suy yếu lập trường của Bắc Kinh tiếp tục khăng khăng cho rằng đó là khinh khí cầu thăm dò khí tượng. Nhưng Hoa Thịnh Ðốn không chỉ dừng lại ở phát giác một khinh khí cầu do thám. Các nhà điều tra Mỹ còn cho biết: “Trung Quốc có một đội khinh khí cầu như vậy để do thám khoảng bốn chục quốc gia”. Bắc Kinh có thể đã đưa các “gián điệp bay” đó đến Nhật Bản, Phi Luật Tân, Bắc và Nam Mỹ và cả Âu Châu. Một số nước trong số đó đã quyết định tiến hành điều tra để làm rõ những sự kiện gần đây. Hôm thứ Năm tuần trước, Nhật Bản thông báo đã xem lại những sự việc đã xảy ra từ hồi tháng 2/2020 và hồi tháng 9/2021 mà họ cho rằng có liên quan đến bóng thám không gián điệp.

Nếu nghi ngờ được khẳng định thì “Trung Quốc là nước duy nhất có một chương trình do thám trên không, trong đó có phần sử dụng khinh khí cầu”, theo lời ông Frank Ledwidge, chuyên gia về chiến tranh trên không thuộc Đại học Portsmouth, Anh Quốc.
Duy nhất nhưng không phải là đầu tiên. Trong lịch sử, theo chuyên gia Frank Ledwidge, “bộ phận trinh sát quân đội đầu tiên đã được Kỹ sư Jean-Marie -Joseph Coutelle thành lập gồm các khinh khí cầu do thám phục vụ cho Napoléon trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ cuối thế kỷ 18”.

Các khinh khí cầu như vậy đã được sử dụng trong hai cuộc chiến tranh thế giới để làm các nhiệm vụ như Ukraine làm trong cuộc chiến với Nga hiện nay: Thu thập thông tin, phát giác mục tiêu cho pháo bin
Cho đến thời chiến tranh lạnh, người ta đã chứng kiến việc sử dụng khinh khí cầu gián điệp mang tính chiến lược hơn từ Mạc Tư Khoa cũng như Hoa Thịnh Ðốn và mục đích không chỉ là trinh sát trên chiến trường.

Chuyên gia Frank Ledwidge cho biết, chẳng hạn “dự án Moby Dick do CIA điều hành nhằm đưa hàng trăm quả khí cầu do thám đến bầu trời Liên Xô từ cuối những năm 1950”.

Hoạt động do thám từ trên không được Bắc Kinh đang tiến hành có lẽ cũng là kế thừa quá khứ đó. Phần đông các nước giờ thích tập trung các vệ tinh hơn vì “bóng thám không có độ tin cậy không cao, có thể đi chệch hướng khi có gió lớn và khó kiểm soát hơn”, như nhận xét của Ho Ting “Bosco” Hung, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc l’International Team for the Study of Security de Vérone (ITSS Verona).

Những bất lợi như vậy tuy nhiên không cản được Trung Quốc. Mặc dù đã có một đội gồm khoảng 300 vệ tinh theo dõi, Trung Quốc vẫn khai triển một đơn vị gồm hàng chục khí cầu do thám, theo chuyên gia Frank Ledwidge.

Chuyên gia Ho Ting “Bosco” Hung quả quyết rằng “đó là bằng chứng cho thấy tham vọng trong lĩnh vực do thám của Trung Quốc. Họ dùng mọi phương tiện có thể để mở rộng mạng lưới do thám”. Có lẽ họ sẽ sai lầm khi bỏ qua bóng thám không, vì theo ông Ho Ting “Bosco” Hung, “các radar hiện đại không được hiệu chỉnh để nhận biết khinh khí cầu do thám nên thường xếp khí cầu vào loại vật thể bay không xác định”.
Khi cầu có thể bay tĩnh bên trên mục tiêu, trong khi các vệ tinh luôn phải chuyển động. Đây là lợi thế cho phép khinh khí cầu, được trang bị máy ảnh, chụp ảnh chi tiết hơn và rõ nét hơn vệ tinh.
“Khinh khí cầu cũng có thể được trang bị các cảm biến để thu thập, ví dụ, tần số của các radar trong khu vực hoặc thậm chí của các thành phần có thể có trong không khí. Do đó, chúng có thể phát giác thậm chí cả phóng xạ. Ưu thế khác là chi phí cho các quả khinh khí cầu rất nhỏ so với giá thành chế tạo và phóng vệ tinh.

Tuy nhiên, các khinh khi cầu không tiến hành chiến dịch riêng. “Hoạt động của chúng nằm trong một chương trình phối hợp do thám”, chuyên gia Frank Ledwidge nhận định. Nói một cách khác, quân đội và Bộ An Ninh Trung Quốc (tương đương với Cơ quan Phản gián Pháp (DGSE) hay CIA của Mỹ) ấn định các hoạt động và phân chia nhiệm vụ giữa các hoạt động gián điệp mạng, do thám vệ tinh và khinh khí cầu do thám.

Quả bóng Trung Quốc bị phát giác và sau đó bị bắn hạ trên bầu trời Montana vừa rồi tham gia vào một nhiệm vụ rộng hơn nhằm thu thập các thông tin về ba cơ sở đặt phi đạn giải quyết của Mỹ. “Những hình ảnh về cơ sở này có thể sẽ rất hữu ích cho Trung Quốc, vì nước này cũng đang xây dựng những cơ sở cho phi đạn-đạn đạo”, chuyên gian Frank Ledwidge nhấn mạnh.

Căn cứ của các khinh khí cầu này cũng phản ánh các ưu tiên của chương trình giám sát trên không của Bắc Kinh. Chúng được cất giữ và thả đi từ Hải Nam, một tỉnh đảo phía Nam Trung Quốc, các viên chức Hoa Kỳ cho biết.
“Đó là địa điểm lý tưởng để tiến hành các nhiệm vụ do thám tại Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc đang muốn áp đặt ảnh hưởng của họ”, chuyên gia Ho Ting “Bosco” Hung khẳng định. Các mục tiêu chiến lược với Bắc Kinh như Đài Loan, Phi Luật Tân, Việt Nam hay Úc Ðại Lợi đều nằm cách không xa bờ đảo Hải Nam.

Rất khó để đánh giá mức độ thất bại của Bắc Kinh trong việc Hoa Thịnh Ðốn phát giác ra chương trình khinh khí cầu do thám bí mật này. Nhưng chắc chắn nó có nguy cơ làm suy yếu một trong những trụ cột của chương trình do thám trên không của Trung Quốc. Frank Ledwidge nhận định: “Rõ ràng là vụ này sẽ thúc đẩy phương Tây để mắt nhiều hơn đến loại phương tiện gián điệp trên không này”.
Có thể Trung Quốc sẽ buộc phải tạm ngừng hoạt động bóng thám không này một thời gian. “Tất cả phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ sẽ biết được gì khi phân tích các mảnh vỡ của quả khí cầu bị bắn rơi”, chuyên gia Ho Ting “Bosco” Hung nhận định. Nếu các thông tin thu thập được giúp Hoa Thịnh Ðốn hiểu được cụ thể về cách thức gián điệp Trung Quốc thu thập và truyền dữ liệu, Bắc Kinh sẽ phải xem lại các phương pháp để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Trong kịch bản đó, toàn bộ chương trình do thám có thể bị ảnh hưởng, vì bóng thám không là một phần trong của chương trình do thám. Sau đó, sẽ cần phải xác định lại nhiệm vụ của các vệ tinh và gián điệp mạng. Một công việc có thể làm chậm lại các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Hành trình của quả khí cầu cũng thể hiện thành công về mặt hình ảnh đối với các gián điệp Trung Quốc. Frank Ledwidge nhận định rằng họ đã thể hiện “sự sáng tạo của mình bằng cách kết hợp một phương pháp cũ với các kỹ thuật giám sát hiện đại”. Đối với Hoa Thịnh Ðốn thì đó là chiến dịch tồi tệ “ bởi vì một khinh khí cầu đơn giản có thể tiếp cận một trong những địa điểm quân sự nhạy cảm nhất của họ và Mỹ gặp khó khăn để có cách phản ứng với mối đe dọa này”, chuyên gia này nói thêm.

Như thế cũng đủ để gợi ý cho các quốc gia khác? Ho Ting “Bosco” Hung ước tính, một trong những hậu quả của câu chuyện này có thể là các quốc gia “cũng quyết định bổ sung các khinh khí cầu do thám được tăng cường kỹ thuật trí tuệ nhân tạo hiện đại để cải thiện chất lượng hình ảnh”.


Căng Thẳng Mỹ-Trung Về Khinh Khí Cầu Gián Điệp Lan Đến Chuỗi Cung Ứng: Việt Nam Có Hưởng Lợi?


(Hình: Căng thẳng tăng cao trong quan hệ Mỹ-Trung đang dẫn đến những lo ngại mới cho các công ty phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc, tăng tốc thêm việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước khác như Việt Nam.)

-Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về cáo buộc khinh khí cầu gián điệp bị bắn hạ ở Bắc Mỹ đã khiến một số hiệp hội thương mại hàng đầu đại diện cho các công ty phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc thúc giục các thành viên của họ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác như Việt Nam.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, Hiệp hội Giày dép và May mặc Hoa Kỳ, và Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi cung ứng nói với CNBC rằng căng thẳng gia tăng với Trung Quốc do khinh khí cầu gián điệp đã dẫn đến những lo ngại mới từ các công ty thành viên của họ, vốn đã phải đối phó với thuế quan trong những năm gần đây do Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden áp đặt, cũng như việc ngừng hoạt động theo chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc.
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc càng tăng cao khi một khinh khí cầu khổng lồ của Trung Quốc bị máy bay chiến đấu F-22 của Hoa Kỳ bắn rơi trên Đại Tây Dương gần bờ biển của tiểu bang South Carolina hôm 4/2/2023. Hoa Thịnh Ðốn khẳng định đó là một khí cầu gián điệp phi pháp, một phần của đội khí cầu tiến hành các hoạt động giám sát bí mật trên 5 lục địa trong vài năm qua. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng đó là một thiết bị khí tượng “vô tình lạc lối”. Hoa Thịnh Ðốn gọi đây là “sự vi phạm rõ ràng” chủ quyền của Mỹ. Trong những ngày gần đây, thêm ba vật thể bay không xác định đã bị bắn hạ ở Bắc Mỹ.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong bài phát biểu về Thông điệp Liên bang vào tuần trước rằng “nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước mình”. Còn Bắc Kinh đã chuyển từ biện minh là khí cầu bị bay lạc sang phẫn nộ dữ dội khi cáo buộc Mỹ tìm cách “bôi nhọ và kích động đối đầu” đồng thời cũng nói rằng đã phát giác các khinh khí cầu của Mỹ trong không phận Trung Quốc hơn 10 lần trong năm 2022 dù không đưa ra bằng chứng nào.

Mối quan hệ giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc khi áp thuế trị giá hàng trăm tỉ Mỹ kim lên nhiều mặt hàng của nước này nhập vào Mỹ. Cuộc thương chiến, bắt đầu từ năm 2018, đã thúc đẩy các công ty xuất cảng ở Trung Quốc tìm cách đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này, sang các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam, để tránh các mức thuế của Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc. Việc dịch chuyển này càng được tăng tốc khi chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất từ Trung Quốc bị đứt gãy do những hạn chế nghiêm ngặt từ chính sách “Zero COVID” trong thời gian đại dịch virus Corona.

Sự xuống cấp thêm một mức mới trong quan hệ Mỹ-Trung vì vụ khinh khí cầu càng làm cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thêm gấp rút.
“Những căng thẳng đang diễn ra với mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung tiếp tục làm nổi bật nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, Jon Gold, Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ nói với CNBC. “Từ thuế quan đến COVID-19 cho đến những thách thức khác, các nhà bán lẻ đang tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa nguồn cung ứng để bảo đảm họ có chuỗi cung ứng linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Dữ liệu mới nhất cho thấy một sự dịch chuyển đáng kể của ngành sản xuất, kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, sang các quốc gia như Việt Nam và Phi Luật Tân. Nhiều công ty cũng đang dựa vào thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi như một cách để đưa nhiều hoạt động sản xuất trở lại Bắc Mỹ, theo CNBC.
“Các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng đang tìm kiếm rủi ro thấp hơn và phương tiện tốt hơn để phục vụ Hoa Kỳ bằng cách tìm kiếm và chuyển đến Gia Nã Ðại và Mễ Tây Cơ”, Mark Baxa, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi cung ứng nói với CNBC. “Các hoạt động chuyển dịch sang các nước khác mà chúng tôi thấy những công ty khác đang thực hiện là tới các nước thay thế như EU (Liên Hiệp Âu Châu), Việt Nam, Nam Hàn và Ấn Độ”.

Việt Nam được xem là nước hưởng lợi nhiều nhất trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty, trong đó có Apple, tập đoàn kỹ thuật lớn nhất của Mỹ, đã chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia Đông Nam Á, nơi được xem là có lực lượng lao động với tay nghề cao giá rẻ và ở ngay sát Trung Quốc. Từ năm 2020, Apple đã chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe không dây Airpod từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Samsung, tập đoàn kỹ thuật hàng đầu của Nam Hàn trong những năm qua cũng đã di dời phần lớn dây chuyền sản xuất màn hình máy điện toán của mình từ Trung Quốc sang nhà máy của họ ở Khu Kỹ thuật cao Quận 9 ở Sài Gòn.
“Chúng tôi thấy sự dịch chuyển của một số chuỗi cung ứng đến các thị trường mới nổi. Việt Nam rõ ràng là nước hưởng lợi nhiều nhất”, John Pearson, Giám đốc điều hành của DHL Express nói với CNBC.

Việt Nam được cho là đã củng cố vị thế của mình trong thương mại toàn cầu nhờ tốc độ và quy mô tăng trưởng.
“Sự kết hợp này rất hấp dẫn đối với các đối tác thương mại”, Steve Altman, nhà nghiên cứu cấp cao và Giám đốc Sáng kiến của DHL về Toàn cầu hóa tại NYU Stem nói với CNBC. “Điều đó có nghĩa rằng (Việt Nam) có quy mô để theo kịp tốc độ tăng trưởng của họ”.

Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong năm qua, cao nhất ở Á Châu, và đang tiếp tục là nơi thu hút ngoại quốc đầu tư nhiều nhất trong khu vực.

Không có nhận xét nào: