Nhớ xưa, những năm 70s, thầy và cô Beidler là giáo sư dạy Anh Văn tại trường Ðại Học Văn Khoa Cần Thơ. Nhà thầy cô, cất theo kiểu California, ở Khu Văn Hóa đầu đường Tự Ðức. Ở đó có một thư viện nhỏ, sách đa phần là tiếng Anh để sinh viên đến đọc hoặc dùng tài liệu tham khảo. Và người viết lần đầu tiên biết đến O. Henry, Mark Twain… qua những tuyển tập truyện ngắn gọi là ‘Ladder books’ (Ladder nghĩa là thang). Những truyện nầy được viết với số từ vựng giới hạn theo bậc thang từ thấp lên cao! Bậc thang thấp nhứt một ngàn chữ, rồi lên bậc thang thứ hai, hai ngàn và cao nhứt là bậc thang thứ ba, ba ngàn chữ.)
<!>
Khi vốn từ đã được ba ngàn, tương đối đầy đủ, thì sinh viên sẽ tìm đọc nguyên tác ở Thư viện Hội Việt Mỹ Cần Thơ nằm trên đường Phan Ðình Phùng để cảm thụ được hết cái hay, cái đẹp của một tác phẩm nổi tiếng thuộc nền văn chương của đất nước Hoa Kỳ.
o O o
Sau nầy biết thêm chút đỉnh về sự tự do của đất nước Hoa Kỳ, tôi mới nghiệm ra rằng tự do không chỉ bó hẹp về chánh trị. Mà tự do có nghĩa rộng hơn rất nhiều.
Tự do sống, tự do yêu, tự do chọn nghề theo sở thích. Chính vì thích nên dành hết công sức của mình vô, làm rất nhiệt tâm, nhiệt tình nên nghề mới tinh diệu. Chọn nghề không hẳn vì Ba Má mình muốn thế cho nở mặt nở mày với lối xóm bà con. Chọn nghề không hẳn phải là Bác sĩ, Kỹ sư cho nó có danh, có lợi. Chọn nghề không hẳn vì: ‘Phi Cao đẳng bất thành phu phụ’. Chọn nghề không hẳn vì ‘Nhứt sĩ nhì nông. Hết gạo chạy rông nhứt nông nhì sĩ’. Chọn nghề không hẳn vì chén cơm manh áo như thường thấy ở đất nước đầy biến loạn của chúng ta.
Ðã thân nầy kể bỏ, quyết tâm theo đuổi nghề viết văn chừng một thế kỷ trước, nhà văn Hoa Kỳ ắt cũng nghèo đói thế thôi! Nhà văn của mình, trong và ngoài nước, ngay từ xưa rồi đến cả bây giờ cũng vậy, ngoại trừ một số rất ít sống được bằng ngòi bút của mình.
Nhưng là nhà văn, là nghệ sĩ, là dân chơi thì sợ gì mưa rơi. Chọn nghề văn là thân nầy kể bỏ. Nên việc nhà văn nghèo, không cưới được vợ như Tản Ðà hoặc như Arthur Miller bị Marilyn Monroe bỏ thì cũng chẳng có nhằm nhò gì hết ráo!
o O o
Mùa Giáng Sinh về, tôi lại nhớ O. Henry, một nhà văn sống một đời bất hạnh, một bi kịch! Vợ chết, mình phải đi tù chỉ vì một số tiền biển thủ không đáng là bao nhiêu, con phải vào Trại Mồ Côi.
Tháng Chạp lại về, đang ở tù thì làm gì có tiền mua cho đứa con gái còn bé bỏng của mình một món quà Giáng Sinh đơn sơ cho con mình khỏi tủi, O. Henry bèn cầm viết!
Tình phụ tử cao quý đó đã sản sinh cho chúng ta, những người đọc trên toàn thế giới, suốt cả trăm năm nay, những truyện ngắn về Mùa Giáng Sinh tuyệt tác của O. Henry!
o O o
O. Henry, tên thật là William Sydney Porter, sanh ngày 11, tháng Chín, năm 1862 tại Greensboro, North Carolina, Hoa Kỳ.
Mẹ mất vì bịnh lao nên ông mồ côi khi mới lên 3 tuổi. Về với Nội, ông chỉ học ở trường trung học Lindsey tới năm 15 tuổi rồi phải bước xuống cuộc đời mà kiếm sống.
Tháng Ba, năm 1882, khi bắt đầu có những cơn ho dai dẳng, sợ bị lao như Mẹ, ông chuyển về Texas, sống trong một trại chăn nuôi với hy vọng khí hậu ấm áp nơi đồng nội miền Nam Hoa Kỳ sẽ giúp ông vượt qua cơn bệnh.
Khi còn bé, rất ham đọc; đọc bất cứ cái gì mà ông có trong tay. Ðến Houston năm 1895, ông bắt đầu viết cho tờ Post (Bưu Ðiện). Tiền nhuận bút được một tháng 25 đô, một ngày kiếm chưa tới một đô la, lương trung bình lúc đó là 300 đô một năm!)
O. Henry yêu Athol Estes, 17 tuổi, con của một gia đình giàu có nhưng gia đình cô không chịu gả. Tháng Bảy, năm 1887, O. Henry và Athol trốn đi; trở thành vợ chồng. (Tháng Chín, năm 1889, họ có con gái đầu lòng, tên là Margaret Worth Porter.)
Năm 1896, làm nhân viên cho First National Bank ở thành phố Austin, Texas. bị tình nghi biển thủ 1,150 USD, ông bỏ trốn đến Honduras. Sáu tháng sau, nghe tin vợ mình đau nặng, hấp hối, ông quày quả trở về. Nhà cầm quyền đợi đến khi vợ ông qua đời mới đem ông ra xử tội biển thủ với bản án 5 năm tù giam.
Trong nhà tù ở thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, O. Henry muốn mua quà Giáng Sinh cho con gái 9 tuổi Margaret đang ở trong Trại Mồ Côi, nhưng không có tiền nên gửi một truyện ngắn tới một tạp chí và được ông Chủ bút cho đăng ngay mà tác phẩm không bị sửa chữa bất cứ điều gì.
Mùa Hè năm 1901, ở tù đã hơn ba năm, O. Henry được trả tự do sớm nhờ hạnh kiểm tốt! Năm 1902, hàng tuần, O. Henry, theo hợp đồng, phải gửi cho tờ ‘The New York World Sunday Magazine’ một truyện ngắn. Tiền nhuận bút mỗi truyện là 100 đô la Mỹ, niềm mơ ước của bất cứ nhà văn Mỹ nào lúc bấy giờ.
Cả tòa soạn háo hức chờ đợi; ai cũng muốn được là người đầu tiên đọc tác phẩm mới của O. Henry!
Bảo Huân
o O o
Những tháng năm cùng quẫn O. Henry đã bỏ lại sau song sắt nhà giam. O. Henry danh tiếng giờ đây đã nổi như cồn. Tiền nhuận bút khá khẳm, nhưng vẫn không đủ xài vì tánh ông rất là hào phóng.
Cuộc hôn nhân thứ hai không hạnh phúc, O. Henry chìm trong men rượu! Ðến năm 1908, sức khỏe của ông sút giảm nhanh chóng. O.Henry lìa đời vào ngày mùng 5, tháng Sáu, năm 1910 tại New York trong sự cô độc, ở tuổi 48, vì xơ gan, vì tiểu đường và bị phì tim. O.Henry được chôn cất ở quê nhà North Carolina.
o O o
O. Henry mất cách đây hơn một thế kỷ mà ngày nay, mỗi mùa Ðông Bắc Mỹ, mùa Cúm, mùa sưng phổi lại về, chúng ta lại nhớ đến ông. Truyện ngắn của O. Henry thấm đẫm tình người. Mỗi truyện là một tuyên ngôn ‘nghệ thuật vị nhân sinh’.
Trong những truyện ngắn lừng danh đó phải kể đến tác phẩm: ‘The Last leaf’ ( Chiếc lá cuối cùng) xuất bản lần đầu vào năm 1907.
Chuyện rằng: “Sue và Johnsy là hai nữ họa sĩ trẻ sống trong Greenwich Village, Manhattan, thành phố New York, Hoa Kỳ. Behrman là một ông họa sĩ già sống cùng chung cư. Suốt cả cuộc đời, Behrman khao khát tạo nên một kiệt tác nhưng chưa làm được.
Mùa Ðông năm ấy, Johnsy bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô bị trầm cảm. Johnsy tuyệt vọng và nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng trên cây Trường Xuân dưới sân nhà rụng xuống, cũng là lúc Johnsy lìa đời.
Sue, người bạn thân thiết cùng phòng hết lòng chạy chữa cho Johnsy. Nhưng vô ích, Johnsy vẫn âm thầm đếm từng chiếc lá Trường Xuân rụng xuống, chờ cho đến ngày tận tuyệt.
Biết được ý nghĩ bi quan đó của Johnsy, ông họa sĩ già Behrman cô đơn thức suốt canh thâu để vẽ một chiếc lá Trường Xuân ở trên tường. Chiếc lá giống y như thật. Chiếc lá cuối cùng đó như đang cố bám vào cây Trường Xuân để chống chọi lại mùa Ðông giông bão. Nó đã kiên cường chiến đấu mà không chịu bỏ cuộc, không rụng dù trong đêm qua Trời nổi cơn bão lớn. Ðiều đó làm Johnsy suy nghĩ lại, cô muốn được sống, muốn được sáng tạo.
Johnsy trở về từ cõi chết nhưng Behrman lại chết vì sưng phổi sau một đêm tạo ra kiệt tác chiếc lá để cứu sống Johnsy.
o O o
Chiều cuối năm quê người, năm tận tháng cùng ngày sắp hết, tôi lại nhớ O. Henry sống một cuộc đời bi kịch. Bi kịch đó như chiếc lá Trường Xuân, kiệt tác của người Họa sĩ già vẽ trên bức tường trong một tối đêm Ðông trời New York.
Chiếc lá Trường Xuân đó không thể nào rơi vào quên lãng của đời người. Cho dù mải mê mần văn đến nỗi tiền nhuận bút không đủ mua rượu uống. Ðôi khi bánh mì cũng không đủ để mà ăn. (Ðói bao giờ cũng viết văn hay hơn lúc no! Mần văn nghệ nó tréo cẳng ngỗng vậy đó.)
Xin cúi đầu ngưỡng mộ, xin lạy quý nhà văn ba lạy. Mỗi tác phẩm của các ông là một chiếc lá Trường Xuân dâng hiến mãi cho đời!
Đoàn Xuân Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét