Buổi chiều, con đường quê gió lộng. Cũng là lần đầu tiên tôi đến gần những cánh đồng vàng óng màu lúa chín như hôm nay. Lúa chín tỏa mùi thơm lạ kỳ, cỏ chân tôi cũng có mùi thật dễ chịu.Tôi cứ hít cho căng lồng ngực, phút chốc quên mất con đường đang đi rất chông chênh. Dũ cứ hối: “Nhanh lên Ý Nhi ơi, em chậm quá!”. Dũ hối thì hối, tôi không thể nào đi nhanh được. Đường làng không phải là đường phố, mà con đường lại nhỏ rí như dành cho chim đi chứ chẳng phải cho người. Với lại tôi còn bận tận hưởng mùi lúa chín quá thơm tho và lạ kỳ.
Tại sao tôi phải vội vã? Tôi níu tay Dũ: “Mùi lúa thơm ghê, anh!”. Dũ nhìn tôi. Ánh nắng chiều sắp tắt đọng trong mắt anh lấp lánh: “Ừ, rồi em về đây ở, em sẽ cả đời nghe mùi lúa chín”. Tôi le lưỡi: “Em sợ con đường này lắm rồi”. Dũ cười: “Vậy thì đi nhanh lên, con dâu đi đám giỗ đợi nấu nướng xong mới chịu tới nhà chồng sao!”.
Tôi cố bước nhanh nhưng đôi giày cao gót cản bước. Tôi tháo giày, cầm trên tay, đi chân trần, không kìm được nhăn nhó: “Sao anh không tả con đường như thế này để em đi giày đế bằng”. Dũ lại cười: “Nhìn em đi chân trần thật dễ thương!”.
Tôi đang đi về nhà anh, đang bước về căn nhà có những người thân của anh, nơi người tôi yêu nhất được sinh ra và lớn lên. Ý nghĩ đó xua đi sợ hãi khi lần đầu đến một căn nhà hoàn toàn xa lạ. Vì anh năn nỉ mãi tôi mới có đủ can đảm đi đến đây. Từ tuần trước, Dũ đã thầm thì: “Tuần sau nhà anh có đám giỗ”. Tôi nghịch ngợm: “Em hiểu rồi, ý anh là mời em đi ăn giỗ phải không?”. Dũ thật thà lắc đầu: “Ba mẹ anh cũng muốn xem mặt con dâu tương lai”. Tôi nhìn anh, đùa dai: “Thì anh đem ảnh em cho ông bà xem được rồi. Cần gì em phải đi”. Dũ ôm tôi thật chặt: “Em chiều anh một chút đi Ý Nhi”.
Tôi yêu anh trọn hai mùa mưa gió, hai mùa có những lúc lạnh run cùng trú mưa dưới hiên nhà người lạ. Có lúc chia nhau ổ bánh mì. Cũng nhiều lúc giận hờn vì anh trễ giờ hò hẹn hay liếc mắt theo những cô gái khác. Hai năm tôi và anh đã đi qua nhiều ngã tư đường, đã đi qua những cơn mưa bóng mây hay buổi trưa nắng ran người. Kỷ niệm của hai năm giống như một cuốn sách, mỗi ngày trang viết dày thêm. Bao nhiêu lần anh nói: “Anh là con một. Anh nói em đừng giận, ba mẹ giục anh lấy cô Liễu cô Thúy gì đó trong xóm để sinh con nối dòng. Anh phải đưa em về nhà để xin ông bà cho cưới em”. Tôi cũng đã bao nhiêu lần lắc đầu: “Thế kỷ 21 rồi Dũ ơi. Lỡ ba mẹ anh không đồng ý thì anh bỏ em à?”. Dũ gãi đầu phân bua: “Không phải vậy. Hoàn toàn không phải vậy”. Và, câu chuyện đi vào ngõ cụt.
Cuối cùng thì tôi cũng đã theo anh tới nhà, dẫu phải chân trần lội qua đường đất chông chênh cỏ xanh. Nhà anh là một ngôi nhà gỗ cổ, theo anh nói dễ chừng tuổi đời của nó gần hai thế kỷ. Bên cạnh căn nhà cổ, dựng thêm một căn nhà mới, theo kiểu của người ở quê thường cất với chính giữa là phòng tiếp khách, sinh hoạt gia đình. Chái bếp để nấu ăn, hai căn phòng rộng để ở. Riêng phần thờ cúng thì dành hết trong căn nhà cổ kia.
Rồi cũng đến lúc anh đứng sau lưng tôi, đọc tên từng người để tôi cúi đầu chào, giống như người ta nhắc tuồng cho các diễn viên diễn kịch trên sân khấu: “Bà nội ba, bà nội út, cô Hai, cô Ba, chú Tư…”. Tôi choáng cả người vì không ngờ gia đình anh đông đến thế. Dù tôi có tập trung hết sức cũng không thể nhớ hết những cái tên. May mà có cô em họ anh, nhỏ Huệ đã đến gần tôi gợi chuyện: “Chị Ý Nhi dễ thương ghê. Em thích có mái tóc đẹp như chị, nhưng sao tóc em dài ra một chút là xơ cứng. Chị bày cho em cách dưỡng tóc đi”. Thật ra đó chỉ là cái cớ để Huệ làm quen với tôi. Trong khi mọi người bận bịu tất bật lo nấu nướng thì Huệ kéo tôi ra sau vườn. Vườn nhà anh có cả chục cây xoài, cây nào cũng to bằng hai người ôm. Huệ trải chiếc chiếu dưới bóng cây: “Hôm nay chị là khách, khách thì đừng lo chuyện bếp núc. Khi nào làm dâu hãy tính. Làm dâu trưởng là phải lo nấu nướng, cúng kiến, dọn mâm, mời chào dòng họ… ”. Rồi Huệ bụm miệng cười: “Còn chuyện này quan trọng lắm đó, chị phải đẻ ra một thằng con trai đích tôn thật sự cho dòng họ”. Tôi chưa kịp phản ứng thì Huệ kêu tôi đứng dậy, xoay người một vòng cho nó xem. Huệ lắc đầu: “Chết rồi, chị yểu điệu như vậy, chắc khó hoàn thành nhiệm vụ”. Huệ lại cười: “Làm dâu nhà này mà đẻ con gái đầu lòng thì coi chừng bị thất sủng đó nghen. Rồi cả họ cũng ép anh Dũ phải có vợ hai”.
Tôi yêu Dũ bằng tình yêu vẹn nguyên, ngây thơ và tha thiết của mối tình đầu. Tôi đã từng nhủ lòng là nếu không thành vợ anh thì tôi sẽ khó mà thành đôi với người đàn ông nào khác. Có người nói tôi vớ vẩn khi nghĩ như vậy bởi bao quanh ta là sự hồ nghi, phản bội, ngoại tình và biết bao điều bất tín khác. Nhưng giẫm qua con đường đầy cỏ thơm ngái, sau khi hít thở cùng mùi lúa chín, tôi đã có thêm quyết tâm cùng Dũ đi trọn cuộc đời.
Rồi cũng đến lúc căn nhà cổ mở cửa. Bộ bàn thờ lên màu gỗ đen bóng, những chiếc lư hương sáng bóng, những bức ảnh, linh vị... Tôi chưa kịp đếm thử xem có bao nhiêu người. Rồi mâm cỗ dọn ra. Mẹ anh bảo tôi quỳ lạy đúng cách. Tôi cúi gập người quỳ lạy vì tình yêu anh, trong khi bà nói nhỏ phía sau lưng: “Mai sau làm dâu nhà này phải nhớ từng đám giỗ, không được quên”. Tôi vừa quỳ lạy vừa thấy mông lung, không hình dung được làm sao có thể bỏ công việc bề bộn nhưng vô cùng yêu thích mà tôi đang làm, để về làm dâu nhà anh, nhớ từng đám giỗ? Trong khi suy nghĩ của tôi vẫn đang miên man giữa công việc và những đám giỗ thì mẹ anh lại kéo tôi ra gốc xoài, nơi Huệ đã đưa tôi ra. Bà cũng bảo tôi đứng dậy, đi một vòng, rồi nói: “Yểu điệu như vầy thì khó sinh con trai”. Rồi bà lại đưa tôi vào trong căn nhà cổ. Căn nhà còn nồng mùi nhang cúng. Bà chỉ cho tôi chiếc giường tre đặt ở một góc nhà. Bà lại nói: “Nếu lấy thằng Dũ, hai vợ chồng con sẽ ngủ trên chiếc giường này cho đến khi sinh con đầu lòng. Chiếc giường này đã truyền bao nhiêu đời rồi, bao nhiêu con dâu cũng đều ngủ ở đó, để tổ tiên phù hộ cho sinh con trai. Khi sinh nở xong, mới dọn ra ngoài ở”.
Tôi lại rơi vào một cơn hoang mang khác, không hình dung mình có dám nằm ngủ trên chiếc giường tre đã ngả đen. Có lẽ tôi sẽ không có đêm nào tròn giấc, hay có thể tôi sẽ dùng những viên thuốc an thần để dỗ dành giấc mộng đêm đêm của mình. Tôi nào quen ở trong một căn nhà cổ, mà cách một bức màn là chiếc bàn thờ với bao nhiêu linh vị? Tôi sẽ sống cùng với những linh vị đó vì tình yêu với Dũ. Nhưng giả sử tôi không sinh ra cho dòng họ nhà anh một đứa con trai thì chuyện gì sẽ xảy ra với tôi?
Khi tôi trở về phố, Dũ tận tình đưa cho tôi đôi dép, hình như anh đã nhờ Huệ chạy ra chợ mua, để tôi dễ dàng đi trở về trên con đường nhỏ. Anh nói với tôi: “Ít lâu sau con đường này sẽ được mở rộng, nghe nói dự án đã có rồi. Lần sau mình đi đám giỗ, em sẽ không vất vả như thế này nữa”.
Nắng chiều lóa chóa trên cánh đồng vàng, giống như có ngàn con chim hạc đang ríu rít tìm về. Quả thật là cảnh đẹp mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Nhưng tôi những điều đó chẳng thể nào níu tôi trở lại căn nhà cổ trăm năm của dòng họ anh. Tôi biết rằng xa anh tôi sẽ vô cùng đau khổ. Nhưng tôi cũng biết tôi sẽ mãi không làm vợ anh. Vì tôi không muốn đứa con tôi sinh ra đời, nếu may mắn là con trai, lại giống như anh, tiếp tục đưa người nó yêu thương về nhà dự giỗ, rồi tôi lại làm tổn thương tình yêu đó bằng việc yêu cầu con dâu tương lai phải ngủ trên chiếc giường tre kia để sinh ra một cậu con trai nối dõi.
Nhưng tôi cứ để cho Dũ vui, cứ để cho anh đưa tôi đi qua cánh đồng trong mùa lúa chín thật trọn vẹn ./.
Khuê Việt Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét