Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Theo chân anh chị Nguyễn Tài Ngọc lòng vòng San Diego


Thứ Hai vừa rồi, với tất cả nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm cao, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, và dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đứng đắn, hiệu quả, của một người chồng không gương mẫu, tôi rủ vợ tôi xuống San Diego chơi. Vợ tôi thì lúc nào cũng khẳng định, đánh giá cao tài chủ động linh hoạt với những kết quả thành công nổi bật nói-là-làm không-làm-thì-không-nói nếu-nói-có-khi-cũng-không-bao-giờ-làm của tôi nên đồng ý ngay với tình huống vừa phát sinh, lời đề nghị của chồng mình để tiếp tục phát huy tinh thần du lịch mà cả hai người cùng đóng vai trò nồng cốt trong đời sống vợ chồng độc-lập tự-do hạnh-phúc (tôi mà hiểu đoạn văn này là chết liền).
<!>
San Diego có nhiều kỷ niệm trong con tim không bao giờ biết nói láo chỉ biết nói dối của tôi: Tôi và gia đình rời Sài-Gòn chiều 29 Tháng 4 năm 1975, đến Phi-Luật-Tân ngày 4 Tháng 5. Ngày 9 Tháng 5 chúng tôi qua Guam, ở trại Asan Annex ba tuần cho đến 31 Tháng 5 thì bay sang trại Fort Indiantown Gap ở tiểu bang Pennsylvania.

Ở hơn một tháng trong trại, cứ hát nghêu ngao rồi thất vọng não nề sắp sửa tự tử vì chẳng thấy em nơi mô: “Giờ này em ở đâu?” , “Sao em không đến chiều nay Thứ Bẩy?”, “Hẹn chiều nay mà sao không thấy em?”…, thì chúng tôi được một nhà thờ -anh tôi quen biết trước- bảo trợ về San Diego.

Ngày 9 Tháng 7 1975, anh em chúng tôi rời trại. Tôi còn giữ vé máy bay bay ba chặng: từ Harrisburg đến Chicago, từ Chicago đến Los Angeles, và rồi từ Los Angeles đến San Diego.

Tháng 9 1975, tôi vào học lớp 12 trường Trung học Herbert Hoover High School trên đường El Cajon Blvd. Building cũ lúc tôi học đã bị đập phá để thay vào một dẫy nhà mới:


Dẫy nhà trông xa lạ nhưng tên trường với tôi không xa lạ một tí nào. Nó mang lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm bỡ ngỡ, xa lạ, bồn chồn khi bỗng dưng vào học ở một ngôi trường mới với học sinh, thầy cô ngoại quốc da trắng trao đổi ý tưởng với mình bằng ngôn ngữ tiếng Anh hoàn toàn xa lạ.


Tôi còn nhớ rất rõ ông Thầy Mỹ dậy tôi lớp Sử ký tên là Rosengrant. Ông ta mến tôi, chở tôi đến nhà ông ta chơi hai lần, và vì tôi nói thích xem máy bay, một lần ông ta chở tôi ra một nhà hàng ngồi ăn xem máy bay lên xuống. Đến bây giờ tôi không biết nhà hàng đó ở đâu.

Lý do ông ta mến tôi? Ông nghĩ tôi là học trò giỏi trong lớp ông ta. Thuở ấy anh chị Việt Nam tỵ nạn nào vào lớp tuổi Tiểu học, Trung học, thì ai cũng vào học trường Mỹ. Việt Nam mới qua đứa nào cũng nói tiếng Anh ba chớp ba nhoáng, nghe thì một chữ hiểu, mười chữ không. Lúc bấy giờ tôi vừa xấu hổ, vừa tội nghiệp cho Thầy Cô và các bạn học Mỹ phải lắng nghe bọn học sinh tỵ nạn nói tiếng Anh dở ẹc phát âm loạn xì ngầu.

Ấy thế mà một hôm sau khi tan lớp, ông ta gọi tôi lên, trả cho tôi bài test hai trang về Sử Ký tôi đã làm với điểm ông cho là A. Ông nói với tôi là ông đã gửi bài tôi làm lên văn phòng Hiệu Trưởng để khoe ông có một học sinh tỵ nạn Việt Nam giỏi.


Kèm theo bài làm của tôi, ông bấm vào một thẻ giấy nhỏ. Trên thẻ giấy đó, Thầy tôi viết gửi cho ba người mà một người, ông Yates, là Hiệu Trưởng. Còn hai người kia tôi không biết là ai:

“Gửi Mr. Yates, Mr. Robinson, Mrs. Ranta,”

“I feel that you should be made aware of the exceedingly high standard of one of our Vietnamese students. My other two are excellent also.”

“Tôi muốn cho ông/bà biết về tiêu chuẩn đạt cực kỳ cao của một trong những học sinh Việt Nam của chúng ta. Hai học sinh khác của tôi cũng xuất sắc.”

“(Ký tên) Rosengrant”


Bây giờ đọc lại tôi không khỏi buồn cười. Chín tháng sau khi rời Sài-Gòn vào tháng 4 1975, tôi học Trung học Mỹ viết bài test bằng tiếng Anh “bặm trợn”, thế mà Thầy tôi rất hãnh diện khoe với Hiệu Trưởng!

Năm đầu ở Mỹ, vì nhớ nhà không nghe tin tức gì từ Sài-Gòn, tôi cắt những tin tức liên quan đến Việt Nam trong tờ báo San Diego Union rồi dán vào vở để dành, cùng với bài test này tôi làm.

Đây là tin dân chúng Mỹ lúc bấy giờ rất ngạc nhiên là học sinh Việt Nam tỵ nạn quá giỏi so với học sinh Mỹ (Hệ thống Trung học Mỹ không bắt buộc tất cả học sinh phải học cùng môn học trình độ giống nhau. Người nào không thích môn nào, như Toán hay Sinh ngữ chẳng hạn, có thể học ít, vừa đủ đòi hỏi để tốt nghiệp. Do đó, tôi đoán là học sinh tốt nghiệp Trung học ở Mỹ chỉ bằng trình độ lớp 10 của Việt Nam hay của các nước Á-Châu. Khi lên đại học thì khác, ở Mỹ chỉ học chuyên môn về một ngành nên đại học Mỹ xuất sắc hơn nước ngoài. Đó là lý do tại sao sinh viên ngoại quốc đến Hoa Kỳ học Đại học, dù rằng trả học phí đắt khủng khiếp):


Và bản tin này vào năm 1975 sau khi Cộng Sản xâm lăng miền Nam. Thuở ấy không có Internet nên tin tức thời ấy bây giờ chìm vào quên lãng. Tôi dịch lại trọn vẹn bằng tiếng Anh để nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên lịch sử, để nhắc chúng ta những chuyện kinh khủng chính thể Cộng Sản đã làm sau khi chiếm miền Nam:


Việt (Cộng) cấm và đốt sách:

Saigon (UPI): Cả trăm sinh viên biểu tình hôm Thứ Sáu ủng hộ chính quyền Sài-Gòn mới trong cuộc vận động tiêu hủy sách báo, băng nhạc của chế độ cũ.

Tờ nhật báo của thành phố bằng tiếng Việt và tiếng Hoa tuyên bố dưới tựa đề lớn là việc cấm buôn bán hay oa trữ sách, đĩa, băng nhạc của chế độ cũ là điều cần thiết vì “phải tàn phá tất cả di tích của chế độ Mỹ ngụy”.

Tờ báo viết tiếp rằng sinh viên sẽ hướng dẫn cuôc vân động tiêu hủy sách vở của chế độ cũ để “lập nền tảng mới cho một cách mạng văn hóa mới”.

Tuân theo chỉ thị của nhà cầm quyền mới ban ra vào hôm Thứ Năm, cấm bán sách xuất bản trong thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước, hầu hết tất cả tiệm sách đã đóng cửa.

Cả nghìn người dân Sài-Gòn đốt sách của họ ở nhà vì không muốn bị bắt về tội tàng trữ sách cũ bất hợp pháp. Một người nói: “Tôi phải cho hết sách National Geographic Magazines của tôi mà tôi thật là thích”.

Cuộc vận động đốt sách này là nỗ lực to lớn đầu tiên (của Cộng Sản) để thay đổi bộ mặt Sài-Gòn từ thành phố tự do mở rộng đến khép lại, khe khắt.

Ở các rạp ciné, phim của phương Tây đã bị cấm. Thay vào đó là phim của miền Bắc, hầu hết là về chiến tranh.

Sinh viên đi rải truyền đơn tuyên truyền hôm Thứ Sáu với nội dung: “Mỗi người chúng ta hăng hái tham gia trừ khử những sự việc phản cách mạng và văn hóa đồi trụy. Tranh ảnh và phim quảng cáo về tình dục, sách thu hút người đọc để biến họ thành nô lệ, nhạc sôi động của chế độ cũ, tất cả là liều thuốc độc tàn phá tâm hồn tuổi trẻ”.

Chính thể Tần Thủy Hoàng và Cộng sản Mao Trạch Đông đốt sách với chủ đích ngu dân, thế mà Cộng sản Việt Nam bắt chước theo. Chúng ta không thể nào quên lịch sử để nhiệm vụ của mỗi công dân là ngăn ngừa nó sẽ không tái diễn.

Lần này đi San Diego chúng tôi ở khách sạn mà tôi rất thích, tôi cho điểm 10/10: Grand Hyatt Manchester San Diego, 1 Market Place.


Lobby của nó cao ngất ngưởng, nguy nga, tráng lệ.


Hồ bơi to với khung cảnh đẹp. Cảnh từ phòng tầng thứ 30 trông ra đẹp tuyệt vời, nhìn vào downtown và một mé biển.




Grand Hyatt Manchester có đến hai hồ bơi dài 25 thước, bơi mấy chục hồ đủ mệt xí quách. Nhiều ghế dài nằm thoải mái, cảnh nhìn ra biển đẹp:





Địa điểm sát biển của nó hoàn hảo: đi bộ ba phút là ra ngay Seaport Village, 849 W Harbor Dr, San Diego:










Khoảng chừng 15 năm nay, mỗi lần tôi đến Seaport Village thì lúc nào cũng thấy một anh chàng này -sống nhờ du khách cho tiền- có bàn tay nhiệm mầu: anh ta lấy đá ở biển xếp chồng lên nhau, không đổ. Anh mời mọi người thử làm, không ai chồng được hơn 3 cục đá, thế mà anh ta chỉ tốn vài phút là chồng 5, 6 cục lên nhau dễ dàng.


Từ khách sạn đi bộ 12 phút là đến Hàng Không Mẫu Hạm Midway, di tản người Việt tỵ nạn tháng Tư năm 1975, bây giờ là bảo tàng viện. Kế đó là bức tượng khắc từ ảnh chụp nổi tiếng của một anh chàng thủy thủ vớ đại và hôn một cô gái trên đường phố New York, để ăn mừng chiến tranh Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt:








San Diego có lắm chỗ xem. Tôi liệt kê những nơi tôi đi lần này:

Cabrillo National Monument , 1800 Cabrillo Memorial Dr (giá vào cửa $20 dollars/một xe):

Đây là đài tưởng niệm Juan Rodriguez Cabrillo người Tây-Ban-Nha đã có công dẫn đoàn thám hiểm Âu Châu đầu tiên đến phía Tây của nước Mỹ, San Diego, vào năm 1542.






Point Loma Lighthouse (trong khu Cabrillo National Monument bên trên): / Đèn Hải đăng Point Loma, xây năm 1855, bây giờ không còn dùng nữa.





Fort Rosecrans National Cemetery – Nghĩa Trang Quân đội 1700 Cabrillo Memorial Dr.




Harbor Islands:

Chỗ này là một dải biển, có sân cỏ. Đem chăn chiếu ra đây picnic và ngủ một giấc thì nhất. Ngày xưa độc thân khi ở San Diego, thỉnh thoảng tôi và vài anh bạn ra đây bắt mấy con còng đem về nhà giã nấu bún riêu. Thời đó điếc không sợ súng, không dùng cần câu, chúng tôi cuộn chỉ bắt cá vào ống lon nước ngọt, quăng mồi ra biển. Thấy cái lon lăn tứ phía kêu loong toong là biết cá cắn mồi. Không hiểu sao mà lúc đó lại không bị cảnh sát bắt. Chắc có lẽ ông Đạo Dừa phò hộ cho tôi. Cho GPS địa chỉ của khách sạn Sheraton để đến đây vì không có địa chỉ nhất định: 1590 Harbor Island Dr.




Old Town, 4002 Wallace St:

Một khu nhà cửa cổ xưa kiến trúc Mễ-Tây-Cơ. Nghèo nàn và chẳng đáng xem, trừ khi quý vị muốn mua souvenir. Tôi thấy Old Town của thành phố Albuquerque, tiểu bang New Mexico đẹp và vui nhộn hơn.







Heritage Park, 2454 Heritage Park Row:

Thành phố San Diego mua và duy trì khoảng chừng 8 căn nhà xưa ở đây. Những nhà này xây vào khoảng thập niên 1880, kiểu kiến trúc Victorian.






Sunny Jim’s sea cave, 1325 Coast Blvd, La Jolla:

Chỗ này là một đường hầm với 145 bậc thang từ trong một tiệm chạp phô đi xuống biển. Ngày xưa vào năm 1902 dân buôn bán rượu lậu có lẽ đào đường hầm này. Bây giờ khách phải trả $10 dollars để xuống xem. Không đáng tiền một tí nào.




Harper's Topiary Garden, 3549 Union St.:
Đây là một nhà tư nhân mà chủ nhà bỏ ra bao nhiêu công sức uốn nắn 50 cây ở vườn trước thành hình dạng thú vật. Tôi đứng cạnh con cá voi. Có nhiều cây tôi không biết hình dạng là con gì hay cái gì.




Spruce Street Suspension Bridge

W Spruce St, San Diego, CA 92103

San Francisco có cầu treo. San Diego cũng có cầu treo.

Cầu treo của San Francisco ai cũng biết tên: Golden Gate Bridge. Cầu treo của San Diego, chính người đã từng ở San Diego như tôi cũng chẳng biết tên: Spruce Street Suspension Bridge.

Cầu treo San Francisco mỗi ngày có 112000 xe hơi lái qua. Cầu treo San Diego chỉ có ...ma đi bộ qua.

Cầu treo của San Francisco có nghìn du khách đến xem mỗi ngày. Cầu treo của San Diego… chỉ có mỗi một vợ chồng tôi là du khách buổi sáng hôm ấy.

Thảm thương quá.



San Diego là thành phố lý tưởng: gần biển, khí hậu ôn hòa, có nhà hàng chợ búa Việt Nam rải rác khắp nơi, nhiều chỗ đi thư giãn -gần chứ không xa-. Tôi nghĩ trong các thành phố ở California, San Diego là thành phố có nhiều nơi đi xem thắng cảnh nhất. San Diego chỉ có một “khuyết điểm” là khí hậu quá ôn hòa (Tôi thích lạnh -đừng lạnh lắm- nên thành phố Simi Valley tôi ở bây giờ đối với tôi là nhất về thời tiết vì ban đêm đôi lúc xuống 0 độ C).

Du khách ở các tiểu bang khác đến viếng khu Việt Nam ở Orange County nhất định là nên để ra một hay hai ngày viếng thăm San Diego. Tôi bảo đảm sẽ chẳng bõ công.

Nguyễn Tài Ngọc

January 2022

Không có nhận xét nào: