LTS: Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa số 134, tháng 10, 2020 đăng bài viết: Đọc sách “Mặt Trận Ở Sài Gòn” của Ngô Thế Vinh của Nguyễn Văn Tuấn. Trong phần Lời Tòa Soạn đã nhắc đến tác phẩm Vòng Đai Xanh (VĐX) của nhà văn Ngô Thế Vinh, nhà xuất bản Thái Độ ấn hành năm 1970 được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 71. Đây là tác phẩm thứ tư sau Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964), Gió Mùa (1965) từ thời sinh viên y khoa. Tác phẩm VĐX nầy đã gây xôn xao trong giới cầm bút ở Sài Gòn và giới chức chính quyền vì nhận thức khác nhau vào thời điểm đó.
<!>
Tốt nghiệp Y Khoa năm 1968, Ngô Thế Vinh, bác sĩ trưng tập, gia nhập quân y, phục vụ tại binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt và sau đó giữ chức vụ Y Sĩ Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
Nhà văn Trang Châu, tác giả bút ký Y Sĩ Tiền Tuyến, tác phẩm được trao giải Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1969; Tốt nghiệp Y Khoa năm 1966, bác sĩ trưng tập, phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù.
Đầu thập niên 60, nguyệt san Tình Thương của sinh viên Đại Học Y Khoa Sài Gòn không thuần túy về lãnh vực chuyên môn mà với những bài viết văn học nghệ thuật rất giá trị. Hai con chim đầu đàn của tờ Tình Thương là Trang Châu và Ngô Thế Vinh, được 4 năm thì bị đóng cửa vào năm 1966 vì lý do chính trị.
(Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc là giải thưởng do Phủ Tổng Thống trao tặng nên còn gọi là Giải Văn Chương Tổng Thống. Sau năm 1970, Giải này do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa tổ chức. Có các bộ môn tranh giải tùy theo năm về Hội Họa, Âm Nhạc, Điện Ảnh, Thơ, Truyện (truyện ngắn truyện dài)…
Sau 1975, Ngô Thế Vinh bị 3 năm tù ở Suối Máu, Trảng Lớn, Phước Long, Bù Gia Mập… Ra tù, về Sài Gòn, thời gian sau trở lại làm việc tại Trung Tâm Phục Hồi Bà Huyện Thanh Quan và Vật Lý Trị Liệu Sài Gòn. Năm 1983 được định cư tại Hoa Kỳ (vợ vượt biên và bảo lãnh).
Trong thời gian ở Sài Gòn, anh là chứng nhân của giai đoạn lịch sử nên khi ở Hoa Kỳ, ấn hành tuyển tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa gồm 18 chân dung (có Cao Xuân Huy & Phùng Nguyễn được biết sau nầy). Và, hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch như lời cảnh báo mà hiện nay đang xảy ra.
Cuốn sách Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn – Người Ði Tìm Mùa Xuân của một nhóm tác giả do Ngô Thế Vinh chủ biên, được ra mắt vào đúng ngày 30 tháng Tư năm 2019. Qua những tác phẩm của Ngô Thế Vinh thể hiện tấm lòng của anh với chiến hữu, đồng nghiệp và quê hương trải qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
Tác phẩm Vòng Đai Xanh được tái bản lần thứ nhất tại hải ngoại vào năm 1986. Tác phẩm được dịch qua tiếng Anh dưới tựa đề The Green Belt (Ivy House Publishing Group 2004). Lần tái bản nầy Vòng Đai Xanh – The Green Belt – Bilingual Viet/English, do Văn Học Press & Việt Ecology Press ấn hành. Sách dày 448 trang. Phần tiếng Việt có 245 trang. Gồm 20 chương và các bài viết về tác giả, tác phẩm. Phần tiếng Anh từ trang 257 qua bản dịch của Nha Trang & William L. Pensinger.
Theo lời nhà xuất bản Văn Học Press đã giới thiu tổng quát về tác phẩm “… Cuốn sách viết về số phận bi đát của những người Thượng sống trên vùng đất mà ngày nay gọi là Tây Nguyên. Sẵn có mối mâu thuẫn với người Kinh, cộng thêm chính sách “Dinh Điền” đầy bất công dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, người Thượng giang rộng vòng tay đón nhận sự trợ giúp của đoàn quân Mũ Xanh Mỹ với niềm hy vọng thiết lập một quốc gia Đông Sơn riêng biệt, hoặc chí ít một vùng đất tự trị bao gồm gần 30 sắc dân khác nhau sinh sống trên suốt dải đất miền cao đó. Giấc mơ của họ đã bị đập tan không thương tiếc, một phần vì họ đã quá ngây thơ…
… Khi chấp nhận cộng tác với lính Mũ Xanh, những người Thượng hiểu rõ họ đã trở thành thù địch của phe Cộng, và khi bị phe lính Mũ Xanh bỏ rơi, thật mau chóng và dễ dàng họ biến thành miếng mồi ngon cho phe Cộng, và đối với phe Cộng hình phạt nhẹ nhất cho kẻ phản bội là chặt đầu, ném xác xuống suối! Nặng hơn thì cả một buôn bản bị tàn sát, không chừa một mống dù là con vật…”
Và, tác hại đắng cay của người Thượng:
“… Sau khi Cộng Sản chiếm trọn miền Nam năm 1975, hàng chục ngàn người Thượng đã bị lùa vào các “trại cải tạo,” lãnh tụ bị hành quyết, buôn bản cô lập, từng đoàn người già trẻ lớn bé phải vượt đường bộ tìm lẽ sống qua cái chết sang tị nạn tại các quốc gia láng giềng. Sự ngược đãi tưởng như chưa sắc dân nào trên thế giới chịu đựng nhiều hơn. Thậm chí gần đây, làn sóng người Thượng tị nạn từ Việt Nam sang Campuchia vẫn không ngưng, mà chỉ chậm lại khi chính quyền Campuchia ra lệnh trao trả lại Việt Nam những người tị nạn đó.
Bởi thế tính thời sự của cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh không hề suy giảm. Nó vẫn nóng bỏng với những chất vấn cho lương tâm nhân loại ở kỷ nguyên hiện đại này”.
Qua hai lần tái bản Vòng Đai Xanh, ghi lại tiêu biểu những dòng chia sẻ, nhận định của các vị thức giả và đồng nghiệp về tác phẩm:
* BS Trần Ngọc Ninh, GS đại học Y Khoa Sài Gòn, Tổng Trưởng Văn Hóa Xã Hội đặc trách Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa,: “Vòng Đai Xanh là một công trình của lương tâm và dấn thân can đảm. Ngay khi xuất bản lần đầu tiên, cuốn sách đã được giới trí thức miền Nam đón nhận rộng rãi và tán thưởng nhưng đồng thời cũng bị chính quyền miền Nam lên án là phá hoại…
… Đối với người Việt, thì thảm kịch của thời đại chúng ta là mọi cuộc chiến tranh hôm nay và cả trong tương lai đều mang mầm mống hủy hoại mà Vòng Đai Xanh như một điển hình đa diện và ở nhiều mức độ khác nhau. Những sắc dân Thượng ấy đã không có tiếng nói. Đến bao giờ thì ‘tiếng nói thầm lặng’ của họ mới thực sự được lắng nghe?”
* Mặc Đỗ, nhà văn, nhà nghiên cứu cùng Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Điểm, và thành viên sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam: “Trong cơn lốc bão táp của cuộc chiến tranh Việt Nam đang bị sa lầy, các nhà quan sát như thành phần liên hệ đã đưa ra những quan điểm thiên lệch. Ngô Thế Vinh đã trực tiếp tham dự và Vòng Đai Xanh đã cống hiến chúng ta tất cả những sự kiện”.
* Theo Gerald C. Hickey, tác giả Free in the Forest, Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands, 1954-1976
“Tôi đọc Vòng Đai Xanh với nhiều quan tâm. Cuốn sách đã gợi lại ký ức về Cao Nguyên vào những năm 60 và cả những biến cố liên quan tới Phật Giáo và sinh viên cũng trong giai đoạn bất an đó. Rõ ràng là tác giả Ngô Thế Vinh đã hiểu biết rất rõ về các sắc dân Thượng cùng với những nguyện vọng của họ giữa và sau cuộc chiến tranh. Những tin tức hiện nay mà tôi nhận được từ Cao Nguyên thật đáng buồn. Người Thượng đang phải đối đầu với những mối đe dọa tệ hại hơn bao giờ hết trên nếp sống của họ. Cũng như người Pháp trước đây, người Mỹ đã dùng người Thượng và sau đó đã lạnh lùng bỏ rơi họ. Điều mà người ta có thể làm là cố gắng tạo mối quan tâm từ các nhà lãnh đạo Mỹ ở Hoa Thịnh Đốn. Hy vọng và vẫn chỉ là hy vọng”.
* Theo Oscar Salemink, tác giả The Ethnography of Vietnam’s Central Highlanders: “Tôi rất xúc cảm về những hiểu biết, tầm nhìn xa và mối từ tâm mà Ngô Thế Vinh đã dàn trải trong Vòng Đai Xanh, cuốn sách được viết từ hơn 30 năm trước. Mặc dầu là một tiểu thuyết nhưng nhiều biến cố mang ‘dấu ấn lịch sử’ và một số nhân vật thì như là rất thật. Đối với những phe phái liên hệ, qua những biến động và nghịch cảnh, thì các sắc dân Thượng luôn luôn là hình ảnh nạn nhân của các chính sách và những cuộc tranh chấp.
* Jose Quiroga, Giám Đốc Chương Trình Các Nạn Nhân Bị Tra Tấn, Los Angeles: “Các sử gia, nhà báo, chính trị gia, các nhà quân sự và tiểu thuyết gia đã viết nhiều sách về cuộc chiến tranh Việt Nam. Vòng Đai Xanh là một tiểu thuyết mạnh mẽ, lôi cuốn và đặc sắc do một y sĩ nhà văn viết ra, về những tác hại của cuộc chiến tranh trên con người đặc biệt trên thiểu số những người Thượng sống trên các vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam và họ là nạn nhân của sự kỳ thị. Do vùng đất ấy vốn là địa bàn chiến lược trong cuộc chiến khiến cho cuộc sống vốn thanh bình của những người Thượng đã bị biến đổi vĩnh viễn. Các điều kiện nhân quyền của những nhóm người Thượng thiểu số cần được sự quan tâm của quốc tế.
* Nhà văn Nhật Tiến: “Đọc Vòng Đai Xanh, để thấy từ hơn ba thập niên trước, Ngô Thế Vinh đã vẽ lại khung cảnh một Cao Nguyên Trung phần Việt Nam với tất cả những khía cạnh bi thảm trong thời chiến, đã phơi bày đâu là cội nguồn của sự bất an và soi rọi ánh sáng của từ tâm vào thân phận của các sắc dân Thượng. Trên 30 năm đã trôi qua, tình cảnh của người Thượng hầu như không đổi khác nếu không muốn nói là tồi tệ hơn. Thế giới bên ngoài hầu như vẫn chưa nhận ra hết hệ quả của những định kiến sai lầm vốn đã góp phần vào những thảm kịch đó.”
* Nhà văn Phan Nhật Nam: “Nỗi đau thương của đất và người – người Việt Nam, người sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên luôn giữ nguyên sắc đột từ bao đời nay. Vận mệnh nước Việt miên Nam chỉ trong vòng 50 năm qua đã được quyết định từ những lần thất thủ, bỏ mất Tây Nguyên. Với tấc lòng tha thiết trung hậu, từ viễn kiến sắc sảo của kẻ sĩ dụng văn, Ngô Thế Vinh trong những năm xa xôi, lúc tuổi còn rất trẻ, đã thấy ra điều bất hạnh của 29 sắc dân thiểu số, viết nên cuốn sách về một vòng đai không hề nối kết được ở Tây Nguyên, “về một cuộc chiến bị lãng quên giữa chiến tranh Việt Nam, được nhắc nhở nhiều nhất trong lịch sử báo chí Mỹ”.
* Nguyễn Sa Mai, Wordbridge Magazine: “Vòng Đai Xanh không phải là một tường thuật về cuộc chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến tranh hao mòn đối với các phe tham chiến cho tới ngày sụp đổ của miền Nam Việt Nam năm 1975. Vòng Đai Xanh thực chất là chứng nhân cho nỗi thống khổ của con người nói chung, và cho cuộc đấu tranh sinh tồn của các dân cư trong cuộc chiến tranh ấy. Tác giả gọi đó là “cuộc chiến bị lãng quên” với những người Thượng trên Cao Nguyên Trung phần Việt Nam hoàn toàn không được bảo vệ, họ điển hình là những nạn nhân chiến tranh bị kẹt giữa hai làn đạn và không có lối thoát”.
* Ánh Nguyệt, Radio France Internationale: “Có lẽ Vòng Đai Xanh là một trong những tác phẩm hiếm hoi đã tìm kiếm và soi rọi căn nguyên cuộc chiến đấu của những sắc tộc thiểu số ở Tây nguyên . Ít ai nhìn thấy bên trong cái vẻ chất phác của những con người sống gần và sống với thiên nhiên ấy là niềm khao khát tự trị, tự do, giống như một ngọn lửa cháy mãi từ bao nhiêu năm qua mà không cơn cuồng phong nào dập tắt hẳn được. Nhưng khát vọng ấy nếu không bị vùi dập cũng đã bị bao nhiêu thế lực lợi dụng và, cho đến ngày nay tình thế của nguời Thượng vẫn không thay đổi.
… Vòng Đai Xanh vừa là cái nhìn tỉnh táo của một nhà quan sát, vừa là cảm xúc của một nguời cầm bút, là tấm lòng của một con người đối với con người bị áp bức, kém may mắn hơn mình về mọi mặt. Không chỉ ba mươi năm trước mà cho đến mãi mãi về sau, Vòng Đai Xanh vẫn xứng đáng là một tiểu thuyết tiêu biểu của một cuộc chiến đấu dai dẵng vì một khát vọng chính đáng”.
* GS Nguyễn Văn Tuấn, Garvan Institute, Sydney Australia: “Vòng Đai Xanh không phải chỉ là tiêu đề của cuốn tiêu thuyết, đó là một ý niệm quân sự từ Ngũ Giác Đài trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản trên toàn thế giới. Những đơn vị Mũ Xanh đã được thành lập với nhiệm vụ xâm nhập vào các cộng đồng sắc tộc thiểu số trên các vùng rừng núi cao nguyên, trong đó có Việt Nam nhằm biến những người Thượng thành những lực lượng quân sự có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của Bắc quân vào miền Nam Việt Nam, hay nói một cách khác họ tìm cách thiết lập một vòng đai xanh nhằm ngăn chặn cộng quân.
… Quyền lợi của người Mỹ không nhất thiết liên quan tới quyền lợi của người Thượng. Đó cũng là tấn thảm kịch khi quá lệ thuộc vào quyền lực ngoại bang. Vòng Đai Xanh viết về tấn thảm kịch ấy.
Mặc dầu tiểu thuyết Vòng Đai Xanh đề cập tới tấn thảm kịch của người Thượng ở Cao Nguyên trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng vẫn có thoáng xen kẽ vào đó là chuyện tình giữa một nhà báo và một cô gái thành thị trung lưu rất Tây phương và học thức có tên Như Nguyện. Câu chuyện tình ấy được kể bằng một ngôn ngữ rất tượng trưng và rất thơ mộng.
Vòng Đai Xanh sẽ giúp ích cho những ai muốn tìm hiểu về một ‘khía cạnh khác ít biết’ về giai đoạn can thiệp quân sự của người Mỹ ở Việt Nam”.
* Nhà văn Hoàng Mai Đạt: “Vòng Đai Xanh vẫn để lại trong người đọc một nỗi buồn về thân phận các dân tộc thiểu số trên Cao nguyên Việt Nam. Thân phận của họ đã bị dày xéo giữa các thế lực trong chiến tranh cũng như sau thời chiến. Sự tồn tại của dân tộc Thượng đang mỗi lúc một bi thảm hơn, bước dần tới sự diệt vong trong thế kỷ này. Ngô Thế Vinh đã viết Vòng Đai Xanh với phân tích thời sự trong thập niên 60 qua đôi mắt của một bác sĩ chuyên nghiệp, ông cũng viết tác phẩm này với lương tâm của một nhà văn”.
* Nhà văn Nguyễn Quốc Trụ, người bạn vong niên, trong bài viết Đỉnh Cồn, Vòng Đai Xanh, ghi nhận: “Thật kỳ cục, đọc Vòng Đai Xanh, tôi vẫn có cảm giác đây là một cuốn biên khảo, một thứ khảo cổ học (archeology), được sử dụng theo nghĩa của Michel Foucault, không họ hàng gì với địa chất học (geology), hoặc phả hệ học (genealogy). Ở đây là khảo cổ học về nguồn gốc một cuộc chiến (trong một cuộc chiến). Hoặc có thể coi đây là chương mở đầu của một trường thiên tiểu thuyết về cuộc chiến Việt Nam”.
* Tâm tình Ngô Thế Vinh qua Vòng Đai Xanh của Lại Mạnh Cường trong giới Y Khoa, trích đoạn: “Trong vai trò một chứng nhân lịch sử có ý thức thật cao, Ngô Thế Vinh mượn các nhân vật trong Vòng Đai Xanh như một diễn đàn, để phân tích thời cuộc tại Tây Nguyên thật sâu sắc. VĐX làm nhiệm vụ “cái móc áo”, để tác giải diễn đạt tâm tư thầm kín của mình trước tình thế dầu sôi lửa bỏng của quê hương và dân tộc.
… Trong VĐX tác giả nhiều lần dẫn chứng thái độ không nên không phải của người Mỹ đối với phía VN. Người Mỹ thường nói xấu đồng minh thân thiết nhất của mình. Họ chê bai, dè bỉu phía VN vừa lười vừa hay ăn hối lộ, ăn chặn tiền viện trợ… Cố vấn Mỹ lại thường tỏ thái độ trịch thượng, thích bắt chẹt khi phía VN nhờ vả trong bất cứ chuyện gì, kể cả khi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc. Đã thế họ còn gieo tiếng xấu cho phía VN…”
*
Năm 1969, tôi về phục vụ tại Tiểu Đoàn 20 CTCT, biệt phái làm Trưởng Ban Điều Hành của Trung Tâm Hành Tâm Lý Chiến Vùng II Chiến Thuật nên có cơ hội đi khắp vùng cao nguyên. Vì ở nơi nầy nên nghe đề cập đến phong trào Fulro nổi dậy rất mạnh ở Cao Nguyên.
Dưới thời Vua Bảo Đại, người Thượng được hưởng quy chế tự trị hưởng đặc quyền, đất của họ được gọi là “Hoàng Triều Cương Thổ”. Nhưng dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, họ bị tước mất các quyền nói trên, nên họ nổi dậy phong trào mệnh danh là “Thượng Tự Trị”, khởi đầu từ năm 1957; và những năm sau cũng là thời cơ cho Thượng cộng tuyên truyền, khích đông lòng hận thù đối với người Kinh qua các vụ thảm sát thân nhân sĩ quan VNCH và cả thường dân.
Trung Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Quân Đoàn II thuyết phục đồng bào Thượng, hỗ trợ đời sống đồng bào Thượng từ phương tiện du chuyển đến y tế, trường học… và bổ nhiệm các nhân vật người Thương vào cơ quan công quyền. Là vị Tướng có công thu phục phong trào Fulro trong giai đoạn đó.
Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB – ARVNSF) đơn vị quân sự tinh nhuệ của Quân Lực VNCH nhưng sau những biến động chính trị nên bị giải tán.
Khi Mỹ hỗ trợ Lực Lượng Đặc Biệt (Special Forces) chỉ là tổ chức Dân Sự Chiến Đấu (CIDG – Civilian Irregular Defense Group) gồm toàn người Thượng cao nguyên. LLĐB được Mỹ huấn luyện, vũ trang, cung cấp quân nhu, tổ chức thành đơn vị đồn trú tại một số trại lớn rải rác ở miền núi, hành quân dọc theo biên giới giữa cao nguyên Việt Miên Lào. Mỗi trại được đặt dưới quyền chỉ huy của một số sĩ quan Quân Lực VNCH và một số sĩ quan Cố Vấn Hoa Kỳ… Khoảng tháng 9/1969, xảy ra chuyện đổi tiền đô la đỏ, chị tôi nhờ đổi giùm và quen với sĩ quan ở C2 LLĐB đồn trú ở Pleiku, gần Quân Đoàn, tôi mới biết thêm về binh chủng nầy.
Vì vậy khi tác phẩm Vòng Đai Xanh vừa ấn hành, tôi đọc rất thích vì tìm hiểu thêm về vai trò LLĐB và người Thượng cao nguyên trong thời chiến tranh.
Khi đọc tờ Bách Khoa (6/1972) nhà văn Ngô Thế Vinh cho biết: “Tôi đã phải tự cắt xén đi gần một nửa số trang của cuốn sách. Đó gần như một sự phá hỏng tác phẩm với mục đích để được xuất bản…
… Thoạt tiên anh Thế Nguyên chủ trương nhà Trình Bày, nhận xuất bản. Sau anh chịu thua kiểm duyệt. Anh Thế Uyên chủ trương nhà Thái Độ lại nhảy vào vòng tranh đấu và anh kiên nhẫn làm đơn từ lên xuống mãi, rồi sau cùng thì kiểm duyệt nhượng bộ, Thế Uyên thành công và Vòng Đai Xanh được ra đời sau những hậu thuẫn nhiệt thành của các anh em cầm bút trên báo chí”.
Lúc đó, cảm nhận lối hành văn qua bút ký của tác giả lôi cuốn người đọc vào tác phẩm, sự trăn trở, tình cảm sâu xa của tác giả của người Thượng, sự ngạo mạn của sĩ quan Mỹ Green Beret… Có lẽ điều đó bị kiểm duyệt vì sợ đụng chạm đến người bạn Đồng Minh.
Sau nầy khi đọc tác phẩm Khi Đồng Minh Tháo Chạy của TS Nguyễn Tiến Hưng, hồi tưởng lại trong Vòng Đai Xanh viết thời trai trẻ với tâm nhìn quá già dặn, xuất sắc.
Nhận được tác phẩm Vòng Đai Xanh – The Green Belt vừa mới ấn hành do tác giả gửi tặng. Qua email, Việt Hải khơi dòng:
“Nguyên thủy Vòng Đai Xanh không phải chỉ là một tác phẩm xếp dưới dạng loại tiểu thuyết, mà chính ra nó là một tập sách về thời cuộc, dạng xã hội chính trị, loại biên khảo sự liệu giữa nhiều yếu tố như người Thượng cao nguyên sống giữa 3 thế lực: người Mỹ, CS Bắc Việt và VNCH. Sách chỉ qua được sự kiểm duyệt của Bộ Thông Tin, nếu sách được trình bày như một cuốn tiểu thuyết. Bởi lẽ vì những yếu tố ‘nhậy cảm’ bên ‘phe ta’ cần những giới hạn ‘phải giới hạn’. Cho nên tác giả phải ‘ngụy trang’ sách như truyện tiểu thuyết, Khi ta nghiên cứu lịch sử hay chấp bút biên khảo môn nhân chủng về một sắc dân bị đè nén, bị thiệt thòi (có thể bị diệt chủng chẳng hạn), yếu tố công minh tôn trọng sự thật rất cần thiết đối với tình huống cho ngòi bút bị giới hạn bởi sự nhiêu khê, khi ta phải chọn lựa giữa 2 điều khó xử (dilemma of choices). Đề tài trong tác phẩm đã được tác giả nêu ra khéo léo về sự thiệt thòi của người Thượng đáng thương hại, nạn cửa quyền tham ô ăn chận viện trợ của quan ta, nạn hống hách của quan Mỹ, và sự tàn ác của CS.
… Đoc Vòng Đai Xanh tôi trân quý tác phẩm, tôi muốn tôn vinh ngòi bút Ngô Thế Vinh. Ra trường y khoa, một bác trẻ từ bỏ cuộc sống sung sướng của thủ đô với ánh đèn màu, tình nguyện gia nhập binh chủng tác chiến với màu áo camouflage, LLĐB trấn đóng nơi vùng Tam Biên, đèo heo hút gió ở khu vực Tam Giác Vàng, giữa 3 biên giới. Trong thời tiết khắt nghiệt chịu đựng giá rét mưa rào, địa thế ngã ba Đông Dương, giao điểm tiếp giáp Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào) và Rattanakiri (Campuchia). Người lính trận chịu đựng những gian nguy, khổ cực. Bao nhiêu người muốn như vậy?”.
Việt Hải nói tôi viết về Vòng Đai Xanh trong tình thế hiện nay… Khởi đầu Chương III, tác giả viết: “Trên khắp cao nguyên tôi ít thấy những người lính Mỹ nói tốt về các đồng minh Việt Nam của họ. Đó cũng là một lối diễn tả được coi là nhẹ nhất khi nói về mối ác cảm của dư luận báo chí Mỹ đối với những khó khăn Kinh Thượng ở cao nguyên…
… Thật không lúc khi chúng tôi đang đứng ở một cứ điểm nóng nhất của cuộc chiến tranh để nghĩ vẩn vơ về một dư luận bên trời Âu hay ở tận nước Mỹ”.
Từ cứ điểm nóng nhất ở đồi Delta năm 1969 đến nay đã hơn nửa thế kỷ ở Little Saigon, báo chí Mỹ hay truyền thông Mỹ đã đánh mất vai trò khách quan, trung thực, chính xác mà John Hohenberg, giáo sư báo chí của Đại Học Columbia đề cập trong quyển The Professsional Journalist. Truyền thông bây giờ càng ngày càng đi vào vũng lầy của dư luận, phe nhóm, đê tiện, dựng chuyện, Fake News… chửi bới lung tung, hạ cấp.
Với tác phẩm Vòng Đai Xanh, nếu tôi viết cũng là sự trùng lặp những dòng chia sẻ, nhận xét của nhiều cây bút đã nêu trên.
Little Saigon, Jan 23, 2021
Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét