Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Tin ông Trump tính lập đảng mới gây tranh cãi - VOA

 

Ông Trump đã lui về cuộc sống thường dân ở Florida

Trước tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đang có ý định thành lập một đảng mới tách ra khỏi Đảng Cộng hòa, có người cho biết kiên quyết trung thành với ông nhưng cũng có người chỉ trích.‘Còn tùy vào các thượng nghị sĩ’Tuần trước, nhiều cố vấn của Trump xác nhận với CNN rằng ông có bàn tới chuyện thành lập một đảng thứ ba, nhưng họ không tin đó là ý định nghiêm túc. Cho tới nay, ông Trump chưa ra chỉ dấu thẳng thừng ủng hộ việc này.

<!>

Tờ Washington Post cho biết trong những tuần gần đây, ông Trump có lưu ý tới ý tưởng lập đảng thứ ba gọi là Đảng Ái quốc và chỉ thị các phụ tá chuẩn bị những thách thức bầu cử đối với các nhà lập pháp quay lưng lại với ông trong những tuần cuối nhiệm kỳ. Theo nhiều người thân cận của ông Trump, tiết lộ với điều kiện ẩn danh, ông Trump nói rằng đe doạ lập đảng thứ ba sẽ là một đòn bẩy để ngăn các thượng nghị sĩ Cộng hoà trước việc biểu quyết kết tội ông trong vụ xét xử luận tội tại Thượng viện sắp tới đây.

Mới đây nhất, một cố vấn cấp cao của ông Trump nói với CNN rằng cựu Tổng thống vẫn dốc lòng giúp cho các ứng viên Cộng hòa tái đắc cử và hiện không xem xét thành lập một đảng mới, nhưng ông lưu ý rằng ‘mọi thứ có thể thay đổi’.

Ông Jason Miller, người từng là cố vấn cấp cao cho chiến dịch vận động của ông Trump, nói rằng cựu Tổng thống ‘đã nói rõ mục tiêu của ông là giành lại Hạ viện và Thượng viện cho Đảng Cộng hòa vào năm 2022. Không có gì đang được lên kế hoạch cho nỗ lực ngoài việc đó.’

Tuy nhiên, ông Miller khẳng định ‘điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các thượng nghị sĩ Cộng hòa nếu mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn’ – ý muốn nói đến phiên tòa luận tội ông Trump sắp tới tại Thượng viện.

Chia nhỏ số phiếu Cộng hòa

Mặc dù có một những người trong Đảng Cộng hòa không thích ông Trump nhưng họ vẫn ủng hộ ông trong nhiệm kỳ Tổng thống vì cho rằng ông có thể giúp ích cho họ. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của ông Trump hiếm khi giảm xuống dưới 40%, nghĩa là trong Đảng Cộng hòa vẫn còn một bộ phận rất trung thành với ông và những người này có thể chuyển sang đảng thứ ba do ông Trump lãnh đạo.

Dường như ngày càng có nhiều khả năng về việc thành lập một đảng như vậy do một số đảng viên Cộng hòa, bao gồm lãnh đạo Mitch McConnell ở Thượng viện, đã tìm cách xa lánh ông Trump kể từ vụ bạo động ở Quốc hội hôm 6/1, khi hàng trăm người ủng hộ Trump tấn công Điện Capitol để tìm cách ngăn chặn xác nhận chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden.

Washington Post cũng cho biết nữ chủ tịch Đảng Cộng hòa ở bang Arizona, Kelli Ward, hôm 6/1 đăng một cuộc thăm dò trên Twitter rằng: “Liệu chúng ta có thể cứu Đảng Cộng hòa hay chúng ta cần một lựa chọn khác?” Khoảng 8% đã chọn ‘cứu Đảng Cộng hòa’, trong khi 78% nói rằng ‘Đảng MAGA là cần thiết’. MAGA là viết tắt của khẩu hiệu ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.’

Trong khi các đảng thứ ba khác, chẳng hạn như Đảng Xanh và Đảng Tự do, thường chẳng có mấy ảnh hưởng ở cấp quốc gia, nhưng vẫn có những ngoại lệ. Hồi năm 1992, tỷ phú Ross Perot thuộc Đảng Cải cách, đã giành được 19% số phiếu bầu trong cuộc đua tam mã với hai ứng viên chính thống là George H.W Bush và Bill Clinton.

Nếu ông Trump thành lập đảng của riêng mình, ngay cả khi ông không ra tranh cử Tổng thống nữa, nó có thể sẽ chia nhỏ số phiếu của bên bảo thủ và điều này sẽ đảm bảo nhiệm kỳ thứ hai cho Đảng Dân chủ. Hồi năm 1992, ông Bush luôn đổ lỗi cho Ross Perot đã chia số phiếu khiến ông thất bại trước ứng viên Dân chủ Bill Clinton.

‘Nước Mỹ trên hết’

“Khi ông quyết định thành lập đảng mới thì ông sẽ nói lý do tại sao. Nó có lợi thì ông mới mở, và tôi sẽ ủng hộ đảng đó. Còn nếu ông ấy quyết định vẫn ủng hộ Đảng Cộng hòa thì tôi vẫn theo Tổng thống,” bà Kim Chi Ngô, một tiểu thương gốc Việt đồng thời là một nhà họat động-chính trị xã hội trong cộng đồng ở thành phố Atlanta, bang Georgia, nói với VOA.

Bà Kim Chi là người đã bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa lâu năm vì các giá trị của Đảng Cộng hòa cũng phản ánh những nguyên tắc mà bà tin tưởng như chống phá thai, chính phủ nhỏ…

“Nếu các ứng viên của đảng thứ ba mà cũng đặt nước Mỹ trên hết thì tôi sẽ bầu cho họ (thay vì ứng viên của Đảng Cộng hòa),” bà Kim Chi cho biết.

Theo lời cử tri này thì ông Trump ngoài mang những giá trị truyền thống của Đảng Cộng hòa ‘còn có thêm phương châm Nước Mỹ trên hết’.

Trước khi ông Trump ra tham chính, bà Chi nói bà ‘luôn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa’, nhưng từ khi có ông Trump, bà ‘chỉ bỏ phiếu cho ông và những ứng viên mà ông hậu thuẫn’.

Khi được hỏi về tín nhiệm đối với Đảng Cộng hòa, bà nói: “Thật sự tôi đã mất niềm tin rất nhiều vào một số cá nhân của Đảng Cộng hòa.”

Bà lên án các dân biểu Cộng hòa không phản đối kết quả kiểm phiếu đại cử tri của một số tiểu bang trong phiên họp lưỡng viện Quốc hội hôm 6/1 là ‘không lắng nghe ý kiến của những người dân đã xuống đường bày tỏ ý nguyện của mình’.

Tính khả thi

Ông Vũ Nguyễn Bảo Kỳ, một ủng hộ viên của đảng Dân chủ ở bang Georgia từng là thành viên Cử tri đoàn trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016, cho rằng động thái của ông Trump là ‘cố tình tạo ra chia rẽ trong Đảng Cộng hòa để ép các thành viên trong Đảng phải theo ông ta, đánh phá nề nếp của Đảng Cộng hòa cũng như đánh phá nề nếp dân chủ của xã hội’.

Ông Kỳ cũng bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của việc ông Trump lập đảng mới. “Việc đó trên giấy tờ thì dễ, nhưng trên thực tế thì khó vì nó đòi hỏi ngân sách lớn và có hạ tầng cơ sở rộng khắp,” ông nói.

Cử tri này tin rằng số người ủng hộ đảng mới, nếu có, có thể sẽ ít hơn rất nhiều con số 74 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua.

“Có một số khá lớn những cử tri Cộng hòa vẫn tin tưởng vào cương lĩnh và chính sách của Đảng chứ không phải vì ông Trump mà họ mới bầu cho Đảng Cộng hòa,” ông nói và lập luận rằng trong 74 triệu cử tri đó có nhiều người bầu cho ông Trump vì ông là đại diện của Đảng Cộng hòa chứ không phải bầu cho bản thân ông Trump.

Một dẫn chứng mà ông Kỳ đưa ra để bảo vệ lập luận của mình là ở những tiểu bang chiến trường nơi ông Trump thua ông Biden, các ứng viên Cộng hòa khác lại thắng mặc dù tên của họ và tên của ông Trump đều nằm trên cùng một lá phiếu.

“Ở những vùng ngoại ô nơi người dân thường xuyên bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa từ xưa đến nay, nếu chính sách của Đảng Cộng hòa hợp lý thì họ vẫn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa,” ông Bảo Kỳ khẳng định.

Không có nhận xét nào: