Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Mùa Xuân Thăm Xứ Sở Hạnh Phúc - Bảo Trân

Hình: Tác giả trên đường về. Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009.Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước. 
<!>
Tôi cũng tò mò muốn biết thêm về đời sống người dân ở đây, vì tôi đã từng được nghe nói Bhutan là một đất nước duy nhất trên thế giới đã thành lập ra “Bộ Hạnh Phúc” (Ministry of Happiness), với một việc làm, mỗi năm đi vòng vòng, hỏi thăm, phỏng vấn dân chúng, xem họ có được hạnh phúc hay không.

Bhutan, còn được gọi là “Miền Đất của Rồng Sấm (Druk Yul), là một vương quốc nhỏ ở dãy núi Himalaya, nằm cô lập giữa Tây Tạng và Ấn Độ, với rừng núi thiên nhiên, hoang sơ. Bhutan nhỏ lắm, chỉ có khoảng chừng 800 ngàn dân, với 75 phần trăm dân số theo Phật Giáo Tây Tạng truyền thống. Bhutan không có nhiều tài nguyên, nguồn thu nhập chính là xuất khẩu thủy điện sang Ấn Độ và du lịch.
Tuy nhiên, muốn đi du lịch Bhutan không phải là chuyện dễ dàng, vì chính phủ Bhutan quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thiên nhiên nên hạn chế du khách, mỗi năm chỉ có một số du khách được cấp visa vào thăm viếng. Hơn nữa, dịch vụ du lịch được chính phủ kiểm soát khá chặt chẽ nên cũng gây trở ngại cho du khách muốn tự “khám phá” đất nước “Rồng Sấm” một mình.
Chúng tôi chọn Mùa Xuân để đi du lịch Bhutan, dù biết đây là mùa cao điểm, chúng tôi sẽ phải trả $250 mỗi ngày, cộng thêm lệ phí visa. Chi phí này bao gồm khách sạn, ăn uống ngày 3 bữa, xe chuyên chở, tài xế và người hướng dẫn, cùng lệ phí vào cửa các danh lam thắng cảnh v.v... Mùa Xuân là thời điểm đẹp nhất để du lịch Bhutan, vì khí hậu khô ráo, dễ chịu, chỉ thỉnh thoảng có vài ba trận mưa Xuân. Mùa Xuân cũng là mùa hội hoa Đỗ Quyên (Rhododendron), chúng tôi sẽ được ngắm nhìn núi đồi, thung lũng của Bhutan ngập tràn màu sắc của hàng trăm loại Đỗ Quyên đang nở rộ. Thêm nữa, tháng 4, Bhutan còn có mùa lễ hội Tsechu nổi tiếng, mà bao nhiêu du khách trên thế giới đã mong muốn về tham dự.
Chuyến bay Druk Air rời Bangkok lúc 6:50 sáng đưa chúng tôi đi Paro, sân bay quốc tế duy nhất tại Bhutan. Theo tôi được biết thì mỗi tuần chỉ có vài chuyến bay từ ba địa điểm là Bangkok (Thái Lan), New Dehi (Ấn Độ), và Kathmandu (Nepal) đến Paro. Sân bay Paro đã được biết đến là “một trong những nơi cất cánh và hạ cánh khó khăn nhất thế giới” vì nó nằm trong vùng thung lũng, bị bao quanh bởi những rặng núi cao gần 18 ngàn feet, mà phi đạo lại ngắn, chỉ khoảng 6,500 feet thôi, những ngày trời âm u là máy bay không lên xuống nổi. Thế nên các hãng máy bay phải tuyển chọn toàn phi công thượng thặng, và chỉ có 8 phi công trên thế giới hội đủ điều kiện để được cấp giấy phép bay vào Paro.
Theo lời quảng cáo của công ty du lịch thì “chuyến bay đến và đi từ Paro được xem như một trong những kinh nghiệm “hồi hộp” tuyệt vời để đời, vì du khách sẽ được bay bổng ngắm nhìn những ngọn núi nổi tiếng như Everest, Kanchenjunga, và Makula”. Trời Paro hôm nay quang đãng, và chắc là phi công rất giỏi, nên máy bay chỉ lượn có vài phút là đã đáp xuống giữa phi trường nên chúng tôi cũng không đến nỗi… hồi hộp.
Thủ tục nhập cảnh được thông qua nhanh chóng. Vừa kéo vali ra ngoài cổng phi trường, chúng tôi đã nhìn thấy hai thanh niên trẻ trong trang phục truyền thống của Bhutan, trên ngực áo gắn bảng tên dưới hàng chữ “BHUTAN DZOGCHEN TOURS” (công ty du lịch sẽ hướng dẫn chúng tôi ở Bhutan) đang đứng ngóng. Sau khi giới thiệu nhau, chúng tôi theo Kinley và Nim đi qua bãi đậu xe trước mặt, nơi có hai chiếc xe bus nhỏ, được đánh dấu A và B, cùng hai anh tài xế đang chờ đợi. Quen đi tour với xe bus lớn rồi, tôi thấy hai chiếc xe bus này nhỏ thật, chắc mỗi chiếc xe chở được chừng 20 người thôi. Đoàn chúng tôi có tổng cộng 26 người, chia ra hai xe nên rất là thoải mái. Tuy nhiên, xe chỉ có ghế cho khách ngồi, còn toàn bộ hành lý thì sẽ được chất lên nóc xe, che bạt ny lông và ràng chặt với dây thừng.
Lúc lên xe, Kinley phát cho mỗi người một chiếc khăn quàng bằng voan màu trắng. Thấy chúng tôi có vẻ ngần ngại, anh bảo đây là quà đặc biệt chúc lành cho du khách, sở dĩ họ chọn khăn quàng trắng vì màu trắng là màu trang trọng, tinh khiết. Sau này khi đến viếng các đền chùa, thấy hướng dẫn viên và du khách choàng khăn trước khi bước vào tôi mới biết tại sao chiếc khăn màu trắng mà không phải là màu khác.
Ở Bhutan, trang phục truyền thống là quần áo mặc thường ngày, đi học, đi làm, đến đền chùa, công sở… Trang phục cho nam giới là Gho, nữ giới là Kira. Ngoài trang phục truyền thống, người Bhutan còn quàng thêm khăn mỗi khi đến đền chùa, các pháo đài và các trung tâm hành chính. Mỗi màu khăn có thứ tự cấp bậc rõ ràng, chẳng hạn như màu vàng là màu khăn của vua, màu cam dành cho bộ trưởng, màu xanh lá cây của thẩm phán, màu xanh lam cho các thành viên của quốc hội, màu đỏ với một sọc trắng là của nhân viên hành chính địa phương v.v… Còn những người không chức tước (và người ngoại quốc) sẽ sử dụng đơn thuần một màu khăn trắng mà thôi.
Xe ra khỏi phi trường, ghé ngang một nhà bank ở thị trấn Paro để chúng tôi có thể đổi chút tiền tiêu vặt, vì những cửa hàng nhỏ sẽ không nhận thẻ tín dụng và tiền ngoại quốc. Sau đó thì xe đưa chúng tôi trực chỉ Ramthangkha Chorten, nơi mà Kinley bảo là một chốn dừng chân thơ mộng để nhấp chén trà “hạnh ngộ”. Xe dừng lại ở một khoảng đất trống, có cây lá xanh tươi, có một cái vòng quay cầu nguyện lớn nằm bên cạnh cái bảo tháp nhỏ màu trắng (Stupa/Chorten). Tại đây, hai nhân viên khác của công ty Dzogchen đang sắp soạn trà, café và bánh ngọt từ trong chiếc xe nhỏ của họ ra bầy trên bậc thềm vuông vức của tháp. Chúng tôi có cơ hội duỗi tay duỗi chân, xoay vòng quay cầu nguyện, chụp hình, rồi thong thả nhâm nhi bánh ngọt với café, trà nóng.
Trong lúc chúng tôi ăn uống, Kinley giới thiệu về công ty của anh và những người sẽ đi cùng với đoàn chúng tôi trong suốt 12 ngày. Anh cho biết công ty Dzogchen rất nhỏ, nhân sự đếm chưa đủ mười đầu ngón tay, và làm việc với tính cách gia đình vì nhân viên toàn là bà con, bè bạn. Anh và Nim, là hai hướng dẫn viên, sẽ thay phiên nhau di chuyển từ xe này sang xe khác để giải thích cho du khách nghe về những phong tục, tập quán, văn hoá cùng giới thiệu các điểm đặc sắc, địa hình, và phong cảnh của Bhutan. Hai anh tài xế thì có phận sự trên xe cố định của họ. Ngoài ra, còn hai người “tea boy” chuyên phục vụ trà, bánh, café sẽ đi riêng trên cái xe trà nhỏ (tea car) phía sau. Du lịch Bhutan chưa được phát triển mấy nên không có nhiều quán bên đường, thành thử cái xe trà nhỏ này sẽ có công việc cung cấp café, trà bánh giải lao cho du khách ở những nơi ngừng nghỉ. Cái xe trà nhỏ này còn có một nhiệm vụ khác trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như có người đau ốm bất thình lình, nó sẽ tách đoàn và biến thành “emergency car” đưa người ốm đi bệnh viện để không làm gián đoạn cuộc hành trình.
Sau bữa trưa Kinley đề nghị đi một vòng ngoạn cảnh. Nơi đầu tiên anh đưa chúng tôi đến là Dumtse Lhakhang, một ngôi chùa ba tầng đại diện cho Trời, Đất và Địa Ngục. Theo truyền thuyết thì ngôi chùa này được xây dựng để chinh phục linh hồn ma quỷ, nên Dumtse Lhakhang còn được biết đến là một nơi yên bình. Cái chùa nhỏ, ánh sáng mờ nhạt, hơi lạnh, có con đường hành hương đi theo chiều kim đồng hồ, dẫn chúng tôi lướt qua những bức tranh đầy màu sắc vẽ trên tường khá công phu. Mỗi bức tranh có một lịch sử và câu chuyện hấp dẫn khác nhau.
Bốn mặt ngoài ngôi chùa là 108 vòng quay cầu nguyện (prayer wheels). Theo chân bạn đồng hành, tôi cũng xoay hết đủ một vòng, gửi những lời cầu nguyện lên trời, mong an bình, may mắn đến cho gia đình và tất cả mọi người.
Nơi chúng tôi đến viếng sau đó là Paro Dzong. Kinley giải thích, Dzong là một loại kiến trúc đặt biệt ở vùng Bhutan được dùng để gọi cả cung điện, lâu đài, pháo đài, tu viện, văn phòng hành chính, và cũng là nơi cử hành các nghi lễ tôn giáo. Paro Dzong, còn có một cái tên chính thức khác là Rinchen Pung Dzong, được rút ngắn thành Rinpung Dzong, được xây dựng năm 1644 và đã được dùng làm nơi trấn thủ để đánh đuổi quân xâm lăng Tây Tạng.
Cái pháo đài này to lớn thật, nghe nói, hiện thời, ngoài việc được sử dụng làm tu viện, Paro Dzong còn là chỗ để đặt các văn phòng hành chính và tòa án địa phương. Để dễ dàng cho việc hướng dẫn, đoàn chúng tôi chia thành hai nhóm nhỏ, một nhóm theo Kinley và một nhóm theo Nim.
Chúng tôi theo Nim đi vòng vòng trong sân trước, bây giờ là trung tâm hành chính, ngắm nhìn những khung cửa gỗ sơn màu vàng, đen, được chạm khắc tỉ mỉ, chiêm ngưỡng các bức hình Thần Thánh, thú vật, to tướng được vẽ trên các bức tường. Theo cái cầu thang đá nằm bên hông tòa án chúng tôi đi xuống khuôn viên tu viện. Đang đi lang thang ngắm mấy khung cửa đầy màu sắc thì chúng tôi phải ngừng lại để nhường đường cho một đám rước kiệu nhỏ. Chúng tôi bắt chước Nim, đứng lặng im, kính cẩn chắp tay, chờ đám rước đi qua. Khi những vị sư đó đi khuất vào tu viện rồi thì Nim bảo chúng tôi hên lắm đó, vì lễ rước kiệu này mỗi năm chỉ có 1 lần.
Rời sân sau tu viện, chúng tôi đi vòng xuống con đường dốc lát đá đi ra phía bờ sông. Con đường đá này sẽ dẫn chúng tôi đi qua chiếc cầu gỗ Nyamai Zam có mái che, bắc ngang con sông Paro (Paro Chhu). Lúc này, ánh nắng chiều đã dịu, nên chúng tôi đã chụp được những tấm hình thật đẹp với Paro Dzong, từ bờ sông, ngay dưới chân cầu.
Chúng tôi lên xe về khách sạn nghỉ ngơi rồi sửa soạn ăn tối. Đã được thông báo trước về những bữa ăn buffet ngày ba bữa, nên chúng tôi không ngạc nhiên. Đa số người Bhutan ăn chay, nên bữa ăn của họ không có nhiều thịt cá, và việc giết động vật lấy thịt ăn là một điều cấm kỵ. Họ vẫn có thể ăn mặn, miễn là các con vật đó không bị sát hại bởi người Bhutan. Người Bhutan nuôi gà chỉ để lấy trứng, nuôi bò, dê, để lấy sữa, còn thịt gà, heo, bò, cá đều được nhập cảng từ nước ngoài mà phần nhiều là từ Ấn Độ. Thức ăn của Tiger Nest Resort cũng na ná như thức ăn buổi trưa ngoài phố, cũng những món chính là rau, phô mai và ớt. Trưa hôm nay, ngoài những món “chính” thì chúng tôi còn được thưởng thức món gà cà ri nấu theo kiểu Bhutan. Tối nay, tuy không có thịt, nhưng hotel đã thay vào bằng trứng luộc nấu cà ri.

Punakha-dzong

Hôm nay chúng tôi sẽ rời Paro để đi Thimphu, thủ đô của Bhutan, cách Paro khoảng 2 tiếng đồng hồ xe. Trên đường đi, chúng tôi ghé qua một cái chùa nhỏ tên Tachog (Tachog Lhakhang). Muốn đến được cái chùa này thì bắt buộc chúng tôi phải vượt qua cây cầu treo Drupthob Thangtong Gyalpo.
Cầu treo Drupthob Thangtong Gyalpo là một cây cầu dây bằng xích sắt, được đặt theo tên của người đã xây dựng nó. Thoạt mới đầu nhìn từ trên đầu dốc thì tôi cũng không thấy gì nguy hiểm lắm vì nó chỉ được bắt ngang một dòng sông nho nhỏ, nhưng khi đến gần nó rồi tôi mới thấy nổi da gà, bởi vì chiếc cầu chỉ được nối kết bằng những tấm lưới mắt cáo bằng sắt dầy, gắn trên những sợi xích khổng lồ. Mặc dù những sợi xích sắt này đã được đóng chặt vào mấy cái cột mốc ở hai bên bờ, nhưng lúc nào cũng đong đưa theo gió.
Lúc đến gần cầu thì Kinley cho biết vì chiếc cầu này nguy hiểm quá, nên chính phủ đã cho lịnh niêm phong cánh cổng qua cầu, thành chúng tôi sẽ sử dụng cây cầu treo bằng gỗ ở ngay bên cạnh chiếc cầu xích sắt. Khi qua đến nơi, nhìn thấy cái chùa nhỏ không có gì hấp dẫn nên chúng tôi chỉ đi vòng ngoài, xoay những vòng quay, gửi lời cầu nguyện rồi ra chụp hình với chiếc cầu treo.
Rời Tachog Lhakhang chúng tôi đi tiếp tới Semtokha Dzong, một tu viện nhỏ được xây dựng vào năm 1629 bởi Zhabdrung Ngawang Namgyal, người thống nhất Bhutan. Cái tên Simtokha của Bhutan theo nghĩa đen là “trên đầu một con quỷ”, để chinh phục một con quỷ dữ đã quấy rối khu vực.
Vì được xây trên một triền núi, nên muốn vào được trong Dzong chúng tôi phải leo lên 20 cái bậc thềm gạch sơn trắng toát. Mấy cái Dzong đều có kiến trúc giống nhau, cũng những bức tường thành màu trắng, thật cao, với những cái cửa sổ hoa văn sơn màu đen, vàng, đỏ và có vô số những hình vẽ chi tiết, tinh tế của nhiều vị Phật, Thánh Thần, Bồ Tát.
Sau đó xe bus đưa chúng tôi lên đỉnh đồi của Công Viên Kuenselphodrang để chiêm ngưỡng tượng Phật Dordenma, một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ, cao hơn 50 mét, mà chúng tôi đã nhìn thấy từ sân Semtokha Dzong.
Tượng Phật Dordenma được xếp hạng vào một trong những tượng Phật lớn nhất thế giới, được đúc bằng đồng, mạ vàng và được đặt trên một toà nhà 5 tầng to lớn. Cái toà nhà 5 tầng này cũng là nơi trưng bày hàng trăm ngàn bức tượng to nhỏ khác cỡ nhau của các vị Phật, Bồ Tát, và Lạt Ma. Những bức tượng này phần lớn cũng được đúc bằng đồng, nhưng có tượng cũng được đúc bằng đất nung, và được mạ vàng hay mạ bạc. Tượng Phật được đặt trên nóc thiền đường, nơi có ghi chép tên của những nhà hảo tâm đã cúng dường vào dự án xây dựng Phật Dordenma. Tượng Phật và khuôn viên chùa đã bắt đầu được xây dựng từ năm 2006 nhưng cho đến bây giờ những bậc thang dẫn từ chân núi lên sân chùa vẫn chưa hoàn tất.
Trưa nay chúng tôi sẽ nghỉ ăn trưa ở Cousin Restaurant rồi tiếp tục cuộc hành trình. Theo chương trình thì chúng tôi sẽ đi dạo một vòng thành phố, rồi đến viếng thăm Đài Tưởng Niệm Quốc Gia (National Memorial Chorten/Thimphu Chorten), nhưng hôm nay là ngày bầu cử, mấy cái cửa hàng, văn phòng đóng cửa, thành chúng tôi sẽ về khách sạn trước rồi sẽ đi viếng Chorten. Sau khi nhận phòng, nghe nói Đài Tưởng Niệm này chỉ cách khách sạn có mấy quãng đường, nên chúng tôi lại tản bộ từ khách sạn đến Chorten cho giãn gân, giãn cốt, nhân dịp đi xem đường xá Thimphu luôn.
Thành phố Thimphu nhỏ hẹp, nhưng có đủ các loại xe hơi, xe gắn máy. Điểm đặc biệt là tuy đông đảo xe cộ như vậy mà Thimphu không có lấy một cái đèn giao thông nào hết. Thay vào đó là trạm cảnh sát ở ngay bùng binh trung tâm thành phố, có mấy ông cảnh sát thay phiên nhau điều khiển giao thông từ bốn phía, nên giòng xe cộ cũng rất đỗi nhịp nhàng.
Đài Tưởng Niệm Chorten hay Thimphu Chorten, là một stupa (bảo tháp) nằm về phía nam trung tâm thành phố với những đỉnh nhọn và chuông vàng nổi bật trên nền sơn màu trắng toát. Bảo tháp này được xây dựng vào năm 1974 để tưởng nhớ nhà vua thứ III Jigme Dorji Wangchuck của Bhutan.
Kinley nói, chúng tôi sẽ thấy rất nhiều Stupa hay Chorten, một biểu tượng tôn giáo, ở khắp nơi trên đất nước Bhutan. Dù lớn hay nhỏ, thì lối kiến trúc na ná như nhau, dựa theo những yếu tố căn bản của vũ trụ: Trời, Đất, Nước, Lửa, Gió. Stupa bắt đầu với cái nền hình vuông tượng trưng cho Đất, mái vòm cong nơi lưu giữ bảo vật tượng trưng cho Nước, hình chóp nón tượng trưng cho Lửa, hoa sen và mặt trăng lưỡi liềm tượng trưng cho Gió, hình mặt tròn và phần chóp đỉnh trên cùng là không gian bao la tượng trưng cho Trời.
Chorten tượng trưng cho tâm giác ngộ của Đức Phật, là một nơi lưu giữ vật cúng dường và các di tích quý giá, chẳng hạn như Ngọc Xá Lợi, nhục thể của các vị cao tăng, vua chúa, một pho kinh, thần chú… Nhưng cái Thimphu Chorten này không có lưu giữ nhục thể của vua Jigme Dorji Wangchuck mà chỉ có một bức ảnh chân dung của ông được phóng đại và treo trên tường đại sảnh.
Đang sửa soạn rời Chorten thì trời bắt đầu chuyển mưa, nên chúng tôi ra đứng bên ngoài cổng chờ xe đến đón. Nhưng khi xe chạy được một quãng thì trời quang đãng trở lại, nên Nim đề nghị đi lên viếng ni viện Zilukha, nơi thường trú của khoảng 70 nữ tu, tìm hiểu xem đời sống của nữ tu Phật Giáo ở trong cái ni viện lớn nhất Bhutan này.
Ni viện hôm nay vắng vẻ, chỉ có hai ni cô đang tụng kinh trong chính điện. Không muốn làm rộn họ nên chúng tôi chỉ lặng lẽ chắp tay khấn vái rồi đi. Ra đến sân giữa của tu viện, tôi thấy có mấy ni cô nhỏ và vài em gái đang chơi đánh vũ cầu. Nim giải thích, ở Bhutan, các cô gái có thể xin vào ni viện học tập về Phật Pháp trong một thời gian ngắn. Sau khoá học, họ có thể chọn con đường tu hoặc trở lại đời thường tuỳ ý.
Rời ni viện, chúng tôi lên xe đi một vòng thành phố trước khi trở về khách sạn. Khi đi ngang qua một dãy toà nhà sơn trắng, có cửa sổ đỏ, nóc màu vàng, Nim bảo đó là kinh thành, nơi vua đang cư ngụ. Nhìn bên ngoài hoàng cung thì cũng giống như mấy cái Dzong, chỉ có khác biệt là những cái nóc được sơn phết một màu hoàng kim chói lọi.
Hotel Galingkha nằm ngay mặt tiền đường lớn, cao, bốn bề trống trải nên phòng nào cũng có ban công, tha hồ cho chúng tôi ngắm nhìn đường phố.
Nhưng không ngờ, cái vị trí tốt đẹp của nó đã đưa chúng tôi đến một đêm dật dờ vì thiếu ngủ.
Ở Bhutan, chó được tự do chạy rông đầy đường. Chúng không có một nơi trú ngụ nào rõ rệt, vì đi đến nơi nào chúng cũng được chủ nhà nơi đó cho ăn. Đi chơi lông rông, ăn uống no nê rồi chúng kéo nhau tìm chỗ ngủ. Mà ác hại là chúng ngủ ban ngày, và thức ban đêm. Chưa bao giờ tôi thấy thành phố nào có dàn nhạc giao hưởng bốn chân khốc liệt như ở Thimphu. Đang ngủ ngon, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng chó sủa đầu góc phố, rồi thêm tiếng chó sủa ở những góc phố khác. Thế là tiếp nối nhau, chúng thi nhau sủa vang rền thành phố. Chúng tôi phải viện trợ đến những cái nút xốp bịt tai (ear plugs) mới có thể nghỉ ngơi đôi chút.

PUNAKA DZONG
Punakha Dzong

Đã ngủ không tròn giấc mà sáng hôm nay chúng tôi phải thức giậy sớm để rời Thimphu đi Punakha lúc 6:30 sáng. Sở dĩ Kinley muốn chúng tôi đi sớm vì anh muốn chúng tôi sẽ có một bữa điểm tâm với một khung cảnh thần tiên trong một nhà hàng trên đèo Dochula, ở một cao độ 3,100 mét. Đèo Dochula là một đoạn đèo nối Thimphu với Punaka, nằm giữa những ngọn núi phủ đầy tuyết của rặng Hy Mã Lạp Sơn. Kinley nói, nếu trời quang đãng chúng tôi có thể nhìn thấy được đỉnh Masaggang, đỉnh núi cao nhất ở Bhutan.
Nhưng chúng tôi không được may mắn, vì sương mù đã bao trùm cả khung cảnh đèo Dochula, nên cố gắng phóng tầm nhìn mà chúng tôi vẫn không tìm ra đỉnh núi tuyết, nên đành rủ nhau vào ăn điểm tâm trước, chờ đợi nắng lên.
Ăn xong bữa sáng mà khung cảnh phía bên rặng Hy Mã Lạp Sơn vẫn bị che phủ với mây mờ. Chúng tôi tản mác đi ngoạn cảnh chung quanh đèo. Một điểm hấp dẫn khác của đèo Dochula là 108 Druk Wangyal Chorterns và Druk Wangyal Lhakhang. Những cái Chortens (bảo tháp) này được xây dựng bởi nữ hoàng Ashi Dorji Wangmo Wangchuk để tưởng niệm các chiến sĩ của quân đội Bhutan đã hy sinh trong cuộc chiến tranh năm 2003 với Ấn Độ, và cái Lhakhang (chùa) này được xây dựng để tôn vinh Druk Gyalpo thứ IV, Jigme Singye Wangchuck. Hai thắng cảnh này nằm ở hai bên của bãi đậu xe.
Tháng 4 là mùa lễ hội Đỗ Quyên. Mỗi năm Bhutan tổ chức lễ hội này vào thời gian hoa Đỗ Quyên nở rộ, khoe đủ màu, đủ sắc khác nhau. Lễ hội hoa Đỗ Quyên cũng được tổ chức hôm nay ở Vườn Thực Vật Hoàng Gia Lampelri cách đây không xa. Khi chúng tôi đến nơi thì quan khách đã đông đảo lắm rồi, phần nhiều là người bản xứ, cùng các viên chức của Bhutan trong những cái khăn quàng màu sắc khác nhau, du khách chắc chỉ được 1/3. Vừa xem nhẩy múa, chúng tôi vừa được thưởng thức một món xôi và trà bơ sữa Yak rất lạ của người Bhutan.
Chúng tôi tiếp tục đi tới Punakha. Nơi chúng tôi sắp đến viếng là cầu treo Punakha (Punakha Suspension Bridge), một chiếc cầu treo cũ kỹ, dài nhất của Bhutan. Chiếc cầu này dài khoảng 160 mét, nằm đong đưa trên con sông Pho uốn khúc, được trang trí bằng những lá cờ cầu nguyện đủ màu của Phật Giáo truyền thống. Mới thoạt nhìn thì tôi cũng chùn chân, nhưng khi ra đến một phần cầu thì tôi hết hồi hộp, vì chiếc cầu treo này rất chắc chắn, cũng như chiếc cầu treo bằng gỗ hôm đầu tiên, chỉ khác là nó hơi… dài, và bị gió lung lay hơi mạnh, nên dễ làm chóng mặt, nhói tim người đang bước phía trên.
Rời chiếc cầu treo, chúng tôi đến Punakha Dzong, một cái Dzong mà tôi nghĩ là đẹp nhất trong mấy cái Dzong mà tôi đã được đến viếng từ ngày đặt chân tới Bhutan. Cái lâu đài này có những hàng phượng tím ở chung quanh, với lối vào duy nhất là chiếc cầu gỗ thông cong rất đẹp nối liền hai bên bờ sông Mẹ (Mo Chhu).
Muốn vào trong Dzong, chúng tôi phải leo lên 20 bậc thang đá, rồi tiếp tục trèo thêm hơn chục bậc thang bằng gỗ cực kỳ dốc. Chiếc cầu thang này có thể kéo lên đóng lại thành cái cổng, chắc ngày xưa được dùng để ngăn chận sự xâm nhập từ phía ngoài. Xuyên qua cái mái hiên nhỏ có hai cái vòng quay cầu nguyện thật lớn, chúng tôi bước vào trong khuôn viên Punakha Dzong. Chúng tôi tụ tập ở sân trước, nơi có một cái tháp khổng lồ màu trắng và một cây bồ đề cao lớn, để nghe Nim và Kinley giới thiệu về di tích lịch sử này.
Punakha Dzong, còn được gọi là Pungtang Dewa Chhenbi Phodrang (có nghĩa là Cung Điện Hạnh Phúc) được xây dựng năm 1637, đã từng là thủ phủ của Bhutan cho đến năm 1952. Được xây dựng trên hai chiến hào là sông Cha (Pho Chhu) và sông Mẹ (Mo Chhu), Punakha Dzong đã là một vị trí thành luỹ vững chắc để ngăn chặn sự tấn công của quân địch. Sau khi vị vua thứ III của Bhutan dời đô về Thimphu thì Punakha Dzong trở thành văn phòng hành chính địa phương, và vẫn được sử dụng trong các buổi lễ trọng đại như ngày đăng quang của vua Bhutan thứ IV và thứ V. Năm 2011, lễ cưới linh đình của vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và hoàng hậu Jetsun Pema cũng đã được tổ chức tại đây.

Cái khuôn viên thứ nhất này là trung tâm hành chính, nên những cánh cửa ở hai dãy lầu bao bọc khuôn viên thường thường được khép kín. Cái sân thứ hai nhỏ nhất, là khu tu viện, có đường dẫn lên toà tháp cao 6 tầng. Sân thứ ba dẫn vào một ngôi điện thờ, có ba ngôi tượng lớn của Phật Thích Ca, ngài Guru Rinpoche (Bồ Tát Liên Hoa Sinh, hoá thân của Phật A Di Đà và Thích Ca Mâu Ni) và ngài Zhabdrung Namgyal (người có công khai sáng ra đất nước Bhutan) cùng nhiều hình ảnh diễn tả về triết lý Phật Giáo qua lối suy nghĩ của người Bhutan.
Sau đó chúng tôi tự do đi khám phá Punakha Dzong. Phần sân trước to rộng thì không có gì để xem ngoài những kiến trúc hoa văn đặc thù theo ảnh hưởng Tây Tạng. Tôi bước vào phần sân thứ hai, định leo lên “thám hiểm” toà tháp chính, nhưng chỉ lên được tầng thứ nhất là tôi đã thấy chóng mặt với độ dốc của chiếc cầu thang gỗ, nên đành phải leo xuống. Len qua một lối đi nhỏ giữa mấy toà nhà tu viện tôi bước đến sân sau, nơi có một ngôi điện thờ, nghe nói một gian bên của điện thờ này là nơi lưu giữ xác ướp của hai vị thánh Bhutan là Pema Lingpa và Zhabdrung Ngawang Namgyal. Gian này đã được khoá kín, chỉ trừ khi vị trụ trì và vua Bhutan đến đây cầu nguyện, nên chúng tôi chỉ có vào thể chiêm ngưỡng ba bức tượng lớn và hình ảnh về Phật Giáo Bhutan mà thôi.

Tronga Dzong B
Trongsa Dzong

Hôm nay là ngày dài nhất của cuộc hành trình. Sau bữa điểm tâm chúng tôi sẽ giã biệt thành phố cổ kính Punakha để đi đến Trongsa. Trongsa là một thành phố nhỏ, không có gì đáng kể ngoài Trongsa Dzong, nhưng thành phố này là một nơi để dừng chân ngơi nghỉ vì con đường từ Thimphu đến Bumthang rất dài và cũng rất gập gềnh.

Nếu có dịp đi Bhutan, du khách sẽ phục sát đất về tài lái xe của những ông tài xế của xứ này. Đường xá Bhutan nhỏ, xa lộ duy nhất trải dài từ Paro sang đến Bumthang nhiều đoạn chỉ có một chiều, một bên là vách núi, còn một bên là vực sâu thăm thẳm, lại không có rào cản, vì những đoạn đường này còn trong thời kỳ xẻ núi, đắp nền. Con đường chật hẹp chỉ vừa đủ cho hai cái xe hơi nhỏ chạy, còn xe bus cỡ như xe chở chúng tôi thì phải sử dụng đến hơn nửa đường, nên xe này chạy tới thì xe khác phải de lui, nhường chỗ, không cẩn thận là rớt xuống vực như chơi. Nếu may mắn gặp được một khoảng đất rộng hơn, đi được cùng một lần thì cả hai xe đều phải bẻ quặp kính chiếu hậu ở bên hông, từ từ lướt qua nhau. Cho nên đến khúc đường nào đã được đổ xi măng xong, thấy xe chạy được hai chiều là chúng tôi mừng hơn trúng số.
Càng đi chúng tôi càng thấy rất nhiều cột cờ trắng cắm trên đỉnh núi cao. Từ mấy hôm nay, chúng tôi đã quen thuộc với những lá cờ cầu nguyện ngũ sắc được gắn theo chiều dọc trên đỉnh cột cao, hay giăng theo chiều ngang thành một chuỗi trên các sợi giây thừng, trên các con sông, đường núi, bên ngoài các khu pháo đài, đền thờ, trên nóc nhà v.v… nhưng chưa khi nào chúng tôi nhìn thấy cả một rừng cờ cao trắng toát như ở đây.
Hỏi tại sao nơi này treo nhiều cờ trắng hơn cờ ngũ sắc thì Nim giải thích, đây là những lá cờ cầu nguyện cho linh hồn người quá vãng. Ở Bhutan, khi có người thân qua đời, người trong gia đình sẽ đem cắm những cột cờ trắng trên đỉnh núi cao hay gần dòng nước, với mục đích nhờ gió và nước đem những lời nguyện cầu bay lên cao, đi thật xa, hướng dẫn linh hồn người chết tái sinh về cõi trời, người, chứ đừng đọa vào kiếp súc sinh, ngạ quỷ. Họ có thể cắm rất nhiều cờ, hàng trăm cái hay hơn tuỳ ý, nhưng thường thường thì họ sẽ chọn con số 108, một con số quan trọng trong Phật Giáo. Họ cũng có thể cắm cờ ở những thành phố khác nhau (chẳng hạn như nơi đang làm việc), chứ không nhất thiết là phải ở tại quê nhà. Còn những lá cờ cầu nguyện ngũ sắc thì có một ý nghĩa khác, chúng được treo phất phơ trước gió để nhờ gió mang hạnh phúc, an lành, may mắn, đến cho gia đình và tất cả chúng sinh.*
Từ con đường dốc sau lưng Guest House chúng tôi đi bộ đến viếng thăm Trongsa Dzong, một cái pháo đài lớn và dài nhất của Bhutan, được xây dựng từ năm 1543 bởi Lạt Ma Drukpa. Trongsa Dzong nằm trên triền dốc cao, nhìn xuống hẻm núi Mandge, được xây dựng theo một lối kiến trúc mê cung phức tạp, với những cầu thang bằng đá hẹp, nhiều ngõ ngách, hành lang, dễ làm lạc lối người đi.
Cái Dzong này dài sọc, có đến 25 ngôi đền, nếu muốn nhìn ngắm tường tận từ đầu Dzong tới cuối Dzong chắc cũng phải mất mấy ngày trời. Hôm nay, chỉ có vài tiếng đồng hồ, cùng lắm là chúng tôi chỉ có thể chiêm ngưỡng được mấy cánh cửa sổ sơn son thếp vàng với những hoa văn rực rỡ ở lầu trên, rồi lên phần sân thượng của tầng nhì, xong xuống lối nhỏ ra vườn hoa. Thế nên sau khi nghe Kinley “hẹn hò” giờ giấc xong rồi là chúng tôi tản mác khắp nơi để đi ngắm cảnh, chụp hình.
Buổi trưa hôm nay, chúng tôi sẽ đến thăm Royal Heritage Museum và ăn trưa ở đó luôn. Cái bảo tàng viện này là một phần của tháp canh Ta Dzong (một tháp canh kiểm soát và bảo vệ Trongsa Dzong trong những cuộc tấn công liên tục của Tây Tạng và Ấn Độ), hiện thời là nơi thờ phượng và trưng bày di sản lịch sử và tôn giáo của Bhutan.
Trước khi vào cửa viện bảo tàng chúng tôi phải giao hết phone và máy chụp hình cho mấy anh tài xế cất giữ vì bảo tàng viện không cho phép đem theo. Sau khi ngồi xem một đoạn phim ngắn về lịch sử Bhutan rồi thì chúng tôi tản mác ra mọi nơi để nhìn ngắm những bộ sưu tập.
Bảo tàng viện này có tổng cộng 11 phòng, trưng bày những bộ sưu tập lịch sử khác nhau. Phòng này tiếp nối với phòng kia bằng những dãy hành lang và cầu thang chỉ di chuyển được một chiều. Kỷ vật, tài sản của hoàng gia như: áo quần nghi lễ, áo choàng của các vị vua, vương miện, gươm báu, đồ trang sức, cho đến các vật sử dụng hàng ngày như đôi giầy đá bóng của vị vua thứ IV v.v… đã chiếm ngự một số phòng đáng kể của viện bảo tàng. Hình tượng của các vị Phật, Bồ Tát, và Lạt Ma cũng được trưng bày trong nhiều phòng khác. Thậm chí đến những bức tượng Thánh Thần, Ma Quỷ có liên quan đến những câu chuyện truyền thuyết của Bhutan cũng được trưng bày trong một số phòng của bảo tàng viện.
Tầng lầu gần đỉnh tháp canh có một cái đền nhỏ, thờ những hình tượng đại diện cho nhiều trường phái Phật Giáo Himalaya khác nhau, từ vùng Tibet, Mongolia, India, Nepal cho đến Bhutan…
Lần theo những bậc cầu thang xoắn ốc bằng đá nhỏ hẹp, chúng tôi lên đến tầng cao nhất, đài kiểm soát của tháp canh Ta Dzong để ngắm nhìn toàn thể thung lũng Trongsa. Tầng kiểm soát này ở một độ cao chất ngất và trống hốc nên gió thổi thông thốc, đứng gần ngoài rìa bờ thành là có thể bị gió cuốn chứ chẳng chơi. Nim bảo trước kia cũng có vài du khách vì chơi bạo, nhoài người ra ngắm cảnh, tự chụp hình nên bị gió bốc đi, thành các hướng dẫn viên có nhiệm vụ phải theo sát du khách, nhắc nhở, để phòng ngừa điều bất trắc.

Ngày hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi ở Bumthang. Sau bữa điểm tâm chúng tôi đi viếng Tamshing Lhakhang, một ngôi chùa cổ ở Bhutan, được cây dựng bởi Pema Lingpa vào năm 1501, hiện thời là nơi thường trú của gần 100 vị sư và chú tiểu. Ngôi chùa trông có vẻ cũ kỹ và dường như không được tu bổ nên những bức tranh vẽ trên tường đã đi dần từ loang lỗ đến mờ phai. Chùa Tamshing có một lối kiến trúc khá đặc biệt với một con đường hẹp chạy quanh chính điện. Bên trong chính điện là bức tượng của Guru Rinpoche và hai bức tượng Jampa (Phật của tương lai) và Thích Ca Mâu Ni ở hai bên.
Trong chùa có một tấm chăn bằng xích sắt nặng khoảng 40 pounds. Nghe nói nếu ai có thể mang tấm chăn này trên lưng và đi bộ chung quanh chính điện 3 lần, và cảm thấy nó nhẹ như lông hồng thì đã thật sự chứng ngộ để loại bỏ tất cả tội lỗi của mình. Tôi cũng bắt chước mọi người mang thử tấm chăn trên lưng đi bộ một vòng cho biết, nhưng tôi không có can đảm vác nó đi thêm hai vòng nữa. Ông chồng của tôi thì vác được tấm chăn đi đủ ba vòng, ông nói, cảm thấy nó cũng nhẹ hơn, nhưng chỉ là vì mình đã quen với sức nặng của nó đó thôi, còn chuyện chờ đến lúc nó nhẹ tênh thì chắc cũng còn lâu lắm.
Từ chùa Tamshing chúng tôi đi bộ qua chùa Kurjey nằm trong thung lũng Bumthang. Con đường đi đã làm chúng tôi khá mệt vì trời nắng chang chang còn phải leo lên, leo xuống mấy đoạn đường dốc. Chúng tôi đi ngang một dòng suối nhỏ, và bắt gặp các chú tiểu đang tắm giặt, vui đùa. Tuy biết là có chúng tôi “trộm nhìn” qua ống kính, nhưng các chú tiểu vẫn thản nhiên tươi cười, dường như họ quá quen thuộc với những đoàn du khách viếng thăm chùa.
Ngôi chùa Kurjey gồm có 3 toà nhà riêng biệt được xây dựng trong những thời điểm khác nhau và được bao quanh bởi một bức tường thành gồm có 108 bảo tháp. Theo những bậc thang đá trắng chúng tôi lên toà nhà thứ nhất, nơi có trưng bày hàng ngàn bức tượng to, nhỏ, nam, nữ đủ cả của các vị Phật, Thánh, Thần. Vì không được phép chụp hình trong một ngôi đền, chùa nào hết, nên tôi không nhớ nổi là có những hình tượng nào, tôi chỉ nhớ, bức tượng to nhất trong chính điện vẫn là bức tượng của Guru Rinpoche. Giữa sân chùa có ba cái bảo tháp trắng toát, to lớn, nghe nói đây là nơi an nghỉ cuối cùng của ba vị vua đầu tiên của Bhutan.
Sau khi đi viếng thăm chùa Kurjey rồi chúng tôi lại tiếp tục đi bộ vào làng để đi đến nông trại Swiss ở Bumthang. Nơi đây, chúng tôi sẽ có dịp tìm hiểu về nếp sống của người dân trong trang trại, và sẽ được thưởng thức một bữa cơm dân giã.
Cái nông trại một tầng này vỏn vẹn có một cái phòng khách nhỏ và mấy gian phòng ngủ cũng nho nhỏ, giường chiếu rất đơn sơ, chỉ là những tấm nệm trải trên mặt đất. Bữa cơm trưa ở trang trại cũng rất là đơn giản với vài món rau, đậu, bánh mì dẹp, mì xào, thịt gà kho, và nhất là không thể thiếu món sauce ớt nấu với phô mai. Thức uống thì có nước lạnh trong chai và trà bơ sữa.
Hai cái món mà tôi không “mặn mà” lắm là món bánh bánh mì dẹp (Khur-le), và món trà bơ sữa (Suja). Bánh Khur-le, có hình dạng như cái bánh Tortilla của người Mễ, được làm bằng bột kiều mạch, và ăn kèm với sauce phô mai ớt hay cà ri gà. Còn trà Suja thì là thức uống nóng truyền thống của vùng núi cao Hy Mã Lạp Sơn, có công dụng làm ấm cơ thể, được nấu rất công phu với nước lá trà, sữa, bơ Yak và muối. Theo lời chủ nông trại thì trong những ngày mùa Đông hay mưa lạnh, ngồi trong khung cửa, quấn mình trong chăn ấm, nhâm nhi bỏng gạo (Zaow), nhấp từng ngụm trà bơ sữa nóng, nhìn ra ngoài trời tuyết đổ, mưa rơi thì quả là tuyệt vời. Thảo nào, trên mấy chiếc bàn nhỏ ngoài phòng khách có bầy sẵn những cái tô gỗ to đựng đầy bỏng gạo mà nãy giờ chúng tôi cứ chia nhau bốc ăn vì mùi thơm khó cưỡng. Tuy nhiên, cái món trà này có vẻ “nồng nàn” hơn món trà bơ sữa chúng tôi đã được uống ở hội hoa hôm trước. Vì không quen với cái mùi đặc biệt nên chúng tôi đành phải phụ lòng người chiêu đãi và xin nước lạnh trong chai uống thế.
Sau bữa cơm chúng tôi theo mấy anh hướng dẫn viên và mấy anh tài xế ra sân cỏ học bắn cung và phóng phi tiêu. Tuy bắn cung là môn thể thao quốc gia và được ưa chuộng nhất ở Bhutan, nhưng môn phóng phi tiêu cũng được nhiều người tập dượt. Hầu như mỗi làng đều có một sân vận động cho dân làng thực tập bắn cung để thi thố tài năng mỗi mùa lễ hội.
Cái sân cỏ được chia lằn ranh rõ rệt, bên trái bắn cung, còn bên phải thì phóng phi tiêu. Những mục tiêu bằng gỗ được sơn nhiều màu xanh đỏ trắng vàng cho dễ thấy và đặt cách đó cũng không xa. Đây là sân tập bắn cho vui chứ cái mốc chính ở sân tập thi bắn cung thật sự thì phải đến hơn trăm mét. Dẫu mới được chỉ dẫn nhưng các bạn đồng hành của tôi cũng rất hăng hái giương cung bắn mũi tên bay xa không thua gì người bản xứ.
Đang chơi thì trời đổ cơn mưa, chúng tôi phải ngưng ngang cuộc vui, lên xe bus giã từ trang trại. Nhưng đến lúc ra tới phố thì mưa tạnh. Để không phí phạm buổi chiều còn lại, Kinley và Nim đưa chúng tôi đi thăm viếng Jampey Lhakhang, một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 7.
Kinley nói, theo truyền thuyết thì chùa Jampey là một trong 108 ngôi chùa mà vua Tây Tạng Srongtsen Gampo đã cho xây dựng trên những vị trí khác nhau từ Tây Tạng qua đến Bhutan, để trấn yểm một nữ quỷ đang làm trở ngại con đường hoằng pháp của các Cao Tăng Phật Giáo. Ngôi chùa Jampey này được xây cùng một ngày với ngôi chùa Kyichu ở Paro. Cũng theo truyền thuyết thì chùa Jampey đã chận trên đầu gối trái của nữ quỷ, và ngôi chùa Kyichu thì chắn trên chân trái của nữ quỷ. Còn một ngôi chùa nữa ở Lhasa (Tây Tạng) được xem như là ngôi chùa xây đằn trên thân nữ quỷ thì vì đứng hơi xa Kinley, nên tôi không nghe kịp cái tên.
Đêm thứ hai chúng tôi ở tại River Lodge Hotel, Nim đưa một người quen của anh, chuyên môn buôn bán Đông Trùng Hạ Thảo, đem những con sâu cỏ này đến cho chúng tôi xem. Đông Trùng Hạ Thảo là một loại sâu có đời sống ngắn ngủi vì bị bào tử nấm chiếm ngự hết châu thân, rồi chết đi để biến thành cây cỏ, đã được xem là một loại “thần dược” hiếm quý từ ngàn xưa, được tin là đại bổ, giúp cải lão hoàn đồng, giải độc, tăng cường sinh lực, và có thể chữa được nhiều thứ bệnh.
Nhưng sau cái ngày nhiều loại Đông Trùng Hạ Thảo biến chế được ra đời thì tôi không còn tin vào con sâu cỏ hai mùa Đông Hạ nữa. Tuy nhiên, tôi có nghe nói, Đông Trùng Hạ Thảo ở Bhutan là một đặc sản thiên nhiên và tốt nhất của vùng núi cao Hy Mã Lạp Sơn.
Người bạn của Nim đến, bày cho chúng tôi xem hai cỡ Đông Trùng Hạ Thảo, dài ngắn, mập ốm khác nhau, phần đầu có hai con mắt màu nâu đỏ, đuôi giống như một cái que cong. Anh bảo đây là hai cỡ Đông Trùng Hạ Thảo mà khách vẫn thường mua vì giá cả rất phải chăng, $4 một con nhỏ và $6 một con lớn. Anh cũng giảng giải cho chúng tôi biết làm sao để nhận biết một con sâu cỏ thật.
Theo lời người này thì: “Ở Bhutan, mỗi năm những người ở vùng núi cao của dẫy Hy Mã Lạp Sơn được cấp giấy phép thu hoạch Đông Trùng Hạ Thảo từ tháng 4 đến tháng 7. Người thu hoạch phải có khả năng nhận biết loài sâu cỏ này, và phải rất là kiên nhẫn kiếm tìm vì chúng khá nhỏ. Con sâu cỏ thật cầm nhẹ như 1 cọng cỏ khô, có tất cả 8 cặp chân, nhưng 4 cặp ở giữa là rõ nhất. Phần thân sâu có nhiều vân và những nếp gấp rõ nét, tuy không đều nhau. Nếu là sâu thật thì có mùi tanh như nấm rất đậm đà. Đông Trùng Hạ Thảo thật thì càng nhai càng thơm.”
Tôi cầm con sâu cỏ lên, đúng là nhẹ như lời người bán hàng nói, và cũng có mùi tanh nhưng thoảng giống mùi tôm khô hơn là mùi nấm. Nó có cặp mắt rất đỏ, mà theo lời người bán hàng thì màu mắt đỏ có nghĩa là mức adenosine cao (một hoá chất được sử dụng để điều trị loạn nhịp tim), đó là lý do Đông Trùng Hạ Thảo của Bhutan tốt hơn Đông Trùng Hạ Thảo của Tây Tạng (có cặp mắt màu đen).
Thấy người bán hàng có vẻ thành thật nên vài người trong nhóm tôi cũng bắt đầu lấy đĩa lựa Đông Trùng Hạ Thảo. Ham vui, tôi cũng theo bạn đồng hành mua vài chục con sâu cỏ, đem về ngâm rượu uống bồi bổ sức khoẻ để… đi chơi.

Mua Mat Na
Điệu Múa Mặt Nạ

Nếu đúng theo chương trình thì hôm nay chúng tôi sẽ đi đến Ura Valley, cách Bumthang 65 cây số để thư thả tản bộ qua ngôi làng cổ kính, nhìn đàn Yak (loại bò lông dài Tây Tạng) lang thang trên đồng cỏ, và viếng thăm tu viện Phật Giáo xinh đẹp ở Ura. Nhưng Kinley cho biết là hôm nay Bumthang có lễ hội Domkhar Tsechu, một lễ hội nổi tiếng, kéo dài ba ngày từ 25 tháng 4 tới 27 tháng 4 của người dân địa phương ở Domkhar Tashichholing Dzong, để vinh danh Guru Rinpoche.
Thế là chúng tôi đồng ý đi xem lễ hội thay vì đến thăm đồng cỏ Ura. Khi chúng tôi đến nơi thì đã có hàng trăm người đã tụ tập ở sân đền, phần đông cũng là người bản xứ, đang chờ đợi khai mạc. Mở đầu là một màn múa ca của 9 bà Bhutan với trang phục truyền thống đầy màu sắc. Dù không hiểu mấy bà hát gì hết nhưng nhìn thấy mấy bà tươi cười khoa tay trong điệu múa tôi cũng thấy vui vui. Sau đó là màn múa mặt nạ với những vũ công mang những cái mặt nạ nhiều màu xanh đỏ, với đủ hình thù ma quỷ, thú vật khác nhau. Họ quay cuồng nhẩy múa chung quanh sân đền theo tiếng chiêng, tiếng trống dập dồn, hoà với tiếng nhạc ầm ĩ. Tôi nghe loáng thoáng có tiếng người giải thích, bảo đây là một vũ điệu tế thần, họ đang kêu gọi thần linh về để ban hạnh phúc và may mắn cho dân làng, tất cả chúng sinh.

Trong lễ hội cũng có sự xuất hiện của mấy chú hề. Họ bắt chước các điệu múa, làm trò đùa với khán giả. Dẫu biết biểu tượng “dương vật” là một phần không thể thiếu của văn hóa Bhutan, nhưng tôi cảm thấy không thể quen thuộc được với hình ảnh các chú hề cầm cái “của quý” to tướng bằng gỗ, chạy tới, chạy lui, đập vào khán giả, và chờ đợi khán giả nhét tiền vào cái kẽ bên trên.
Chúng tôi sẽ ăn trưa ở ngoài trời, trên bãi cỏ gần cái Dzong tổ chức lễ hội. Công ty du lịch đã đặt thức ăn nóng sốt cho buổi trưa hôm nay. Ăn xong, chúng tôi lên xe đi dạo cảnh Burning Lake (mà tôi tạm dịch là hồ Chiếu Sáng). Burning Lake không hẳn là một cái hồ, hay đúng hơn là một hẻm núi nhỏ, được hình thành từ dòng nước của con sông Tang. Burning Lake không phải là thắng cảnh, nó chỉ có một vẻ đẹp rừng núi hoang sơ, nhưng du khách đến viếng thăm cái hồ này vì cái địa điểm lịch sử và tôn giáo quan trọng của nó.
Theo truyền thuyết thì Đại Sư Pema Lingpa đã tìm lại được kho báu kinh điển mà ngài Guru Rinpoche cất dấu dưới đáy hồ. Cũng theo truyền thuyết thì khi ngài Pema Lingpa nhẩy xuống hồ để tìm kho báu thì có cầm theo một cái đèn đốt bằng dầu bơ. Ngài đã lặn ngụp rất lâu dưới hồ, nhưng khi ôm tàng kinh nổi lên thì cái đèn bơ trong tay ngài vẫn chiếu sáng. Do đó cái hẻm núi này được gọi là Burning Lake. Từ đó, Burning Lake trở thành một địa điểm hành hương thiêng liêng của người Bhutan. Họ đã giăng những lá cờ cầu nguyện nhiều màu sắc ở dọc đường xuống hồ, chung quanh hồ và đến đốt đèn dầu bơ chiếu sáng vào những ngày lễ lạc.
Sau bữa điểm tâm sớm chúng tôi rời Bumthang đi thị trấn Gangtey ở vùng thung lũng Phobjikha. Phobjikha Valley là một thung lũng rộng lớn, ở phía Tây của rặng Black Mountain, và nằm ở độ cao 3000 thước so với mặt nước biển. Đây cũng là trạm dừng chân giữa đường để chúng tôi đỡ mệt. Chúng tôi nghỉ ăn trưa ở Norbu Yangphel Restaurant rồi đi thẳng đến ngoạn cảnh trên cánh đồng cỏ xanh nổi tiếng là một thắng cảnh hữu tình của vùng thung lũng. Mùa này, đồng cỏ Phobjikha xanh mướt, hoa Đỗ Quyên nở rộ khắp nơi, và những ruộng cây dương xỉ (Fiddlehead Fern), một loại rau được người Bhutan ưa chuộng, đang đâm chồi, nẩy lộc, hứa hẹn một mùa thu hoạch tốt đẹp.
Vừa đi, Kinley vừa chỉ cho chúng tôi thấy sự khác biệt của vùng thung lũng và những thành phố khác. Ở nơi đây, không có những đường dây điện giăng ngang dọc, vì vùng thung lũng này là nơi tạm trú của hàng ngàn cánh hạc cổ đen vào mỗi mùa Đông, nên chính phủ đã cho chôn toàn bộ đường dây điện xuống lòng đất để khỏi vướng víu, gây tai nạn cho những chú hạc khi thiên di về Phobjikha trốn lạnh. Mỗi năm, từ tháng 11 cho tới tháng 2, du khách có thể đến vùng thung lũng Phobjikha để dự lễ hội ngắm hạc cổ đen.
Hôm nay, chúng tôi sẽ lên đường trở lại Paro. Trong khi chờ hai bác tài đem xe xuống dốc, chúng tôi đi bộ sang thăm chú hạc cổ đen đang dưỡng thương ở Trung Tâm Điều Trị Hạc Cổ Đen ngay dưới chân khách sạn. Chú hạc cổ đen này đã bị gãy cánh không thể bay trở về quê cũ nữa, chú đang cần điều trị và còn lâu lắm mới được tái hợp với đoàn. Chúng tôi nhẹ bước đi vòng quanh cái chuồng chú đang trú ngụ, không dám làm chú hoảng hốt quạt cánh bay đi tìm chỗ trốn. Tổn phí để chữa trị cho chú hạc cổ đen này cũng không nhỏ, nên trung tâm rất vui khi được sự hỗ trợ của du khách mọi nơi.
Chúng tôi nghỉ ăn trưa ở Rinchenling Cafeteria Punakha, một quán ăn nằm cuối một con ngõ có nhiều quán bán hàng lưu niệm và những căn nhà có mặt tiền được trang trí bằng tranh vẽ “dương vật”. Ngay trong cái quán ăn mà chúng tôi đang nghỉ ăn trưa đây, cũng có trưng bày hai cái biểu tượng hạnh phúc to tướng, hai màu, ở ngay quầy tính tiền. Quán ăn có ba mặt là khung cửa kính, nhìn ra những thửa ruộng xanh mơn mởn và Chimi Lhakhang ở phía xa xa.
Lý do Kinley chọn ăn trưa ở quán này là để tiện cho chúng tôi đi thăm viếng chùa Chimi sau khi dùng bữa. Chimi Lhakhang, nằm ở trên ngọn đồi cao cuối làng, còn được gọi là “Ngôi Đền Sinh Sản”, là 1 trung tâm hành hương của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhưng muốn đi đến ngôi đền này, chúng tôi phải vượt qua những thửa ruộng ngút ngàn, đi qua bãi bắn cung rộng thênh thang, rồi mới leo lên đồi vào tu viện. Theo lời Kinley thì con đường làng nhỏ hẹp, xe không chạy vào được, nên phương tiện duy nhất là đi bộ.
Chúng tôi nhìn ra ngoài trời nắng như đổ lửa, ngại ngần. Mấy ngày hôm nay dầu dãi trên con đường thiên lý, tắm nắng, gội mưa nên chúng tôi cũng cảm thấy hơi mệt mỏi, hơn nữa, chúng tôi còn phải giữ sức để leo lên Tiger Nest ngày mai, nên chúng tôi thông qua cái chuyện viếng thăm ngôi đền sinh sản.
Riêng tôi thì tôi không còn thấy hiếu kỳ để đến viếng thăm Chimi Lhakhang nữa, sau khi nghe được câu chuyện truyền tụng trong dân gian về ông “Thánh Điên” Kunley và “Ngôi Đền Sinh Sản”. Theo câu chuyện thì Drukpa Kunley là một nhà sư đến từ Tây Tạng. Ông có một cuộc sống lập dị, say sưa, dâm đãng, và rất hãnh diện với cái tên “Thánh Điên” (Devine Madman). Ông đã tự hào với lối tu hành khác lạ của mình và bửu bối trời cho để chinh phục hàng ngàn phụ nữ. Ông sử dụng biểu tượng “dương vật” để chinh phục ma quỷ và ban phước lành cho những người tin tưởng ông. Ông khuyến khích dân chúng vẽ những bức tranh “của quý” ở mặt tiền nhà, và trưng bày biểu tượng này trong nhà để được may mắn, hạnh phúc, và không bị ma quỷ quấy phá.
Rời ngôi làng với những biểu tượng hạnh phúc của ông Thánh Điên, chúng tôi đi về hướng Paro. Lúc gần về tới thành phố Kinley đưa chúng tôi ghé qua hãng dệt, nhìn ngắm những tấm sà rông đầy màu sắc và tìm hiểu về lối dệt vải của người Bhutan. Dệt vải, đối với người dân Bhutan, là một phần quan trọng trong văn hoá và đời sống. Những người thợ dệt phải qua những lớp học dệt vải, học cách lựa chỉ, pha màu, để có thể dệt nên những khúc vải có hoạ tiết phức tạp đan kết, hoà hợp với nhau. Nhìn những người thợ dệt thoăn thoắt trên khung cửi tôi mới thấy họ thật sự là những nhà mỹ thuật, có óc sáng tạo rất dồi dào và tinh tế. Tôi nghe nói thời gian để hoàn thành một miếng sà rông tuỳ thuộc theo màu sắc và hoa văn được chọn. Có miếng vải được dệt trong vòng vài tháng, nhưng cũng có miếng vải phải mất cả năm trời mới được dệt xong. Thế nên giá cả mấy miếng sà rông này cũng chẳng chút phải chăng, cái nào nhìn thấy đẹp mắt cũng phải đến hơn ngàn đồng tiền Mỹ.
Chúng tôi trở về Tiger Nest Resort vừa vặn bữa cơm chiều. Tối nay chúng tôi sẽ ăn cơm sớm, nghỉ ngơi để có sức đi leo núi ngày mai. Kinley sẽ cho “wake up call" đánh thức chúng tôi dậy lúc 5 giờ rưỡi sáng. Khoảng 6 giờ rưỡi chúng tôi sẽ rời khách sạn, đến quán ăn ở dưới chân núi dùng điểm tâm, rồi đi thẳng lên Tiger Nest.
Trước khi đi chơi, tôi đã háo hức lên mạng tìm hiểu về Tiger Nest, một địa điểm du lịch nằm trong “bucket list” (danh sách những ước mơ sẽ thực hiện trong đời) của tôi. Tiger Nest hay là tu viện Paro Taktsang, cái nôi của Phật Giáo ở Bhutan, được xây dựng năm 1692, là một nơi linh thiêng nhất ở Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng. Tiger Nest là mục tiêu chính để du khách đi du lịch Xứ Sở Hạnh Phúc. Tu viện Taktsang toạ lạc chênh vênh trên một vách núi đá hoa cương cao chất ngất (10 ngàn feet), nhìn xuống thung lũng Paro. Theo truyền thuyết thì ngài Liên Sinh Hoa (Guru Rinpoche), một đạo sư truyền bá Phật Giáo vào Tây Tạng và Bhutan, đã ngồi trên lưng một con hổ, bay đến địa điểm này để chinh phục một con quỷ dữ, rồi ở lại tu hành. Sau khi ngồi thiền định trong 3 năm, 3 tháng và 3 ngày, ngài bắt đầu hoằng pháp để phát huy Phật Giáo ở Bhutan.
Đang ngủ ngon, tôi bị đánh thức bởi những giọt mưa rơi lộp độp trên mái hiên. Mưa càng lúc càng lớn hơn, như trút nước. Cứ thế, trận mưa kéo dài từ nửa đêm cho tới sáng. Tôi nằm nghe mưa rơi mà não nề, không biết mình có dám tham dự cuộc chơi vào sáng mai không, vì Tiger Nest ngày khô ráo đi đã khó, mưa ướt như thế này thì làm sao tôi có thể leo tới nơi.
Sáu giờ sáng điện thoại reo, tiếng Kinley bên kia đầu giây, anh xin lỗi là phải huỷ bỏ chuyến đi lên Tiger Nest hôm nay, vì trời mưa nên đường lên núi sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên khoảng bẩy giờ thì chúng tôi vẫn rời khách sạn đi ăn sáng vì Kinley đã đặt quán hàng làm điểm tâm cho chúng tôi rồi.
Đến khoảng gần 9 giờ thì mưa tạnh, ánh nắng chan hòa khắp mọi nơi. Kinley bảo, nếu chúng tôi có muốn leo lên Tiger Nest thì nên thử hôm nay, chứ ngày mai mà lại mưa thì đúng là công cốc. Thế là chúng tôi nhanh chóng uống vội tách café dang dở, trở về khách sạn để sắp soạn hành trang leo núi.
Xe chở chúng tôi lên đến bãi đậu xe của Tiger Nest. Tưởng mưa gió không có ai đi, vậy mà cũng đã có bao nhiêu người đang xếp hàng vào cổng. Ai không đem theo gậy chống leo núi thì có thể mua ngay ở đây, chỉ có $1 một cái thôi. Qua khỏi cổng kiểm soát là nơi thuê lừa, nếu không muốn lội bộ thì du khách có thể thuê lừa chở đi cho đỡ mệt. Nhưng lừa chỉ đi đến khoảng nửa chừng núi thôi, và chỉ chở lên chứ không chở xuống, nên những đoạn đường còn lại du khách vẫn phải tự lo. Nhìn mấy con lừa lấm lem với bùn chúng tôi ngần ngại, hơn nữa, chúng tôi cũng nghe nói đã có nhiều tai nạn xảy ra trên đường núi này vì mấy con lừa này hay trửng giỡn, nên chúng tôi quyết định nhờ đến đôi chân của mình và mấy cây gậy chống.
Chúng tôi bắt đầu lên núi. Kinley và tất cả thành viên của công ty Dzogchen chia nhau đi chung quanh, hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi. Những đoạn đầu tiên không mấy khó khăn vì quãng đường núi này rộng thênh thang và cũng hơi thoai thoải. Chúng tôi chỉ phải thận trọng tránh những vũng nước to, nhỏ rải rác đó đây mà trận mưa vừa rồi đã để lại. Nhưng khi chúng tôi đi qua cái lạch nước và vòng quay cầu nguyện chạy bằng thuỷ điện, có những lá cờ ngũ sắc giăng ngang thì con đường bắt đầu dốc hơn, hẹp hơn và khúc khuỷu nhiều hơn. Đã thế, chúng tôi còn phải nép sát vào một bên sườn núi để tránh mấy con lừa đang hung hăng sấn tới, đôi khi chúng còn nhẩy cỡn lên để chọc phá lẫn nhau. Nhìn những người ngồi lắc lư trên thân lừa mà tôi thấy lo sợ, vì chỉ cần hụt một bước là cả người, cả lừa sẽ rớt xuống vực sâu.
Đi thêm một đoạn đường ngắn nữa thì chúng tôi đến ngôi đền nhỏ, chính giữa có cái vòng quay cầu nguyện thật lớn. Gần đó là một dãy vòng quay nhỏ, nằm dưới mái hiên che được lợp bằng tôn. Những lớp cờ Lungta ngũ sắc được trang trí với những hình ảnh linh thú, những câu thần chú và những lời cầu nguyện đã bắt đầu từ đây, kéo dài tận đến cổng vào Taktsang Cafeteria.
Chúng tôi nghỉ chân ở Taktsang Cafeteria ăn trưa và nghỉ mệt. Cái sân đá trống trải phía trước của Cafeteria cũng là một cái “view point” thật tốt để chúng tôi ngắm cảnh, và chụp hình với toàn cảnh tu viện Taktsang cùng núi non hùng vĩ.
Sau bữa ăn thì trời lại âm u có vẻ muốn mưa nên có vài người trong đoàn tôi đề nghị đi xuống núi. Mấy anh chàng hướng dẫn viên của công ty du lịch thấy có người muốn về nên nét mặt tươi vui hẳn lên. Không vui sao được vì hơn 4/5 số người trong đoàn đều ở lưng chừng cái tuổi “nhi nhĩ thuận” hết rồi, và cái chặng cuối cùng của con đường lên Tiger Nest này cũng khá cam go.
Nhưng sau đó thì chúng tôi chia làm hai nhóm, một nhóm nhỏ theo Kinley trở về, nhóm còn lại theo Nim tiếp tục lên hang. Đoạn đường tiếp nối này cũng không đến nỗi khó khăn, vì nó có một chiều ngang khá rộng, tuy có hơi gập gềnh, nhưng được cái là có hai vách núi bao che, hơn nữa chúng tôi không phải lo tránh mấy con lừa như đoạn đường bên dưới, nên chúng tôi cứ thong thả mà đi. Cứ thế, chúng tôi đi dần đến 1 khoảng đất bằng phẳng có ngôi đền nhỏ, cửa đóng kín mít, bên ngoài có một bờ đá thấp. Nơi đây mới thật là một nơi chốn ngừng chân tuyệt vời để chụp hình vì có thể nhìn thấy tu viện Taktsang thật rõ ràng.
Lúc này thì mấy anh hướng dẫn viên của chúng tôi có ý muốn về, vì cái đoạn đường cuối cùng này mới thật sự gian nan, chúng tôi phải vượt qua 800 cái bậc cầu thang đá, 600 bậc đi xuống, và 200 bậc đi lên. Nhưng đã nhìn thấy cái cảnh đẹp mê hồn của Tiger Nest thì dễ gì chúng tôi chịu bỏ cuộc. Thấy chúng tôi phom phom tiến bước mấy anh chàng hướng dẫn viên đành phải xoa đầu, vò tóc đi theo.
Thật tình thì tôi cũng cảm thấy mệt lắm rồi đây, cứ đi hơn chục bậc thang là tôi phải ngừng lại để thở, rồi mới tiếp tục bước đi. Vừa đi tôi vừa cầu Quan Thế Âm Bồ Tát, cầu ngài Liên Sinh Hoa, cho tôi lên được tới sân chùa. Cuối cùng thì tôi cũng tới nơi.
Đứng ở hành lang sân cờ, ngắm khung cảnh chung quanh, nhìn ngược lại mấy cái cầu thang dốc, tôi mới thấy thật là hạnh phúc. Tôi cứ ngỡ là đang trong mơ, vì chưa bao giờ tôi nghĩ là tôi có thể lên được tới Tiger Nest, một ngôi chùa chênh vênh trên đỉnh núi, ở một đất nước xa lạ trong dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Khu vực Tiger Nest này có nhiều ngôi đền khác nhau nhưng chúng tôi không có đủ thì giờ thăm viếng hết vì đường về còn xa, nên chúng tôi chỉ đi một vòng viếng khu thờ phượng bên dưới rồi leo lên cầu thang vào chính điện. Chắc đây chỉ là một nơi để khách hành hương vào chiêm bái nên chính điện có một diện tích rất nhỏ, vậy mà bức tượng bằng đồng to tướng của ngài Liên Sinh Hoa đã chiếm hết một phần ba.
Vừa lúc chúng tôi sửa soạn bước ra thì gặp một vị cao tăng bước vào để đèn hương sửa soạn buổi kinh chiều. Ngài nói với Nim là ngài muốn ban phước lành cho chúng tôi. Thế là chúng tôi lần lượt bước tới trước mặt ngài đỉnh lễ, hoan hỉ nhận nước thánh, phước lành và sợi dây chỉ đỏ may mắn từ tay vị cao tăng.
Chúng tôi khoan khoái trở về trong không khí trong lành của mùa Xuân. Con đường về có vẻ dễ dàng hơn lúc đi lên. Ánh nắng dịu dàng chan hoà khắp núi rừng thanh tịnh. Chúng tôi cứ luyến tiếc, nhẩn nha nhìn ngắm, chụp hình mà quên là trời đã ngả về chiều, và sập tối thật nhanh. Lúc này đã 6 giờ chiều, bãi đậu xe vắng lặng, chỉ còn một cái xe bus nhỏ của chúng tôi và một cái xe nhà của mấy người Ấn Độ chúng tôi gặp trên đường.
Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau thì chúng tôi về tới khách sạn. Tôi thấy Kinley đang chắp tay đi đi lại lại trước sân, nét mặt có vẻ lo âu, anh tươi tỉnh hẳn lên khi thấy “đoàn người chinh phục đỉnh Tiger Nest” trở về… nguyên vẹn và đầy đủ.
Đêm nay, chúng tôi phải thanh toán nốt mấy cái bịch chà bông còn lại, vì tối mai là Farewell Dinner, tiệc giã biệt, chúng tôi sẽ dùng bữa ở một nhà hàng ngoài phố, nên không ăn hết món chà bông này thì chỉ còn có nước bỏ đi.
Thật tình thì những món ăn của Bhutan cũng không đến nỗi khó ăn. Mấy ngày qua, chúng tôi cũng đã dần quen thuộc với ẩm thực của người bản xứ. Tuy nhiên họ sử dụng phô mai nhiều quá, đa phần những món ăn đều có chữ cuối… Datshi (phô mai).
Cái món Datshi mà tôi thấy thường trực 3 bữa ăn là món sauce ớt và phô mai (Ema Datshi), trong hai dạng đặc và lỏng, cay rát lưỡi hay chỉ vừa phỏng môi là tuỳ theo số lượng ớt nấu chung. Một món khác cùng họ Datshi là món khoai tây cắt lát mỏng nấu với ớt và phô mai (Kewa Datshi), món này thì ngon đậm đà với sự hoà quyện bùi bùi của khoai tây, béo ngậy của phô mai và ớt cay cay. Còn cái món nấm, rau củ nấu với phô mai (Shamu Datshi), là cái món tôi không hảo lắm, phải chi họ chỉ xào sơ với bơ tỏi là cũng nên một món rau “chóp sui” ngon lành.
Món bánh bao (Momo) thì hình dạng cũng hơi giống như những cái bánh xếp của mình (potsticker), bên trong có chút nhân thịt trộn với rau và phô mai. Món bánh này được chấm với một loại tương ớt của Bhutan (Ezay). Món mì sợi của Bhutan (Puta) làm bằng kiều mạch (buck wheat), nên cái vị của nó hơi nhẫn nhẫn, không như món mì trứng của mình, nhưng xào với bơ tỏi ăn cũng tàm tạm. Còn cái món cà ri gà (Jasha Maru) của Bhutan cũng na ná món cà ri Ấn Độ, nhiều gia vị đặc trưng nên có vị cay nồng.
Thức ăn Bhutan chủ yếu là rau, nên thực đơn có nhiều món rau khác biệt. Tôi thích nhất là hai loại rau: lá rau củ cải khô (Lom) và rau dương xỉ (Nakey) xào bơ tỏi. Hôm nào, gặp được hai cái món rau này là tôi có thể ăn rau trừ cơm.
Duy có một món thịt, mà tôi tiếc là đã không biết trước để mà thưởng thức. Hôm ghé ăn ở trưa ở quán bên đường, tôi có múc thử một món thịt màu nâu đậm, được nấu với củ cải, hành tây. Món thịt khô rang, cứng và dai, ngồi nhai trệu trạo một hồi tôi phải bỏ thịt ăn rau. Sau này tôi mới biết đó là món thịt khô bò Yak nổi tiếng của Bhutan, một loại thịt có nhiều chất bổ dưỡng hơn thịt bò thường, được nấu với ớt và củ cải (Shakam paa).

Tre con di hoc ve
Trẻ em đi học về

Hôm nay là ngày cuối cùng chúng tôi ở Bhutan. Đáng lý ra thì chúng tôi sẽ đi Haa Valley để ngắm cảnh chụp hình, nhưng viếng thăm được nhiều đền đài, thắng cảnh ở Bhutan, nhất là đã lên được tới Tiger Nest là chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Hơn nữa, mang tiếng đến Paro, mà thật tình chúng tôi chưa nhìn được phố xá thị trấn này ra sao, nên khi Kinley đề nghị đi vòng vòng Paro, rồi đi shopping ở ngoài phố thì không người nào phản đối.
Trước khi đi ra phố thì Kinley lại đưa chúng tôi đi viếng thăm thêm một cái Dzong nữa, đó là Drugel Dzong, một pháo đài và tu viện Phật Giáo. Drugel Dzong được xây dựng năm 1649 để đánh dấu ngày quân đội Bhutan đã ngăn chặn được cuộc tấn công của Tây Tạng. Drugel Dzong ngày nay chỉ còn là phế tích sau khi bị tàn phá bởi một trận hoả hoạn. Nghe nói Drugel Dzong đang được chính phủ Bhutan xây dựng lại, nhưng nơi chúng tôi đến viếng vẫn còn trong cảnh hoang tàn.
Rời Drugel Dzong chúng tôi đi đến Kyichu Lhakhang, cái chùa được xây cùng 1 ngày với cái chùa Jampey ở Bumthang để trấn yểm nữ quỷ. Chùa Kyichu được xem là ngôi chùa cổ đẹp nhất ở Bhutan và có lưu giữ nhiều di tích quan trọng. Nhưng không biết hôm nay là ngày gì mà khách thập phương đông quá, khói hương mù mịt khắp nơi nên chúng tôi không vào trong chính điện. Chúng tôi chỉ đi chung quanh chùa, xoay những vòng quay cầu nguyện, rồi đi vòng vòng chụp hình với cây tùng cổ thụ và những bụi hoa mộc lan tím đang nở rộ trong sân.
Sau khi ăn trưa ở khách sạn Yarkhel, nơi chúng tôi đã làm quen với ẩm thực Bhutan ngày đầu tiên, chúng tôi trực chỉ phố Paro. Phố xá Paro cũng nhỏ, hình như chỉ có một con đường chính, với những cửa hàng đồ mỹ nghệ, chén bát bằng gỗ, mặt nạ Thánh Thần, Quỷ Sử, bát hương, chuông đồng, vòng quay cầu nguyện, tranh thêu Phật Gíao (Thangka), mấy cái chuỗi hột đá trang sức của vùng Hy Mã Lạp Sơn v.v…, nhưng nhiều nhất là vẫn là những hàng khăn dệt bằng lông bò Yak. Thỉnh thoảng tôi thấy có mấy quán tạp hoá, chủ yếu là bán đồ khô, vì trái cây, rau cải buổi chiều cũng chẳng còn gì.
Tôi ghé vào xem Đông Trùng Hạ Thảo ở mấy cửa hàng trong dãy phố thì thấy giá bán đắt hơn người bạn mà Nim giới thiệu nhiều lắm. Có những con chỉ hơi trộng hơn mấy con sâu cỏ chúng tôi mua một chút, vậy mà họ đòi tới những $15 - $20 một con. Trà Đông Trùng Hạ Thảo cũng có bán ở mấy tiệm này, chỉ có $10 một hộp trà thôi, nhưng nghe nói chỉ có 1/100 là Đông Trùng Hạ Thảo, phần còn lại là… trà.
Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ đi dạo hai bên đường phố mà lúc trở về bà nào trong đoàn tôi cũng có trong tay “chiến lợi phẩm”, phần nhiều là mấy cái khăn quàng lông Yak và trà Đông Trùng Hạ Thảo. Tôi cũng rất vui vì đã tìm ra cái bát hương dài vừa ý, trên nắp có bánh xe Pháp Luân và bên hông có hàng chữ Án Ma Ni Bát Ni Hồng.
Vậy mà cũng đã tới 4 giờ, chúng tôi phải trở về khách sạn, sửa soạn tươm tất hơn để dự bữa tiệc Farewell tối nay ở Charo and Daroo Restaurant. Happy Hour có rượu, bia, nước ngọt, một loại chips (bánh chiên) đặc biệt của Bhutan và vòng lửa trại sưởi ấm. Rượu chưa mềm môi, chuyện còn đang giòn giã mà trời lại nổi cơn dông, thế là chúng tôi phải nhanh chân chạy vào trong nhà hàng trú ẩn.
Ở trong căn phòng lớn nhất của nhà hàng, nơi đã được dành riêng cho chúng tôi đêm nay, có bày sẵn ba cái bàn dài trải khăn hoa đẹp đẽ. Những món ăn quen thuộc, nóng sốt đang đợi chờ. Mấy ngày vừa qua, Kinley và đoàn tuỳ tùng của anh có một mâm cơm riêng biệt, có thể là vì họ không ăn thịt, nhưng tối nay, chúng tôi yêu cầu họ ngồi chung với chúng tôi, để có thể trò chuyện một cách thân mật hơn.
Sáng hôm nay tôi dậy sớm, đứng ở khung cửa sổ, nhìn ra cảnh núi đồi Tiger Nest mờ ảo tít trên cao, mà cảm thấy tâm hồn mình lắng đọng. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi là tôi sẽ rời xa Xứ Sở Hạnh Phúc, nơi có một cuộc sống thật bình dị nhưng mọi người luôn tươi tắn với nụ cười.
Trong mười mấy ngày ở đây, tôi đã tiếp nhận được rất nhiều nụ cười: từ mấy người bạn trẻ phục vụ ở khách sạn, dù có phải vác những cái vali gần 50 lbs mỗi ngày lên xuống mấy tầng lầu mà vẫn tươi cười đùa giỡn thật vui; từ người thợ nề xây xa lộ trong trưa nắng chang chang, thấy xe chúng tôi chạy qua, nhìn lên nở một nụ cười rồi cúi xuống làm việc tiếp; từ đám trẻ thơ trên đường về học, không biết chúng tôi là ai nhưng cũng chắp tay, cúi đầu, cười chào lễ phép; từ những chú tiểu hồn nhiên nô đùa tắm nắng bên giòng suối nhỏ; từ những người bán hàng trong thị trấn, đon đả chào đón, giải thích cặn kẽ sự khác biệt của những món hàng, mà không cần biết chúng tôi có mua sắm gì không hay chỉ là nhìn ngắm cho vui.
Họ đã khiến tôi nhận ra, hạnh phúc của người Bhutan được đong bằng sự chân thành của người bản xứ, bằng lối sống không bon chen, không quá chú trọng đến nhu cầu vật chất. Họ hài lòng với những gì họ có nên luôn vui vẻ, dù cuộc sống của họ có thể không “đầy”, hay chỉ là “vừa đủ”. Hạnh phúc, đối với họ, không xa xôi, nên không cần tìm kiếm, tất cả… chỉ là những nụ cười.
Và hạnh phúc của tôi, cũng nằm đây trong trái tim tôi. Tôi đang hạnh phúc, vì đã đi, và đến được một nơi chốn mà tôi đã hằng ước mơ.

Bảo Trân

Không có nhận xét nào: