Qua sự mất mát quá lớn, một
cây đại thụ âm nhạc Việt Nam vừa ra đi - nhạc sĩ nổi tiếng từ trước năm 1975, ở
tuổi 83, mất tại miền Nam California, ngày 22.12.2020. Với một sự nghiệp kho tàng
sáng tác đồ sộ trên 200 bản nhạc với nhiều thể loại từ tình cảm sâu lắng, tình
cảm rạt rào, những bản nhạc đồng quê vui nhộn, những bản nhạc về lính, về số phận...
đều vượt thời gian, rất đáng trân trọng nể phục.
Trên google - YouTube và các cơ quan truyền thông hải ngoại kể cả trong nước đã
viết, nói nhiều về cuộc đời của thiên tài âm nhạc Việt từ lúc mới 15 tuổi. Từ đó,
nhạc sĩ Lam Phương có chuổi dài sáng tác
(từ năm 1956 - 2000) với đủ thể loại mà có rất ít nhạc sĩ sáng tác theo kịp Lam
Phương.
<!>
Tôi hiểu nhạc sĩ
Lam Phương là người đa tình đa cảm, dễ xúc động, bà vợ nào có tánh ghen thì khó
sống chung lâu dài với nhạc sĩ? Khi nhạc sĩ Lam Phương quen, mến, thích hay đá
lông nheo với mỹ nhân nào là ông sáng tác ngay một bản tình ca mùi rệu và kết
thúc tình cảm với mỹ nhân cũng có một bản "aurevoir". Như ca sĩ Thanh
Phong (Ban Tam Ca Sao Băng) nói ở Pháp, Lam Phương có tình mới ông sáng tác ít
nhứt hai bản tình ca vào và ra. Có nghĩa là mối tình đó kéo dài như với Túy Hồng
(vợ đầu) và người đẹp Cẩm Hường ở Paris, ông sáng tác hàng chục bản tình ca bất
hủ vượt thời gian... Chẳng may, ông bị tai biến gần 20 năm. Nếu 20 năm, ông có
tình yêu mới với hàng chục mỹ nhân, có thể nhạc sĩ còn cho ra lò hàng chục hàng
trăm bản tình ca bất hủ khác, nâng kho tàng sáng tác âm nhạc của ông thêm đồ sộ
vĩ đại...
Lễ tang của nhạc sĩ Lam Phương
được tổ chức sáng chủ nhựt 3.1.2021 tại chùa Huệ Quang - khu Little Saigon và
sau đó hỏa táng tại Abbey Memorial Park & Mortuary - Anaheim (Orange
County).
Tiếp theo 5 ngày sau -
27.12.2020, tại Thủ phủ Sacramento, nhạc sĩ Phiêu Bồng cũng theo chân nhạc sĩ
Lam Phương, ở tuổi 84 ra đi về Vùng 5 Chiến Thuật. Cả hai nhạc sĩ cùng tôi đều
quen biết thân nhau tại Cần Thơ qua cái duyên văn nghệ tiền đồn. Sở dĩ, tôi liên
kết hai cái chết vì bịnh vì tuổi già của hai nhạc sĩ một nổi tiếng khắp thế giới
và một chỉ nổi tiếng ở địa phương Sacramento và các hội đoàn của cộng đồng Việt
Nam ở các thành phố gần Sacramento. Cả hai nhạc sĩ đều là chỗ quen biết thân tình
từ xa xưa ở Cần Thơ, năm 1964.
Cuối năm 1964, một phái
đoàn văn nghệ của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc Tổng Cục Chiến Tranh
Chánh Trị từ Sài Gòn xuống Cần Thơ trình diện Khối Chiến Tranh Chánh Trị Quân
Đoàn IV.
Cái duyên văn nghệ giữa nhạc
sĩ Lam Phương và tôi bén rễ từ ngày đó. Phái đoàn văn nghệ trung ương gồm 9 người
của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương: một sĩ quan trưởng đoàn và thành phần nghệ sĩ:
Lam Phương - Túy Hồng - Kim Loan - Ban tam ca Sao Băng: Thanh Phong - Duy Mỹ -
Phương Đại và còn một tay đờn, một nữ ca sĩ nữa tôi quên tên. Phái đoàn văn nghệ
này do Bộ Chi Huy C4 Lực Lượng Đặc Biệt xin với Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị
.
Bộ Chỉ Huy C4 Lực Lượng Đặc
Biệt chỉ huy hàng chục trại Lực Lượng Đặc Biệt (còn gọi là Trại Biệt Kích) đóng
dọc theo biên giới Miên Việt trên lãnh thổ Vùng IV Chiến Thuật. Dưới C4 có nhiều
B, như tại Châu Đốc có Bộ Chỉ Huy B1 (?), còn B2 như đặt ở tỉnh Kiến Phong và
B3 ở tỉnh Kiến Tường (tôi không rõ các B đóng ở đâu mà tôi hiểu rất rõ một B
(B1?) đóng ở Châu Đốc vì vị Chỉ Huy Trưởng B ở Châu Đốc thân quen với tôi có mời
tôi về thăm đơn vị khi tôi phụ trách về truyền thông báo chí Quân Đoàn IV, B1 đóng
trong tỉnh lỵ, cũng gần nhà gia đình tôi.
Theo lịch viễn du trình diễn
văn nghệ các trại Lực Lượng Đặc Biệt vào dịp gần cuối năm 1964, đã được trình
duyệt với vị Tư Lệnh Quân Đoàn (Trung Tướng Đặng Văn Quang) ông phê duyệt, chỉ
thị giao trách nhiệm cho Khối Chiến Tranh Chánh Trị phối hợp với C4 tổ chức thật
chu đáo và an toàn cho các nghệ sĩ đi trình diễn ở các tiền đồn ở tuyến đầu vùng
biên giới rất nguy hiểm... Nhạc sĩ Phiêu Bồng (Nguyễn Văn Bồng - tốt nghiệp khóa
13 hay 14 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Đà Lạt) giữ chức Trưởng Phòng 5 (Khối
Chiến Tranh Chánh Trị C4) và Thiếu Tá (sau này là Đại Tá) Nguyễn Thành Chuẩn Chỉ
Huy Trưởng C4.
Thiếu Tá Trưởng Khối Chiến
Tranh Chánh Trị Quân Đoàn phối hợp với Thiếu Úy
(hay Trung Úy) Nguyễn Văn Bồng và tôi hợp soạn một chương trình trình diễn
văn nghệ gần một tuần lễ tại các trại Biệt Kích từ Núi Dài - Vĩnh Gia (Châu Đốc)
đến Hà Tiên (Kiên Giang) sang quận An Phú (Châu Đốc) đến xã Thường Phước thuộc
tỉnh Kiến Phong... Có khi trình diễn ban ngày, đề phòng ban đêm VC pháo kích, tấn
công. Trên nguyên tắc chung. nơi nào trình diễn ban đêm thi ban văn nghệ ngủ lại
trại đó như là khách mời đặc biệt VIP.
Biệt Đoàn Trưởng hay Biệt Đoàn
Phó Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương có gọi điện thoại "phụ nhĩ" với Thiếu
Tá Trưởng Khối Chiến Tranh Chánh Trị Quân Đoàn IV
(H: Ca sĩ Kim Loan nổi tiếng với tác phẩm Căn Nhà Ngoại
Ô, lúc mới 17 tuổi)
Thiếu Tá Trưởng Khối hỏi tôi
có đi được không? Tôi trả lời không có gì trở ngại cho công việc làm. Nhạc sĩ
Phiêu Bồng và tôi sẽ đưa phái đoàn văn nghệ đến trại Núi Dài, nơi trình diễn đầu
tiên là hết nhiệm vụ. Chúng tôi khởi hành từ phi trường cũ Cần Thơ (nơi đặt Bộ
Chỉ Huy C4 - không phải phi trường Trà Nóc) cùng đi chung với phái đoàn văn nghệ
đến Trại Núi Dài. Chúng tôi ở lại đây đến 4 giờ chiều có trực thăng đưa trở về
Cần Thơ. Từ trại Núi Dài đi lưu diễn các trại Biệt Kích khác do B1 của Đại úy
(hay Thiếu Tá) Kiểm (Chỉ huy trưởng B1 đang trú đóng ở Châu Đốc) chịu trách nhiệm
và thu xếp với Mỹ lo có máy bay của Lực Lượng Đặc Biệt đưa đi lưu diễn các trại
khác và sau cùng, có máy bay đưa phái đoàn văn nghệ trung ương về Sài Gòn...
Như vậy, công việc của tôi và anh Bồng rất nhẹ chỉ có
hướng dẫn phái đoàn văn nghệ Trung Ương đến Trại Núi Dài (lưng chừng núi, bao
quanh trại là rừng già bạt ngàn và có nhiều mật khu nhỏ của VC cũng có rải rác
trong rừng núi vùng Thất Sơn này) chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, trở về Cần Thơ
trong ngày. Trưởng Trại Núi Dài là Đại úy Nam cũng là chỗ quen biết trước và
người bạn cùng khóa 13 Thủ Đức với tôi làm Trại Phó. Trong bữa ăn trưa khá thịnh
soạn, Trại Núi Dài đải phái đoàn văn nghệ, có đông đủ cán bộ trại Mỹ Việt rất
vui. Tôi ngõ lời cảm ơn Trại Núi Dài và với tư cách là đại diện Khối Chiến
Tranh Chiến Tranh Chánh Trị Quân Đoàn IV cám ơn Đại Úy Nam và Trại Núi Dài và
"gởi gắm" các nghệ sĩ sẽ ở qua đêm tại trại này, đề trưa mai sẽ đi vào
Trại Vĩnh Gia và tiếp tục đến các trại khác do BCH/C1 của Thiếu tá Kiểm trách
nhiệm hướng dẫn. Tôi mời Trung Úy Bồng và Trưởng Đoàn văn nghệ trung ương phát
biểu kế tiếp. Sau cùng, tôi giới thiệu nhạc sĩ Lam Phương, một nhạc sĩ đã thành
danh, nổi tiếng từ thập niên 50, nói đôi lời cám ơn Trại Núi Dài. Đại Úy Trại Trưởng nói là ông phải cám ơn thật
nhiều các nghệ sĩ từ xa - Sài Gòn đến vùng Thất Sơn thâm sơn cùng cốc vô cùng
nguy hiểm này thăm trại còn trình diễn văn nghệ. Vùng Bảy Núi là cái nôi của các
tỉnh ủy VC trú đóng hổn hợp thuộc
Long Châu Hà và Long Châu
Sa (Long là Long Xuyên - Châu là Châu Đốc - Hà là Hà Tiên - Sa là Sa Đéc). Đại Úy
cho biết ông đã chuẩn bị tươm tất 5 hầm trú ẩn (bunkers) kiên cố và ông còn cho
biết, VC vùng này thường xuyên pháo kích vào trại mà chẳng nhằm nhò gì. Ông còn
nhấn mạnh, nếu đêm nay VC biết có khách VIP đến viếng trại, bắn vài chục quả súng
cối chào mừng, đó là điều tốt đẹp để các văn nghệ sĩ ghi được dấu ấn kỷ niệm đặc
biệt đêm ngủ ở tiền đồn Lực Lượng Đặc Biệt. Có nghệ sĩ mở tròn xoe đôi mắt nhìn
tôi có vẽ lo sợ. Duy Mỹ trong Ban Tam Ca Sao Băng thân tôi nhứt, khều chân tôi,
còn có vẽ muốn cười nửa miệng. Sau lời nói
của Đại Úy Nam, cả đoàn hơi bồn chồn lo lắng, ông nói tiếp, quý bạn đừng có lo,
tôi tiếp tế mỗi bunker một chai rượu mạnh, các bạn cứ uống say sẽ ngủ ngon, không
sợ pháo kích pháo kiết gì cả. Các bạn không uống rượu thì đàn cho các nữ ca sĩ
hát cả đêm thì VC cũng sợ nín khe. Tất cả mọi người đều nhoẽn miệng cười xua đi
cái sự lo lắng vu vơ. Ông cho biết, hầu hết lực lượng của Trại đêm nay ra ngoài
phục kích từ gần tới xa, chắc chắn VC không dám quấy rầy quý bạn. Cố Vấn Mỹ cũng
báo về TOC Mỹ (trung tâm hành quân) chấm trước các tọa độ xạ kích cho các chiếc
trực thăng gunship đến "mần việc" liền khi có VC khuấy rối, pháo kích.
Vì đây là dịp may hiếm có - ngàn năm một thuở, một trại Biệt Kích ở vùng cực kỳ
nguy hiểm mà tiếp đón được một phái đoàn văn nghệ trung ương hùng hậu. Tiếp lời
Đại Úy Nam, một Đại Úy Mỹ trưởng toán của Mỹ - Cố vấn của Trại, cũng nói được vài
câu tiếng Việt cám ơn và chúc sức khỏe nghệ sĩ. Đại úy Nam tâm tình, đây là lần đầu niên có một phái đoàn văn nghệ trung ương
hùng hậu đến Trại, chúng tôi xem như là ngày Lễ Hội nên có tổ chức đải quý bạn
và các biệt kích hai ba con bò - nhậu một bữa cho đã và thưởng thức văn nghệ
tuyệt vời trong 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi cho lính ăn từ 3 giờ chiều, đến 4 giờ
bắt đầu thưởng thức trình diễn văn nghệ. Đến 6 giờ chiều, trời vừa tắt nắn,g có
đến hàng chục toán biệt kích chuẩn bị hóa trang len lỏi vào sâu trong rừng phục
kích...
Từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, phái đoàn văn nghệ có gọi điện thoại nhờ tôi tìm chỗ hay thuê khách sạn giúp nghệ sĩ nghỉ qua đêm. Tôi làm phiếu trình xin Quân Đoàn cho 5 phòng, chỉ ở một đêm, tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, gần văn phòng của Tư Lệnh Quân Đoàn trên đại lộ Hòa Bình (văn phòng mới trong Trại Lê Lợi chưa xây cất xong). May là Câu Lạc Bộ sĩ quan không có ai ở mà số phòng cũng chỉ có 5 phòng, tương đối nhỏ hơn phòng ngủ ở Hotel.
Nhờ dịp này, tôi quen thân thêm nhiều anh em nghệ sĩ, Ban Tam Ca Sao Băng xem tôi như là anh "kết nghĩa" và nhạc sĩ Lam Phương xem tôi như người bạn thân từ lâu. Lam Phương rời quê hương Rạch Giá lên Sài Gòn học tiếp năm 1957 trùng hợp với tôi cũng xa quê hương Châu Đốc sau 3 niên học dạy tiểu học, cũng lên Sài Gòn tiềp tục học lại từ năm 1957.
(H: Nhạc sĩ Phiêu Bồng)
Từ đó, có nhiều tin đồn động trời, tôi không biết có đúng
không hay là những tờ báo đối lập tung tin thất thiệt, fake news? truyền thông thổ
tả? muốn bêu xấu, hãm hai uy tín Tông Tông và danh dự ca sĩ Kim Loan. Radio
Catinat đồn rùm beng là ca sĩ Kim Loan xin "tỵ nạn ái tình" (đi đẻ) ở
Cộng Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức). Đây là loại tin nghe rồi tức, làm cho bà Đệ
Nhất Phu Nhân nổi cơn "tam bành lục tặc" ghen lên...Cái chuyện tào
lao này đúng hay sai chỉ có ca sĩ Kim Loan biết mà thôi. Nhưng, tội nghiệp cho
kiếp hồng nhan, câu hỏi năm xưa, TT Thiệu có ngoại tình với cô không, vẫn còn đeo
đuổi ca sĩ Kim Loan cho đến tận bây giờ. Khi ca sĩ Kim Loan có vài dịp sang Hoa
Kỳ, gặp các ông nhà báo lắm chuyện cứ moi móc đời tư của người ta từ thời
"cố hỉ" xưa như trái đất rồi, cô có con với TT?, ngu sao mà nói, nếu
có. Chuyện này thuộc về đời tư nên xếp tàn y lại để dành hơi như vua Tự Đức.
Nhân hai cái chết của hai
nhạc sĩ: Lam Phương sanh năm 1937 tại Rạch Giá và nhạc sĩ Phiêu Bồng sanh năm
1936 tại Sài Gòn cùng thân với tôi từ năm 1964.
Chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt
Nguyễn Văn Bồng, từ ngày anh mới ra trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (Đà Lạt),
anh đã tình nguyện vào Lực Lương Đặc Biệt. Đơn vị đầu tiên của anh Bồng hình như
là C4 vừa mới thành lập ở Cần Thơ. Sau anh thuyên chuyển về phục vụ ở Vùng II
Chiến Thuật, anh được bổ nhiệm chức vụ Quận Trưởng các quận vùng sâu vùng xa, rừng
núi là nơi đầu não của VC ở tỉnh Bình Định. Trong đời binh nghiệp anh kém may mắn
thường bị thượng cấp "đì" bổ nhiệm những vùng nguy hiểm nhứt của địa
phương với ly do vì anh thuộc đơn vị thép Lực Lượng Đặc Biệt. Với chức Quận Trưởng
theo lẽ anh được thăng cấp Trung Tá từ lâu trước năm 1974. Tôi không biết anh có
được thăng Trung tá trước tháng 4 năm 1975 và chưa đeo lon Trung Tá thì chánh
thể VNCH sụp đổ.? Tuy nhiên, trên ngực anh thường có đeo một huy chương cao quý
nhất là Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Anh Bồng thuộc chiến sĩ xuất sắc ở
chiến trưởng được tuyển chọn về phục vụ ở Phủ Tổng Thống. Nhưng với cái tính
ham vui chơi nhạc, trực tính, không e sợ cấp trên, "bất cần đời" nên
cấp chỉ huy trực tiếp không ưa, anh bị cho về lại Lực Lượng Đặc Biệt.
Đám tang của nhạc sĩ Phiêu
Bồng diễn ra tại nhà quàn Sacramento Memorial Lawn, Stockton BLVD ngày 7.1.2021.
Sau đó di quan đến nghĩa trang Camellia ở đường Jackson, gần nhà thờ Các Thánh
Tử Đạo Việt Nam cũ.
Đặc biệt, Nghĩa trang
Camellia có dành một phần đất trên cái đồi thoai thoải cho cộng đồng Việt Nam gọi
rất kêu là Nghĩa Trang Người Việt. Chính nghĩa trang người Việt do hai người sáng
lập là cựu Thiếu tá Không Quân Nguyễn Đức Tân và Nha sĩ Đỗ Kỳ Long. Hai vị này
có mời tôi và vài vị nữa tham gia vào Ban Quản Trị Nghĩa Trang Việt Nam này. Như
vậy, cộng đồng VN ở Sacramento có "riêng" một nghĩa trang vài trăm phần
mộ nằm trong tổng thể Nghĩa Trang Camellia rộng lớn hàng trăm mẫu tây. Cá nhân
tôi có chân trong Ban Quản Trị với anh em (nay BQT đã giải tán), tôi đã "xí"
trước sau 12 chỗ liền kề nhau cho vợ chồng chúng tôi, 8 đứa con kể cả dâu rể và
hai vợ chồng em gái của bà xã tôi là Bích Lan và Lam Son cùng vui chơi một địa điểm
sẽ sum họp bốn năm chục năm tới mà không sợ Mỹ đen, Mỹ trắng hay Mễ, Tàu cũng
chôn gần đó ăn hiếp, kỳ thị. An toàn tuyệt đối.
Tôi sanh năm 1935 vẫn còn
thưởng thức rượu cognac biết ngon, uống xong còn liếm môi nữa. Khi uống rượu
ngon xong miệng chem chép, khà nhè nhẹ, liếm môi thấy ngọt làm sao, nghĩa là còn
yêu đời, còn sức sống.
Theo tôi biết, cả hai nhạc
sĩ này hình như không thích uống rượu và hút thuốc lá mà lại chết trước người
biết uống rượu mới là lọa.
Sacramento 1.1.2021
Anh Phương Trần Văn Ngà
VIẾT THÊM NGÀY 2.1.2021
Cách đây chừng 18 năm, lúc
bấy giờ nhạc sĩ Lam Phương đã lâm trọng bịnh, ngồi xe lăn, có người em từ San
Francisco xuống thăm anh, đứng cạnh bên anh, cô em có số điện thoại của tôi. Nhạc
sĩ Lam Phương nhờ gọi tôi nói lời cám ơn tôi cùng người bạn Phan Dương lo chu
toàn hai đám tang cho ông bà Đại Tá Lâm Quang Phòng (bà con thúc bá với anh) tổ
chức lễ tang tại Sacramento.
Đại Tá Lâm Quang Phòng bảo
tôi và Dương gọi anh Tư không được gọi Đại Tá cho thêm thân mật gần gũi. Nhạc sĩ
Lam Phương có mời tôi khi nào có dịp đi xuống miền Nam đến nhà anh chơi, rất tiếc,
tôi chưa lần nào đến thăm anh tại nhà.
Đại Tá Lâm Quang Phòng, từ
Trung Tá Chỉ Huy Trưởng C2 Lực Lượng Đặc biệt, Bộ Chỉ Huy đóng tại Pleiku. Với
sự đóng góp công sức, không nề hà hiểm nguy, Đại Tá Phòng cùng vài đệ tử Thượng
đưa anh đến tận sào huyệt của phe nổi dậy FULRO đòi độc lập, tự trị cho người
Thương thành lập một quốc gia riêng ở
Cao Nguyên. Với tài du thuyết, cũng may các lãnh tụ FULRO là người có Tây học,
nói tiếp Pháp như gió gặp sư tổ từng du học Pháp và học ở Đại học Hà Nội trước
năm 1945 nói tiếng Pháp không chê chỗ nào. Khi còn Thiếu Tá, anh Tư Phòng thường
làm thông dịch viên cho các phái đoàn chánh phủ khi thăm viếng các nước cựu thuộc
địa Pháp ở Phi Châu, Trung Đông như Việt Nam. Nhờ không cần có thông dịch, nên
anh Tư Phòng và các lãnh tụ FULRO trao đổi quan điểm, đòi hỏi của họ rất dễ dàng
và thuận lợi. điều đình, giảng hòa với FULRO, không phải một lần mà nhiều lần mới
đạt sự thành công như chánh phủ mong muốn.
Một thời gian sau, anh Tư được gắn lon Đại Tá và được
bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Ban Mê Thuột. Các ông Tướng cấp Sư
Đoàn hay Quân Đoàn "có tật" hay đòi hỏi cấp Tỉnh phải biết điều với
thương cấp. Bà Đại Tá Tỉnh Trưởng phải nuôi heo trong khu nhà kho của tư dinh để
có đủ tiền cho con ăn học ở Sài Gòn, đâu có tiền tham nhũng làm gì có tiền để "xã giao". Đại Tá Phòng trình với Tư
Lệnh Quân Đoàn, ông không có quỹ riêng "ủng hộ Sư đoàn". Nếu thấy tôi
không giúp tiền bạc được cho Sư Đoàn, xin gởi trả tôi về Sài Gòn để tôi nhận
nhiệm vụ khác.
Lâm Quang
Phòng)
Thế là Đại Tá Phòng rời khỏi
chức vụ Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột "bị đuổi" về Sài Gòn nghỉ xả hơi và
được chánh phủ bổ nhiệm chức vụ mới là Tổng Giám Đốc Tổng Nha Thanh Niên & Thể
Thao, chức to hơn Tỉnh Trưởng vì Tổng Nha Thanh Niên như là một Bộ, tỉnh nào cũng
có ty Thanh Niên như các Ty của các Bộ.
Đại Tá Lâm Quang Phòng có
bốn người con gái (không có con trai) đều tốt nghiệp đại học ở Mỹ, nhưng không
có đứa con nào ở gần ông bà. Khi Bà bị bịnh trước, đang ở Senior apartment, tôi
vội đưa vô bịnh viện Methodist điều trị. Vừa thuyên giảm thì Đại Tá Lâm Quang
Phòng lúc bấy giờ, ông gần 90 tuổi (năm sanh 1906 tại Rạch Giá) lại bị bịnh, chúng
tôi cũng đưa ông vô Methodist. Bệnh viện khuyên hai ông bà đều lớn tuổi, không
có chắm sóc thường không được. Họ dề nghị đưa hai ông bà vào Nursing home ở đường
24 - Sacramento, được ở chung một phòng
kề cận nhau như chim liền cánh cây liền cành. Đây là trường hợp đặc biệt, hai
người khác giới lại được ở chung một phòng, quấn quít bên nhau từ thuở ban đầu
mới yêu nhau cho đến tuổi già xế bóng thuộc U90 cũng được ở chung phòng gần
nhau chỉ khác giường mà thôi.
Tôi và Dương thường xuyên
đến thăm viếng, an ủi hai ông bà cũng như tiếp tế chút ít thức ăn nào mà hai ông
bà cần. Anh Tư Phòng nói riêng với tôi,
nếu chị Tư chết trước anh cũng tự tử chết theo vì anh không thể sống xa chị Tư
được. Lúc bấy giờ, anh Tư Phòng còn khỏe mạnh nhiều hơn chị Tư vì chị bị té trước
khi vào nhà thương. Anh kể lại mối tình của hai ông bà đẹp như mơ. Khi đi học ở
Sài Gòn (trường Taberd), anh tư nói: mỗi sáng sớm chúa nhựt anh đạp xe một lèo
đến Bàrịa thăm người yêu, ở chơi tới xế trưa đạp xe trở về Sài Gòn đề sáng thứ
hai đi học. Nhờ mấy năm đạp xe đạp hàng hai trăm cây số mỗi chú nhựt, mà anh đạp
xe đi xa dễ dàng. Năm 1945, khi toàn quốc phát động phong trào kháng chiến, anh
Tư Phòng đang học đại học ở Hà Nội, cùng vài người bạn đạp xe về tới Sài Gòn vì
lúc bấy giờ đường giao thông Nam Bắc bị tắt nghẽn nên chỉ có đi xe đạp mới về đến
Nam mà thôi. Khi miền Nam cũng phát động phong trào kháng chiến chống Pháp, anh
Tư Phòng tự mua vũ khí kết nạp thanh niên yêu nước huấn luyện võ nghệ thành chiến
sĩ chống Pháp trong Bộ Đội Lâm Quang Phòng, đóng quân ở vùng U Minh Thượng - Rạch
Giá và Chị Tư cũng là tay hòm chìa khóa, thư ký riêng của anh Tư. Sau Hiệp Định
Genève 20.7.54, anh Tư đưa hết Bộ Đội của anh gần cả ngàn người về với chánh quyền quốc gia thay vì theo Việt
Minh cộng sản, anh được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đặc cách sĩ quan đồng hóa với cấp
bậc Thiếu Tá. (Xin mời đọc tập Hồi Ký của Công Tử Nhà Quê Bà Bài của tôi sẽ biết
rõ thêm về Bộ Đội Lâm Quang Phòng đánh Tây và đánh cả Việt Minh như thế nào?).
Ở Nursing home chừng một
tháng, chị Tư bị bịnh nặng phải đưa vô nhà thương cấp cứu và chị mất ở bịnh viện
Methodist. Vì lời anh Tư Phòng nói với tôi, nếu chị Tư chết trước anh sẽ tự tử
chết theo cho vẹn chữ chung tình, tôi cảm nhận được. anh tự tử sẽ chết theo chị
tư. Vì vậy, tôi và Dương và các cháu con của anh chị về đông đủ tiễn đưa mẹ, đến
nói với "láo" với anh là Chị Tư còn điều trị ở bịnh viện Methodist. Anh
thường hỏi tôi hoặc Dương, chừng nào Chị Tư về mà sao lâu quá. Tôi nghĩ anh Tư
vốn thông minh, chắc biết chuyện gì đã xảy ra cho Chị Tư hoặc các y tá chăm sóc
anh lở lời nên anh biết Chị Tư đã mất cả hai tuần rồi. Lúc bấy giờ, anh vẫn còn
khỏe, hàng ngày đi bộ ra sân hay đến phòng tập thể dục đạp xe đạp hay tập
tay...
Một buổi sáng, tôi vào thăm
anh, nhân viên Nursing Home cho biết anh đã qua đời tối hôm qua, họ không cho
biết chết về bịnh gì hay anh tự tử?@
Anh Phương Trần Văn Ngà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét