<!>
Hồi học lớp bảy, tuổi mười ba tôi vẫn là cô bé mặc áo đầm trắng đi học, là một trong những đứa học sinh ít nói hay cười. Thầy giáo dạy vẽ của tôi là một người miền Nam, vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Sài Gòn. Tính thầy hiền lành, thầy có cái nhìn xuyên thấu hồn người của một họa sĩ. Trong kỳ thi lục cá nguyệt thầy cho đề vẽ một cái bàn ba chiều và đánh bóng bằng viết chì. Vẽ xong tôi đem lên nộp, thầy cầm bản vẽ của tôi ngắm nghía một chút rồi bảo: “Rất chuẩn, hình vẽ như của kiến trúc sư.” Thầy cầm bút cho ngay bảy điểm rưỡi. Tôi nhìn trên bàn thầy thấy một bản vẽ khác với điểm tám mà đâu chuẩn bằng hình của tôi. Tôi cãi ngay với thầy:
“Sao thầy nói em vẽ chuẩn mà thầy cho bảy rưỡi, trong lúc cái hình nầy đâu có chuẩn bằng hình của em mà được tám điểm.”
Thầy thấy tôi hơi ngồ ngộ vì học sinh nhất là nữ sinh hồi đó đâu đứa nào dám cãi lại thầy cô. Thầy bảo hình đó đánh bóng đúng với chiều ánh sáng. Tôi chưa chấp nhận lời biện hộ của thầy liền để bản vẽ của tôi bên cạnh bản vẽ đó và nói tôi đánh bóng đúng theo chiều ánh sáng thầy dạy tuần trước. Thầy nhìn lại và cầm viết Cộng thêm một điểm “cãi” nữa với dấu bằng thành tám điểm rưỡi, xong thầy nói: “Lớn lên, em có thể trở thành một luật sư.”
Sau này tôi mới biết thầy cho hình kia tám điểm vì nó có cái đẹp thẩm mỹ dưới con mắt của họa sĩ. Vậy là chữ kiến trúc sư in vào cái đầu non nớt của tôi. Từ đó tôi mơ ngành kiến trúc, trong lúc rảnh rỗi tôi tự vẽ cái nhà, cái giường, cái tủ theo hình ba chiều, tôi tự phân chia phòng ốc của cái nhà tôi đang ở trên bản vẽ, rồi tự tay vẽ và đóng cái kệ sách riêng của mình với công phụ của ông anh tôi. Ở năm cuối của bậc trung học, trong đầu tôi đã vẽ ra những khu nhà tiện nghi thay thế cho những căn nhà xiêu vẹo, mái tôn nóng nực nghèo nàn trong xóm.
Anh tôi và tôi đậu tú tài trong những năm tháng chiến tranh còn khốc liệt, cha mẹ tôi bận rộn làm ăn nuôi cả bầy con cháu và giúp đỡ bà con trong cuộc chiến tương tàn ở vùng BTT đói khổ, tâm tư thì lo cho mấy ông con trai lớn, đứa trong quân đôị, đứa mới nhập ngũ, đứa lo cưới vợ, đứa thì lo thi vào ĐH… còn phần con gái ba mẹ tôi không lo lắm, học gì thì học, rồi cũng lấy chồng lo cho chồng con. Có những lần mẹ tôi phải vào bệnh viện thăm nuôi bà con, bà thấy bệnh tật của con người quá khổ. Một hôm tôi nghe bà bảo: “Ước gì gia đình mình có một bác sĩ trong nhà, khỏi phải nhọc nhằn mỗi khi đau ốm.” Nghe vậy tôi cũng muốn làm mẹ tôi thỏa nguyện, nhưng tôi chưa bao giờ dám nghĩ là tôi có thể đặt chân vào một trường y khoa nào đó vì tôi biết học ngành y rất khó, lại dài tới bảy năm, ba mẹ tôi sẽ không kham nỗi.
Mùa hè năm ấy ba tôi xin nghỉ việc hai tuần để đem hai đứa con cách nhau một tuổi vừa đậu tú tài vào Sài Gòn nộp đơn thi vào đại học, ông anh tôi muốn vào trường kỹ sư Phú Thọ, còn tôi muốn vào trường ĐH Kiến Trúc. Ba cha con tôi tá túc ở nhà bác Phán, bạn xưa của ba tôi, chúng tôi được ở nguyên cả tầng bốn với sân thượng trên một con phố chính. Vừa đặt chân xuống SG, ba người con gái của bác Phán đã viện cớ dẫn cô em ở tỉnh mới lên đi dạo SG cho biết, họ dẫn tôi đi ăn uống và mua sắm những bộ áo quần thời trang tới tối khuya mới về, làm hai ông già lo lắng. Tôi phải công nhận SG rất quyến rũ với những con đường cây dài bóng mát và những biệt thự có lối kiến trúc cũ, nhất là vào đêm khi những ánh đèn màu thắp sáng trên những con phố nhộn nhịp, những ngọn gió mát thoang thoảng mân man vào làn da kẽ tóc, làm chị em tôi quên cả đường về, cứ ngồi lả lướt trên hai chiếc xe Honda dame màu xanh hồi đó. Bác Phán liền hù dọa ba tôi bảo cuộc sống ở SG hiện nay rất xô bồ phức tạp, ông phải chăn mấy đứa con của ông từng giờ từng phút không thì tụi nó hư hỏng hết, rồi khi biết tôi muốn thi vào trường Kiến trúc thì bác nói trường đó là của tụi con trai thức suốt đêm ở trường để vẽ đồ án. Vậy là ba tôi quyết định đem tôi về học ở xứ Huế hiền hòa. Tôi cố cãi lại nhưng nhìn ánh mắt nghiêm nghị và lo lắng của ba tôi, tôi đành im lặng. Ông anh của tôi đi dò la tin tức biết được vào trường Phú Thọ rất khó, mà lỡ rớt thì phải đi nhập ngũ không còn cơ hội khác nên anh đã nộp thêm đơn thi vào trường ĐH Kiến Trúc. Cuối cùng ông rớt Phú Thọ và đậu vào Kiến Trúc.
Tôi trở về ĐN với cái đầu ngây ngô chẳng biết phải học gì ở Huế, phải chi có người chị bà con nào đi trước. Rồi tôi gặp một chị trong xóm mới tốt nghiệp cử nhân toán ở ĐHKH Huế và chị sắp sửa làm cô giáo cấp ba của trường trung học thành phố. Chị bảo cứ ghi danh vào học lớp dự bị, sau đó thích môn gì sẽ học môn đó. Vậy là tôi vội vàng xách vali lên xe đò, và lần đầu tiên tôi ra xứ Huế để ghi danh học dự bị của trường ĐHKHH kẻo hết hạn. Cuối năm dự bị thì cả năm người bạn học cùng lớp, ở cùng một cư xá với tôi đều nộp đơn thi y khoa, còn một mình tôi định ghi danh học cử nhân hóa.
Như vậy là tôi phải đi qua quán cà phê lộ thiên trước bưu điện hằng ngày để đến trường. Tôi rất ghét đi qua đây một mình, vì có những ông con trai vừa nhấm nháp café vừa thoải mái nhìn vào những cô con gái đi qua, có khi làm bước đi của tôi ngượng ngùng. Đó là cái văn hóa “nghễ gái” của quán café lộ thiên, nghễ là ngắm, không cần phải đẹp hay xấu, có vài anh cứ thoải mái ngồi nhìn từ đầu tới chân, cái nhìn mà bên xứ Canada nầy gọi là harassement. Thế là tôi phải theo chúng bạn nộp đơn thi y khoa mà lòng còn e ngại cha mẹ tôi có nuôi nỗi không. Rồi tôi cũng lọt vào trường y với ít tiền học bỗng quốc gia đủ cho sách vở và áo quần, ba mẹ tôi chỉ trả tiền ăn ở. Từ đó cuộc đời của tôi không còn ngây ngô nữa, tôi phải đối phó với nhiều chuyện của một cô gái mới lớn sống xa nhà, cha mẹ tôi quá bận. Chuyện học của tôi là chuyện nhỏ.
Hồi mới vào trường y tôi còn nhát gan, tôi sợ máu, sợ ma, sợ người chết; tôi sợ cả người sống với những tiếng khóc than, những lời oán trách, tôi sợ những cái nhìn tuyệt vọng…Vậy mà đời đưa đẩy tôi lọt vào cái nghề phải đối phó với những chuyện đó gần như hằng ngày nên trước hết tôi phải làm quen với chúng và mẫn cảm với chúng.Lần đầu tôi đi coi giải phẫu ngoài phòng kính sợ mười phần, lần hai thấy máu còn bảy, lần ba còn bốn… đến còn một phần thì dừng lại ở đó, vì tôi vẫn còn nữ tính trong máu của tôi.
Tôi rất sợ những xác chết. Tôi còn nhớ những khuôn mặt của xác chết rất gần bên tôi lần đầu tiên trong đời. Hôm đó khoảng năm sáu giờ chiều, thư viện và giảng đường đã đóng cửa, tôi ngồi nán lại một mình trên mái hiên của nhà trường ráng đọc và nhớ những bài SLH cho bài thi, tôi cảm thấy cái đầu tôi đang sáng dễ nhớ bài, về ký túc xá vào giờ đó rộn ràng khó học. Bỗng dưng tôi nghe tiếng trực thăng quen thuộc vòng quanh trên đầu gần sát mặt đất, rồi một tiếng “bịch”, một xác chết rơi xuống ao trồng rau muống chỉ còn lớp bùn, rồi xác thứ hai, thứ ba, đến xác thứ tư thì chiếc trực thăng bay đi, tôi mới hoàn hồn. Tôi nhận ra những xác chết còn rất trẻ, ở tuổi trên dưới hai mươi trong những chiếc quần xà lỏn hoặc thêm cái áo đen, xác cuối cùng có khuôn mặt không dính bùn nên cứ hiện rõ trong đầu tôi, mắt anh ta nhắm hờ, miệng chưa kịp đóng, như đang nuối tiếc một điều gì chưa kịp nói, một điều gì nhắn gởi với mẹ già, với người yêu? Tôi đứng yên như trời trồng, nước mắt rưng rưng mặc dù tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy đến. Họ là ai? Là dân lành, là lính Cộng hòa hay Cộng sản? Dẫu họ là ai tôi vẫn cảm thấy xúc động mạnh trước những xác người vừa mới chết còn quá trẻ như tôi. Họ còn cha còn mẹ? Những bà mẹ chắc sẽ đau khổ vô vàn khi biết được những đứa con mà họ nuôi nấng từ tấm bé bằng máu thịt của mình nay chỉ là những xác chết trên cánh đồng trước mặt tôi. Trời đã nhá nhem tối, tôi không lo mất phần ăn ở ký túc xá, vẫn đứng lại xem chuyện gì đang xảy ra, rồi tôi thấy hai bác cai trường đẩy xe băng ca ra khiêng từng xác vào sân sau, dùng vòi nước rửa bùn trên xác, một bác nói với tôi đây là xác của VC, nhà trường xin quân khu những xác khá nguyên vẹn để ngâm formal cho mấy cô cậu sinh viên học mổ xác. Bấy giờ tôi mới lững thững lấy xe ra về với những khuôn mặt của những người chết trong đầu. Con đường Ngô Quyền vắng lặng với cái bệnh viện tâm thần đang xây dở một bên và bên kia là bệnh viện bài lao, tôi đạp xe chậm chạp, hai bánh xe lăn nặng nề trên con đường nhựa cũ dưới chút ánh sáng nhạt mờ của hoàng hôn làm tôi có cảm tưởng như đường về cõi âm.
Qua tới Canada, khi đọc psych tôi mới hiểu điều đó đã gây tổn thương tâm lý trong tôi, mà hồi đó mạng người quá nhỏ, mọi người lo miếng ăn cái mặc hàng ngày không đủ, bom đạn súng ống trên đầu, xương rơi thịt nát khắp nơi, hơi đâu mà nghĩ tới chuyện tâm lý, tâm thần, trừ khi điên loạn lăn ra đường may ra mới được cảnh sát can thiệp đem vào nhốt trong nhà. Tôi phải tự cầu cứu đến vị thầy tâm linh của gia đình. Tôi bắt đầu niệm Phật trước khi đi ngủ và thiền hít thở ngay trên giường vào mỗi buổi sáng. Mỗi lần chừng vài ba phút, dẫu sao tôi cũng cảm thấy yên tâm, được bám víu vào một cánh tay vô hình để đứng vững.
Cuối năm học đó, tôi trượt môn sinh lý học mà trong đầu cứ thắc mắc không hiểu tại sao. Tôi biết tôi làm bài không hoàn hảo nhưng tính theo sáu mươi phần trăm để đậu thì tôi dư sức qua cầu, tôi không biết vì cái đầu của tôi có vấn đề hay thầy của tôi có vấn đề với tôi, lần này thì tôi không có cơ hội được cãi với thầy, cha mẹ đặt đâu ngồi đó, giờ thì thầy đặt đâu tôi ngồi đó, và đây là một cú sốc lớn vì tôi phải ở lại lớp, thất bại đầu tiên trong đời, bảy năm học là quá nhiều đối với tôi và cha mẹ tôi, giờ lên tám năm rồi không biết còn Cộng thêm năm nào nữa, tôi rất buồn, nhưng mẹ tôi nói chẳng sao, học chừng nào cũng được. Tôi cũng nghĩ trong đầu học không xong thì nghỉ ở nhà đi lấy chồng, xấu tốt gì cũng có một tấm chồng để nương tưạ nhau. Nói vậy để an tâm chứ lần chấn thương tâm lý này khá nặng, tôi phải học cách tự đứng dậy một mình, không ai hiểu và giúp tôi được. Tôi bắt đầu học cách chấp nhận và sống với những nghịch lý trong đời, cũng như thế bị động của phần lớn phụ nữ hồi đó. Phải chi nghe lời ông thầy dạy vẽ ngày xưa đi học luật, Huế cũng có trường luật vậy, tôi tự trách mình.
Trong niên học tiếp theo, tôi bị tách khỏi ra nhóm bạn trong ký túc xá, thui thủi đi học một mình và cố khôi phục những gì tôi đã mất ở xứ thần kinh trong năm qua. Tôi đã mất đi sự lạc quan và lòng tin tưởng vào cuộc sống. Tôi không còn ngủ thẳng giấc, nhiều đêm thức dậy ngồi một mình trên giường trong đêm tối, cố tránh gây tiếng động để cô bạn cùng phòng ngủ yên. Tôi trở nên im lặng và kiên nhẫn hơn. Bấy giờ thì tôi quyết tâm học dẫu cho mười năm, để trở thành một bác sĩ. Tôi muốn giúp những người cô thế trong bệnh tật, những người dân thiếu học chân chất, đó là lý tưởng thật, và cũng để chứng minh cho cha mẹ và bạn bè tôi biết “I made it.” Vậy mà mới qua tháng Ba của năm học đó, Cộng sản đã bắt đầu tràn vào Miền Nam, Huế thất thủ, rồi dần đến SG trong vòng hơn một tháng, mọi thứ lật ngược một trăm tám mươi độ. Tôi mừng vì chiến tranh đã chấm dứt, tôi sẽ không còn nhìn xác chết của những người trẻ, không còn nghe tiếng máy bay phản lực trên đầu, những tiếng đại bác pháo kích trong đêm… Tôi không còn lo sợ mạng sống của những ông anh và bà con tôi trên chiến trường, những cảnh mà tôi không cần mô tả thì phần lớn mọi người VN chúng ta đều biết.
Tôi còn nhớ những ngày lộn xộn ở Huế vào tháng Ba, mọi người lục đục tìm đường thoát thân, di chuyển dần vào Miền Nam. ĐN, SG là hai thành phố lớn họ nhắm đến. Tôi chủ quan ở lại ký túc xá chờ xem, tôi nghĩ chắc mọi người bị ám ảnh của biến cố Mậu Thân, chứ có bao giờ tôi nghĩ Miền Nam mất đi nhanh chóng như vậy. Đến lúcxuống nhà ăn chẳng có ai, một xơ hỏi tôi:
“Uả sao em không về ĐN? Tình hình nguy kịch lắm rồi, mọi người di tản hết.” Xơ thấy tôi hơi ngớ ngẩn nên bảo chút nữa có một xe cam nhông tới giúp xơ chở ít đồ đạc vào ĐN, em nên đi theo, vì cư xá Li - băng này sẽ đóng cửa ngày mai. Vậy là tôi vội vàng ôm xách áo quần leo lên ngồi trên đống đồ đạc của xơ để vào ĐN. Ngồi trên cao tôi có thể nhìn tất cả khung cảnh của đồng quê, của con đường đèo ngoằn ngoèo với bao nhiêu xe cộ nối hàng di chuyển vào Nam.
Tôi về nghĩ hè sáu tháng liền, tới tháng Chín mới có tin ra học lại dưới chế độ mới. Tôi chẳng muốn nhắc lại những năm tháng ấy, bao nhiêu bài báo, bài viết mô tả những đau thương của giai đoạn đó rồi, có viết cũng thêm thừa.
Tôi đi học lại với một tâm trạng mới, hoàn cảnh mới. Sau sáu tháng ở nhà tôi giúp mẹ tôi mở quán bán sữa đậu nành để sống qua ngày, tôi không suy nghĩ nhiều, nên nhữngvết thương tâm lý của tôi đỡ dần. Rồi tôi biết yêu, cái tính tin người và tin vào cuộc sống của tôi bắt đầu trở lại.
Sau này tôi mới biết tôi đã yêu không đúng người. Cũng đáng đời cho tôi, một sinh viên y khoa mà sao khờ vậy, sao không dùng cái đầu để phân tích, mà làm vậy thì đâu phải là tình yêu nhỉ? Trời cho cái đầu phụ nữ có một vài điểm mù để falling in love, chứ sáng quá làm sao lấy chồng, mà có lấy chỉ là sự sắp đặt hoặc đổi chác. Mắt nhắm mắt mở mới dám đi vào cuộc sống yêu đương và hôn nhân, tôi nghĩ vậy.
Sau khi học xong năm thứ tư vào năm 1977, tôi có tên trong danh sách nhà trường gọi đi học chuyên khoa ở Hà Nội, cùng với trên mười sinh viên khác. Nói chung là thay vì đi làm nội trú lâm sàng ở bệnh viện thì chúng tôi chủ yếu làm nội trú ở khoa phòng chuyên khoa từ lâm sàng đến cận lâm sàng để trở về làm phụ tá giảng dạy, nhà trường đang thiếu cán bộ giảng dạy. Tên tôi lọt vào khoa sinh lý bệnh - physio-path. Thế là tôi phải xa người yêu, tưởng chừng đây là giai đoạn thử thách lòng người cả hai phía, vậy mà những lá thư tình nồng nàn liên tục vẫn giữ chặt tôi vào vòng yêu đương. Cuối cùng gia đình tôi đổ vỡ năm 1982. Thôi thì một thời để yêu và một thời để sống, dù cho vất vả, khỏi chết là được rồi.
Ngày được báo tin đi học Hà Nội tôi hơi ngại vì không tiền bạc, nhưng ai dám từ chối, và như vậy tôi sẽ có nhiều rắc rối về việc chọn nhiệm sở về sau. Cô em họ tôi ra trường giáo viên cấp một đã nhận nhiệm sở ở vùng Hiên Giằng, tôi nghe kể cuộc sống ở đó làm tôi sợ. Tôi biết tôi là city girl hay sợ ma, mà sống không điện không nước, trèo đèo lội suối, lên núi xuống rừng là tôi chết trước, còn đâu mà cứu chữa bệnh nhân, thà tôi chịu khó đi hai năm về làm lại trường y ở Huế mà còn sống. Học ở đâu cũng được mười mấy ký gạo, mấy lạng thịt, và vài thước vải lo gì. Tôi lại được dịp thăm Hà Nội, thành phố luôn nằm trong trí tưởng tượng của tôi qua những tác phẩm của Tư lực văn đoàn, của Nam Cao, Vũ trọng Phụng…, những bài hát nhớ về Hà Nội với ba sáu phố phường, hàng đào, hàng nón, hàng buồm, hàng bông… những con đường hoa sữa, phố Khâm Thiên, hồ Hoàn Kiếm…lần nầy tôi sẽ được thấy tận mắt.
Bước chân vào ký túc xá của sinh viên trường YKHN lần đầu tiên là tôi muốn xin trở về ngay trên chiếc xe đã chở chúng tôi đến, vì tôi không thể dùng cái nhà xí tập thể ở đó. Ba cô sinh viên Huế được xếp vào một phòng với bảy sinh viên nữ của trường YKHN, phòng được xếp hai dãy giường chồng ở hai bên, mỗi bên ba cái, như vậy là đủ mười hai chỗ. Tuy vậy hình như phòng chúng tôi được ưu tiên hơn nên họ lấy đi một giường làm chỗ nấu nướng bằng lò sô vào cuối tuần cho chị em. Đồ đạc là một vali áo quần nho nhỏ để ngay đầu giường, đồ vặt vãnh thau chậu soong nồi thì để dưới gầm giường. Lần đầu tiên tôi mang áo quần đi theo một chị cùng phòng ra chỗ tắm, mới mở cửa ra tôi đã hoảng hồn vì tưởng đâu đang lạc vào cõi tiên của mấy anh. Mười mấy cô tuổi đôi chín, đôi mươi đang lõa lồ tập thể, một bể nước dài ở giữa, hai bên là chỗ tắm giặt, mấy cô trần truồng ngồi giặt giũ rồi đem về phơi ngoài hiên khỏi đem đồ dơ về phòng không có chỗ để. Khi xuống nhà ăn tập thể, chúng tôi phải đi qua cái bếp, tôi thấy những nồi cơm to lớn, chị nuôi phải dùng cái xẻng xúc lên từng mảng bo bo hoặc cơm độn vào từng cái nồi nhỏ cho từng nhóm sáu người, nồi canh là nước rau muống luộc bỏ thêm vài trái sấu được chị nuôi khác dùng cái gáo múc vào trong nồi nhỏ chia phần cho từng bàn. Lúc đầu hơi lạ khó nuốt, nhưng rồi tuổi trẻ dễ nuôi, đói bụng là mọi người đều nuốt được.
Với ý nguyện trở thành bác sĩ đóng góp cho việc cứu chữa người bệnh tôi phải làm quen dần với cuộc sống mới, chớ đâu phải gặp khó khăn là bỏ chạy. Tôi đã đối diện với sự sợ hãi mấy năm trước và bây giờ là với sự khó khăn vật chất trầm trọng. Tuy chưa ra trường nhưng tôi có đọc được mấy lời thề với ông tổ y khoa Hypocrate từ mấy anh chị đi trước. “Vì tình yêu thương nhân loại tôi sẽ cứu tất cả mọi người … Vì tôn trọng sinh mạng người bệnh tôi nguyện sẽ suốt đời học hỏi…” Tôi nghĩ ở đây cũng là cơ hội cho tôi học hỏi những điều mới lạ trên mảnh đất bốn ngàn năm văn hiến của nước VN ta để tìm thấy niềm vui và tiếp tục hoàn thành chương trình học.
Hôm sau tôi theo mấy cô bạn đang dọn qua từ phòng khác, thấy mấy cô mạnh mẽ khiêng vác tủ giường làm tôi phải nể. Một điều tôi thấy lạ là chẳng anh nào ga lăng khiêng dùm, mấy anh đi lên đi xuống cầu thang thấy mấy cô ì ạch khiêng đồ đạc họ coi như không thấy, khác với văn hóa trong Nam thấy con gái khiêng nặng thì con trai liền đến đỡ một tay. Hình như con gái ở đây mạnh bằng con trai nên mấy anh khỏi cần tỏ ra nam nhi? Một cô sinh viên ở tỉnh lên học nhìn mấy cô gái Huế bảo: “Mấy cô miền Nam cứ y như người trong tranh.” Tôi nghĩ nhận xét đó cũng có phần đúng vì so với hình thể và sự tháo vác của họ thì mấy cô sinh viên Huế ẻo lả giống như trong tranh vẽ.
Dần dần tôi quen với cuộc sống mới với những người bạn miền Bắc trong khoa phòng và nhóm học của tôi. Tôi nhận thấy họ khá giản dị, nhiệt tình và lạc quan, thường họ hay nói thẳng vào vấn đề và rất thực tế, họ không thơ thẩn, mơ màng và điệu đàng như tôi. Trong nhóm bạn của tôi không đứa nào đề cập đến chuyện chính trị và tôn giáo khi chuyện trò với nhau, không nói tới Đảng Đoàn, Mỹ Ngụy, Phật Chúa …, có lẽ chúng đã nghe rã cả tai cả mấy chục năm trời rồi, nên chúng tự biết những chữ đó để tránh.
Chúng tôi không muốn đem sự tranh cãi của ý thức hệ, hoặc tín ngưỡng để làm mất đi sự đoàn kết và vui vẻ trong sinh hoạt nhóm. Đụng đến những chủ đề lớn như vậy sẽ không bao giờ có kết luận, mà mất cả một ngày vui, thôi đứa nào tin gì cứ để trong lòng hay hơn. Tôi may mắn gặp những người bạn biết điều như vậy. Đôi lúc tôi tự hỏi có phải sự nhiệt tình và tính lạc quan của họ là dư âm của sự phấn khởi khi đã trở thành bên thắng cuộc? Hay là Bắc Nam trùng phùng đem đến những niềm vui? Hay đơn giản là đầu óc không lo nghĩ gì nhiều về vật chất, mọi thứ đã được phân chia. Dù lý do nào đi nữa tôi vẫn thấy được sinh hoạt với những người lạc quan vui vẻ còn hơn là hiềm khích cãi vã trong một nhóm người mà chỉ có một mình tôi là dân miền nam.
Một hôm nhóm sinh viên của tôi được phái đi chống dịch hạch ở vùng thôn quê cách Hà Nội chừng ba mươi cây số bằng xe đạp, đó là một phần của sự đào tạo y tế cộng đồng. Nhìn tôi dắt chiếc xe đạp với khuôn mặt xanh xao là tụi nó hiểu rồi, cái Loan trong nhóm bảo: “Cậu để tẩm Thắng đèo cho, chứ đạp theo bọn tớ thì cậu sẽ lạc mất, bọn tớ đi nhanh lắm.” Tôi cũng biết thân phận ẻo lả của mình nên chiụ ngồi sau cho tẩm Thắng đèo. Gọi tẩm Thắng là để chọc quê nó vì chữ tẩm là tiếng lóng có nghĩa là quê, mà nó ở tỉnh nhỏ lên học HN, nó to con nên phải chiụ làm thân tài xế. Cả mười mấy người phăng phăng đạp xe tới một làng quê, rồi đặt bẫy diệt chuột và truyền bá cách phòng ngừa bệnh dịch hạch đến người dân. Tới bữa ăn trưa khoảng một giờ chiều, mỗi người nhận được một gói xôi đậu, tôi nghĩ là tôi không ăn hết nên đưa cho tẩm Thắng bớt một nửa. Chị tổ trưởng Thanh Hiền, nhân viên của trường với giọng nói Hà Nội ngọt ngào, nhẹ nhàng bảo ngay: “Em dại giai hay sao mà đưa phần mình cho nó vậy?”
Cũng vài giây sau tôi mới hiểu được chữ “dại giai”, hồi nào giờ chỉ có vài lần nghe chữ “dại gái.”
Tôi bảo:
“Nó đạp nhiều nên bồi dưỡng thêm cho nó chứ em ngồi đằng sau đâu cần ăn nhiều.”
Chị cười bảo:
“Ừ, tôi chỉ muốn nhắc nhở cô em là ở HN đừng dại giai, trai HN ăn nói khéo lắm, coi chừng chúng hớp hồn”. Thế là cả bọn cười giòn. Tôi học được chữ “dại trai” từ đó và luôn cảnh giác với cái giọng nói của con trai HN. Chị Hiền thì mới học được chữ “hớp hồn” của cô em họ trong Nam nên muốn dùng ngay với tôi.
Đứa bạn gái tôi thích nhất trong nhóm là Hòa Bình, cái tên cũng giống khuôn mặt vô tư và an nhiên của nó. Nó có đôi mắt thật to và nụ cười với hàm răng trắng đều như hạt bắp, nó rất rộng rãi với bạn bè. Nó là dân HN cả trăm năm trước, thỉnh thoảng cuối tuần nó rủ tôi về nhà nó; nó ở với mẹ trong một căn gác cũ kỹ tầng hai, hai đứa trải chiếu trên balcony nhỏ ở phía sau nhà, ngồi ăn vặt với mận và mơ, kể chuyện tình lẫn thẩn của tuổi mới lớn rồi cùng cười khúc khích. Có lúc sau giờ học nó rủ thêm thằng Thắng, thằng Thuấn, cái Loan đi xem những con đường hoa sữa, phố Khâm Thiên, và những con đường với bóng cây dài như bóng mát cuộc đời dành cho những người trẻ sau chiến tranh như chúng tôi. Có lúc cả nhóm ngồi trên bờ Hồ Hoàn Kiếm hóng mát. Có lẽ HN hồi đó không còn đẹp như những năm tháng trong truyện và trong trí tưởng tượng của tôi, nhưng ngồi quanh bên nhau với những người bạn hiền tôi cảm thấy bình yên.
Thằng Thắng có răng khểnh với nụ cười thật thà, toang mở, thỉnh thoảng nó đèo thêm cô người yêu xinh xắn tên Rose đến cùng, thằng Thuấn thì nghiêm chỉnh ít nói, còn nhát gan hơn cả tôi, cái Loan có khuôn mặt trái soan, da bánh mật mặn mà, nụ cười với hàm răng trắng to đều như hình trên kem đánh răng Hynos… Tôi thấy những cái tên con gái không có chữ lót thường kèm thêm chữ “cái” cho dễ gọi, cũng như ở miền Trung thì thêm chữ “con”. Con trai cũng vậy, không có chữ lót thì thương thêm chữ “thằng” hoặc thêm một đặc điểm nào đó, mặc dù không có ý khinh rẻ.
Những buổi thực tập ở bệnh viện Bạch Mai của sinh viên cận lâm sàng như chúng tôi không phải vội vàng tra cứu sách này sách nọ, chủ yếu nghe thầy giảng trên giường bệnh. Sau bữa ăn trưa chúng tôi ngồi viết bệnh án, nói chuyện trên trời, dưới đất, rồi cùng cười với nhau, tới ba giờ chiều là chuồn hết. Có chị nhân viên có bầu sau bữa ăn trưa thường ngồi đan mũ, đan vớ cho con. Cuộc sống trôi đi chậm chạp như dòng sông lững lờ, như sự lười biếng sau những năm tháng chiến tranh dài dăng dẵng. Chính sự lững lờ của dòng sông đó đã làm tôi có thể nhìn lại chính mình. Khi không còn căng thẳng với chiến tranh và lo âu trong học hành, tôi có thể nhìn và thấy những thứ rất đơn giản trong đời sống hằng ngày quanh tôi, không phải chuyên môn mà là thái độ sống.
Những nụ cười thoải mái của họ đang chuyển tải tính lạc quan trở lại vào tâm tư của tôi. Sự mạnh dạn tháo vác, và nhẫn nại trong hoàn cảnh sống thiếu thốn làm tôi phải học hỏi, họ không than phiền mà có than thì chẳng ai quan tâm.
Sau hai năm ở Hà Nội tôi ra trường với tấm bằng bác sĩ từ một trường đại học y khoa được quốc tế công nhận. Chúng tôi không có lễ ra trường, không áo mũ, không đọc lời tuyên thệ với ông tổ y học, chỉ là buổi họp mặt chia tay ngậm ngùi để rồi mỗi đứa mỗi một đàng trên đường đời vạn nẻo. Cái bằng bác sĩ đó sau nầy được làm văn bằng tương đương với bằng cử nhân khoa học để tôi có thể đi học lại hoặc xin việc ở Toronto. Tôi cảm thấy phần thực tập lâm sàng của mình còn nhiều thiếu sót nên chẳng có gì thắc mắc hoặc nuối tiếc, nhưng những chuyện đời tôi học được ở cái bằng đó quả là hữu dụng, tôi đã được huấn luyện hai chữ khổ và nhẫn từ một xã hội nghèo nàn, với những con người mạnh dạn nhưng không kém phần hiểu biết và tinh tế. Đó là một trong những hành trang tôi mang theo để làm lại cuộc đời ở Toronto, khi trên đôi tay chẳng còn gì, ngay cả cái bằng BS mà tôi đã nhọc nhằn bao nỗi để hoàn thành. Tôi đã thực sự sống trên hai bàn tay trắng của mình, trắng cả tình lẫn tiền và sự nghiệp, và thời gian thì có hạn, tôi không ngồi than thở hay trông cậy vào ai. Tôi phải bắt tay vào xây dựng lại tất cả từ đầu một cuộc sống mới trong một thành phố văn minh và tiến bộ xa hẳn với thành phố Đà Nẵng của tôi hồi đó. Dĩ nhiên tôi cũng không quên đem theo hai chữ “dại trai” của chị Thanh Hiền đã nhắc nhở vì trai Toronto không những khéo nói mà còn bảnh trai nữa.
Tôi đã cảm thấy mệt mỏi sau những năm tháng ăn ở trong điều kiện tồi tàn, thiếu thốn. Đã đến lúc tôi phải từ giã Hà Nội để trở về làm việc nơi tôi được gởi đi với những gì tôi đang có được trong đầu. Khi trở lại làm việc ở khoa physio-path, ĐHYKH, tôi mang bầu và trong lúc BVĐN đang cần một bác sĩ cho khoa vi sinh tôi được thuyên chuyển về đó để gần gũi gia đình và tiện việc ăn ở.
Lúc mới về làm việc ở BVĐN, khoa vi sinh chẳng có gì, chỉ còn lại một vài hóa chất và dụng cụ quá hạn cho một bệnh viện ở vùng nhiệt đới có tới tám trăm gường và bệnh nhân luôn quá tải trên một ngàn. Hình như cuộc sống càng nghèo khổ thì lại càng nhiều thứ bệnh do vi sinh, nào là giun sán, nấm mốc, protozoa… nào là nhiễm trùng, lao phổi, STD… dịch tả, dịch hạch, bạch hầu… Tôi được gởi đi công tác và đào tạo ngắn ngày ở các bệnh viện tuyến cao hơn như Chợ Rẫy và Bạch Mai, viện Pasteur SG, có lúc là của WHO tổ chức ở SG. Lúc có ít thì giờ rảnh rỗi ở khoa phòng là tôi đến thư viện ngay trong bệnh viện tra cứu những thắc mắc trong những cuốn sách y khoa cũ kỹ để thêm kiến thức trong ngành.
Có chị nhân viên hỏi tôi sao là bác sĩ mà chị bình dân quá. Tôi bảo chị muốn tôi làm cao để làm gì? Chị nói tôi mà được hai chữ BS như chị là tôi sẽ có nhiều chuyện làm để người ta nể nang hơn. Chị khác thì bảo mới gặp tôi chị tưởng tôi là bác sĩ miền Bắc, tôi hỏi tại sao chị nghĩ vậy, chị bảo vì con cháu ông lớn mới được về đây. Có chị nhân viên khoa phòng khác thì nhổ nước bọt khi đi qua mặt tôi vì chị nghĩ tôi là con nhà tư sản ăn trên ngồi tróc bóc lột con nhà nông dân làm chị ghét. Và không biết từ đâu nhiều người nhà bệnh nhân đã lạm dụng cái tên tôi để vào cửa thăm bệnh nhân trái giờ. Một hôm tôi đi sau một chị xách cà mèn, chị này khai với bảo vệ là người nhà BS Tú đem đồ ăn trưa vào cho BS. Ông bảo vệ bảo BS Tú sau lưng kìa đưa cho BS đi. Chị ta quay lại ngỡ ngàng, ú ớ rồi bỏ đi, anh bảo vệ nói với tôi vậy mà mấy lâu nay tôi nghe họ bảo người nhà BS Tú là cho vô, làm tôi cứ thắc mắc sao người nhà BS Tú cưng bả quá chừng… Cứ bao nhiêu chuyện tầm phào như thế làm hai chữ BS của tôi đã lộn xộn càng lộn xộn hơn. Vậy mà tôi cũng phục vụ được trên mười năm trong điều kiện rất thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần.
Tôi đến định cư ở Toronto năm 1990. Hình ảnh của những người bạn ở Hà Nội là hình ảnh trong trang bìa mở đầu cho một chapter mới của đời tôi ở Canada. Lạc quan, cần cù, nhẫn nại là phương châm tôi dán chỗ bàn ăn, để ăn là nhớ đừng bỏ cuộc, họ chạy mình cứ đi. Khi không có một chút gì căn bản trên quê hương mới thì tôi phải biết cúi đầu để xây dựng cái móng. Phục vụ tha nhân mới tìm đến hạnh phúc là phương châm tôi dán lên phòng khách để không coi TV quá nửa tiếng đồng hồ, đứng dậy nấu cho con bữa ăn ngon, cầm phone gọi hỏi thăm bạn bè hoặc người thân nào đó, hoặc đem bài ra học… Đọc để hiểu đạo hiểu đời là phương châm tôi dán cạnh giường vì chỉ có lúc đi ngủ tôi mới có chút thì giờ để đọc. Cũng từ đó tôi không còn mang hai chữ BS ở trước cái tên ngắn ngủi của tôi. Sáu năm sau tôi được móc thêm hai chữ RN trong cái tên dài hơn của tôi _CamLe, RN_nó kéo dài tới hai mươi hai năm phục vụ trong điều kiện vật chất đầy đủ và thoải mái tinh thần, tuy có phần vất vả trên quê hương mới. Viết tới đây tôi mong những người bạn cùng chung những chuyến tàu với tôi hãy mỉm cười trong niềm tự hào. “Yes, MD, RN, we made it through. East and West, we served them all.”
Tôi đã quyết định trở lại trường trong ngành Nursing sau sáu tháng học Anh văn tập trung, và vượt qua kỳ thi trắc nghiêm về kiến thức khoa học căn bản cũng như đọc hiểu Anh văn trong ba tiếng đồng hồ. Tôi biết chỉ có học vấn mới có thể xóa cảnh nghèo của một single mom, và tôi sẽ biết cách dạy dỗ con cái ở nhà. Lấy lại MD không dễ, theo một vài bác sĩ VN đến trước tôi thì ở Toronto có tám trăm đơn của BS từ khắp nơi trên thế giới, chỉ nhận vào hai chục làm nội trú trong năm 1990, hơn nữa phải đi làm nội trú xa nhà không ai trông con. Trong lúc ở Thunder Bay, một thành phố ở phía bắc ON thì nghe có chương trình nhà nước giúp đỡ cho những bác sĩ di cư đi học lại dễ dàng hơn với điều kiện họ phải ở lại phục vụ địa phương ít nhất năm năm; thành phố này thì lạnh hơn nhiều, và tôi lại không có người quen ở đó. Chương trình học Nursing không khó lắm đối với tôi, nhưng tốc độ học rất nhanh và kỷ luật sắc bén, như lái xe tốc độ trên trường đua, loạng quạng là rớt. Lớp tôi gần trăm mạng trong ngày khai giảng, dần dần còn khoảng năm sáu chục lấy bằng hành nghề RN.
Nhớ lại những năm tháng học Nursing, những ngày thực tập ở bệnh viện vào mùa đông tôi phải đứng đón xe công cộng trước sáu giờ sáng, khi trời còn tối và dưới cái lạnh tái tê, rồi đổi xe hai lần, mất gần một tiếng rưỡi mới đến được một bệnh viện downtown, tôi phải có mặt ở locker trước bảy rưỡi sáng. Một hôm tôi chạy ra chỉ còn vài bước nữa là tới trạm, vậy mà chiếc street car Long Branch vẫn vô tình chạy thẳng làm tôi đứng ngắm tuyết rơi thêm hai mươi phút nữa để đón chuyến sau. Hôm đó tôi đến giao ban buổi sáng ở khoa sản trễ mười phút. Bà cô hướng dẫn lâm sàng khó tính, muốn tỏ ra uy quyền của mình trên một cô sinh viên di dân nhỏ thó nên đã gặp tôi sau đó và bảo nếu tôi đi trễ thêm một lần nữa bà sẽ đánh rớt không cần biết lý do, có nghĩa rủi ro tôi ra khỏi trường đã năm mươi phần trăm. Từ đó tôi phải đón xe chuyến xe đầu tiên trong ngày vào năm giờ rưỡi sáng, tới sớm tôi ngồi chờ ở locker, từ locker ở basement của building này thông qua building nọ vòng vòng cũng mất mười phút tôi mới tìm ra khoa phòng thực tập, vì tôi ở quê mới lên nên hơi ngợp với không gian rộng lớn, khó định hướng.
Có lúc bà cô khác ở khoa nội đòi đánh rớt tôi vì tôi không nghe hết những lời khai của bệnh nhân khi bà hỏi lại. Hôm đó tôi kéo ghế ngồi cạnh giường của một bệnh nhân nữ người Ý, bảy mươi tuổi với giọng nói khề khà, để hỏi han làm assigment, xong tôi đứng dậy chào bà và quay đi thì gặp bà cô hướng dẫn lâm sàng đứng phía sau hỏi ngay: “Bệnh nhân đã khai gì trong hội chứng pulmonary embolism?” Tôi trả lời khá đầy đủ triệu chứng tôi vừa nghe. Bà bắt bẻ: “Còn một điểm rất quan trọng cô không nghe à.” Tôi đứng thừ người suy nghĩ không ra. Bà nói: “Bệnh nhân bảo là “I felt like dying”, một dấu hiệu quan trọng thế mà cô không nghe được thì làm sao tôi cho cô pass được.” Tôi vẫn nhớ mãi câu “I felt like dying” đó cho tới tận hôm nay. Từ đó bà cứ rình rập tôi từng bước làm tôi rất căng thẳng, mỗi lần quay lưng lại là thấy bà đứng đó nhìn tôi đang làm gì. Một cô sinh viên trong nhóm thực tập đã có kinh nghiệm chuyện này liền bảo tôi đến nói chuyện với bà hiệu trưởng, đừng để bà cô đẩy rác rưởi qua cho mầy rồi đánh rớt mầy. Tôi cũng có cảm giác như vậy, bà cô đang ra sức đẩy tôi ra khỏi quỹ đạo của bà. Cô bạn nầy hay làm ở quán bar ban đêm để tự kiếm tiền đi học nên thiếu notes của các môn lý thuyết, tôi thường cho cô muợn notes và giải thích cho cô những điều cô chưa hiểu.
Thế là cô ta tình nguyện làm escort cho tôi đến gặp bà hiệu trưởng. Cô đứng ngoài chờ, tôi vào phòng riêng nói với bà hiệu trưởng rằng dân Cà -nây- điên có nhiều accent khác nhau nên đôi khi tôi không nghe kịp, nếu cô giáo cứ kè kè bên tôi làm tôi căng thẳng không cho tôi cơ hội thực hành thì làm sao tôi tiến bộ được, tôi đang là sinh viên thực tập. Sau đó tôi được đổi qua nhóm khác đang trống một chỗ, và đã vượt qua phần thực tập của khoa Nội. Từ đó tôi mới thật sự nhận thức rằng mình đang sống trên một đất nước tự do, đâu còn là Cộng sản hay phong kiến nữa. Tôi có quyền dùng tiếng nói của mình để chống lại áp bức. Sinh viên có quyền được học hỏi trong môi trường tự do với sự hướng dẫn của thầy cô, nếu họ làm khó dễ hay đối xử bất công, tôi có quyền than phiền với cấp trên trước khi bị đánh rớt, miễn là tôi có lý do chính đáng.
Tới khoa Nhi ở bệnh viện Sick Kids, lần này trông vẻ mặt của bà cô lâm sàng dễ thở hơn, nhưng chúng tôi vẫn giữ kỹ luật chặt chẽ, chớ bị đánh rớt đợt này là uổng công ba năm học hành. Trong giờ bàn luận của buổi thực tập đầu tiên, bà cô hỏi sinh viên: “Những bệnh nhân nào thì cần sự quan tâm giúp đỡ của các bạn nhiều hơn?” Một cô sinh viên bảo: “Là những người nghèo như immigrant mới tới.” Bà cô gật đầu bảo: “Đúng” Cô sinh viên khác bảo: “Là single mom hoặc single dad.” Bà cô bảo: “Đúng” Tới một cậu sinh viên khác nói to: “Là student nghèo như tôi.”
Cả nhóm đều cười, kể cả tôi. Tuy vậy tôi bỗng giật mình, “Bingo”, cả ba điều kiện trên tôi đều có hết, vậy thì tôi phải được xếp vào hạng nghèo cấp ba!
Những ngày tháng thực tập ở bệnh viện tâm thần còn khiếp hơn. Tôi chưa bao giờ biết một bệnh viện Tâm thần nào ở VN, chỉ nghe có nhà thương điên ở Biên Hòa xa xôi trong Nam. Lần đầu bước chân vào cái bệnh viện tâm thần khá lớn nằm ở vùng trung tâm của Toronto, tôi cảm thấy lo sợ. Có những bệnh nhân hay đứng ở hành lang với những động tác và hành vi kỳ lạ do tác dụng phụ của thuốc hoặc trốn thuốc làm tim tôi đập mạnh mỗi khi tôi phải đi lại một mình. Có lúc một ông bệnh nhân giả lên cơn điên rượt tôi chạy, may thay gặp ngay thằng Michael trong nhóm bước ra chận lại hỏi: “Ông làm gì vậy?” Ông nhăn răng cười nham nhở. Bệnh tâm thần khá phổ biến ở Toronto, thành phố có nhiều người di dân đến từ khắp nơi trên thế giới, may mắn là càng ngày càng có nhiều loại thuốc chữa nên bệnh nhân có thể duy trì cuộc sống gần như bình thường, còn bệnh nhân nặng trong bệnh viện thì đỡ la hét và đập phá.
Những buổi sáng đi thực tập sớm tôi chỉ kịp bỏ hai đô la trên bàn ăn cho con tôi mua pizza ở tiệm gần trường để ăn trưa. Khi hết giờ khoảng ba giờ rưỡi chiều là tôi vội vã chạy xuống locker và tuôn ngay ra trạm subway, trong lúc tụi bạn trong nhóm còn ở lại bàn tán chuyện trong ngày, tụi nó hay thắc mắc tại sao lúc nào tôi cũng vội vàng. Trong buổi họp mặt chia tay cuối khóa ở quán bar, có đứa biết tôi là single mom, có đứa biết số tuổi của tôi bằng tuổi mẹ nó. Có lúc quá vất vả tôi định bỏ cuộc nhưng nhìn lại hình ảnh của những phụ nữ gò lưng trên chiếc xe đạp đi ngược chiều trong mưa gió bão bùng với đứa con nhỏ nấp dưới chiếc poncho bằng nylon, hoặc những tấm lưng còng sát đất của những phụ nữ trên những cánh đồng ở quê nhà làm tôi xóa ngay ý nghĩ đó trong đầu. Bấy giờ thì tôi không còn đối phó với sự sợ hãi và thiếu thốn nữa, mà là ngôn ngữ, văn hóa, và thời tiết quá khác xa ở quê nhà.
Hôm nay ngồi nhớ lại chuyện cũ. Cái bằng bác sĩ của tôi được đào tạo ở hai miền Nam, Bắc dưới hai chế độ thù nghịch lẫn nhau. Từ ngày mới vào học trường y tôi nghĩ ra trường là tôi sẽ trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, ngoại nội sản nhi gì đó, tôi lại bị đẩy tôi sang làm công tác giảng dạy, từ giảng dạy đổi qua làm đệ tử mấy đời sau của BS Pasteur. Tuy vậy cái bằng cao cấp đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc chèo chống qua bao cửa ải của cuộc đời, cũng như nó làm tôi cay đắng bao phen trong trường tình và trên quê hương mới.
Hai chữ BS của tôi chạy loanh quanh như cuộc đời của tôi. Có khi cái bằng đó phải đổi qua là kỹ thuật viên phòng thí nghiệm - lab-technician - để vượt qua kỳ phỏng vấn đi Canada, nhiều lúc phải là PSW khi đi tìm việc trong những dịp hè, có lúc là cử nhân sinh vật học khi xin việc ở ủy ban thành phố để lấy mẫu nước xét nghiệm độ nhiễm ở các ao hồ,… Lần cuối sau khi đã lấy bằng RN, tôi mạnh dạn bỏ vào resume 1980-1990, MD, microbiology department at ĐN hospital, VN. Bà Tây phỏng vấn tôi gần mười lăm phút vẫn chưa nhìn thấy chữ MD và còn do dự vì tôi chưa có đủ kinh nghiệm làm việc ở Canada. Khi vừa đặt mắt vào chữ MD, bà tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn thẳng vào mặt tôi hỏi:
“Are you MD in VN?”
Tôi tự tin trả lời:
“Yes, I am”.
Bà mỉm cười và nói ngay:
“No more questions, you got hired.”
Đó là công việc gắn liền với tôi trên hai mươi năm và được nhiều nhân viên trong cơ quan biết mặt. Vậy mới biết hai chữ MD khá trọng lượng. Bằng MD ở nước nào cũng có giá trị, mặc dù ngôn ngữ, hệ thống y tế và môi trường của mỗi nước khác nhau, ít nhất họ là những người có trái tim nhân ái và chí nguyện học hỏi suốt đời như lời thề với ông tổ Hypocrate. Bằng BS đào tạo ở VN trong thời chiến còn nặng ký hơn nữa vì được Cộng thêm lá gan của người Việt mình.
Ước mơ ban đầu của tôi là học ngành kiến trúc, trật ngành kiến trúc tôi phải đi vòng vo từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây gần năm mươi năm trời để chấm dứt cuộc đời lao động của tôi. Tôi có hối tiếc gì không? Câu trả lời là “không”. Học hỏi là vô tận. Học được điều gì cũng bổ ích, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. Phục vụ là vô biên. Da đen, da trắng, da màu, giàu nghèo, … tất cả đều là đối tượng. Khi không được cái mình muốn, tôi dang tay đón nhận những gì trong tầm tay của tôi, và cố làm thật tốt với khả năng của mình, tôi gọi đó là “challenge”, vượt qua được những thách đố đó tôi gọi là thành tựu. Tôi không ngồi chờ đợi than thở, tính toán thiệt hơn có khi lỡ cả đời người.
Lê Cẩm Tú
Các bạn thân mến,Đã hơn bốn mươi năm xa cách nhau, mỗi người trong chúng đã thay đổi nhiều theo cuộc sống mang nhiều khác biệt. Tôi viết để tâm sự với bạn bè, và nhìn lại quá khứ của mình trong những ngày nhàn rỗi. Tôi mong đọc được những lời tâm tình của các bạn. Hãy viết để chia xẻ với nhau khi có điều kiện bạn nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét