Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

TỰ THUẬT - Trần Khải Thanh Thủy

Tôi họ Trần, đệm Khải và Thanh. Nhiều người thắc mắc vì cái tên dài dằng dặc của tôi. Khi biết tôi có gia đình, lại cho rằng chữ Khải ấy là tên người bạn đời của tôi... Quả là sự nhầm lẫn thú vị, vì có đề cao giá trị của hôn nhân đến mấy, tôi cũng không có được ý tưởng lãng mạn đó, huống hồ tôi nhìn nhận hôn nhân ở góc độ hết sức biện chứng và đời thường: “Hôn nhân là một sự cộng gộp, sung sướng gấp đôi và đau khổ cũng gấp đôi” (Lạy chuá, nếu người ta biết kìm hãm và tự điều tiết mình, ngược lại, để chốt hãm bật tung khỏi van điều tiết thì sự đau khổ, tôi tin là gấp... bội, chứ không thể là gấp bốn, gấp đôi nữa. Không tin bạn hãy thử mà xem(!)
<!>
Xin quay ngược lại 60 năm trước, giữa trưa mùa đông lạnh giá tôi cất tiếng chào đời. Sự ra đời của tôi dẫu không phải "tình cờ" cũng không có gì đặc biệt. Xem trong tiểu sử của các vĩ nhân, tôi luôn bắt gặp những dòng chữ: "Tôi sinh ra trong một đêm mưa gió". Thay vì những giấc mơ tiên tri báo hiệu sự ra đời của đứa con danh nhân, thần đồng như những bà mẹ may mắn khác, mẹ tôi chỉ có cảm giác đói, bà hoàn toàn không ngờ tôi có thể chào đời nhanh thế, khi hai ngày trước bà đi khám, bác sĩ bảo ít nhất cũng còn một tháng nữa, tốt nhất nửa tháng sau quay lại mới có thể biết ngày mãn nguyệt khai hoa... Sáng hôm ấy bà đi làm như bình thường và suýt nữa thì đẻ rơi tôi trên những bậc cầu thang nơi bà làm việc (Viện thiết kế Thủy Lợi, bộ Thủy Lợi). Khi dấu hiệu của sự vượt cạn đến gần, bà lâm râm đau bụng, toàn thân là một sự chuyển rung dữ dội, không đứng, không ngồi được, cứ phải cúi lom khom. Một người đồng nghiệp lớn tuổi -cũng là chị em kết nghiã- quả quyết bà sắp đẻ, vội vàng gọi xích lô, ấn bà vào. Nể lời, bà đành phải theo chị bạn đến viện để khám lại, nhưng vẫn đinh ninh theo lời bác sĩ, chỉ là đau bụng thông thường do đói lạnh, hay tối hôm trước ăn phải cái gì không lành, vì tính tháng tính ngày mới được có tám tháng...

Vừa kịp trèo lên bàn, một phần cơ thể tôi đã lộ ra... bác sĩ la tá hỏa, ấn luôn bà vào cái bàn định mệnh đó, thế là...đẻ. Đơn giản như gà đẻ trứng vậy, trong khi sáng ra bà chưa kịp gia cố dạ dày, nên đói ngấu, lạnh run người đến mức chính y tá đỡ đẻ phải nhường cơm sẻ áo cho bà (đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao hồi ấy lại có người tốt đến thế, chứ tôi đã ba lần sinh nở, hễ không có tiền lót ổ, thì lương y thành... hà bá, thầy thuốc kiêm mẹ mìn ngay).

Bố tôi vốn dòng dõi khoa bảng nên khi sinh tôi, ông muốn con cái -không những sao chép trọn vẹn hệ ADN còn phải mang cả dấu ấn tên tuổi của mình, vì thế bốn anh em tôi, dù trai hay gái đều có đệm Khải như một dấu ấn nghìn đời của tổ tiên để lại (Trừ khi dòng họ Trần Khải bị tuyệt diệt hoặc vì một lý do nào đó phải thay tên đổi họ).Vốn là người giản dị, không ưa cầu kỳ, cái tên... đa âm, đa tạp này làm tôi khốn khổ suốt 30 năm trời. Để đơn giản hóa con người mình, dễ hòa nhập với đám đông cây cỏ, hoa lá, rác rưởi, sình lầy trên dòng sông cuộc đời nơi đất nước mặt trời lặn, tôi thường bỏ rơi chữ Khải hoặc thay bằng đệm Thị, nào ai ngờ cái tên ấy luôn bị trùng lặp, dễ lẫn với bạn bè cùng trường, lớp nên không được chấp nhận. Đặc biệt trong các kỳ thi vượt rào, vượt tuyến cấp I, cấp II. Hồ sơ lý lịch ghi rõ rành rành, cấm có thay đổi được, đành nén lòng, kìm mình viết lại, để thẻ học sinh trùng với giấy khai sinh trong lý lịch tự thuật. 

Xét cho cùng, bài thi có lọt qua được hàng rào khắc nghiệt này, điểm thi cũng không được công nhận... 12 năm, ứng với 24 kỳ thi, tôi vẫn không thể quen với cái tên quá đặc biệt, phi lô gích của mình. Trong sổ đầu bài bao giờ nó cũng lòi ra cả một đống chữ và là mục tiêu đầu tiên gây sự chú ý của giáo viên, mỗi khi gọi lên bảng kiểm tra miệng đầu giờ. Nếu không, bao giờ cũng gây phản ứng cả nhiều phiá giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và lũ học bạn cùng lớp: -"Tên gì mà loằng ngoằng thế này?" Hoặc: "Tên với chả tuổi, nghe cứ ngang phè phè". Trong lớp có một cô Trần Thanh Thuỷ khác, vừa điệu vừa học kém, khiến tôi không thể "lẩn khoản" cái tên cha sinh mẹ đẻ của mình. Nhiều người quen tay đề Trần Thị Thanh Thuỷ , khi phát hiện ra vẫn thiếu chữ đệm liền thêm chữ Khải vào giữa, khi đọc lên đủ cả năm chữ: Trần Khải Thị Thanh Thuỷ hoặc Trần Thị Khải Thanh Thuỷ làm tôi đỏ bừng mặt, còn lũ "nhất quỷ nhì ma" thì được dịp cười rũ...Đau lòng hơn, để khỏi gọi tên dài ngoãng lại phân biệt với cô bạn Thuỷ kia, chúng gọi tắt tôi là Khải Thủy. Thật như hai càng nhọn hoắt của con cua chọc thẳng vào hông.

17 tuổi tôi không làm nổi chứng minh thư còn vì một lý do tế nhị, động trời hơn. Bố tôi vốn sính chữ, mê anh hùng thế giới hơn cả con mình nên ghép tên các anh hùng vào tên con như tôi là Trần Khải Thanh Thuỷ Zôia, còn em tôi là Trần Khải Ca Tanmal...v.v. Tôi đã khóc nửa ngày khi mọi lý do đưa ra đều không được chấp nhận, dù vẻ mặt hình thể khi ấy, tôi rất đáng thương, song xét về nguyên tắc, nếu tôi không trung thực với cái tên cha sinh mẹ đẻ của mình thì không thể có quyền công dân - nghiã là được cấp chứng minh thư như bao người khác.

Sau một hồi an ủi động viên tôi về ý nghiã cao đẹp của cái tên đặc biệt đó, vừa là đệm Khải và Thanh của cả bố lẫn mẹ, là chiếc cầu xinh bắc ngang hai bờ tình yêu của bố mẹ, lại là nữ anh hùng Liên xô, vẫn không kéo tôi ra khỏi cơn hờn giận tức tưởi, bố tôi chán ngán, nói sẵng: "Thôi thì tùy mày, chờ đủ 18 tuổi có quyền công dân, tự đi mà thay tên đổi họ".

Tôi chỉ thực sự bừng tỉnh sau bao lần mất nhuận bút. Tuy tốt nghiệp đại học sư phạm khoa sinh - kỹ thuật nông nghiệp (thường bị gọi chệch là khoa lông gà lông vịt), song tôi rất thích viết và đã thử sức mình trên mặt báo ngay khi vừa ra khỏi trường. Cái tên Trần Thanh Thuỷ chẳng gợi lên điều gì tốt đẹp, nếu tôi không ghi đầy đủ địa chỉ, số nhà, lập tức số tiền còm bốc bay ngay. Khi tôi đọc báo, biết tin, về tòa soạn lấy, thì người ta đã chuyển cho một phóng viên báo Hà Nội hoặc Lao Động từ tám hoánh nào rồi, không ai nghĩ tác giả chỉ là một giáo viên bản, làng như tôi...Hè 1986, tôi vào Nam, đem cả tập bài vào theo, không ngờ chưa đầy hai tuần lại sấp ngửa ra đi, tôi chỉ kịp ném nửa số bài vào tòa soạn báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh và nửa còn lại vào báo Khăn quàng đỏ. Với lĩnh vực thiếu nhi, tôi may mắn hơn, gửi bài trực tiếp cho biên tập viên Lê Việt Nga, sau hai ngày đọc một mạch 20 bài của tôi, chị hồ hởi bảo: "Bài của em được lắm, từ ngày làm phóng viên trực trang đến giờ, chị nhận cả nghìn bài, nhưng không bao giờ xài tới phân nửa như của em, thậm chí nếu bí bài, thì xài hết luôn em à".

“Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, khi tôi tìm ra được địa chỉ báo Phụ nữ để mò đến chỉ được nhân viên ban bạn đọc tiếp, lịch sự nhưng khách sáo. Vì vội, tôi để bài lại tòa soạn rồi theo đoàn lên tàu ra Bắc ngay, không hề biết số phận của những đứa con tinh thần của mình thế nào!

Trở về trường, tâm trí tôi còn để cả ở những bài báo. Tôi cứ tự trách mình rằng bản thảo đâu phải đứa con hoang, sao có thể cẩu thả như thế, chỉ ghi tên họ chung chung không hề có địa chỉ ở lại, không biết số phận chúng sẽ ra sao? Sau đó tôi gặp nhà văn Phong Thu, biết ông cũng cộng tác với vài tờ báo phiá Nam, trong đó có báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh liền nhờ ông hỏi hộ. Hóa ra tất cả số bài được in đã chuyển nhuận bút cho tác giả rồi. Tra trong các báo họ thấy có một phóng viên nữ là Trần Thanh Thuỷ thường gọi là "Thủy đen" ở báo Lao động, họ đã gửi đến đó. Tôi tất tưởi tìm đến thì ôi thôi, chỉ được một lời giải thích: "Ư, mình cũng băn khoăn mãi, không biết ai đã gửi báo "kính biếu" để mình đọc, lại còn gửi cả tiền cho mình tiêu nữa, lại không chỉ một lần.

Hóa ra trên đời này có tới hai bà Trần Thanh Thuỷ bằng xương bằng thịt cơ à? Khéo nhảy ?
Tiền chị Thủy đã tiêu từ tám hoánh nào rồi, tôi chỉ xin chị những số báo có đăng bài để giữ làm kỷ niệm, chị sốt sắng nhận lời, để rồi bao nhiêu lần sau đó (không chỉ riêng một việc này) đều chỉ là một ngụm nước lã đun sôi để nguội tiếp tôi chứ chẳng có bát nước xáo, hoặc tờ báo nào cả. Đơn giản, chị bảo, lâu ngày quá rồi, chị không biết ở đâu mà tìm. Làm một phóng viên như chị, chỉ vài hôm là bài vở, tài liệu ngập lên tận mặt, không biết ai đọc lấy đi, cho ai xem, ai mượn hay dúi vào đâu"... Thành thật suốt cả năm trời làm quen với chị tôi không ngờ chị có thể hứa dễ dãi đến thế, mức siêu cuội như Trần Đăng Khoa với biệt hiệu nhà văn Trung Trung Đỉnh đặt: "Thằng Cuội ngồi gốc cây thơ" cũng không thể bằng. Tiền chỉ là chuyện nhỏ nhưng công sức và thời gian tôi bỏ ra sau đó trong những bài viết về các vụ việc tiêu cực ở trường nơi tôi dạy (Kỳ Sơn B Hà Sơn Bình) đâu phải là chuyện vặt!... Thế mà tôi cứ tin ở con người, ở lời hứa rằng hứa là nợ, nợ thì phải trả, không thể quỵt được, rằng “một lời đã trót nói ra, dẫu rằng 4 ngựa cố mà đuổi theo”. Bao nhiêu công sức, nhiệt huyết của những ngày đầu cầm bút, tôi trao cả cho chị. 

Tiếc thay thời điểm 1986, 1987 ấy, ở Việt Nam lại chưa hề có máy phô tô copy hoặc máy tính, chỉ đơn thuần là viết tay... Khi phát hiện ra chị chỉ là một kẻ luôn hứa hão...thì tôi cũng trắng tay vì bản thảo không thể lấy lại được nữa. Có lẽ câu tin bạn mất bò luôn đúng trong trường hợp tôi lúc bấy giờ. Chỉ có điều bò mất còn có thể sắm lại được, còn những bản thảo mà tôi đã viết bằng tất cả công sức, trí lực, tình cảm và sự vật vã của tâm hồn mình lúc đó, không thể viết ra được lần thứ hai, dù sau này tôi có là thợ viết, nhai phóng sự rau ráu, điều tra các sự việc tinh thông lão luyện đi chăng nữa, cũng không thể viết lại như cũ được .

Vừa không thể để mất "khúc ruột" của mình (đồng tiền liền khúc ruột) vừa không muốn bị đánh đồng với một người dễ dãi, xấu xí như thế trong làng báo, tôi quyết định lấy lại đệm Khải của mình trong mọi bài viết (tất nhiên còn cả bút danh là tên chồng và hai cô con gái khi đã lập gia đình nữa). Tên Trần Thanh Thuỷ chỉ xuất hiện ở những bài mà tôi cho là không quan trọng, xoàng xoàng mà thôi. Tuy không làm hàng chợ, hoặc vì mưu sinh, đôi khi tôi buộc phải làm, thì mức độ hàng chợ của tôi cũng luôn cẩn trọng, như các mặt hàng của Trung Quốc vậy, người có kinh nghiệm biết phân biệt thì chọn được hàng loại một , tức trung ương, còn không gặp hàng địa phương loại hai, ba. Bản thân tôi luôn ghét sự cỏ giả. Vì thế tuy rất luộm thuộm trong đời thường nhưng với chữ nghiã, luôn là sự lao động nghiêm túc, hết mình. Nếu bài chưa hay, chưa chuẩn, thì do nhận thức vốn sống của tôi chưa tới, chứ không phải do ẩu, do vội vã, tắc trách.

Từ ngày lấy lại đầy đủ họ tên, tôi không gặp phải rắc rối nào nữa, chưa kể như một sự "nhất nước". Bao lần bản thảo gửi đi, không địa chỉ, điện thoại, tôi vẫn được lĩnh nhuận bút như thường, vì bạn bè đọc được, qua điện thoại mà thông báo cho tôi, khi tôi còn nghi hoặc, bao giờ cũng được khẳng định: "Khổ quá, nhầm làm sao được, đúng là Trần Khải Thanh Thuỷ mà, còn ai có đệm Khải ở giữa như bà nữa đâu". Rồi: "Ôi giời cái chất giọng cứ tưng tửng như vậy, "ngửi" là ra ngay mà!". Thế là tôi gọi điện thoại vào yêu cầu toà soạn gửi nhuận bút cho mình, hoặc nếu gần nhà thì ung dung đến lấy, trăm lần không chệch. Hồi vừa làm nhà (1996) tôi nhớ lương chỉ bốn trăm nghìn VND, mà riêng nhuận bút thơ có tháng lên tới năm trăm năm mươi nghìn đồng. Nhờ cái đệm Khải ấy, mà tuy nhiều kẻ trong tòa soạn bực mình, đố kỵ, vì thấy tôi liên tục có giấy báo lĩnh tiền, không chịu báo lại, nhưng bưu điện gửi hết lần nầy đến lần khác, cuối cùng châu về hợp phố.

...Cũng nhờ đệm Khải ấy mà tôi gặp may. Bố tôi trước vốn là người thông minh, đĩnh ngộ, đẹp về hình thể lại giỏi về chữ nghiã. Ông biết 6 ngoại ngữ và am hiểu hầu hết các lĩnh vực văn hoá, khoa học. Bạn bè cùng lục quân khóa 4, trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn với ông kể: "Chú trưởng thành được là nhờ bố cháu. Con nhà nghèo có được học hành gì đâu. Vào bộ đội, thèm chữ như thèm gái. Biết bố mày hay chữ, sán đến, những tưởng cưỡi ngựa xem hoa, học hành ba chữ lem nhem, có méo mó hơn không thôi, ai ngờ bố mày là người hiểu biết thấu đáo, kèm cặp dạy dỗ rất bài bản. Chiều nào, tối nào cũng ốp học, ít nhất là 2 -3 tiếng. Bù lại, mọi công việc giặt giũ, gấp chăn màn, chẻ củi, lấy nước là tao lo, mà kỷ luật quân đội đâu có lơ tơ mơ được. Sáng ra, nhảy ào xuống suối, tay trái đánh răng, tay phải khoắng quần áo, hai chân kẹp xô chậu, chăn màn...cuống cà kê lên. Cũng may bố mày chỉ cầu kỳ khó tính trong văn chương, chữ nghiã, còn cực kỳ dễ tính trong đời thường. Ăn thế nào cũng được, mặc thế nào cũng xong..."

Ra trường, như những cánh đại bàng sải cánh bay khắp các chiến trường miền Nam, bẵng đi vài chục năm, ngày “giải phóng” trở về ngậm ngùi nhận tin bố tôi ốm, mất, lại vô tình đọc các bài thơ hoặc văn tôi trên sách báo, chỉ nhờ đệm Khải và chất giọng, các cô chú khẳng định: "Đúng nó là con thằng bạn Khải Tuân rồi", bèn bảo nhau đi tìm.

Địa chỉ trên mặt báo không có, chỉ mang máng biết tôi ở Hà Nội, trong khu tập thể của trường đại học Thủy Lợi, cứ lao đi. Người ba lần, người năm lần đưa vợ con theo để tìm gặp vợ và con gái anh Khải Tuân. Tìm được đến tôi thì ngồi ụp xuống, ôm gối mà khóc vì mừng vì tủi, vì " Tìm được tới gia đình cháu qua bốn mươi năm bằn bặt. Giờ hai đầu gối chú đang reo hát trên nền gạch vì mệt mỏi, cũng cả vì vui sướng đây này".

Mối quan hệ ngay sau đó được xác lập. Tôi được nhận về tất cả tình cảm yêu quý chân thành mà lẽ ra bố tôi được hưởng, từ cuộc gặp mặt hàng năm. Những chuyến đi xa cả hai mẹ con đều được tài trợ, khoản tiền vài ba triệu do các chú bán đất tuyên bố cho riêng trước toàn thể bạn bè Lục Quân. Có chú biết tôi khó khăn còn cầm luôn cả tiền theo người để hễ tôi đến là cho vay không lấy lãi vô thời hạn. Khi thấy tôi ngần ngại, còn ôn lại những kỷ niệm thời chiến giữa hai anh em, những lần tìm nhau khắp Hà Nội vì vận chuyển cả mười ba xe chở hàng qua khu vực bờ sông, muốn quẳng bớt một thùng lương khô cho vợ con Khải Tuân mà không tìm nổi lại biền biệt tin nhau, còn ấm ức đến ngày gặp lại. Biết tôi ngần ngại liền khẳng định:" Yên tâm đi, chú còn sống đến ngày cháu trả nợ cho chú cơ mà, đừng lo". Ai ngờ trả được cuối tháng trước, thì đầu tháng sau ông đi, như một định mệnh gan ruột trăn trối lại, làm tôi cứ ân hận mãi. Giá tôi không nặng lòng biết ơn, nhận tấm lòng tri ân của ông một cách bình thường, coi như một sự đặc quyền đặc lợi, vay vô thời hạn, biết đâu ông còn ở lại dương thế như lời ông nói: "Bác sĩ bảo chú còn sống đến chín mươi mốt tuổi kia...Lẽ nào vì sự đúng hẹn của mình, chỉ vay trong vòng nửa năm sẽ trả, khi nào thiếu lại vay tiếp mà cắt đứt của ông mất mười sáu năm trời?

Ba mươi nhăm năm qua rồi kể từ ngày bố tôi mất. Ông chết vì suy dinh dưỡng nặng. Vào thời điểm 1985, sau "giải phóng" mười năm, cả nước cùng ôm nhau ngắc ngoải trong những ô tem phiếu. Nếu những thời điểm trước người dân có câu sấm truyền bất hủ:
Gạo vừa mười ba ký, suốt tháng cháo thừa, cơm thiếu. Quanh năm no cậy nước,
Vải tròn bốn nghìn phân, suốt ngày quần thiếu, khố thừa. Cả đời ấm nhờ da ...

Thì thời điểm giữa 1985 còn khổ ải hơn, chả lấy đâu ra 13 ký gạo cùng 4000 phân vải. Khắp trong các cơ quan xí nghiệp, nơi này nơi kia phải bỏ việc để kéo quân xuống các địa phương tăng gia sản xuất, trồng giống ngắn ngày như ngô, khoai sắn để kéo dài sự sống. Nhà nước coi tính mạng con dân không bằng cỏ rác, cần thì bắt ép dân theo, không cần thì vứt xuống dưới chân, sống chết mặc bay, đảng này không ngán.

Thế là ra chỉ thị cho các cơ quan xí nghiệp, hộ dân phải tự túc lương thực 3 tháng. Hết 3 tháng này rồi lại 3 tháng khác. Sự nghèo, cái đói cứ như một sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu mỗi người. Nhà tôi cũng không ra ngoài quỹ đạo đó, đói dai dẳng, đói triền miên, đến mức nhìn đứa trẻ con ăn một tấm miá, hoặc quả chuối cũng thèm chảy nước miếng. Gạo ăn không đủ, làm sao dám nghĩ đến chuyện ăn quà vặt…Vốn là người quen chịu đựng, ông không hề phàn nàn vợ con điều gì, chỉ lẳng lặng chịu đựng rồi như ngọn đèn cạn dầu, ruỗng bấc, không thể toả sáng tiếp tục, ông lặng lẽ tắt đi, chỉ để lại cho đời một tấm giấy duy nhất, cũng là lời tuyên bố chính thức của ông với đảng cộng sản "bất diệt": Đơn xin ra khỏi đảng.

Ngày biết mình sắp đi, ông đưa mắt nhìn tôi ra hiệu bảo tôi ngồi xuống bên ông rồi bảo:
- Bố biết con còn hận bố nhiều lắm, rồi cuộc đời sẽ dạy con cách nhìn nhận mọi vấn đề con ạ. Dù sao, bố tin con "trẻ người", nhưng không "non dạ", con sẽ là người hiểu bố nhiều nhất, sẽ chứng minh cho mọi sự lầm lạc của bố trên đời. Kinh dịch bảo: "Bố tìm thấy con gái, mẹ tìm thấy con trai." Con đúng là đứa con mà bố đã tìm thấy. Bố ra đi hận vì mình chưa làm gì cho mẹ và các con, chỉ u mê, ảo tưởng, lầm lạc về một thứ chủ nghĩa mơ hồ, vì một lý tưởng bị bội phản. Hy vọng thế hệ các con không dễ bị đầu độc như vậy.

Hai mươi lăm tuổi đầu tôi không hiểu ông định nói gì, chỉ kịp nghe trong khu tập thể râm ran những lời đồn đại về ông:
- Thằng Khải Tuân ngu quá, cả cuộc đời theo cách mạng, đồ đạc của nả chả có gì, chỉ để lại cho vợ con mỗi danh thơm là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam mà trước khi chết lại nằng nặc làm đơn ra khỏi đảng, mà 38 năm tuổi đảng có ít đâu.

Rồi:
- "Thằng ấy thật là ích kỷ, cả chi bộ đến khuyên giải, động viên nó yên tâm dưỡng bệnh, đừng nghĩ quẩn, mà nó không nghe, cứ một mực chối từ:
- "Không, đây là đề nghị chính đáng của tôi, nếu các anh không chấp nhận, tôi không yên lòng nhắm mắt, xuống suối vàng tôi sẽ tìm gặp Các Mác, Lê Nin để tranh luận cho ra...Ông ta là ai mà cụ Hồ u mê thế? Một sai lầm của lãnh đạo, cả dân tộc phải trả giá bằng bao nhiêu năm, dân tộc Việt Nam đã trả giá cho việc sản sinh ra Hồ chủ tịch, còn tiếp tục trả giá cho các thế hệ Hồ Chí Minh 2, 3, 4, 5 hay 6, 7 nữa?"
Lời của ông nghịch tử quá, khiến ông bạn già trợn mắt:
- Anh có thôi đi không, nếu anh không nghĩ đến anh thì cũng phải nghĩ cho cháu Thuỷ con anh chứ.
Không để cho người bạn cùng chi bộ thuyết giáo, ông la lên:
- Không, con gái tôi không thể sống giữa lòng đảng được, khi bản thân bố nó đã bị đảng lừa đến trắng mắt, trắng tay...
Rồi ông khóc rưng rức như trẻ nhỏ, ông bảo:
- Nếu ngày ấy tôi không bị đảng "giác ngộ" từ khi học lớp 7 trường Bưởi, thì đâu đến nỗi gây ra những chuyện nghịch tử, tày trời như thế. Nào bắt bố đẻ từ quan khi đang là thông ngôn (phiên dịch) cho Pháp, một mình ông nắm bắt một ngôn ngữ, khiến cả làng, cả tổng phải nhờ cậy, tôi đã không lấy đó làm điều tự hào lại còn nghe lời đảng kết tội ông đi theo thực dân đế quốc, phản dân hại nước, và khăng khăng bắt ông phải ở nhà viết giấy thôi việc, đến mức sau một tháng uất ức, ứ nghẹn, ông mắc bệnh nhồi máu cơ tim, chết khi tuổi đời vừa tròn 48. ...Anh ruột tôi học trường Albert Sarraut, cũng không thoát nổi kết cục này, bị tôi áp đặt, chỉ thẳng vào mặt, quát: "Đồ bám đít đế quốc, cút, cút ra khỏi nhà ngay".

Chỉ vì tôi khăng khăng bảo vệ lý tưởng cộng sản, còn anh bĩu môi bảo:
"Chú tin thế à, tôi thì chả tin gì khi những mụ buôn thúng bán mẹt ngồi giãi thoải bán bấc đèn dầu ở vỉa hè hôm trước, hôm sau thành tổ trưởng khu phố. Xã hội nào cũng phải dựa trên tri thức, trình độ chứ. Để mấy con mẹ ấy lên làm lãnh đạo có khác gì để cho văn hoá sơ đẳng bóp chết văn hoá truyền thống, văn hoá siêu đẳng, có mà loạn... Chả cần chú đuổi thì tôi cũng đi, tôi vào Nam theo nghề của bố. Chú ở lại chăm sóc mẹ giúp tôi"...

Thế là cùng một lúc tôi mất cả anh lẫn bố. Bây giờ sắp chết rồi, anh tôi còn ở tận nước Pháp xa xôi, gần 40 năm rồi anh em không nhìn thấy mặt nhau, đau quá anh ơi"...

Giờ thì tôi đã yên vị với cái tên độc đáo của mình. Xét cho cùng, cái tên đâu phải là quan trọng, là yếu tố quyết định địa vị và tên tuổi con người. Quan trọng là giá trị đích thực người đó để lại trên đời, gom góp cho trõ mật văn chương của đời. Danh ngôn bảo: "Mang tên một con người thì dễ, làm được như người đó mới khó". Cái áo choàng chẳng làm nên thầy tu, nếu thầy chỉ là một thứ vô hình, vô ảnh thì dù áo có sặc sỡ, đặc biệt đến mấy cũng không ai nhận ra thầy giữa biển người đông đặc đám con chiên thầy, bà đủ loại. Ngược lại nếu thầy cả đời miệt mài như con ong mật tạo nên hương vị riêng cho đời thì cái áo mới trở nên có ý nghiã. Cái tên của tôi cũng vậy. Dẫu có ngang phè phè nhưng không thể là thứ nước lã nhạt thèo: không màu, không mùi, không vị.

Với gia tài thực sự là vài chục cuốn sách (cả in chung lẫn in riêng trong nước), cùng hàng nghìn bài báo tôi để lại cho đời, bao gồm đủ các thể loại thơ, phóng sự, bút ký, phê bình, truyện ngắn cho cả đối tượng nhi đồng và người lớn, trong đó có cả 5 tập sách cùng vài trăm bài báo in ở hải ngoại về dân oan Việt Nam, về đảng độc tài, thối nát, về vị cha già ...dâm tặc "Chơi hoa rồi lại bẻ cành đem chôn", tôi tin cái tên mình sẽ được in vào trong một giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt từ sau ngày bị đảng "oánh", đảng bắt vào tù*

... Trước đó, thay vì câu hát dối lừa hàng ngày vẫn phát đi phát lại trên đài vào những ngày kỷ niệm: "Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin", thì từ ngày bố mất, lây nhiễm tâm trạng của bố trong lá đơn xin ra khỏi đảng, trong bài thơ để lại, với riêng tôi đảng đã cho tôi... mất hết niềm tin rồi. Càng ngày bộ mặt thật của đảng càng lòi ra. Càng ngày, những dòng thơ tâm đắc mà bố tôi viết lại trước khi mất càng hiện hình rõ nét hơn:

Khát vọng đổi đời nán đợi thôi
Trăm năm toi mất 65 rồi
Mê trò cách mạng bao năm uổng
Tỉnh giấc ngu lâu một kiếp toi
Đất khách bao người ôm quốc hận
Quê nhà mấy kẻ xót Hùng nòi*
Dân tình oán khổ đầy oan khốc
Hết bĩ lại lai, nán đợi coi

Nhờ việc làm "tài tình, sáng suốt" của đảng, bắt người lương thiện, bóp nghẹt tự do ngôn luận mà trước mắt mọi người, tôi vô tình thành người có giá, đủ cả "tai, tiếng, tên, tuổi".

Nếu chỉ trông vào sức lực nhỏ nhoi của mình, làm sao tôi kê nổi chỗ đứng giữa lòng bạn đọc trong nước, huống hồ là Hải Ngoại? Làm sao có vinh dự nhận hàng loat giải thưởng Từ Giải QUỐC HẬN Đặc Biệt năm 2006, giải “THƠ VĂN - LÝ LUẬN & HÀNH ĐỘNG CÁCH MẠNG của Phong Trào Hiến Chương 2006, Giải Nhất Đồng Hạng “HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM & CÁCH MẠNG VIỆT NAM” XUÂN ĐINH HỢI 2007 tại Toronto, CaNaDa, Giải Tự Do Phát Biểu Lillian Hellman/Dashiell Hammet năm 2007, 2010 Giải thưởng danh giá Hellman/Hammett năm 2007 cho các nhà văn bị hành hạ , và trở thành hội viên hội văn bút quốc tế từ tháng 9-2007 ngay trong thời gian ở tù lần đầu. Sau đó là Giải nhân quyền do mạng lưới nhân quyền Việt Nam( tại Mỹ) trao vào tháng 12 năm 2009. Giải 3 thơ văn Lạc Việt tại Mỹ năm 2011 v.v và v.v, mà trung bình mỗi giải thưởng là 300 USD đến 3000 USD. Khiến số tiền thưởng và tiền bán 5 cuốn sách đủ để tôi thoát cảnh Hà Nội mở rộng, Hà nội quá đà, mua nhà 1 tỷ VND (60.000 USD) ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chưa kể từ ngày 9-9-2008 được anh chị em cùng nhóm bạn Trần Khải Thanh Thuỷ xây cho cả một toà kim tự tháp văn chương của riêng mình là trang Web TranKhaiThanhThuy.com. Cũng như trước đó (ngày 18-11-2006) được bạn bè, anh em ở Australia lập hội bảo vệ, và ra trang TranKhaiThanhThuy /blog/ spot.com v.v và v.v

Thơ cổ nói:
Trăm năm một sợi chỉ hồng,
Buộc người tài sắc vào trong khuôn trời

Bây giờ thì tôi tin, ít nhất cũng phải đủ 100 năm sau (từ 2060 trở đi) mới có một Trần Khải Thanh Thuỷ Zoia thứ hai chào đời... và không lệ thuộc vào bất cứ Đảng phái nào hết, không cần bị Đảng đánh mà vẫn được sống , cống hiến , lao động và học tập theo đúng những quyền lợi được hưởng và nếu có tài thực sự thì dù bất cứ điều kiện, tình huống nào cũng sẽ được nổi danh.

Sacto 25.11.2020
TKTT
-------------------------------------

* Các tác phẩm in ở Hải ngoại:
- Viết từ hang đá, nhỏ lệ cùng dân.NXB thi văn Cội Nguồn (Mỹ) 2007
- Nghĩ cùng thế sự .Nhà Xuất Bản Tân Văn( To Ky O Nhật Bản ) 2008
- Hồ Chí Minh nhân vật trăm tên nghìn mặt. NXB Tân Văn( To Ky O Nhật Bản .2008
- Ở tù cộng sản đố ai không cười NXB Tân Văn( To Ky O Nhật Bản) 2009
- 5. Chết ngoài kế hoạch. NXB thi văn Cội Nguồn (Mỹ) 2013
- 6. Trong chết cười Ngặt nghẽo NXB Sao Khuê (Mỹ) 2015
**Hùng nòi: Nòi giống vua Hùng



Không có nhận xét nào: