Thanh Phương Đăng ngày 18-01-2017 Sửa đổi ngày 18-01-2017 12:07
Chủ tịch Tập Cận Bình (T) và tổng bí thư đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc gặp giới trẻ Việt-Trung, tại Hà Nội, ngày 06/11/2015 AFP<!>
Trong viếng thăm Trung Quốc từ ngày 12 đến 15/01/2017, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được tiếp đón rất long trọng ở Bắc Kinh và đã hội đàm với chủ tịch Tập Cận Bình trong bầu không khí được mô tả là « thân tình, hữu nghị ».
Theo thông cáo chung được công bố sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo hai nước cũng đã trao đổi « thẳng thắn và chân thành » về các vấn đề trên biển, đặc biệt là về tranh chấp Biển Đông, hồ sơ vẫn gây xáo trộn quan hệ giữa hai nước. Hai bên cam kết sẽ « kiểm soát tốt các bất đồng trên biển », không có hành động « làm phức tạp, mở rộng tranh chấp ».
Một điểm đáng chú ý khác trong thông cáo chung nói trên, đó là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình đã đồng ý sẽ « thúc đẩy vững chắc » đàm phán phân định khu vực vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và « tích cực thúc đẩy » hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này.
Cho tới nay, Việt Nam vẫn được xem là quốc gia chống đối mạnh mẽ nhất sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tranh giành chủ quyền với Bắc Kinh ở Trường Sa và thường xuyên chỉ trích sự kiểm soát của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Năm 2014, vụ giàn khoan Hải Dương 981 đã khiến hai nước suýt đụng độ nhau trên biển.
Nhưng quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã được cải thiện. Trước ông Nguyễn Phú Trọng, vào tháng 09/2016, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Bắc Kinh và đã đồng ý với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là hai nước phải « kiểm soát tốt bất đồng trên biển ».
Trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump sắp chính thức nhậm chức, có thể kéo theo những thay đổi lớn trong chính sách của Hoa Kỳ về châu Á, Hà Nội buộc phải tái cân bằng quan hệ với Bắc Kinh, không dựa quá nhiều vào Washington, cho nên phải dịu giọng trên vấn đề Biển Đông.
Mặt khác, tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã báo trước sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, khiến hiệp định này có nguy cơ bị khai tử, trong khi hiệp định rất quan trọng đối với Việt Nam, quốc gia mà nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Đây cũng là lý do khiến Việt Nam phải « xoay trục » phần nào về phía Trung Quốc.
Về phần Trung Quốc, sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực vào đầu tháng 7 năm ngoái bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng buộc phải tìm giải pháp thương lượng với các nước tranh chấp khác, nhất là Việt Nam.
Theo lời ông Denny Roy, nhà nghiên cứu tại cơ quan tư vấn East-West Center của Mỹ, khi tỏ thái độ muốn tìm một giải pháp hòa bình với các nước tranh chấp khác, Bắc Kinh nhắm đến việc giảm thiểu tác hại của phán quyết nói trên. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở song phương hơn là thông qua các cơ chế đa phương như khối ASEAN hoặc tòa án quốc tế. Khi thỏa thuận với phía Việt Nam là sẽ « tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được » cho vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh chắc là muốn đẩy Hà Nội đi theo hướng song phương hơn là đa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét