Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Trong Đường Tơ Kẽ Tóc - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Hăm ba tháng Chạp ta, ngày đưa ông Táo về trời.  Tim tôi đập rộn ràng khi chiếc DC-3 của hãng Hàng không Việt nam (hay Air Vietnam) nhẹ nhàng đáp xuống phi trường và từ từ chạy trên mặt đất vào đậu gần phi trạm.  Phi trường Đông Tác nằm trong căn cứ không quân Tuy Hòa của Hoa kỳ; căn cứ lớn thứ nhì miền Trung, chỉ sau Đà Nẵng.  <!>
Phi trạm Air Vietnam, hàng ngày chỉ nhận một chuyến bay từ Sài gòn ra và về lại, là một căn nhà nhỏ bên trong kê một số băng ghế dài cho hành khách ngồi đợi.  Bác Hoán, trưởng trạm Air Vietnam Tuy Hòa, người Huế và trạc tứ tuần, thân hành lên phi cơ mời tôi xuống trước tiên.
Tôi luống cuống, ngỡ ngàng, và nhìn quanh tìm mái tóc muối tiêu quen thuộc của bác Sáu tài xế.  Bác đỡ chiếc xách tay trên tay tôi,
            “Ngó anh ốm quá chừng, lo học dữ lắm hả?”
            “Dạ, vừa thi xong đệ nhất lục cá nguyệt.  Mà sao lại có cái màn chào đón trịnh trọng cho thằng sinh viên vô danh tiểu tốt như tôi?”
            “Anh không biết sao?  Khắp tỉnh, giờ anh là người thứ nhì – sau ‘ông già’ – ai cũng muốn lấy lòng.  Lại thêm đất Phú Yên tôi là nơi trọng văn học, nẫu mến phục vì anh học giỏi…”
            “Bác nói quá, tôi ngượng chín cả người đây.”
Lời bác Sáu khiến tôi nhớ lại trong kỳ nghỉ hè về thăm nhà vừa qua đã tình cờ phô bày khả năng Anh ngữ của mình.  Một tối gần cuối hè, xuống nhà Tứ Diễm chơi về khuya và đi bộ một mình trên đường vắng, tôi chợt nhớ tới anh Leon, người bạn Mỹ thân thiết ngày trước phục vụ trong Đoàn Thanh niên Chí Nguyện Quốc tế ở Ban Mê Thuột và đang học Cao học ở Đại học California, Berkeley.  Về nhà, tôi thức suốt đêm viết cho anh một bức thư dài, kể chuyện mùa hè ở Tuy Hòa – một đêm vật lộn với cuốn hai cuốn tự điển Anh-Việt và Việt-Anh của Nguyễn văn Khôn và mài giũa các câu văn tiếng Anh cho đến khi thật vừa ý.
Bảy giờ sáng viết xong, tôi đợi cha đi làm (cha có thói quen bắt các con dậy sớm, dù là ngày hè không đi học) mới chui vào giường ngủ.  Chưa được bao lâu thì bị bác Sáu đánh thức,
            “’Ông già’ cần gặp anh gấp.  Anh mau ra văn phòng, đừng để nẫu đợi.”
            “Chuyện gì vậy, bác biết không?” tôi thay áo quần thật nhanh.
            “Hình như là vụ thông dịch vì sáng nay nẫu la, nói thằng Thu đi phép về Sài gòn thăm mẹ bệnh mà không ai báo cho nẫuhay.”
Anh Thu là quân nhân biệt phái sang làm thông dịch viên cho văn phòng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) và có nhiệm vụ thông dịch khi cha giao dịch chính thức với giới chức Hoa kỳ.  Cha và chị Hường, thư ký giỏi nhất của Tòa Hành chánh, đợi tôi trong văn phòng.  Công tác khá giản dị:  vị tướng Mỹ đứng đầu bản doanh của Bộ Chỉ huy Trợ giúp Quân sự MACV Hoa kỳ bên cạnh văn phòng quân sự của cha mãn hạn về Mỹ, cha muốn viết một bức thư cám ơn ông ta về thời gian phục vụ tại Tuy Hòa.
Cha vừa suy nghĩ vừa đọc lời thư tiếng Việt, và chị Hường dùng tốc ký ghi lại.  Cha đọc chậm vì phải tìm lời lẽ thích hợp, và hầu hết những câu nói ấy tôi đã dịch ra tiếng Anh mới mấy tiếng đồng hồ trước.  Khi cha vừa đọc xong và ra hiệu cho chúng tôi ra ngoài, tôi giao ngay bản dịch,
            “Xong rồi, chị làm ơn đánh máy giùm...”
Tôi vội về nhà ngủ nên không để ý tới đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên của cha và lời xì xầm ngợi khen của chị Hường.  Ngày thứ Ba tuần lễ kế tiếp, cha tổ chức cuộc hội thảo tại Chi khu Sông Cầu để trình bày hiện tình an ninh toàn tỉnh với Chuẩn tướng Jones, chỉ huy trưởng MACV mới.  Anh Thu còn nghỉ phép, nhiệm vụ thông dịch lại đùn qua cho tôi.
Tôi không biết nhiều thuật ngữ quân sự nên cầu cứu với chú Thiền.  Chú là em chú bác của mẹ, làm tham mưu trưởng tiểu khu, và là phụ tá quân sự thân tín của cha.  Chú xuề xòa vui tính, thích ăn nhậu, hay nói tục, và dễ hòa đồng với mọi người.  Chú cười khà khà,
            “Tau giúp mi, nhưng tối ni phải đi nhậu với tau – cho mi uống bia Budweiser líp ba-ga.  Nghỉ rờ con Tứ Diễm một đêm điTám!”  “Líp ba-ga” là thong thả tự do và bao nhiêu cũng được.
Hôm sau, chú Thiền đưa cho tôi tập bài thuyết trình do các vị chỉ huy địa phương soạn thảo và đã được cha chấp thuận, và cuốnDanh từ Quân sự do Bộ Quốc phòng ấn hành và phổ biến hạn chế.  Tôi để ra ba ngày, dịch ra tiếng Anh, tra tìm những chữ mới, tập phát âm những danh từ khó, và đọc đi đọc lại bản dịch đến thuộc lòng.
Tôi tháp tùng cha và tướng Jones bay trực thăng ra Sông Cầu; đó là lần đầu tiên tôi được đi trực thăng.  Sau cuộc hội thảo, theo lời bác Sáu, ngoài phố Tuy Hòa đồn rằng tôi là “con cưng ông Tỉnh, đi đâu nẫu cũng mang theo làm cố vấn và hỏi ý kiến.”
* * *
Đêm ba mươi Tết, tôi giúp mẹ bày bàn thờ cúng giao thừa ngoài sân và huy động các em mặc quần áo chỉnh tề lên nhà trên chúc Tết cha.  Tôi chưa nói xong câu chúc mừng năm mới thì vang lên tiếng súng nổ đì đẹt ở phía tây nam thành phố và về mạn cầu Đà Rằng trên Quốc lộ 1, chiếc cầu dài nhất Việt nam bắc ngang qua sông Đà Rằng và nằm trên lối đi duy nhất từ Tuy Hòa sang phi trường Đông Tác.  Cha nổi giận, chụp điện thoại gọi chú Thiền, và nói như hét,
            “Đã cấm bắn súng làm pháo mà tụi Hải thuyền khốn nạn không nghe.  Chú qua đó gấp, bắt nhốt thằng chỉ huy cho tui!”
Hai mươi phút sau, chú Thiền sang gặp cha.  Hai người nói chuyện thì thầm rồi cha mặc đồ tác chiến, đeo súng, và cùng chú sang Trung tâm Hành quân Tiểu khu cách tư dinh khoảng hai trăm thước.  Đồng thời, đại đội phòng thủ toàn khu vực báo động; quân nhân túc trực nhận lãnh khí giới và bố trí vào vị trí chiến đấu.  Từ nửa đêm đến giữa sáng mồng một, không còn nghe tiếng súng nổ.  Tôi góp nhặt được một số tin tức:  Ngay sau giao thừa, một toán Việt Cộng tấn công vào đại đội địa phương quân trấn giữ cầu Đà Rằng; đại đội rút lui và bỏ ngõ cứ điểm quan trọng này.  Toán Việt Cộng tiến thẳng vào thành phố và chiếm cứ và cố thủ trong nhà dân chúng, nhất là các nhà lầu cao.
Lệnh giới nghiêm 24 trên 24 được ban hành trên toàn tỉnh.  Tôi leo lên sân thượng dùng ống nhòm nhìn xuống phố; đường sá vắng tanh không một bóng người qua lại, và thành phố im lặng một cách kỳ lạ.  Trông thấy căn lầu ba tầng của gia đình Tứ Diễm, tôi rưng rưng nước mắt nghĩ tới nàng và người thân đang bị Việt Cộng giữ làm con tin.  Số phận của họ sẽ ra sao?
Chiều mồng ba, các quân nhân phục vụ ở Tiểu khu và đại đội phòng thủ về nhà dưới phố ăn Tết đã tìm cách trốn thoát về trình diện đầy đủ.  Năm giờ chiều, chú Thiền sang biểu tôi qua Trung tâm Hành quân để thông dịch cho tướng Jones.  Trong phòng có chừng bảy tám sĩ quan của cha, trong đó tôi thấy anh thiếu úy Khải, trẻ tuổi nhất và có cấp bậc thấp nhất, có vẻ bồn chồn lo lắng nhất.
Tướng Jones dùng bản đồ chỉ rõ chi tiết vị trí đóng quân của các đơn vị đồng minh và của địch quân,
            “Theo nguồn tin tình báo đáng tin cậy của chúng tôi, một tiểu đoàn Việt Cộng đã xâm nhập vào thị xã và chiếm cứ các địa điểm chiến lược quan trọng.  Chúng tôi tin rằng chúng sẽ tung lực lượng tấn công nội đêm nay.  Phía Việt nam, lực lượng địa phương quân trải ra trên diện tích quá rộng, quân số không đầy đủ, và trang bị thiếu thốn.  Sư đoàn Bạch Mã của Đại Hàn và đơn vị chủ lực là Trung đoàn XX bị địch cầm chân ở núi Chóp Chài, núi Sầm, và các địa điểm khác.  Đơn vị bảo vệ trục giao thông trọng yếu ở cầu Đà Rằng đã bỏ trốn, và hàng rào phòng thủ ở căn cứ không quân Đông Tác hầu như biến mất.  Trước khi mặt trời mọc sáng mai, nếu không hành động kịp thời, căn cứ Đông Tác rất có thể chìm trong biển lửa, cùng với sinh mạng của hàng trăm người Mỹ.”
Tôi dịch xong, tướng Jones dừng lại một phút rồi nhìn thẳng vào mặt cha,
            “Nhân danh chính phủ và quân đội Hoa kỳ, chúng tôi xin ngài chấp thuận để oanh tạc cơ dội bom tiêu diệt trọn ổ Việt Cộng.  Phi cơ oanh tạc đã sẵn sàng, chỉ chờ lệnh ngài.  Chúng tôi ước lượng cuộc tấn công sẽ kéo dài không hơn hai tiếng đồng hồ.”
Trời ơi, dội bom Tuy Hòa và biến thành phố thành bình địa!  Hai hàng nước mắt chảy dài trên má, tôi nhắm mắt suy nghĩ rồi mím môi nói với tướng Jones,
            “Thưa Ngài, đề nghị của ngài là cuộc tàn sát tập thể… tôi không thể nói lên những lời dã man ấy.  Tôi không dịch… không bao giờ…”
Lần đầu tiên trong đời không thi hành lệnh của cha, tôi bước ra cửa, chạy nhanh về nhà, và úp mặt vào gối khóc rưng rức.  Đêm ấy, cuộc oanh tạc không xảy ra, và Việt Cộng không tấn công như tướng Jones dự đoán.
Tờ mờ sáng mồng bốn, cha đích thân chỉ huy một đội quân tái chiếm thành phố, tiến dần từ phía biển theo hướng tây trên đường Trần Hưng Đạo, và càn quét địch quân bằng cách kiểm soát từng nhà, từng gốc cây, và từng mương rãnh.  Đội quân thứ hai do Trung tá Dũng Tiểu khu Phó cầm đầu, đi dọc theo mé biển, xuyên qua khu rừng dương Ninh Tịnh, bọc quanh Quốc lộ số 1, và càn quét theo chiều ngược lại.  Chiều mồng năm, hai đội giáp mặt nhau, và thành phố được bình định.  Phe ta không chịu tổn thất nào đáng kể vì bọn Việt Cộng chỉ bắn trả lấy lệ và nhanh chân trốn thoát trước khi quân ta tiến vào.
Ngày mồng bảy, khi các chuyến bay Air Vietnam được tái lập, tôi được lệnh cha trở lại Sài gòn.  Tự mình lái xe Jeep đưa tôi ra phi trường, chú Thiền dặn dò,
            “Mi vô trong nớ phải cẩn thận.  Tau nghe vùng Chợ lớn chỗ mi ở còn đánh nhau chưa xong .”
* * *
Chú thím Thiền mừng thằng cháu ở Sài gòn về nhà nghỉ hè bằng một bữa nhậu tôm hùm Sông Cầu và bia Budweiser.  Ngà ngà say chú mới tiết lộ chuyện xảy ra ở Trung tâm Hành quân,
            “Mi chưa ra tới cửa, Trung tá Dũng đứng phắt dậy hô to, “Nghiêm!”  Các sĩ quan người Việt đứng thẳng người ưỡn ngực chào kính như tiễn chân cấp chỉ huy.  Thấy khí thế ấy, thằng cha Jones biết là không thể thuyết phục được cha mi nên tiu nghỉu ra về.”
            “Răng tụi Mỹ ngu như rứa?  Có một nhúm cán binh lẻ tẻ mà phóng đại lên thành một tiểu đoàn.”
            “Mọi sự do thằng thiếu úy Khải người miền núi quận Đồng Xuân mà ra.  Hắn là Việt Cộng nằm vùng, tình nguyện đi học sĩ quan Thủ Đức, về Phú Yên phục vụ trong Ban 2 (Tình báo), bí mật cung cấp tin tức láo khoét cho bọn MACV, và đóng vai gián điệp ba mang.  Mục đích của Việt Cộng là mượn tay không lực Mỹ để tàn phá và hủy diệt nguyên cả Tuy Hòa rồi dùng đó làm công cụ tuyên truyền ‘tội ác của Mỹ Ngụy.’”
Không tin đôi tai của mình, tôi la lớn,
“Người Việt máu đỏ da vàng, làm răng có loại người dã tâm tới mức nớ?”
            “Kế hoạch tàn độc của bọn Hà nội thất bại, thằng Khải nhảy núi, và thằng Jones hổ ngươi xin đổi về Sài gòn.”
            “Vì răng phải cần thông dịch viên, trong lúc ai cũng hiểu tiếng Anh?” tôi thắc mắc.
            “Ngoài chức vụ hành chánh và quân sự thuộc tỉnh Phú Yên, cha mi còn được ủy nhiệm làm tư lệnh lực lượng đồng minh trong vùng, bao gồm cả căn cứ Đông Tác và sư đoàn Bạch Mã.  Đối với đồng minh, mọi đàm luận chính thức phải phát biểu bằng cả hai thứ tiếng để chắc chắn hai bên hiểu rõ nhau.”
            ”Răng bắt con làm công việc nớ?” tôi còn thắc mắc cuối cùng.
            “Không những đã liệu trước chiến thuật phi pháo của bọn Mỹ, mà anh còn biết mi sẽ không dịch lại đề nghị nớ.  Hiểu con không ai bằng cha!”
Tôi hình dung cha đã phải đắn đo cân nhắc giữa hai con đường.  Một bên là san bằng thành phố và hy sinh tính mạng của hàng ngàn dân lành.  Một bên là giải pháp khá bấp bênh mà thất bại sẽ khiến cho một căn cứ không quân chính yếu bị tiêu hủy và có thể đưa tới sự sụp đổ, ít nhất là về mặt quân sự, của nền cộng hòa.  Trong đường tơ kẽ tóc, Tứ Diễm, gia đình nàng, và hàng ngàn nhân mạng khác đã thoát nạn bị loài quỷ dữ bắt ném vào địa ngục.  Hôm ấy là ngày mồng ba Tết Mậu Thân, nhằm thứ Tư, 31 tháng Giêng, 1968.
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                          Ngày 7 tháng Chín, 2016

Không có nhận xét nào: