Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc sẽ gườm nhau trên Biển Đông ? Trọng Nghĩa

media
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson rời cảng North Island, Coronado, California, Hoa Kỳ, ngày 05/01/2017.REUTERS/Mike Blake
Vào lúc chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc lần đầu tiên vượt chuỗi đảo thứ nhất, ra Tây Thái Bình Dương rồi đổi hướng đi vào tập trận trong Biển Đông, không có một hàng không mẫu hạm Mỹ nào hoạt động trên biển. <!>
Thế nhưng tình trạng này không kéo dài vì vào hôm nay, 06/01/2017 chiếc tàu Mỹ USS Carl Vinson đang trên đường đến công tác tại vùng Tây Thái Bình Dương. Giới phân tích đã nghĩ đến một kịch bản nhìn chung khó có thể xẩy ra, nhưng biết đâu chừng. Đó là tàu sân bay Trung Quốc sẽ chạm trán hàng không mẫu hạm Mỹ đang có mặt trong khu vực.
Trong một thông cáo công bố hôm 03/01/2017, Hải Quân Mỹ cho biết hải đội tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson bao gồm một tuần dương hạm và hai khu trục hạm đều được trang bị tên lửa dẫn đường, đã hộ tống chiếc mẫu hạm rời căn cứ ở San Diego, bang California, trực chỉ Tây Thái Bình Dương.
Theo Hải Quân Mỹ, hải đội tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, với tổng cộng khoảng 7.500 người, sẽ tập trung vào các chiến dịch bảo đảm an ninh hàng hải cũng như hợp tác an ninh trên hiện trường khu vực. Thông cáo nói rõ là cụm tàu này sẽ tiến hành nhưng cuộc tập trận song phương trong khu vực rộng lớn Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có những bài tập chống tàu ngầm, triển khai đội hình, sử dụng vũ khí, cũng như chặn xét các tàu khác…
Hải Quân Mỹ không cho biết là hải đội tàu sân bay Carl Vinson có vào Biển Đông hay không, nhưng báo chí Đài Loan cho rằng mẫu hạm Mỹ và tàu sân bay Trung Quốc của Mỹ hoàn toàn có thể cùng tuần tra ở Biển Đông trong những ngày tới đây.
Ngay cả trong trường hợp chiếc Carl Vinson không vào Biển Đông, mà chỉ quanh quẩn ngoài Tây Thái Bình Dương, thì tàu Liêu Ninh của Trung Quốc cũng có thể chạm trán tàu Mỹ trên đường về căn cứ ở Thanh Đảo, nếu chọn tuyến đường giống như khi đi, tức là băng ngang eo biển Ba Sĩ, ra Tây Thái Bình Dương rồi lại rẽ ngang eo biển Miyako để trở lại biển Nhật Bản và lên Thanh Đảo.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, đặc biệt là sau vụ Hải Quân Trung Quốc bị Hoa Kỳ tố cáo là cố tình đánh cắp một chiếc tàu lặn Mỹ, giữ lấy trong một vài ngày rồi sau đó trả lại, một cuộc đối đầu giữa hai chiếc tàu sân bay được cho là sẽ đậm nét khiêu khích mà cả hai bên bình thường ra đều tìm cách né tránh.
Dẫu sao thì giới diều hâu Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa trước, là Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đòn nếu Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông.
Phản ứng trước thông tin Mỹ phái hàng không mẫu hạm nguyên tử Carl Vinson trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một lãnh đạo thuộc Học Viện Khoa Học Quân Sự của Quân Đội Trung Quốc đã tố cáo việc Mỹ triển khai chiếc Carl Vinson là nhằm mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông.
Trên báo Anh Ngữ China Daily, nhân vật này nêu bật : « Nên chờ xem là chiếc USS Carl Vinson sẽ ở Biển Đông trong bao lâu. Họ chỉ quá cảnh hay sẽ ở lâu, hay tiến hành tập trận. Và cũng chờ xem là chiếc tàu đó ở cách các đảo của Trung Quốc bao xa ? »
Một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Hải Quân Trung Quốc thì gắn liền việc chiếc Carl Vinson đến công tác ở vùng Tây Thái Bình Dương, với thông tin báo chí theo đó Mỹ có ý định đặt các giàn đại pháo chống hạm trong vùng Biển Đông, để đe dọa là Bắc Kinh « chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó » nếu lực lượng Mỹ đe dọa các lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông.

Mỹ muốn Trung Quốc giúp chặn đường dây ma túy vào Hoa Kỳ

media
Một gói chất gây nghiện fentanyl, được trưng bày tại Văn phòng chưởng lý New York, ngày 23/09/2016.Drew Angerer / GETTY IMAGES NORTH AMERICA / AFP
Cơ quan phòng chống ma túy DEA của Mỹ hôm nay, 06/01/2017 xác nhận : Quyền lãnh đạo cơ quan, ông Chuck Rosenberg, sẽ đi thăm Bắc Kinh, Quảng Châu và Hồng Kông, vào tuần tới, theo lời mời của bộ Công An Trung Quốc. Một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn việc các loại ma túy tổng hợp từ Trung Quốc tràn ngập vào nước Mỹ.
Theo hãng tin Mỹ AP, các quan chức Hoa Kỳ luôn cho rằng Trung Quốc là nơi xuất phát chủ yếu của các loại ma túy hóa học như fentanyl và các chất ma túy khác trước đó, đang hoành hành tại Mỹ, gây thiệt hại nhân mạng rất cao trong giới con nghiện. Trung Quốc vẫn luôn bác bỏ những lời tố cáo này, cho là Mỹ không có đầy đủ bằng chứng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nỗ lực đáng kể trong việc ngăn chận việc sản xuất và xuất khẩu các chất ma túy tổng hợp, dù rằng những chất ma túy này không được sử dụng rộng rãi trong nước. Chẳng hạn, Trung Quốc đã kiểm soát fentanyl, một chất mạnh hơn bạch phiến heroin đến 50 lần, cùng với 18 chất khác, và dự kiến đưa vào sổ đen thêm 4 chất nữa.
Hoa Kỳ đang thúc Trung Quốc kiểm soát thêm một số ma túy có thể mua dễ dàng trên mạng từ những người bán ở Trung Quốc. Phía Trung Quốc thì tìm hậu thuẫn của Mỹ để đưa chất ketamine, được sử dụng nhiều ở Trung Quốc, vào danh sách của Liên Hiệp Quốc về các chất bị kiểm soát trên bình diện quốc tế.

Washington : Bình Nhưỡng cải tiến đáng kể « chất lượng » hạt nhân và tên lửa

media
Một vụ bắn thử tên lửa từ tầu ngầm của Bắc Triều Tiên ngày 24/04/2016.KCNA/via REUTERS.
Trong một cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc vào hôm qua 05/01/2017 tại Washington, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken tuyên bố chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng đã được cải tiến nhanh chóng qua những vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa năm 2016.
Theo thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken, trong năm 2016, Bắc Triều Tiên đã 24 lần thử nghiệm hỏa tiễn và tiến hành hai vụ nổ hạt nhân. Dù bị thất bại nhưng thất bại đó cũng cho thấy một tiến triển vì Bắc Triều Tiên học thêm được kinh nghiệm. Từ nhận định này, thứ trưởng Mỹ cho là « mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày nguy hiểm tới gần ». Ông ám chỉ lời tuyên bố hồi đầu năm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, theo đó, Bình Nhưỡng sắp chế tạo xong hỏa tiễn liên lục địa có khả năng tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Theo Reuters, thứ trưởng ngoại giao Mỹ kêu gọi ba nước Mỹ, Nhật, Hàn và các nước khác « cùng hợp tác » để chống đe dọa quân sự của Bắc Triều Tiên và thuyết phục « Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa ». Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực tại Mỹ, thứ trưởng ngoại giao Nhật, Shinsuke Sugiyama cho biết Tokyo theo dõi chặt chẽ để xem chính sách châu Á của tổng thống mới Donald Trump như thế nào.
Giới chuyên gia tỏ ra bi quan. Theo họ, Hoa Kỳ chỉ có hai giải pháp để gây áp lực : một là thương lượng,  hai là dùng quân sự. Biện pháp thứ nhất không hiệu quả, còn biện pháp thứ hai sẽ gây nhiều hậu quả nặng nề, vì lãnh thổ Bắc Triều Tiên nằm sát hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hồ sơ “gái giải sầu”: Nhật Bản triệu hồi đại sứ ở Hàn Quốc

media
Bức tượng "gái giải sầu" trước lãnh sự quán Nhật Bản gây căng thẳng quan hệ Nhật - Hàn.Kim Sun-ho/Yonhap via REUTERS
Quan hệ Tokyo - Seoul lại căng thẳng vì vấn đề « gái giải sầu ». Chính phủ Nhật Bản, hôm nay 06/01/2017, loan báo triệu hồi đại sứ ở Hàn Quốc về nước để phản đối việc chính quyền Seoul vừa cho đặt một bức tượng tượng trưng cho các phụ nữ là nạn nhân của quân đội Nhật thời Đệ Nhị Thế Chiến, ngay trước lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Busan, miền nam Hàn Quốc.
Theo ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ngoài việc triệu hồi đại sứ ở Seoul, Tokyo còn yêu cầu tổng lãnh sự Nhật Bản tại Busan tạm thời hồi hương, đồng thời tạm hoãn các cuộc thảo luận kinh tế ở cấp cao, và đình chỉ các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới.
Giải thích về quyết định cứng rắn của Tokyo, ông Suga cho rằng hai nước vào năm 2015 đã đồng ý khép lại vĩnh viễn hồ sơ gái giải sầu – tức là những phụ nữ Triều Tiên bị quân đội Nhật ép buộc làm nô lệ tình dục trong thời Thế Chiến Thứ II – thế nhưng mới đây, một bức tượng kỷ niệm phụ nữ giải sầu lại được dựng lên ở Busan. Theo chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Tokyo sẽ tiếp tục kiên quyết thúc giục chính quyền Hàn Quốc mau chóng dỡ bỏ bức tượng đó.
Hồ sơ gái giải sầu từ lâu nay luôn là một cái gai trong quan hệ Nhật-Hàn. Theo ước tính của các sử gia, trong Đệ Nhị Thế Chiến, đã có đến 200.000 phụ nữ châu Á, đa số là người Triều Tiên, những cũng có người Trung Quốc, người Philippines, và các nước châu Á khác, bị bắt đưa vào các nhà chứa để phục vụ tình dục cho quân đội Thiên Hoàng.
Vào cuối năm 2015, hai nước đã ký một thỏa thuận giải quyết dứt khoát vấn đề này, theo đó Nhật Bản « xin lỗi chân thành » về vụ việc và tháo khoán 1 tỷ yen (tương đương với gần 9 triệu euros) để tài trợ cho một hiệp hội giúp đỡ các nạn nhân còn sống sót.
Phải nói là thoạt đầu, chính quyền Busan đã cấm không cho giới hoạt động chính trị và xã hội ở thành phố này dựng lên bức tượng, vốn là bản sao bức tượng được đặt trước đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Tuy nhiên, sau vụ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada vào cuối năm ngoái đã đến viếng đền Yasukuni, bị người Hàn Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, chính quyền Busan đã đổi ý, và cho phép đặt tượng bên ngoài lãnh sự quán Nhật Bản ngày 28/12 vừa qua.
Riêng về bức tượng Phụ Nữ Giải Sầu tại Seoul, chính quyền Nhật Bản cũng đã từng yêu cầu dỡ bỏ, nhưng chưa được Hàn Quốc đáp ứng. Hiện giới đấu tranh xã hội vẫn thường xuyên canh giữ bức tượng 24/24 tiếng đồng hồ để tránh việc chính quyền tháo gỡ. Hiện có khoảng 20 công trình tương tự ở Hàn Quốc, cũng như ở khoảng một chục nước khác, như ở Mỹ hay Canada.

Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi «bầu cử trong sạch»

media
Các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ngày 03/03/2016.REUTERS/Jason Lee/File Photo
Trong một bài xã luận mang tính cảnh cáo, báo đảng Trung Quốc kêu gọi đảng viên học tập kinh nghiệm những vụ tai tiếng trong quá khứ. Bất cứ một hành động gian lận, mua phiếu trong cuộc bầu cử địa phương tới đây sẽ không được tha thứ.
 
Theo Reuters, trang nhất của Nhân dân Nhật báo ngày 06/01/2017 đăng một bài bình luận « cảnh cáo cán bộ đảng viên không được đút lót để được bầu và mọi hành động mua phiếu sẽ bị nghiêm trị.» Lời cảnh cáo này được đưa ra vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị đại hội lần thứ 19 vào mùa thu 2017. Theo dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục được bầu thêm một nhiệm kỳ nữa.
Bài bình luận đơn cử trường hợp gian lận ở Liêu Ninh, mà hệ quả là phân nửa tổng số đại biểu nghị viện địa phương bị mất chức. Vụ thứ hai là một số cán bộ lãnh đạo ở Hồ Nam bị trừng phạt vì mua chuộc lá phiếu của 518 đại biểu. Bầu cử Trung Quốc theo chế độ « đảng cử dân bầu », hầu hết ứng cử viên là đảng viên cho dù Bắc Kinh cũng bắt đầu thí nghiệm « dân chủ trực tiếp » ở một số thí điểm.
Một nguồn thạo tin cho Reuters biết là trong bối cảnh đấu tranh nội bộ chuẩn bị cho đại hội 19, ông Tập Cận Bình, trong chiến thuật củng cố quyền lực, đang tìm cách làm giảm uy thế của Đoàn thanh niên Cộng sản, hầu đưa người trung thành vào vị trí chủ chốt. Tổ chức ngoại vi này bị xem là đại diện của phe cánh đối thủ của chủ tịch Tập Cận Bình.

LHQ cử đặc sứ đến Miến Điện điều tra về tình trạng bạo lực

media
Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, bà Yanghee Lee (C) tại một trại tị nạn ở phía tây bang Rakhine ngày 09/01/2015.AFP PHOTO / STR
Liên Hiệp Quốc hôm nay 06/01/2017 cho biết là đặc sứ chuyên trách về nhân quyền tại Miến Điện sẽ đến nước này vào tuần tới đây và sẽ điều tra về những vụ bạo lực, đàn áp đang leo thang tại đây kể cả các vụ đàn áp người Rohingya của quân đội.
Trong chuyến đi bắt đầu vào thứ Hai và kéo dài trong 12 ngày, báo cáo viên nhân quyền Yanghee Lee sẽ đến bang Kachin, nơi hiện có hàng ngàn người bị di dời do các trận đánh giữa quân đội và lực lượng nổi dậy.
Còn về tình hình bang Rakhine, đang bị quân đội phong tỏa từ tháng 10, với hàng chục ngàn người Rohingya chạy sang nước Bangladesh lân cận, đặc sứ Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng cho là việc phong tỏa này " khó nhấp nhận ". Bà kêu gọi mở điều tra về các hành vi bạo lực của quân đội đối với thiểu số Hồi Giáo Rohingya tại bang này.
Trong một thông cáo, bà Lee nhận định : " Tình hình một vài tháng gần đây cho thấy là cộng đồng quốc tế phải rất cảnh giác và theo dõi tình hình nhân quyền tại Miến Điện… Ngoài những gì xẩy ra ở Rakhine, chiến sự leo thang ở hai bang Kachin và Shan, đã khiến người ta phải lo ngại trước hướng đi của chính quyền mới trong năm đầu tiên lãnh đạo. " Tuy nhiên, tất cả những lời chỉ trích trên đều bị chính phủ Miến Điện bác bỏ.
Chiến sự bùng lên giữa các lực lượng sắc tộc thiểu số và quân đội làm tiêu tan hy vọng vãn hồi hòa bình của bà Aung San Suu Kyi. Bên cạnh đó, bà cũng bị chỉ trích về việc để quân đội đàn áp người Rohingya ở bang Rakhine.
Vào hôm qua, 05/01, Pháp cũng lên tiếng về tình trạng " bạo lực không thể chấp nhận được " mà người Rohingya phải hứng chịu. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Romain Nadal cho biết là Paris " rất quan ngại về hành vi bạo lực đối với người Rohingya ở Miến Điện và kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực này ".

Không có nhận xét nào: