Đang ngồi trò chuyện thân mật trên chiếc ghế đá trước hiên nhà với một cậu thanh niên mặt thường phục, trẻ măng, khuôn mặt đẹp trai, có hơi bầu bĩnh nữa – chung quanh còn có ba cậu khác, cũng mặc thường phục – anh Lê Công Giàu bật dậy, tươi tỉnh đón cái nón bảo hiểm tôi đưa, nói với tôi: “Giới thiệu với anh đây là các cháu công an huyện Bình Chánh đang làm nhiệm vụ”.<!>
Tôi vừa rùn vai giữ cho chiếc xe máy thăng bằng trong khi anh Giàu leo lên, vừa đùa: “Tụi mình đi biểu tình đây. Khi tụi mình hô “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!”, các cháu phải hô theo đấy nhé!”.
Đi theo sát là hai cậu an ninh, tôi len lỏi qua hàng rào bằng tôn che chắn công trình Metro, hơi ngơ ngác tìm lối rẽ đến tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng. Một cậu công an vọt lên nói: “Hướng này, chú”. Quả nhiên, Tượng Đức Thánh Trần sừng sững kia rồi.
Còn 20 phút nữa là đến 9g – giờ hẹn. Quảng trường vắng ngắt anh em, chỉ lố nhố sắc phục công an và tụm năm tụm ba những người thường phục, mà chỉ cần liếc qua cũng thừa biết là nhân viên an ninh.
Anh Lê Công Giàu không rời điện thoại, chốc chốc báo: “Huỳnh Tấn Mẫm bị chặn rồi!”, “Cả anh Tương Lai nữa!”, “Đến lượt Hạ Đình Nguyên”… Tôi đưa mắt: Nhà giáo Trần Minh Quốc đây rồi, nhà văn An Bình Minh kia, nhưng Tô Lê Sơn đâu? Kha Lương Ngãi? Sương Quỳnh? Phan Đắc Lữ? Phạm Đình Trọng? Huỳnh Ngọc Chênh?… Và Lê Phú Khải, một giờ trước còn điện nói đang một mình cô đơn trước tượng đài, giục tôi nhanh nhanh đến cho có bầu có bạn. Bao nhiêu anh chị em thân quen chưa thấy mặt. Lòng tê tái. Cả quảng trường mênh mông, mà chỉ có bốn năm anh “phe ta”.
Nhưng chỉ trước 9g vài phút, hàng chục anh chị em từ đâu xuất hiện. Trần Bang đeo khẩu trang che kín mặt. Và ngay sau Trần Bang là chị Nguyễn Thị Kim Chi, diễn viên điện ảnh, với nụ cười quen thuộc. Diễn viên Ánh Hồng nữa, dáng nhanh nhẹn thế. Kia, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nhà thơ Hoàng Hưng và cả nhà báo Lê Phú Khải.
Đồng loạt, các khẩu hiệu bung ra: “Anh hùng tử, khí hùng bất tử – Hoàng Sa – 19.1.1974”, “Khắc ghi ơn các anh hùng chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Tổ quốc Việt Nam”, “Tưởng niệm 74 anh hùng tử sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc”, “Tổ quốc ghi ơn các tử sĩ”. Tôi đi ra phía trước tìm góc thích hợp để chụp ảnh, thấy một người mặc thường phục hơi chải chuốt, không cần giữ ý, đọc rất to các khẩu hiệu vào điện thoại, có lẽ cho thượng cấp nghe để nắm tình hình và chỉ đạo. Nhìn quanh, thấy an ninh rất đông nhưng chỉ lặng lẽ quan sát, có người quay phim hay chụp ảnh.
Anh Trần Bang sang sảng nói cho đồng bào nghe ý nghĩa của cuộc tưởng niệm và giới thiệu anh Lê Công Giàu phát biểu. Giọng của người cựu tù từng vào sinh ra tử Lê Công Giàu yếu và nhỏ nhưng vẫn rót vào tai người nghe vì giây phút này ai cũng lắng lòng. Mỗi người nhành hoa, một nén nhang, tưởng nhớ đến những anh hùng vị quốc vong thân.
Tôi đứng cạnh một bà cụ, áo quần nâu sồng, tay nải kiểu người nhà chùa, khuôn mặt như mếu máo, răng đã rụng một chiếc. Hỏi thì cụ cho biết cụ là dân oan, mất nhà mất cửa, được chùa Liên Trì ở quận 2 cho ở, nay đến lượt chùa Liên Trì bị triệt hạ, bơ vơ một lần nữa. Và cụ chỉ chị này, chị kia, chị kia nữa, đều là dân oan, nghe hôm nay có tưởng niệm liệt sĩ bỏ mình vì bảo vệ biển đảo, liền kéo nhau đến để thắp một nén hương cầu các anh phù hộ cho đất nước, cho người dân.
Gần một giờ sau, chúng tôi giải tán. Ở chỗ gửi xe máy, lại gặp hai cậu an ninh huyện Bình Chánh. Tôi vui vẻ nói: “Tụi mình đi cà phê đây! Các cháu có đi theo không?”. Một cháu đùa: “Chú và bác có mời không?”. Tôi trả lời ngay: “Mời chứ!”. Anh Lê Công Giàu hơi nháy mắt: “Không mời đâu. Chúng tôi đi làm việc công mà!”. Tôi cười to: “Thì các cháu đây cũng làm việc công đấy chứ! Nhưng hai “việc công” khác nhau!”.
Chở anh Lê Công Giàu đi vòng qua tượng Trần Hưng Đạo một lần nữa. Một hình ảnh đầy xúc động: Trên quảng trường vắng ngắt, hoa và hương dưới chân tượng vẫn còn đó, trong nắng trưa chói lóa, một cô gái áo trắng quần xanh giản dị, đang một mình chắp tay thành kính vái các anh hùng liệt sĩ!
Ngồi quán cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf trước nhà thờ Đức Bà, nhìn qua bên kia vẫn thấy hai cậu an ninh cần mẫn đứng canh. Điện thoại reo, anh Lê Công Giàu nghe máy, trao đổi gì đó, rồi kể: “Cô bí thư chi bộ điện hỏi chú đang ở đâu. Mình trả lời đang cà phê với bạn thì cô nói chú xin nghỉ sinh hoạt đảng vì sức khỏe yếu, sao lại đủ sức khỏe đi biểu tình. Lại nói chú phải về ngay!”. Anh Lê Công Giàu thuật lại, vẻ bình thản. Hạng cháu chắt như cô mà dám nói như ra lệnh cho Lê Công Giàu – tôi nghĩ. Ví thử không phải là cô bí thư chi bộ, mà là bí thư thành phố Đinh La Thăng, thì ăn nói như thế liệu có “ép phê” gì đối với Lê Công Giàu hay không?
“Thôi ta về, anh”. Tôi nói với anh Giàu. Không phải thương cô bí thư đang ngồi chờ ở nhà anh, mà chính ra, là thương hai cậu an ninh vất vả đang đi theo như hình với bóng. Trưa rồi, hai cậu cũng cần về nhà nghỉ. Mà mình có về thì các cậu ấy mới nghỉ được.
H. D.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét