Nhạc cho năm qua: Xuân, Hạ, Thu, Đông
1. Bến Xuân: Văn Cao - Mai Hương
2. Hạ Trắng: Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
3. Buồn Tàn Thu: Văn Cao - Ngọc Hạ
4. Đêm Đông: Nguyễn Văn Thương - Lê Dung
Tình thân,.............................. .............................. .............................. ..............
I. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Nguyễn Khắc Mai: Năm Gà Dinh Dậu, Ngẫm Nghĩ về "Kê Minh Thập Sách"
Kê Minh Thập Sách, nghĩa là Mười Chính Sách (dâng) Lúc Gà Gáy Sáng, tương truyền là của Nguyễn Cơ Bích Châu, một vị phi hậu của vua Trần Duệ Tông (1336-1377).
Theo Truyền Ký Tân Phả của Đoàn Thị Điểm, Bà “là con gái nhà quan, tính cách cứng cỏi, tư dung tươi đẹp, thông hiểu âm luật Lê viên, theo đòi văn từ nghệ phố, vua Trần Duệ tông nghe tiếng cho tuyển vào cung”. Nhân thấy chính sự triều Trần, sau khi Dương Nhật Lễ tiếm quyền, ngày càng suy kém, Bà liền thảo bài “Kê Minh Thập Sách” dâng lên (Kê Minh, tên một bài thơ trong Kinh Thi, nói về một bà Hậu, nghe gà gáy sáng liền khuyên nhà vua trở dậy đi dự phiên chầu. Tên bài thơ về sau được dùng để nói việc vợ khuyên chồng lo việc quốc gia).
Các nhà nghiên cứu Kê Minh Thập sách như Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu, Hữu Ngọc… đều khẳng định tiếng gà gáy là hình tượng của sự thức tĩnh. Hữu Ngọc trong một bài viết đăng trên Le Courrier du Vietnam có nhan đề “Tiếng gà gáy vọng về qua nhiều thế kỷ”. Liệu tiếng “Kê minh” đã vang vọng từ bảy thế kỷ nay, có làm thức tỉnh điều gì trong chúng ta, khi bước vào thời kỳ mới của công cuộc chấn hưng và phát triển đất nược hay không? Quả thật mỗi điều là một minh triết. Nó không phải là tư duy duy lý, mà là những chân lý giản đơn, có tính khái quát, phổ cập rất cao. Chúng giống như những công thức, mà mỗi thời đều có thể đem dùng trong những bài toán cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, dân sinh của thời đại mình.
Mở đầu, Bà nêu lại một phương châm phòng ngừa từ xa “cư an tư nguy”, ở vào thời yên phải tính lúc nguy, gây nền trị từ khi chưa loạn.
Thập sách của Bà dâng lên gồm bốn chính sách về chính trị, hành chính, hai chính sách về văn hóa, giáo dục, tư tưởng, và bốn chính sách quân sự. Chúng tôi mạo muội gọi là những Minh Triết Trị Nước An Dân.
Ở hàng đầu, Bà nêu lên vấn đề có tính nguyên tắc, đạo lý của mọi đường lối chính trị. Đó là đạo lý tôn dân. Bà nói “Phù Quốc bản, hà bạo khử tắc Dân tâm tự an”. Có nghĩa là nâng lên, đề cao gốc nước. Gốc nước, chính là người dân. Trong truyền thống đạo trị nước của Việt Nam từ ngàn xưa, nguyên lý “Quốc dĩ dân vi bản” – Nước lấy dân làm gốc bao giờ cũng được coi như nguyên lý số một. Mà để làm được điều đó thì hàng đầu lại là phải bỏ đi mọi hà khắc, bạo ngược trong mọi ứng xử. Từ luật pháp, đên chính sách cụ thể cho đên phương thức, phương châm phương pháp để điều hành xã hội trong mọi mối quan hệ dù ở cấp vĩ mô hay ở cơ sở.
Tự nhiên ta nhớ tới một mong ước lớn lao của Nguyễn Trãi: “Sinh đời thái bình ai cũng được ở yên. Gặp thuở thánh minh ai cũng được thỏa sống”. Và “Làm sao trong thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn giận oán sầu”. Ta không thể không thử hỏi cái lý tưởng nhân văn ấy, ngày nay ta hành xử thế nào. Bà còn chỉ ra ba vấn đề lớn nữa, là (i) Loại bỏ phiền nhiễu để kỷ cương không rối loạn. (ii)Thải loại bọn quan lại tham nhũng để giảm bớt sự chài vét của dân (iv). Đè nén lũ lông quyền để trừ lũ sâu mọt hại dân. Những tệ nạn phiền nhiễu, tham nhũng, lộng quyền đang hoành hành làm băng hoại xã hội hôm nay. Bà dùng chữ rất chuẩn. Với phiền nhiểu thì phải loại bỏ. Với quan lại tham những thi thải, đuổi. Không như ta bây giờ, tham nhũng cấp dưới thì đưa lên cấp trên, cho chức tước cao hơn! Còn với lũ lộng quyền thì đè nén, bọn này có kẻ ỷ công trạng, có kẻ nhiều quyền lực, kể cả quyền lực kinh tế, nên chỉ có thể dùng pháp luật để đè nén, ngăn ngừa, hạn chế. Tham nhũng và lộng quyền đang phá hoại đất nước, xã hội, đang chà đạp lên Dân, lên kỷ cương pháp luật.
Về Văn hóa, Bà nêu hai điều. Một là: “Chấn hưng nho phong để cho ánh đuốc (văn hóa) như mặt trời mặt trăng soi sáng khắp nơi”. Nho phong không chỉ là học hành, còn là vấn đề nhân cách. Một mách bảo sáng suốt cho công việc văn hóa giáo dục hôm nay! Hai là “Hãy cầu lời nói thẳng, khiến cho cổng thành và đường ngôn luận cùng rộng mở”. Lời nói thẳng nghĩa là phê bình, phản biện liên quan với việc mở rộng giao thương và con đường ngôn luận để mở mang trí tuệ, phát triển nhân cách xây dựng xã hội, quả thật là những dự báo thiên tài, một tư duy rất thời sự, hiện đại.
Về quân sự, Bà chỉ ra bốn lãnh vực. Kén quân cốt người khỏe mạnh rồi mới tính đến dáng vóc. Tuyển tướng phải chọn người thao lược sau mới tính thế gia. Vũ khí phải bền chắc. Trận pháp phải chỉnh tề. Riêng tư tưởng “tuyển tướng phải người thao lược”. Đó là sự khôn ngoan muôn đời, không chỉ trong quân sự, mà nó phổ biến ở mọi lãnh vực. Riêng việc chỉ chọn người cùng phe cánh, chọn người nhà chứ không phải người tài, và ở hầu hết các lĩnh vực không có người thao lược có tầm vóc tổng công trình sư đang là vấn nạn của đất nước tại buổi “kim nhật, kim thì”, thì tiếng gà báo thức xuyên thế kỷ thật rất có nhiều nghĩa cảnh báo.
Không phải ngẫu nhiên mà Lê Thánh Tông đã ca ngợi Bà, truy tôn Bà với mỹ tự: Chế Thắng Phu Nhân (Vị Phu nhân của mọi chiến thắng). Trong sách sử nước ta và của Trung Hoa, như Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, hay trong Từ Hải của Trung Quốc, “chế thắng” được định nghĩa là, người chế định ra được mưu lược để giành thắng lợi.
Quả thật Kê Minh Thập Sách là những tư tưởng chiến lược, mà bất cứ ai hiểu được, cảm nhận được, và biết tìm mọi cách để đưa vào thực tiễn hành động, sẽ bảo đảm được thắng lợi.
Hồn thiêng của Tổ tiên và Văn hóa Việt đang chỉ cho ta hãy bước vào thời buổi này với một tầm nhìn, một trí tuệ, một quyết chí mạnh mẽ, sáng suốt, đem cái minh triết ấy để giải quyết cho bằng được những bài toán đặt ra cho Dân, cho Nước trong thời đại mới. Những ai đang điều hành đất nước, những trí thức đang tìm cách hiến kế, đổi mới thể chế, chính sách, luật pháp, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức… hôm nay, nên tìm đọc và ngẫm nghĩ về Mười chính sách mà chúng tôi gọi là Minh Triết trị nước an dân của Kê Minh Thập sách.
(ii) Thư ngỏ (Trang BVB)
Ngày 14 tháng 1 năm 2017
Kính gửi tất cả tâm hồn yêu quê hương, …
Đất nước Việt Nam Tổ quốc của chúng ta đang rơi vào tình trạng nguy hiểm MẤT NƯỚC TỪNG NGÀY TỪNG GIỜ.
Hàng ngàn cây số vuông lãnh thổ dọc theo biên giới phía Bắc đã bị cắt lìa và các bản đồ vẫn bị giấu kín cho đến ngày nay. Ý chí đòi lại các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa và bảo vệ hải phận Việt Nam đều đã tan biến. Ngay cả biện pháp đưa hồ sơ xâm lược ra tòa án quốc tế cũng đã bị bác bỏ.
Hậu quả là các bước xâm lược của Trung Quốc ngày càng trắng trợn và dồn dập hơn, từ dàn khoan HD 981, đến các máy bay quân sự đồn trú tại Hoàng Sa - Trường Sa, đến tàu sân bay Liêu Ninh đang tiến vào Biển Đông. Và còn nguy hơn thế nữa, nhiều khu vực biệt lập, trú đóng lâu dài, của người Trung Quốc đã được cài cắm khắp những vùng hiểm yếu của Việt Nam mà ngay cả chính quyền địa phương cũng không được tiếp cận. Các thực phẩm và hàng hóa độc hại từ Trung Quốc nay tự do tràn ngập xã hội và đầu độc con người Việt Nam.
Chúng cũng đang giết chết từng ngành nghề bản địa, kể cả hải sản và nông sản. Các nhà thầu và nguồn vốn Trung Quốc tiếp tục khuynh loát toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Đó là chưa kể nạn buôn người lấy nội tạng bán sang Trung Quốc đang bùng nổ, ...
Chính trong tình trạng đó của đất nước mà việc tưởng niệm và vinh danh tinh thần hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược tại Hoàng Sa (1974), tại Biên giới phía Bắc (1979 - 1989), và tại Trường Sa (1988) trở nên vô cùng bức thiết.
Vì chỉ khi nào dân tộc chúng ta cùng nhận ra tai họa mất nước đang diễn ra từng ngày từng giờ, chỉ khi nào dân tộc chúng ta cùng quyết tâm làm sống lại tinh thần Hoàng Sa - Biên Giới - Trường Sa (HS-BG-TS), thì Tổ Quốc Việt Nam mới mong còn có thể tồn tại và Dân tộc Việt Nam không phải chịu cùng số phận như các dân tộc Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ. Trong tinh thần đó, chúng tôi, những người con đất Việt nặng lòng biết ơn những chiến sĩ đã ngã xuống cho chúng ta hôm nay được sống, xin chân thành đề nghị:
Xem 3 tháng đầu năm 2017 là thời gian tưởng nhớ và xiển dương tinh thần Hoàng Sa - Biên Giới - Trường Sa. Chúng tôi xin mạo muội đưa ra một vài gợi ý như:
- Cùng nhau đi chăm sóc mộ phần các tử sĩ Biên Giới, đặc biệt những khu bia mộ bị đục phá hay bỏ hoang.
- Cùng nhau đi thăm viếng các gia đình tử sĩ HS-BG-TS và cùng thân nhân tham dự các lễ cầu siêu, cầu nguyện cho linh hồn tử sĩ.
- Đặc biệt vào các ngày 19 tháng 1, 17 tháng 2, và 14 tháng 3, chúng ta cùng làm phút mặc niệm cho TẤT CẢ các chiến sĩ HS-BG-TS.
Tất cả mọi người bước ra bất kỳ nơi công cộng nào vào cùng một thời điểm, đứng yên lặng dưới tiếng chuông từ bi, lành thánh vang lên từ các đền chùa, nhà thờ.
- Các hội nhóm có thể lập giải thưởng thi đua văn, thơ, họa, nhạc hướng về HS-BG-TS.
- Các nhà nghiên cứu lịch sử có thể công bố các công trình của mình về HS-BG-TS trong thời gian này để trả lại sự thật cho lịch sử và các thế hệ tương lai. - Các cư dân mạng xã hội phát huy sáng kiến sinh hoạt cả trên mạng và ngoài đời hướng về HS-BG-TS.
- .... Với tất cả tấm lòng vì vận mạng đất nước, vì những người đã nằm xuống, và vì tương lai con em chúng ta, chúng tôi tha thiết ước mong được sự đồng tình của tất cả tâm hồn yêu nước thương nòi trên mọi miền đất nước và trên khắp thế giới.
Kính thư,
Nguyễn Thị Kim Chi – T.p HCM
Nguyễn Nguyên Bình – Hà Nội
Vi Đức Hồi - Lạng Sơn
*** Định An: Suy nghĩ của một Đại tá quân đội về hưu
Trên chuyến tàu đi Hà Nội lần này, ngồi cùng hàng ghế với tôi là một bác đại tá quân đội về hưu. Ban đầu tôi và bác làm quen nhau bằng những câu chuyện xã giao. Bác ấy rất ít nói, vẻ mặt lúc nào cũng trầm tư như đang suy nghĩ điều gì đó rất xa xôi. Chính vì điều này khiến tôi tò mò, tôi đã đi sâu vào câu chuyện của bác, lúc đầu bác cũng nhìn tôi với ánh mắt dò xét nhưng khi biết tôi là người biết lắng nghe, bác bắt đầu nói chuyện cởi mở.
Bác ấy kể về mình: Bác quê ở Thanh Hóa, 19 tuổi đã nhập ngũ vào nam chiến đấu (tháng 12/1974). Sau 1975 đơn vị của bác chuyển về Bình Phước làm kinh tế. Năm 1979, tham gia chiến đấu tại Campuchia, năm 1984 về nước, đóng quân ở Đồng Nai. Tại đây bác làm công tác tôn giáo. Sau đó hai năm ra học tại Học viện Quốc Phòng và chuyển công tác về quân đoàn 1. Cấp bậc khi về hưu là Đại tá, từng giữ các chức vụ Chính ủy Trung Đoàn, cục phó cục Chính trị, trước khi về hưu làm trưởng khoa triết học trường Quân sự quân đoàn.
Khi biết bác từng là giáo viên dạy triết học, tôi hỏi bác, bác nghĩ gì về triết học Marx – lenin, về lý tưởng cộng sản ? Bác suy nghĩ một lát rồi hỏi lại tôi, cháu đã vào đảng chưa? Tôi nói, cháu chưa và cũng không có ý định vào đảng. Bác nói, làm công chức nhà nước mà không có đảng thì không thể phát triển sự nghiệp cho dù có tài giỏi cỡ nào.
Bác nói tiếp: Bác nói chuyện với cháu như thế này không phải vì bác bất mãn gì mà bác chỉ nhìn vào cuộc sống để nói sự thật. Với lương hưu đại tá 10 triệu/tháng, vợ bác lại là giáo viên, con cái đã có công việc ổn định. Với thu nhập đó cuộc sống của vợ chồng bác ở quê khá thoải mái. Nhưng tình hình đất nước hiện nay bác có nhiều trăn trở, bác thấy mình hèn quá, không thể nói ra chính kiến của mình, cứ sống âm thầm và lầm lũi. Nói thật với cháu, quân đội ngày nay không còn như xưa, cũng tham nhũng, cũng hư hỏng như các ngành nghề khác.
Bác là người dạy triết học Max – lenin, bác hiểu chứ, làm gì có thể xây dựng một xã hội mà mọi người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu được. Cái đó thuộc về lý tưởng cộng sản, một lý tưởng tốt đẹp nhân văn nhưng chủ nghĩa cộng sản thì lại khác. Marx chỉ là một nhà triết học như bao nhà triết học khác, có cái sai cái đúng. Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ lý tưởng cộng sản cũng đổ vỡ theo nhưng chủ nghĩa cộng sản vẫn còn. Như cháu thấy đấy, trên thế giới bây giờ còn lại 4 nước tuyên bố theo chế độ XHCN, nhưng mỗi nước một kiểu nhưng điều là độc tài toàn trị. Sau cái chết của Fiden, Cuba rồi sẽ thay đổi, Trung Quốc tuy là một cường quốc nhưng không có chân móng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, Triều Tiên thì là quái thai của lịch sử . Còn Việt Nam sẽ ra sao, con đường nào để đi ? Không ai biết, ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn không chắc: “đến hết thế kỷ này không biết có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay không”.
Tôi hỏi bác, thế với chức vụ như bác, bác có xin cho ai vào ngành không ? Bác nói, trong đơn vị bác nhiều người đã làm vậy, nhưng bác thì không. Bác có ba người con nhưng không đứa nào theo con đường binh nghiệp của bác. Chúng điều tự lựa chọn con đường cho riêng mình. Bác rất tự hào về điều đó. Bác bây giờ đêm ngủ nhiều còn giật mình toán mồ hôi, đó là hậu quả của những trận chiến năm xưa ở Campuchia, nó giống như kiểu lính Mỹ bị hội chứng chiến tranh Việt Nam vậy. Đó không phải là cuộc chiến cho lý tưởng mà đơn thuần chỉ là bắn giết. Như bác 5 năm chiến đấu bên đó mà không bị một vết thương quả là thần kỳ, đồng đội của bác nằm lại bên đó quá nhiều, người sống sót phần nhiều là bị thương.
Tôi hỏi tiếp, bác nghĩ như thế nào về người lính Việt Nam Cộng Hòa ? Bác trả lời, bác tôn trọng họ, họ cũng là lính, mình cũng là lính ai cũng chiến đấu cho lý tưởng của mình, nói như kiểu tàu “không lấy thành bại luận anh hùng”. Điều bác buồn nhất là sau khi đất nước thống nhất Đảng và nhà nước đã có phân biệt đối xử với họ, ngay cả với người nằm xuống cũng không được yên, như việc phá nghĩa trang Biên Hòa là một ví dụ điển hình.
Còn nói về tôn giáo, bác rất thất vọng về chính sách tôn giáo của Đảng. Tuy nói tự do tôn giáo, bình đẳng nhưng có ai theo đạo thiên chúa được công tác trong quân đội, công an hay làm lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước không? Hồi đó, đơn vị bác có một người lính nghĩa vụ, phải nói cậu ấy rất giỏi, đi thi hội thao toàn quân khu đạt giải nhất mấy năm liền. Đến khi xét đi học sĩ quan lại bị gạt ra, lý do là vì theo đạo thiên Chúa. Với những người theo đạo thiên Chúa, Đảng luôn đề phòng họ, luôn coi họ là nguy cơ… Cái hồi bác còn làm công tác tôn giáo ở Đồng Nai, ban đầu bác cũng đề phòng, cũng có suy nghĩ tiêu cực về đồng bào công giáo. Nhưng sau hai năm sống chung với họ bác mới vỡ lẽ ra nhiều điều, bác hiểu họ hơn và họ cũng rất quý những người lính như bác. Tôn giáo nào cũng hướng con người ta đến cái thiện, chỉ có vô thần kiểu cộng sản khiến con người ta làm điều ác. Ngày chia tay để ra bắc bác đã khóc, họ mong bác ở lại lắm, nhưng bác còn quê hương, bác phải trở về.
Còn nói về lãnh đạo thời nay thì bác chẳng tin ông nào, ai cũng tham nhũng nhưng cứ mở miệng ra là nói chuyện đạo đức. Như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh chẳng hạn, chính ông ấy phát động phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng hãy xem cuộc sống đời tư của ông ấy như thế nào. Tư gia thì như cung vua phủ chúa, lấy bồ của con làm vợ, thật ê chề.
Việt Nam bây giờ như thế này có sự góp phần của thế hệ như bác, nhưng lúc đó không ai cho rằng nó sai, con đường đó là không đúng. Thế hệ trước bác và bác đã say mê lý tưởng cộng sản và chết bởi nó. Đến bây giờ nhiều người vẫn không thức tỉnh, họ vẫn sống với ảo vọng từ quá khứ huy hoàng, và những kẻ thức tỉnh lại chọn cách sống im lặng mặc cho đất nước bị tàn phá.
Tôi lại hỏi bác, bác có những suy nghĩ như vậy, bác có nghĩ mình là người tự chuyển hóa không ? bác cười nói, có gì mà chuyển hóa, đó là sự thật, sự thật mà bất kỳ ai cũng nhận thấy. Chỉ có điều ai đủ cam đảm nói ra.
Câu chuyện của bác còn dài,nhưng chuyến tàu đã về đích, tôi và bác chia tay. Ga Thanh Hóa buổi chiều mùa đông thật ảm đạm.
(iii) Nguyễn Giang (BBC): Tiếng hót mùa đông của Đỗ Nam Trăm
Mùa đông Anh năm nay giá lạnh đặc biệt vì gió từ Bắc Cực mà có người đùa là gió Putin thổi về, khiến chim ít đến ăn hạt treo ngoài vườn nhà tôi ở Kent. Nhưng từ cuối 2016 tôi hay dậy sớm, có khi từ 6:30 khi trời còn tối thui vì tiếng hót lanh chanh của Đỗ Nam Trăm.
Mấy trang tin tôi đặt chế độ 'breaking news' trên iPhone cứ liên tục reo mỗi khi Tổng thống mới đắc cử của nước Mỹ hót trên Twitter.
Nhưng ít khi nghe tiếng reo vui mà thường là tin giật mình.
Phải công nhận 'miệng kẻ sang có gang có thép': chưa lên làm tổng thống mà các cú tweet của ông Donald Trump ở địa chỉ @realdonaldtrump có trên 19 triệu người theo, đã rung chuyển thế giới.
Thử điểm qua mấy nhát 'búa tạ' thời gian qua.
Về Trung Quốc và Đài Loan:
Qua hai đoạn tweet về cuộc gặp với bà Thái Anh Văn và câu hỏi vì sao Trung Quốc 'cứ kiếm lợi một chiều' từ thương mại với Hoa Kỳ, ông Trump đã xoáy vào ba điểm nóng và cũng là điểm yếu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đó là tỷ giá hối đoái đôla- nhân dân tệ; là công trình xây cất của Trung Quốc ở Trường Sa và nguyên tắc 'bắt cả thế giới coi Đài Loan chỉ là một tỉnh'.
Có vẻ như tay chơi lão luyện Trump cứ chọc thử một nhát kim khi quả bóng 'strongman' của ông Tập được thổi lên căng phồng trước Đại hội Đảng 19 để xem sao. Hậu quả thế nào thì có trời mà biết, và đó cũng là 'đúng chất' Đỗ Nam Trăm.
Về Nato và Nga:
Không rõ chiến lược sắp đặt lại thế giới theo thế 'hợp tung Nga Mỹ' để ngăn Trung Quốc có thật là chỉ mới là lời đồn đại, các cú tweet của ông Trump tỏ ra rất ưu ái ông Putin, khiến đồng minh Nato ở châu Âu lo lắng. Lithuania, Ba Lan và cả Thụy Điển chuẩn bị động viên một lực lượng lớn dân quân tự vệ, phòng chiến tranh mạng và xâm nhập của Nga. Lo nhất là Estonia. Nước này đã chuẩn bị chuyển hết máy chủ cho mạng Internet nội địa sang nước ngoài: di tản phòng khi mất nước?
Về vũ khí nguyên tử:
Ngoài ra, còn thêm vài ba câu tweet của ông Trump về nước Nga, ông Putin và kho vũ khí hạt nhân, và chuyện Bắc Triều Tiên sẽ 'không có vũ khí nguyên tử'. Đoạn nào cũng gây choáng.
Không chỉ có vậy, tweets của ông Trump còn chứng tỏ "chính trị là thống soái".
Về kinh tế:
Chỉ một câu của Tổng thống chưa cầm quyền từ Hoa Kỳ khiến các đại công ty Boeing, General Motors, Toyota mất tiền tỷ.
Một trang báo tài chính ở Mỹ còn lập ra chương trình Trump Trigger nhằm "báo động" cho các doanh nghiệp mỗi khi tweet của ông Trump có thể làm rung động thị trường.
Chua cay mang tính cá nhân
Nhưng ngoài các tweet để 'set scene' - dàn cảnh - cho một nhiệm kỳ tổng thống phá lệ, đảo lộn trật tự thế giới lâu nay, dòng tweet Đỗ Nam Trăm còn bị phê là cay độc, cá nhân.
Ngay khi còn vận động tranh cử ông Trump đã làm nhiều người sững sờ vì các phát biểu phản cảm, hạ thấp phụ nữ, và chối tai. Sau khi đã đắc cử ông không dừng lại ở đó mà tiếp tục cãi lộn hàng ngày trên Twitter.
Lời ông đáp trả nữ diễn viên Meryl Streep khi bà phê phán cách ông 'diễn kịch' về một người phóng viên tật, Steve Kovaleski khiến nhà văn Stephen King phải lên tiếng. Câu tweet của Trump là 'trẻ con, thô lỗ và dễ hờn dỗi' (childish, churlish, petulant) cho thấy ông ta "về tâm lý không đủ tiêu chuẩn" để làm tổng thống, theo nhà văn Stephen King.
Không biết ông Trump có biết dân gian Việt Nam từng bảo "Nói dài nói dai sinh ra nói dại"?
Để chuẩn bị lên cầm quyền, ông hẳn có nhu cầu nắn gân dư luận bạn thù bốn phương qua mạng xã hội. Như kênh BBC4 tường thuật, ông Trump không nghĩ Twitter là trò chơi mà coi nó là thanh kiếm để 'trảm' đối thủ. Cơn choáng trước dòng tweet của cũng cho thấy vai trò của Hoa Kỳ vẫn là 'number one' trên thế giới.
Nhưng tổng thống của đại cường hàng đầu thế giới mà suốt ngày cãi vã, đôi co, đả kích người này người kia trên mạng xã hội kiểu ăn miếng trả miếng thế thì quả là điều đáng lo ngại.
Có tờ báo hỏi ông định làm Tổng thống Hoa Kỳ hay chỉ làm Vua của Vương quốc Chim hót - Twitter Kingdom? Những việc lớn dễ bị gác sang một bên vì ông chỉ nhăm nhe đấu khẩu qua chuyện vặt.
Điều tra dư luận bên Mỹ của Quinnipiac University hơn một tuần trước ngày nhậm chức (20/01) nói ông Donald Trump chỉ còn được 37% người Mỹ ủng hộ.
Người sắp rời ghế, ông Barack Obama đạt 55%.
Nếu lên cầm quyền suôn sẻ Trump sẽ cầm quyền ra sao. Các dấu hiệu trước mắt không thật vui. Vụ bê bối với cáo buộc về chuyện ông sang Nga dính vào chuyện chơi bời đang làm rối loạn chính trường Mỹ và chưa dễ xuôi đi.
Rất cần chữ tín
Tôi nhớ hôm trước Giáng Sinh có anh bạn từ Newsroom của BBC than phiền: Từ khi Trump 'làm ngoại giao' bằng Twitter, các phóng viên có nguy cơ thất nghiệp. Bởi khi nguồn tin cũng thành máy phát tin luôn thì thử hỏi ai cần TV, đài báo làm gì nữa? Tôi thì lại không quá lo ngại. Xét cho cùng thì nghề báo, nghề bán rau hay nghề làm tổng thống cũng phải giữ chữ tín mới lâu dài. Đằng này, ông rất tuỳ hứng, bất nhất, và dễ giận dữ. Mới hôm trước ông nói ông là bạn của ngành tình báo Mỹ, hôm sao lại coi họ là kẻ thù tạo 'tin đểu' để hại ông.
Chưa kể, ông Trump có vẻ bất nhất khi nói về thái độ "phục vụ khách hàng" ở nước ngoài. Ông hỏi vì sao nước Mỹ bán hàng tỷ vũ khí cho Đài Bắc mà không lại không có quyền nói chuyện với bà Thái Anh Văn, Tổng thống của nước mua hàng.
Nhưng nếu ông cũng coi dư luận là "thượng đế" và thân ái với công chúng hơn thì tôi dám chắc là 'Vương quốc Twitter' của ông sẽ là chốn yên lành. Và thế giới này vốn đã rất mỏng manh từ một năm qua cũng yên tâm hơn về nước Mỹ những năm tháng tới.
*** BBC: Cựu điệp viên MI6 lập hồ sơ nhạy cảm về Donald Trump 'lẩn trốn'
Cựu tình báo Anh, người được cho là đã viết hồ sơ cáo buộc Nga nắm giữ những tài liệu nhạy cảm về Tổng thống tân cử Donald Trump, hiện giờ đang lẩn trốn. Ông Christopher Steele là giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực tình báo có trụ sở ở London. Tin tức nói ông đã ra khỏi nhà trong tuần này, có thể là hôm thứ Ba 10/1 hoặc thứ Tư 11/1. BBC được biết ông Steele đã nhờ hàng xóm trông hộ mấy con mèo ông nuôi. Ông Steele được cho là đã "lo cho mạng sống của mình" từ hồi tháng Mười, sau khi ông tiết lộ về sự liên quan có thể của Nga vào chiến dịch tranh cử của Trump. Hồ sơ có những thông tin chưa được xác minh nói giới chức an ninh Nga có trong tay những tài liệu mà họ có thể dùng để chi phối ông Trump.
Vị tổng thống đắc cử nói những lời cáo buộc này là "tin giả" và "chuyện tào lao".
Hồ sơ đã được đăng trên truyền thông Mỹ và gồm nhiều lời cáo buộc về đời tư của ông Trump cũng như mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông với chính quyền Nga.
Trong hồ sơ nói Moscow có trong tay một video quay cảnh ông Trump với gái điếm và nhiều thông tin không có lợi về hoạt động kinh doanh của ông.
Điệp viên chuyên nghiệp
Ông Steele, 52 tuổi, được cho là đã làm điệp viên MI6 dưới vỏ bọc ngoại giao nhiều năm ở Nga và Pháp, và có thời gian làm cho Bộ Ngoại Giao Anh ở London. Sau khi rời MI6, ông là một trong hai giám đốc của Orbis Business Intelligence, một công ty tự giới thiệu là hãng tư vấn tình báo hàng đầu. Được một số cựu nhân viên tình báo Anh thành lập năm 2009, công ty đặt trụ sở ở Grosvenor Gardens, trung tâm London, có "mạng lưới toàn cầu" gồm chuyên gia và "các nhân vật nổi bật trong giới kinh doanh", website của hãng viết.
Hãng nói họ chuyên cung cấp cho khách hàng "lời khuyên chiến lược" cũng như "các hoạt động thu thập thông tin tình báo" và điều tra xuyên biên giới. Theo tờ Telegraph, giám đốc thứ hai của công ty là Christopher Burrows. Ông Burrows viết trên mạng LinkedIn rằng ông là cựu tham tán ở Bộ ngoại giao Anh, từng có nhiệm kỳ ở Brussels và Delhi. Ông Burrows nói với The Wall Street Journal rằng ông không khẳng định hay phủ nhận việc Orbis đã soạn hồ sơ về ông Trump.
Ông Steele được cho là đã cung cấp cho Cục điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) những thông tin về cáo buộc tham nhũng tại Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA. Tờ Telegraph cho hay chính việc ông có tên tuổi trong điều tra tham nhũng bóng đá quốc tế làm tăng uy tín cho hồ sơ về quan hệ của ông Trump với Nga.
Tường thuật của phóng viên BBC Paul Wood
"Tin Nga có băng video có thể tống tiền Trump" được đưa ra trong một chuỗi các báo cáo do cựu điệp viên tình báo Anh này viết. Ông Steele đã nói chuyện với nhiều người quen cũ trong cơ quan tình báo Nga FSB, trước đây là KGB, và trả tiền cho một số người để lấy thông tin. Họ cho ông biết ông Trump đã bị quay phim lén với một nhóm gái điếm trong phòng suite tổng thống của khách sạn Ritz-Carlton ở Moscow. Tôi biết điều này vì chính công ty nghiên cứu chính trị Washington thuê ông Steele viết báo cáo đã cho tôi xem hồ sơ này trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử.
BBC quyết định không đưa tin về hồ sơ này lúc đó, vì một lý do chính đáng là nếu không được xem băng video - nếu băng này tồn tại - chúng tôi không thể biết những lời cáo buộc này có đúng sự thật không. Chi tiết của những lời cáo buộc này thật là khủng khiếp.
Toàn bộ những này đã được đăng trên BuzzFeed."
*** Ngọc Thu: Donald Trump đã tung tin giả về Tổng thống Obama trong nhiều năm qua như thế nào?
Nhân chuyện Tổng thống đắc cử Donald Trump gọi hãng tin CNN là tin giả trong buổi họp báo lần đầu tiên hôm qua, kể từ khi ông ta đắc cử tổng thống, xin được nhắc lại sự kiện Trump tung tin giả về Tổng thống Obama trong nhiều năm qua.
Kể từ khi ông Obama đắc cử tổng thống ngày 4-11-2008, cho tới ngày 15-9-2016, Trump chưa từng công nhận Obama là tổng thống Mỹ. Trump là người dẫn đầu thuyết âm mưu, cho rằng Tổng thống Obama không được sinh ra ở Mỹ, mà ở Kenya, nên Obama không đủ tiêu chuẩn để làm tổng thống Mỹ, theo điều 2 Hiến pháp Hoa Kỳ. Ngày 13-6-2008, những người trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama đã đăng tải bản copy (short form) giấy khai sinh của ông trên mạng. Sau khi Obama đắc cử tổng thống ngày 4-11-2008, thuyết âm mưu về ông được sinh ở Kenya, vẫn chưa chấm dứt. Năm 2011, Obama quyết định đưa giấy khai sinh ra để chấm dứt vụ tin giả này. Ngày 22-4-2011, Tổng thống Obama viết thư cho bà Loretta J. Fuddy, Giám đốc Sở Y tế tiểu bang Hawaii, xin hai bản copy khai sinh gốc của ông. Sau đó, ông nhờ bà Judith Corle, cố vấn của ông, bay qua tận Hawaii để lấy 2 bản copy đó. Điều cần nói là: Toàn bộ chi phí cho chuyến đi này của bà Judith Corle do ông Obama trả bằng tiền túi của mình, không phải tiền thuế của dân Mỹ. Ngày 26-4-2011, bà Judith Corle bay trở về Nhà Trắng. Đến ngày 27-4-2011, giấy khai sinh (long form) của Tổng thống Obama đã được đăng tải trên website Nhà Trắng.
Vì sao Tổng thống Obama phải cho người bay qua tận Hawaii để lấy hai bản copy khai sinh gốc của mình, thay vì yêu cầu Sở Y tế Hawaii fax qua, hay gửi phát chuyển nhanh bằng đường bưu điện? Có lẽ ông Obama muốn chính bà Judith Corle nhận từ tay bà Loretta Fuddy bên Hawaii, bởi nếu fax hay gửi phát chuyển nhanh qua Nhà Trắng, ông Trump sẽ nói giấy khai sinh đó do Obama chế ra.
Dù Obama đã đưa giấy khai sinh lên mạng, nhưng ông Trump vẫn tiếp tục thuyết âm mưu chống lại ông Obama. Từ khi giấy khai sinh của ông Obama được đăng tải trên website Nhà Trắng, cho tới khi Trump công nhận Tổng thống Obama được sinh ra ở Mỹ, Trump đã Tweet 67 lần về sự kiện này, đưa tin sai sự thật về nơi sinh của Obama.
Ngày 24-10-2012, Trump làm video clip, nói rằng Obama là tổng thống thiếu minh bạch nhất trong lịch sử Mỹ. Trump thách tổng thống Mỹ rằng, nếu Obama dám tiết lộ hồ sơ đại học, hộ chiếu của mình để chứng minh Obama sinh ra ở Mỹ, thì Trump sẽ bỏ ra $5 triệu Mỹ kim vào bất kỳ quỹ từ thiện nào do Obama chỉ định. Chi phiếu $5 triệu Mỹ kim sẽ được Trump chi trả cho quỹ từ thiện trong vòng một tiếng đồng hồ. (Mời xem clip) Hai năm sau khi làm clip này, nói chuyện tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia năm 2014, Trump đã tăng số tiền từ $5 triệu lên $50 triệu. Ngày 6-9-2014, Trump kêu gọi các hacker tấn công vào hồ sơ đại học của Tổng thống Obama, để kiểm tra nơi sinh của ông.
Ngày 15-9-2016, khi bị báo Washington Post hỏi, Trump vẫn chưa chịu công nhận Obama sinh ra ở Mỹ. Đến hôm sau, ngày 16-9-2016, Trump mới chịu công nhận sự thật này, nhưng Trump vẫn không bỏ ra đồng nào để làm từ thiện như đã hứa. Báo chí Mỹ vẫn còn nhắc chuyện Trump nợ Obama $5 triệu làm từ thiện.
Sau đó thì Trump đổ thừa cho bà Hillary, nói Hillary là người khởi động phong trào giấy khai sinh chống Obama, nhưng báo chí đã kiểm tra, tin này cũng là tin giả của Trump.
Xem clip của Trump, có thể thấy sự khác nhau quá xa giữa lời nói và việc làm của ông ta. Trump nói Obama là tổng thống thiếu minh bạch nhất nước Mỹ, nhưng chính Trump là tổng thống đắc cử duy nhất trong lịch sử nước Mỹ không dám tiết lộ hồ sơ khai thuế. Tất cả các tổng thống, phó tổng thống, cũng như các ứng viên tổng thống và phó tổng thống Mỹ… từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt cho tới nay, đều công bố hồ sơ khai thuế cá nhân của họ. Đây là hồ sơ thuế cá nhân của TT Franklin Roosevelt, tổng thống thứ 32 của Mỹ, công bố hơn 102 năm trước, khai ngày 16-2-1914, khi ông Roosevelt mới là thứ trưởng Bộ Hải quân Hoa Kỳ.
Trump nói CNN là hãng tin giả, nhưng những người theo dõi những điều Trump nói trong nhiều năm qua, có thể nhận ra rằng,chính Trump mới là người thường xuyên tung tin giả. Nói xuôi cũng Trump, nói ngược cũng Trump. Đó là lý do mà báo chí Mỹ luôn kiểm chứng, đối chiếu những điều Trump nói với thực tế, nên Trump ghét cay ghét đắng truyền thông Mỹ, vì họ thường xuyên “bắt tận tay, day tận trán” Trump nói dối. (Ngày 27-12-2016, báo Washington Post cho biết, họ đã phải thuê thêm khoảng 60 người, có lẽ để kiểm chứng sự thật – Fact checks – những gì Trump nói).
(v) Bill Hayton: Tillerson có sẵn sàng đi tới chiến tranh về biển Đông?
Ông chủ Exxon đã cho thấy trước rằng ông có thể đẩy Bắc Kinh tới giới hạn – nhưng với tư cách Ngoại trưởng, phần may rủi sẽ cao hơn nhiều. Rex Tillerson, cựu giám đốc Exxon, đã không có được chỗ nào mà ông đối xử tốt với Trung Quốc (TQ). Khi Bắc Kinh đã cố ép buộc công ty của ông phải từ bỏ một dự án tìm kiếm thăm dò ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam vào năm 2008, ExxonMobil đã giơ ngón tay [giữa] chế nhạo họ. BP, Chevron, ConocoPhillips, và một số công ty khác chịu thua trước áp lực của TQ. ExxonMobil vẫn còn ở đó, khoan theo giấy phép của Việt Nam trên vùng biển mà TQ cũng tuyên bố chủ quyền.
Liệu Tillerson sẽ làm như vậy, đại diện cho Hoa Kỳ? Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Ngoại giao – chỉ định – dường như đã sẵn sàng giơ ngón tay lần nữa với TQ. Ông kêu gọi chính phủ Trump sắp đến không cho TQ tiếp cận 7 căn cứ đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở phần phía nam của biển Đông.
Trả lời câu hỏi về việc liệu ông sẽ ủng hộ một tư thế quyết liệt hơn ở biển Đông, ông đã nói trong buổi điều trần chuẩn nhận của Thượng viện, “Chúng ta sẽ phải gửi cho TQ một tín hiệu rõ ràng rằng, thứ nhất, việc xây dựng đảo phải ngừng lại và, thứ hai, việc tiếp cận tới các đảo này cũng sẽ không được cho phép”. Cộng đồng quan sát chính sách châu Á trố mắt kinh ngạc.
Các tác động rất rõ ràng. Cách duy nhất mà Hoa Kỳ có thể chặn việc TQ tiếp cận các căn cứ đảo hiện có của họ là triển khai tàu chiến và đe dọa sử dụng vũ lực. Liệu Tillerson thực sự sẵn sằng chấp nhận nguy cơ xung đột thẳng thừng giữa hai siêu cường về số phận của 7 rạn đá này không? (hết trích)
... Có rất nhiều rủi ro để xem xét. TQ có thể buộc Washington phải ngữa bài và kích động một cuộc đối đầu. Tàu có thể bị chìm, nhiều mạng sống bị mất, và cuộc khủng hoảng sẽ lan sang thương mại và mọi lĩnh vực khác của chính sách quốc tế. Một nhà theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở biển Đông, giáo sư Julian Ku của Trường Luật Đại học Hofstra, lưu ý rằng dù điều đó có thể là hợp pháp, chiến lược này “sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh”.
Một rủi ro khác là Hoa Kỳ có thể bị mất sự ủng hộ của các đồng minh, đối tác và bạn bè ở Đông Nam Á và bên ngoài. Không ai muốn xung đột – họ cần Hoa Kỳ và TQ thân thiện với nhau để họ có thể phát triển trong hòa bình. Mặc dù hầu hết đều tìm kiếm một sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ để đối phó với những bước tiến của TQ, họ không muốn bị buộc phải chọn phe.
Cuối cùng, luôn có nguy cơ rằng, với nguồn lực hải quân dàn trải mỏng ra trên khắp thế giới và chính phủ các nước trong khu vực không muốn cấp quyền ra vào các cảng và căn cứ hậu cần vì các lý do chính trị, Hoa Kỳ có thể sẽ thấy khó để thực thi chính sách trước lực lượng Hải quân trọn vẹn của quân đội TQ (PLAN). Một khi đã tuyên bố thì bất cứ việc để đi qua lọt phong tỏa nào sẽ là thảm họa đối với danh tiếng của một siêu cường. Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ mới đây cho rằng PLAN “không thể tìm cách chui ra khỏi một túi giấy ướt”....
Cho đến nay các phản ứng chính thức của TQ với ý kiến của Tillerson là nhẹ một cách đáng lưu ý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra một điểm đồng ý “với ông Tillerson tại điểm mà ông nhận ra những bất đồng, nhưng lợi ích và nhất trí cũng hoà quyện với nhau”. Hiện giờ Bắc Kinh dường như giữ vị thế “chờ xem” đối với chính phủ Trump. Họ để cho tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) cảnh báo: “Nếu Washington có kế hoạch tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở biển Đông, bất kỳ hình thức nào nhằm ngăn chặn TQ tiếp cận đối với các đảo, sẽ là ngu ngốc.”
Năm 2008, các quan chức TQ đã đe dọa ExxonMobil sẽ chịu những hậu quả đau đớn nếu theo đuổi các dự án của họ với Việt Nam. Nhưng công ty này đã mạnh tay, nhất là việc xuất khẩu khí đốt từ khu vực Sakhalin của Nga mà TQ đã rất muốn truy cập. Tillerson đã giữ vững thần kinh, buộc TQ phải ngữa bài, và đã thắng. Liệu ông sẽ làm điều đó một lần nữa không?(Song Phan dịch)
*** Hồng Thủy (GDVN): Ngoại trưởng Philippines bình luận phát biểu của ông Rex Tillerson về Biển Đông
Nước này sẽ không can ngăn Hoa Kỳ nếu họ có kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.The Manila Times ngày 15/1 đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết:"Nếu ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng các cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ, họ được tự do làm điều này vì khu vực nằm trong vùng biển quốc tế".
Ông bình luận về phát biểu của ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng, Mỹ cần ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo bồi lấp trái phép trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Hôm thứ Sáu 13/1, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ, có thể xảy ra chiến tranh nếu Mỹ ngăn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo.
*** Hồng Thủy: Chính quyền Obama lên tiếng về Biển Đông trước phát biểu của ông Rex Tillerson
Khi được đề nghị bình luận về phát biểu của ông Rex Tillerson - ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong chính phủ kế nhiệm - phát biểu về Biển Đông trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Josh Earnest (Thư ký Báo chí) cho biết: "Tôi không biết đó có phải là chính sách mới của chính phủ kế nhiệm hay không. Tôi cho rằng đây sẽ là một trong những chủ đề được đề cập trong cuộc họp báo đầu tiên mà các bạn hiện diện ở đây cùng với người kế nhiệm tôi". Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cũng tham gia hỗ trợ Nhà Trắng trong kêu gọi tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông trong cuộc họp báo cùng ngày.
Tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 13/1 dẫn lời một số nhà phân tích Trung Quốc kêu gọi, chính phủ nước này nên bình tĩnh và thận trọng lắng nghe thêm, không phản ứng vội vàng với những phát biểu của ông Rex Tillerson. Liu Weidong, một nhà quan sát chính sách đối ngoại Hoa Kỳ từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh không cần phải quá vội vàng phản ứng với Mỹ trong khi chính sách của ông Donald Trump vẫn chưa rõ ràng.
Zhang Zhexin, một chuyên gia về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ từ Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận định về phát biểu của ứng viên Ngoại trưởng Mỹ: "Họ phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về vai trò của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như vì lợi ích cục bộ. Bộ Quốc phòng Mỹ muốn có một ngân sách lớn hơn".
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cuối ngày thứ Năm 12/1 nói với báo giới, Bắc Kinh vẫn nhìn về phía trước và duy trì liên lạc chặt chẽ với bộ phận chuyển giao của ông Donald Trump, đảm bảo quan hệ Trung - Mỹ "mạnh mẽ hơn, ổn định hơn, hiệu quả hơn".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở thăm Việt Nam ngày hôm qua cho biết, ông tin chính quyền kế nhiệm sẽ duy trì các nguyên tắc bảo vệ hòa bình và an ninh châu Á như hiện nay, bất chấp những bình luận gây chú ý từ ông Donald Trump và nội các kế nhiệm.
II.Văn Nghệ
(1) Ben Ngô: Meryl Streep, Kim Chi và cái dũng của nghệ sĩ
Không hiểu sao khi đọc tin diễn viên Meryl Streep thẳng thắn chỉ trích tổng thống đắc cử Donald Trump, tôi lại nhớ đến chuyện của một nữ diễn viên ở Hà Nội vài năm trước. Lẽ ra khi nhận giải Thành tựu trọn đời trên sân khấu giải Quả Cầu Vàng, nữ diễn viên kỳ cựu của Hollywood chỉ cần nói đôi ba câu vô thưởng vô phạt mang tính xã giao là đã đủ cho thiên hạ tán thưởng.
Tài năng của Streep, bất kỳ ai yêu điện ảnh trên toàn thế giới đều đã biết. Streep không cần có thêm một giải thưởng hay một danh hiệu nào [may là ở Mỹ không có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú hay nhân dân] thì tên tuổi của bà vẫn còn nằm trong tim khán giả rất lâu. Nhưng Streep chọn cách tranh thủ diễn đàn của một giải thưởng điện ảnh để lên tiếng chỉ trích người mà mươi ngày nữa sẽ chính thức là lãnh đạo của nước Mỹ.
Bà nói: "Có một màn trình diễn trong năm qua khiến tôi choáng váng. Không phải vì tiết mục đó hay ho, chẳng có có gì tốt đẹp hết. Nhưng tiết mục đó hiệu nghiệm. Nó gây cười. Đó là thời khắc mà người đang nhắm tới vị trí được kính trọng nhất nước Mỹ lại đi giễu nhại một phóng viên tàn tật .Người này thua kém ông ta về quyền lực và không có khả năng đáp trả. Tim tôi tan vỡ khi tôi chứng kiến hành vi này và tôi không thể không nghĩ về nó, bởi vì chuyện này không xảy ra trong một bộ phim mà là trong đời thực".
Trên fanpage của BBC Tiếng Việt, có bạn đọc bình luận: "Sao bà can đảm vậy? Bà không sợ bị cấm diễn hoặc làm bản kiểm điểm sao?".
Bất giác tôi chợt nhớ chuyện gây xôn xao cách đây bốn năm của Kim Chi, một trong những nữ diễn viên kỳ cựu của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sẽ là khập khiễng nếu so sánh tên tuổi của bà với Meryl Streep, nhưng không ai có thể phủ nhận chuyện bà là một trong những nữ diễn viên nổi bật nhất “của thế hệ "nghệ sĩ cộng sản chính hiệu" như chính bà tự nhận.”
Tháng 1/2013, Kim Chi gây xôn xao khi bà công khai từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sĩ của Thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng]”. "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm," nhiều trang báo lề trái thời điểm ấy dẫn lại lời bà. Bà nói với BBC rằng, thủ tướng đã làm bà mất lòng tin, và là công dân thì "có quyền thích hay không thích, mà không thích thì không nhận".
Câu chuyện của bà khiến người ta, dù trong hay ngoài giới nghệ sĩ, đều ngạc nhiên. Vì theo lẽ thường, bằng khen từ người đứng đầu chính phủ hay danh hiệu nghệ sĩ ưu tú/nhân dân đến nay vẫn được xem là thước đo của người làm nghệ thuật tại Việt Nam.
'Không màng danh hiệu'
"Đến hẹn lại lên", mỗi mùa phong tặng danh hiệu, người ta lại chứng kiến những màn nghệ sĩ đăng đàn tố cáo nhau về chuyện danh hài này, diễn viên kia không xứng với danh hiệu. Và dường như có cả một cuộc chạy đua danh hiệu, nâng tầm danh giá khi sau mỗi năm, khán giả hoang mang không hiểu sao trước tên anh diễn viên này, chị ca sĩ kia lại bỗng nhiên có thêm cụm từ "nghệ sĩ ưu tú/nhân dân".
Nhưng bà Kim Chi và một số nghệ sĩ khác như Út Bạch Lan, Thành Lộc… đã chọn con đường "không màng danh hiệu" dù họ có thể được chính quyền tưởng thưởng rất nhiều nếu cứ ngoan ngoãn làm nghệ thuật, phát biểu "theo chỉ đạo" và "đúng định hướng". Bà Kim Chi nay đã chọn con đường làm nhà hoạt động thường xuyên lên tiếng trước những vấn đề thời sự của đất nước. Bà Út Bạch Lan nay đã đi về nơi xa nhưng vẫn là "tấm gương về nghề nghiệp và nhân cách sống" như lời của nghệ sĩ Kim Tử Long nói với BBC hôm có tin bà mất.
Trở lại bài phát biểu của Streep, có thể do là người ủng hộ Hillary Clinton nên bà không phục và không nhìn thấy những điểm mạnh của ông Trump. Nhưng chí ít, bà cho thấy cái dũng của người làm nghệ thuật: không khuất phục trước thế lực mà mình không cảm thấy nể trọng.
Từ chuyện của Streep, nếu trông đợi một nghệ sĩ Việt Nam, không nhất thiết phải chỉ trích quan chức, mà chỉ cần lên tiếng về vấn đề xã hội như thảm họa cá chết hay tham nhũng trong lễ trao giải Cánh Diều Vàng, Bông Sen Vàng, Làn Sóng Xanh... thì liệu có phải tôi đang mơ mộng lắm không? (BBC)
(2) Thơ Xuân từ Bạn bè
i. Luân Hoán: Buồn như Tết
không xa nhà chỉ xa quê
xuân về tết đến không thê thảm buồn
chỉ hơi nhớ nhớ thương thương
hương hoa mùi bánh mái từ đường xa
tuổi xuân vui tết quê nhà
đón tết hải ngoại tuổi già hồi xuân
không vui nhưng vẫn gắng mừng
tham gia, tổ chức tưng bừng cuộc chơi
nhìn người vui tôi học vui
lạ kỳ xuân đến ngậm ngùi nhiều hơn
cả năm nhặt nhạnh cô đơn
ngày tết muốn tặng nhưng không ai thèm
họa hoằn vẫn chỉ một em
ii. Hồ Chí Bửu: Xuân - Độc hành
Phố khuya – gõ nhịp một mình
Bơ vơ như một mối tình đã phai
Biết Xuân về bởi hoa mai
Biết em phố lạ còn ai đợi chờ ?
Đêm dài – Rớt lại câu thơ
Mới hay trời đất hững hờ Xuân trôi
Đêm dài – Sót lại mình tôi
Thoáng nghe một chút lạnh đời tha hương
Đường khuya – Ướt đẩm hơi sương
Cố nhân đâu hỡi – con đường mút xa
Ừ thì – Còn một mình ta
Và thêm chiếc bóng với tà áo lay…
iii. Trần Kiêm Đoàn: Cám ơn năm cũ như năm mới
Cám ơn em tờ lịch cuối cùng
Ngày bốn buổi sáng trưa chiều tối
Năm bốn mùa xuân hạ thu đông
Những tờ lịch như những dòng cổ sử
Muốn hay không chuyện cũ cũng sang dòng
Cám ơn cơn gió mùa đông lạnh
Thổi tới tung bay những lá vàng
Nếu nép một đời trong ngõ vắng
Bao giờ soi được bóng trăng tan
Cám ơn những giấc thiên thu ấy
Mang chút buồn tiễn biệt người đi
Dẫu tượng đá vẫn không thành miên viễn
Gặp gỡ nào rồi cũng tới chia ly
Cám ơn em nếp nhăn vầng trán
Hương thu xưa áo tím đã qua cầu
Đường hàng me con sóng tình đã lặng
Dấu hài xanh tôn nữ thấy gì đâu
Cám ơn đời mong manh sương khói
Bởi vô thường nên đẹp dáng phù vân
Ví như nhân thế đều bất tử
Đông chẳng tàn sao có mùa xuân
Cám ơn tay trắng thành kiêu bạc
Vuốt mặt thương đời hóa dửng dưng
Yêu đến tận cùng không dính mắc
Nên vô tư như bụi đỏ ven đường
Cám ơn vinh nhục vui liền khổ
Chưa biết buồn sao biết quý niềm vui
Trong một thoáng thiên đường và địa ngục
Về trên môi mím mỉm miệng cười
Cám ơn mỗi sớm chung trà nhỏ
Rót chén yêu thương xuống cuộc đời
Đối bóng tưởng mình như chẳng có
Ba nghìn thế giới cũng rong chơi.
Cám ơn năm cũ như năm mới
Đối bóng thời gian lòng rỗng không
Người hái phù dung khuya tỉnh giấc
Hoa lục bình nở giữa dòng sông
iv. Trần Mộng Tú: Cuối năm trôi như giải lụa tung
Em đứng nhìn dòng nước trước mặt
cuối năm trôi như giải lụa tung
con chim nhỏ bay ra từ núi
cánh buông in xuống nước chập chùng
Chim bay qua hồ chim mất hút
bóng in xuống hồ bóng mất tăm
đất trời hoán chuyển trong khoảnh khắc
em gửi tình trong đá trăm năm
Nhỡ mai tình em bay nẻo khác
có để lại gì trong đá xanh
nhỡ mai tình cờ anh qua đó
có nghe đá khẽ gọi tên mình
nhỡ mai ừ nhỉ bao nhiêu nhỡ
nhỡ cả môi hôn chiều rất xa
nhỡ cả cuối đời nhìn dáng khuất
nhỡ một bờ vai gửi đóa hoa
Bóng chim không còn in mặt nước
chở cả tình em trên cánh bay
cuối năm đá xanh bỗng nghiêng xuống
tình yêu, thời gian, như đám mây
.............................. .............................. .............................. ...
Kính,
NNS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét