Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Đi cứu trợ, 12 người thiệt mạng: Chưa kịp đến với bà con vùng lũ.

Đi cứu trợ, 12 người thiệt mạng: Chưa kịp đến với bà con vùng lũ...
Chiếc xe bị tai nạn chỉ còn là đống sắt vụn như thế này 
TT - Đó là vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra vào hồi gần 3g sáng hôm qua, thứ sáu, 13-10-2006. Trên ôtô 53M-5009 có tất cả 13 người thì 12 người đã tử nạn ngay tại chỗ.<!>
 Thật đau xót, ngoài lái xe, cả 11 người còn lại là cán bộ lãnh đạo và nhân viên của phường 13, quận Phú Nhuận (TP.HCM) đang trên đường ra Đà Nẵng cứu trợ...
Tai nạn quá đau thương...
Tại hiện trường, trên quốc lộ 1A cách thành phố Nha Trang chừng 15km về phía nam (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), ôtô 16 chỗ 53M-5009 chở đoàn cán bộ đi cứu trợ đã bị tan nát gần như hoàn toàn.
Còn chiếc xe khách 75H-8283 chạy ngược chiều từ Huế vào Đà Lạt đã cùng gây ra vụ tai nạn thì bị hư nát một phần ở đầu xe và đã được xe cẩu cứu hộ giao thông kéo khỏi hiện trường.
Toàn bộ khoảng 19-20 hành khách đi trên xe này đều thoát nạn, chỉ tài xế Bùi Văn Thiện bị gãy chân và phụ xe bị thương nhẹ.
Người duy nhất trên chiếc xe chở đoàn cứu trợ thoát chết nhưng cũng bị thương nặng, đó là anh Phạm Ngọc Lý (45 tuổi), chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của phường 13, được đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, kể: “Tôi ngồi trước cabin bên phải tài xế là chỗ duy nhất không bị cán nát. Lúc ấy tôi đang thiếp đi thì nghe một tiếng nổ lớn. Mở mắt ra thì thấy chiếc xe đã bị nát tan tành, máu me vung vãi, nhiều người bị văng ra bên ngoài...”. Anh đã gắng gượng đạp vỡ khoảng kính xe còn lại để trèo thoát ra ngoài.
Theo đại úy Nguyễn Văn Khải - đội trưởng thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa - đây là vụ tai nạn giao thông đường bộ thảm khốc nhất ở tỉnh trong khoảng mười năm qua...
Chuyến hàng vẫn đi tới
Chị Ngụy Thị Phương Thảo, người ở phường 13 (quận Phú Nhuận) tài trợ cho đợt cứu trợ và cùng đi trong đoàn ra Đà Nẵng, kể: xe tải chở toàn bộ số hàng cứu trợ gồm 800 suất quà, trị giá khoảng 120 triệu đồng, đã xuất phát đi từ tối hôm trước (khoảng 19g ngày 12-10) để ra Đà Nẵng.
Cả đoàn phải đi đêm để kịp ra tới Đà Nẵng theo đúng lịch đã hẹn và xuống nhiều nơi trao tận tay quà cứu trợ cho bà con. Chiếc xe con bốn chỗ của chị và người nhà chạy sau chỉ cách xe 53M-5009 một quãng ngắn.
Đi cứu trợ, 12 người thiệt mạng: Chưa kịp đến với bà con vùng lũ...
Chiếc xe khách 75H-8283 sau vụ tai nạn - Ảnh: P.S.N.
Chị Thảo nói: “Cả hai xe đều không chạy quá nhanh. Vì trước khi xảy ra tai nạn không lâu, chị vừa liên lạc bằng điện thoại di động với các anh của phường 13 đi trên xe trước. Hai bên đã hẹn cùng chạy tới ngã ba Thành (thị trấn Diên Khánh) sẽ dừng lại để cùng ăn sáng và uống cà phê... Vậy mà một lúc sau... chỉ còn mấy cây số nữa...”.
Cuộc khám nghiệm hiện trường của công an cùng các cơ quan chức năng đến gần 10g vẫn chưa kết thúc.
Anh em Công an Khánh Hòa phải cạy dỡ từng chiếc ghế ngồi của chiếc xe 16 chỗ mới lấy được hành lý của các nạn nhân: những chiếc túi vải, giỏ xách, balô...
Khi anh em công an mở ra để kiểm kê lập biên bản, tôi đã nhìn thấy trong túi của một chị nạn nhân còn được 830.000 đồng, gồm cả nhiều đồng tiền lẻ và một mảnh giấy nhỏ ghi số tiền lương và những khoản ủng hộ mà chị đã góp ở cơ quan...
Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, anh Phạm Ngọc Lý còn yếu, máu me còn dính đầy trên chiếc áo đã ngả màu... Anh cho biết riêng anh còn mang theo 15 triệu đồng của gia đình, đã chia ra thành 300 phong bì, mỗi phong bì 50.000 đồng để “ra đó tặng thêm cho bà con...”.
Vậy là tất cả anh em cán bộ của phường13 cùng đi cứu trợ với anh Phạm Ngọc Lý đã phải “dừng lại” trên đất Khánh Hòa...
Anh Lý nói: “Tôi đã nhắn lại và giao tất cả công việc của đoàn đi cứu trợ và của anh em phường 13 để nhờ chị Thảo (người tài trợ cùng đi) cố gắng tiếp tục ra tới Đà Nẵng để cùng anh em tài xế, phụ xe chở hàng trao nhanh số quà cứu trợ đến từng gia đình... Đó chính là nguyện vọng của các anh chị em ở phường 13...”.
Một nén hương cho những tấm lòng...
Đã từng có vài lần tham gia giúp đỡ, cứu trợ các nạn nhân bị thiên tai, bão lụt, tôi rất cảm phục những tấm lòng cao quí của bà con trên khắp mọi miền đất nước trong việc làm nghĩa hiệp này. Họ bỏ công bỏ việc, bỏ lại gia đình người thân rồi lặn lội mấy ngày trời tìm đến những nơi mình không hề quen biết. Chẳng ai bắt buộc họ cả, trừ tấm lòng.
Có khi đó là những chị tiểu thương ăn to nói lớn, mấy ngày dầm mưa lội bùn nhão dưới chân mà vẫn hăng hái, đi tới đâu cũng dám tới. Có khi là anh thanh niên vác trên mình những bao gạo to, mồ hôi ướt đẫm mà không một lời than vãn. Có khi đó là những vị tu hành, những bậc trí thức, những nhà kinh doanh. Tất cả đều nhiệt thành dù đi bộ hàng cây số để đến với bà con vùng xa, dù tối mịt mới được về tới nhà nghỉ với gói mì tôm lót dạ.
Có một người mẹ trong một làng ven biển hẻo lánh, mất hai đứa con trai trong bão, nỗi đau quá lớn, nhưng khi biết một đoàn đến từ một nơi rất xa ở miền Nam, bà đã khuỵu ngã vì xúc động: “Các chú ở xa xôi vậy sao phải ra tận đây thăm hỏi chúng tôi...”.
Cả trăm đoàn như vậy xuôi ngược khắp các tỉnh miền Trung lúc này. Đó là tình người, là nghĩa đồng bào, là “lá lành đùm lá rách”...
Và 12 người ở phường 13, Phú Nhuận, TP.HCM cũng nằm trong dòng chảy nghĩa tình ấy.
Xin thắp một nén hương cho những tấm lòng...
UBND phường 13, Q. Phú Nhuận TP.HCM: Đau quá!
Đi cứu trợ, 12 người thiệt mạng: Chưa kịp đến với bà con vùng lũ...
Bà Dương Lệ Hoa ngồi bên chiếc ghế trống tại bàn làm việc của anh Liêm. Ảnh: Y.T.
4 giờ sáng, trụ sở UBND P.13, Q.Phú Nhuận, TP.HCM sáng đèn, bắt đầu một ngày không bình thường: chuẩn bị cho đại tang. Những cán bộ còn lại họp mặt. Bàng hoàng! Mọi người xót xa nhìn nhau. Đau đến không khóc nổi...
Nhìn dãy băngrôn có dòng chữ “Điểm tiếp nhận giúp đỡ nạn nhân bão số 6” vẫn còn treo trước cổng, cô Nga, chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, nghẹn ngào: “Đau quá sức đau!”. Nhớ 8 giờ tối qua, mọi người còn náo nức gọi nhau. Anh Cần còn hí hửng cắt tóc cho gọn gàng rồi đi, còn đứng chia tay vợ. Anh mới 30 tuổi, vợ mới có thai hơn một tháng.
“Còn chồng bà Kim Phượng cũng đứng tiễn vợ. Tui chọc: vợ chồng già mà...” - cô Nga chùng giọng. Không ngờ đó là lần vẫy tay chào nhau cuối cùng...
Phường 13 là một trong những phường nghèo. Nhưng khi tin tức về sự tàn phá của cơn bão số 6 (Xangsane) loan đi, nhiều bà con đã mang tiền đến phường đóng góp. Trong đó có chị Ngụy Thị Phương Thảo. Đợt này chị có nguyện vọng tặng và trao tận tay dân nghèo 800 phần quà cho đồng bào ở Đà Nẵng.
Hình ảnh những khối quà chất cao ngất trong phòng còn đây. Cô Nga bấm chiếc máy cho tôi xem những bức hình được chụp trước khi đoàn đi. Chỉ là hình ảnh những thùng gạo, mì gói, bột giặt, bột ngọt, nước mắm, nước tương, mền... và băngrôn “Đoàn cứu trợ đồng bào bị cơn bão số 6” nhưng làm nhiều anh chị xem bật khóc.
Ngày chuyển quà về, các anh chị háo hức lắm - chị Phan Lê Băng Tuyền, phó chủ tịch văn xã phường không cầm được nước mắt, kể. Ai cũng muốn góp một tay. Chị Nguyễn Thị Tư, 39 tuổi, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, nằng nặc đòi đi dù không có tên trong danh sách. Dù đang bệnh nhưng anh Trần Đình Liêm, 44 tuổi, chủ tịch UBND phường, cũng cố gắng lên đường...
Sáng sớm, trong khi nhiều thân nhân người thiệt mạng đã ra sân bay, cầu mong mua những tấm vé cuối cùng để bay nhanh ra Khánh Hòa, bà Dương Lệ Hoa, 72 tuổi, cầm đến trụ sở ủy ban phường 4 triệu đồng: “Cô phụ lo đưa mấy anh em về. Có thiếu gì, cứ nói với dì...”. Nói tới đó, bà nghẹn lời: “Sáng qua gặp Bửu, nó mới kêu: Má già đi đâu đó? Mới đó mà... Liêm cũng vậy, hiền quá hiền”.

Không có nhận xét nào: