Ông Trần Đại Nghĩa bên chiếc máy cấy... |
Ngày khách đến mua xe, vợ ngạc nhiên hỏi lý do, ông bảo ngồi ô tô nhiều đau lưng, lại thêm bệnh tật. Sau đó, ông mua mảnh ruộng rồi tự tay cày, cấy, vợ ông cũng chỉ biết thở dài. Cái ngày đầu tiên ông vác cuốc ra đồng, dân làng cười ngặt nghẽo. Đó là câu chuyện của ông Trần Đại Nghĩa, người bán ô tô để “mua khổ” vào mình bằng việc sáng chế chiếc máy cấy cho bà con quê lúa.<!->
Giấc mơ Việt từ đất Hàn
Con đường trải nhựa láng bóng từ TP Thái Bình về quê biển Tiền Hải rợp một màu vàng lúa chín. Những cánh đồng ven đường trải dài ngút tầm mắt, từng bông lúa nặng trĩu hạt đung đưa trong gió chiều tạo nên khung cảnh nên thơ.
Với dáng vẻ tất bật, ông Nghĩa bảo: “Sáng có đoàn khách ở Thanh Hóa về xem và đặt mua máy cấy. Tôi phải tiếp họ đến gần 1h chiều mới xong. Bà con lần đầu thấy máy cấy, hỏi nhiều nên mình phải giải thích tường tận”.Trong khu xưởng vừa mới dựng lên từ khung sắt và lợp bằng tôn ủ hơi nóng bức, ông Trần Đại Nghĩa với ngón tay to xù xì rót nước mời tôi, trên trán vẫn ướt đẫm mồ hôi.
Nói rồi ông đứng dậy, dẫn chúng tôi ra xem một chiếc máy cấy vừa hoàn thành công đoạn lắp ráp cuối cùng. Ông bảo: “Nhà báo xem, đơn giản thế này thôi nhưng tôi mất cả chục năm trời nghiên cứu mới xong”.
Ý tưởng ban đầu về chiếc máy cấy cũng đơn giản như con người ông vậy: “Ngày trước, học xong cấp 3, tôi đi học nghề điện tử và về quê mở cửa hàng sửa chữa lặt vặt.
Năm 2000, bên Hàn Quốc tuyển người đi học rồi vào làm cho nhà máy sản xuất nhựa, tôi đăng kí và được đi. Học xong, tôi được về làm trong nhà máy sản xuất nhựa và ống nhựa của họ. Cạnh nhà máy là cánh đồng trồng lúa của những người nông dân Hàn Quốc.
Tại đây, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cái máy cấy, họ cấy chỉ một giờ đồng hồ mà bằng nông dân mình làm cả ngày. Lúc đó, trong tôi đã bắt đầu “mơ” về một chiếc máy cấy cho người nông dân Việt Nam”.
Ông Nghĩa kể, ngày nào ông cũng mải miết theo dõi những chiếc máy cầy “kỳ diệu”ấy. Ông đã quyết tâm đến gần và chụp ảnh lại chi tiết của chiếc máy cầy Hàn Quốc để nghiên cứu. Năm 2005, ông Nghĩa về nước.
Sẵn có ít vốn trong tay, ông chuyển sang buôn bán vật liệu xây dựng và mua thêm chiếc ô tô để chạy “dịch vụ”. Công việc nhàn hạ, thu nhập cũng vào loại “khủng” ở vùng quê nghèo Tiền Hải, nhưng trong đầu ông vẫn luẩn quẩn ý tưởng về chiếc máy cấy.
Bán ô tô để… lội bùn
Rồi một ngày, ông gọi người đếm bán chiếc ô tô đi.
Ngày khách đến mua xe, vợ ông ngạc nhiên hỏi lý do, ông bảo ngồi ô tô nhiều đau lưng, lại thêm bệnh tật. Sau đó, ông mua mảnh ruộng rồi tự tay cày, cấy, vợ ông cũng chỉ biết thở dài. “10 người thì có 9 người nghĩ tôi bị dở hơi. Nghe vậy, biết vậy, nhưng việc tôi, tôi cứ làm, thiên hạ nói gì mình cũng kệ” – ông Nghĩa kể.
Ông Nghĩa cứ lầm lũi làm một mình, từ cày bừa, đến cấy hái. Những lúc như thế, ông lại suy nghĩ về chiếc máy cấy. Ông bảo: “Tôi cấy theo cách truyền thống thì ngẫm ra được nhiều vấn đề lắm.
Lúc đó tôi mới hiểu tại sao trên cùng một thửa ruộng lại có chỗ lúa tốt, có chỗ chỉ lưa thưa vài bông.
Ấy là do tay người cấy. Có người khi cấy ấn sâu quá, có người ấn cạn quá nên thửa ruộng khi lúa lớn lên không đều nhau, năng suất sẽ giảm đi… Thế nên, tôi nghĩ, chiếc máy cấy của mình sẽ phải giải quyết được tất cả những khúc mắc đó”.
Ông Nghĩa bắt đầu đi đến những nơi mà người dâ sử dụng máy cấy nhập khẩu để tìm hiểu nguyên lý và tính năng của từng loại máy, loại đất.
Ông thấy chiếc máy cấy to cồng kềnh, phun khói mù mịt đưa xuống ruộng đã “đè” lên nền đất một trọng lượng rất lớn nên khi cấy lại rơi vào tình trạng “cây thấp, cây cao”.
Từ nhận định này, ông Nghĩa bắt đầu thiết kế chiếc máy cấy cho riêng mình. Những bức ảnh từ ngày ở Hàn Quốc được đưa ra làm tư liệu. Không phải kỹ sư, không được đào tạo về máy móc, nhưng những ý tưởng hình dung về chiếc máy cấy luôn được ông vẽ ra, dù rất nguệch ngoạc.
Thế rồi những chi tiết đầu tiên về chiếc máy cấy được hình thành. Ông Nghĩa xác định, nó phải thật nhẹ để người già cũng có thể đẩy được, cũng phải thật đơn giản để người dân dễ nắm bắt, điều khiển và tất nhiên nó sẽ không có động cơ để tiết giảm chi phí cho người nông dân.
Lúc đó, khung máy đã hoàn tất, ông Nghĩa đã giải được bài toán về cân nặng, về di chuyển máy nhưng để chiếc máy hoạt đông đúng như ý muốn và tạo ra những hàng cấy thẳng tắp, đều đặn thì rất khó.
Từ “tai tiếng” thành nổi tiếng
Ông Nghĩa kể: “Tôi đi tìm các chi tiết máy, có những thứ rất khó tìm. Có lần tôi đến một cửa hàng chuyên bán phụ tùng máy móc, tôi tả cho họ về cái vòng bi mình muốn mua.
Nghe một hồi họ bảo: “Ông tả thế đến bố tôi cũng không tìm được”. Thế là tôi phải chuyển hướng, thấy cái vòng bi nào cũng mua về để thử nghiệm. Vất vả nhất là lúc tôi chế bánh răng cho máy cấy.
Cái thứ ấy rất sẵn trên thị trường, nhưng đem nó về hoạt động không chính xác. Tôi mày mò tự cắt bánh răng theo kích thước mình nghĩ ra, khi lắp vào nó cũng không hoạt động”.
Đang lúc chán nản, thấy cậu con trai đạp xe về tới nhà vứt chỏng chơ ở sân, ông Nghĩa chạy lại và nghĩ sao không lấy bánh răng xe đạp làm thử. Thế là ông lắp cái bánh răng xe đạp vào, máy chạy trơn tru mới lạ chứ.
Tháng 10/2014, ông Nghĩa làm xong chiếc máy cấy đầu tiên và đem thử nghiệm, nhưng thất vọng ngay sau luống cấy thứ hai. Máy gì mà luống cấy chỗ thưa chỗ đậm, chỗ cấy xong cây mạ nổi lên luôn mặt ruộng.
Tối đó về nhà, ông thắp điện nghiên cứu và phát hiện cái mỏ cấy sau khi ấn mạ xuống nó dính bùn và tiện thể nhổ luôn cây mạ lên.
Lại mất thêm mấy tuần mày mò để xử lý chiếc mỏ cấy, ông Nghĩa đưa máy ra thử nghiệm lại và lần này, những luống mạ đã đều tăm tắp. Chiếc máy nhờ có phần bệ được cấu tạo bằng tấm tôn to, phẳng nên di chuyển rất nhẹ.
Thao tác cấy giống như người đi xe đạp dùng tay bóp nhả phanh. Liên tiếp những ngày sau đó, ông Nghĩa đem máy cấy đi thử tại nhiều địa hình đồng ruộng khác nhau, với nhiều nền đất cày ải khác nhau và đều thu được kết quả tốt.
Ông Nghĩa kể: “Lúc tôi đưa máy ra lòng sông cạn, nhiều người đi qua bảo sao thiết kế ra cái máy cào ngao lạ thế?”.
Chiếc máy cấy mà ông Nghĩa ấp ủ bao năm cuối cùng cũng thành công, những lần thử nghiệm sau đó luôn cho kết quả tốt. Công suất nhanh bằng 7-8 người làm, có thể cấy xong 4 sào/ngày.
Do máy không có động cơ nên rất thân thiện với môi trường. Khi sáng chế của ông được phát trên Đài truyền hình Việt Nam cũng là lúc điện thoại của ông luôn trong tình trạng… máy bận.
Ông Nghĩa tâm sự: “Bà con nông dân cả nước gọi về nhiều lắm, ai cũng muốn mua một chiếc để sử dụng, làm không xuể.
Cũng có người đến tìm tôi, họ bảo ưu tiên cho họ mua trước, tiền trả gấp đôi nhưng tôi từ chối. Anh đến sau, anh phải đợi. Mình làm cho bà con nông dân, không thể vì tiền mà khiến bà con thất vọng”.
Chân đất hay chân đi dép thì cũng phải ước mơ
Trong suốt cuộc nói chuyện, ông Trần Đại Nghĩa kể với chúng tôi nhiều ước mơ của mình.
Nhìn người nông dân đứng trên chiếc máy cấy với niềm tự hào lộ ra trên khuôn mặt, chúng tôi dù có chút “băn khoăn” về những ước mơ tiếp theo của ông thì vẫn thấy được sự quyết tâm đến từ bên trong con người ấy.
Ông Nghĩa hóm hỉnh: “Bây giờ họ gọi tôi là “nhà phát minh chân đất” thấy cũng vui. Nhưng mà, “chân đất” hay “chân đi dép” thì đầu tiên vẫn phải ước mơ rồi sau đó mới gắng làm để cho thành hiện thực được”.
|
(Theo Thanh Sơn/ báo Xuân Gia đình & Xã hội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét