(quân lính Đức tại Paris)
Giữa hai dân tộc nước Pháp và
nước Đức đã từng có một sự hận thù nặng nề ghê gớm kéo dài trong nhiều thế hệ,
phát sinh từ ba cuộc chiến tranh liên tục, bắt đầu từ năm 1870 với cuộc chiến
tranh Pháp – Phổ (franco-prussian war), rồi đến đệ nhất thế chiến 1914 – 1918,
và sau cùng là đệ nhị thế chiến 1939 – 1945.
<!->
Nhưng kể từ giữa thập niên 1950,
hai nước này đã vượt qua được sự thù hận ân oán lâu đời đó, để mà cùng hợp tác
chặt chẽ với nhau nhằm góp phần cực kỳ quan trọng vào việc xây dựng được một
khối thị trường chung Âu châu (European Common Market). Và rồi tiến tới thêm
một bước kỳ diệu nữa, đó là thiết lập được một thực thể chính trị kinh tế quan
trọng bậc nhất trong thế giới hiện đại, tức là tổ chức Liên Hiệp Âu châu
(European Union EU), mà hiện gồm có 27 quốc gia thành viên, với dân số tổng
cộng là 500 triệu người, với đơn vị tiền tệ chung gọi là đồng euro, và tổng sản
lượng quốc gia GDP lên đến 20 ngàn tỷ dollar (20 trillion).
Sự hòa giải và hợp tác giữa
hai quốc gia cựu thù này có thể được coi là một sự kiện nổi bật nhất trong lịch
sử của Âu châu nói riêng, cũng như của cả thế giới nói chung, trong thời cận
đại kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt vào năm 1945, cho đến đầu thế kỷ XXI
của chúng ta ngày nay. Cái thành tựu vĩ đại và ngoạn mục như thế là do sự đóng
góp về cả trí tuệ và về cả tâm hồn của biết bao nhiêu nhân vật xuất chúng từ
phía cả hai dân tộc Pháp và Đức. Và bài viết này xin được ghi lại cái quá trình
phục hồi và xây dựng hết sức tích cực của một số nhân vật kiệt xuất đó.
Để bạn đọc dễ dàng theo dõi
câu chuyện, người viết xin trình bày sơ lược về bối cảnh lịch sử tại khu vực Tây
Âu, trước khi mô tả chi tiết về tiến trình hòa giải và hợp tác của hai nước
Pháp và Đức trong nửa sau của thế kỷ XX.
I – Bối cảnh lịch sử cận đại
tại Tây Âu.
Như ta đã biết vào năm 1870,
nước Pháp do Napoleon III lãnh đạo đã bị thất trận nhục nhã trước đội quân tinh
nhuệ của nước Phổ (Prussia ) dưới
thời cầm đầu của thủ tướng Bismarck .
Việc thất trận này đưa đến sự thóai vị của Hòang Đế Napoleon III và sự giải thể
của nền Đệ nhị Đế chế ( the Second Empire) và sự ra đời cùa nền Đệ Tam Cộng Hòa
( the Third Republic) của nước Pháp. Nhưng nước Pháp lại còn mất cả vùng đất
Alsace-Lorraine ở phía đông bị chuyển vào tay người Đức - (do nước Phổ sáp nhập
hợp thành nước Đức thống nhất vào đầu thập niên 1870)-. Đây là cả một nỗi cay
đắng hận thù sâu đậm của dân Pháp đối với người Đức. Chỉ cần đọc bài viết “
Buổi học cuối cùng” (La derniere classe) của nhà văn Alphonse Daudet, ta cũng
đủ thấm thía cái nỗi niềm tủi nhục uất hận của người dân Pháp trong vùng đất bị
tước đọat này.
Tiếp theo vào năm 1914 - 18,
lại xảy ra cuộc thế chiến thứ nhất giữa phe Đức – Áo và phe Đồng Minh do Pháp –
Anh đứng đầu. Cuộc chiến tranh này gây thiệt hại rất nặng cho cả hai nước Đức
và Pháp. Vì Đức cuối cùng bị thua trận, nên vùng đất Alsace-Lorraine lại trở về
với Pháp. Nhưng vì nước Đức bại trận bị đối xử quá khắc nghiệt, nên người Đức
thật bất mãn, hận thù phe Đồng Minh, đặc biệt đối với dân tộc láng giềng là
Pháp.
Cho nên, đến năm 1939 lại xảy ra thế chiến thứ
hai rất tàn bạo khủng khiếp, mà bắt đầu vào năm 1940 nước Pháp thua trận và bị
quân đội Đức quốc xã của Hitler chiếm đóng với sự đàn áp hết sức tàn bạo khốc
liệt. Vì thế mà mối hận thù giữa hai dân tộc Pháp-Đức lại càng thêm nặng nề bi
đát. Rốt cuộc, năm 1945 nước Đức lại thua trận nữa, và cả Âu châu bị tàn phá
kiệt quệ với hàng chục triệu nhân mạng bị tiêu vong.
Như vậy là chỉ trong vòng 70
năm từ năm 1870 đến năm 1940, giữa hai dân tộc Pháp và Đức đã xảy ra 3 cuộc
chiến tranh đẫm máu với bao nhiêu triệu người bị giết và tàn phế, bao nhiêu tài
sản bị hủy họai, và nhất là sự căm thù giận ghét mỗi ngày lại càng thêm chồng
chất tích lũy giữa hai bên.
II – Quá trình Hòa giải và
Hợp tác Pháp – Đức sau năm 1945.
Sau khi cuộc chiến tàn bạo dã
man kết thúc, người dân hai nước bàng hòang trước sự đổ nát hoang tàn và kiệt
quệ về mọi mặt. Rồi tiếp liền theo là cuộc chiến tranh lạnh gay go căng thẳng
giữa hai phe cộng sản do Liên Xô lãnh đạo và phe tư bản do Mỹ dẫn đầu. Nhằm lôi
kéo khu vực Tây Âu về phía mình, kể từ năm 1948 nước Mỹ đã hào phóng viện trợ
đến trên 13 tỉ dollar cho các quốc gia đồng minh tại đây thông qua một chương
trình tái thiết Âu châu, mà thường được gọi là kế hoạch Marshall.
Nhưng vai trò chủ yếu trong
công cuộc phục hồi, tái thiết và hòa giải ở Tây Âu là do các nhà lãnh đạo chính
trị có tầm vóc đặc biệt lớn lao, điển hình như thủ tướng Konrad Adenauer của
Tây Đức, ngọai trưởng Robert Schuman của Pháp, và đặc biệt là kế hoạch gia đại
tài với viễn kiến sâu sắc Jean Monnet người Pháp. Đã có quá nhiều sách báo viết
về sự đóng góp đồ sộ làm nền móng vững chắc cho sự tiến bộ của Âu châu từ trên
65 năm nay của những nhân vật chính trị kiệt xuất này, cho nên tôi thấy không
cần phải trình bày dài dòng chi tiết thêm nữa về họ.
Mà đúng theo với nhan đề của
bài này, tôi muốn viết về một nhân vật tiêu biểu của Xã hội Dân sự ở Âu châu,
mà có sự đóng góp thật vĩ đại vào tiến trình hòa giải của hai dân tộc Pháp và
Đức trong mấy thập niên gần đây. Nhân vật lỗi lạc đó chính là bà Irène Laure
người Pháp, mà tôi xin dành được đề cập đến với nhiều chi tiết hơn trong phần
tiếp theo liền sau đây.
III – Câu chuyện của Irène
Laure (1898 – 1987).
Irene Laure xuất thân là một
cán sự điều dưỡng và đã từng giữ nhiệm vụ quản lý bệnh viện. Victor người chồng của bà là một thủy thủ và
là môn đệ của nhà lãnh đạo cộng sản Pháp Marcel Cachin. Trong thế chiến thứ
hai, Irène tranh đấu trong hàng ngũ kháng chiến tại vùng hải cảng Marseille
chống lại quân Đức quốc xã. Bà có người con trai bị mật vụ Gestapo tra tấn tàn
bạo, nên đã có sự căm thù tột cùng đến độ mong cho mọi người dân Đức phải chết
hết, và “quốc gia này phải bị xóa bỏ khỏi bản đồ của Âu châu”. Sau khi chiến
tranh kết thúc, Irène được bầu vào Quốc hội Lập hiến và làm Tổng thư ký của tổ
chức “Phụ nữ Xã hội Pháp” với số đòan viên thời đó lên tới 3 triệu người.
Tháng chín năm 1947, Irène
đến tham dự một hội nghị quốc tế tại thành phố Caux Thụy sĩ, cùng với nhiều đại
biểu từ các nước Âu châu. Hội nghị này là do tổ chức Moral Re-Armament MRA (Tái
Võ trang Tinh thần) đảm trách, nhằm quy tụ nhiều nhân vật văn hóa xã hội, tôn
giáo để cùng nhau trao đổi về vấn đề tái thiết Âu châu. Sẵn có sự căm thù đối
với người Đức, Irène đã chuẩn bị rời bỏ Hội nghị khi được biết là có một số
người dân Đức cũng tham dự cuôc gặp mặt này. Nhưng bà đã ngưng chuyện bỏ về,
khi được một người trong Ban Tổ chức nói với Irène rằng : “Bà là một người theo
khuynh hướng quốc tế xã hội, làm sao mà bà lại có thể tái thiết được Âu châu,
nếu bà loại trừ cả một dân tộc Đức?”
Dẫu vậy, khi được mời ăn bữa trưa
với một phụ nữ Đức, thì Irène đã bị “xốc rất nặng”, đến nỗi phải nằm lì trong
phòng suốt hai ngày đêm liền, không ăn không ngủ. Bà bị dằn vặt trăn trở với
lửa hận thù còn ngùn ngụt nóng chảy trong tâm can, và cầu xin ơn trên hướng dẫn
soi sáng cho mình. Sau cuộc tranh đấu nội tâm gay go căng thẳng này, Irène đã
lấy lại được sự bình tĩnh và chấp nhận đến gặp người phụ nữ Đức như đã được
giới thiệu cách đó mấy bữa.
Trong bữa ăn này, Irene không
hề động đến món nào, mà lại xổ ra tất cả những gì đã chất chứa trong lòng mình sau khi đã trải qua bao nhiêu sự tàn bạo của
quân đội Đức quốc xã. Rồi bà nói với người đối diện : “Tôi phải nói ra tất cả
chuyện này, vì tôi muốn được giải thoát khỏi nỗi giận ghét này “ (I want to be
free of this hate).
Một sự im lặng kéo dài. Thế rồi người phụ nữ Đức mới lên tiếng, chia sẻ với Irène về
những gì bản thân mình đã trải qua trong thời chiến tranh. Bà này tên là
Clarita von Trott có chồng tên là Adam vốn là một người chủ chốt trong vụ âm
mưu ám sát Hitler vào ngày 20 tháng Bảy năm 1944. Âm mưu thất bại và Adam bị tử
hình, để cho một mình Clarita phải nuôi nấng hai đứa con. Clarita tâm sự với
Irène : “Người Đức chúng tôi đã không chống đối đủ, đã không chống lại chế độ
quốc xã sớm hơn và với quy mô đủ lớn, và chúng tôi đã đem lại cho chị và cho
chính mình và cho cả thế giới những đau khổ đầy đọa dằn vặt không sao kể cho
xiết được. Tôi muốn nói lời xin lỗi với chị “ (I want to say I am sorry).
Sau bữa ăn này, hai bà phụ nữ
cùng các thông dịch viên đã yên lặng ngồi trên gác thượng nhìn xuống hồ Geneva . Rồi Irène lên
tiếng nói với người bạn mới người Đức rằng bà tin tưởng là nếu cả
hai người cùng cầu nguyện, thì Thiên chúa sẽ giúp họ. Irène cầu kinh trước, xin
cho mình được giải thoát khỏi lòng hận thù để có thể còn xây dựng được tương
lai. Và rồi đến lượt Clarita cầu nguyện bằng tiếng Pháp. Irène bất giác đặt tay
trên đầu gối của kẻ thù địch trước đây của mình. Sau này, Irène tâm sự : “Từ
lúc đó, cây cầu bác ngang qua sông Rhin đã được xây dựng, và cây cầu đó đã đứng
vững mãi, không bao giờ gẫy đổ được.” (And that bridge always held, never
broke)- (Ghi chú : Sông Rhin là biên giới giữa hai nước Pháp và Đức).
Cuối cùng Irène đã phát biểu
trong một phiên họp khoáng đại của Hội nghị trước sự hiện diện của 600 tham dự
viên. Bà nói : “Tôi đã thù ghét nước Đức đến độ muốn thấy
nước này bị xóa bỏ khỏi bản đồ châu Âu. Nhưng tại đây, tôi thấy sự hận thù của
mình là điều sai lầm. Tôi xin lỗi và tôi mong được xin tất cả các bạn người Đức
có mặt nơi đây tha thứ cho tôi…” Liền sau đó, một phụ nữ Đức bước lên và nắm
tay bà Irène. Sau này Irène thuật lại : “Lúc đó, tôi biết rằng tôi sẽ dành hết
cuộc đời còn lại của mình để đem cái thông điệp của sự tha thứ và hòa giải này
đến khắp thế giới.”
Và quả thật vào năm sau 1948, Irène cùng chồng
là Victor đã qua bên nước Đức suốt 3 tháng , đi khắp nơi để tham dự 200 phiên
họp và phát biểu tại Quốc hội của 10 tỉnh bang của xứ này. Ở đâu, bà cũng nói
lời xin lỗi của mình. Và đổi lại, thì cũng có rất nhiều vị tướng lãnh và sĩ
quan, cùng các chính khách người Đức cũng đều lên tiếng xin lỗi với bà.
Và đó là bước khởi đầu cho cả
một quá trình lâu dài của sự hòa giải và hàn gắn giữa hai dân tộc Pháp và Đức,
ngay từ hạ tầng cơ sở của quảng đại quần chúng nhân dân tại hai nước. Giới nghiên cứu chính
trị xã hội tại Âu châu đã ghi nhận rõ rệt sự kiện tích cực hết sức quan trọng
này là: Có đến trên 5,000 những Hội Thân Hữu Đức – Pháp tại khắp các địa phương
của hai nước và tất cả đều hăng say hoạt động cổ võ cho tinh thần hiếu hòa
thông cảm và hiểu biết chân thành giữa hai dân tộc Pháp và Đức.
Vì thế mà chúng ta có thể nói là cái “phong trào quần chúng tự phát này” là
một biểu hiện sinh động của Xã hội Dân sự tại hai quốc gia vốn là cựu thù lâu
năm với nhau. Và phong trào đó thực sự đã có tác động mãnh liệt thúc đảy cho
tầng lớp lãnh đạo chính trị tại hai quốc gia này thực hiện mau chóng sự Hòa
giải và Hợp tác Hội nhập giữa hai dân tộc và rõ ràng cũng đã góp phần chủ yếu
vào công cuộc xây dựng thành công cho Liên Hiệp Âu châu như ta thấy ngày nay ở
thế kỷ XXI vậy./
California, Tháng Hai 2011
Đoàn Thanh Liêm
Ghi
Chú
(Được ghi thêm vào cuối
năm 2015)
1 – Vào năm 2002, nhân tham dự khóa Hội thảo được tổ chức mỗi năm vào tháng
5 và 6 bởi Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI =Summer Peacebuilding Istitute)
thuộc Đại Học Eastern Mennonite University (EMU) tại thành phố Harrisonburg,
Virginia – tôi được xem một video trình bày về hoạt động của Bà Irene Laure
nhằm góp phần hòa giải giữa hai dân tộc Pháp và Đức sau thế chiến 2. Rồi qua sự
tìm kiếm thêm thông tin trên Internet, tôi lại có thêm được tài liệu để hoàn
thành được bài viết này.
Bạn đọc có thể đào sâu vấn đề bằng cách gõ chữ Irene Laure trên Internet,
thì sẽ được hướng dẫn tìm kiếm thêm nhiều chi tiết lý thú liên quan đến nhân
vật kiệt xuất này, kể cả hình ảnh của bà nữa.
2 – Nhân tiện, tôi cũng xin giới thiệu sơ lược về Viện SPI là một cơ sở
thuộc Đại Học EMU. Từ trên 20 năm nay, SPI đều tổ chức những khóa Hội thảo hàng
năm vào các mùa hè – nhằm quy tụ những sinh viên cũng như những nhà hoạt động
văn hóa xã hội từ nhiều quốc gia trên thế giới để cùng trao đổi học hỏi với
nhau về những kinh nghiệm cụ thể trong các lãnh vực Chuyển Hóa Tranh Chấp
(Conflict Transformation), Hàn Gắn Chấn Thương (Trauma Healing), Trung Gian Hòa
Giải (Mediation) v.v...
Các cuộc Hội thảo này đều được chuẩn
bị khá chu đáo và do các giảng viên của EMU đảm trách việc hướng dẫn điều khiển
những cuộc thảo luận theo chủ đề riêng biệt cho từng lãnh vực cụ thể.
Thủ tục ghi danh tham dự SPI thường được phổ biến vào Tháng Giêng mỗi năm.
Xin mở website www.emu.edu/spi để biết thêm các chi tiết.
Trong nhiều năm gần đây, đã có một
số tu sĩ, sinh viên và nhà hoạt động xã hội người Việt tham dự các khóa Hội
thảo SPI này
Bản thân tôi đã tham dự tất cả 4 khóa của SPI trong các năm 2001, 2002,
2007 và 2008 và đã quen biết được rất nhiều bạn hữu quốc tế qua những khóa Hội
thảo này của SPI./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét