Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm - Cao Đắc Vinh


(nhạc sĩ Văn Cao)
Bố tôi là một cụ già sống trên trăm tuổi. Cụ ra đi chiều 20 tháng chạp 2014 gần ngày lễ Giáng Sinh. Chuyện tôi sắp kể là tâm tình vây quanh cảnh đời ở tuổi trăm năm: chật vật, khó khăn, buồn nhiều hơn vui...! Riêng tư đấy mà sao những ai từng sống với cha mẹ già đều cảm thấy như cùng mang một tâm sự chung. Hãy đọc rồi sẽ hiểu và mỗi chúng ta may ra tìm được lời kết cho mình và cho người.<!->

Chuyện đời hệ lụy này chỉ xảy ra trên đất Mỹ? Nghĩ thế có phần thiển cận. Bổn phận, trách nhiệm, ích kỷ, trắc ẩn, siêng năng hay lười biếng xưa nay vẫn nằm sẵn trong tình người. Năm tháng qua lặng lẽ, tình trôi theo dòng đời, cuốn tròn vào văn minh thời đại... Cũng có khúc sông nước còn tinh khiết nhưng nhiều nơi đã bị ô nhiễm, do chính trị mà đạo đức suy đồi chẳng hạn bờ đê Cửu Long nước ta.

Nếu chỉ sống với cha mẹ già một ngày như câu truyện “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm” hẳn các con sẽ dễ dàng đối phó. Không ai sợ gian nan khó nhọc vì xoay chuyển dễ dàng, tình tiết đôi khi còn thấy ngộ nghĩnh, năm thì mười họa được dịp vui với tuổi già, nhiều người cười ra nước mắt như đang đùa giỡn với tuổi thơ. Ngược lại, sống bên các cụ ở tuổi trăm năm để giúp đỡ và lo lắng năm này qua tháng nọ thì hoàn cảnh sẽ không dễ nói dễ làm mà vấn đề trở thành khó khăn ngay tức thì. Đây là chuyện nhân duyên đại sự mang tính “trường kỳ kháng chiến”, sẵn sàng khổ cực nếu nuôi cha mẹ già tại gia vì thế gia đình đông anh chị em thường chia sẻ trách nhiệm mong sao cho bổn phận được vuông tròn.

Nhìn bao quát việc làm có ý nghĩa này, tuy vẫn biết “một cánh én không làm nổi mùa xuân” nhưng thực tế thường là cảnh “một cánh én khắc khoải trước mùa xuân” xảy ra đa số giữa các gia đình nơi đây... Xuân về hoa nở, yêu hoa én lượn... Hoa cần sương mai nước cạn để sống còn thì chim chỉ biết đậu cành chờ mưa tới! Nếu may mắn trong bầy én có con nào tình nguyện làm chim đầu đàn thì nó sẽ chịu trận với cơn gió bão đầu mùa, nhìn cả đoàn chíu chít bay theo rồi ngạc nhiên bỗng thấy chúng... lo tìm nơi ẩn náu!

May mắn hay bất hạnh, cũng có nhiều cụ bắt phải nhập viện dưỡng lão nhưng ngân sách nước Mỹ nay cạn kiệt nên không còn dễ dàng như trước. Các con đành chăm sóc cha mẹ tại gia giữa tình thương và bế tắc. Xã hội xưa nay ở nước ta thường mua tự do, bán bổn phận... mướn người ăn ngủ trông coi ngày đêm ngay cạnh giường các cụ nhưng nói cho cùng, việc ấy chỉ giải quyết được phần vật chất chứ tinh thần thì không! Xứ Mỹ nhân công đắt đỏ khó đua đòi nhưng hàng tháng lại được chính phủ giúp đỡ một số tiền nhỏ. Sự kiện này đôi lúc cũng nảy sinh xích mích giữa các con vì người rộng lượng kẻ hẹp hòi khi phải góp công góp của bù đắp thêm phần chi tiêu thiếu hụt cho người già có cuộc sống đầy đủ hơn.

Con nào cũng thương cha mẹ cả. Yêu xa yêu gần, âm thầm hay bộc lộ mỗi đứa mỗi cách nhưng thường chung một hành động là thương để bụng, nói nhiều làm ít, nói càng hay làm càng dở, biện luận quanh co lẩn trốn trách nhiệm. Tình huynh đệ tựa như “chim cùng lông, bay cùng đàn” và theo tục lệ Á Đông, khi cha mẹ già sắp mãn phần, gia đình gặp khó khăn thì vai trò nguời con cả trở nên quan trọng. Chẳng may gặp người anh hay người chị phóng khoáng, dửng dưng với trách nhiệm thì tội nghiệp các em như rắn mất đầu nên gia đình thường thấy cảnh rối loạn bất đồng.

Cái vòng luân hồi chẳng chừa một ai, trẻ hóa già rồi cụ già lại trở về tâm tính con trẻ khi các tế bào não theo năm tháng từ từ chết dần... Người già sống quá trăm tuổi đầu óc lú lẫn cần để ý chăm sóc sáng chiều như đứa trẻ cần cha mẹ nuôi nấng lúc sinh ra từ miếng ăn thức uống đến tắm rửa vệ sinh. “Trẻ cậy cha, già cậy con” thế thời là thế nhưng thực tế, vế thứ hai “già cậy con” không phải là chuyện đương nhiên vì nó còn tùy vào nhiều yếu tố như tính tình và điều kiện vật chất của từng đứa con.

Có gì lạ đâu? Cùng một dạ nhưng “cha mẹ sinh con trời sinh tánh”. Khi trưởng thành, mỗi đứa có hoàn cảnh và tánh tình khác nhau... Giầu hay nghèo, nặng tình hay nặng tiền, hào phóng hay tính toán, rộng lượng hay chi li hà tiện... người dễ dãi kẻ khó khăn, đứa thành thật đứa ma giáo, đủ khuôn mặt quay cuồng quanh cha mẹ già trong cái cảnh đời “anh em kiến giả nhất phận”.

Suy ra bởi những bản chất đối nghịch này, hiển nhiên con cái đối xử với cha mẹ già sẽ khác nhau vì thế câu chuyện báo đền ơn nghĩa, mọi người đồng nhất từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động là chuyện hy hữu chỉ thấy trong thi ca hoặc vài gia đình đầy đủ phúc đức. Người xưa đã nhận định cái nhân tình thế thái với một câu nói chua cay “mười con không nuôi nổi (bố) mẹ già” rồi ví von bằng hiện tượng khoa học chắc như bắp: bao giờ “nước mắt (cũng) chẩy xuôi” vì thuận dòng và chỉ ngược dòng khi thân xác đó đã nằm xuống. Chao ôi... buồn thay cho cái “lá đa” sự đời!

Câu truyện “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm” khuyên chúng ta không nên chúc nhau “bách niên giai lão” bởi vợ chồng lo cho nhau không bao giờ cùng sống đời trăm tuổi. Xứ văn minh, họ bỏ ống mua bảo hiểm để tuổi già có sẵn nơi ăn chốn ở và chuyên viên chăm sóc... Đa số người Việt vẫn đặt niềm tin vào con cái, nghĩ rằng tuổi gần đất xa trời phải sống xa con cháu với ngày hai bữa cùng thuốc men bệnh tật giữa những kẻ lạ là vô phước. Chẳng ai biết trước được chuyện đời, sẽ có kẻ đi trước để lại cái nợ trăm năm cho các con thừa kế là chuyện buồn nhiều hơn vui... Sinh lão bệnh tử mà thọ ngoài giới hạn chắc chắn sẽ gặp toàn khổ đau và chịu đựng. Người già hết nằm lại ngồi, thơ thẩn với tâm trạng u mê tự kỷ, con cái cho tiền nhưng khó cho thời giờ nên lúc nào cũng mang mặc cảm bị bỏ rơi... Do đó, họ hay gắt gỏng than thân trách phận chưa kể nỗi đau hành hạ đêm ngày do bệnh tật gây ra. Cha mẹ sống quá già trên tuổi trăm năm thường tự đánh mất nhân phẩm, các con mỗi sáng thức dậy soi gương thấy tủi hổ vì lỗi lầm nặng nhẹ do bổn phận bất toàn.

“Ắt có và đủ” là hai điều kiện căn bản để nuôi cha mẹ già tại gia. “Ắt có” là phải nặng tình, gọi nó bằng chữ hiếu thảo, biết ơn, tạ ơn hay nợ nần gì cũng được... và “Đủ” là sự hy sinh nhẫn nại kiên trì... Cái điều thứ nhất “Ắt có” hiện hữu dễ dàng trong lòng các con, ai cũng hiểu và biết ơn cha mẹ ban cho ta cuộc sống nhưng chẳng may các cụ thân sinh chật vật sống tuổi già thì ơn sâu nghĩa nặng ấy phải cần chữ “Đủ” để báo đền. Chữ “Đủ” này nên nắn nót viết hoa, chẵn một chữ chứ đừng bao giờ nghĩ “đu đủ” cũng là “Đủ” rồi ngày chẵn ngày lẻ dễ dàng “bán cái” để các cụ lẻ loi một mình.

Năm cũ sắp hết, xuân mới lại về, diễm phúc có người đứng trước cha mẹ già mừng tuổi thọ để hạnh phúc thấy bông hồng đỏ cài lên áo mình. Bạn có tin số mệnh không? Kinh nghiệm cho tôi biết phải cao số lắm mới sống ngoài trăm tuổi, trường hợp này vẫn còn hiếm hoi ở thế kỷ 21. May mà ở vào hoàn cảnh tôi, bạn ơi, hãy hy sinh, nở nụ cười tươi như một biểu tượng lạc quan bên cạnh các đấng sinh thành bởi mọi bi quan vô trách nhiệm sẽ nhanh chóng biến thành hối tiếc khi người về nơi chín suối! Làm con ai cũng mang ít nhiều ân hận, tôi cũng thế và sẽ kể tiếp những câu chuyện buồn ấy vào một dịp khác.

Để kết luận, có lẽ câu nói “đa thọ đa nhục” kèm theo đa sầu đa khổ là đúng! Hình như Quốc hội Cali sắp phê chuẩn cho quyền sống hay chết và khi đã hiểu “Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm”, xuân này chắc tôi sẽ ngập ngừng nếu phải chúc thọ những cụ gần kề với tuổi trăm năm, còn bạn thì sao?

12/07/2015
Cao Đắc Vinh

Không có nhận xét nào: