(Thời sự) - Với việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trên vùng biển Việt Nam và liên tục điều tàu hung hăng tấc công tàu Việt Nam, đã đến lúc chúng ta phải đưa cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế về Luật Biển, bắt đầu cuộc đấu tranh pháp lý quốc tế. Đây là thời điểm vàng nếu nhân nhượng, không khởi kiện Trung Quốc, chúng ta sẽ mắc tội lớn đối với dân tộc.<!->
Trong suốt quá trình giải quyết các tranh chấp về biển Đông, Việt Nam đã thể hiện thiện chí qua các cơ chế song phương và đa phương nhưng Trung Quốc luôn tráo trở, thỏa thuận một đằng làm một nẻo.
Vụ giàn khoan HD-981 là sự khởi đầu cho một quá trình mới – giai đoạn thứ sáu của việc Trung Quốc xâm chiếm khu vực biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Đó là hành động quân sự kết hợp thăm dò khai thác liên quan đến mưu đồ kiểm soát tất cả các vùng biển và lãnh hải, thềm lục địa Việt Nam trong “đường lưỡi bò” mà họ tự vẽ ra. Đây là mưu đồ lâu dài, vì vậy, ngoài các biện pháp đấu tranh về ngoại giao, tuyên truyền thì việc chúng ta đưa vụ việc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc là thích hợp và chính đáng vì đó là con đường đấu tranh bằng hòa bình và công lý.
Về cơ sở pháp lý để thắng kiện, chúng ta có đầy đủ, bởi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam. Như phân tích của nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục: “nếu ta đưa vụ kiện này lên các cơ quan Trọng tài, Tài phán quốc tế thì chắc chắn Việt Nam sẽ thắng lợi”.
“Ngoài việc Chính phủ khởi kiện ở Tòa án Công lý Quốc tế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể kiện Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc ra Toà dân sự” – TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển nhận định.
Vậy chúng ta sẽ được gì, mất gì khi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế? Trước hết, chúng ta bảo vệ được chủ quyền biển đảo mà Trung Quốc đã xâm phạm lâu nay, làm rõ được đúng – sai trong vấn đề biển Đông. Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất.
Đồng lòng cùng Chính phủ khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế
Trước mắt có thể, quan hệ với Trung Quốc sẽ căng thẳng, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ cấm vận kinh tế, về ngắn hạn sẽ gây không ít khó khăn nhưng về trung và dài hạn thì sẽ có lợi cho Việt Nam. Cụ thể là chúng ta có điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế và cải tiến các mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác thị trường theo những hướng mới mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện. Nền kinh tế Việt Nam sẽ độc lập, tự chủ và lành mạnh hơn.
Nhìn vào hai năm Trung Quốc cấm vận kinh tế Philippines thì thấy mặt thiệt hại cũng không có gì là ghê gớm, hiện nước này đã lấy lại thăng bằng và phát triển tốt, năm vừa rồi là tốt nhất Đông Nam Á. Sau khi Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc đã tìm cách đấu dịu và đề nghị các giải pháp thỏa hiệp để Philippines rút đơn kiện nhưng quốc gia này không để mình bị mắc lừa.
Thứ hai, Việt Nam không cô độc. Bởi cộng đồng quốc tế đã nhìn rõ chân tướng của một nước lớn nhưng lòng dạ nhỏ hẹp. Cách hành xử của nhà cầm quyền Trung Quốc là thậm tệ trong mắt thế giới và các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á, nên ASEAN đã lập tức đứng về phía Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này. Nói như Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Ngoài sức mạnh của hơn 90 triệu người, thì chúng ta còn có cái mà Trung Quốc không có. Thứ nhất chính là pháp lý. Điều thứ hai mà Trung Quốc không có là thế giới cô lập họ và thế giới ủng hộ chúng ta.”
Tiếp bước cha ông trong cuộc chiến vệ quốc
Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách láng giềng “ngoại giao quyến rũ” của họ, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án lớn với ASEAN. Trung Quốc phải cân nhắc điều này. Về mặt chính trị thì Trung Quốc thiệt hại lớn. Về mặt an ninh, ta cần nâng cao cảnh giác, hoàn thiện quốc phòng, thích ứng với thời kỳ mới.
Thứ ba, Việt Nam đã có nền tảng đối nội, đối ngoại vững vàng, có thể chịu được cuộc thử thách này. Chúng ta phải phát huy tính quyết chiến, quyết thắng của cha ông. Phải đoàn kết, trên dưới đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ, cả dân tộc cùng nhau vượt qua thử thách. Người Philippines đã chứng minh sự đoàn kết dân tộc xung quanh tổng thống của họ hai năm qua một cách đáng khâm phục. Chúng ta thừa sức làm như họ!
Thực tế những ngày qua, khi Biển Đông dậy sóng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt nhân dân nói lời của non sông đất nước, bày tỏ chính kiến của Việt Nam trước sự hung hăng của Trung Quốc. Trên khắp cả nước, hàng vạn người Việt đã xuống đường phản đối hành vi sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc. Ở nước ngoài (Nhật, Đức, Cộng hòa Séc, Mỹ, Italia, Đài Loan…) đồng bào ta đã tụ họp nêu cao khểu hiệu phản đối Trung Quốc bành trướng. Các cuộc phản đối này hầu hết đều được các kênh truyền thông chính thống của Việt Nam cập nhật khá đầy đủ, đã góp phần tăng thêm nguồn sức mạnh Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt nhân dân nói lời của non sông đất nước
Ngược dòng lịch sử để thấy rằng, từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay, không triều đại nào của Trung Quốc lại không đưa quân sang xâm lược nước ta. Họ đã dốc toàn lực để xâm lược. Về lý thuyết, khả năng chúng ta bị diệt vong rất khó tránh khỏi nhưng về thực tiễn, nói theo cách của Quang Trung Nguyễn Huệ thì “ta đã đánh cho muôn đời biết rõ rằng nước Nam anh hùng là có chủ, không phải hễ ai muốn vào cứ vào, ai muốn ra cứ ra”. Đây là gì, nếu như không phải là bản lĩnh của Việt Nam?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…”
Với lòng yêu nước ấy, tin rằng, người Việt trong và ngoài nước sẽ nắm chặt tay nhau, cùng chung sức với Chính phủ trên con đường khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Buộc công lý phải được thực thi. Và những nhà cầm quyền Trung Quốc cũng cần biết và nhớ rằng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ khuất phục trước bạo tàn.
Đây là thời điểm vàng nếu chúng ta nhân nhượng, không khởi kiện Trung Quốc, chúng ta sẽ mắc tội lớn đối với dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét