Sau khi Liên Xô can dự vào Afghanistan, trong hơn 1 năm, giá dầu đã giảm 3,5 lần, khiến nền kinh tế Liên Xô tê liệt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ còn phải đau đầu vì giá dầu giảm.
Những thực tế đáng ngại
Duma Quốc gia (Quốc hội) Nga mới đây đã thông qua dự toán ngân sách năm 2016.
Điểm mấu chốt và đáng chú ý nhất của dự toán này là nó được thiết kế trên nền tảng giá dầu trung bình tương đương 50 USD/thùng.
Với mức giá đó, kinh tế Nga hoặc là giảm nhẹ như tính toán của Ngân hàng Trung ương Nga hoặc là tăng trưởng 0,5%, theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga.
Đồng thời, với mức giá dầu đạt 50 USD/thùng, thâm hụt ngân sách Nga sẽ dao động quanh mức 3%, nhưng không đáng ngại vì có thể được bù đắp bởi kho dự trữ ngoại tệ.
Khi thiết kế ngân sách năm 2016, cơ quan chức năng Nga cũng tính tới kịch bản giá dầu giảm xuống còn 40 USD/thùng, 35 USD/thùng và thấp nhất là 30 USD/thùng.
Trong tất cả các kịch bản giá dầu dưới 50 USD/thùng, theo nhà nghiên cứu Paul Roderick Gregory thuộc Viện Hoover (Mỹ), kinh tế Nga sẽ đối mặt với làn sóng suy thoái thứ hai, tình trạng cắt giảm lương, đồng ruble mất giá và lạm phát tiến gần mức hai con số.
Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thay đổi dự báo về kinh tế nước nhà.
Trong cuộc họp báo cuối năm diễn ra vào cuối tuần trước, Tổng thống Putin đã đề cập tới việc kinh tế Nga “tiến tới đáy” thay vì “sắp hồi phục” như từng tuyên bố, đồng thời cảnh báo về khả năng Nga phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa.
Những cảnh báo của “ông chủ Điện Kremlin” hoàn toàn có cơ sở bởi kinh tế Nga quá phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt.
Con số đăng trên “Thời báo Học tập” của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc cho thấy Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, sau Saudi Arabia.
Xuất khẩu năng lượng hiện chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 50%thu nhập tài chính của Nga.
Thông tin do của hãng thông tấn Bình luận Trung Quốc có trụ sở ở Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề khi cho biết có tới 80% kim ngạch xuất khẩu, 70% GDP và 50% thu nhập tài chính của Nga lệ thuộc vào tài nguyên dầu khí.
Kể từ tháng 6/2014 tới nay, giá dầu hạ cùng với đòn trừng phạt của phương Tây sau khi Nga can dự vào Ukraine đã khiến kinh tế Nga tổn thất nặng nề:
Dự trữ ngoại tệ giảm 20%, giá trị đồng nội tệ giảm 50%, lạm phát tăng lên 15% và có hơn 150 tỉ USD tháo chạy khỏi Nga.
Theo tính toán, giá dầu quốc tế giảm 1 USD/thùng sẽ khiến thu nhập của Nga giảm 3 tỉ USD.
Đầu năm 2014 khi trả lời hãng truyền hình CNBC của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết vì giá dầu hạ, trong năm 2014 nước này đã tổn thất 200 tỉ USD.
Đương nhiên, trong năm 2015 và tiếp đó là năm 2016, kinh tế Nga tiếp tục bị tổn thất bởi đà sụt giảm của giá dầu vẫn chưa dừng lại.
Theo dự báo của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, năm 2016, giá dầu thế giới có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng. Một ông lớn tài chính quốc tế khác là Citigroup Inc cũng có nhận định tương tự.
Theo đó, trong thời gian 6 tháng tới, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) có thể sẽ lui về ngưỡng 20 USD/thùng so với mức 36 - 37 USD/thùng tại thời điểm Citigroup Inc đưa ra báo cáo liên quan (trung tuần tháng 12/2015). Những dự báo này không phải không có cơ sở khi nguồn cung ngày một dư thừa còn mức cầu lại ì ạch.
Vào ngày 4/12, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng và cuộc họp tiếp theo của OPEC dự kiến sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2016.
Ngoài quyết định của OPEC, giá dầu càng ít có cơ hội phục hồi bởi trong năm 2016, thị trường còn phải tiếp nhận cả nguồn dầu mới do Iran tung ra sau khi nước này nối lại sản xuất dầu vì được Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong vài tháng tới.
Đặc biệt, ngày 18/12 vừa qua, trong một động thái chưa từng có, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu kéo dài suốt 40 năm qua.
Nếu lệnh trên được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật, ngành dầu của Mỹ sẽ giành được một chiến thắng khao khát từ lâu và thị trường dầu thế giới sẽ có thêm “tay chơi” mới là Mỹ trong bối cảnh dầu đang thiếu người mua, thừa người bán, tiếp tục gây thêm áp lực giảm giá dầu.
Bổn cũ đang soạn lại
Trong một bài viết đăng trên trang tin của hãng thông tấn Bình luận Trung Quốc, Giáo sư Vương Tứ Hải thuộc Đại học Địa chất Trung Quốc cho biết sau khi Liên Xô (cũ) can dự vào chiến trường Afghanistan, chuyên gia nghiên cứu vấn đề Liên Xô Richard Pipes thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ kiến nghị giảm giá dầu để tấn công kinh tế Liên Xô và chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan đã chấp nhận.
Lấy cớ Liên Xô đưa quân đội tới Afghanistan, Mỹ đã thuyết phục các nước Hồi giáo Arab nâng cao sản lượng khai thác để giảm giá dầu, trừng phạt kinh tế Liên Xô.
Đầu năm 1985, Quốc vương Saudi Arabia Fahd bin Abdulaziz Al Saud thăm Mỹ và Washington đã thuyết phục thành công nhà lãnh đạo này trong việc nâng cao sản lượng khai thác dầu.
Thực tế sau đó cho thấy trong vòng 1 năm, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia đã tăng lên 5 lần, từ mức mỗi ngày sản xuất 2 triệu thùng dầu vào đầu năm 1985 tăng lên 10 triệu thùng dầu/ngày của năm 1986.
Cũng trong khoảng thời gian đó, giá dầu đã giảm từ mức 32 USD/thùng xuống còn 13 - 14 USD/thùng và tới tháng 3/1986 chỉ là 9 - 10 USD/thùng.
Cùng lúc này, Mỹ đã thêm dầu vào lửa bằng quyết định mở cửa kho dự trữ dầu mỏ và giá dầu quốc tế nhanh chóng rơi xuống mức 8 USD/thùng.
Liên Xô buộc phải bán tống bán tháo lượng dầu tồn kho với giá 6 USD/thùng, nghĩa là thấp hơn 3 USD/thùng so với giá thành sản xuất.
Sự tụt dốc thê thảm của giá dầu, theo Giáo sư Vương Tứ Hải, mỗi năm làm bốc hơi 20 tỉ USD thu nhập tài chính, giáng đòn hủy diệt, làm kinh tế Liên Xô hoàn toàn bị tê liệt.
Còn hiện nay, sau khi Nga can dự vào Ukraine và gần đây là Syria, một kịch bản tương tự dường như đang có cơ hội lặp lại.
Cụ thể: Năm 2014, mức giá dầu đảm bảo cân bằng ngân sách của Nga là 114 USD/thùng. Nhưng trong năm 2014, giá dầu đã giảm từ mức 107,78 USD/thùng của tháng 1 xuống còn 56,45 USD/thùng vào tháng 12.
Đến những ngày cuối cùng của năm 2015, giá dầu đã rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ, chỉ còn dưới 35 USD/thùng.
Điều đó có nghĩa trong 2 năm qua, giá dầu đã giảm hơn 60%, vượt qua mọi phạm trù kinh tế thị trường thông thường.
Nói cách khác, theo Giáo sư Vương Tứ Hải, thuộc tính chính trị của dầu mỏ một lần nữa vượt qua thuộc tính kinh tế và cũng một lần nữa dầu mỏ trở thành vũ khí quan trọng để Mỹ tấn công Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét