Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Trần Yên Hòa - Ngày Đó H.O

Giới thiệu thơ Nguyễn Minh Huấn - Ngày em đến

Sáng mai là ngày phỏng vấn chính thức. Tối nay, Ngàn lo mọi hồ sơ thật chu đáo. Anh xếp hồ sơ theo thứ tự rồi xếp hình ảnh hồi anh còn là sĩ quan, để chứng minh với phái đoàn Mỹ anh là sĩ quan thứ thiệt. Hình ảnh hồi anh đi lính còn được mấy cái. Hình chụp chung với Nga, anh bận đồ sinh viên sĩ quan trông đẹp ra phết. Hình anh đeo lon sĩ quan, bận áo quần tác chiến, cổ áo có hai bông mai đen. Hình anh, Nga và hai con chụp ngày anh ở tù về trông hom hem, ốm nhách, như con khô mắm. Ngàn lại thừ ra nhìn ngắm và ngẫm nghĩ, một thời đã qua, xa quá.
<!>Khoảng chín giờ tối thì anh chị Ngạc đến thăm. Anh Ngạc là anh họ của Ngàn, cũng trong diện HO, nhưng chưa có giấy phỏng vấn, nên đến chơi, vừa thăm, vừa hỏi tin tức, chuẩn bị giấy tờ ra sao, cần những hình ảnh gì? Thật ra Ngàn cũng lớ ngớ, nhưng anh nghĩ, những giấy tờ, hình ảnh nào chứng minh mình là sĩ quan chế độ cũ, đã từng bị tập trung cải tạo trên ba năm. Và hình ảnh gia đình vợ con. Đó là những giấy tờ cần chứng minh với phái đoàn Mỹ là trưng ra. Anh trả lời anh chị Ngạc theo sự hiểu biết của mình.
Anh Ngạc nói:
- Bây giờ nghe nói tụi Mỹ hỏi nhiều chuyện cắc cớ lắm, như muốn xác định là vợ chồng chính thức thì họ hỏi người vợ tối hôm qua gia đình ăn gì, nếu người vợ nói một đường, người chồng nói một nẽo thì sẽ bị bác ngay.”
Ngàn trả lời:
- Thì đúng rồi, vợ chồng chung giường, chung mâm mà ông nói gà ba nói vịt sao được.”
Chị Ngạc xen vào:
- Hồi trước đâu có những chuyện đó, tại mấy người làm giả nhiều quá nên nó nghi. Thế mà có nhiều gia đình "ghép" vẫn vẫn lọt qua phỏng vấn như thường. Còn mình cứ ỷ y là thật rồi không chú ý đến giấy tờ, chứ bọn giả nó biết nó giả nên chuẩn bị giấy tờ chu đáo lắm.”
Ngàn nhắc nhở:
- Vậy nên anh chị có gì chứng minh mình thật thì cứ đem theo trình hết cho tụi Mỹ xem, như em đây này, có mấy tấm hình cũ em cũng đem theo hết. Mình thật vàng mà sợ chi lửa.”
Anh Ngạc nói:
- Anh cũng chuẩn bị đầy đủ rồi, nhưng chưa qua ải phỏng vấn nên cũng lo. Thôi, mình ra ngoài đường kiếm cái gì ăn đi, cho vui. Vợ chồng anh mời cả nhà.”
Ngàn thấy cũng nên ra ngồi quán một chút cho thoải mái, chứ ngồi nhà anh cứ mở ra, mở vô mấy cái giấy tờ nghe đau đầu quá.
Ngàn nói vào trong:
- Nga ơi! Anh chị Ngạc mời ra quán ăn đây này, em và mấy con đi luôn.”
Nga từ trong buồng nói ra:
- Dạ, em ra ngay bây giờ.”
Con Thuý đang ủi đồ chuẩn bị cho ngày mai đi phỏng vấn. Thúy nói:
- Hai bác và ba má đi đi, con không nghe đói, với lại con chuẩn bị ủi đồ để ngày mai đi phỏng vấn sớm.”
Con Đông cũng nói:
- Con cũng không đói, con phải soạn áo quần, con ở nhà nghe ba má.”
Ngàn nói:
- Thôi được rồi, hai đứa ở nhà, ba má và hai bác đi ăn chút gì rồi về liền. Hai con nhớ ngủ để mai dậy sớm đi phỏng vấn nghe.”
- Dạ.”
Cả bốn người cùng lên hai xe honda phóng đi.
Khu nhà ở của Ngàn và Nga chẳng có quán xá nào có món ăn ra hồn. Nga lên tiếng:
- Ở đây chỉ có món bánh xèo là ăn được, mình đi ăn bánh xèo nghe anh chị.”
Anh Ngạc nói:
- Ừ, ăn bánh xèo đi.”
Quán bánh xèo nằm trong một con hẻm nhỏ, đang đông khách nên len lỏi mãi, bốn người mới ngồi được vào cái bàn trống. Anh Ngạc kêu vào trong:
- Cho bốn bánh xèo đặc biệt đi bà chủ ơi.
Người chủ nói vọng ra:”
- Rồi, đợi chút sẽ có ngay.”
Ngàn ngồi ăn mà lòng anh nóng lòng muốn về nhà. Anh thấy cần về xem lại các giấy tờ, coi thử có chắc ăn không. Tính anh vẫn vậy. Nhớ các kỳ thi hồi còn đi học, anh ôn bài cả đêm cả ngày, cả những ngày cận kề thi mà anh vẫn còn thức suốt đêm để học. Ai cũng khuyên anh hãy nghỉ ngơi cho thanh thản tinh thần trước ngày thi, nhưng tính anh vẫn vậy, không đọc được chữ, cứ lo lắng thế nào, nghỉ thấy phí thời gian quá. Bây giờ cũng vậy, anh vẫn thấy lo lắng trước khi vào phỏng vấn, ngày ấy đã đến rồi, 11 giờ ngày mai.
Ăn xong, Ngàn đứng dậy:
- Mình về thôi, tụi em xin phép về để chuẩn bị cho ngày mai anh chị nhé. Cám ơn anh chị nhiều.
Anh Ngạc cũng đứng lên:
- Thôi cô chú về đi, tụi tôi cũng về đây, chúc cô chú may mắn nhe.”
Chị Ngạc nói:
- Vào phỏng vấn có điều gì mới, chú về cho anh chị biết nghe.”
- Rồi, có kinh nghiệm gì mới, em về sẽ kể cho anh chị nghe.”
Ngàn chở Nga về đến nhà cũng khoảng 10 giờ. Ngồi ăn như vậy mà cũng mất một tiếng đồng hồ. Đèn trong nhà còn sáng, anh mở cửa, Thúy còn ủi đồ.
Nga nói:
- Con ủi đồ xong lo đi nghỉ sớm đi, lo ngủ mai dậy sớm đi phỏng vấn nghe con.”
- Dạ, còn mấy cái đồ nữa thôi.”
Ngàn hỏi nhìn quanh quất, thấy vắng bóng Đông nên hỏi:
- Con Đông đâu?”
Tiếng Thúy:
- Con Đông con mới thấy nó đâu đó mà!
Ngàn vô buồng, không thấy Đông, Ngàn cứ nghĩ là con Đông ở đâu đó thôi.
Khoảng một tiếng sau, cũng không thấy Đông đâu, Nga hỏi lại con Thúy:
- Chứ con ở nhà với Đông mà không thấy em Đông đâu hả?”
- Thì con lo ủi đồ, con mới thấy nó đây mà.”
Tự nhiên Ngàn đâm lo, không biết Đông đi đâu mà bây giờ đã 11 giờ đêm rồi mà không có ở nhà, không biết con nhỏ này có ý liều lĩnh gì không?
Con Đông mấy tuần nay Ngàn chú ý nó có nhiều điều đáng ngại, nhìn con hay thẩn thờ, suy nghĩ, như đang có toan tính gì trong đầu. Nhưng Đông đã đi sơ vấn với gia đình nên anh cũng an tâm. Tuy nhiên, tuổi trẻ nhiều lúc cũng bồng bột. Với mối tình của Đông đang có, anh thì không cấm đoán, nhưng anh cũng luôn khuyên răn con là nên ra đi, để được qua Mỹ, rồi có yêu thích ai thì về cưới. Đó là tâm ý của anh. Còn với Nga thì cấm tuyệt đối, không cho phép Đông được quen biết, yêu thương ai trong thời gian này. Phải ra đi là con đường duy nhất. Ngàn nghĩ, biết đâu thái độ cứng rắn quá của Nga khiến Đông thất vọng, nếu Đông có ý rồ dại, ngông cuồng, muốn ở lại với người tình, không muốn đi phỏng vấn thì sao?
Đến 12 giờ đêm Đông vẫn chưa về, Ngàn và Nga lo lắng thật sự, kiểm soát lại đồ đạc thì áo quần của Đông vẫn còn nguyên, nhưng mà sao Đông vẫn biệt tăm. Nga xao xác lên, vừa than, vừa khóc:
- Thiệt là con trời đánh, sao bây giờ nó vẫn chưa về không biết.”
Ngàn nói lên suy nghĩ của mình:
- Hay là con Đông nó bỏ trốn, không muốn đi phỏng vấn để ở lại với thằng kia.”
Nga dãy nẫy lên:
- Trời ơi, con ơi là con ơi! nếu thế thì chết thật. Hay mình đi kiếm nó thử, con Thúy có biết thằng bồ nó ở đâu không?”
- Con không biết chỗ ở, nhưng có mấy chỗ nó hay đến.”
- Con cho số nhà để ba má đi tìm.”
Nga khóc thật sự, nàng có vẻ quá thất vọng, Thúy nói số nhà, Ngàn chở Nga đi tìm.
Buổi tối Sài Gòn về khuya xe cộ bắt đầu thưa thớt, đi qua mấy ngôi nhà mà Thúy cho địa chỉ, cửa đóng im ỉm. Chẳng lẽ cứ đi ngoài đường và nghe lời than khóc của Nga hoài, Ngàn đành lái xe về. Lúc này cũng đã hơn một giờ sáng. Bây giờ anh mới nghĩ chắc chắn là Đông đã bỏ trốn, để mai không đi phỏng vấn, quyết chí ở lại với mối tình của nó.
Suốt đêm, Ngàn không ngủ, Nga cũng không ngủ, còn tỉ tê than khóc. Con Thúy cũng khóc vì bây giờ chỉ còn nó đi một mình. Ngàn khổ tâm vô cùng, nhưng đến nước này thì phải tính nước cờ khác. Với Ngàn, thì dù gì cũng phải đi phỏng vấn. Bỏ qua phỏng vấn là bỏ hết, với phái đoàn Mỹ đã quy định ngày giờ rồi thì không thể thay đổi, anh quyết định, dù gì anh phải đi.
Cả một đêm thao thức làm mắt Ngàn quầng thâm, anh thấy mệt mỏi, nhưng ý chí phấn đấu đánh bật anh ra khỏi cơn tuyệt vọng. Anh nói ý nghĩ của mình với Nga, Nga nói phải đi tìm Đông về, nhưng Đông đã bỏ đi, bóng chim tăm cá thì biết đâu mà tìm. Anh an ủi dỗ dành:
- Mình cứ đi phỏng vấn đi em à, nếu mình bỏ phỏng vấn lúc này là coi như bỏ cuộc luôn đó em, chỉ sợ khi xuống phỏng vấn, phái đoàn hỏi hồ sơ bốn người sao còn có ba, thì mình không biết trả lời sao?”
Nga bây giờ thất vọng quá, có lẽ những ngày gần đây Nga đã la rầy Đông quá mức khiến cô bé lo lắng, buồn bã, nên có ý muốn không đi, quyết định ở lại. Đông nhân dịp ba má vắng nhà, liền bỏ trốn
                                                                                                   *                    Bốn giờ sáng, cả nhà ra xe, Ngàn đi một chiếc xe, còn con Thúy chở Nga trên một chiếc. Không ai nói với ai một lời. Trời vẫn còn tối mịt.
Đi sớm thế mà đến sở ngoại vụ vẫn có người đã đứng bên ngoài rất đông. Cánh cửa còn đóng im ỉm. Ngàn thấy lòng mình buồn rười rượi. Cái gì mơ ước vẫn không thành, anh muốn các con ra đi cho có tương lai, cho được học hành tử tế, mà Đông nhỏ dại quá, tuổi trẻ yêu cuồng sống vội.
Khoảng tám giờ, cửa Sở Ngoại Vụ mới mở, anh cùng đám người chờ đợi lũ lượt bước vào. Các nhân viên làm việc ở đây cũng từ từ tới.
Nga mon men đến chỗ quày hướng dẫn. Nga hỏi người nhân viên:
- Thưa cô, gia đình tôi hôm nay đi phỏng vấn, mà tôi có đứa con gái đi Vũng Tàu chơi chưa về kịp, không biết lên phỏng vấn có bị từ chối không cô?”
Người nhân viên trả lời:
- Chị phải về công an nơi chị cư trú làm một tờ giấy chứng nhận là cháu đi chơi về không kịp, để khi lên phỏng vấn trình với phái đoàn nói lý do vắng mặt.”
Nghe lời giải thích của người nhân viên, Nga vội vã ra chỗ ghế đợi, nói với Ngàn:
- Anh về viết cái đơn lên công an phường, nhờ chứng lý do con Đông vắng mặt, cứ bảo là nó đi Vũng Tàu, xe hư về không kịp.”
Ngàn nhìn đồng hồ, bây giờ đã tám giờ rưởi, chạy xe về đến nhà, viết đơn, rồi đem ra công an chứng, đến 11 giờ vào phỏng vấn, không biết có kịp không, nếu trễ thì hỏng hết. Nhưng anh phải đi.
Ngàn nói với Nga:
- Anh đi đây, nếu có trễ chút đỉnh, em năn nỉ nói chờ anh nhé.”
Đó là lời dặn vớt vác, chứ ai có quyền nói với phái đoàn Mỹ về sự trể nãi này.
Anh tất tả bước ra bãi gởi xe, Nga dặn với theo:
- Anh nhớ mua cho công an túp thuốc ba số nhé, để họ ký cho lẹ.”

         
Ngàn ra bãi gởi xe, dắt chiếc xe Honda ra đường, rồ máy cho xe chạy. Đường sá lúc này là cao điểm. Buổi sáng, mọi người ai cũng ra đường để kiếm miếng ăn nên xe cộ đông nghịt. Anh phải dừng lại, len lách lên lề, rồi lái qua trái, qua phải, mồ hôi toát trên lưng, trên cổ, trên mặt dầm dề. Ngàn lấy tay vuốt mặt, rồi dấn ga cho xe chạy mau thêm. Xe chạy qua đường Pasteur, qua Lý Chính Thắng, qua Cách Mạng tháng 8. Con đường CMT8 chật hẹp, đông người, mà lượng xe cô lưu thông cũng quá tải nên xe cứ dồn cục lại. Anh thấy đôi tay mình run rẫy, mồ hôi chảy ròng ròng trên sống lưng. Anh quay quắt, hồi hộp, lo âu cực độ. Nếu trễ phỏng vấn thì làm sao đây? Đã ba năm ròng, từ ngày nộp đơn đến ngày hôm nay đúng là hơn ba năm. Chỉ hy vọng ở ngày này, giờ này, phút này đây thôi. Mà sao bây giờ anh đang kẹt xe trên đường, hàng hàng lớp lớp xe cộ chung quanh anh, anh làm sao thoát ra.
Cũng may là khi đến đường Tô Hiến Thành, lượng xe có giãn ra một chút, nên anh cho xe quay lên hướng đường Tô Hiến Thành, rồi theo đường Bắc Hải chạy về nhà. Anh phải luay huay tìm giấy, rồi nguyệch ngoạc viết tờ đơn, rồi ra quày thuốc lá mua một túp thuốc lá ba số. Đã cực với bọn chính quyền nhiều lần nên anh cố chịu đựng.
Anh dừng xe ở trụ sở công an phường, hớt hải cầm lá đơn đi vào. Ngàn gặp người công an khu vực, một tay cầm đơn, một tay cầm túp thuốc. Anh đưa túp thuốc trước để lấy lòng.
- Mua cho anh túp thuốc hút chơi.”
Người công an cầm túp thuốc, miệng hỏi:
- Có chuyện gì đó anh Ngàn?”
- Thưa anh, gia đình tôi hôm nay lên Sở Ngoại Vụ để phỏng vấn, mà con nhỏ nhà tôi đi Vũng Tàu chơi chưa về kịp, nên làm đơn này nhờ công an ký để nói lý do vắng mặt của con bé, để phỏng vấn được suôn sẻ.”
Người công an chép miệng:
- Chà, chà, khó dữ hen, rồi, đưa đơn đây tôi coi.”
Ngàn đưa là đơn, lá đơn anh viết nguyệch ngoạc quá, trong cơn bấn loạn tinh thần anh không thể viết cho văn hay chữ tốt được. Hai tay vò đầu rồi bứt tóc, anh chợt nghĩ anh như thân phận người nông dân ngày xưa, đến nhà điền chủ xin thuê đất để làm ruộng, để cứu đói gia đình. Anh thấy mình thật nhỏ nhoi và tội nghiệp quá chừng.
Người công an cầm túp thuốc bỏ vào hộc tủ, rồi mới đọc lá đơn.
Xem qua xong, người công an nói:
- Thôi được, để tôi ký chuyển lên trên, nhưng anh phải đợi đồng chí phó công an về ký, mới đóng dấu được.”
Nghe nói vậy, Ngàn lạnh toát mồ hôi, anh hỏi lại:
- Thưa anh, phó công an đi đâu ạ?”
- Ổng đi họp ở quận, chút nữa mới về.”
Ngàn xem đồng hồ, rồi năn nỉ:
- Tôi 11 giờ phải vào phỏng vấn rồi, đợi phó công an về sợ trễ quá, anh làm ơn giúp dùm làm sao chữ ký có dấu đỏ là được.”
Người công an khu vực vẫn cương quyết:
- Không được đâu, anh lại ghế ngồi đợi đi.”
Ngàn ngồi trên ghế mà như ngồi trên đống lửa, anh nhấp nha nhấp nhỏm nhìn ra cổng, ai bận đồ công an lái xe vào là anh mừng thầm trong bụng, anh không biết mặt phó công an, nhưng tất cả công an đi vào, khi anh hỏi ra đều không phải phó công an. Anh đợi khoảng ba mươi phút, bây giờ đã mười giờ rưởi rồi, chỉ còn ba mươi phút thôi, anh thấy không thể chờ đợi được, nên anh đi tìm người công an khu vực.
- Anh làm ơn giúp tôi chứ không tôi trễ mất.”
Người công an khu vực ngồi ở bàn làm việc, nói với anh:
- Tôi đã điện xuống quận rồi, phó công an đi họp rồi về nhà luôn. Thôi anh đem giấy này qua Ủy Ban Phường chứng đi, để tôi điện thoại qua nói trước cho.”
Anh vội cầm lá đơn và lấy xe, chạy phóng qua Ủy ban Phường. Anh đem lá đơn vào trình cho thư ký, cô thư ký nói:
- Đơn này là gởi cho công an, phải là công an ký và đóng dấu chứ phường làm sao ký được.”
Ngàn lại toát mồ hôi hột một lần nữa. Anh nói lý do và xuống giọng:
- Nhờ cô giúp cho, tôi biết ơn cô mà.”
Nói xong, anh nhìn quanh quất, văn phòng ủy ban vắng người nên anh móc ví lấy năm trăm ngàn, nắm gọn trong bàn tay, rồi dúi vào tay cô thư ký, anh nói nhỏ:
- Nhờ cô giúp đỡ, tôi mang ơn cô.”
Người thư ký cầm lấy tiền, cô sè sẹ bỏ vào hộc bàn rồi nói:
- Thôi được, để tôi ký thay và đóng mộc cho anh, anh chỉ cần cái mộc đỏ thôi, phải không?”
- Dạ phải.”
Chỉ chưa đầy một phút là xong, anh cầm cái giấy đã có cái dấu đỏ và chạy ra xe. Anh hớt hải lái như bay, hướng Sở Ngoại Vụ mà chạy.
Cũng may, lần này ít kẹt xe, dù vậy, anh tới sở ngoại vụ cũng đã hơn 11 giờ 30 phút, anh nhìn đồng hồ mà điếng người. Anh chật miệng than, chết cha, thôi trễ rồi!
Anh gởi xe rồi vội vàng đi vào. Gặp Nga, anh hỏi:
- Họ kêu mình chưa em?”
Nga thong thả nói:
- Hết buổi sáng mà chưa xong, họ hẹn buổi chiều mới đến lượt mình.”
Ngàn thở phào, cũng may nhờ sự trễ nãi, rườm rà của thủ tục hành chánh, chứ không thì anh đã trễ.
Anh nói với Nga:
- Thế mà anh chạy bở hơi tai, làm cái đơn như vầy mà mất cũng gần một triệu.”Một giờ chiều. Sau khi nghỉ trưa, Sở Ngoại Vụ tiếp tục làm việc. Danh sách gia đình Ngàn được kêu vô đầu tiên. Hôm nay có 5 phái đoàn Mỹ phỏng vấn.
Danh sách từng hộ được kêu lên từng phòng, từ phòng số 1 đến phòng số 5. Theo tin hành lang, người ta truyền miệng nhau, phòng số 1 đến phòng số 4 là phòng dễ, những hồ sơ phái đoàn Mỹ đã xem qua, không có vấn đề. Còn phòng số 5, do một bà người Mỹ da đen phỏng vấn. Bà này là trưởng đoàn, bà khó lắm. Những hồ sơ có vấn đề, có nghi vấn, thì bà “quay” dữ lắm, nên gia đình nào vào phòng bà, dễ bị lọt sổ, bị từ chối như chơi.
Niềm lo âu của Ngàn cũng dịu xuống khi anh được kêu lên phòng số ba.
Ngàn cùng Nga và Thúy ngồi trên hàng ghế phía trước phòng đợi.
Những gia đình khác cũng vậy, gia đình phỏng vấn ở phòng nào thì ngồi đợi trên hàng ghế trước phòng đó.
Ngàn cầm trong tay cái đơn mà chính quyền địa phương đã ký, chứng nhận sự vắng mặt của Đông, với con dấu đỏ, nhưng anh cũng vẫn hồi hộp. Nếu vì lý do vắng mặt này mà khiến cả gia đình anh bị loại, chắc anh sẽ đau khổ vô cùng. Nhưng anh cũng cố làm vẽ bình tỉnh nói với Nga và Thúy:
- Bình tỉnh nghe em, chắc chẳng có gì đâu, mình vào phòng này chắc là dễ.”
Nga cũng lo:
- Sao em nghe hồi hộp quá.”
Thúy cũng xen vào:
- Con cũng hồi hộp quá ba.”
Anh nói để chứng tỏ mình bình tỉnh:
- Có gì đâu mà hồi hộp.”
Độ khoảng 10 phút sau, cánh cửa phòng mở, một người nhân viên bước ra gọi:
- Gia đình ông Trần Văn Ngàn, mời vào.”
Bước vào căn phòng phỏng vấn. Một người đàn ông Mỹ ngồi giữa, một người thư ký cũng người Mỹ ngồi bên, một cô gái Việt Nam làm thông dịch viên.
Ngàn cầm cái đơn đưa cô thông dịch và nói liền:
- Thưa cô, tôi có đứa con gái đi Vũng Tàu chưa về kịp, có giấy này xác minh, xin cô nói dùm với phái đoàn.”
Cô thông dịch cầm lá đơn xem qua, rồi đưa lại Ngàn:
- Ông giữ đi, không cần đâu.”
Người thư ký nói bằng tiếng Mỹ, người thông dịch, dịch lại cho cả gia đình cùng nghe:
- Mời cả gia đình đứng lên, đưa tay tuyên thệ sẽ nói sự thật.”
Cả ba người đứng lên làm theo người thông dịch hướng dẫn. Xong, cả ba ngồi xuống.
Người Mỹ phỏng vấn hỏi một câu, người thông dịch, dịch lại, rồi Ngàn trả lời, toàn những câu dễ như là anh cải tạo mấy năm, chức vụ gì, cấp bậc gì, một vài câu hỏi Nga, một vài câu hỏi Thúy. Xong, một lúc sau, người thông dịch nói: “Gia đình ông bà đã được chấp thuận, xin ông ký vào biên bản. Xin Chúc mừng.””
Ngàn thở phào nhẹ nhỏm, thế là đã đậu, cá đã vượt vũ môn.
Không đầy 5 phút. Cả gia đình đứng dậy đi ra.
Ra khỏi cửa, Ngàn nói với Nga:
- Thế mà hồi sáng chạy làm cái giấy mệt ứ hơi, mất cả triệu bạc, mà ở đây không cần, tiếc tiền quá.”
Nga nói tỉnh bơ:
- Thôi mà anh, mình làm phòng hờ cũng được mà.”
Xuống tầng dưới, nhận cái giấy hẹn chích ngừa, ngày đi khám sức khoẻ, rồi cả ba ra xe.
Những háo hức vui mừng mấy phút trước cũng qua đi, bây giờ anh nghe lòng mình buồn vời vợi. Vắng bóng Đông, Đông ở lại không đi, tự nhiên Ngàn thấy như mất mát một cái gì, lúc nào niềm vui của anh cũng không trọn vẹn.
Nga đi xe cùng với Thúy, nàng đang lấy khăn lau nước mắt, có lẽ nàng tức giận Đông cũng như thương Đông, đã bỏ mất một cơ hội.
Những ngày tiếp theo là những ngày không vui với gia đình Ngàn. Nga thì lúc nào cũng buồn, luôn luôn kêu khổ. Còn con Thúy thì khóc vì chị em không được đi chung với nhau. Ngàn cũng không vui được chút nào nhưng anh cố gắng gượng. Dù gì cũng phải làm những bước tiếp theo.
Quan trọng nhất của việc khám sức khoẻ là khám phổi, chụp hình phổi. Nếu thấy phổi có vết tích, triệu chứng của bịnh lao là sẽ được cho đi thử đàm và uống thuốc trị lao. Thời gian trị lao phải sáu tháng, bịnh nhân phải đến bịnh viện Ba Mươi Tháng Tư để uống thuốc, trước mặt y tá. Sự việc này vừa mất thời gian, vừa chậm ra đi ít nhất là sáu tháng.
Sau hai ngày chầu chực mới được khám sức khoẻ. Qua mỗi giai đoạn, Ngàn thấy có chiều hướng tốt. Phim phổi không có vấn đề gì, cả Nga cả Thúy cũng vậy.
Nghe và biết vậy, nhưng chưa có kết quả chính thức nên Ngàn cũng lo. Trong lúc đó, qua tin tức truyền miệng, ngươi ta thầm thì to nhỏ với nhau, là hãy tìm tới bác sĩ Thạnh, chủ nhiệm khoa phổi của bệnh viện Ba Mươi Tháng Tư, hiện cư trú tại đường Nguyễn Hoàng, để lo lót, chạy chọt. Tất cả phim phổi đều qua tay bác sĩ Thạnh xem và quyết định tốt, xấu, nên nhiều người đổ xô đến nhà ông nhờ vã.
Ngàn biết, lịch trình xét nghiệm phim phổi, tốt, xấu, đều phải qua các bác sĩ Mỹ ở Thái Lan, nhưng ở Việt Nam nhận định tốt, là cũng đi được hai phần ba đoạn đường.
Ngàn nghe lời mách là phải chạy ở bác sĩ Thạnh mới chắc ăn, anh nghĩ, còn một giai đoạn cuối chẳng lẽ bỏ qua, nên anh tìm lên đường Nguyễn Tri Phương, nơi bán trái cây ngon nhất nước, mua loại táo tốt, loại táo Trung Quốc, trên năm mươi ngàn một ký, anh mua khoảng 4 kg, tìm đến nhà biếu bác sĩ Thạnh.
Căn nhà ở đường Nguyễn Hoàng, cũng là phòng mạch của bác sĩ Thạnh, mở cửa từ 4 giờ chiều, mà 3 giờ khách ra vào đã tấp nập. Khách, phần đông là những gia đình HO đem hình chụp phổi đến nhờ bác sĩ xem qua, để biết có bị gì không? Chỉ xem qua hình phim phổi thôi, mà bác sĩ Thạnh cũng lấy tiền công năm chục ngàn đồng, còn quà cáp thì tùy hỷ. Dĩ nhiên ai cũng muốn bác sĩ lưu ý giúp đỡ mình, nên thường ngoài khoản tiền khám bịnh, quà cáp biếu xén rất nhiều.
Ngàn chạy xe tìm con đường nhà Bác sĩ Thạnh. Món quà anh để trước giỏ xe. Món quà, tuy là trái cây, nhưng cũng ngốn hết của anh trên hai trăm ngàn. Anh thầm nghĩ, từ trước đến giờ, gia đình anh chưa bao giờ dám ăn loại trái cây đắc tiền như thế này. Anh bước vào phòng và theo thứ tự, ngồi vào ghế đợi.
Một người đàn ông đến gần anh, anh kịp nhận ra là ông Vũ. Ủa! Sao ông Vũ có mặt ở đây. Ông Vũ là cảnh sát trưởng ở thị xã quê anh, ông đã từng chống cộng quyết liệt trước năm bảy lăm. Nói đúng nghĩa hơn, ông là một người có thâm thù với cộng sản, nhưng cũng là một tay kiệt liệt hãm hại nhiều gia đình quốc gia khác lập trường chính trị với ông. Ông đã bị tù cải tạo đâu mấy năm, nhưng sao bây giờ ông làm gì ở đây? Ngàn im lặng, cố không nhìn ra người quen, để coi ông Vũ làm trò gì. Ông Vũ đến bên anh nói thầm:
- Anh đến bác sĩ nhờ coi phim phổi phải không? Nếu anh muốn chắc ăn, để bác sĩ coi riêng, hay phổi có vấn đề, có thể đổi phim tốt cho anh và những người trong gia đình, tôi có cách nói riêng với bác sĩ cho.”
Chỉ nói ra câu nói đó, anh biết ông này là tay “cò mồi” làm ăn của bác sĩ Thạnh. Anh hỏi lại:
- Nếu muốn coi riêng và giúp cho phim tốt, thì làm sao anh?”.
- Chỉ tốn một triệu thôi, là bác sĩ sẽ lo từ a đến z.”
- Nghĩa là mọi chuyện.”
- Đúng, mọi chuyện.”
Thật ra, trong những lúc như thế này, Ngàn cũng yếu lòng, muốn cho gia đình anh đều qua khâu sức khoẻ, nhưng anh nghĩ lại, gia đình anh trước đây đã đi đến bệnh viện Bình Dân khám rồi, bác sĩ ở đó đã xác nhận là phổi ai cũng tốt. Tại sao phải tốn tiền vô ích vậy?
Ngàn ngần ngừ nói với ông Vũ:
- Gia đình tôi đã chụp hình phổi tại bệnh viện Bình Dân, bác sĩ nói hình phổi tốt. Hôm nay tôi đến nhờ bác sĩ Thạnh coi thử hình phổi chụp vừa qua có tốt không thôi. Nếu có gì tôi sẽ nhờ anh.”
Ông Vũ rủ rê:
- Anh nhớ đó nghe, khi phim phổi có gì không ổn, nhớ nói với tôi.”
- Rồi.”
Ông Vũ dặn dò một vài điều nữa rồi đến với những người khác. Ngàn cảm thấy chán cho cảnh đời. Trước đây, ông Vũ là cảnh sát trưởng thị xã, đã hét ra lửa một thời, mà nay đi làm “cò mồi” kiếm ăn cho một bác sĩ Việt cộng.
Đến giờ bác sĩ làm việc, một cái bàn có tấm màn ri đô kéo ngang, người y tá kêu người nào thì người đó vào, ai cũng cầm trên tay mấy tấm phim phổi. Bác sĩ Thạnh cầm lấy, săm soi qua lại chưa đầy một phút, rồi ông nói, tốt, tốt. Người nào nếu muốn bác sĩ chú ý riêng thì đóng thêm một trăm ngàn đồng. Bác sĩ Thạnh ghi số hồ sơ hình phim là xong. Mỗi người ông tiếp độ khoảng ba phút.
Đến lượt Ngàn, cầm xấp phim của anh, Nga và Thúy trên tay, bước vào. Bác sĩ Thạnh hỏi:
- Anh cần coi phim phải không?”
- Dạ.”
Ngàn đưa ba tấm phim, bác sĩ nhìn ngắm, rồi đưa lại cho anh. Miệng nói:
- Tốt, tốt.”
Anh để bịch trái cây trên bàn, nói lí nhí trong miệng:
- Có chút quà biếu bác sĩ dùng.”
Nhìn bịch trái cây, bác sĩ như đoán giá trị của nó.
Rồi ông mĩm cười, hỏi lại anh:
- Hồ sơ anh số mấy?”
Ngàn nói với bác sĩ Thạnh số hồ sơ, ông ghi trên một tấm giấy nhỏ. Ông có nhiều tấm giấy nhỏ như vậy, tấm giấy nào cũng ghi chi chít số hồ sơ, không biết ông có nhớ số hồ sơ của ai ra ai không?
- Xong rồi.”
Bác sĩ nói.
Ngàn đứng dậy đi ra. Bên ngoài số người đến khám thêm khá đông, đứng ngồi la liệt. Mỗi người năm chục ngàn, chưa đầy ba phút. Một ngày khoảng hai trăm người, bác sĩ Thạnh hốt bạc. Đó chỉ nói đến việc coi phim phổi. Còn những dịch vụ khác chưa nói đến.
Ngàn về nhà khoe với Nga:
- Bác sĩ nói phim phổi gia đình mình tốt hết.”
Nga và Thúy mừng ra mặt.
Cả gia đình Ngàn yên tâm, đợi đến ngày ghi danh chuyến bay. 
         
                                                                                         Trần Yên Hòa
                                                                                                        (Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào: