Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Sơn Núi - Tuệ Sỹ


Nguyễn Đức Sơn (1937- 2020)

http://phannguyenartist.blogspot.com/ Nguyễn Đức Sơn Bút danh: Sao Trên Rừng Biệt danh: Sơn Núi ...
1.
Sinh ra để làm thơ, đó là
Định mệnh?
Hay lịch sử?
Hay cái gì nữa?
Có bao nhiêu câu hỏi tương tợ như vậy, nghĩa và vô nghĩa, để chắp cánh cho ta đi tìm một bóng dáng huyền thoại của một nhà thơ, và chỉ một mà thôi? Không; không có câu hỏi nào cả. Neti, neti, Tatt tham asi. Không có gì cả. Chỉ có tiếng hú, và huyền thoại của tiếng hú, trong cơn lốc quằn quại của con vượn biết mình đang tan vào lượn sóng, chồm lên hung hãn đòi hỏi phẩm chất làm người. Sóng gào thét với gió ngàn bạt đỉnh, nhận chìm tiếng hú xuống dòng xoáy của hư vô. Từ đó, loài người xuất hiện, lầm lũi bước đi trong bóng đêm u tịch, nghe sau mình tiếng vọng đuổi theo; tiếng vọng của những quá khứ đã chết, những tháng ngày bay vèo theo xác lá khô. Đâu đó, nghe ngân dài: Ôi tình Yêu! Ôi Vĩnh Cửu?
<!>
Tiếng ngân ấy, rung lên giai điệu nhẹ nhàng, thướt tha, và cũng tha thiết. Tiếng thơ của ai? Hay của con người, chỉ một con người, đứng ôm mặt trời nóng bỏng trên đỉnh Trường Sơn. Thế rồi, thiên địa bất nhân, coi vạn vật như chó rơm, cho sinh thêm một con người nữa, để có thể hỏi: Thơ là gì, là tình yêu hay tội lỗi? Thêm một người nữa, để cho ta biết yêu, biết hận, và biết làm thơ. Ta biết làm thơ, vì ta đã phụ bạc, đã ruồng rẫy; chôn tình người xuống hố sâu tội lỗi; dựng lời thơ thành cung điện huy hoàng. Đêm đêm rừng sao mênh mông tuôn xuống lớp lớp cơn mưa châu ngọc. Giữa cơn mê sảng của giàu sang, ảo ảnh hiện hình làm quỷ sứ, gọi nhà thơ dậy, hỏi dồn và thách thức: đâu tình yêu? đâu vĩnh cửu? Nhà thơ nhìn lại trong lòng tay; chỉ còn một hạt cát. Trong cơn mê sảng, nó thét lên:
”Hột
Thì le”
Vì người đã sống, và đã đi suốt chiều dài tiến hóa; nên Thơ đã chết. Chỉ còn giai điệu lăn lóc của sỏi và cát:
”Hột
Thì le”
Vô nghĩa, và vô ngôn. Chỉ có sự sống trần truồng, vật vã trong nắng bức và gió rát của sa mạc. Của đam mê và hủy diệt. Của tình yêu và phản bội. Của vĩnh cửu và hư vô.
Hai mươi lăm năm rồi, từ khi tôi biết yêu; từ khi nhìn thấy ngọn cỏ gầy gục đầu dưới lớp bụi nặng trĩu ven đường, mà bỗng thấy rạo rực với những ảo ảnh chập chờn, nghe đâu đó có tiếng thì thầm: Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao. Khi chợt tỉnh, chung quanh khói lửa ngập trời. Rồi mặt trời đỏ rực màu máu. Rồi Thái Bình Dương dậy sóng. Đi đâu hết rồi, những người tôi yêu và những người yêu tôi? Trong bóng tối của tử tù, từng khoảnh khắc tôi nghe đồng vọng tình yêu trên cao. Tình yêu đến gần, đang tô điểm phấn son, chờ phút giây hội ngộ trong yến tiệc linh đình của pháp trường cát. Tình yêu phía trước, ngân vang giai điệu Prélude chậm buồn trong tay những xạ thủ:
”Mai sau tắt lửa mặt trời”
Tình yêu để lại phía sau, dãy hành lang hun hút, dồn đập tiết tấu Rhapsodie:
”Chuyện linh hồn với luân hồi có không”
Rồi lật sang chương ba của bản hòa tấu, Marche funèbre:
”Thái hư chừng sắp chuyển vòng
Đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
Chúng ta giờ ước mong gì
Văn minh gởi cát bụi về mai kia…”

2.
Sa mạc lớn dần…
Thượng đế đã chết…
Bởi vì con người đã chết. Một thế hệ được sinh ra, được nuôi lớn, để làm chứng cho sự sụp đổ, hoang tàn. Thần linh bỗng nhiên biến mất. Và hình ảnh mầu nhiệm, kết tinh từ Thánh thể, cũng biến mất. Sự sụp đổ của một nền văn minh, và hoàng hôn của những thần tượng. Tôi đi tìm đâu đó hoài niệm về một quá khứ mà mình chưa từng có mặt. Bóng ma của cái quá khứ vô tri, xa lạ ấy, đã một thời ám ảnh.
Sa mạc lớn dần…
Thượng đế đã chết…

Từ lâu, tôi không còn nghe những âm hưởng một thời xao xuyến ấy. Không chỉ là xao xuyến, mà là sóng gió, là giông bão. Đó là những âm hưởng rung động, chấn động đầu đời. Tôi chẳng hiểu tại sao thế. Quả thật, còn nhiều điều tôi vẫn chưa hiểu. Tôi muốn nói những ẩn ngữ của thơ. Cũng như tôi không hiểu tất cả sự huyền bí, mầu nhiệm, sự hiện hữu của một quả nho. Nhưng tôi đã từng nếm vị ngọt của nó. Nói cho thật nghịch lý, tôi chưa bao giờ biết, chưa bao giờ hiểu tôi là ai. Nhưng tôi vẫn là tôi. Một nghịch lý không thể tránh; một nghịch lý ám ảnh không cùng, là tôi vẫn luôn tự hỏi, mỗi khi đối diện với anh: Sơn là ai nhỉ? Con người này là ai?

Anh là ai? Là một nhà thơ hiện sinh, nổi loạn "quậy phá"? Dưới ngòi bút phê bình, anh không thể khác đi được: hiện sinh, nổi loạn, quậy phá, du côn. Tôi cũng không nghĩ khác hơn những ảnh tượng, và những ấn tượng, mà ngòi bút có thể vẽ, có thể miêu tả. Một gã du côn, một tên phạm thánh. Và còn nhiều từ khác nữa. Nhưng làm sao có thể biết được, và cũng khó mà làm quen được, một người không đến với ta từ con đường trước mặt, hay bằng tiếng gọi từ sau lưng, mà là một một cái gì đó, ở đâu đó, bỗng nhiên rơi xuống đó:
”Tôi đang rơi xuống kêu cái bịch
Trên rong rêu tịch mịch
Từ muôn đời nay”

Cái đó không phải là một hiện sinh; không phải là một hữu thể hay thực thể, bị ném vào đời một cách phi lý, vô nghĩa. Nó đến như là tình cờ, ngẫu nhiên. Nhưng có phải vì vậy mà nó phi lý, nó làm cho buồn nôn? Tuy thế, cái ngòi bút phê bình quả là cái gậy thần. Gõ vào những trang sách dày cộm của Satre, những từ ngữ triết học bí hiểm nhưng lại mang nhiều ưu tư khắc khoải của Heidegger, từ những cơn thịnh nộ bốc đồng của Nietzsche; gõ vào đó và làm cho xuất hiện một hiện sinh, một con người hiện sinh biết làm thơ. Rồi người ta cảm thấy buồn nôn vì cái hiện sinh phi lý ấy, hay vì cái ngòi bút đầy quyền uy siêu nhiên ấy? Dù sao, thì một thời, người ta nói, Sơn vẫn là nhà thơ hiện sinh. Người ta nói như thế. Cũng như người ta nói "Chú Sỹ hiện sinh". Bởi vì chú thích leo cửa sổ vào buồng ngủ của Thầy hơn là đi vào bằng ngõ chính. Có điều, chú không
”… rơi xuống kêu cái bịch
Trên rong rêu tịch mịch.”

Anh là ai? Lần đầu tiên tôi gặp anh. Đó là sao trên rừng. Tôi không cảm thấy ba chữ này phải viết hoa. Trông có vẻ một thư sinh. Cũng hiền lành như những thư sinh khác. Hiền lành, nhưng cũng rất quậy. Một thứ quậy phá của học trò. Anh nói thơ, theo kiểu nói "sùi bọt mép". Anh cãi lý Phật pháp với sư huynh tôi, học chung một lớp. Anh cãi rất hỗn. Nhưng không hiểu sao, cho tới bây giờ, sư huynh tôi vẫn quý anh. Hình như ông không biết đến một "Sơn quậy " ông đã không đọc đoạn giữa của bài thơ, mà chỉ nhìn thấy câu đầu và mấy câu cuối:
”Nhờ hồng phúc
Tôi vẫn đang ngủ trên am mây
Với những bậc thầy
Muôn thuở trước”
Đoạn giữa, là một đoạn đời, hay một cuộc đời "hiện sinh": mà nay
”Mà nay
Mặc dù đã có gia đình bậy bạ rồi”

Rồi 35 năm sau, vật đổi sao dời; tôi từ trong bóng tối tử tù bước ra, anh tử trên núi lăn xuống. Gặp nhau giữa đống rác Saigon chết. Không thấy gì khác lạ. Tất nhiên là có nhiều thay đổi. Trời đất còn phải đổi thay, non sông còn phải đổi chủ, huống gì là một con người, một gã du sỹ. Cái đổi thay này thì thật là kinh khiếp. Hàng vạn tấn bom không làm cho Thái Bình Dương dậy sóng. Nhưng những bài thơ cóc ngâm, ca tụng thiên đường hạ giới, đã gây những cơn địa chấn làm sập đáy biển, đã nhuộm đỏ biển Đông, đã làm cho cây rừng gục ngã, đã làm cho mồ hôi, nước mắt tuôn ào ạt thành những cơn lũ kinh hoàng. Tôi tìm đâu một trời thơ, sau những ngày tháng đong đưa trên vực thẳm sống chết?
”Ta còn giỡn nữa hay thôi
Khói bay mờ tỏa luân hồi vòng vo
Gửi về đâu một chút tro
Kèn vang lộn mửa tiếng o í e”

3.
Một cuộc đời mà ta biết; một con người mà ta quen, thủy chung, vỏn vẹn chỉ có thế. Nhưng khi người ấy làm thơ, thì khi ấy, con người thơ, và cõi mộng của thơ, là ẩn ngữ huyền nhiệm. Tôi biết, và cũng có thể chỉ là biết một cách tưởng tượng, rất nhiều người, những người làm thơ, đọc thơ, và cả những người nguyền rủa thơ; có rất nhiều người nhìn anh với cái nhìn ngạc nhiên, tò mò, như đang nhìn một vật thể rất lạ, rất quái lạ. Tôi nhìn anh cũng thấy rất lạ. Nhưng không lạ hơn khi tôi nhìn chính khuôn mặt mình. Cho nên, tôi thấy mình quen biết anh nhiều hơn là quen biết chính mình. Người ta hỏi tôi, Sơn là ai? tàm sao tôi trả lời được. Tôi vẫn chưa biết mình là ai. Bất quá, tôi mượn những ý tưởng có sẵn trong kho ngữ vựng triết học đông tây kim cổ, để tự giới thiệu và tự mô tả. Những ý ấy, và lời ấy, tôi biết thật sự là vô nghĩa. Dù sao, cũng vẫn cần một câu trả lời, để khẳng định hiện hữu của mình giữa cái thế giới lầm lì, hiu quạnh này. Thử hỏi: Ta là ai?
”Thì ra
Ta vốn là ma”
Vẽ ma dễ hơn vẽ người. Mỗi người tuy là mỗi cá thể độc lập, biệt lập; không ai giống ai. Nhưng tất cả loài người, bất kể da vàng da trắng, đều có chung những quy ước phổ quát. Không tuân thủ những quy ước, không làm sao vẽ vẽ được một hình người mà mọi người đều nhận ra đó là người. Dù vẽ theo ấn tượng, hay siêu thức, hay lập thể; vẫn có những quy ước phổ quát. Ngoài đó ra, là vẽ hình ma quái. Ấy thế, cái người mà mọi người cho là quái dị, kỳ cục; nhưng ai cũng cảm thấy mình có thể vẽ được con người ấy; vì nó là ma. Người ta nói nó là ma. Cái bóng ma ấy chập chờn trên sa mạc.
Quả vậy, tôi đang đi trên sa mạc. Đang quờ quạng trong bóng đêm rét buốt của sa mạc. Mới ban ngày đây thôi, mặt trời nóng cháy. Vì loài người đang thù ghét nhau. Thù nhau từ những phương trời mộng tưởng; đến đây để thanh toán nhau những món nợ oan cừu lịch sử gì đó. Bạn bè tôi, lớp lớp ra đi; theo nhịp bước lịch sử oai hùng. Nhưng thảy đều đi mất biệt. Không có trời đông, hay trời tây, để cho sao mọc hay sao lặn. Thế thì, sao trên rừng là cái quái gì? Cho nên, đại bác và hỏa châu rượt đuổi anh hàng ngày. Anh trốn trong hũ gạo. Trốn xuống gầm xe. Trốn vào nhà chùa. Anh chạy trốn, tất nhiên vì anh muốn sống. Ai lại chẳng muốn sống? Sống như bóng ma của thời đại trong cái huyễn mộng phù sinh; trong cái chập chờn ma quái; đôi khi lồ lộ một con người chân thật; một hình ảnh con người chưa từng sống, mà cũng như chưa từng chết. Xuyên bức màn trăng, mênh mông vô hình, ta nghe một con người đang than thở:
“Ô hồn ta
Sao quá mỏng.
Ngoài vườn trăng”
Trong sa mạc đêm lạnh lẽo này, trong cái bóng tối uy hiếp của bốn vách đá của bức màn sắt rờn rợn này, trong đây không dễ gì tìm ra một ma nào đang thở. Nhưng ngoài kia, ngoài vườn trăng kia, một hồn người sung mãn. Hồn người chứ không thể là hồn ma được. Đó là hồn người, cho nên nó biết khóc khi nhìn trong lòng tay, những giọt trăng đang đông lại thành những giọt máu. Máu của những oan hồn đang đòi quyền sống. Có muộn quá đi chăng?
”Trong những đêm trăng
Có một nỗi gì thấy quá muộn màng
Làm ta muôn đời muốn khóc”
Sớm hay muộn, nơi đó vẫn có một nắm đất nhân từ, có bóng tối thân thương:
”Hỡi U Minh Giáo Chủ
Trăm năm mần chi đủ
Con hát hoài không thôi
Lướt trên mồ cỏ phủ”
Đọc những câu thơ như thế, tôi muốn chui xuống mộ mà nằm, để còn được nghe tiếng hát.

4.
‘Ô i trăng ngàn.
Vừa tan”
Còn lại đó, một khoảng không tịch mặc của trời thơ. Và những lời không nói.
”Ngàn sau
Phơ phất gò bông lau.”

(* Những câu trong dấu ngoặc kép ”…” là thơ Nguyễn Đức Sơn)


VĨNH BIỆT NHÀ THƠ NGUYỄN ĐỨC SƠN

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn sau thời gian bị đột quỵ nhiều lần đã qua đời vào lúc 3g sáng nay 11-6-2020 tại đồi Phương Bối. Ông quê gốc Thừa Thiên Huế, sinh năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận. Ông bắt đầu nghiệp văn chương với bút hiệu Sao Trên Rừng, gần đây còn được gọi là Sơn Núi. Ông từng ở nhiều nơi như Sài Gòn, Phan Rang, Bình Dương, Bảo Lộc và sinh sống bằng nghề dạy học. Năm 1979, ông cùng gia đình bỏ nơi đô thị lên đồi Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng để sống một cuộc sống thanh tịnh.
Trước năm 1975 ông là một trong ba kỳ nhân của thời đó (hai người còn lại là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện), ngoài ra trong làng văn ông được gọi là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam, ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên.
Các tác phẩm của ông ca ngợi tinh thần tự do, yêu đất nước. Một số tác phẩm tiêu biểu đã xuất bản: ba tập truyện ngắn Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm, 1968), Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm, 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm, 1971) và tập Ngồi Đợi Ngoài Hành Lang chưa in.
Thơ: Bọt Nước (Mặt Đất, 1965), Hoa Cô Độc (Mặt Đất, 1965), Lời ru (Mặt Đất, 1966), Đêm Nguyệt Động (An Tiêm, 1967), Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm, 1972), hai tập cuối cùng là Tịnh Khẩu (An Tiêm, 1973) và Du Sỹ Ca (An Tiêm, 1973).
Xin chia buồn cùng gia đình nhà thơ và tu sĩ Thích Ngộ Chánh.

Bài của Tuệ Sỹ trên đây như một nén hương để tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn.

Không có nhận xét nào: