Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp đạo hữu Cao đài Lương Xuân Dương tại phòng Bầu dục 17/7/2019. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ký một sắc lệnh hành pháp thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là một bước đi đột phá của chính quyền Tổng thống Trump khi sắc lệnh này gọi tự do tôn giáo là một “mệnh lệnh đạo đức và an ninh quốc gia”, đồng thời Nhà trắng tuyên bố tự do tôn giáo là “ưu tiên của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.” Sắc lệnh ký ngày 2/6/2020 phân công Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tham khảo ý kiến của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trong vòng 180 ngày phải phát triển một kế hoạch ưu tiên tự do tôn giáo trong chính sách đối ngoại và tài trợ nước ngoài. Sắc lệnh của Tổng thống Trump viết: “Tự do tôn giáo cho tất cả mọi người trên toàn thế giới là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ tôn trọng và thúc đẩy mạnh mẽ quyền tự do này.”
<!>
Sắc lệnh quy định dành ngân sách hàng năm ít nhất 50 triệu đôla cho các chương trình nhằm giúp “dập tắt bạo lực tôn giáo và đàn áp ở nước ngoài và để bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo.”
Ngoài ra, Tổng thống Trump còn phân công Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tài chánh tham mưu cho Phụ tá An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đưa ra đề xuất xây dựng các khuyến nghị ưu tiên trong việc sử dụng các công cụ kinh tế phù hợp để thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế.
Đáng lưu ý, ngay trong phần đầu tiên của sắc lệnh, Tổng thống Trump nhấn mạnh vai trò của các cộng đồng, tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước, xem đây là những “đối tác quan trọng” trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Hòa thượng Thích Không Tánh, thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, nhận định về sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump:
“Chúng tôi rất tin tưởng vào sắc lệnh thúc đẩy tự do tôn giáo của Tổng thống Trump và rất mừng nếu như Tổng thống và Chính phủ Hoa Kỳ mạnh mẽ hỗ trợ cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới. Tôi ủng hộ các chính sách của Tổng thống Trump cho tương lai của toàn thế giới.”
Trong báo cáo thường niên năm 2020 của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF), một cơ quan tham vấn độc lập lưỡng đảng của chính phủ liên bang Mỹ, nêu rõ rằng Việt Nam là một trong 14 quốc gia trên thế giới “vi phạm tự do tôn giáo” nghiêm trọng nhất, và đã đề xuất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam và danh sách các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.
Căn cứ theo đối tượng, mức độ vi phạm tự do tôn giáo mà sắc lệnh của Tổng thống Trump đề cập, bao gồm Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC), Thực thể cần quan tâm đặc biệt (EPC), Danh sách theo dõi đặc biệt, và Vi phạm tự do tôn giáo, thì Việt Nam khó có thể không bị ảnh hưởng.
Từ bang Virginia, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Uỷ ban Cứu Người Việt biển BPSOS, một tổ chức phi chính phủ vận động cho tự do tôn giáo Việt Nam, phân tích ba khía cạnh mà sắc lệnh của Nhà Trắng sẽ tác động đến Việt Nam:
“Sắc lệnh này là một bước kế tiếp trong chuỗi các hành động từ cơ quan hành pháp Hoa Kỳ nhằm thăng tiến tự do tôn giáo toàn cầu. Sắc lệnh nêu chỉ thị của Tổng thống rằng từ nay trở đi, cơ quan USAID sẽ không viện trợ khơi khơi cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam được. Cơ quan này trong 20 năm qua đã viện trợ cho Việt Nam 1 tỷ 800 triệu đôla.
“Từ nay việc viện trợ phải có chủ ý đảm bảo thăng tiến quyền tự do tôn giáo ở những quốc gia nhận viện trợ như Việt Nam. Ví dụ như tiền viện trợ của Hoa Kỳ có đến được tay của người Tây Nguyên, người H’Mong theo đạo Tin lành, hay các tổ chức từ thiện của tôn giáo, các tổ chức khuyết tật, hay các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa… có nhận được sự viện trợ này không?
“Tất cả các giới chức Hoa Kỳ làm việc ở nước ngoài phải có mục tiêu chung là thúc đẩy tự do tôn giáo, ví dụ các các phái bộ Hoa Kỳ, các giới chức an ninh quốc phòng, kinh tế thương mại cũng phải thúc đẩy tự do tôn giáo…đi đâu, làm gì họ cũng phải nêu tình trạng đàn áp tôn giáo ở quốc gia ấy.
“Các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ phải hợp tác chặt chẽ với nhau với các tổ chức xã hội dân sự ở những quốc gia đang bị xem là có tình trạng vi phạm tự do tôn giáo, mà Việt Nam là một trong 14 quốc gia vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất trên thế giới bị USCIRF nêu trong phúc trình thường niên năm nay.”
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA sau Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt năm 2019, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Scott Busby đặc trách cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động phát biểu: “Chúng tôi tiếp tục lo ngại rằng các nhóm tôn giáo chưa được đăng ký tại Việt Nam đang bị quấy rối và không thể tự do thực hành tôn giáo của họ.”
Trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại Nhà trắng vào tháng 7/2019, Đạo hữu Cao Đài Lương Xuân Dương, một trong hai nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam cùng với 25 nạn nhân khác bị đàn áp tôn giáo trên khắp thế giới, thuật lại nội dung trao đổi với vị lãnh đạo Hoa Kỳ:
“Tôi đã nói với Tổng thống rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo. Tôi muốn Tổng thống giúp cho Việt Nam có tự do tôn giáo và rằng Việt Nam cần được đưa trở lại danh sách CPC.”
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từng đưa Việt Nam vào danh sách những Quốc gia cần quan đặc biệt CPC từ năm 2004 đến 2006. Vào năm 2006, Quốc hội Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi CPC và cấp cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) để nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Mặc dù Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, nhưng USCIRF nhận định rằng chính phủ Việt Nam vẫn “tiếp tục đàn áp các cá nhân và tổ chức tôn giáo—cho dù có một ít cải thiện khiêm tốn —và tình hình tự do tôn giáo nói chung vẫn bị bóp nghẹt kể từ lúc đạt được một số tiến bộ ngắn hạn khi nằm trong danh sách CPC.
Phúc trình năm 2020 của USCIRF ban hành vào tháng 4/2020 viết: “Chính quyền Việt Nam tiếp tục kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo bằng luật và giám sát hành chính, hạn chế nghiêm ngặt hoạt động tôn giáo độc lập, và đàn áp các cá nhân và nhóm tôn giáo mà chính phủ cho là thách thức đến nhà chức trách, kể cả các Phật tử độc lập, người theo đạo Hòa hảo, Cao đài, Công giáo, và Tin lành.”
Đáp lại, vào tháng 5/2020, Bộ Ngoại Việt Nam nhận định rằng phúc trình của USCIRF “vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan và trích dẫn những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng về Việt Nam.” Đồng thời, Hà Nội tái khẳng định “Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”
Hòa thượng Thích Không Tánh lên tiếng lưu ý rằng Hoa Kỳ cần phải thận trọng không để bị Việt Nam lợi dụng trong việc thực thi các chính sách, tránh lặp lại sự việc như năm 2006 khi Washington đưa Hà Nội ra khỏi CPC chỉ vì giúp Việt Nam hòa nhập vào cộng đồng thương mại thế giới, nhưng sau đó tình hình tự do tôn giáo Việt Nam tiếp tục xấu đi.
“Tôi nghĩ trước đây quốc tế và cả Hoa Kỳ bị chính quyền Việt Nam lừa dối trong vấn đề WTO năm 2006, họ bày ra cảnh tự do tôn giáo để Hoa Kỳ rút Việt Nam ra khỏi CPC để họ hưởng lợi về mặt kinh tế.
“Tôi hy vọng rằng chính phủ của ông Donald Trump sẽ không bị ảnh hưởng bởi những lời nói hoa mỹ của phía Việt Nam.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét