Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Đôi Giày Chật - Ngọc Ánh


Hình minh họa 
Không hiểu từ bao giờ hình ảnh những người phụ nữ trở về từ bên kia nửa vòng trái đất với vóc dáng thon thả, làn da trắng mịn, tóc nhuộm nâu vàng, đeo cặp kính râm bí ẩn trên khuôn mặt thanh tú, đôi giày cao gót cả tấc nhún nhẩy trong chiếc quần short cũn cỡn  và cái áo thung hai dây khoe bờ vai tròn lẳng thỉnh thoảng xuất hiện trong hẻm nhỏ đã gợi cho cô giáo Mai nỗi ao ước đổi đời, cô mơ có một ngày nào đó mình trở thành Việt Kiều.<!>
Tôi biết Mai vì nó là em của nhỏ bạn chung xóm, tuổi mới lớn Mai thông minh xinh xắn, học hành tử tế, tánh tình lanh lợi dễ thương, tốt nghiệp xong cấp ba là con bé nhảy vô ngành du lịch làm tour guide, dẫn khách đi rày đây mai đó trong các nước Châu Á, vốn liếng ngoại ngữ của nó tàm tạm đủ để câu cơm thong thả, thời kỳ người ta đua nhau đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc thì các công ty môi giới mở thêm trường dạy và học tiếng Hàn, vậy là Mai bỏ nghề tour guide để nhảy qua “nhu cầu thời thượng” này. Học hành bằng cấp hẳn hoi, Mai ra trường đi dạy cho các trung tâm giới thiệu việc làm, lương bổng nhàn hạ hơn, dù sao được gọi là cô giáo cũng nở mày nở mặt với chòm xóm.

Con nhỏ coi cũng đẹp người đẹp nết mà không hiểu sao tới ngoài 30 tuổi mới lấy được chồng, anh ta là học trò trong lớp tiếng Hàn của Mai, nhỏ hơn cô giáo vài tuổi, tuy đẹp trai nhưng con nhà nghèo học dốt, bởi vậy mới đi làm cu li xứ người. Tuy nhiên có tình cảm với nhau thì cần gì so đo hơn kém. Cô giáo Mai tưởng là cuộc đời yên ấm từ đây.

Ai dè sau khi đi lao động nước ngoài trở về, sẳn có chút tiền bạc rủng rỉnh, anh chàng lại lao vào ăn chơi cờ bạc gái gú, sau mỗi trận nhậu là gây sự chửi bới vợ con, thậm chí có lần đánh vợ gãy tay phải băng bột cả tháng. Bản chất lưu manh của anh ta đã lộ ra sau vài năm chung sống khiến Mai uất ức tủi nhục, và quyết định ly hôn, gia đình chồng dành nuôi hai đứa cháu nội đích tôn, dành luôn căn nhà mà thời con gái Mai gầy dựng được. Chán đời cô ra đi tay trắng mặc dù cô không có lỗi trong vụ này nhưng đám đông đã áp bức một phụ nữ đơn thân và không quen sống gian ngoa trong xã hội lừa lọc chụp giựt này.

Khi tôi từ Mỹ trở về thăm xóm cũ thì gặp lại Mai tiều tụy hốc hác sau những năm tháng bất hạnh. Cầm những món quà lặt vặt tôi cho, Mai bộc bạch hồn nhiên “sao em muốn được đi Mỹ một lần cho biết- Ừ thì cứ mua vé đi, bây giờ thiên hạ du lịch hà rầm mà”. Nói an ủi cô vậy nhưng tôi đâu biết thủ tục rắc rối ra sao cho một chuyến đi tới..thiên đường mơ ước của Mai. Vài tháng sau thì con nhỏ gọi qua tôi báo tin là nó sẽ đi Mỹ, một cô bạn thân hồi xưa đã rủ Mai sang chơi, giọng Mai phấn khích hào hứng y như mười mấy năm trước Mai báo tin cho cả xóm biết cô lấy được thằng chồng trẻ tuổi đẹp trai. Tôi chúc mừng Mai đạt được ước mơ qua Mỹ một lần cho biết mà cô từng tơ tưởng.

Thời gian lu bu bận rộn suốt mấy năm trời tôi không về lại VN, tôi cũng quên hẳn con em hàng xóm này cho tới một hôm tôi nhận được số phone lạ trên nước Mỹ. “Em là Mai nè chị” tôi ngạc nhiên “Ủa, em qua du lịch nữa hả”Giọng Mai yếu xìu “Dạ hông, em lấy chồng và ở luôn bên này rồi”. Như một phản ứng tự nhiên tôi định chúc mừng cô, nhưng hình như có cái gì đó không ổn trong tiếng thở dài não nuột của Mai bên kia đầu dây, hai chị em hẹn gặp nhau trong bữa nào đó, hỏi ra mới biết nhà Mai cách nhà tôi khoảng hơn giờ lái xe. Sự tò mò khiến tôi muốn biết Mai bây giờ ra sao và làm cách nào để tới ..thiên đường như cô ấy đã từng ao ước.

Trước mặt tôi là mẫu phụ nữ Việt kiều đúng điệu, quần bó, áo hai dây, kính đen và mái tóc nhuộm nâu vàng, Mai bây giờ khác xa Mai tôi gặp ở Sàigòn mấy năm trước, gương mặt trang điểm khéo léo coi cũng còn tươi nhưng phảng phất nét buồn. Chưa uống cạn chai nước mà nghe câu chuyện của Mai kể về những đắng cay tủi nhục trong suốt thời gian bôn ba xứ người mà tôi như bị mắc nghẹn.
“ Em qua Mỹ theo dạng du lịch, đang dạy học nhưng nghỉ hè, sẳn buồn trong bụng chuyện gia đình lận đận nên đi cho nguôi ngoai, qua đây ở nhà vợ chồng người bạn tính chừng hai tháng rồi về, họ cùng làm ca đêm nên ngày rảnh họ chở em đi chơi đây đó, thiệt tình được qua Mỹ, thấy khung cảnh sang trọng, nhà cửa đường sá sạch đẹp, lối sống văn minh lịch sự của con người ở Mỹ em thích lắm mà cũng hả dạ vì từ lâu em vẫn mơ ước được đi một lần trong đời. Rồi em gặp ổng, bạn của chồng bạn, cả bọn đi chơi chung mấy lần, thấy ổng có vẽ hiền lành thiệt thà, vợ chết mấy năm rồi, thằng con lại đi làm ăn xa nên quạnh hiu lắm, ổng hỏi han này nọ về gia cảnh, em cũng kể tuốt hết. Ai dè ổng để bụng thương em, vợ chồng người bạn nghe vậy đốc vô, muốn ở lại Mỹ thì kết hôn với ổng, nhiều người thèm qua đây họ phải tốn tiền cho vụ kết hôn giả cả mấy chục ngàn, còn em thì không tốn đồng nào...

Lúc đầu em cũng ngần ngừ vì thấy ổng hơi lớn tuổi, hơn cả con giáp chớ ít gì, nhưng nhớ lại hồi trước lấy chồng trẻ bị đám bạn của nó tới nhà hỏi chọc quê “ có anh Khanh ở nhà không bác?” rồi khi vợ chồng cãi nhau, nó gằn giọng “ bà có biết tôi mắc cỡ khi ra đường với bà không?” Em hận thằng Khanh vì mấy câu nói đó, nên bây giờ đắn đo không biết bước thêm bước nữa có yên ấm hay lận đận khổ tâm thêm, thật lòng em rất muốn thay đổi cuộc đời mình, em muốn ở lại Mỹ.

Cuối cùng thì em chịu lấy ổng, hôm ra City Hall ký hôn thú, ổng đeo cho em chiếc nhẫn cưới lỏng le, em nghĩ là của vợ ổng chết để lại, tự dưng thấy rờn rợn, nhưng thôi kệ, ổng ăn tiền già nên cũng nghèo, miễn sống tử tế với nhau là được rồi. Em về ở với ổng trong căn phòng chật chội share với người ta, đồ đạc không có gì ngoài mớ quần áo hôi rình của người độc thân mà sống bừa bãi.Em dọn dẹp cả mấy tuần mới coi tươm tất, còn chút tiền túi em đi mua sắm đồ trong nhà, từ quần áo cho ông đến mền gối, khăn vớ, em nghĩ bụng ăn cây nào rào cây nấy” nhưng  thiệt tình trong lòng có ngạc nhiên vì một người sống ở Mỹ cả mấy chục năm như ông mà không có được cái nhà đàng hoàng, trong khi bạn em mới đây mà đã mua được một căn trả góp. Em chưa biết ông có dính vô cờ bạc hay nợ nần ai không nữa, em cũng chưa hiểu hết về người đàn ông này, mà em cũng đứng tuổi rồi đâu cần kén chọn gì nữa.

Những điều đó không quan trọng với em, miễn được ở lại Mỹ là cơ hội tốt cho em rồi. Em nghĩ mình may mắn khi có “quới nhơn phù hộ”, em tưởng ổng thương em thiệt tình, ai dè ở được chừng tháng ổng hỏi em có tiền riêng tư gì không đưa cho ổng đổi cái xe mới, vì nghe bạn kể là hồi bên VN em sống khá giả, có nhà cửa nghề nghiệp ổn định. Khi thấy em nói không có, ổng lộ vẻ thất vọng ra mặt, chì chiết em mấy ngày liền với lời lẽ thô tục, chửi bạn em và em là bọn lừa đảo, dối gạt ông.

Em cảm thấy bị xúc phạm kinh khủng, cuộc hôn nhân này là tự nguyện giữa đôi bên, hay là ông nhầm lẫn khi tưởng rằng em giàu có ? lẽ nào ông chỉ vì tiền? Tự ái tủi nhục em khóc hoài và chỉ muốn quay về VN phức cho rồi, nhưng nghe hàng xóm xì xầm “ông lấy con nhỏ này coi cũng đàng hoàng ngon lành, ông già cả bịnh hoạn có nó đở đần” thì ông lại năn nỉ làm hòa, chuyện vợ chồng lục đục cũng là bình thường, qua một lần đổ vỡ nên em có kinh nghiệm nhẫn nhịn cho yên, sau đó ông dẫn em đi làm để kiếm tiền, vì chưa có giấy tờ chính thức nên em chỉ đi giúp việc cho mấy người Việt quen biết với ông, họ trả tiền rẻ mạt mà công việc khi mướn chỉ yêu cầu có một nhưng vào làm thì thêm đủ thứ việc lại không có thêm tiền, làm quần quật từ sáng đến tối mịt, đi giữ người già thì họ bắt chùi cầu, lau nhà, dọn kho, cắt cỏ tưới cây, còn trông em bé thì khi nó ngủ phải giặt thêm quần áo, rửa chén, nấu cơm. 

Em biết đi làm lậu như vậy không ai bênh vực quyền lợi cho mình, bên Mỹ này luật lệ rất rỏ ràng, lương bổng giao kèo chặt chẽ nhưng em xui gặp phải người chủ lường công bắt chẹt với đồng hương mới qua. Nhưng em cần tiền để sống còn ở đây, dù cực khổ mấy em cũng ráng được nhưng chị ơi, cái em sợ nhất là phải ăn ngủ với người đàn ông hôi hám, hồi quen thấy ăn mặc bề ngoài cũng lịch sự lắm, ai dè người ông bị ghẻ lác kinh niên, lại thêm sự thèm khát do dùng thuốc kích dục của ông khiến em bị dày dò đêm này qua đêm khác như một con điếm. Nhưng tuổi già như ông có làm được gì đâu, sáng nào em cũng bị chì chiết vì ông không được thỏa mãn, rồi ông đá ghế đá bàn gây gổ chửi thề. Căn nhà như địa ngục. Em lại đi làm trong mệt mỏi và trở về bằng sự ê chề cay đắng. Tiền bạc làm được bao nhiêu em đưa hết cho ổng trả tiền nhà, chợ búa, em muốn học lái xe, ông cản không cho nói em không thể lái được, đi đâu làm gì cũng tùy thuộc vào ổng, mà mỗi lần lên xe ổng chửi thề suốt buổi, toàn quanh quẩn chuyện củ rích, phàn nàn việc lấy em là sai lầm, tưởng em có tiền để đưa ông đổi xe mới, mướn chỗ ở rộng rãi hơn, mai mốt đủ lông đủ cánh thế nào em cũng sẽ bỏ ổng v.v

Em thấy ổng vô lý và bệnh hoạn hết sức, cứ nghỉ ngợi đâu đâu rồi kiếm chuyện gây sự, buồn không biết than thở với ai, em không có người thân ở đây, vợ chồng bạn em đã cho mượn tiền để ông làm thủ tục bảo lãnh xin thẻ xanh cho em được chính thức ở lại nước Mỹ.

Hơn ba năm trời trân mình chịu đựng, em sống không có một ngày hạnh phúc thanh thản bên chồng, phần hai đứa con ở VN cứ than khóc với em về việc ba nó đem về nhà người phụ nữ khác, không quan tâm tới chúng nó, thằng lớn còn vài năm nữa tới tuổi đi nghĩa vụ, con nhỏ học hành sa sút vì ham chơi, tuổi mới lớn dại dột dễ bị hư hỏng. Hồi trước thấy bên Nội làm dữ quá dành nuôi cháu, bán đất hương quả họ cũng có tiền, nên em yên tâm để lại căn nhà và giao con, nghĩ tụi nhỏ sẽ được chăm sóc đàng hoàng, ai dè bây giờ mọi thứ tang hoang. Bụng dạ em cứ rối bời chuyện bên này bên kia kẹt cứng.

Em không biết khi quyết định kết hôn vội vã với người đàn ông mà mình chưa có tình yêu sâu đậm để vì mục đích ở lại Mỹ là đúng hay sai nữa, ngoài cuộc sống vợ chồng chán ngắt, ngoài những người Việt xấu xí lường công mà em đã gặp trong bước đầu mới tới thì nước Mỹ vẫn là điều em thích nhất khi ở lại đây, cuộc sống có cái gì đó tự do thoải mái mà em cảm nhận được khác xa cái không khí ngột ngạt bên nhà, luật lệ rõ ràng khiến người ta yên tâm, xe cộ giao thông trật tự an toàn, chợ búa mua sắm thoải mái mà hàng hóa phong phú chất lượng, em thèm đi Mall mà mỗi lần nhờ ông chở đi thì bị cằn nhằn suốt, em thấy tù túng hết sức.

Ngày nhận được thẻ xanh em mừng phát khóc, em trằn trọc cả đêm không ngủ được, em lại ao ước có quốc tịch để chính thức làm công dân Mỹ, để có điều kiện bảo lãnh hai con em qua đây cho tụi nó học hành trong môi trường giáo dục đàng hoàng, nước Mỹ là quê hương của cơ hội, em mong các con em tiến thân bằng sự lương thiện để trở thành người tử tế, chứ bây giờ nhìn lại xã hội VN, em lo sợ tụi nhỏ hư hỏng quá chị ơi.

Bây giờ em còn ngổn ngang nhiều việc phải làm, có giấy tờ rồi em sẽ tìm việc làm ổn định không sợ bị chèn ép nữa, em ráng học lái xe và dành dụm tiền mua chiếc xe cũ đi làm để khỏi phụ thuộc chồng dù em biết điều này ông không thích, hay chính xác hơn là ông sợ em đủ lông đủ cánh rồi bay đi như thói đời của các cô gái trẻ khi lấy chồng Việt kiều. Nhưng chị ơi mang đôi giày không vừa chân đi một đoạn ngắn là mình đã khó chịu rồi, huống chi phải chịu đựng cả một đời. Em hứa với lòng dù không yêu thương ông nhưng vẫn nhớ ơn ông đã giúp em đạt ước mơ đổi đời trên nước Mỹ này, em sẽ không phụ bỏ ông khi ông gặp khó khăn bệnh hoạn, chỉ lo sau này muốn rước con qua đây lại sợ ăn ở chung đụng với ông, con mình hơ hớ em ngại lắm, đến nay em còn dấu tụi nhỏ chuyện đã lập gia đình bên này, em chưa biết phải nói sao để chúng nó thông cảm cho em.

Tôi lắng nghe câu chuyện của Mai mà thương, biết bao cô gái bên nhà cũng nuôi ước mơ làm Việt kiều như Mai, nhưng không biết có ai thấm đau cay đắng khi mang phải đôi giày chật đi suốt đoạn đường dài như cô ấy? Họ không thể nói ra vì sợ xấu hổ, mặc cảm, họ muốn giữ sỉ diện với gia đình bạn bè bên nhà, đối với nhiều người, nước Mỹ vẫn là điểm đến tuyệt vời nhất.

Giá vé của thiên đường tuy mắc nhưng Mai vẫn còn cơ hội để tới đích, trong khi hàng trăm, hàng ngàn bạn trẻ khác đã hăm hở ra đi và phải bỏ cuộc nửa chừng vì chết ngạt trong thùng đông lạnh hay vùi thây dọc theo những con đường mòn trong rừng tuyết của đất nước xa xăm nào đó, cách quê nhà vạn dặm.
Đau đớn thay vì đâu nên nỗi? họ cũng từng có những ước mơ ..


Ngọc Ánh

Không có nhận xét nào: