Tôi rất dễ bị ‘hớp hồn’ vì những mái tóc dài của phụ nữ. Điều này đồng nghĩa với việc tôi không thể dành cảm tình cho những mái tóc ngắn kiểu ‘demi garcon’ như trong bài hát Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ của Phạm Duy, phổ nhạc theo thơ Nguyễn Tất Nhiên:
Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em tóc Demi Garçon
Chiều hôm nay xuống đường đón gió
Cô có tình cờ
Nhìn thấy anh không?
Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em có nụ cười ngây thơ
Thành khi không quãng đường im gió
Không gió lấy gì lang thang?
Cô em Bắc Kỳ nho nhỏ thì được. Nhưng cô em tóc demi garçon lại không phải là ‘gout’ của tôi. Một mái tóc ngắn làm sao tạo cảm giác hấp dẫn mỗi khi vuốt ve. Đó là chưa nói đến hình ảnh gợi cảm của một mái tóc dài, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy quyến rũ hơn một cái đầu ngổ ngáo kiểu con trai. Biết đâu chừng, trong suốt cuộc đời chưa bị một người phụ nữ tóc ngắn kiểu ‘demi garçon’ nào ‘hớp hồn’ cho nên tới giờ này chuẩn bị ‘xuống lỗ’ mà vẫn còn… chung thủy với cái ‘gout’ tóc dài từ thời niên thiếu.
Có một dạo, khoảng thập niên 60s, các cô gái Sài Gòn chuộng mốt buộc thêm cái bandau lên mái tóc. Dẫu rằng bandau có những tác dụng thiết thực như giữ cho tóc khỏi lòa xòa trước trán nhưng tôi không cho như thế là đẹp. Bandau, nếu là màu trắng trên trán, khiến cho người đối diện liên tưởng đến vành khăn tang và như thế đâu còn nét quyến rũ của người phụ nữ trước cánh đàn ông nữa. Thay vào đó là ý nghĩ tang tóc đáng sợ!
Tóc cột theo kiểu ‘đuôi gà’ (queu de cheval – người phương Tây gọi là kiểu tóc đuôi ngựa) cũng là một mốt của các cô thời đó, nhưng có điều chỉ thích hợp với những người còn trẻ.
Ngày còn mài đũng quần trên băng ghế trường Trung học Ban Mê Thuột, tôi rất mê kiểu tóc đuôi gà của một cô bạn cùng lớp. Cô rất đẹp, nhưng có cái tên rất xấu… Phan Thị Lụng. Tóc Lụng luôn luôn cột giây thung, túm lại như đuôi ngựa ở phía sau trông tựa như cô đào Sandra Dee trong phim Mirage de la vie nên tôi thầm phong tặng cho cô bạn cùng lớp biệt danh… Sandra Lụng!
Ở trong lớp, tôi lại ngồi ngay phía sau lưng Sandra cho nên lúc nào cái đuôi ngựa cũng tung tăng trước mắt. Tôi mê tóc đuôi gà từ dạo ấy. Mê đến độ khi lớp làm bích báo (báo tường), tôi viết một bài thơ ca tụng mái tóc, anh chàng phụ trách trang trí tờ báo còn vẽ một bức tranh minh họa cô nữ sinh có mái tóc giống y như Phan Thị Lụng. Chưa hết, bài thơ được ký với bút hiệu Chung Linh… ghép bởi hai cái tên Chính Lụng đọc lái!
Lụng phản đối kịch liệt tấm lòng si mê của tôi. Điều này cũng dễ hiểu. Khi còn ngồi ở ghế nhà trường, nam sinh và nữ sinh tuy cùng độ tuổi nhưng lúc nào các cô cũng coi bạn trai cùng lớp là những kẻ ‘dưới cơ’, các cô chỉ để mắt đến những anh lớp trên…
Tôi vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Thấy trong Cours de Langue et de Civilisation Francaise của Mauger có mẫu một thiệp hồng báo hỷ, tôi chép lại nguyên văn, chỉ thay vào đó tên cô dâu, chú rể là Nguyễn Ngọc Chính và Phan Thị Lụng. Hoàn tất ‘công trình’, tôi để thiệp hồng lên yên xe đạp của Lụng.
Ngày hôm sau, tôi bị thầy giám thị gọi lên văn phòng cảnh cáo trò đùa ‘dai’, nếu còn tái phạm sẽ phạt cấm túc, đồng thời thông báo về gia đình. Kể từ ngày đó, vì sợ quá nên mái tóc đuôi gà biến hẳn trong đầu óc tôi. Mấy đứa bạn cùng lớp còn trêu:
Muốn người ta mà người ta không muốn,
Xách… thiệp hồng chạy xuống chạy lên!
Thật không ngờ, mấy chục năm sau mái tóc đuôi gà lại xuất hiện trong đời tôi qua hình ảnh người tình. Dù chỉ là sự xuất hiện thoáng qua nhưng cũng để lại một kỷ niệm khó quên. Hôm đó là một buổi trưa móng bức giữa Sài Gòn, nàng sửa soạn đi dạy học và bước ra đường với một mái tóc kẹp lệch sang một bên cho đỡ nóng. Một thoáng rùng mình. Tôi ngây ngất đứng nhìn nàng bước ra khỏi nhà với mái tóc đuôi gà…
Mái tóc vén cao cũng là một hình ảnh quyến rũ của người phụ nữ, nhất là những người có vóc dáng quý phái, sang trọng. Tóc vén cao thường hợp với những làn da trắng nuốt trên gáy, nổi bật với vài sợi tóc lòa xòa trên cổ. Đó là hình ảnh của bà ‘cố vấn’ Ngô Đình Nhu vào khoảng những năm 60s. Nói đến bà Nhu phải kể thêm kiểu áo dài hở cổ, decolleté, làm nổi bật mái tóc vén cao của một mệnh phụ phu nhân.
Bà cố vấn Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Thị Lệ Xuân
Đời tôi cũng đã từng có liên quan đến mái tóc vén cao của Ms H., thư ký của bác sĩ trưởng Ty y tế và Dân y viện Ban Mê Thuột. H. nhiều tuổi hơn tôi và đã có 2 đứa con. Chính H. là người đã quyến rũ tôi khi bắt đầu bước vào đời. Khi đó tôi còn là một cậu trai ngờ nghệch làm việc cho phái đoàn y tế Milphap, tăng cường cho Dân y viện BMT.
Mái tóc H. lúc nào cũng vén cao một cách cẩn thận và khi đi làm H. thường mặc những chiếc áo dài hở cổ thật hấp dẫn. Hằng ngày, H. lái chiếc Peugeot 203 đến sở, trông như một mệnh phụ phu nhân. Thực ra, tôi chỉ chú ý đến H. nhưng không hề có ý định chinh phục và cuối cùng thì người mạnh dạn tấn công lại là H.
Những gì H. để lại trong tôi là mái tóc vén cao, chiếc áo dài hở cổ và… một vết loang trên áo chiếc áo dài. Vết tích của một cuộc tình, ngay tại cơ quan, sau một bữa tiệc sinh nhật. Cậu trai mới lớn nhưng lại vụng về với người phụ nữ có mái tóc luôn vén cao!
***
Vào thời đại hiện tại, văn minh tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp các bà các cô ‘duỗi tóc’ thật thẳng hay nhuộm tóc đủ màu và thậm chí còn "hilight" pha màu từng cụm tóc trông như một "palette technicolor" của người họa sĩ chuẩn bị vẽ một bức tranh. Tôi quan niệm, cái đẹp phải xuất phát từ tự nhiên. Đẹp tức là những gì tự bản thân mình có chứ không thể nào vay mượn từ những cái mình không có (?).
Một người gốc châu Á thì làm sao có được mái tóc bạch kim, tóc đỏ hay tóc vàng? Tại sao ta lại gắn lên đầu những màu tóc không phải của mình? Có lẽ đầu óc tôi thuộc loại ‘cổ hủ’ nên không thể nào cảm nhận được nét đẹp của những màu tóc không phải là đen trên thân thể một phụ nữ Á châu. Thiết nghĩ, mỗi chủng tộc có nét đẹp riêng của mình, lấy cái đẹp của người khác chủng tộc đem gắn vào mình thì chẳng khác nào ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’!
Tôi kỵ nhất khi phải đối diện với phụ nữ trên đầu chỉ toàn… ống cuốn tóc. Thường thì các ông chồng phải cam chịu ‘ngậm đắng nuốt cay’ với cảnh này. Các bà vợ muốn ra đường với một mái tóc đẹp nên rất chịu khó cuốn tóc khi còn ở trong nhà và các ông chồng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất: phần xấu xí mình phải gánh chịu còn phần tốt đẹp thì thiên hạ được chiêm ngưỡng.
Tôi cũng là nạn nhân của trường hợp này. Nàng có thói quen cuốn tóc bằng ống cuốn vào ngày Chủ Nhật để đến Thứ Hai đi làm sẽ có một mái tóc đẹp! Chỉ có mình tôi ‘lãnh đủ’ trong những ngày Chủ Nhật, luôn phải đương đầu với khoảng gần một chục ống cuốn trên đầu.
Các bà các cô thường quan niệm ở nhà thì sao cũng được nhưng khi ra đường thì bắt buộc phải tươm tất. Mà loanh quanh trong nhà chỉ có các ông chồng, họ ‘lãnh đủ’ để đến khi ra ngoài đường thì mọi người đều được chiêm ngưỡng sắc đẹp của vợ mình. Thật bất công. Không lẽ một khi đã là chồng hay người tình thì không còn đặc quyền chiêm ngưỡng những nét đẹp của vợ hay người yêu?
***
Ngày xưa, các bà các cô đi guốc nhiều hơn đi giầy và địa chỉ họ thường lui tới để tìm cho mình một đôi guốc vừa ý là tiệm Guốc Dakao, vùng Tân Định. Guốc là thời trang thịnh hành của những năm 1960. Thôi thì đủ kiểu: guốc cao, guốc thấp, guốc trung bình, lại còn có cả guốc sơn mài, một tác phẩm hội họa để trưng bày dưới đôi bàn chân ngọc.
Thân guốc bằng gỗ xoan được tạo hình hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Gỗ phải là loại có ít nhất 5 hoặc 6 năm, trải qua các khâu ngâm, phơi, tẩm, sấy chống ‘chảy màu’ mạch gỗ. Thời gian để hoàn thành đôi guốc mộc phải mất đến 2 hoặc 3 ngày.
Quai guốc đóng một vai trò quan trọng: quai có thể làm bằng da lộn, da thật, giả da, simili, cũng có thể là quai mặt đá, thêu hoa, đính cườm… Đóng quai guốc cũng là cả một nghệ thuật, phải ướm cho vừa chân mới bắt đầu đóng bằng những chiếc đinh có mũ. Không ít các đấng mày râu tình nguyện đóng quai guốc cho người yêu và được thưởng bằng một nụ cười… nhất tiếu thiên kim.
Guốc cũng đi vào thơ văn. Nhà thơ Đỗ Chí Vinh trong bài Mùa xuân và chiếc guốc có những câu dưới đây viết về cảm xúc khi nghe nhịp guốc:
Ai xôn xao đầu ngõ
Ai nhịp gót rộn ràng?
Xin cảm ơn đôi guốc
Yếu lòng người không mang!
Người Việt mình có câu ‘Đi guốc trong bụng’ nhưng nếu đó là guốc cao gót thì chắc chắn kẻ bị biết tỏng lòng dạ vừa thấy cả nỗi đau tinh thần lẫn thể xác. Cũng vì thế guốc cao gót chính là vũ khí phòng thân của phái liễu yếu đào tơ trong cơn nguy biến, đồng thời cũng là vũ khí tấn công trong những cuộc đánh ghen với tình địch không đội trời chung.
Mái tóc chỉ là một trong những nét đẹp của phụ nữ, người ta còn bàn đến vóc dáng, tướng đi, lời ăn tiếng nói và cả đến đức hạnh của phụ nữ. Trong thơ văn, có cả một bài thơ thuộc loại ‘ngũ ngôn tứ tuyệt’ để nói về những nét đặc biệt bên ngoài của phụ nữ nhưng lại ẩn chứa những bí mật thầm kín bên trong. Thơ rằng:
Hồng diện đa dâm thủy
Mi trường hạ tố mao
Tiểu yêu âm hộ đại
Trường túc bất tri lao
Bốn câu thơ chữ Hán đọc lên thấy vừa có vẻ nghiêm túc của ông đồ Nho nhưng đồng thời cũng thể hiện những ‘quý tướng’ kín đáo của các bà, các cô. Điều lý thú là bài thơ ‘năm chữ, bốn câu’ bằng chữ Hán được diễn nôm thành thơ lục bát mang đầy mầu sắc của văn chương bình dân. Cứ một một câu năm chữ được chuyển ngữ thành 2 câu lục bát tả chân hoàn toàn Việt Nam (người viết cũng phải xin lỗi trước vì văn chương… quá dung tục):
Hồng diện đa dâm thủy:
Những cô má đỏ hồng hồng,
Nước l… tát mấy gầu sòng chưa vơi.
Mi trường hạ tố mao:
Những cô mắt phượng mày ngài,
Lông l… cũng đốt được vài thúng tro.
Tiểu yêu âm hộ đại:
Những cô đáy thắt tò vò,
Qua l… ta phải gọi đò sang sông.
Trường túc bất tri lao:
Những cô dài cẳng chân dang,
Xếp hàng cho đ… cả làng chịu thua.
Xin ngả nón bái phục nhà thơ nào đó đã lột trần ý nghĩa của bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt sang thơ lục bát rất… Việt Nam. Các cụ ta vẫn thường ví von, ‘nôm na là cha mách qué’. Thật quả kho tàng văn chương bình dân của ta nói về ‘tướng dâm’ của người phụ nữ rất sâu xắc và cũng rất chân chất.
***
Người đẹp Sài Gòn xưa: Chiếc Solex và tà áo dài
Xin mượn tạm danh hiệu ‘Người đẹp Bình Dương’ của nữ minh tinh một thời nổi tiếng, Thẩm Thúy Hằng, để đặt tên cho đoạn viết này về Người Đẹp Sài Gòn. Theo nhận định có phần chủ quan của tôi, những người đẹp Sài Gòn vào thời 60s có những nét đẹp mà các cô gái ngày nay không thể nào sánh bằng. Hãy tưởng tượng một hình ảnh người đẹp Sài Gòn qua thơ Nguyên Sa mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Áo dài may từ lụa Hà Đông thướt tha, mềm mại. Đẹp nhất là cảnh những cô gái mặc áo dài đi trên Velo Solex, loại xe của Pháp có gắn động cơ phía trước. Tưởng cũng nên có đôi dòng về chiếc Solex của thời Sài Gòn những năm 1960. Đi Solex là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo vì phía đầu xe rất nặng. Ấy thế mà những cô gái Sài Gòn vẫn tha thướt trên chiếc Solex trước những cặp mắt mê mẩn của cánh đàn ông.
Người đẹp & Velo Solex
Vào những năm đầu thập niên 60, hình ảnh những nữ sinh ngồi trên chiếc xe Solex đen bóng có lẽ vẫn luôn là những ấn tượng không thể nào quên của một thế hệ thanh niên thời đó. Solex cũng là biểu hiện của sự sang trọng vì nữ sinh có xe solex thường thuộc con nhà khá giả. Nói chung, Solex là sự duyên dáng, phô trương kín đáo của người phụ nữ Việt Nam với chiếc áo dài mà vạt sau được gài trên yên xe, không che kín toàn vẹn.
Nữ sinh Sài Gòn với chiếc Velo Solex bên phải và chiếc Mobylette bên trái
Thật gợi cảm khi hai chân cô nữ sinh khép nép đặt trên chỗ để chân nằm chính giữa thân xe Solex. Dáng ngồi thẳng lưng, hai cánh tay duỗi dài đến tận guidon và phía sau là vạt áo dài tung bay theo gió. Ngoài giới nữ sinh trung học, hình như các giới nữ khác ít dùng đến loại xe gắn máy này.
Có điều lạ, cũng là xe gắn máy, nhưng nhìn một cô gái ngồi trên chiếc Solex thấy rõ sự khác biệt với cô gái ngồi trên chiếc Mobylette. Hình như có đôi nét thanh tao, duyên dáng ở Solex mà Mobylette thì dứt khoát không có. Cũng vì lý do đó mà Sài Gòn thời ấy phụ nữ ít đi xe Mobylette.
Solex trên đường phố Sài Gòn
Đối với tôi, không cần nhìn mặt mũi, chẳng cần chiêm ngưỡng dung nhan của người ngồi trên xe. Chỉ cần nhìn thoáng qua hình ảnh người con gái mặc chiếc áo dài màu rêu đá, chiếc quần satin đen, bộ ngực căng phồng lướt gió và mái tóc tung bay theo tà áo… cũng đủ cho những chàng trai si tình như tôi cảm thấy trái tim mình rung động.
Nếu người Nhật có kimono, người Hàn có hanbok thì chắc chắn người Việt Nam có áo dài để hãnh diện. Từ thập niên 1930, họa sĩ Cát Tường (còn có tên Tây là Le Mur, bức tường!) đã thực hiện một cuộc cách tân quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt, trước và sau. Đó là một bước cải tiến quan trọng của chiếc áo dài ngày nay với các kiểu cách phong phú trong việc chiết eo và trong cả khoét cổ. Thôi thì đủ kiểu: cổ thuyền, cổ lá sen, cổ cao, cổ trái tim, phỏng theo áo đầm dạ hội của Pháp.
Áo dài, nón lá trên chiếc Solex
Sang đến thập niên 1960, nhà may Dung ở Dakao đưa ra một kiểu may áo dài mới với cách ráp tay ‘raglan’ để hóa giải những nếp nhăn thường xuất hiện hai bên nách áo. Với cách ráp tay này, áo ôm sít thân hình người mặc từ dưới nách đến eo và chiếc áo dài tăng thêm nét thẩm mỹ khi phô bày những đường cong của phụ nữ.
Tiếp đến thời kỳ ‘mini-raglan’, với tà áo dài rút ngắn lại giống như trào lưu mini-jupe của các cô gái Sài Gòn. Phiên bản này được áp dụng rộng rãi cho nữ sinh, mang đậm chất hồn nhiên và ngổ ngáo của tuổi trẻ. Tà áo được xẻ hơi cao ở hai bên, hở lườn tí xíu để vừa đủ… gợi cảm. Có người đã thi vị hóa đó là ‘tam giác gợi cảm’ trên chiếc áo dài Việt Nam và người phương Tây khen là ‘gợi cảm trong sự kín đáo, trang nhã’.
Tà áo dài và ‘tam giác gợi cảm’
Người ta kể lại câu chuyện một anh lính Mỹ bị mê hoặc bởi chiếc áo dài Việt Nam nên cũng đặt may một chiếc rồi gửi về nhà cho vợ. Cô vợ cũng thích chiếc áo dài nên mặc đi dự dạ hội rồi chụp ảnh gửi cho chồng. Anh chồng tá hỏa khi nhìn hình: vợ anh quá sexy trong chiếc áo dài mà anh quên đặt may chiếc quần đi kèm với áo!
Chiếc quần để mặc với áo dài cũng qua nhiều cải tiến, từ kiểu cẳng què qua đáy giữa, lưng từ to bản luồn giải rút đổi sang lưng nhỏ luồn dây thun rồi đổi qua gài nút bấm, và sau cùng là khóa kéo (fermature) kiểu Tây phương. Trong khi đó, ống quần cũng theo thời, theo mode: khi thì ‘chân voi’ lúc lại ‘ống túm’.
Người Sài Gòn vẫn còn nhớ bà cố vấn Ngô Ðình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân, phu nhân bào đệ cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ngày 6/12/1958, trong dịp khai mạc Triển lãm Nữ công tại Cô Nhi Viện Nữ vương Hòa Bình, bà Nhu xuất hiện với kiểu áo dài không cổ (còn gọi là décolleté), tay ngắn, tóc bới cao. Thế là một số các bà các cô trong Hội Phụ nữ Liên đới đua nhau đi may áo dài theo ‘kiểu bà Nhu’. Từ đó, các kiểu áo dài càng phong phú với đủ các mốt, từ cổ thuyền, cổ vuông đến cổ tròn, cổ trái tim...
Bà Ngô Đình Nhu và con gái Lệ Thủy
Cuối thập niên 60, nhà may Thanh Khánh ở Dakao đưa ra những mẫu hàng thêu hoa lá cành để may áo dài. Kế đến, tiệm Saigon Souvenirs khu Thương xá Tax Sài Gòn lăng xê những mẫu hàng vừa vẽ vừa thêu trên lụa rất quý phái, lịch sự. Ba nhà may nổi tiếng tại Sài Gòn trước 75 hiện đã chạy ra nước ngoài làm ăn: nhà may Thanh Khánh mở tại Paris, nhà may Dung Dakao và nhà may Thiết Lập Pasteur mở tại Mỹ.
Một đặc điểm ít người để ý đến là mỗi chiếc áo dài chỉ may riêng cho chủ nhân của nó và phải trải qua giai đoạn thử áo để chỉnh sửa trước khi hoàn chỉnh. Mặc áo dài của người khác thế nào cũng lộ ra những chi tiết không chính xác về ni tấc của vòng ngực, vòng eo. Áo dài cũng kén người mặc. Ốm quá hay mập quá khi mặc áo dài đều ‘thất bại’ vì áo càng ôm càng… phản chủ!
Người đọc có lẽ cũng thắc mắc không hiểu tại sao tôi lại viết nhiều về áo dài? Số là tôi có thời gian ở nhà bà cô số 158 đường Cống Quỳnh (đường D’Arass cũ), đối diện với trường Hưng Đạo của Giáo sư Nguyễn Văn Phú. Căn nhà này hồi đó treo bảng hiệu Đức Thành, chuyên sửa máy may, nhưng cũng là nơi bà cô chuyên may áo dài. Khách đến may đều là khách quen, thuộc đủ mọi thành phần xã hội, nên ngày một đông dù tiệm không chưng bảng hiệu! Chuyện ‘thâm cung bí sử’ của áo dài cũng xuất phát từ đây.
Ngay từ thời thanh niên tôi đã có cái thú… lẽo đẽo theo các cô. Nhất là những cô ăn mặc hợp với ‘gout’ của mình: áo dài chiết eo làm căng phồng bộ ngực hoặc chiếc mini jupe cao quá đầu gối để lộ cặp chân, cặp đùi nõn nà mời gọi. Cứ lẽo đẽo theo mà chẳng nói một lời, y như một ‘mối tình câm’! Nếu người đẹp dừng bước để ghé vào đâu đó thì đành ‘cắt đuôi’… rồi lại tiếp tục ‘săn lùng’ cô khác. Một cuộc săn lùng người đẹp của cậu trai mới lớn, không phải để tán tỉnh mà chỉ để nhìn ngắm cho thỏa con mắt.
Những tà áo dài thập niên 1960s
Tôi cũng khoái những phụ nữ tóc dài, nhưng không phải là mái tóc thề, mà là tóc uốn lọn lớn, xỏa kín bờ vai. Cho đến lúc này, tuổi đã gần 70 mà sở thích cũng vẫn không thay đổi (xin đừng gán cho tôi danh hiệu… ‘Yamaha’ mà tội nghiệp). Bắt gặp một mái tóc xỏa xuống bờ vai tôi có cảm giác như mình bị đắm chìm trong làn suối tóc.
Chỉ đơn thuần một mái tóc đẹp nhìn từ phía sau lưng vì nếu nhìn rõ khuôn mặt có thể người ta sẽ bị… vỡ mộng. Biết bao lần tôi đã gặp cảm giác hụt hẫng đó và cứ tự trách mình tại sao lại tham lam nhìn khuôn mặt để phải thất vọng.
Đối với tôi, mái tóc phụ nữ là quan trọng hơn cả. Người ta thường nói ‘Cái răng, cái tóc là góc con người’, nhưng với riêng tôi, chỉ mái tóc dài thướt tha cũng đủ nói lên vẻ đẹp hấp dẫn của người phụ nữ chứ không cần hàm răng trắng ngọc.
Ngày xưa, những tiệm uốn tóc của các Chú Ba (Tầu) – những hiệu mang tên như Chú Dzìn, Chú Coóng, thậm chí cả tên Chú Lìn (!) – các bà, các cô năng lui tới để làm đẹp. Hình như tên các chú càng xấu thì tay nghề lại càng cao? Không hiểu tại sao người Tầu lại có khiếu làm tóc ngoài năng khiếu lũng đoạn nền kinh tế bằng nghề như mở chành gạo, làm ‘đại lý độc quyền’ lương thực của cả miền Nam?
Hồi đó, trước cửa tiệm uốn tóc thường gắn một cái hộp hình trụ, dài, bên trong là những đường sọc đỏ trắng. Khi cắm điện, các sọc sẽ quay nhờ một moteur nên nhìn từ xa người ta biết ngay là tiệm uốn tóc. Đến 1975, không hiểu tại sao những hộp đèn này lặng lẽ rút lui. Có lẽ vì sợ tốn điện?
Đến năm 2001, có dịp sang Hàn Quốc tôi sững sờ khi gặp lại những hộp đèn tương tự của Sài Gòn ngày nào đang quay tít giữ thủ đô Seoul. Tôi nghĩ, chắc hình thức hộp đèn này đã trở thành một thông lệ quốc tế nên khẳng định với người bạn Hàn Quốc: “Chắc đây phải là tiệm uốn tóc?”.
Anh bạn người xứ Hàn khiến tôi ngạc nhiên với câu trả lời: “Không phải, đây là tiệm massage. Anh có muốn thử không?”.
Trời đất! Từ hộp đèn của tiệm uốn tóc ở Sài Gòn sang đến xứ kim chi biến thành nơi cung cấp dịch vụ massage! Một cú sốc văn hóa (cultural shock) không thể nào hiểu nổi!
Nguyển Ngọc Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét