Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Làm Việc Thiện và Biểu Tình… - Minh Phượng

Hai chuyện đó có khác nhau không? Có lẽ là không khác mấy, ít ra là trong trường hợp và cách suy nghĩ của mẹ con tôi.Hôm nay, tôi muốn ghi lại những cảm nhận xoáy buốt tâm can của tôi về chuyện con trai út tôi, Sào Nam, đi biểu tình ngày 31/5/2020 tại Long Beach để phản đối việc người da đen bị đối xử bất công, tàn ác. Điều này đã và vẫn còn đang xảy ra từ hơn hai trăm năm qua, và dù hiến chương HK đã được tu chính lại nhiều lần, sự áp bức kỳ thị đến nay vẫn chưa thấy dứt.
<!>
Đây không phải là lần đầu Nam biểu tình. Từ hồi còn rất nhỏ, khi vừa mới học xong lớp hai, chỉ bảy tuổi, các con tôi đã được, hay là bị, tôi lôi theo cùng đi biểu tình chống CSVN, HCM, TC, v.v.., chống những gì đang làm cho đất nước VN bị băng hoại hay xấu xa, chống lại sự bất công gian trá… Mẹ con chúng tôi, trong đoàn người biểu tình, đã gặp những cái nhìn khi khó chịu, lúc cười cợt mỉa mai của người da trắng trong vùng OC, và ngay cả những người đồng hương, lãnh đạm, thờ ơ với vận nước VN. Chúng tôi quá quen với sự vô cảm đó, nhưng vẫn không nản lòng khi nghĩ là mình cũng góp được phần nào đó cho chung quanh biết về những điều gian ác đang xảy ra trên quê cha đất mẹ, nơi cháu chỉ biết qua ba lần theo tôi về thăm từ nhỏ….
Sau khi tốt nghiệp ĐH và có một cuộc sống tương đối “thành công”, việc làm như ý thích, với một người bạn gái tên Carol vô cùng lý tưởng, thông minh, nhân hậu, vị tha, Nam có thể an vui thụ hưởng nếu muốn…Nhưng không, mỗi cuối tuần Nam và Carol tình nguyện lo cho người vô gia cư, dốc công và có khi dốc hết của để lo cho họ…Từ bé, các con tôi, nhất là Nam, thường mủi lòng mỗi khi gặp hành khất người ăn xin trên đường, và trong túi có bao nhiêu tiền quà cũng đem cho hết, lại còn cho với vẻ ân cầ̀n, trân trọng….Các cháu thường tâm sự với tôi là thật sự không thể hiểu được tại sao một quốc gia quá giàu như HK, lại để cho chuyện vô gia cư xảy ra, mà không thấy buồn, hay bứt rứt…
Khi về VN lần đầu, lúc đó Nam mới 7 tuổi, tôi dẫn các con đi thăm, tự mình uỷ lạo các trại mồ côi, khuyết tật, các bệnh viện ung bứu…Cháu đã mủi lòng thương những cảnh đời bất hạnh đó đến độ không muốn ăn ngon, hay đi chơi tung tăng trong khi có quá nhiều người hành khất chung quanh. Có bao nhiêu tiền, cháu chỉ muốn đem cho tất… Các con tôi thường để tâm tìm tòi, học hỏi và cuối cùng đã hiểu được rằng sự kỳ thị, ngược đãi người da đen, da đỏ, người Mễ, và ngay cả người da vàng ngay trên nước Mỹ đã và đang gây ra những bất công, nghiệt ngã. Từng thế hệ trẻ nghèo lớn lên không biết tương lai sẽ ra sao chỉ vì sự kỳ thị màu da…Có kẻ gắng vươn lên, có người buông xuôi, bất mãn, khi nghĩ mình không được đối xử công bằng, trên đời toàn những bất công, gian ác.
Đối với Nam, sự san sẻ cho những người khác yếu kém, bất hạnh là điều tự nhiên như ăn cơm, uống nước….Có lần, Nam vừa qua 18 tuổi, trong chuyến về VN lần thứ ba, khi một người bạn đi theo mẹ con tôi lúc chúng tôi uỷ lạo bên VN muốn chụp hình các cháu trao quà cho các bệnh nhân trong bệnh viện ung bứu, hoặc lúc đút cơm cho trẻ em bị khuyết tật, trong viện mồ côi, Nam không cho chụp và bảo : “mình giúp được bao nhiêu đâu mà chụp hình chi? Vả lại, con nghĩ những người khốn khổ này sẽ tủi thân lắm khi bị chụp hình lúc nhận chút quà nhỏ nhoi của mình. Nếu mình chụp hình rồi đem khoe bạn bè, thì không còn ý nghĩa gì nữa hết, và thật là tội nghiệp cho họ.” Vì vậy, khi gặp những chuyện đáng bất bình, những cảnh đời bất hạnh, đáng thương, cháu luôn muốn cứu giúp, thay đổi, hoặc gióng lên tiếng nói bất bình đến những người có trách nhiệm thay đổi guồng máy trong xã hội…..Đó cũng là lý do cháu đã quyết định biểu tình chống lại sự bất công kỳ thị đối với người da đen, chống lại những chính sách phá hoại môi trường…Tất cả những cái “chống” đó phát sinh từ tấm lòng muốn san sẻ, làm cho xã hội nhân bản, công bằng hơn…
Cũng như hai anh chị mình (Duy Việt và Nam Quyên) khi nghe chuyện ông Floyd bị cảnh sát đè cổ đến chết, Nam đã hết sức phẫn nộ, nên đã cùng Carol đi biểu tình vào ngày chủ nhật vừa qua tại Long Beach. Nam thường xuyên bị bịnh suyễn, ở nhà lúc còn bé phải dùng máy nebulizer để không lên cơn suyễn nặng, và giờ vẫn hay bị khó thở khi lên cơn suyễn, phải dùng Ventolin puffs thường xuyên. Trong lúc này, nếu Nam bị lây Covid19 thì kể như rất xui, chết như chơi! Đã vậy Nam còn bị dị ứng với trứng, sữa, đậu, đồ biển rất nặng. Một giọt sữa mà vào cổ là khí quản cháu có thể sưng phù lên, không thở được và có thể chết ngay nếu không được cấp cứu trong vòng 5 phút! Trước khi đi, Nam làm di chúc, dặn ở nhà đừng cố kéo dài mạng cháu nếu bị Covid19, và cũng dặn Carol là đừng cho ai đổ sữa lên mặt Nam nếu bị xịt khói cay. Mấy tháng nay, Nam làm việc ở nhà, trên computer, tương đối an lành, may mắn…Nghe cháu dự định đi mà tôi xót xa, lo ứa nước mắt và có dặn cháu phải mang mặt nạ và hết sức cẩn thận. Nam hứa sẽ cẩn thận, lo cho chính mình và đoàn người biểu tình chung quanh, rồi cháu còn cười to bảo: “tại mẹ dạy con vậy từ nhỏ tới giờ mà!” Làm tôi cứng họng, không dám cản, dù ruột gan rối bời vì lo cho cháu bị mất mạng…
Carol kể lại là đã vậy, trong khi biểu tình, Nam còn đứng ra làm hàng rào giữa cảnh sát và mấy người đòi đập xe police, để khuyên can họ, và họ đã ngừng lại, cũng như cản ngăn một số người lăm le muốn đập phá mấy tiệm trên đường. Sáng sớm hôm sau Nam còn trở lại và phụ dọn dẹp thành phố nữa! 
Có người đưa tin lung tung, phán là “đám biểu tình này chỉ là chiêu bài của đám dân chủ thổ tả, muốn làm loạn, muốn hôi của!” Họ có biết rằng tôi đã lo lắng, xót xa đến độ nào khi nghĩ ch́áu có thể mất mạng như chơi vì đi biểu tình? Họ có biết tôi uất ức đến bao nhiêu khi nghĩ đến con tôi, một người thanh niên giàu lòng trắc ẩn, sẵn sàng hy sinh thân mình để cùng gióng lên tiếng chuông cho công lý, giờ lại bị xem là phường trộm đạo?
Tôi và các con tôi biết rằng những cuộc biểu tình nếu bị đánh đồng với việc hôi của thì mất chính nghĩa, nhưng cũng hiểu được tại sao chuyện đó đã xảy ra, dù là thiểu số, và có thể được coi là không mang lợi ích gì cho công cuộc đòi nhân quyền, công lý.
Cái lý do đầu tiên, nhiều người nghĩ đến, và chắc chắn có như vậy luôn là có những kẻ thừa nước đục thả câu, đó là điều rất đáng tiếc. Thêm vào đó, lý do thứ hai là hiện đang có một số white supremacists đang trà trộn và để đánh phá người biểu tình, hoặc đập phá cać cửa tiệm để gieo tiếng ać cho những người đi biểu tình. Đó là hành động gian ác, hạ tiện hơn cả những người tuy không tranh đấu gì hết, như cũng trà trộn vào để hôi của.
Nhưng cái lý do tôi muốn nói đây là có nhiều người da đen nghiệm ra được bằng chính kinh nghiệm đau thương của bản thân họ rằng guồng máy an ninh của chính phủ và xã hội đã không thực sự bảo vệ họ. Họ đã từng bị và chứng kiến cảnh sát kỳ thị dã man đàn áp, khinh khi, giết hại họ, cùng lúc lại lo bảo vệ chu đáo, nhũn nhặn hơn nhiều với những người giàu, đa số là da trắng, ăn sung mặc sướng, nhưng vô cảm với những bất công họ phải chịu đựng. Sự bất công trong cách đối xử vì kỳ thị hiển hiện khắp nơi, từ hệ thống giáo dục, sức khoẻ cộng đồng, cho đến pháp lý thường vụ, và rõ ràng nhất trong sự phẩm định tội trạng, bản án của tội pham tại các toà án, không thay đổi bao nhiêu sau khi người da đen được giải phóng khỏi vòng nô lệ năm 1863… Những việc đập phá, hôi của đó, đối với họ, như là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những bất công trong xã hội hơn trăm năm nay. Họ lập luận, cũng không sai lắm, rằng trong xã hội mà tiền bạc, vật chất được coi trọng và những người sở hữu những vật chất đó đã làm ngơ, hay ủng hộ mốt guồng máy bất công, hà hiếp họ thì sự đập phá những cơ sở mà họ cho là đã liên kết, dù cố tình hay vô ý, trong việc cầm đâu bức hiếp họ, hoặc đốt sở, xe cảnh sát, là điều hiển nhiên và chính đáng.
Đây là những trường hợp hạn hữu, và dù cá nhân mình không đồng ý với cung cách bộc lộ như vậy, tôi có thể hiểu được tại sao… Hãy tưởng tượng, nếu vì màu da, mà mình liên tục bị áp bức, bị coi thường, hành hạ, nhục mạ, bị dồn vào đường cùng, nhiều lần, thì chúng ta sẽ phản ứng ra sao với kẻ luôn phiên áp bức, luôn xem những đòi hỏi, yêu cầu chính đáng của mình là “cái tội”, cần phải bị loại bỏ, phủi quét đi bằng bất cứ giá nào?
Ở HK, sự bất công thực sự gắn liền với phân biệt chủng tộc có hệ thống. Và điều này phải được nhìn nhận là vết nhơ, là điều xấu và cần bị tuyệt trừ! Cho đến khi sự công bằng và nhân quyền được thực sự thể hiện đến tất cả mọi người, những kẻ kỳ thị, nắm quyền sinh sát trong tay không thể ra lệnh, yêu cầu những người bị áp bức nên phản kháng và nói lên sự thất vọng của họ với cung cách ra sao. Chúng ta có thể gầy dựng lại / thay thế mọi thứ, bị cướp bóc và vỡ/cháy nhưng không thể thay thế, tạo dựng lại sinh mạng của người đã chết!
Trong lich sử loài người, những biến cố trọng đại, thay đổi toàn bộ xã hội, từ Đông sang Tây, đều bắt đầu với những cuộc nổi loạn, khi lòng dân tràn đầy uất ức, bất mãn. Những trang sử VN oai hùng của chúng ta chống lại ngoại xâm cũng vậy. Tổ tiên chúng ta đã chống, sẵn sàng hiến thân xác khi chiến đấu, giành quyền làm người, vì không chịu nổi sự bất công, tàn ác của kẻ coi chúng ta như nô lệ, là thấp kém, từ Tàu đến Pháp. Nó không khác sự nổi dậy, căm phẫn của người da màu bên đây, từng bị xem như là nô lệ, là kém xa người da trắng, đến giờ cũng vậy. Muốn lật đổ chế độ hà khắc, có được công bình dân chủ cho “tất cả” mọi người, nhất là những người thấp cổ bé miệng, thì kẻ có lòng, với sự thức tỉnh, có bổn phận chống lại bằng cách không đồng thuận, phá vỡ nền tảng đã gây ra sự tàn ác, bất công, dù chính cá nhân họ có thể đã từng được hưởng lợi trong chính guồng máy đó. Họ không chống vì tư lợi, cho bản thân hay gia đình, mà cho đại đa số, và không chống tất cả mọi người trong cộng đồng người da trắng hay giai cấp thống trị, mà chống cái guồng máy đã tạo nên những bất công đó. Cùng lúc, khi những của cải, nhà cửa, đồ vật mà người giàu sở hữu, được coi trọng hơn mạng sống và sự đàn áp năm này qua tháng nọ của những người dân đen, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thì cái xã hội ấy còn có thể được xem là một xã hội nhân bản, là thiên đường, đáng được tôn sùng, trân trọng nữa không?
Lúc mới qua Mỹ, năm 1975, tôi được học tại một trường nữ trung học bên Baltimore, MD, làm bạn với mấy cô bạn rất tốt, rất dễ thương, Mỹ trắng có, đen có. Ngay từ lúc ấy, tôi cũng đã nhận rõ được sự kỳ thị vào còn rất nặng, khi mình lên xe buýt công cộng, hay xe trường, các bạn da trắng vẫn luôn dành ghế trước, học sinh da đen ngồi ghế đằng sau…Tôi kết bạn với cả người Mỹ đen và trắng, và những ngày đầu lên xe, thấy chỗ nào trống thì ngồi, hoặc có cô bạn nào thấy quen thì ngồi chung cho vui. Chỉ vài ngày sau đó, tôi đã ngẩn ngơ, xong ngậm ngùi suy nghĩ, khi bị bạn, nhất là mấy cô da trắng, dẩu môi, chun mũi cằn nhằn là sao lại ngồi ở đó (phía sau, có nhiều người da đen) và còn nói tụi nó hôi lắm, ngồi chung sẽ bị lây hôi!? Mấy cô bạn da đen thì chỉ có vẻ buồn buồn, nhưng không nói chi khi thấy tôi ngồi đằng trước vì bạn da trắng lôi kéo ngồi chung lúc mới bước lên xe…Hơn ba chục năm làm việc, sau khi ra trường, có thêm nhiều bạn đồng nghiệp, từ các phòng thí nghiệm, đến các trường học, những người đến nhiều nơi trên thế giới, nhiều chủng tộc, màu da, tôn giáo khác nhau, tôi càng hiểu thêm về sự kỳ thị người da màu trên nước Mỹ.
Carol, cô bạn gái vô cùng dễ thương của Nam và nhiều người bạn đồng nghiệp của tôi là nguòi Mỹ trắng, rất hiểu biết và dễ dàng bàn luận. Những người này, nhất là Carol, chống lại sự kỳ thị trong những guồng máy chính trị, xã hội trên mọi hạ tầng cơ sở bên HK và phân tích rất cặn kẽ. Người da vàng đã được dùng như một cái “phông” để họ nói rằng: “Thấy không? chúng tôi đâu có kỳ thị. Nếu ai chịu thương chịu khó, biết thân biết phận, làm nhiều, hưởng ít, phục vụ theo những đòi hỏi yêu cầu của chúng tôi thì tất cả sẽ OK thôi, bạn sẽ được chấp thuận, để yên, tự do chí thú làm ăn, và tiếp tay trong công cuộc làm giàu thêm cho nước Mỹ cuả chúng tôi, nơi mà chúng tôi là chủ nhà. Chúng tôi có thể ban bố hay chấp nhận bạn sống chung nếu bạn biết điều, biết phép, biết nghe lời”.
Điều đáng buồn là nhiều người Việt đến giờ vẫn nghĩ rằng người da trắng là những người đầu tiên lập nên HK, có công xây dựng một cường quốc! Và như vậy thì họ có quyền là chủ, nên mình đươc̣ làm công dân hạng nhì cũng là may mắn lắm rồi. Và chỉ có những người làm biếng, như người da đen, người Mễ, mới không ngóc đầu lên nổi…Sự thật lại rất phũ phàng là người da đỏ bị lấy đất, giết hại, người da đen làm nô lệ cho sự ăn sung mặc sướng của những chủ nhân ông người da trắng và cả người da vàng cũng đã từng bị bóc lột lao động khi mới bước chân lên đất HK. Những chính sách được đưa ra, ngay cả đến giờ, vẫn bị sự kỳ thị ảnh hưởng, tạo nên những tình huống bất công trong nhiều quyền lợi tối quan trọng của người dân như quyền bầu cử, và hệ thống pháp lý, cùng những đối xử phân biệt ngay từ lúc những người da đen còn là những đứa trẻ nhỏ trong học đường. Môi trường chung quanh ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công hay thất bại của một người trong xã hội, và sự thật là người da đen cho đến giờ, vẫn phải chịu sống trong những hoàn cảnh thiếu thốn sự lo lắng bảo vệ của chính phủ, vẫn tiếp tục bị dìm xuống, kềm kẹp, hỏi sao họ không bất mãn, không có sự niềm tin vào “công lý”?
Sự lây lan của Covid-19 chắc chắn sẽ tồi tệ hơn rất nhiều sau khi những cuộc biểu tình chống kỳ thị được lắng xuống. Nhưng điều này không thể là mối quan tâm bậc nhất khi sự tàn nhẫn, bạo hành của cảnh sát đối với người da màu vẫn tiếp tục xảy ra….Trong thời điểm này, sự chênh lệch giàu nghèo sẽ càng làm xói mòn tất cả những duyên lành của từng cá nhân trong xã hội HK đã từng mang lại sự đoàn kết và làm cho mọi người tin tưởng vào hệ thống pháp lý, công bằng trên nước Mỹ.
Trong thời điểm này nếu người lãnh đạo biết lắng nghe và xoa dịu niềm đau thì có lẽ đã không xảy ra những thiệt mạng, xô xát, mất mát quá đáng. Nhưng cái gì cũng vậy, tức nước thì vỡ bờ. Thượng bất chính hạ tắc loạn là vậy. Và giờ, khi người cầm quyền còn hăm he muốn dùng quân đội để đàn áp người biểu tình, không khác gì các nước độc tài như Nga, Tàu, v.v…thì đừng trách tại sao người dân, trong đọ có các con tôi, và tôi, càng thêm bất mãn, muốn thay đổi. Và vì thế, đi giúp cho người cơ cực, hay đi biểu tình đòi công lý, bình đẳng, nhân quyền, cũng không khác nhau lắm, nhất là trong lúc này, tuy độ nguy hiểm khác xa nhau, một trời một vực…
Ba hôm sau, ngày 3/6/2020, cháu lớn, Duy Việt và tôi đã biểu tình ở Irvine City Hall. Cuộc biều tình rất ôn hoà, trật tự….
Và dưới đây là một phim ngắn về sự kỳ thị người da đen, do con gái tôi, Quyên Lê, và thân hữu thực hiện năm 2019

Không có nhận xét nào: